Luyện Trí Nhớ

Phần 3: Chú Tâm

 

Chú tâm (attend) là một thành tố quan trọng của trí nhớ. Chú tâm bao gồm Thái độ (Attitude) – Cố gắng (Try) – Theo dõi, tìm kiếm (Track) – Cảm xúc (Emotion) – Thú vị, hấp dẫn (Nice) – Mục đích (Destination). Có thể nói, chú tâm là sự tập trung cao độ vào một sự vật, sự việc hay hiện tượng nào đó. 

Chú tâm là dạng cao hơn, phức tạp hơn so với nhận thức. Bạn có thể nhận thức về sự hiện diện của một người trong phòng nhưng phải chú tâm mới quan sát hết được những sự thay đổi trong phong cách làm việc của người đó. Hoặc bạn nhận thức về sự tồn tại của cuốn sách nhưng phải chú tâm đọc mới biết được cuốn sách đó có nội dung thế nào. 

Như đã phân tích trong phần trước, một trong những nguyên nhân chính khiến cho trí nhớ của chúng ta trở nên nghèo nàn chính là tập trung kém. Khi mất tập trung, trí não của bạn hầu như không thể thu nhận hay nhớ được bất cứ thông tin nào.

Hiện tượng này giống như việc bạn đang nghe thầy giáo hướng dẫn đề cương cuối kỳ nhưng tâm trí lại mơ tưởng về buổi tiệc sinh nhật cuối tuần. Đương nhiên kiến thức của thầy cô lọt tai này và ra khỏi tai kia của bạn ngay lập tức. 

Thực tế, trí não của chúng ta không có khả năng lưu trữ thông tin không được nhận thức. Có nghĩa là khi không thu nhận đủ dữ liệu để tạo thành ý thức về sự vật hiện tượng, bạn sẽ không có động lực để nỗ lực ghi nhớ. Cho nên muốn ý thức và ghi nhớ được sự vật hiện tượng, bạn phải chú tâm. Có hai dạng chú tâm chính: tự nguyện và không tự nguyện. 

Chú tâm tự nguyện xuất phát từ sự quan tâm vốn có hoặc được gắn liền với sự vật hiện tượng. Bạn không mất nhiều công sức làm việc này. Nó xuất phát từ những cảm xúc tự nhiên trong trí não. Nếu yêu thích âm nhạc, bạn sẽ dễ dàng chú tâm hay say sưa với những lời ca trong các bản nhạc bạn được nghe. 

Ngược lại, chú tâm không tự nguyện là dạng chú tâm được áp dụng với những sự vật hiện tượng mà bạn không thấy thú vị. Chúng đòi hỏi bạn phải đầu tư nhiều nỗ lực mới có thể đạt được mục đích. Nếu môn Lịch sử không phải “gu” của mình, bạn sẽ phải nỗ lực hơn nhiều để có thể nhớ được những sự kiện, nhân vật hay các con số thống kê. Nếu bóng đá không phải sở trường của bạn, thì việc ai đó thách đố bạn về các trận đấu hay các cầu thủ nổi tiếng sẽ khiến bạn tốn khá nhiều “chất xám” đấy.

Như vậy, chú tâm không tự nguyện là dạng chú tâm “ép buộc”. Nhưng để gia tăng trí nhớ của mình, bạn nên toàn tâm toàn ý tập trung phát triển kỹ năng “ép buộc” này. Sau khi luyện tập, bạn sẽ nhớ mọi thứ dễ dàng hơn và sẽ vô cùng ngạc nhiên trước khả năng “nuốt trôi” những thông tin tưởng “khó xơi” trước đây. 

Những cách thức dưới đây sẽ đưa bạn đi sâu vào quá trình gia tăng kỹ năng chú tâm không tự nguyện và chắc chắn bạn sẽ thấy chúng không còn là những “ép buộc” đáng ghét nữa.

Loại bỏ những tác nhân gây xao lãng

Muốn gia tăng kỹ năng chú tâm không tự nguyện, trước hết bạn cần phải loại bỏ những tác nhân gây xao lãng. Vậy những tác nhân này là gì và làm sao để chúng ta có thể loại bỏ chúng một cách hiệu quả?

Phiền nhiễu hay các yếu tố gây xao lãng là các tác nhân tồn tại rất nhiều xung quanh chúng ta. Khi cuộc sống con người ngày càng đầy đủ, sung túc thì những yếu tố gây xao lãng sẽ càng gia tăng. Đó có thể là những chương trình ca nhạc, phim ảnh, âm thanh của các phương tiện giao thông hay thậm chí là một mùi hương thoảng qua. 

Khôi đang kiểm tra lại bài vở để chuẩn bị cho buổi thi cuối kỳ vào tuần sau, thế nhưng âm thanh của bộ phim hấp dẫn đang trình chiếu trên TV văng vẳng bên tai. Không những thế, mùi thơm của món mực nướng từ dưới bếp bay lên khiến cậu mất hết cả tập trung. Lúc này Khôi không còn “hơi sức” đâu mà tập trung vào các con số. Trong đầu cậu chỉ toàn những cảnh quay sôi động và món mực nướng thơm lừng. Bạn đã bao giờ trải qua hoàn cảnh như Khôi – mất hết tập trung như thế?

Vậy làm sao để giảm thiểu và ngăn chặn điều này? 

Trước tiên, hãy cố gắng tránh tất cả những yếu tố gây xao lãng “hấp dẫn” như Internet, chương trình TV, radio hoặc những câu chuyện phiếm. Bạn cần tìm một nơi yên tĩnh để hết sức chú tâm vào môn học. Bạn cũng nên để điện thoại ở chế độ rung, tắt hẳn máy vi tính hoặc rời càng xa chúng càng tốt. 

Trong trường hợp bắt buộc phải làm việc trên máy tính, hãy ngắt kết nối mạng Internet hoặc dán dòng chữ: “Không vào mạng, không chơi game” phía trên màn hình máy tính. Chúng sẽ cảnh báo bạn mỗi khi bạn có dấu hiệu bị cám dỗ. 

Nếu có phòng riêng, bạn nên đóng cửa lại và treo một tấm biển “Đang học bài – Xin đừng làm phiền” ở phía ngoài. Bạn phải luôn nhớ rằng “càng ít tác nhân cám dỗ, phiền nhiễu, càng ít bị phân tâm.”

Học cách điều khiển sự tập trung 

Đôi khi bạn gặp phải những tình huống bất ngờ, cần chuyển hướng sự tập trung kịp thời vào thông tin, sự việc mới. Việc bạn phải làm là điều khiển sự tập trung để thu nhận đầy đủ thông tin mới. 

Bạn cần nhận thức được tầm quan trọng của thông tin cắt ngang và quyết định tạm gác lại thông tin hiện tại để ưu tiên tập trung vào chúng.

Ví như khi bạn đang tập trung cao độ giải một bài toán khó thì có thông báo lịch thi học kỳ. Nếu bạn tiếp tục chú tâm vào bài toán mình thì sẽ bỏ lỡ mất thông tin về lịch thi. Dĩ nhiên, sau đó bạn sẽ gặp rắc rối với thông tin về địa điểm, thời gian diễn ra các môn thi.

Bởi thế bạn cần thay đổi sự chú tâm. Hãy tạm thời dừng dòng suy nghĩ dành cho bài văn để chuyển sang nghe ngóng thông báo về lịch thi học kỳ. 

Chỉ khi nào hoàn toàn chú tâm, bạn mới có thể nhớ đầy đủ các chi tiết trong thông báo đó. Nhưng đừng quên rằng bạn cần nhanh chóng tập trung trở lại vào bài toán. Bạn nên ghi chú để lưu lại các thông tin mới vừa thu nhận được. Bạn sẽ không bị phân tâm khi vừa phải suy nghĩ bài toán vừa phải canh cánh về lịch thi. Để rõ hơn về kỹ thuật ghi chú, bạn có thể theo dõi trong phần sau của cuốn sách.

Tìm kiếm điểm hấp dẫn của những thứ cần nhớ

Nhiều lúc bạn tự hỏi: Tại sao bạn đã cố gắng hết sức nhưng thông tin vẫn không “đi” vào bộ nhớ của mình. 

Thực tế, ít quan tâm hay không hứng thú với thông tin có lẽ là nguyên nhân phổ biến nhất của việc chú tâm kém. Khi đam mê, yêu thích một điều gì đó, bạn sẽ dễ tìm thấy sự hấp dẫn và cuốn hút ở nó. Nhưng có những thứ bạn không tài nào hứng thú nổi. 

Vậy phải làm sao để chuyển những điều không hấp dẫn thành hấp dẫn? 

Hãy đào sâu gì bên trong mỗi sự vật hiện tượng. Bạn sẽ thấy bên trong cái vẻ “xù xì” xấu xí không ưa của chúng là những điều hấp dẫn lý thú đang chờ bạn khám phá.

Khi gặp một vấn đề khó, thay vì “tấn công” trực diện, bạn nên đi từ dễ đến khó, từ những phần bạn thích thú đến phần “đáng ghét”. Đồng thời cân nhắc về lợi ích của nó.

Bạn phải học về Lịch sử thế giới (với bạn nó chính là môn học “ru ngủ”) trong khi không có chút hứng thú nào. Thay vì miễn cưỡng “đối đầu” với nó, bạn nên bằng lòng chọn con đường vòng. Thử tìm xem liệu có phần nào bạn làm thấy thích thú không? 

Nếu yêu thích âm nhạc, bạn có thể đọc về tiểu sử các nhà soạn nhạc thiên tài, bạn sẽ ngạc nhiên và thán phục khi biết rằng nhạc sĩ Beethoven bị điếc hai tai mà vẫn viết nên Bản Giao hưởng Số 8, Bản Giao hưởng Số 9,  Bản Lễ ca, những sonata cuối cùng: Liên tấu cho đàn piano và Tứ tấu - những tác phẩm vĩ đại nhất của ông. 

Nếu bạn tìm hiểu lịch sử bóng đá thế giới, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ với thông tin thú vị: Chiếc còi được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1878 trong trận đấu giữa Nottingham Forest và Sheffield Norfolk. Thẻ vàng, thẻ đỏ được sử dụng lần đầu tiên tại Giải vô địch bóng đá thế giới năm 1970 sau vụ náo động tại trận đấu giữa Argentina và Anh tại Giải vô địch bóng đá thế giới 1966, v.v…

Sau những khám phá mới mẻ ấy, bạn sẽ cảm thấy lịch sử thời trung – cận đại không khô khan như bạn nghĩ và bắt đầu cảm thấy hứng thú với nó. Thậm chí bạn muốn quay trở lại phần lịch sử cổ đại để tìm hiểu xem thời đó chơi thể thao hay trình diễn âm nhạc như thế nào. Bạn sẽ có thiện cảm với môn học này lúc nào không hay đấy.

Bạn đừng chỉ dựa vào tiêu chí thích thú để chọn nội dung học. Hãy xác định mục đích và tìm tòi lợi ích của môn học, tôi tin rằng bạn sẽ có động lực học tập mạnh mẽ hơn nhiều. 

Nếu như bạn cảm thấy “đuối sức” với môn Văn học cũng đừng đánh mất ước mơ viết được những tác phẩm trứ danh, được dịch ra hàng chục thứ tiếng, sau đó được dựng thành phim và được nhiều người ngưỡng mộ trong tương lai không xa.

Có lẽ không ít lần bạn chán ngán với những con số, những phép tính vô vị của môn Toán? Vậy làm sao bạn có thể tiếp tục học nó? Hãy nghĩ rằng các công thức đó sẽ giúp bạn giải được những bài toán kinh tế hóc búa. Sau này, bạn có thể trở thành nhà đầu tư tài ba và thông minh trong giới doanh nhân. 

Bằng cách tìm kiếm những điểm hấp dẫn và lợi ích của các thông tin, bạn sẽ ghi nhớ chúng dễ dàng hơn.

Có thể khi mới bắt đầu, bạn cảm thấy khó khăn, nhàm chán, thậm chí mệt mỏi. Nhưng đừng bỏ cuộc! Hãy bắt đầu từng bước và tin tưởng rằng bất kể điều gì cũng có sự thú vị riêng. Chỉ cần bạn tỉ mỉ quan sát, dừng lại đánh giá cảm xúc và trí óc của bản thân theo từng giai đoạn, tôi tin rằng bạn sẽ thấy điều tưởng như không hấp dẫn cũng có những thú vị riêng. 

Cuộc sống này có vô vàn điều thú vị, hãy tìm tòi để phát hiện ra những vẻ đẹp lung linh ẩn đằng sau nét thô ráp của chúng.

Kiểm soát sự đấu tranh nội tâm

Có một nguyên do khác khiến bạn không thể tập trung vào thông tin cần ghi nhớ: rất có thể tâm trí bạn đang bị một suy nghĩ khác “quấy rầy” hoặc chi phối. Nó lôi kéo, làm phiền, thậm chí phá rối, ngăn cản bạn tiếp cận thông tin cần nhớ. 

Nam đang cố gắng chăm chú nghe cô giáo giảng bài môn Hóa, nhưng trong đầu cậu, bài tập Vật lý học thêm chiều nay mà cậu chưa kịp làm đã choán hết tâm trí. Không những thế, cơn đói cồn cào vào tiết cuối khiến cậu không thể không nghĩ đến các món ăn, băn khoăn không biết trưa nay mẹ sẽ nấu món gì. Đầu óc tràn ngập những suy nghĩ không đúng giờ đúng việc như thế, Nam không tài nào tập trung vào bài giảng trên lớp được. 

Một khi bị phân tán tư tưởng bởi sự tranh chấp giữa các ý nghĩ, cách tốt nhất là tạm thời đưa chúng ra khỏi đầu bằng phương pháp “chia để trị”. Nam đã viết suy nghĩ của mình ra giấy để xem xét từng việc và dần dần kiểm soát được suy nghĩ và sự xao lãng của mình. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp này đối với bản thân, hãy dành thời gian lên lịch cho quá trình giải quyết từng việc hay lập trình cho trí óc mình chú tâm vào mỗi công việc trong từng thời gian nhất định. 

Bằng cách này, đầu óc bạn sẽ được giải thoát khỏi sự tranh chấp của các ý nghĩ và rảnh rang dồn sự chú tâm vào vấn đề cần tập trung ngay lập tức.

 

 

 Bài tập

Dưới đây là một số bài tập ngắn giúp bạn rèn luyện khả năng chú tâm của mình. Hãy thực hiện mỗi yêu cầu sau với thời gian tối đa 2 phút.

1.  Nhà Mai có 5 người con, chị cả tên là Hai, chị hai tên là Ba, thằng tư tên là Năm, thằng năm tên là Sáu. Hỏi Mai là con thứ mấy trong nhà?

2.  Xe khách Bắc Nam khởi hành từ Sài Gòn lúc 10h với 10 hành khách trên xe. Đến 11h bạn bán vé cho thêm 5 người nữa. 11h30 có 2 người xuống xe. 11h45 thêm 7 người lên xe. 13h30 đến Bình Thuận có 10 người lên. 14h đến Mũi Né, 5 người xuống xe. 17h đến Nha Trang có 15 người lên xe. 21h, tại Diêu Trì có 5 người xuống, 7 người lên. Đến Quảng Nam lúc 6h, có 25 người xuống, 20 người lên. Hỏi xe dừng đón khách tại bao nhiêu trạm? 

3.  Hãy mở tivi vừa đủ nghe, mở radio bên cạnh, đồng thời đặt một cuốn sổ ghi chú và một cuốn sách. Ghi lại những gì tivi đang đề cập, radio đang phát và thông tin cuốn sách đang đọc.

4.  Xem các đoạn quảng cáo, bộ phim rồi tìm những chi tiết vô lý trong đó (chắc chắn bạn sẽ tìm ra khá nhiều chi tiết không hợp lý.)

5.  Tàu điện đi với vận tốc 100km/giờ, vận tốc gió là 2km/giờ. Hỏi khói của tàu điện bay theo hướng nào?

6.  Ngồi vào bàn học liệt kê ra giấy những vật dụng có trong nhà bếp. Sau đó vào nhà bếp quan sát những vật dụng còn thiếu. Quay trở lại ghi vào một mảnh giấy khác. Đem so sánh hai mảnh giấy và các đồ vật có trong nhà bếp. Có thể sẽ có sự trùng lặp giữa hai mảnh giấy và một số đồ vật chưa được nhận biết (ví dụ: dao mở hộp,…). 

7.  Thử vẽ ra giấy những biểu tượng, logo hay thông tin mà bạn thường xuyên tiếp xúc hàng ngày (logo của các hãng nước ngọt, hàng tiêu dùng v.v… hay địa chỉ ngôi trường bạn đang theo học.)