Luyện Trí Nhớ

Phần 2: Khắc Phục Chứng Hay Quên

Bạn muốn ghi nhớ nhưng lại hay quên. 

Nhưng làm sao bạn biết mình quên những điều đã không nhớ trước đó. Cái bạn nhớ được chỉ là những thông tin được lưu giữ trong trí nhớ gần mà thôi.

Chính vì vậy việc khắc phục chứng hay quên là bước tiên quyết trước khi sang những bước tập luyện tiếp theo.

Nguyên nhân chính của chứng hay quên

Quá trình ghi nhớ của con người giống như một chiếc máy quay phim. Chất lượng hình ảnh phụ thuộc phần lớn vào người cầm máy và các điều kiện ngoại cảnh. Thêm vào đó trong quá trình bảo quản, cuộn phim có thể bị trầy xước hoặc hư hại khiến thông tin chứa trong đó khó sử dụng được.

Theo một hướng khác, bộ não chúng ta giống như một máy tính. Trong quá trình thu nhận thông tin mới, những thông tin cũ được đơn giản và tinh gọn lại. Điều này khiến cho chất lượng của thông tin cũ bị ảnh hưởng. Nội dung thông tin vẫn còn đó nhưng các mảnh ghép của thông tin đã bị thất lạc khiến cho bộ não không thể tái cấu trúc lại thông tin.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ việc biến dạng thông tin bộ nhớ bao gồm cả việc ghi nhận và truy xuất thông tin. Trong các quá trình này, trí não phát hiện một phần trong thông tin bị lỗi hoặc không chính xác. Sự phát hiện này khiến trí não từ chối truy xuất hoặc ghi nhận toàn bộ những thông tin đi kèm theo sau đó.

Việc phải tiếp nhận quá nhiều luồng thông tin trong thời gian ngắn cũng khiến bộ não bị quá tải cục bộ - giảm khả năng ghi nhớ. 

Nó giống như việc bạn được yêu cầu học thuộc 100 từ tiếng Anh trong vài giờ. Bạn sẽ “tẩu hỏa nhập ma” với khối lượng kiến thức lớn buộc phải nhớ trong thời gian ngắn. 

Nếu chúng ta vừa trải qua những việc đau buồn hoặc đang đối mặt với áp lực thì tinh thần sẽ căng thẳng, làm cho quá trình ghi nhận, lưu giữ thông tin bị giảm sút nghiêm trọng. 

Bí quyết khắc phục

Cách thức đơn giản và hữu hiệu nhất để cải thiện chứng hay quên là ghi ra giấy. 

Hãy ghi chú những điều bạn muốn nhớ ra giấy. Bạn cũng có thể ghi chú trên máy tính, điện thoại, thậm chí có thể ghi âm bằng giọng nói trên máy nghe nhạc. 

Bạn có thể mang những ghi chú này đi bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Những phương pháp ghi chú “công nghệ cao” là công cụ rất thuận lợi và hữu hiệu để “nhắc nhở” bạn khi cần. 

Phương pháp ghi chú sẽ đạt hiệu quả cao khi bạn kết hợp với sự tưởng tượng. Các nghiên cứu cho thấy trí tưởng tượng và sự khôi hài giúp chúng ta cất giữ các thông tin quan trọng vào nơi chúng ta không bao giờ quên. 

Gắn một sự việc với một hoạt động thường xuyên cũng là một cách để ngăn chặn quên lãng. 

Một phương pháp khác để “đối phó” với chứng hay quên là gắn thông tin cần nhớ với các gợi ý trực quan. Chúng càng trực quan sinh động bao nhiêu bạn càng dễ dàng ghi nhớ bấy nhiêu. 

Ví dụ, thứ Hai tuần tới là sinh nhật của mẹ. Bạn dự định làm một món quà thật ý nghĩa là một video clip tập hợp những bài hát và hình ảnh mẹ yêu thích. Việc đầu tiên bạn cần làm là thu thập các bài hát và hình ảnh. Tuy nhiên, với thời gian biểu bận rộn của mình, bạn có thể quên béng mất việc này. Hãy tạm thời thay bức ảnh bạn yêu thích thành bức ảnh mẹ bạn yêu thích và đặt chúng trên TV, kệ sách, hay bàn học để nhắc nhở trí nhớ của bạn. Để nhắc nhở thường xuyên, bạn có thể đặt một bức ảnh nhỏ trong cặp sách hay ba lô. 

Hiệu quả hơn, bạn có thể để nó trong ví, cài bài hát mẹ bạn yêu thích làm nhạc chuông điện thoại. Chúng sẽ nhắc nhở bạn mỗi khi bạn rút ví ra trả tiền, hay nhận cuộc gọi đến. 

Bạn cũng có thể ngăn chặn chứng hay quên bằng cách tập trung và âm thanh hóa thông tin cần nhớ. Hãy nói lớn những gì bạn muốn làm ngay tại thời điểm đấy. 

Cũng theo các nghiên cứu, điều tra, lối sống khép kín ít chia sẻ, trò chuyện hoặc lười suy nghĩ sẽ khiến trí nhớ của chúng ta bị giảm sút nặng nề. 

Vì vậy tích cực tham gia thảo luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm, lối sống sẽ làm trí óc sắc sảo hơn và các kỹ năng của bạn cũng nhanh nhạy hơn. 

Cách ghi nhớ tốt nhất là không chỉ nghĩ đến sự vật, sự kiện mà nên nghĩ đến tình huống dẫn tới chúng. Cụ thể hơn, nên nghĩ đến hành động của bạn trong tình huống đó. 

Nhiều lần bạn cố gắng nhớ về việc mình làm trước khi tình huống này xảy ra. “Mình về nhà, lên phòng thay đồ rồi đi tắm,…” Đó là cách thức đúng nhưng vẫn còn đơn giản. Bạn cần phải chi tiết hóa từng hành động trước đó. Càng chi tiết càng dễ nhớ lại những gì mình đã làm lúc ấy. 

Ví dụ trong trường hợp không thấy chùm chìa khóa, bạn hãy cố gắng nhớ lại chuyện gì đã xảy ra trước đó. Sáng nay bạn đi học muộn, vừa gửi xe bạn đã vội chạy lên lớp. Như vậy, rất có thể bạn đã quên không rút chìa khóa xe. Cũng có thể khi vội vã ngồi vào bàn lấy vở ghi chép, bạn bỏ nó vào cặp lúc nào không hay. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần tìm kỹ trong ba lô hoặc cặp sách. 

Bí quyết khắc phục chứng hay quên trong thời gian thi cử

Tính đãng trí đến vào đúng lúc ngồi phòng thi thì thật đáng tiếc. Bao công sức ôn luyện bỗng chốc tiêu tan. Khi rơi vào tình huống dở khóc dở cười này, bạn đừng quá lo lắng vì vẫn có cách để bạn xoay chuyển được tình thế.

Điều quan trọng đầu tiên là bạn phải tự tin - tin rằng mình thành công. Hình dung sự thành công đó bằng những công việc, nhiệm vụ cụ thể bạn phải làm và cảm giác sung sướng khi vượt qua kỳ thi với điểm số hoàn hảo. 

Hãy hình dung tất cả những thông tin cần thiết đang được trải rộng ngay trước mắt. Bạn có thể cầm các đề mục, bài học, đưa chúng lên ngắm nhìn, đọc chúng một cách dễ dàng. Và trong thoáng chốc, tất cả những kiến thức đã học ùa về hỗ trợ bạn. 

Nếu phát hiện căng thẳng, lo lắng đang tấn công trí óc, làm bạn không thể nhớ bất cứ thứ gì, bạn chỉ cần thả lỏng người và thư giãn. 

Hãy hít thở thật sâu và nghĩ về điều tốt đẹp. Trước khi đối mặt với những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn như thi học kỳ, tốt nghiệp hay thi đại học, những hình ảnh về cuộc sống tươi đẹp sẽ giúp bạn thư giãn để tập trung tốt hơn. 

Nếu bạn cứ chìm trong nỗi sợ hãi, hậu quả kéo theo sẽ là những tiêu cực và hoảng loạn. Vậy thì bạn đừng cố gắng trốn tránh nó, hãy đánh lạc hướng nỗi sợ hãi hiện tại bằng cách tự tạo ra một nỗi sợ khác như bạn thấy cả một tòa nhà cao tầng đang đổ sụp lên đầu, máy bay rơi ngay bên cạnh. Nỗi sợ hãi ban đầu của bạn sẽ sớm kết thúc và bạn lại có thể áp dụng cách thức thư giãn. 

Còn một giải pháp khác cho bạn là hình dung một cái gì đó trở nên cực kỳ ngộ nghĩnh. Hãy hài hước hóa những sự vật, hiện tượng ngay trong tầm mắt bạn. Bởi chúng là một trong những tác nhân khiến bạn căng thẳng, lo sợ. 

Bạn có thể biến thầy giám thị nghiêm nghị trở thành ông địa bụng phệ đang phe phẩy quạt, tưởng tượng những thí sinh xung quanh là những tiểu đồng tóc để chỏm trái đào. 

Những giải pháp này sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng và kiểm soát tinh thần. Khi cảm giác thoải mái thư giãn và tập trung tới thì những kiến thức cũng sẽ tự nhiên hiện ra. 

Điều quan trọng cuối cùng là hãy để tinh thần bạn luôn thoải mái, đừng tạo áp lực cho bản thân. Nếu bạn mắc phải chứng hay quên thì cũng đừng buồn rầu nản chí mà hãy chăm chỉ luyện tập. 

Hàng ngày hãy thực hành nhớ những điều đơn giản, bất cứ sự vật, hiện tượng nào đến với bạn. Có thể chỉ là nhớ thực đơn trong bữa điểm tâm, nhớ cảm giác đạt điểm cao lần gần đây nhất hoặc những ký ức tốt đẹp sâu đậm. 

Những thực hành đơn giản này sẽ giúp bôi trơn các đường dẫn hồi phục trí nhớ. Không chỉ vậy, nó còn giúp trí óc bạn hoạt động nhanh nhạy hơn, ghi nhớ dễ dàng hơn. 

Trong phần tiếp theo, tôi sẽ đưa ra những giải pháp giúp bạn tập trung, một trong những rắc rối lớn của nhiều bạn học sinh sinh viên.