Luật Đời & Cha Con

Chương 12

Câu chuyện xô xát vừa rồi, Thanh Diệu mới vỡ lẽ rằng, lấy một người chồng mà mình thích thì đơn giản. Nhưng lấy được một người chồng lại là người bạn đời, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, cộng hưởng, nhân lên khả năng của mình là đều rất khó. Ngay tối hôm xẩy ra sự việc, tỉnh lại, chị bỏ về nhà bố mẹ đẻ, nằm khóc rấm rút. Bố hỏi, chị trả lời trong tiếng nấc nghẹn:

- Con không ngờ tiên lượng của bố đến nhanh thế.

Ông cụ bảo:

- Tối nay thì ở đấy cũng được, nhưng ngày mai thì không. Con phải chấp nhận, phải chịu đựng. Nếu không thể là suốt đời, thì cũng phải trong một thời gian nào đó, thậm chí một giai đoạn nào đó, cho đến khi thằng bé vào đại học đã. Không phải chỉ vì nó, mà còn vì công tác… Vị trí công tác của con đòi hỏi phải có một gia đình, về hình thức là ổn định, tránh để dư luận đàm tiếu không lợi. Bản thân con cũng phải được chuẩn bị, con con cũng phải được chuẩn bị, mà dư luận cũng phải được chuẩn bị.

Nghe lời bố, chị cố từ chối những cuộc họp, mà người ta chỉ cần sự có mặt của chị cho long trọng, là thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân Quận.

Những cuộc họp ngoài giờ, buộc phải dự để giải quyết công việc, chị đề nghị mọi người đi thẳng vào vấn đề, không rào đón, không thưa gửi quá nhiều.

Từ ngày lấy nhau, hai vợ chồng vẫn ở cùng phòng, nhưng ngủ hai giường. Lúc hai "con ong" còn "con quấn con quýt, con trong, con ngoài" thì vừa đóng cửa phòng đã lao vào nhau rồi. Nhưng xong cuộc tình, ai lại về giường người ấy. Vì thế, bây giờ có chuyện thế này cũng tiện. Từ bấy trở đi, mỗi lần đi ngủ chị cứ nơm nớp sợ chồng mò sang đòi hỏi. Sau chuyện ấy, anh ta không hề tỏ ra ân hận vì đã xúc phạm vợ. Không xin lỗi không làm lành, không một cử chỉ, thái độ chứng tỏ mình đã làm một điều không phải…

Chị thì không thế.

Ngay hôm sau đi làm về, sau khi tạt qua chợ, (vì ngủ nhà bố mẹ đẻ nên chị đến thẳng cơ quan, không đi chợ sáng như mỗi ngày được) chị về nhà ngay. Rất may, nhà không có khách, nên không ai phải đóng kịch. Anh ta đang ngồi trên sa lông. Nhìn bộ mặt dài, hai gò má xương xẩu của chồng, lần đầu tiên chị thấy khó coi đến thế. Chị đến trước mặt anh ta, không ngồi xuống, cứ đứng nói, giọng hết sức quyết liệt:

- Em xin lỗi đã xử sự như thế. Nhưng anh phải trả em món nợ này! Anh phải thanh toán sòng phẳng với em. Vì sao anh nói như vậy? Nếu lời nói ấy có cơ sở, thậm chí không cần bằng chứng, em cũng chịu. Lúc ấy anh có thể trừng phạt em thế nào cũng được, bỏ cũng chịu. Còn không thì không thể được. Em chờ câu trả lời của anh.

Anh ta không trả lời. Mãi mãi không dám trả lời.

Vì không thể trả lời sòng phẳng được.

Vậy mà cái điều chị nơm nớp sợ hằng đêm đã đến.

Cũng không lâu lắm sau cái ngày bi kịch ấy. Anh ta mò sang, ngồi xuống mép giường. Tấm đệm lún xuống làm chị thức giấc, nhưng vẫn nằm im như ngủ say. Tay anh ta bắt đầu nắn bóp. Chị cảm thấy bị xúc phạm, hỏi:

- Anh bảo vợ anh dùng vốn tự có để tiến thân, mà anh vẫn làm thế này là nghĩa làm sao?

Không dừng lại, tay tiếp tục lần cởi áo quần chị, anh ta trơ trẽn trả lời:

- Quà giữa chợ, vợ giữa nhà. Thích lúc nào thì dùng lúc ấy.

Chị đành cắn răng nằm yên như một cái xác không hồn, mặc cho anh ta hùng hực đày vò. Nước mắt chị không biết tự lúc nào cứ dàn dụa. Khi cơn thèm khát đến cao độ, hai tay anh ta ôm ghì lấy chị, mồm vục vào miệng chị thì, không thể chịu được nữa, chị phản ứng quyết liệt: môi mắm chặt, hai tay hết sức đẩy mặt anh ta ra. Ừ thì mấy chỗ kia, coi như miếng thịt giữa chợ. Nhưng cái miệng, nó biết nói, nó chỉ chấp nhận khi nó yêu thương.

Chị có thể giấu được mọi người, nhưng không thể giấu được một người, khi người ấy nhìn sâu vào mắt chị.

Chị có thể nói dối mọi người, nhưng không thể nói dối được một người, khi chị và người ấy cùng nhìn sâu vào mắt nhau.

Họ đã từng nhìn sâu vào mắt nhau như thế, từ nhiều năm nay.

Họ đọc được tất cả các thông tin của nhau trong đó

Họ cũng đọc thấy hình bóng mình trong đó.

Lần đầu gặp anh, Thanh Diệu đã sửng sốt và ngẩn người trước một khuôn mặt đàn ông thông minh, cương nghị. Câu chuyện vào Đảng của chàng giám đốc trẻ nhà máy Thắng Lợi, đã một dạo truyền đi trong cả thành phố, như một điển hình của tính ngang ngạnh, bất chấp. Người ta đồn đại như thế. Hôm nay, chị đến với tư cách là chuyên viên phòng Tài chính Quận. Ngồi đợi một tí ở phòng khách thì anh vào. Không còn nhớ nội dung làm việc. Hay là chỉ kiếm cớ gặp thôi, cũng không biết nữa. Trong câu chuyện thăm hỏi xã giao về công việc, học hành, gia đình, chị trả lời, "Nhà tôi công tác địa chinh quận", thì anh nói một câu như luyến tiếc: "Sao lấy chồng sớm thế?" rồi chuyển ngay sang chuyện khác Nhưng chị cảm nhận được rất rõ, ngay trong ánh mắt anh nhìn mình, cũng như mình nhìn anh, một cái gì đó rất khác thường, chưa thể gọi tên ra được. Nhưng nếu một trong hai người chỉ cần phát ra một tín hiệu, dù nhỏ đến đâu, là lập túc người kia bắt được ngay, và lập tức họ sẽ là của nhau. Mãi mãi!

Nhưng hoàn cảnh của họ, như đã có ranh giới vô hình, nên không ai phát tín hiệu gì. Chỉ ngấm ngầm chôn chặt nó vào một ngăn bí mật trong sâu thẳm lòng mình, vĩnh viễn khoá chặt.

Sau này, chị được công tác dưới quyền anh, giúp việc anh, gần anh được đúng sáu tháng. Đấy là sáu tháng hạnh phúc và khổ đau. Cả hai người đều bận bịu trong cương vị công tác mới, đều bằng mọi cách làm tốt chức phận của mình.

Họ vẫn không phát ra bất kỳ tín hiệu gì. Hình như chìa khoá chiếc ngăn bí mật họ đều đã vứt xuống sông, xuống biển cả rồi. Lúc đó, anh đã lập gia đình. Đã có một con gái. Đám cưới họ, chị đã đến dự, chỉ tò mò xem mặt cô dâu, để ngầm so sánh với mình, chỉ để nhìn vào mặt anh một thoáng rồi cáo lỗi về ngay. Chị cũng không biết việc anh được đề bạt lên chức vụ mới, với mình là hay hay dở. Trong sáu tháng ấy, mỗi lần được họp với anh, chị cố gắng không nhìn anh.

Luôn cắm cúi ghi chép mà lắm lúc chả biết mình viết cái gì bởi có lần dở ra đọc thấy có những câu ngớ ngẩn, không đầu không cuối. Thì miễn là viết cái gì đó, để mắt phải nhìn vào ngọn bút, chứ chả nhẽ lúc nào cũng nhìn thẳng. Chị chỉ cho phép mình từ phía sau, từ xa ngắm anh, nhìn bước đi rắn rỏi, chững chạc tự tin của anh mà thôi. Chị sợ người khác nhận ra cái nhìn khác lạ của mình. Bây giờ anh được đề bạt làm bí thư Quận uỷ, cũng vẫn trong một khuôn viên, một toà nhà, chỉ khác khu vực chỉ đi hai cầu thang từ hai đầu, mà cũng có thể đi cầu thang giữa, từ đại sảnh. Nhưng tính chất công việc đã khác Anh không là cấp trên trực tiếp của chị.

Anh chỉ lãnh đạo, chỉ cho chủ trương. Mọi việc phải tự lo liệu. Đồng chí chủ tịch là cán bộ trên điều về, chưa chỉ đạo cụ thể một vấn đề gì. Thế nên mới đẩy chị sang xin ý kiến anh.

Thanh Diệu gọi điện sang Văn phòng Quận uỷ, đề nghị xếp lịch cho chị làm việc với bí thư Quận uỷ.

Đoàn Hùng, phó chánh văn phòng vừa vào, Trần Kiên đã bảo:

- Cho mình hai cốc Dimah dâu đá. Đồng chí phó chủ tịch thích dùng loại này.

Tranh thủ lúc chỉ có hai người, anh hỏi chị:

- Em có chuyện không vui phải không?

Chỉ một câu hỏi đơn giản thế thôi. Nhưng con mắt nhìn kia đã thấu tỏ. Chị chực khóc. Chỉ cần nhìn lâu vào đôi mắt kia là không cách gì giữ được. Chị nhìn vào cõi vô định.

- Thôi, để lúc khác anh ạ!

- Mời đồng chí phó chủ tịch uống nước. Anh em bên ấy bảo đồng chí thích loại nước này.

Khi có người khác, Kiên lại xưng hô theo kiểu hành chính như thế. Còn Thanh Diệu Là phụ nữ, lại không phải trong cuộc họp, nhất là làm việc tay đôi thế này, chị vẫn cứ xưng em. Dĩ nhiên ngữ điệu ẩn chứa trong từ ấy khác nhiều so với lúc chỉ có hai người.

- Cảm ơn đồng chí bí thư. Em sang xin anh cho chủ trương về khu đất Văn hoá Thể thao thừa ra.

- Thế ý kiến bên ấy ra sao? Đã tham khảo ý kiến các phòng chuyên môn chưa? Ý đồng chí chủ tịch thế nào?

- Báo cáo anh, đồng chí chủ tịch trên mới điều từ nơi khác về, chưa được bao lâu, chưa làm quen được địa bàn, chưa nắm được tình hình nên chưa có ý kiến gì, bảo em sang xin anh chủ trương, rồi thực hiện. Em cũng đã họp với các phòng chức năng, anh chị em nhất trí đề nghị chia ra. Cả thành phố xây dựng ầm ầm. Có lẽ, rất ít cán bộ chỉ có một nhà. Em biết có đồng chí tới ba nhà. Đều đứng tên các con. Có hai đồng chí ở Trung ương và ba đồng chí ở thành phố, một đồng chí tổng biên tập báo cũng đã có lời… Hiện nay, em thấy tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn thành phố, kể cả các trường trung học phổ thông đều đang chạy đất xây nhà. Không biết chính sách này thực hiện trong bao lâu: Em sợ để lỡ cơ hội, anh em họ oán.

Kiên chăm chú nghe chị nói. Tất cả những điều ấy đều đúng, anh cũng biết như vậy. Cả thành phố nói chuyện chạy đất. Đến đâu cũng nói chuyện chạy đất, đành rằng thành phố đang có chủ trương cấp đất cho cán bộ xây nhà, vì quỹ nhà thành phố không thể nào đáp ứng nổi yêu cầu nhà của cán bộ, công nhân viên.

Một việc làm hợp lý, giải quyết được tình trạng thiếu nhà ở hợp lòng dân. Có hợp ý Đảng không? Chắc cũng hợp. Nhưng rồi chuyện gì sẽ đến sau đó? Mạnh ai người ấy làm, không theo quy hoạch, không một quy chuẩn gì cả. Được xây bao nhiêu tầng, không được dưới bao nhiêu tầng, có được xây nhà chọc trời không? Có phải duyệt thiết kế không? Mỗi tầng được cao bao nhiêu?

Nếu không quy định thì một là sẽ rất lộn xộn, hai là sẽ lãng phí đất. Rồi vấn đề vệ sinh xây dựng thế nào? Vấn đề phế thải xây dựng ra sao? Vấn đề thẩm mỹ các công trình? Có được phép thiết kế y hệt các danh lam thắng cảnh, đền chùa miếu mạo như Khuê Văn Các để ở, để bán hàng không? v.v… và v v…

Nhưng điều anh bận tâm nhất, chính là chuyện chạy đất. Sẽ là những đường dây. Sẽ là hối lộ đây. Sẽ là tham nhũng đây. Sẽ mất cán bộ ở chính việc này đây…

Kiên nói với Thanh Diệu:

- Đồng chí cứ báo cáo với đồng chí chủ tịch: Quận uỷ sẽ đưa vấn đề này bàn trong cuộc họp thường vụ sắp tới. Nhân tiện, cho tôi hỏi: Chuyện giải phóng mặt bằng chỗ nút cổ chai đường Linh Vân đến đâu rồi?

- Báo cáo anh. Có bốn hộ dân, đã nhận đền bù rồi, nhưng không chịu đi. Có hai hộ, kiên quyết không nhận đền bù. Nhưng mắc nhất chính là ngôi đền Linh Vân. Bà con phật tử ngày nào cũng kéo đến ăn nằm ở đấy bảo vệ đền. Nghe các đồng chí bên Công an báo cáo sư trụ trì còn doạ tự thiêu nếu bị cưỡng chế.

- Đồng chí báo cáo với đồng chí chủ tịch, cần chủ động xây dựng phương án giải quyết. Chờ chủ trương của Quận uỷ thì chỉ nhận được những ý kiến chung chung, chả có mấy giá trị thực tiễn đâu. Nào kiên quyết nhưng phải mềm mỏng. Dựa vào các đoàn thể quần chúng, phát động lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội v.v… Thế thì chả được gì đâu.

Hai người bắt tay nhau. Muốn tay trong tay thêm một chút nữa mà không dám. Hai người chỉ nhìn sâu vào mắt nhau một thoáng rồi vội nhìn đi. Bao giờ cũng có giới hạn. Họ đều biết giới hạn đó. Đều không cho phép mình vượt qua giới hạn đó. Hùng tiễn khách ra cửa rồi quay lại.

Trần Kiên nhớ lại cuộc họp bên Uỷ ban do chủ tịch chủ trì mà ngao ngán. Chỉ riêng thưa gửi các thành phần với đầy đủ các chức danh đã hết bao nhiêu thời gian rồi.

Việc Thanh Diệu sang hỏi ý kiến bí thư Quận uỷ theo ý kiến của chủ tịch, khiến cho cả hai người lúc này đều suy nghĩ về ông ta. Hùng hỏi thủ trưởng:

- Chủ tịch Uỷ ban sẽ đi công tác nước ngoài đầu tuần sau, anh biết chưa?

- Thông tin ở đâu đấy? Sao bên mình chưa được biết nhỉ? Công việc thì đang bề bộn.

- Đợi anh biết thì tất cả mọi việc đã xong rồi.

- Anh ấy đi đâu, đi với tư cách gì? Ai mời?

- Với tư cách thành viên đoàn nghiên cứu của Trung ương về công tác quản lý hành chinh. Ai mời thì em không biết. Em nghe đâu ở cơ quan cũ, anh ấy đã được tặng một bài thơ hay lắm, anh có nghe không đã? Em đọc nhớ. Anh đã nghe chủ tịch phát biểu ý kiến rồi đấy nên câu mở đầu mới là thế này:

Việc nói, là việc của tao

Việc làm, tao đã bàn giao cho mày

Tham quan du lịch đó đây

Những công việc ấy… thì mày dể tao

Văn bản cần chất lượng cao

Sau khi cân nhắc… tao giao cho mày!

Kiên cười sảng khoái: Cái thằng này cũng lém lỉnh thật. Anh nhớ dạo ấy, anh Đinh Ngọc Hội giám đốc nhà máy kể rằng nó là người đầu tiên phát biểu phê phán mình, nhưng nó phát biểu ngắn nhất, đại khái nhất. Thứ hai là, khi bỏ phiếu kín, thấy chỉ có bốn phiếu chống và một phiếu của Nguyên Văn Hải là năm. Vậy là có một người trong số tay chân thân tín của bí thư Đảng uỷ đã không theo lệnh ông ta. Bằng sự nhạy cảm chính trị của mình, ông đoán…

Sau giờ làm việc; ông gọi tay ấy lên phòng mình, độp thẳng:

- Vì sao hôm rồi cậu không bỏ phiếu chống Kiên vào Đảng?

Cu cậu có láu lỉnh thật, nhưng không thể đọ với giám đốc được, vả lại, cu cậu ở vào tình thế bị lôi kéo thôi, chứ chính kiến thì rất xa lạ với bọn họ. Khi nghe giám đốc hỏi, cậu ta nói thẳng:

- Nhà máy ta được một người như thế, phải mời vào Đảng mới đúng. Cái xí nghiệp cũ của anh ấy ở Hải An nó ngu nên mới thả cho anh ấy đi. Hay anh ấy rẫy ra để đi nên mới không thiết tha vào Đảng ở dưới ấy, thì em không biết…

Nghe thằng cha trả lời, thấy nhận thức và phân tích rất khá, ông mới đề bạt dần lên làm phó, rồi bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Sau này khi Kiên được đề bạt phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận, liền kéo cậu ta đi theo, cho đến bây giờ.

Sáng hôm sau, Đại dậy đã thấy bố và chú Vỹ xuống phòng lễ tân.

Xe lăn bánh, Đại hỏi:

- Hải An có món ăn sáng gì ngon không hả chú?

- Bánh đa cua. Dân dã thôi, nhưng ngon ra phết…

- A, cháu nhớ ra rồi, để cháu đọc cho hai cụ nghe mấy câu này nhớ:

Ai bớt tay người Hải An, coi chừng đau tay

Ai yêu người Hải An, coi chừng đau tim

Người Hải An chân chất như bánh đa cua!

Đấy là ca từ một bài hát nói về Hải Phòng, mà cháu gán cho Hải An. Phải đấy chú ạ, ta đi ăn bánh đa cua nhớ?

Bánh đa cua Hải An làm bằng gạo đỏ, không thái thành sợi mà bẻ vụn ra thành miếng. Dù là vùng biển, nhưng cua nấu bánh đa là cua đồng. Không cho vào cối xay, mà giã bằng cối đá. Thịt cua, nhờ thế mới kết lại thành từng tảng. Dăm ngọn rau muống non, xanh biếc. Vài đốt rau rút thơm thơm. Đúng là bát canh quê mùa chân chất. Ai cũng cảm thấy ngon miệng, mặc dù chỉ có năm ngàn đồng. Từ nãy đến giờ, Đại cố ý tránh nhìn bố. Nhưng lúc nào ba người cùng ngồi một bàn, hai cụ ngồi một bên, bên này là Đại. Không thể không nhìn bố. Đại chỉ nhìn bố lúc ông cúi xuống đưa thìa canh lên miệng. Thấy rõ vẻ mất tự nhiên của ông cụ.

Ông không chủ động nói chuyện. Làm như ăn lúc này là việc vô cùng quan trọng, cần tập trung tư tưởng. Chỉ nhìn qua cũng thấy bộ mặt kia hoàn toàn không phải là bộ mặt vốn có của ông. Đôi lông mày Trương Phi rậm rì vểnh ngược ở cuối chân mày không động đậy, không nhíu lại, vô cảm trên hàng mi chậm chạp mỗi khi phải chớp.

Tối qua, Đại đã nói nhỏ với ông Vỹ là sẽ qua đêm ở đây: "Chú gọi điện động viên bố cháu vài câu nhé. Bố cháu có nhu cầu nhưng rất xa lạ chuyện này". Bây giờ, chuyện đã xong rồi, Đại mừng là ông cụ đã vượt qua được chính mình, nhưng bộ mặt kia nói rằng, ông cụ đang day dứt, dằn vặt ghê gớm.

Đại đưa ra kế hoạch:

- Bây giờ, cháu mời chú và bố cháu đi uống cà phê sau đó về nhà chú. Hai cụ tâm sự với nhau. Cháu đi việc của cháu. Tối về ăn cơm với chú. Được không ạ?

Ông Vỹ cười hồ hởi:

- Từ hôm qua đến giờ, bọn lính già chúng tôi vẫn theo sự chỉ huy của anh đấy chứ.

Từ hôm qua đến tận lúc này, ông Hoè vẫn cứ thụ động làm chân đi theo bạn và con. Quán cà phê vườn có cái tên đặc thù của vùng Hải An: "Biển nhớ". Ba người chọn cái bàn xa nhất. Mặc dù đã nắm được diễn biến, nhưng Đại vẫn hỏi:

- Hai cụ có thoải mái không?

Ông Vỹ vui vẻ:

- Rất được!

Ông Hoè thì cứ nhìn đâu đâu. Ông lắc đầu mấy cái phải để ý mới thấy cử chỉ ấy.

Ông đang bị cắn rút khổ sở. Nhưng quả thật, lúc ấy không lý trí nào ra lệnh cho "nó" nghỉ được. Ông tận hưởng khoái lạc, không phải một, mà đến hai lần trong cái đêm vỡ lòng khốn nạn ấy.

Sau đó, không làm sao ngủ được. Đầu óc cứ chong chong tỉnh như sáo, tỉnh lạ lùng. Hay là tất cả các giác quan đã lên đến cực đại, bị tê liệt, không xuống được nữa. Ông thấy hoang mang, chẳng nhẽ không bao giờ ngủ lại được nữa. Thì đã chẳng có người, sau cơn sang chấn thần kinh, mãi mãi không thể nào ngủ được. Mấy chục năm rồi vẫn thế.

Mà ông sang chấn thần kinh thật.

Ông thấy mình chả ra sao. Cũng cậy có tiến, dày vò cơ thể người ta. Nó chỉ đáng tuổi cháu mình. Không biết rồi nó có lấy chồng, có sinh con không? Đời nó sẽ ra sao? Chỉ mươi năm nữa là cùng. Khi cơ thể nó nhầu nát đi, mặt mũi nhăn nheo đi, da thịt nhẽo nhèo đi, còn ai thiết nữa. Mình nhẫn tâm quá! Nỗi dày vò cứ ám ảnh, cứ làm ông bần thần, bứt rứt, khó chịu, không yên. Mấy ngụm cà phê càng làm ông tỉnh táo.

Quán cà phê nằm bên mép công viên. Ba người ngồi ngắm người qua lại, hối hả đi làm, tất tả chợ búa. Hấp tấp dọn hàng phục vụ khách ăn sáng và lê la đánh giầy cho khách uống cà phê. Những cô gái tươi tắn phóng xe cho kịp giờ làm việc cơ quan, công ty và cô kia, có thể lắm, đang mệt mỏi về chỗ trọ sau một đêm phục vụ khách…

- Tôi thấy nó thế nào ấy. Không bao giờ tôi làm việc ấy nữa. - Ông Hoè chợt nói khẽ.

- Cái ấy tuy thuộc ở anh. Sở dĩ tôi không còn tâm trạng như anh, vì tôi đã vượt qua được lần đầu. Không phải là không còn biết xấu hổ nữa, không còn lương tâm, mà vì tôi giải thích được hiện tượng xã hội này. Nhiều nhà xã hội học coi đấy là một hiện tượng xã hội bình thường của tất cả các chế độ xã hội, không chừa bất kỳ chế độ nào, đất nước nào, chứ không phải là một tệ nạn xã hội của riêng ta, thời kinh tế thị trường. Vì nó là một quy luật xã hội.

- Anh nói quy luật? - Ông cụ giật mình như ngồi phải tổ kiến lửa…

Đại tiếp:

- Bố thấy đấy, không thể nào cấm được khi người ta tự nguyện, tự lựa chọn. Đấy là quy luật - quy luật lựa chọn. Thế nên nhiều nước, người ta thừa nhận nó để quản lý, kiểm soát nó, (trong đó có việc khám sức khoẻ định kỳ) và thu thuế nó.

- Thế tương lai của họ sẽ ra sao?

- Con nghĩ tương lai họ cũng phải do họ lựa chọn, có người chỉ làm một vài năm để tích luỹ vốn liếng, sau đó kiếm công ăn việc làm, lấy chồng đẻ con. Có nước cấp hẳn giấp thông hành, với một cái tên khác để đến một vùng khác làm ăn. Hết hạn đăng ký, lại về. Vì thế, ở ta, bao giờ cũng thế, các cô gái đều chuyển vùng hoạt động, không ai hoạt động trên quê hương mình.

Ông Vỹ nhìn con bạn bằng đôi mắt nể nang. Không phải chỉ vì nó làm ăn phát đạt, đã là một doanh nhân, một ông chủ, có xe con đi. So với đứa con rể công chức của ông thì rõ ràng là nó hơn hẳn. Ông nể nang nó vì một chuyện khó nói thế mà nói nó cứ ngon như không, lập luận vô cùng thuyết phục. Mình cũng thấy như nó đấy nhưng không thể nói có lý như nó được Cha con mà nói chuyện được như thế thì nể thật.

Ông bố im lặng ngồi nghe ông con thuyết giảng.

Cái lý nó đưa ra, cái thực tế nó đưa ra, không thể cãi được không thể bác được. Nhưng ông vẫn thấy nó thế nào ấy. Nó trái với mọi suy nghĩ của ông, từ trước đến nay. Nhưng đêm qua chính ông đã kiểm nghiệm, chính ông đã sa chân vào. Quả thật người nhẹ nhõm hẳn, Nhưng cái đầu thì lại nặng trịch những ý nghĩ tội lỗi, ân hận.

Đại đọc được tâm trạng bố, anh thấy thương ông cụ. Cứ bị những cái vô hình, vô lý nó trói buộc. Biết không đúng mà vẫn phải nói, phải theo. May mà có chú Vĩ nếu không, chưa chắc ông cụ đã dám bước qua cái bóng vô hình vẫn xiết chặt đâu mình. Phải giải thoát ông cụ ra khỏi tình trạng sống hiện nay. Nếu không sẽ mụ người đi mất. Một tí nghĩ chợt đến. Có nên nói ngay không. Mình cũng chưa suy nghĩ kỳ. Chưa hình dung ra hết. Nhưng đại thể thì chắc được. Nghĩ thế, Đại quyết định nói ngay:

- Thôi, ta gác chuyện ấy lại. Bố cứ suy nghĩ tiếp. Con thấy bố nên làm việc, như con đã nói, cả "đầu trên" lẫn "đầu dưới" đều phải làm việc, điều độ, vừa sức, phù hợp với năng lực của mình. Được thế thì bố sẽ sống lâu, và sống vui, chứ không hiu hắt như các bác khác về hưu mà chả có việc gì làm. Con nói thế này không biết có đúng không? Chú Vỹ cho cháu một lời khuyên. Ngay cả đọc báo, đọc sách mà không có người trao đổi, tranh luận cũng rất vô vị. Con đề nghị bố làm cho công ty con, không phải vì tiền, mà vì được làm việc thì mới khoẻ được và bố cũng sẽ có đồng lương xứng đáng. Bây giờ công ty con đã có chi nhánh bên Nga và ở thành phố Hồ Chí Minh. Con đã có gần hai chực nhân viên đủ cả quản lý, văn phòng, tiếp thị… Con rất cần người tin cậy để trông nom công việc.

- Nhưng mà việc gì chứ?

- Ví dụ đọc báo, xem ti vi, nhặt ra những thông tin liên quan đến nền kinh tế Nga. Ví dụ bố lượt trên các tít của các tờ báo kinh tế, tài chính, kinh doanh, tiếp thị… xem có những thông tin gì liên quan xa cũng được, gần càng hay, đến ngành hàng, mặt hàng, công ty con đang kinh doanh, rồi bố cố vấn cho con xem, làm thế này, làm việc này có hay không, có trái pháp luật không v.v… Thế được chứ ạ. Nhân thể con thưa với bố, nhà con mất cũng được hai năm rưỡi rồi, con cũng cắn ổn định cuộc sống. Còn cháu Cường, con sẽ cho nó đi du học để sau này nó còn thay con quản lý công ty.

Ông Vỹ giục:

- Thôi đưa chúng tớ về nhà, chúng tớ nói chuyện cho thoải mái. Còn việc cháu, cháu cứ đi. Trưa về ăn cơm với vợ chồng chú. Để bố cháu ở đây với chú vài ngày. Mà cháu nó nói phải đấy anh ạ. Anh tham gia với cháu đi. Các công ty tư nhân bây giờ đều của các gia đình, vợ chồng, bố con, anh chị em ruột. Nếu là công ty cổ phần thì cũng là những người ruột thịt hoặc anh em bè bạn thân thiết… nên rất yên tâm, không phải lo đối phó với ai… trừ một người… Thôi về nhà đã…

Xe đến cổng, hai người xuống, Đại lùi xe đi ngay. Anh đang xin phép được làm xuất nhập khẩu trực tiếp, không qua uỷ thác nên muốn tìm hiểu xem thủ tục hải quan, kho bãi dưới này thế nào. Làm gì, động đến khâu nào cũng phải tim hiểu kỹ luồng lạch, đường đi nước bước, luật và lệ. Đường đi ban ngày, đường đi ban đêm v.v… Trước khi đến làm việc bằng hồ sơ, giấy tờ chính thức, đã phải tìm cách làm quen với những người có trách nhiệm nhất, nhì ở đấy rồi. Những động tác cần làm đã phải làm trước khi hồ sơ giấy tờ đưa đến. Chuẩn bị tốt khâu này, coi như xong việc. Đại mới nhập vào thương trường, nhưng anh sớm nghiệm ra một nguyên tắc đảm bảo thắng lợi. Nó chẳng khác gì hồi chiến tranh, khi đơn vị được giao đánh một trận công kiên. Cũng phải cho trinh sát bò vào xem hình thù lô cốt nó thế nào, đường đi lối lại ra sao, bố phòng thế nào, hoả lực địch có những gì. Khi đó tấn công, nó sẽ được những cứ điểm nào xung quanh hỗ trợ bộ binh, pháo binh, phản pháo? Điều tra nghiên cứu tốt, trinh sát tốt là đảm bảo thắng lợi một nửa.

Anh biết, đã có những tay bị bẻ hành bẻ tỏi, moi móc, hoạnh hoẹ, chay đi chạy lại, chán chẽ mẽ mỏi mới xuất được một lô hàng. Lúc nhập về cũng thế. Lại một lần nữa moi móc, bẻ tỏi bẻ hành, hoạnh hoẹ, để phải chạy đi chạy lại mê mỏi chán chê. Hàng cứ bị giam ở kho. Chỉ riêng tiền lưu kho đã đủ chết. Tất nhiên đấy là những đơn vị không làm xuất nhập khẩu chuyên nghiệp. Đến lúc ấy mới chạy thì vừa mất thì giờ, nhỡ việc, vừa tốn kém. Mà bao giờ cũng tốn kém hơn nếu làm trước đó như bây giờ Đại đi điều nghiên, đi trinh sát thực địa.

Chơi với anh nào có luật của anh ấy. Không biết luật chơi của Hải quan thì có mà chết.

Ông Vỹ đưa bạn vào phòng mình.

- Anh cởi quần áo ngoài ra, có cần ngủ bù không, hay tiếp tục câu chuyện lúc nãy Đêm qua chắc anh không ngủ được chứ gì?

- Cứ tỉnh như sáo mới lạ!

- Đúng thế đấy. Chuyện sinh lý tác động đến tâm lý, đến thần kinh mà. Gần giống với tình trạng sang chấn. Thần kinh bị kích thích quá đấy. Rồi nó sẽ qua thôi. Mà anh cũng nên nhận thức thực tế một tí. Chắc rồi anh cũng sẽ nhận ra thôi. Nếu anh chưa cần ngủ bù thì ta nói chuyện khác nhé. Tôi đang làm chủ tịch hội đồng quản trị một công ty, mà giám đốc là một tay phó cũ của tôi, xin ra ngoài biên chế đứng ra làm. Làm kinh tế tư nhân bây giờ có cái sướng là không phải đối phó với ai. Tất cả chỉ vì quyền lợi của mình, cho mình. Chẳng phải lo đối phó với ông bí thư phó giám đốc nữa. (Hồi tôi chưa kiêm bí thư theo quy định mới). Chỉ còn phải lo đối phó với ông… thuế thôi. Thuế là cái loại hủi nhất trần gian đấy anh ạ. Nó ăn cắp của Nhà nước; vì nó áp mức thuế cho mình chả trên cơ sở tính toán nào cả. Có lần nó trắng trợn: "Công ty anh phải nộp sáu mươi triệu!". Tôi chả nói gì, cứ để yên xem câu chuyện dẫn đến đâu. Cái tay ra dáng trưởng nhóm hỏi bằng một giọng thân mật nhất trần đời: "Anh muốn đóng bao nhiêu đây?". Tôi bảo: "Các vị nói lạ. Đóng thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, sao lại có chuyện muốn đóng bao nhiêu thì đóng". Một vị trong đoàn tặc lưỡi: "Cũng còn tuỳ. Còn có cách để anh đóng ít đi. Thế chả hơn à?". Tôi nối lời ngay: "Cưa đôi chứ gì? Chả dại! Cứ là đóng đủ sáu mươi triệu". Anh có biết luật cưa đôi không? Thế nghĩa là tôi chỉ phải đóng ba mười triệu còn ba mươi triệu thì cưa đôi mỗi bên một nửa. Thế là bớt được mười lăm triệu. Tôi chả dại. Cứ cho là xong đi. Thế đoàn cấp cao đến? Thanh tra thuế đến? Kiểm toán Nhà nước đến? Họ mà moi ra thì toi. Tôi hỏi: "Thế các anh tính thế nào mà ra sáu mươi triệu. Đây sổ sách hoá đơn của tôi. Các anh làm việc với kế toán của tôi. Nếu trừ tất cả các khoản chi, các chứng từ hợp pháp trước thuế của công ty, các anh tính ra bao nhiêu, tôi nộp bấy nhiêu. Sáu mươi triệu chứ sáu trăm triệu tôi cũng nộp. Còn không thì sáu mươi nghìn tôi cũng không nộp đâu. Mời các anh uống bia rồi đi đơn vị khác làm việc kẻo… hết ngày!"

Trong lúc ông Vỹ thao thao bất tuyệt kể chuyện đối phó với cán bộ thuế của mình, thì ông Hoè… lim dim, rồi ngủ lúc nào không biết. Cái tư thế nằm nửa ngồi trên chiếc ghế xích đu như ru người ta ngủ. Ông Vỹ mỉm cười một mình: "Ngủ trả thù đêm qua đây! Cứ ngủ đi, ngủ cũng thay ăn được". Ông Vỹ lục tủ lạnh ra mấy thứ đồ ăn nguội và một chùm nho Mỹ, một hộp bia Heineken ngồi ăn. Bữa trưa ở nhà một mình thường ăn quấy quá như thế. Nếu ở công ty thì đi ăn với anh em ngoài quán. Tối mới là lúc vợ chồng con cái ăn với nhau. Chỉ có vợ chồng thằng con trai ở với vợ chồng ông. Chồng cán bộ Sở Ngoại vụ, vợ chủ một cửa hàng mỹ phẩm đang kéo nhau đi chơi Đà Lạt. Cho đến lúc hạ cánh an toàn; sống cuộc đời tự do của một công dân làm kinh tế tư nhân, ông mới thấy thật sự được làm chủ hoàn cảnh, làm chủ bản thân. Món lương hưu, bây giờ, chỉ còn đủ sức gợi lại một thời làm công chức mẫn cán mỗi lần ăn sáng. Không có gì trói buộc mà lại làm được nhiều việc. Mà lại hữu ích, hữu ích hơn cả thời công chức, đứng đầu cả một cơ quan kinh tế hẳn hoi mà chả mang được đồng lãi nào cho Nhà nước. Nhà nước toàn phải bù lỗ. Bây giờ các tổ chức kinh tế vừa và nhỏ như công ty ông, mỗi năm đóng thuế cho Nhà nước cả tỉ đồng. Tháng trước thành phố tổng kết, tỉ trọng kinh tế do các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đóng góp chiếm đến một phần ba. Ngành dịch vụ thì chiếm tới ba phần tư, riêng dịch vụ ăn uống, dịch vụ làm đẹp cho phái nữ, trong đó có những nhà hàng như hàng mỹ phẩm con dâu ông chiếm cả 100%. Hoá ra khi con người không bị trói buộc gì ngoài luật pháp và nhân cách thì đấy là lúc nó phát huy được tất cả tiềm năng vô tận của nó. Và chính khi ấy, nó mới được sống như một con người đích thực.

Ông Vỹ ăn xong, ngủ một giấc ngắn, cũng chỉ khoảng nửa giờ. Thế là đủ, đêm qua ông vẫn ngủ ngon và sâu. Lấy bản dự toán xây dựng nhà máy dệt kim của công ty mình ra xem, thỉnh thoảng lại đưa mắt về phía bạn đang ngủ say như chưa bao giờ được ngủ như thế.

Lúc ông Hoè dậy thì đã gần ba giờ. Giờ mới nhìn quanh ngôi nhà người bạn đồng ngũ. Các tiện nghi trong nhà thì cũng tạm đủ. Nhưng, tất cả chỉ có hai gian, mỗi gian khoảng mười lăm, mười bảy mét, cộng với mảnh sân lấn chiếm đất tập thể… ông hỏi dò:

- Chắc anh còn nhà khác chứ?

- Làm gì còn nhà nào? May mà còn giữ được mảnh đất này đấy. Hồi được phân một căn hộ lắp ghép, mình nhường anh em. Đến lúc quỹ nhà thành phố không còn, đành ở vậy! Giờ lại hoá hay. Bố con tôi chuẩn bị xây hẳn năm tầng ở cho khoái. Tính ra cũng hơn bốn chục mét đấy. Mình không có đầu óc kinh doanh, lại bận việc xí nghiệp chả mua được mảnh nào trong cơn sốt đất vừa rồi.

Nghĩ đến chuyện nhà đất của mình, ông Hoè chạnh lòng hộ bạn. Thế mà anh ấy chả trách móc ai. Lại còn cho thế là may nữa chứ.

Ông Vỹ thấy bạn dậy thì vui ra mặt:

- Ngủ đẫy mắt rồi chứ? Bây giờ anh ăn uống một chút, xong tôi đưa đi tắm, xông hơi rồi mát sa, mát sa đích thực, nghĩa là chỉ mát sa thôi, không có công đoạn sau đâu.

Gần sáu giờ chiều, họ mới về. Giấc ngủ đẫy mắt, cùng với mấy màn tiếp theo làm ông Hoè sảng khoái, tỉnh táo. Hình như những dằn vặt sáng nay cũng đã bay đi theo hơi nước xông mờ mịt. Trông vẻ mặt thì có vẻ như thế thôi. Chứ sau đó ông đã ghi vào sổ nợ đời thế này: "Mình có còn là mình nữa không, hay đã là một người khác? Mình đúng hay sai, mình đúng hay con đúng, lấy gì phán xét?"

Có tiếng trẻ con, căn nhà lập tức vui hẳn lên, dù chỉ có hai chị em con Cún, thằng Kín con vợ chồng Chính và bà Sâm, vợ ông Vỹ. Bà Sâm cũng trạc tuổi bà Phụng, nhưng đẫy người. Bộ mặt tròn bánh đúc có vẻ không thông minh lắm, nhưng hiền, đôn hậu. Vốn trưởng thành từ cô công nhân công trưởng, vác cả thanh tà vẹt gỗ vẫn đi băng băng chả kém gì nam giới. Không biết có phải vì lao động quá sức thế không mà dáng đi bây giờ hơi còng còng, dù sau này, bà chỉ ngồi rụt tổng đài điện thoại nhà ga, Sau đó, khi chồng lên giám đốc xí nghiệp thì bà "về một cục".

Bữa cơm có ngao luộc sả, mực tươi xào cần tây, tỏi tây chim bồ câu rán, gà luộc, tôm luộc, rau cải ngọt trần, thịt lợn kho Tầu. Ông Vỹ mang hũ rượu thuốc sao biển, cá ngựa, đỗ trọng, lá dâm dương hoắc, táo tầu ra. Mọi người nhấp nháp được một lúc Đại mới về. Bà Sâm chỉ hỏi chuyện xã giao về vợ ông Hoè. Cô vợ Chính thì săn sóc bữa ăn cho khách và cho bọn trẻ con ăn. Cô không tham gia vào bất kỳ câu chuyện gì. Trong câu chuyện với Chính, Đại vô tình biết nhiều mối quan hệ công tác của Chính có thể bắc cầu giúp anh trong việc xây dựng mối quan hệ làm ăn của mình. Chức năng công tác của Chinh là giám sát công việc của tất cả các cơ quan bảo vệ pháp luật, nên anh chả lạ gì các tay bên hải quan, công an, thuế. Hai ông già thì nói chuyện với nhau về lớp trẻ bây giờ. Ông Hoè bảo, không thể hiểu được họ. Họ nghĩ kiểu gì ấy, rất khác bọn mình. Ông Vỹ bảo: Hiển nhiên là khác rồi. Nhưng mà nó hơn bọn mình đấy. Nghĩ lại chuyện hôm qua và những vụ động trời liên quan đến những quan chức cao cấp của Nhà nước ở nhiều ngành trên Trung ương và các địa phương khác, ông Hoè hỏi Chính:

- Bác hỏi một câu không liên quan đến cháu, đến bác, đến bất cứ ai nhé. Cái việc giám sát của ngành cháu thế nào mà các ngành bảo vệ pháp luật (chứ chưa nói đến các ngành khác) lại sai phạm, phạm pháp đến thế hả cháu?

Vì bác đã hỏi không cụ thể nên cháu cũng trả lời bác không cụ thể. Đây chỉ là phân công. Ngành nào chả có ung nhọt. Tất nhiên ung nhọt ngành cháu thì tác hại vô cùng lớn. Vì nó trực tiếp gây mất lòng tin chế độ.

Đại tiếp:

- Anh Chính nói thế là rất trung thực, thẳng thắn. Cháu không dám nghĩ đến cái vĩ mô xa xôi như bố cháu. Chắc bố cháu muốn nói đến mối quan hệ giữa ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp đấy. Cháu thì chỉ quanh quẩn với cái vi mô kinh doanh buôn bán của cháu thôi chú ạ.