Lửa đắng

Chương 23

Đang lơ mơ ngủ, Thảo Tần nghe thông báo thắt dây an toàn. Máy bay bắt đầu hạ dần độ cao. Tiếng động cơ nhẹ bẫng đi. Người mừng vì sắp trở về nhà. Người mừng vì sắp được đặt chân lên thủ đô ánh sáng châu Âu. Sau hơn mười giờ bay, lẽ ra Tần cũng sẽ thở phào, sắp kết thúc những giờ phút đằng đẵng trong thấp thỏm, lo âu. Trái lại, càng lo lắng gấp bội.

 

Chỉ tại chị đã đọc cuốn bút ký của một nhà văn viết về ngành hàng không. Nhớ gì chả nhớ, lại nhớ rất rõ là, tỷ lệ tai nạn hàng không cao nhất lúc máy bay tiếp đất. Thì mấy chục năm trước, chồng bạn Tần cũng tứ nạn, khi máy bay ta hạ cánh xuống sân bay Băng cốc là gì. "Ngộ nhỡ…", lại "ngộ nhỡ", và bây giờ thêm: "Lạy giời đừng xảy ra chuyện gì, cho mẹ con tôi gặp nhau".

 

Mỗi lần máy bay hẫng một cái, Tần lại co rúm người lại, hai tay nắm chặt thành ghế. Lúc hai bánh sau chạm đất, máy bay giật nhẹ, mặt chị tái đi. Cho đến lúc nó từ từ lăn bánh vào cửa ga chị mới thở phào. Hú vía! Toàn thân lỏng ra như được cởi trói. Nặng nhọc đứng dậy. Bây giờ mới tin rằng mình vẫn… sống! Bây giờ mới nghĩ tới con.

 

Gớm, cái sân bay rộng kinh người. Tân Sơn Nhất so với nó chỉ như sân bay Côn Đảo so với Tân Sơn Nhất. Tần mới biết hai sân bay ấy và sân bay Nội Bài, nên nghĩ vậy. Cứ như một thành phố nhỏ ấy. Không biết phải qua lại bao nhiêu lần mới làm quen được cái tín đồ bát quái này. Người ra đón đông quá. Theo hẹn, ra khỏi cửa, tạt sang phải, cứ đứng đợi trong phạm vi năm chục mét vuông, Thùy Dương sẽ ra đón.

 

Kiên hay đi nhiều nên có kinh nghiệm. Anh dặn vợ, chớ có để đồ đạc trong nhiều cái đựng khác nhau. Nhiều nhất chỉ là hai thứ. Hai thứ phân cho hai tay là nhiều. Tốt nhất là một cái, dù to, còn cái kia, thật nhỏ, có thể đeo, khoác lên người càng tốt, phải để một tay tự do. Hai tay cùng bị hai thứ đồ đạc trói buộc sẽ khó xoay xoả khi có sự cố. Cái kiểu tay xách, nách mang dễ quên lắm.

Mắt Tần dớn dác nhìn ra phía trước ga, cố đọc các biển cầm tay của những người ra đón. Nhiều biển quá. Cứ như đi biểu tình ấy. Đột nhiên chị đọc thấy hai dòng chữ: "Chào đón mẹ Thảo Tần. Con Thuỳ Dương - Misen". Ba chữ "Mẹ Thảo Tần" chữ to, các chữ khác nhỏ hơn. Mừng quá, nhưng chị vẫn thầm kêu lên: "Ái chà, đã mẹ con rồi đây. Thế nghĩa là… "

 

Tần kéo valy nhích dần về phía ấy.

 

Chàng trai cầm tấm biển giơ cao, không biết có người chăm chú nhìn mình. Anh ta cao quá. Con chị chỉ đến vai. Da trắng ngần, tóc như những sợi tơ non đầu kén, mặt hơi dẹt, mắt sâu, mùi dọc dừa… - gương mặt điển hình của đàn ông Pháp.

Thùy Dương đứng sát bên Misen, đảo mắt dò tìm mẹ trong đám đông. Người đan qua đan lại trước mặt chị, nên Dương chưa nhìn thấy mẹ. Chiếc valy kéo làm chị không đi nhanh được.

Nhưng thật lạ. Nửa muốn đến bên con thật nhanh, nữa muốn chậm lại hay cứ đứng thế này nhìn ngắm nó thôi.

"Kiên ơi, em không biết nên thế nào đây? Điều anh và em lo lắng đã sờ sờ trước mắt rồi. Con bé sẽ ra sao với chàng trai da trắng đẹp mã kia? Thế là sớm hay muộn? May hay rủi?"

Những câu hỏi ngốn ngang làm bước chân chị nặng nề, nấn ná, nửa bước, nửa dừng.

Trong một khoảnh khắc, trước mặt Tần không có ai qua lại, Dương bỗng nhận ra mẹ, chỉ cách mình mấy bước chân.

Nó kêu lên mừng rờ rồi chạy ào đến, dang hai tay, ấp cả tấm thân con gái vào mẹ. Tần buông tay nắm valy, hai tay cũng ôm chặt con gái. Chỉ hai bước chân, Misen đã đến bên chị tiếng Việt hết sức rõ ràng:

- Con chào mẹ.

Cân nhắc một thoáng, chị đáp lại bằng cách gọi trung tính:

- Chào anh!

Dương ríu rít:

- Mẹ có mệt lắm không? Chưa bao giờ mẹ đi một chặng dài thế này nhỉ? Bố có khoẻ không mẹ. Bố cũng lại công tác rồi, phải không ạ?

Misen bảo Thùy Dương:

- Đưa mẹ về nghỉ ngơi đã em, - anh ta nhìn Tần, - để con kéo valy cho mẹ.

 

Tần thấy khó xử. Xưng hô là thể hiện một thái độ. Xưng "mẹ" với anh ta, tức là đã chấp nhận anh ta vào gia đình mình rồi. Tốt nhất là tránh. Trong lúc Misen đến bãi gửi xe, hai mẹ con đứng trên hè nói chuyện. Chị thấy con gái xinh hơn ngày ở nhà. Da trắng hồng, mắt ướt long lanh. Nhưng hình như đôi mắt ấy, tránh nhìn lâu mắt mẹ. Nó mặc kiểu này đẹp hơn: váy ngắn bó, áo phông. Có vẻ định nói gì, nhưng lại thôi. Chị hỏi thẳng:

- Con muốn nói với mẹ điều gì phải không?

Thảng thốt, nó chối:

- Không đâu mẹ? Con chỉ muốn hỏi xem, mẹ muốn ở đâu?

Ngạc nhiên, chị xoay mặt nó lại, buộc nó nhìn thẳng vào mắt mình:

- Ơ hay, sao lại hỏi thế. Mẹ sang thăm con thì ở với con chứ ở với ai. Không lẽ con có mấy chỗ ở à?

Giọng nó yếu đi:

- Nhưng bây giờ, con không ở chỗ cũ nữa.

- Sao thế?

- Người ta… Người ta không cho thuê nữa…

Tần đã lờ mờ đoán ra. chị gay gắt:

- Con bắt đầu nói dối từ bao giờ đấy? - Chị nghiêm giọng – Thế bây giờ con ở đâu?

Mắt nhìn xuống chân, nó lý nhí:

- Con ở… con ở với Misen.

Điếng người. Hai tay Tần nắm hai với con, giật giật, lay lay như đánh thức người mê ngủ:

- Sao con làm thế hả? Sao con dám giấu bố mẹ hả? Con có hiểu như vậy là thế nào không?

Tần sốc. "Làm thế nào bây giờ. Mất con rồi! Đau quá anh ơi:

Không hiểu nước mắt chị chảy ra từ lúc nào. Thuỳ Dương cuống quít:

- Con xin mẹ, mẹ bình tĩnh lại đi. Không có chuyện gì nghiêm trọng đâu ạ.

"Sai lầm không thể nào gỡ lại được!"

Thấy một chiếc xe Peugeot chầm chậm tiến lại, đoán là xe của Misen, Tần quả quyết bảo con gái:

- Con gọi taxi đưa mẹ về sứ quán. Có về với mẹ không thì tùy!

Thuỳ Dương không ngờ mẹ quyết liệt thế. Nó biết, mẹ đã nói là làm. Không thể nào thay đổi được. Nó đến chỗ Misen - lúc này đã mở cốp xe, chuẩn bị cho valy Tần vào - nói điều gì nó. Misen cau trán, có vẻ nghĩ lung lắm. Rồi anh ta cũng lấy điện thoại ra gọi. Taxi đến ngay. Trong khi người lái xe đưa valy lên xe, Misen đến trước mặt Tần, cúi đầu rành rẽ:

- Con xin được nói với mẹ điều này: trước sau, thế nào con cũng là con rể mẹ, - anh ta quay sang Thùy Dương, - em về ở với mẹ, anh về mang quần áo, đồ dùng cá nhân của em đến. Con xin phép đi ngay, vì không được đỗ xe ở đây lâu.

Kiên đã điện cho một người bạn, bí thư thứ nhất sứ quán Việt Nam tại Pháp, như một phương án dự phòng, nên mọi chuyện cũng đơn giản. Sứ quán vốn là chỗ tá túc cho các cán bộ trong nước có công việc qua lại. Tần được bố trí ở căn phòng đẹp nhất.

 

Là bạn Kiên nói thế, chứ Tần hoàn toàn dửng dưng chuyện ăn ở. Đến cả Paris hoa lệ bấy lâu ao ước chiêm ngưỡng, lúc này cũng chả còn ý nghĩa gì. Suốt từ sân bay về sứ quán, số 60 - 62, con phố nhỏ mang tên nhà Phê bình Văn học nổi tiếng - Boalô, xe qua những đường giao cắt hai, ba tầng, qua đường hầm sáng trưng, Tần không nhìn thấy gì qua con mắt mọng nước.

 

Vừa khép cửa xong, chị đã nằm vật xuống giường.

 

Thùy Dương ghé ngồi xuống cạnh. Chị ngồi phắt dậy, mở valy lấy quần áo, đi về khu phụ phía cuối hành lang, dùng chung cho mấy phòng, theo lời dặn của nhân viên sứ quán. Chị cố nén cơn giận, hy vọng sau khi tắm táp đầu óc sẽ tỉnh táo hơn, bình tĩnh hơn để nói chuyện với con. Chị không hề thấy bất tiện với điều kiện ăn ở, không bằng, ngay cả nhà của mình ở Thanh Hoa.

 

Bây giờ phải nhìn nhận và giải quyết sự việc như nó đã xảy ra, chứ không phải phê phán nó, lên án nó. Làm thế nào để cứu vãn tình bình, để nó bớt xấu đi. Sai lầm là sai lầm của mình. Đành là không thế sửa chữa được. Chỉ có thể hạn chế hậu quả của nó thôi. Tại mình cũng chạy theo mốt cho con di học. Bảo nó học ở nhà thì nó học ở nhà, báo nó đi thì nó đi. Nó có nằng nặc đòi đi như con người ta đâu? Nó có cần cách ly với lũ bạn xấu, mới phải chạy bằng được cho nó đi chứ. Tại mình không tính hết nước, đã vô tình đặt nó vào hoàn cảnh thuận lợi. Cho tình cảm tự nhiên phát triển. Trách nó một, phải trách mình mười. Bây giờ chuyên đã như thế, phải giải quyết trên cơ sở thức tế thôi. Em nghĩ thế, có phải không anh?

Để cho vòi hoa sen phun từ đầu xuống mình, Tần thầm trò chuyện với chồng như thế. Trở lại phòng, mặt đã bớt nặng nề. Chị báo:

- Con tắm đi cho thoải mái.

Thấy mẹ chủ động hỏi, con bé mừng lắm:

- Con đợi Misen mang đồ đến đã mẹ ạ.

Đã dịu lại sau cơn choáng, tay chị quàng qua vai, kéo con vào lòng. Con bé ngả vào lòng mẹ. Ấm áp. Tin cậy. Nó cảm thấy mình lại bé bỏng trong vòng tay mẹ, như ngày xưa vẫn còn bú tí. Tự nhiên, tay nó lần vào dưới vạt áo mẹ lần lên. Nó chợt nhớ ra, tí mẹ căng lên thế này là mình sắp có em đây. Tần nhủn người. Xúc cảm người mẹ vừa bạt đi, lại dội lên như sóng oàm oạp vỗ bờ.

Nó thầm thì:

- Bên này trai gái hôn nhau, cũng chả khác gì người lớn bắt tay lúc gặp nhau, lúc chia tay đâu mẹ ạ. Hoặc như hai người lớn khác giới quen biết thôi. Khi ấy người phụ nữ hơi nghiêng đầu, hướng má ra phía trước để người đàn ông khẽ áp má vào thôi.

Mới đầu, con với Misen cũng như thế. Rồi một lần, Misen bảo con: "Môi Thùy Dương đỏ như quả dâu chín ấy. Mình thèm quá". Thú thật với mẹ là con rất thích Misen. Mấy đứa con gái lớp con đều thích. Misen học khá nhất trong bọn con trai. Mà Misen đẹp trai thế nào thì khỏi phải nói rồi. Riêng con, lại có lý do khác: Misen như người đồng hương ấy. Hiểu Việt Nam chẳng kém gì con. Và anh ấy nói tiếng Việt thì mẹ biết rồi.

Một chàng trai như thế, làm sao con không yêu hả mẹ? Con hỏi Misen: "Bạn có phải là người nghị lực không? "Sao không?" "Thế thì cố nhịn đi, dâu còn xanh lắm, đừng thấy đỏ đã tưởng chín". Thật lòng là con đã chín với Misen rồi. Anh ấy xoè tay, nâng cằm con lên, nhìn vào mắt con bảo: "Nghị lực không dùng trong trường hợp này. Cơm treo, mèo nhịn đói là nghĩa làm sao? Dâu xanh, Misen sẽ dấm cho nó chín".

Con cố kéo dài, cố trì hoãn, mặc dù trong bụng rất muốn nó sẽ đến. Con đùa: "Thì thắp hương, dấm như dấm chuối tiêu đi, Hai tay Misen giữ hai bên mang tai con, quả quyết: "Không, sẽ dấm theo kiểu của Misen thề này này…". Vừa nói, Misen vừa nghiêng đầu, để chiếc mủi dọc dừa tuyệt vời không chạm vào mủi con, rồi hôn con đến ngạt thở.

Chưa bao giờ con biết cái gì ngọt ngào đến thế, tuyệt diệu đến thế… Nó làm con vừa yếu mềm đi, vừa cứng cáp lên, vừa như chết lả đi, lại vừa như được tiếp thêm nguồn sống. Con bỗng thấy cuộc đời thanh thản, bình yên. Không còn gì phải lo lắng, sợ hài. Hôm nay cũng thế, mà ngày mai cũng thế.

Thế là đúng hay sai, con cũng không biết. Chỉ biết là, ngày trước, con được sống trong yêu thương, đùm bọc của bố mẹ, bây giờ đang sống trong niềm hạnh phúc không cùng với Misen… Con nghĩ… có hai điều bố mẹ lo cho con, thì cả hai đều không xảy ra. Một là, việc học sẽ sa sút. Với chúng con thì ngược lại. Hai là, con có bầu, phải đi giải quyết ở bệnh viện. Cả điều này nữa mẹ cùng hoàn toàn yên tâm mẹ ạ!

- Thôi được, mẹ hiểu tình cảm của con. Con đang sống trong hạnh phúc. Điều này chắc không sai. Nhưng đấy là hôm nay. Còn ngày mai, ngày kia… hai đứa định liệu thế nào?

- Thì chúng con sẽ chính thức thành vợ chồng. Con sẽ làm việc ở bên này. Thỉnh thoảng sẽ về với bố mẹ, hoặc bố mẹ sẽ sang thăm chúng con. Con nghĩ, sau này việc đi lại sẽ không khó khăn như bây giờ…

Tần không dám nói với con, mối lo lắng nghi ngờ của mình về tính đỏng đảnh, thất thường trong hôn nhân giữa hai người, ở hai nền văn hoá khác nhau, nhất là Đông - Tây. Nói ra bây giờ nó không hiểu. Nó đang mù màu, không nhận ra bất kỳ màu gì khác, ngoài màu hồng.

- Con biết đấy, ở nước mình, qua đêm ở nhà bạn trai khi chưa cưới, là điều không thể hiểu nổi…

Tần định nói: "Con nhà có giáo dục, người con gái tự trọng không ai làm thế", nhưng chị đã kịp dừng lại. Lúc nãy đã tự dặn là không phê phán, không lên án cơ mà. Nghĩ thế chị bẻ sang cách nói khác:

- Đến nước ở hẳn nhà bạn trai thì… kỳ quặc hết chỗ nói… Mẹ…

Nói đến đấy, Tần nghẹn lại như sắp khóc. Chị không trách cứ con. Nhưng cái giọng đau đớn, cám cảnh của chị làm nó động lòng. Nó rơm rớm nước mắt:

- Con xin lỗi mẹ. Con làm mẹ lo buồn. Thế bây giờ, mẹ bảo con phải làm gì?

Nói thế, là còn có thể dạy được. Nhưng chính Tần cũng không biết nên thế nào. Misen có một căn hộ riêng. Chúng nó đang trong thời kỳ nghiện nhau như nghiện ma tuý. Có bảo nó lại thuê nhà trọ ở, có thể nó sẽ thuê, sẽ ở. Thế lúc mình về? Nó vẫn đến với nhau. Hoặc ở nhà Misen, hoặc ở chỗ con mình. Làm sao biết được? Ngay ở Việt Nam, bây giờ chuyện nam nữ sinh viên góp gạo thổi cơm chung, sống chung, sống thứ đã không còn là chuyện lạ.

Bên này, họ cứ sống với nhau, như vợ chồng, rồi sinh con. Cho đến khi con lớn mới làm lễ cưới là chuyện bình thường. Nếu chán thì chia tay. Gặp một người khác mà thích thì chỉ cần nói một câu, "Từ trước đến nay, anh vẫn yêu em, nhưng từ khi gặp X, anh không còn yêu em nữa. Chúng ta hãy coi nhau như những người bạn". Xong!

Khốn nỗi, người mình chưa chấp nhận lối sống ấy. Bây giờ chúng nó dính nhau thế này… Càng nghĩ, Tần càng tự trách mình và trách chồng, đã không tính đến tình huống này.

Tần định sẽ hỏi ý kiến chồng. Nhưng lại nghĩ, Kiên cũng khó lòng đưa ra một giải pháp nào khác, đành bảo con:

- Mẹ không biết nên thế nào, khi mọi việc đã thế này. Con đã làm thì phải sẵn sàng đón nhận những gì nó mang lại. Mẹ mong con không gặp điều gì bất hạnh.

- Cảm ơn mẹ. Con cũng mong như thế. Con chỉ biết, bây giờ con đang hạnh phúc bên anh ấy. Con nghĩ, đời người, yêu một người cũng yêu mình là điều quan trọng nhất, là vô cùng hạnh phúc. Con sẽ đẻ những đứa cháu rất xinh, rất đẹp trai, rất thông minh cho mẹ, mẹ ạ.

Nghe con gái nói, Tần càng thấy lo. Dù biết thế là thừa. Mà cũng chẳng biết lo gì. Cứ lo mơ hồ thế thôi. Nó hồn nhiên quá đơn giản quá. Có lẽ bởi đời nó, mới chỉ là bắt đầu, và đều thuận lợi, thành công.

Misen mang một valy đồ dùng cá nhân, máy tính xách tay và một ít sách vở cho Thuỳ Dương. Anh chàng giục người yêu giúp mẹ chuẩn bị đi ăn. Misen cứ một điều mẹ, hai điều mẹ.

Tần vẫn cứ anh - tôi. Nó đã bắt cả hồn lẫn xác con gái mình, làm bộ lạnh nhạt với nó là không phù hợp, và sẽ đặt con gái vào tình trạng khó xử. Với lại… chị cũng muốn qua cũng cách đối xử, xem anh chàng này là người thế nào, nên cứ để anh ta đạo diễn. Dương thấy mẹ không phản đối kịch bản của người yêu thì vui lắm. Vì không có chỗ nào lánh cho hai mẹ con thay quần áo, Misen phải ra ngoài, sau lời dặn: "Con đợi mẹ và Thuỳ Dương ngoài xe"

Bây giờ chị mới có cảm hứng ngắm thành phố hoa lệ. Lúc qua con đường hầm sáng rực để vào trung tâm thành phố, Misen nhắc:

- Mẹ ạ, một tí tẹo nữa ta sẽ qua đúng chỗ xe của công nương Diana gặp nạn… Đây, đúng chỗ này…

Tần bỗng mủi lòng. Mái tóc bạch kim thật ấn tượng, đôi mắt xanh long lanh. Chiếc mũi cao thanh tú, trên gương mặt mê hồn và nụ cười thân thiện, quyến rũ, dù đàn ông hay đàn bà. Người đẹp thế, tấm lòng bao dung thế mà phải chết trong đau đớn tột cùng. Hạnh phúc lứa đôi của người đàn bà ấy buồn quá. Chả biết trong quãng cười ngắn ngủi của mình, người đàn bà đẹp ấy hạnh phúc với ai: Thái tử? Chàng dạy cưỡi ngựa hay tỉ phú người A Rập? Hay mỗi người đem đến cho con người bạc mệnh ấy một kiểu hạnh phúc khác nhau?

- Phía trên đường hầm này, người Pháp dựng một đài tưởng niệm bà ấy mẹ ạ…

Qua cầu Đác-côn, sang đảo Xít trên sông Xen, Misen dẫn mẹ con chị thăm nhà thờ dức Bà. Anh chàng Misen chụp cho mẹ con Tần mấy kiểu ảnh. Thuỳ Dương báo Misen nhờ người bấm máy để chụp cùng với mẹ con mình. Tần định lấy cớ không chụp ba người để không chụp cùng Misen, nghĩ thế nào lại thôi. Misen nói với chị:

- Có một điều nên biết là mẹ đang đứng ở điểm gốc của tất cả quốc lộ trên toàn nước Pháp, tức là điểm xác định cây số không cho tất cả quốc lộ ấy.

Tần phải thừa nhận anh chàng nói năng lễ phép. Để bớt phải xưng hô, Tần chỉ gật đầu tán thưởng, không hỏi gì thêm.

Misen lại thuyết minh:

- Mẹ ạ, sông Xen là con sông lớn thứ hai của nước con. Nó dài 775 km. Có bốn lăm chiếc cầu bắc qua. Riêng Paris có ba mươi chiếc. Con sẽ đưa mẹ đi qua một chiếc cầu đặc biệt: Cầu Côngcoóc. Nó đặc biệt vì một phần được xây bằng đá lấy từ ngục Batsti, sau khi nhà ngục này bị đánh chiếm ngày 14-7-1789 - sự kiện được coi là phát súng mở đầu cho cuộc Cách mạng Tư sản giành tự do. Nó được chọn làm ngày Quốc khánh nước con mẹ ạ!

Misen đưa mẹ con Tần đến ăn ở nhà hàng Việt Nam "Em và tôi", ở đường Tônbiắc, quận 1. Người Việt Nam và những người Pháp từng sống ở Việt Nam rất mê thực đơn nhà hàng này. Các thứ mắm tôm ngoài bắc, mắm chua Huề, đến mùi, thìa là, rau thơm, ngổ… có tất. Mùa nào thức ấy.

Tất nhiên là đắt nhiều so với giá cả ở Việt Nam. Sau một ngày dài, lo hão huyền, lo chuyện con gái, ăn uống chả ra sao, Tần thấy ngon miệng. Misen cũng cầm đũa. Anh chàng ra dáng chủ nhà và chủ bữa, dùng một đôi đũa riêng tiếp thức ăn cho hai mẹ con Tần. Thuỳ Dương biết mẹ không chấp nhận việc mình làm nên không dám chủ động hỏi chuyện mẹ, ngoài việc hỏi thăm sức khoẻ ông bà nội, ông bà ngoại, vợ chồng bác Đại, cu Thành. Nó chăm chú quan sát, cố đoán xem mẹ đang nghĩ gì.

Tần thấy, có lẽ nên chủ động trò chuyện với Misen, để hiểu thêm anh ta.

- Nghĩ thế nào mà anh đưa Thuỳ Dương về ở cùng?

- Chắc mẹ biết là khi yêu nhau, người ta có nhu cầu gần gụi nhau. Con có một căn hộ riêng, mà Thuỳ Dương thì phải ở trọ. Ở với nhau sẽ đỡ tốn hơn, nhất là chuyện ăn uống và đi lại. Chúng con lại giúp đỡ được nhau trong học tập và sinh hoạt.

- Về lâu dài, anh tính thế nào?

- Có gì mà phải tính hả mẹ? Mấy năm nữa ra trường. Con sẽ ra trước Thuỳ Dương một năm. Chúng con cũng vẫn cứ ở đấy thôi. Đến lượt Thuỳ Dương ra trường. Chúng con sẽ tìm việc làm ở bên này, hoặc về Việt Nam. Con nghĩ, với người có chuyên môn khá thì không khó.

- Chuyện hôn nhân thì thế nào?

Chúng con sẽ thành vợ chồng. Nhưng chắc chắn phải nhiều năm nữa, khi công việc ổn định, thu nhập ổn định. Có thể phải có một chiếc xe hơi nữa cho Thuỳ Dương đi làm, nếu không tiện đường với con.

Anh ta thẳng thắn nói những dự định của mình bằng một giọng đàng hoàng, tự tin. Thật ra, hỏi chuyện con gái, Tần đã biết rồi, muốn nghe từ miệng anh thử xem thế nào thôi. Tần nhìn anh chàng ăn rất… đẹp. Tay đũa gặp rất khéo. Chỉ tay trai cầm bát cơm trông rất ngộ: cả bốn ngón tay một bên, bên kia là ngón cái, không đỡ lấy trôn bát mà cầm ngang thân bát. Tối về, Tần bảo con gái, sao không dạy Misen cách cầm bát thì Thuỳ Dương cười, kể: "Con nói rồi, nhưng anh ấy bảo ngón tay anh dài, cầm thế vẫn chắc, mà vi trùng ở đầu ngón tay cái, không thể rơi vào bát như cách cầm của người mình được".

Trở về sứ quán, Misen dùng một ổ dây điện mang theo, nối đến bàn để cắm máy tính. Anh ta hỏi Tần:

- Mẹ cho con biết thời gian ở bên này, những dự kiến của mẹ, để con giúp mẹ lên chương trình thăm Paris. Và nếu mẹ có kế hoạch thăm chớp nhoáng mấy nước láng giềng thì chúng con sẽ thu xếp đi cùng mẹ cho vui.

Chẳng thể nào khác, chẳng cách nào khác, Tần đành phải dựa vào anh ta vậy:

- Tôi chỉ có mười ngày.

Thật ra, chị xin phép đi hai tuồn hoặc hơn cũng được. Nhưng không còn hào hứng đi chơi trong tình cảnh này. Nếu Kiên đi cùng, đã đi một nhẽ… việc quan trọng nhất là xem tình hình con gái thế nào để giải quyết tại chỗ thì Tần không làm được gì. Hai đứa thì vẫn đi học, không rơi vào dịp nghỉ của chúng. Bọn học trò ở nhà chắc cũng ngóng chị về. Suy đi tính lại, Tần quyết định rứt ngắn cuộc đi lại như thế, kế cả hai ngày đi về.

Với thời gian ít ỏi ấy, mẹ cũng phải thăm được những điểm tiêu biểu của Paris. Con sẽ lập một chương trình sít sao để mẹ thăm mấy điểm, con kể mẹ nghe. Tất nhiên là tháp Epphen này, Khải hoàn môn này, vườn Lúcxămbua, Huy-gô miêu tả trong Những người khốn khổ này, Trung tâm văn hoá Pompidu này. Rồi mẹ cũng phải thăm cũng điện Vécsay, bảo tàng Luvre nữa chứ. Á, thế nào mẹ cũng phải thăm ngò hẻm Cômpoanh nơi Bác Hồ từng sống từ năm 1921-1923. Dù bây giờ căn phòng số 9 ngày xưa Bác ở, với viên gạch hồng sưởi ấm không còn. Nhưng con hẻm thì vẫn còn, với một tấm biến đồng và một bồn hoa.

Thuỳ Dương thêm:

- Thế nào cũng phải đưa mẹ đi chơi trên sông Xen để mẹ ngắm Paris từ một góc nhìn khác, và ngắm những cây tiêu huyền không có ở Việt Nam anh ạ.

°°°

Hơn một năm, sau ngày biệt phái vào thành phố Ho Chí Minh công tác, Thu Phong gọi điện báo cáo tổng biên tập, mẹ con cô sẽ bay in vào ngày mai, sáng sau sẽ đến toà soạn.

Chiếc xe taxi vừa đỗ. Người lái xe mở cửa cho khách

Ông bảo vệ kiêm thường trực nhìn ra, chạy mấy bước vào trong gọi to: "Mời cả nhà ra đón mẹ con phóng viên nhé!", rồi chạy vội đến cạnh xe. Phong thận trọng đưa một chân ra, khẽ xoay người đưa nốt chân kia ra khỏi xe. Ông bảo vệ tay phải nắm cánh tay Phong vừa nâng vừa kéo từ từ, tay trái che lên đầu cô, sợ chạm vào thành trên xe. Đám phụ nữ mẫn cảm hơn với trẻ nhỏ đã chạy ra. Một cô nhanh tay giành được quyền đón cháu bé, miệng xuýt xoa: "Xinh quá, kháu quá giống mẹ quá". Mấy cô khác, người dắt tay Phong vào, người cầm đồ đạc lỉnh kỉnh cho chị. Nhâm từ trên gác xuống. Chiếc váy đen lấm tấm hoa đỏ loà xoà bên mắt cả chân. Tay cầm một bó hoa, tươi cười:

- Nữ phóng viên tí hon của tôi đâu, cho tôi bế cái nào. - Chị ôm lấy Phong. - Mừng em đã thành người mẹ, thay mặt toà soạn, tặng em bó hoa tươi. Chúc mẹ con hạnh phúc.

Các cán bộ, phóng viên có mặt ở toà soạn vây quanh Phong, mỗi người hỏi một câu. Một cô bô bô: "Chị có biết em hoan hô chị vì lẽ gì không?". Phong chả biết ý tứ cô này thế nào, lắc đầu. Cô ta nói to: "Dám một mình nuôi con. Em sẽ nghiên cứu học tập!". Cháu bé đã được chuyển đến tay Nhâm. Rồi lần lượt đến tay các cô khác. Một ông tếu táo: "Bất bình đẳng giới quá Tổng biên tập ơi! Cho tôi bế cháu một tí chứ". Có ai đó chen vào: "Khéo lóng ngóng lại rơi công chúa bây giờ". Ông này vênh mặt lên: "Giỏ nhà ai, quai nhà ấy. Giống tớ như đúc. Đây, cả nhà xem xem, có đúng là phiên bản của tớ không?" "Thôi đi bố, đừng có mà nhận vơ".

Được đón tiếp trong không khí vui vẻ, ấm cúng không ngờ, Phong đỡ mặc cảm. Nhưng cũng hơi chạnh lòng. "Giá được anh đón vẫn hơn. Nhưng em không có quen đòi hỏi. Thế nay là qua nhiều rồi. Em chọn cách này cơ mà. Cho nó đơn giản. Trông cảnh gia đình chị Nhâm, gia đình đấy. Sợ lắm. Nghề nghiệp cần tự do, em lại thích sống tự do. Không bị ràng buộc. Thế này lã mãn nguyện rồi anh ạ".

Bữa trưa hôm ấy, toà soạn làm một bữa liên hoan nhỏ. Hai cô ra phố làm mấy món thức ăn sắn: chả cả, vịt quay, nộm, ngan luộc. Canh măng thì cho vào hai túi nilông lồng vào nhau. Đổ ra xoong, đặt lên bếp du lịch một chốc, sôi bùng lên ngay. Rau sống rửa lại, ngâm nước muối. Một túi lòng lợn, chần lại mới thái. Một túi bún. Hơn chục chai bia Hà Nội, nước ngọt… Quá đủ cho một chầu nội bộ say sưa.

Mọi người chuẩn bị vào bữa. Họ đi qua phòng khách, mẹ con Phong đang ngồi đấy. Phong quay lưng ra ngoài, cho con bú. Cảm giác đang truyền nhựa sống cho con…, cảm giác tê tê buồn buồn nơi đầu vú…, cảm giác cơ thể bé bỏng của con gọn lỏn, ấm nóng trong lòng, làm Phong thấy thanh thản và đầy đủ, chở che và bao dung, hy sinh và dâng hiến.

Thức ăn đã dọn ra. Bia, nước ngọt đã rót. Đá đã bỏ vào cốc. Cảm giác hứng khởi và thèm ăn làm mọi người phởn phơ. Cái cô nãy nói "sẽ nghiên cứu học tập" bảo Phong:

- Em đã tranh thủ làm bát bún rồi. Để em bế cháu. Chị vào nâng cốc với mọi người đi.

Trao con cho cô gái, chị nói rất thật:

- Chị nhỡ nhàng mới phải thế này? Không thuận với dòng đời lắm đâu. Em còn trẻ, thế nào cũng sẽ tìm thấy nửa của mình. Đừng bắt chước chị. Dạy trẻ con, mà chỉ có một mình, thế nào cũng lệch em ạ. Nhất là với con trai.

Cô gái đồng đưa đứa bé trên tay, mắt vẫn xoáy vào cái miệng chúm chím xinh xinh của nó:

- Cảm ơn chị đã khuyên. Đúng như các cụ nói "chồng con là cái nợ nần. Người muốn thoát khỏi, người cho chân vào". Thôi chị ra đi, mọi người gọi kìa!

Tổng biên tập đứng lên:

- Mỗi người có một lựa chọn mà mình cho là phù hợp. Cô Phong có cháu bé là thêm một trách nhiệm, nhưng cũng thêm một chỗ dựa, một niềm vui. Chúc em hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Chúng ta nâng cốc chúc người mẹ và chúc nữ phóng viên tương lai sẽ vượt mẹ trong sự nghiệp báo chí vinh quang, nặng nề và thử thách.

Cốc bia mát tỉnh người. Sau mấy miếng nhắm, nhiều người thấy trời chỉ bằng chiếc vung. Mấy anh có vẻ bốc.

Người đàn ông nãy bảo con Phong giống mình, đứng dạy, nhìn cô trịnh trọng tuyên bố:

- Cá nhân anh và cánh đàn ông trong toà soạn, kể cả mấy đứa ít tuổi hơn em, đều sẵn sàng làm bố con em. Bố đẻ, bố nuôi, bố thật, bố giả, bố nhất thời, bố lâu dài… tóm lại, bố gì cũng được, miễn là bố.

Mọi người cười vui. Một cậu còn trẻ nói to:

- Thì nhất định anh là bố cháu rồi. Nhưng là bố… láo.

Tiếng cười vỡ ra. Cười bắn cả bún trong miệng. Những lúc thế này, người ta được quyền quá đà một tí, châm chọc một tí, tếu táo một tí. Một, chứ đến hai tí cũng vẫn được chấp nhận.

Phong đứng dậy vẻ mặt nghiêm nghị, tự tin, mãn nguyện:

- Em cảm ơn anh và cả cánh đàn ông các anh. Cái cách em chọn là vừa làm mẹ, vừa làm bố, vừa làm chị, vừa làm bạn cháu, bốn trong một thì vất vả, không thể nào đều tốt như cháu có bố được. Biết làm thế nào? Được cái gọn nhẹ, đơn giản và không thể bỏ nhau. Rất cảm ơn chị Nhâm, cảm ơn mọi người, đã cảm thông, chia sẻ hoàn cảnh em.

Bữa cơm thật vui. Nhâm bảo:

- Em bế con lên ngủ phòng chị. Chị nằm xalông cũng được.

Lúc Phong đã ôm con, nằm thoải mái trên giường, Nhâm hỏi:

- Anh Triển gặp mẹ con chưa?

Phong nói rành mạch:

- Anh ấy không hề biết việc này. Mẹ con em cũng không bao giờ gặp. Trừ khi… Em tôn trọng cuộc sống gia đình anh ấy chị ạ!

°°°

Kiên về hôm trước thì mấy hôm sau vợ về. Xa nhau cả thời gian và không gian lần này là lâu nhất, xa nhất. Giữa họ là bao nhiêu chuyện muốn kể cho nhau, bao điều muốn nói và cả điều không nói ra. Thời gian, khoảng cách và sự việc làm cho hai vợ chồng thấy chưa bao giờ cần nhau như bây giờ. Tần bảo:

- Chưa bao giờ em thấy nhớ anh đến thế. Em nhắc đến anh trong từng nơi đến, từng sự việc, từng ý nghĩ. Biết bao lần em thầm hỏi anh, làm thế nào đây trong hoàn cảnh này?

Kiên bộc bạch suy nghĩ của mình, những ngày xa vợ:

- Quan chức thời nào cũng thế, thời này càng thế em ạ. Có biết bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu cạm bẫy, cám dỗ. Mà đã là con người thì có biết bao nhiêu ham muốn. Điều chỉnh được mình, kìm hãm được mình để không mắc vào cái bả quyền lực, đã khó. Là con người của quyền lực, không hám lợi. Càng khó, lại không thả mình vào những nhu cầu tự nhiên của một cơ thể sống là khó vô cùng.

Hai người đều căng thẳng mệt mỏi, sau chuyến đi xa nhiều ngày. Tần không hiểu hết những điều chồng nói. Chị chỉ hiểu đại thể suy nghĩ của chồng, rằng anh vừa vượt qua được một thú thách nào đó. Bây giờ, anh nói như một sự giãi bầy, chia sẻ. Hai người nằm bên nhau, không âu yếm, không đòi hỏi. Nhưng họ thấy gần gụi, thân thiết hơn cả khi đang quấn chặt lấy nhau những lúc nồng nàn nhất. Được ở trong ngôi nhà của mình, cảm giác bình yên, tin cậy khi nằm bên nhau làm họ sung sướng, mãn nguyện. Mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng. Một lúc sau anh đặt tay lên bụng vợ:

- Bao giờ thì nghe thấy con đạp hả em?

Chị khẽ mỉm cười trong màu đèn ngủ hồng nhạt:

- Cũng sắp rồi.

Nói xong, chị nhấc gối ra, gối đầu lên cánh tay anh. Chỉ một chốc đã chìm dần vào giấc ngủ ngon lành.

°°°

Nhóm trinh sát bám Vũ Sán đã rút từ lâu. Nhưng thiết bị kỹ thuật vẫn tiếp tục theo dõi. Đột nhiên có một cú điện thoại gọi đến. Mới chỉ nghe: "Chào đại ca", Sán đã cúp máy. "Bọn khốn kiếp", Sán lẩm bẩm, lấy chiếc điện thoại di động sim tra tiền trước chỉ dùng khi cần thiết ra gọi. Giọng cố kiềm chề, anh ta gắt:

- Cái gì đấy? Xong việc rồi cơ mà!

Giọng bên kia, vẻ cầu xin:

- Bọn em gặp khó khăn, đại ca giúp một ít. Dạo này không kiếm chác được gì.

- Lôi thôi quá. Tôi sẽ cho người gặp. Năm thôi đấy nhé!

- Ấy, đại ca đừng cúp máy vội. Năm thì bò bèn gì. Bọn em một đống người… ít ra cũng phải gấp ba số ấy.

- Mày làm như tao xúc được ấy. Thêm năm nữa thôi.

- Thôi thì tuỳ đại ca. Đã thế, em xin đại ca hai chục cho chẵn.

- Này, đừng có thấy bớ thì đào mãi.

"Thằng ấy" trở mặt ngay:

- Hay đại ca muốn em tố cáo?

- Thế tố ra, thì mày không bị bóc lịch à?

- Thì cũng bóc. Nhưng kẻ thừa hành bao giờ cũng bị ít hơn kẻ chủ mưu chứ ạ.

- Xem ra mày chẳng sợ bóc lịch nhỉ?

Nó cười lạt:

- Đi tù là nghề tay trái của bọn em mà. Vào rồi lại ra thôi… Nhưng đại ca mà vào là tan tành công danh sự nghiệp. Vợ đại ca đẹp thế, thằng khác nó hưởng. Bồ non chạy mất dép. Em thì chả có gì mà mất… Tuỳ đại ca thôi.

Sán chỉ đề phòng bị nghe điện thoại bàn. Anh ta không biết rằng, phòng mình đã bị gài một thiết bị ghi âm cực nhạy, thu phát ra ngoài.

Nghe xong đoạn băng ấy, Thuần thở phào: "Có thể chứ".

Chị xin lệnh cho mời Sán lên Công an Thành phố làm việc. Loại cán bộ Thành uỷ quản lý, phải làm từng bước thận trọng.

Lí do ghi trong giấy mời là: "Tư vấn giúp Công an Thành phố làm sáng tỏ vấn đề chuyên môn liên quan đến một nghi án".

Sán đi xe ô tô cơ quan đến. Lí do mời rất khéo. Và điều quan trọng là, anh ta không mảy may nghi ngờ bộ mặt thật của mình sắp bị lật tẩy, nên rất đàng hoàng bước qua trạm gác. Sán thấy khó chịu, khi chỗ ngồi không phải là phòng khách? cũng không thấy chủ nhà mời nước. Hai người cán bộ ngồi đây còn trẻ. Chưa hiểu chuyện gì, thì người cán bộ nữ nói:

- Phiền ông nghe giúp đoạn băng ghi âm này, xem đây là ai, và nội dung trao đổi liên quan đến việc gì?

Vừa nhận ra tiếng mình, Sán đã tái mặt, rùng mình. Từ đâu đó sau gáy như có viên đá lạnh chạy suốt dọc sống lưng.

Mồ hôi đổ ra như tắm. Rồi đũng quần ướt nóng, theo ống quần chảy xuống, lênh láng sàn nhà.

Chăm chú quan sát, Thuần thấy cái mặt kia đã thú nhận tất cả. Lại thấy mùi khai nồng nặc bốc lên, chị nhăn mũi, thềm nói một câu tếu táo quen thuộc: "Khinh cơ bản, toàn diện, vững chắc". Đẩy tập giấy trắng, trên đất cây bút bi đến trước mặt anh ta, giọng chị lạnh lùng, mai mỉa:

- Ông Tiến sĩ, Phó giám đốc Sở, khai hết ra, để khỏi mất thì giờ chúng tôi.

°°°

Nhận được báo cáo của Công an Thành phố gửi Thường vụ Thành uỷ và Thường trực Uỷ ban, Bí thư thành uỷ Trịnh Trân lặng người đi hồi lâu. "Dám hợp đồng với bọn xã hội đen trả thù báo chí thì to gan thật. Hèn hạ thật! Mà cái tay Cận, không lẽ lại gà mờ thế".

Trong cuộc họp Thường vụ, giọng ông bức xúc tột cùng

Ông chỉ thị:

1. Công an Thành phố nhanh chóng hoàn thành công lác điều tra. Toà án, Viện kiểm sát tập trung chỉ đạo, xét xử như một vụ án điểm.

2. Vụ án không lớn, hậu quả không nghiêm trọng, nhưng nó là điển hình sự tha hoá của một bộ phận cán bộ công chức trong bộ máy công quyền chúng ta. Ban Tuyên giáo Thành uỷ, sở Văn hoá Thông tin, Nhật báo Thanh Hoa, đài Truyền hình, đài Phát thanh Thanh Hoa cần có biện pháp tuyên truyền phù hợp, tạo dư luận xã hội, phê phán mạnh mẽ lối sống thực dụng, chụp giật để thoả mãn nhu cầu bất chính cá nhân.

3. Ban Kiểm tra, ban Tổ chức Thành uỷ, sở Nội vụ ra soát lại khâu đề bạt cán bộ vụ Vũ Sán và loại người như Vũ Sán.

Ngay sau khi báo cáo gửi đi, được sự đồng ý của giám đốc Truân, Thuần đến nhà Triển:

- Thế là em đã trả được món nợ cho cháu Minh rồi.

Triển vui lắm. Anh bắt tay cô hai lần:

- Cảm ơn em và các cộng sự vô cùng. Cháu Minh sẽ dịu bớt nỗi căm uất. Đấy em xem, anh nghĩ có sai đâu?

- Nhưng, vụ của anh, bọn em vẫn chưa lần ra được mới tức chứ. - Ngừng một lát như tự thưởng cho mình quyền nhấm nháp thắng lợi, Thuần kể - Anh mà nhìn thấy cái mặt hắn lúc nghe băng ghi âm nhỉ? - cô buột mồm. - Em khinh cơ bản, toàn diện, vững chắc.

°°°

Một tháng sau, vụ án được đưa ra xét xử. Tốc độ kỷ lục của các cơ quan bảo vệ pháp luật Thanh Hoa.

Tất cả các báo Thanh Hoa hoặc có văn phòng đại diện ở Thanh Hoa đều có tin bài về vụ này. Riêng tờ Chính luận có hẳn một phóng sự của nhà báo Thu Phong: Con đường tha hoá của một quan chức.

Kỳ một: Con đường thăng quan tiến chức và Vũ Sán.

Kỳ hai: Luận án tiến sĩ của Vũ Sán được bảo vệ như thế nào?

Kỳ ba: Vũ Sán mua và gian lận phiếu như thế nào để vào Đảng uỷ?

Kỳ bốn: Cuộc trả thù hèn hạ của Vũ Sán.

Kỳ năm: Cán bộ, công chức sở Quy hoạch Kiến trúc và bà con dân phố nói gì về Vũ Sán.

Kỳ sáu: Bài học đau xót về công tác tổ chức cán bộ.

Để viết được phóng sự này, Phong đã đọc một mở hồ sơ dày bên công an. Cô đã vào nơi tạm giam, trực tiếp khai thác Sán. Gặp các giáo sư hướng dẫn, phản biện luận án của Sán. Tìm được hai bài báo của một tờ tạp chí chuyên ngành nói về luận án "Bảo tồn phố cổ Thanh Hoa". Cô đã làm quen được với hai cán bộ, một nam một nữ ở Sở Quy hoạch Kiến trúc, từ đó mở rộng ra nhiều mối quan hệ khác của Sán trong cơ quan Sở. Phong lật lại cả vụ hộp bia ngày nào. Phỏng vấn cả bà con dân phố nơi Sán cư trú.

Nhờ làm việc tỉ mỉ, thận trọng như thế, nên chị phát hiện được nhiều chi tiết đắt giá ở con người này. Riêng mối quan hệ với Người lơ lớ thì Phong chưa lần ra được. Cô chỉ nêu nghi vấn: nhiều cán bộ sở Quy hoạch Kiến trúc đặt câu hỏi, Sán lấy đâu ra nhiều tiền để "chu đáo" với tất cả mọi người trong phòng, trong cơ quan, nhất là các cán bộ chủ chốt, đảng viên. Ngày sinh của ai, Sán cũng có một món quà rất trọng lượng. Các ngày lễ tết trong năm, đến cả tết Trung thu, ngày cháu sắp vào lớp một, mừng nhà mới, ngày giô… Sán đều "chu đáo" như thế. Chỉ có thể phỏng đoán, đây là nguồn thu "ngoài luồng", chứ không chỉ từ công việc chuyên môn nhờ "kinh tế phong bì". Một người ở Sở cho Thu Phong biết, Sán có một chuyến đi du hí ở đảo Hái Nam, Trung Quốc do một đối tượng người nước ngoài bao, vì được Sán giúp đỡ làm thủ tục cho thuê đất lập khu công nghiệp.

Mới đọc kỳ đầu, Triển gọi điện ngay cho Thu Phong:

- Chúc mừng em. Ấn tượng vô cùng. Loạt bài này sẽ khẳng định vị thế của em trong làng báo đấy. Đừng tránh mặt anh thế. Em vẫn nghe đấy chứ.

- Vâng.

- Em nên sửa hai từ này: Đừng viết: "dài kỳ", "dài" trái nghĩa với "ngắn", phải viết là "nhiều kỳ", "nhiều" trái nghĩa với "ít" đúng không. Các bố bên điện ảnh cũng cứ viết "phim truyền hình dài tập" nghe chướng lắm… Em có nghe anh nói không?

- Em vẫn nghe mà.

Còn một danh từ em cũng cần sửa: Đừng gọi là "Sở Công an Thành phố". Gọi là "Công an thành phố" thôi. Mặc dù nó ngang với các sở khác và cấp trên theo ngành dọc, cũng ngang với các bộ khác, nên cũng vẫn gọi là Bộ công an. Nhưng ở các tỉnh, thành phố, lại gọi là: công an thành phố, công an huyện, công an xã, công an phường. Lí do không nhất quán này là, các tổ chức ấy, không chi là đơn vị hành chính sự nghiệp mà còn là lực lượng vũ trang. Không tin em cứ xem con dấu đóng trên công văn giấy tờ của họ ấy!

Đọc xong kỳ bốn, Triển gọi Phong: "Không biết em viết những gì trong kỳ năm. Nhưng căn cứ vào tiêu đề: "Cán bộ công chức Sở Quy hoạch, Kiến trúc và bà con dân phố nói gì về Vũ Sán", anh đề nghị em thêm vào ý này thay cho lời bình.

"Có người nói rất đúng rằng, xét về "tiêu chuẩn" chạy chức quyền thì rõ ràng là Vũ Sán có đủ bốn chữ nhẫn để leo lên đến chức vụ ấy. Một là nhẫn nại phục kích, chờ cơ hội, tạo cơ hội. Hai là nhẫn nhục để cầu thân. Ba là nhẫn tâm để hại người khác. Bốn là nhẫn vàng để chạy quyền chức. Nhưng hậu quả thế nào thì rõ như ban ngày".

Nói đến đây, Triển dừng lại chờ đợi. đầu dây bên kia vẫn im lặng. Triển khai khoản van nài:

- Nói với anh đi, anh muốn nghe giọng em. Nói gì cũng được! Một câu thôi cũng được…

Im lặng mấy giây mà Triển cảm thấy như cả giờ nặng nề trôi qua. Chưa nghe thấy tiếng cúp máy, anh kiên nhẫn giục:

- Nói đi em!

Thu Phong như hụt hơi:

- Anh thật trí tuệ, cái ý ấy gọi là lời bình cũng được. Gọi là lời kết cũng hay. Em biết ơn anh nhiều lắm.

Triển nói vội:

- Anh đến em ngay nhé?

Phong hấp tấp:

- Đừng anh.

Triển nghe tiếng cúp máy ngay sau đó.