Lửa đắng

Chương 24

Có những người suốt ngày chẳng làm gì. Công việc quan trọng nhất là nhìn mọi người qua lại.

Nhận xét? Bình phẩm? Chê bai? Dè bỉu? Lườm nguýt?

Cộng tất cả lại.

Không khen ai bao giờ, ngay cả những người đẹp nhất.

Để làm gì? Chẳng làm gì? Đây thích thế đấy.

Bây giờ bà Phụng là một người như thế.

Nghe chuông điện thoại, ngỡ là của mấy bà bạn vẫn rủ nhau đi lễ chùa. Không ngờ là một giọng rất quen. Rất quen, nhưng lâu không nghe, nên ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng nhưng rồi bà cũng nhận ra tiếng cháu mình. Mấy năm chứ ít gì. Nó ngỗ ngược. Nó ăn chơi. Nó làm con bé bán gạo biệt tăm từ đấy.

Còn cái chuyện với mẹ cu Thành nữa chứ. Mới đầu bà Phụng cứ đổ riệt cho Kiều Linh - con yêu tinh nhập vào nhà bà, hết làm hại cháu, hãm hại con bà. Nhờ Thảo Tần bà vỡ lẽ dần ra. Nết ăn nết ở của con dâu cả nhà ai cũng khen, đến khi cu Thành ra đời, bà mới bớt thành kiến. Bây giờ, bà mới công nhận, đứa nào sáng ý, chịu học hỏi thì dù nhà quê ra, miền núi xuống cùng thành thị hơn cả mấy cô gái thị thành không chịu học hành gì. Hôm nọ, mấy bà đã nhận xét con dâu một bà trong nhóm: "Con bé người Tày làm dâu thành phố có mấy năm mà nhọn hơn cả người Kinh".

Mấy năm cháu đi du học, đã nhiều lúc bà tự hỏi, nó ở luôn bên ấy như nhiều đứa khác thì cũng đỡ nước rối, lôi thôi. Nó về, chuyện cư xử cũng khó ra. Nhưng dẫu sao nó vẫn là cháu nội bà, cháu đích tôn hẳn hoi. Chưa bao giờ nó gọi điện cho bà. Sao hôm nay, bỗng dưng…

- Cháu chào bà. Cháu Cường đây. Ông bà có khoẻ không ạ?

Bà Phụng mừng quá. Giọng hồ hởi:

- Ông bà khoẻ. Sao hôm nay lại gọi điện cho bà? Bao giờ cháu về? Mấy năm bà cháu không gặp nhau rồi.

- Cháu mới về bà ạ!

- Đang ở sân bay à? Bà gọi bố cháu ra đón nhé!

- Không cần đâu bà ạ. Mấy phút nữa cháu gặp bà rồi!

Quái lạ! sao không nghe ông Hoè hay bố nó nói gì nhỉ?

Đùng một cái về. Cứ như trên trời rơi xuống. Ừ thì nó không nghiện hút, không phá phách, nhưng cũng vào loại rách giời rơi xuống.

Bà Phụng vừa quay vào đã nghe tiếng: "Cháu chào bà".

Giật mình quay lại, đã thấy thằng cháu cao lớn, trắng trẻo, lù lù trước mặt.

- Gớm, làm bà giật cả mình. Ngồi xuống đây… Ơ, thế valy đâu? Sao lại về người không thể này?

- Cháu gửi nhà anh bạn, cùng chuyến bay về.

Nói quấy quá thế, chứ thật ra Cường về từ mấy hôm trước, thuê phòng ở khách sạn. Ngày nó còn ở nhà, bà Phụng đã không hiểu nó sống thế nào. Mấy năm sống tự do ở nước ngoài, càng không hiểu cháu ra sao, suy nghĩ kiểu gì. Mấy ngày qua, nó đã gặp lại một số bạn bè, thăm dò tình hình làm ăn sinh sống. Qua một kênh nào đó, nó cũng biết hoạt động của Sao Việt phát đạt lắm. Nó không về nhà, để tránh những cuộc tiếp xúc không cần thiết với gia đình, họ hàng.

Gia đình làm nó sợ. Rồi thế nào chả có cuộc gặp mặt. Thế nào chả phải chạm trán cô ấy. Nó vẫn nhớ lời Kiều Linh nói lần cuối khi đưa cô vào nhà nghỉ Chiều tím không thành:

- "Quả đất tròn". Không nhẽ, lời đe ấy ứng nghiệm. Rồi bố cũng phải bận tâm suy nghĩ, ít nhất cũng là chạnh lòng. Tốt nhất là ở riêng hẳn ra, tách hẳn ra, cho mọi người, và cả mình khỏi khó xử.

Bà Phụng bảo:

- Cháu mang valy về nhà ối, phòng cháu và phòng bố cháu vẫn để không đợi cháu đấy. Bố cháu làm nhà ở riêng lâu rồi, thỉnh thoảng… - bà định nói - vợ chồng con cái, nhưng đã kịp hãm lại - thỉnh thoảng mới về thăm ông bà thôi.

- Vâng ạ!

- Cháu học xong rồi phải không? Định làm gì bây giờ?

- Vâng ạ!

- Thế có ăn trưa với bà không?

- Vâng ạ.

Bà nói gì, nó cũng: "Vâng". Không phải đồng ý, nghe lời. Chỉ có nghĩa là nó vẫn nghe. Thế thôi! Bà định hỏi "chuyện vợ con", nghĩ thế nào lại thôi. Chuyện đàn bà con gái, nó nào có ngọng. Nó lên gác, ngó lại căn phòng đã từng ở nhiều năm, đã từng ép được cái con bé Dự bán gạo một trận làm tình nhớ đời. Không biết, bây giờ con bé đâu? Nó thấy căn phòng cũ kỹ, hôi hám… Điều quan trọng nhất là mất tự do, nếu phải giam mình ở đây. Đi về cứ phải qua mặt bà nội. Cường lơ đễnh thả từng bước xuống cầu thang. Bước chân vô định của kẻ không chủ đích gì.

Bà Phụng lại chèo kéo:

- Cháu đi đâu? Ở lại ăn cơm với bà. Bà nấu canh cua, làm món cả kho cho cháu.

Nó khủng khỉnh:

- Thôi, hôm nào cháu ăn với bà. Cháu đi có chút việc. Bà nói với ông, tối cháu về.

Nó lững thững từng bước. Quái, sao ở tuổi nó lại có dáng đi của người sáu bẩy mươi thế nhỉ? Đến ông nghị quyết nhà bà cũng vẫn phăm phăm bước chân, cử chỉ, động tác mạnh mẽ, dứt khoát.

Mấy ngày nay, Cường nghĩ rất lung. Ở bên ấy, làm giầu thì khó, nhưng sống tàm tạm cũng được. Cái xưởng làm bánh đa nem, nếu biết quản lý, biết kinh doanh thì cũng phất lên được Cái người học mót cách làm của Cường, có đầu óc riết róng của người tính toán, chịu khó đi từng nhà hàng ăn cần bánh của mình, ký hợp đồng cung cấp tận nơi, theo yêu cầu giờ giấc của họ, không để họ phải đến tận xưởng mình, lại lúc có lúc không như xưởng của Cường. Ăn nhau là ở cách làm.

Chuyện quan hệ gia đình là một trong những mối bận tâm của nó. Chuyện sinh sống làm ăn là mối bận tâm khác. Cả hai chuyện ấy đều làm Cường không yên. Cảm thấy đói bụng, Cường đến đầu phố, chỗ một anh chàng đang cúi đầu soi gương xe máy nhổ râu, đằng sau là hàng chữ viết bằng sơn xanh trên tường: "Xe, ôm chất lượng cao". Cái dấu phẩy thật đậm - Nó cười thầm, nghĩ đến con bé đêm qua, không xinh, nhưng được cái chân dài đến nách và vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Đúng là… ôm chất lượng cao.

Cường đến một quán ăn Âu. Khi rất nhiều người châu Âu thích các món ăn Việt thì nó tẩy chay. Lúc nây bà Phụng bảo thết cháu canh cua, cả kho là quý cháu lắm. Nhưng với nó, không mảy may thích thú. Nó làm một đĩa mỳ Ý, một chiếc bánh Pizza Ý và một cốc bia tươi Đức!

Bà Phụng gọi điện cho ông Hoè, báo tin cháu về. Ông Hoè báo tin cho Đại. Đại không nói gì với vợ. Giải quyết xong công việc trong ngày, đưa vợ về nhà, bảo mình sẽ ăn cơm với ông bà. Trên xe, Đại nói với bố:

- Con định cho cháu vào Sài Gòn, theo dõi cái Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới sắp thành lập. Ông thấy thế nào?

Ông Hoè ngẫm nghĩ một lúc, thúng thẳng:

- Cũng được…

Không ai nói vì sao lại dự kiến như thế, lại đồng ý như thế. Đại điện thoại cho vợ chồng Kiên, báo tin con trai về, bảo tối vợ chồng đến ông bà ăn cơm, có chuyện muốn hỏi ý kiến. Anh điện cho mẹ nấu cơm cho ngần ấy người ăn, rồi tạt vào chợ cóc xách về một túi mấy thứ thức ăn sẵn, mua một con cá chép to. Cô bán cả hỏi:

- Chú định làm món gì ạ?

- Một đĩa cả rán, một nồi canh riêu.

Cô gái nhanh nhẹn dùng một mảnh gỗ có đinh nhọn cào ngược vẩy cá. Vẩy lập tức bong ra theo tay cô. Chiếc bàn chải nhựa bằng nửa bàn tay, gạt hai lần, chiếc thớt đã không còn chiếc vảy nào. Cô rửa sạch cá rồi mới mổ, chặt khúc đầu, bổ đôi, chặt khúc đuôi, chặt hết vây lưng, vây bụng, vây đuôi. Chỉ hai đường dao sắc lém nằm ngang, con cá đã được lạng thành hai mảng thịt, sắt thành miếng. Cuối cùng chặt xương sống thành mấy đoạn. Đầu, đuôi, xương bỏ vào một túi, thịt đã lạng bỏ vào một túi khác. Cô gái hàng rau bên cạnh không ai bảo, tự đưa sang một túi, đủ cả dọc, thìa là, hành lá.

Đại nhìn đôi tay thoăn thoắt cô hàng cá, khen thầm:

"Đến người buôn bán nhỏ cũng cải tiến nhiều rồi. Mỗi người bán một mặt hàng, nhưng vẫn là phân công tự nhiên của lối làm ăn thủ công". Anh hỏi:

- Thế tối nay, không bán hết thì làm thế nào?

- Cháu mang về, sục khí, nó vẫn sống mà!

- Thế con chết ngửa bụng kia thì làm thế nào? Mang về ăn à?

- Bán cho hàng ăn. Hàng cá có mấy khi ăn cả đâu chú!

Anh nhìn đồng hồ, mất tất cả mười bảy phút. Tính cả đoạn đường đi bộ từ đây đến chỗ đỗ xe, cả đi lẫn về mất hơn chục phút nữa… Những cái chợ cóc như thế này, nghềnh ngàng xuống cả lòng đường. Nhếch nhác. Hôi hám. Cản trở giao thông. Đại bỗng nảy ra ý nghĩ. Muốn thanh toán những chợ cóc, hàng vỉa hè, hàng rong thế này, chỉ có cách làm siêu thị. Lần đi Pháp vừa rồi, chính Đại đã gặp rắc rối vì mua hàng rong. Họ phạt cả người bán và người… mua mới hay.

Thanh Hoa mới có hai siêu thị to của người nước ngoài. Người Việt Nam thích sự tiện lợi. Đi xuyên qua thành phố, mới đến một siêu thị ở ven nội. Phải có những siêu thị nhỏ hoặc vừa, cho từng khu vực, để đi làm về, tạt xe vào là mua được ngay. Đi xa sẽ phải mua cho cả tuần. Người mua thực phẩm đóng gói bây giờ, cẩn thận đến mức, xem cả ngày sản xuất, hạn sở dụng. Vài cái nhỏ cùng bằng một cái to chứ. Mình tranh thủ thời cơ, trước khi vào WTO mới được.

Đại điện cho Tần, báo em gái về sớm giúp mẹ một tay.

°°°

- Thế cháu đâu bà?

Vừa vào nhà, ông Hoè đã hỏi vợ. Bà Phụng kế lại cho hai bố con nghe. Mỗi người một ý nghĩ về Cường. Mặt họ đều có nét đăm chiêu. Có cái gì đó không yên. Kiên và Tần cũng đến ngay sau đó. Sau câu chào, Tần cũng hỏi mẹ một câu giống hệt như ông Hoè. Cả Kiên và Tần đều băn khoăn. Tần vào bếp với mẹ. Ba người đàn ông, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Không ai nói với ai việc mà ai cũng nghĩ đến.

Đại nói lại với Kiên điều trên xe đã nói với bố.

Kiên ngẫm nghĩ một lúc mới nói:

- Cũng phải thế thôi bác ạ

Ông Hoè cau mặt. Đuôi lông mày dựng ngược chia chéo vào nhau:

- Nó theo dõi công việc giúp anh. Nhưng anh lại phải theo dõi nó. Chân ướt chân ráo mới về, chưa quen làm việc nghiêm túc. Lại quen sống tự do, quen tiêu tiền bố gửi cho, quen gái gú. Liệu có kham nổi công việc không?

Kiên cũng băn khoăn:

- Lo ngại của ông là hoàn toàn có lý đấy bác ạ. Kể ra, cháu phải được bác theo dõi, kèm cặp một thời gian ở ngoài này đã. Nhưng…

Kiên không nói tiếp. Cả ông Hoè và Đại đều hiểu cái "nhưng" ấy là gì

Ông Hoè phân tích:

- Phong cách làm việc ở Sao Việt là, làm ra làm, hưởng thụ ra hưởng thụ, không thể vật vờ, dựa dẫm được. Anh Đại phải dày công lắm mới xây dựng được nếp ấy. Sự khác biệt giữa công chức nhà nước và "công chức ngoài nhà nước" có lẽ cùng ở chỗ ấy. Cách nói của tôi hơi khác người nhưng thật sự là như thế. Có thể, đến một lúc nào đó, như Singapo thì sự khác biệt ấy mới mất dần. Chứ ở ta, bây giờ công chức nhà nước vẫn còn làm việc theo thói xấu một thời chưa xa. Thời ấy, ai cũng có việc làm, nhưng không ai làm việc. Không ai làm việc, những vẫn hoàn thành kế hoạch. Hoàn thành kế hoạch nhưng vẫn không có gì. Không có gì, nhưng ai cũng có. Ai cũng có, nhưng không ai bằng lòng. Không ai bằng lòng, nhưng ai cũng cam chịu. Thế cho nên: Không ai chết đói nhưng thiếu, đói đến chết. Chả thế mới vừa đây thôi, có công ty được phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, vừa được thưởng huân chương chưa được bao lâu đã phải phá sản. Trong khi đó, những người "công chức ngoài nhà nước" như quân anh Đại, đã biết coi công việc của công ty như công việc của mình rồi. Do đó, nhất thiết cháu Cường phải được rèn luyện, thử thách. Nếu không, nó sẽ gây khó khăn cho công việc của anh đấy.

Đại thấy bố và em rể phân tích phải quá.

Đúng lúc ấy, Cường lững thững bước vào.

Không có cái mừng rỡ, vồn vã, hồ hởi, tíu tít hỏi han, sau mấy năm xa cách. Mà nó cũng vậy. Nó lần lượt chào từng người. Mọi người chào lại nó, cũng với vẻ không hào hứng như nó vừa chào mình

Ông Hoè phá vỡ không khí lểnh loảng:

- Ông thấy cháu chừng chạc hơn. Chắc học được triều kiến thức tiên tiến của bạn chứ. Cháu về giúp bố một tay. Chỗ bố cháu làm ăn khá lắm rồi. Bố cháu cần những người có năng lực và tin cậy đỡ đần công việc.

Kiên hỏi:

- Cháu học quản trị kinh doanh phải không? Thế thì được việc cho bố cháu lắm đấy. Nhưng cũng phải có thời gian làm quen với công việc ở nhà. Không phải mọi điều học ở bên ấy, đều vận dụng ngay được.

Đại vẫn chưa nói gì đến công việc. Anh hỏi:

- Con nói cho cả nhà xem dự định của con thế nào?

Không ai đả động đến chuyện nó không về nhà ở. Dù ai cũng thấy, có là biểu hiện một cái gì đó đã trượt ra khỏi quỹ đạo kiểm soát của gia đình. Mọi người đều ngạc nhiên khi nó có vẻ thành thật, chứ không úp mở:

- Thú thật với bố, con cũng chưa biết nên thế nào.

°°°

Thật ra, Đại chưa hiểu bao nhiêu về con mình, ngoại trừ cái thói ăn chơi đàng điểm qua hai vụ Kiều Linh và Dự. Anh thông báo với các cộng sự việc con trai về, rằng sẽ cho nó theo mình trong một thời gian tế nắm công việc.

Sáng nay hai bố con đến công ty taxi Sao Việt. Cường chăm chú đọc bảng theo dõi điều hành xe trong tháng. Nó nói với Đại:

- Bố nói các chú cho con mượn một số tài liệu sổ sách để hình dung ra hoạt động của công ty. Hôm qua con đi lòng vòng khắp thành phố. Thử xem Thanh Hoa thay đổi thế nào.

So với đường sá người ta thì mình thua xa. Nhưng mấy chiếc cầu vượt và một nút giao thông hai tầng cùng cải thiện được phần nào tình hình đi lại tồi tệ thành phố mình.

- Con đi bằng xe máy à?

- Không, con đi taxi. Ba cuốc taxi của ba hãng khác nhau, trong đó có Sao Việt. Con đóng vai Việt kiều về nước.

Lái xe của bố không nhẽ chỉ được mấy câu tiếng Anh bồi: chào, hỏi đi đâu, và nói giá tiền thôi sao. Không biết, nó không thuộc đường hay cố tình mua đường để kéo dài thời gian chạy xe. Khi tính tiền mới lộ mặt gian lận. Lúc ấy con mới nói tiếng mình: "Quân ông Đại chứ gì? Vẫn quen bóp nặn khách thế này phải không? Nó xin con không báo cáo sếp bảo vợ mới đẻ, túng lắm. Con bảo chở đi tiếp một đoạn nữa. Hỏi có biết cái ông được đặt tên cho phố này là ai không. Tịt mít. Thử một xe nữa xem thế nào. Cũng chả hơn gì Và cũng xin không trả lại, lấy cớ không có tiền lẻ.

Thế thanh tra của bố làm thế nào trước hiện tượng này? Đâu những gần chục người chia nhau kiểm tra cơ mà. Con vẫy một chiếc của hãng khác, tỉ tê hỏi chuyện. Cũng ú ở tiếng Anh. Cũng mít đặc lịch sử đường phố và danh lam, thắng cảnh. Tay này kể mới bị cướp xe tháng trước. Bị nó ngồi ghế sau quàng dây vào cổ thắt. Cũng không biết làm sao mà thoát được Chuyện cướp taxi ở thành phố mình xảy ra nhiều chưa. Sao chưa có biện pháp gì hả bố?

Đại hết sức chăm chú nghe con nói. Anh ngạc nhiên thật sự. Nhận xét của Cường rất xác đáng. Nó đã làm một việc hết sức cần thiết cho anh. Gọi là khảo sát, gọi là tìm hiểu, điều tra cũng được. Anh không tỉ mỉ, không cụ thể được thế này.

Nghe con hỏi thế, Đại trả lời:

- Cũng nhiều nhiều rồi, thỉnh thoảng lại có một vụ. Chắc bên công an có thống kê. Nhưng quá là chưa có biện pháp gì. Các hãng xe chỉ biết dặn dò lính mình nếu nghi ngờ thì phải cảnh giác. Bên công an còn bí, nói gì đến mình.

Có vẻ Cường đang theo đuổi một suy nghĩ gì đó. Hoá ra, với công việc, nó cũng không phải là người vô tâm. Đại mừng thấy con bới ra, toàn những chuyện có vấn đề cả. Anh bảo:

- Con dành thời gian tìm hiểu thêm, xem còn vấn đề gì nữa không? Và nhất là con nghĩ giải pháp cho bố. Khi cuộc sống đặt ra vấn đề gì thì đồng thời nó cũng có câu trả lời cho vấn đề đó. Ai tinh thì phát hiện ra sớm. Con nghĩ cho bố đi. Chắc con làm được đấy?

Không phải là động viên. Trong thâm tâm anh tin vào điều mình nói.

Mấy hôm sau, Cường chủ động gọi điện mời bố về nhà.

Nó trình bày:

- Con nghĩ phải tổ chức cho lái xe học tiếng Anh hằng ngày. Ngày ba mươi đến bốn nhăm phút trước khi vào ca trực. Mỗi buổi học chỉ yêu cầu thuộc năm, mười từ, thuộc một hai câu là được rồi. Cuối tháng kiểm tra lại. Có tài liệu phát cho họ mang theo. Khi đợi khách thì ôn lại. Vào WTO đến nơi rồi, không chuẩn bị tốt việc này thì không giao tiếp được. Nếu ai kém quá, cho nợ lại. Nợ hai ba lần không trả được thì phải thải.

Đại rất khoái. Hôm họp anh cũng đã nói ý này. Có đào tạo phải có đào thải. Chi có điều không ai giúp anh thực hiện ý tưởng này. Anh hào hứng hẳn lên:

- Hay đấy. Trúng ý bố lắm. Con nói tiếp đi.

- Con đã mua mấy cuồn sách viết về lịch sử đường phố Thanh Hoa; danh lam thắng cảnh; đình, đền, chùa. Phải biên soạn lại thành tài liệu cho đơn giản, gọn nhẹ, phô tô cho lái xe mang theo dùng làm cẩm nang hành nghề. Tất nhiên cũng kiểm tra, cho điểm. Trượt môn này mấy lần cũng bị thải.

Bố tính xem nên thế nào. Chứ cả một Phòng thanh tra mười mấy người mà vẫn không kiểm soát nổi lái xe gian lận, bắt chẹt khách thì dở quá. Con thấy bên kia, mỗi tháng lái xe được phát ba chục đĩa, mỗi ngày đưa đĩa vào thiết bị gắn trên xe, nó sẽ ghi vào tất tật hoạt động của xe, kiểu một thứ hộp đen ấy. Chắc là đắt, nhưng trả lương cho một đống người mà vẫn thất thoát, vẫn bị kêu ca thì thà đầu tư một lần rồi khấu hao dần vẫn hơn chứ.

Còn nữa, hình như, nửa đêm về sáng không còn hãng nào chạy xe phải không ạ? Mình quảng cáo với khách, chạy cả giờ ấy, với giá cước phí cao hơn cũng tốt. Sẽ là hãng duy nhất phục vụ 24/24 giờ.

Đại chăm chú nghe con nói và ghi vào sổ tay.

- Con còn ý kiến gì nữa không?

- Việc cuối cùng. Sao ta không tìm cách chống cướp xe? Hai tấm lưới phía sau và bên phải, hoặc bằng mi-ca có các lỗ tròn nhỏ để nói vẫn nghe được. Lái xe sẽ yên tâm hơn, không thiệt hại người và xe… Con mới nghĩ được thế thôi. Bố tham khảo.

Đại bảo:

- Ý kiến của con đáng giá lắm.

Đại ngập ngừng:

- Sao con không về ở với ông bà. Nhà cửa thì rộng. Cho ông bà đỡ buồn.

- Chuyện ăn ở, quan trọng gì đâu bố. Miên là thoải mái và làm việc tốt là được rồi.

- Thế bây giờ con đi lại bằng gì?

- Thì tạm thời đi "xe ôm". - Suýt nữa nó buột mom - "Xe, ôm chất lượng cao"!

- Mai bố mang tiền về, con mua cái xe tay ga mà đi lại. Thế tiền ăn, tiền tiêu vặt hằng ngày còn không? Khi nào chính thức làm việc, công ty mới trả lương được. Bây giờ, tạm thời bố chu cấp. Con làm cho bố cái dự thảo đề án Chấn chỉnh hoạt động xe taxi Sao Việt. Con vào mạng xem thiết bị chuyên dùng cho xe taxi có những gì. Làm xong đưa cho bố xem. Sau đó con sẽ trình bày trước ban lãnh đạo. Thế nhé. Bố có việc phải đi đây.

- Bố đi trước, con ngồi với bà một lúc.

Đại biết, giữa hai bố con có một khoảng trống. Không phải chỉ vì những khoảng cách không gian và thời gian lúc mình còn trong quân ngũ. Đến khi ra quân, lại cả tháng trời đi công tác nước ngoài. Lại mấy năm nay con đi du học…

Đấy chưa phải là khoảng trống lớn nhất. Bây giờ, cha con không thể nói chuyện với nhau như hai người bạn, càng không thể nói với nhau như hai người đàn ông. Bởi giữa hai cha con là một người đàn bà.

Với Cường, đã là chuyện quá khứ. Nhưng người đàn bà ấy vẫn là hiện tại của bố mình. Ngay cả khi biệt vô tăm tích, một lúc nào đó, còn hiện về, không phải bằng xương bằng thịt, thì vẫn cứ hiện về trong sâu thẳm tâm can.

"Em đẹp thế, em trinh nguyên, em đáng yêu, em là người tình tuyệt vời. Chỉ vì khi ấy, anh còn ham chơi, ham của lạ, anh không muốn sớm ràng buộc vào chuyện vợ con nên phải rẫy ra thôi. Oái oăm thay, bây giờ em lại là vợ bố anh".

Nếu không phải vậy, chưa chắc Cường đã nhớ. Chưa chắc đã bận tâm. Chả việc gì phải nghĩ đến, phải lo lắng. Bây giờ, nó sợ gặp lại Linh. Cuộc đời cô như sự trả thù Cường, trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi thường trực trong nó. Lúc nào cũng nơm nớp, canh cánh…

Cường biết cuộc sống của bố với "người ấy" cũng ổn thoả. "Người ấy" đang là vợ đảm, cán bộ mẫn cán của Tổng công ty. Không biết bố có trách cứ gì mình không? Mình đã định không về. Về mới thấy khó xử. Không ai đả động đến chuyện cũ. Nhưng trong thâm tâm ai cũng nghĩ đến nó. Nó cứ chờn vờn trước mắt mọi người như một nỗi ám ảnh.

Cường hỏi bà nội:

- Thế, bà làm những gì cho hết ngày?

- Ờ cái thằng… Bà hết nghĩa vụ lao động rồi. Chả phải làm gì sất. Xem ti vi, đọc báo, thỉnh thoảng đi lễ chùa…

Bà Phụng không nói đến một việc chiếm khá nhiều thời gian và tốn không ít tiền, là buôn chuyện qua điện thoại, tháng mấy trăm ngàn. Tiền nong với bà chả thành vấn đề. Số tiền bán ngôi biệt thự, đủ đảm bảo cuộc sống cho ông bà, cho dù cả mười lần trăm tuổi. Chỉ có buổi tối, khi ông Hoè về bà mới ý tứ nhường điện thoại cho ông, trừ những cuộc bạn bè gọi đến. Bà chỉ nói với Cường đi lễ chùa thôi. Thật ra chuyện lên đồng mới là điều đáng nói. Nó cũng say, cũng nghiện. Mà lắm cái hay đáo đế. Đừng có mà báng bổ thánh thần đấy nhé.

°°°

Đại chưa muốn về nhà. Anh tạt vào quán cà phê, chọn góc ngồi trong cùng, để không ai qua lại trước mặt mình. Đó cùng là thói quen từ thời trong quân ngũ. Bao giờ cũng phải chiếm lĩnh vị trí có góc quan sát rộng nhất, mình quan sát người ta thì dễ, người ta quan sát mình thì khó.

Xem ra, con trai cũng để ý đến chuyện làm ăn. Bước đầu có thể tạm yên tâm. Nhưng từ hôm con về, Đại cứ thấy có cái gì đó gờn gợn, gai gai, găng găng trong đầu. Không rõ rệt. Không gọi ra được. Nhưng rõ ràng là có. Cũng chả có điều gì phải nghi ngại, mà sao mỗi khi nghĩ về nó, vẫn có cái gì không yên là nghĩa làm sao?

Kiều Linh chưa biết chuyện Cường đã về. Mà có biết, cũng chả có gì làm cô phải bận tâm. Sau mẹo vặt của chị bạn, cô không còn phải ngấm ngầm hờn trách chồng, mỗi khi vợ chồng gần gụi. Mà hình như, mỗi khi vợ rên lên, cùng với những tiếng "hức hức", Đại mới thấy mình mãn nguyện hoàn toàn, vì mình đã làm cho vợ sướng thế. Chưa bao giờ Kiều Linh thấy mình hạnh phúc như bây giờ. Trông mặt mũi, dáng vẻ cô, ai cũng nhận ra cái hơn hớn, hỉ hả, hăm hở trong cả công việc ban ngày ở công ty, lẫn công việc gia đình khi về nhà. Nhất là lúc vợ chồng "hội nhập" rồi "hoà nhập".

Thật ra, cái cảm giác không yên của Đại, chỉ là phản xạ tự vệ, bản năng của một người đàn ông, khi có một người đàn ông khác đến gần người đàn bà của mình. Khi thấy Cường không về nhà ở, Đại lờ mờ đoán ra, có thể nó cũng ngại gặp mặt Kiều Linh. Vì thế anh cũng không gặng hỏi con về chuyện ăn ở. Miễn là nó có ý thức về công việc là được rồi.

Đại được hội đồng Xét thầu thông báo chính thức bằng văn bản, rằng Sao Việt là một trong ba đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh trúng thầu, lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.

Trong phiên họp giao ban đầu tuần, Đại thông báo hai việc. Một là đề án Chấn chỉnh hoạt động xe taxi Sao Việt của Cường, hai là công tác triển khai xây dựng trung tâm đăng kiểm. Không ai phát biểu khen tính quyết đoán, đúng đắn của Đại trong khâu chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Thế có mà khen cả ngày. Nhưng trong suy nghĩ của mọi người, nhất là Hưng, thì một lần nữa lại tâm phục, khẩu phục năng lực tổ chức kinh doanh của Sếp.

Hưng gọi Chánh văn phòng mang ngay rượu vang lên phòng họp. Anh cầm chai rượu đã mở nắp giơ cao:

- Tôi đề nghị chúng ta nâng li chúc mừng một thắng lợi nữa trong chiến lược kinh doanh của Tổng giám đốc.

- Đúng quá rồi còn gì!

- Quá đúng đấy!

Hưng quay sang nhìn Đại, thấy anh khẽ nhún vai. Biết ý, Hưng vội nói:

- Xin phép Tổng giám đốc, tôi tiền trảm hậu tấu. Nếu không được duyệt, tôi vui lòng bỏ tiền túi ra mời mọi người chai rượu này. Anh cứ yên tâm.

- Lúc nào tôi cũng yên tâm. Cho qua!

Đại vui vẻ đón li rượu từ tay Chánh văn phòng.

- Chúc mừng!

- Chúc mừng!

Tiếng chạm li bao giờ cũng vui tai. Rượu chưa uống đã thấy bừng bừng.

Ly rượu mới đưa ngang miệng. Chưa ai kịp kề môi nhấp.

Cánh cửa phòng họp bật mở. Phó chánh văn phòng cố kìm nén, vẫn để lộ ra vẻ hốt hoảng:

- Báo cáo Tổng giám đốc…

Mười mấy cánh tay cầm li rượu cùng hạ xuống. Mười mấy cặp mắt dồn cả về phía người nói. Người này đi như chạy đến trước mặt Đại. Hai tay anh ta cầm một bản fax trình cấp trên.

Đại cầm tờ giấy. Ly rượu đỏ như máu trên tay rung rung.

Đại vừa đọc, vừa từ từ thả mình xuống ghế. Mọi người vẫn đứng, chăm chú nhìn Đại. Hẳn là chuyện chẳng lành rồi.

Nhưng là chuyện gì? Cái loại giấy fax kia hẳn là việc công, chứ không phải việc riêng. Ông Hoè lo lắng nhìn con. Ông muốn sấn lại xem tờ giãy chết dẫm kia là cái gì mà con ông phải nhăn trán, bặm môi thế kia.

Cả phòng họp lặng đi trong căng thẳng và chờ đợi. Dù chuyện gì. Dù tệ hại đến đâu, nếu Tông giám đốc đứng vững thì mọi người chả coi chuyện ấy là cái đinh gì.

Đại từ từ đứng dậy. Anh đưa mặt nhìn mọi người một lượt. Đến bố mình, dừng lại lâu hơn:

- Chúng ta thất bại rồi… Nhưng không phải vì sai lầm của chúng ta, cụ thể là của tôi. Bởi vậy, chúng ta vẫn nâng li. Đây là bài học, là cơ hội cho chúng ta bắt đầu công việc một cách thông minh hơn! Thế thôi!

Dù không còn cái vui vẻ, hồ hởi, nhưng không ai thấy nản lòng. Mọi người tin rằng chả lâu nữa, sau cú thua này sếp sẽ bày keo khác.