Lửa đắng

Chương 15

Người đầu tiên bị cơ quan điều tra triệu tập là ông X.

Bởi ông này đứng tên trong tờ rơi, với tên, địa chỉ, điện thoại thật và ký tên hẳn hoi.

Thật ra, việc ấy là thừa. Chả ai dại đến thế. Ngay sáng hôm sự việc xảy ra, ông ta đi gọi điện nói với Kiên: "Thằng đểu nào mạo tên tôi, chữ ký tôi anh ạ. Chứ một người như tôi làm sao lại làm một việc đê mạt thế".

Bên Công an báo cáo: ảnh phô tô không thể xác định thật giả. Với kỹ thuật vi tính, một bức ảnh ghép là chuyện quá đơn giản. Mà tìm ra cửa hàng nào đã sao chụp là chuyện không thể. Cả Thành phố hàng ngàn cửa hàng phôtô, chưa kể máy trong các cơ quan, tổ chức của tất cả các thành phần kinh tế, cùng chưa kế của các tỉnh liền kề.

Cả Thành phố đồn ầm lên. Một đồn năm, năm đồn mười. Tiếng lành đồn xa, tiếng dừ đồn xa gấp trăm lần. Chuyện ở những quán cà phê sáng, cà phê tối râm ran suốt mấy ngày:

- Các bố quan chức, ăn của đút, sẵn tiền lắm. Chuyện này nhỏ như con thỏ.

- Ngày xưa các cụ đã tổng kết rồi: "Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bẩy? Nếu không chơi thiệt ấy ai bù". Quan nhất thời, không chơi cũng thiệt…

- Đòn chơi nhau đấy. Ở D, tay Phó viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh còn giăng bẫy, dựng hiện trường giả, chụp ảnh ông Viện trưởng trần truồng trên một ả ca-ve cũng trần truồng là gì?

- Quá đúng, các cuộc ăn chơi trác táng bị ghi hình, chụp ảnh đều có mục đích cả.

- Mày nói thế tức là chuyện gái gú của tay này là có thật chứ gì? Còn chuyện chụp ảnh, ghi hình là chuyện khác à?

- Cái đó thì không biết được. Tuỳ quan niệm, tính cách từng người.

- Tất nhiên đây không phải là vấn đề đạo đức, nhưng tao biết có ông, có các vàng cũng không. Ông ấy bảo, không có tình cảm thì không thể "làm" chuyện ấy được. Nhưng cùng có thằng: đui què, mẻ, sứt, tâm thần… chơi tất. Như một con vật ấy…

- Biết rồi, như cái thằng đại uý đ… trâu trong Bất khuất của ông Nguyễn Đức Thuận ấy. Trâu, bò, gà nó chả "làm" tất là gì?

- Cái thằng gì tao quên tên, trong Papiông, người tù khổ sai cũng thế, cũng "làm" con trâu kéo xe nước cho trại tù đấy thôi!

- Thôi không nói đến cái chuyện tởm lợm ấy nữa. Theo mày, chuyện này sẽ dẫn đến đâu. Có tìm ra thủ phạm không?

- Cứ nội bộ mà tìm, sẽ ra!

- Mày nói thế, nhỡ "ngoại bộ" thì sao? Thế cái vụ tay Tổng biên tập báo Thời luận bị tạt a-xít đã ra chưa?

- Ờ nhỉ, phải mang cái mặt sần sẹo ấy suốt đời thì khổ thật. Đời bao nhiêu người thiệt thòi, bao nhiêu người chịu bất công, oan khuất…

Sau mấy ngày cứ các chuyên viên tìm hiểu, gặp gỡ, hỏi han nhiều người để thu thập tài liệu, Kiểm mời Kiên lên làm việc. Cùng dự còn có một chuyên viên ban Kiểm tra Trung ương được giải thích, trường hợp này liên quan đến một đề án thí điểm do Trung ương chỉ đạo nên Trung ương phải nắm được tình hình. Ngoài ra, còn có một cán bộ giúp việc Kiểm.

Kiên giải trình trong hơn nửa giờ rồi về. Giải trình miệng, không văn bản gì. Đấy là đặc ân Kiểm dành cho anh.

Rồi ông Lưu cũng được mời lên để thông báo kết luận của ban Kiểm tra về đơn tố cáo của mình. Sau đó Kiên cũng được mời lên ban Kiểm tra để thông báo kết luận. Cầm trên tay bản thông báo, chưa biết trong ấy nói gì, Kiên nhìn thẳng vào mắt Kiểm, nói rành rọt từng từ một:

- Tôi chưa biết các anh kết luận như thế nào. Nhưng tôi đề nghị được có cuộc đối thoại trực tiếp với anh Lưu, trước mặt các anh.

Anh định dùng từ "đối chất", nhưng nghĩ thế căng quá lại thôi. Trong những ngày ấy, Kiên làm việc trong tâm trạng hết sức khó chịu. Những ngày tháng bị kỷ luật, tạm thời đình chỉ chức vụ Bí thư, Kiên không khó chịu như bây giờ. Nhìn ai cũng thấy thế nào ấy, cứ như mình mặc chiếc áo bấn, áo rách trước mọi người. Anh không thể giải thích, thanh minh, đành nghiến ông chờ kết luận của tổ chức. Đến vợ mình còn không tin thì nói gì đến người ngoài. Đấy là nỗi đau nhất của anh. Bữa trưa anh không về để tránh phải gặp vợ trong bữa ăn lạnh lùng, lặng lẽ. Thế còn bữa tối. Không tài nào tránh được.

Kiểm trả lời Kiên là chính Lưu cũng đề nghị như thế "nhưng chúng tôi thấy không thật cần thiết. Một là, sẽ không thể tránh được căng thẳng giữa hai người. Thứ nữa là, cũng chưa có tiền lệ. Mong anh tôn trọng ý kiến của tổ chức. Việc này đã được Hội nghị Thường vụ cho ý kiến và nhất trí với dự thảo kết luận của ban Kiểm tra. Vả lại, tinh thần bản kết luận là bác đơn tố cáo của anh Lưu kia mà".

Kiên đọc tại chỗ, để nếu có ý kiến sẽ phát biểu ngay. Tất cả ý kiến của Lưu đều bị bác thật. Điều này thì rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu. Nhưng điều quan trọng nhất là tờ rơi thì bán thông báo chỉ nói thế này: "Tờ rơi là văn bản mạo danh. Nội dung tố cáo cũng không đúng sự thật. Riêng chiếc ảnh, cơ quan chức năng không có điều kiện để kết luận là thật hay giả. Nhưng vì nó nằm trong văn bản mạo danh - cũng tức là nặc danh, theo quy định hiện nay, không được tổ chức xem xét".

Kiên mím chặt môi. Hãy biết thế đã.

°°°

Quận uỷ - Uỷ ban Nhân dân quận Lâm Du.

Cuộc giao ban đầu tuần. Không khí căng thẳng ngay từ đầu giờ làm việc. Kiên nói rõ, "cuộc họp giao ban hôm nay sẽ kéo dài hơn thường lệ, bởi có hai phần. Phần một, tôi chủ trì, chúng ta sẽ kiểm lại công việc tuần trước và thông qua nội dung công tác tuần này. Phần hai, đọc thông báo kết luận của ban Kiểm tra Thành uỷ về đơn tố cáo của anh Lưu về tôi và tờ rơi mà các đồng chí đã biết cả. Đồng chí Hùng, thay tôi điều khiển phần này".

Phần đầu qua nhanh chóng. Hình như ai cùng muốn thế. Người ta không chờ đọc thông báo kết luận của ban Kiểm tra. Họ đều đoán được đại thể nội dung bản kết luận. Cái họ chờ đợi là những gì sau đó.

Hùng vừa đọc xong, Lưu đã đứng dậy, dõng dạc hỏi:

- Anh Kiên, anh có còn là đảng viên không?

Đôi tròng mắt trắng dã, trên bộ mặt lưỡi cày mở to hết cỡ, tưởng như sắp rách mắt đến nơi, chứng tỏ người nói giận dữ tột độ. Nước da tai tái, dù đã huy động tối đa cho máu dồn lên mặt, mà tái vẫn hoàn tái. Ai nấy giật mình, quay ngoắt cả lại. Người phản xạ chậm nhất, cùng vẫn nhìn thấy, hai má ông phồng lên, khi đôi môi mỏng ám đầy khói thuốc, bụm lại ở tiếng cuối cùng: "không". đây không còn là lời chất vấn, mà là lời tuyên án. Nó không cho phép người bị hỏi trả lời hay cãi lại. Bởi tội trạng đã rõ ràng. Ngày nào, chính Lưu đã ký quyết định kết nạp Kiên, khi anh còn là chàng kỹ sư bướng bỉnh ở Nhà máy Thắng Lợi. Không có ông, làm sao Kiên có ngày hôm nay. Vậy mà bây giờ, nó đã leo lên đầu ông. Nhưng rõ ràng là nó xa rời chủ nghĩa Mác- Lê thật rồi.

Lưu đang trong tâm trạng của người sắp chuyển công tác, khi không thể ở lại, khi không đạt được nhưng gì mình muốn.

Sắp chuyển chứ chưa chuyển.

Nghĩa là vẫn còn nguyên chức vụ. Quyền lợi. Quyền ăn. Quyền nói. Mà nói với ông ta, lúc này là vũ khí… vi trùng. Ông ta tận dụng hoàn cảnh này để ném ra câu hỏi ấy. Lưu yên chí, vì mình có một bề dày công tác như thế, lại có một chỗ dựa vững chắc trên kia… ban Kiểm tra kết luận là một chuyện, tao dạy mày một bài học về lập trường tư tưởng là chuyện khác.

Cả phòng họp chết lặng đi. Chưa ai kịp tỉnh, ông ta đã lặp lại, với một cường độ lớn hơn, giọng điệu quan toà kết án bị cáo:

- Tôi hỏi, anh có còn là đảng viên không?

Mọi người bàng hoàng. Không thể tưởng tượng câu chuyện sẽ diễn ra thế này.

Ngay lập tức cả phòng họp nghe tiếng Kiên như thét lên:

- Không!

Ai nấy đều choáng người. Bản thân Lưu, hùng hồ là thế, chủ động là thế mà cũng trợn mắt nhìn Kiên, như không tin tai mình đã nghe câu ấy. Không biết đối phó thế nào, Lưu đần mặt ra. Kiên đứng dậy. Anh dằn từng tiếng:

- Đúng, tôi không còn là đảng viên như anh nữa!

Mọi người không hiểu câu chuyện sẽ đi đến đâu. Một chuyện hệ trọng thế. Câu hỏi ghê gớm thề. Câu trả lời còn ghê gớm gấp trăm lần. Anh tiếp tục nói, sau một giây cân nhắc. Giọng đã bình tĩnh trở lại:

- Đúng vậy đấy anh Lưu ạ. Cho đến bây giờ anh còn cho rằng, việc đề bạt một cán bộ cấp trưởng phòng, không phải là đảng viên là không có tính Đảng. Anh gửi đơn lên tận ban Tổ chức Trung ương, ban Kiểm tra Trung ương tố cáo tôi xa rời tôn chỉ mục đích của Đảng. Vâng, tôi không còn là đảng viên theo suy nghĩ của anh. Nói khác đi, Đảng trong nhận thức của tôi và Đảng trong nhận thức của anh không giống anh…

Mặt mũi, lòng gan, tim phổi mọi người nở bung ra.

Chưa bao giờ, chưa ai chơi lại ông Phó bí thư già này một còn như thế, với một quan niệm vượt lên trên những suy nghĩ tầm thường của ông ta.

Chí ngôn!

Chí lý!

Trí mạng!

Kiên thấy mình bình tĩnh, tự tin. Anh tiếp tục ý kiến hết sức rành rẽ, mạch lạc:

- Tôi muốn nhắc đến chuyện ngày xưa, thời Kinh tế mới, Lê nin đã nói: "Tôi cần một nhà buôn giỏi hơn mười người cộng sản tồi". Đảng cần những người hữu ích, chứ không cần dẻ cùi tốt mã dài đuôi. Tôi muốn nhắc đến ông Xuxlôp, người phụ trách công tác tổ chức của Đảng Cộng sản Liên Xô, trong một thời gian dài, đã tổng kết: "Kinh nghiệm công tác tổ chức của Đảng Cộng sản Liên đó là "Càng ngày càng không phân biệt người trong Đảng và người ngoài Đảng", chứ không như anh vẫn cứ một mực gọi họ một cách xách mé là quần chúng đâu, anh Lưu ạ. Danh hiệu đảng viên chỉ là một tiêu chí để đánh giá con người. Cái quan trọng nhất là sự hữu ích của mình, cái chất "người" trong mỗi công dân… Không lẽ khi chưa có Đảng, đất nước không biết đánh giá những người con của mình thế nào à? Tôi muốn nhắc đến chuyện Bác Hồ đã từng nói với ông Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Ngoại thương rằng: "Chú ở ngoài đảng có lợi cho Đảng hơn chú ở trong Đảng. Chú yên tâm phục vụ đất nước". Còn biết bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc không phải là đảng viên. Ông Già Ngọc ở Chuồng Cọp trong tù ngục Côn Đảo có phải là đảng viên đâu, mà bao nhiêu đảng viên, đều phải tôn thờ trong tâm khảm, như một gương lẫm liệt cho mình noi theo. Tôi muốn nhắc đến chuyện, bây giờ, Đảng Cộng sản Trung Quốc còn chủ trương kết nạp cả những nhà tư sản, miễn là họ tán thành Điều lệ Đảng. Dĩ nhiên Điều lệ ấy phải sửa đi cho phù hợp. Họ còn bổ nhiệm cả những người ngoài Đảng làm bộ trưởng nữa kia. Bởi một điều đơn giản, đấy là những người đang góp một phần không nhỏ cho dân giàu nước mạnh, làm Trung Quốc mở mày mở mặt ra với thế giới.

Còn ở ta, bây giờ đất nước đã tôn vinh những doanh nhân, những con người đại diện cho trí tuệ Việt Nam. Đất nước khoác lên ngực họ những vòng nguyệt quế. Hằng năm, Thủ tướng đều gặp họ, lắng nghe họ hiến kế. Trong số họ, hầu hết là người ngoài Đảng đấy anh Lưu ạ. Hoặc là từng là đảng viên, sau đó xin ra khỏi Đảng để làm giàu cho mình, làm giàu cho đất nước.

Anh có dám nhìn họ, bằng nữa con mắt không? Thế còn họ, họ nhìn các đảng viên sống tùng tiệm bằng đồng lương còm, hoặc đi làm thuê cho họ bằng cả con mắt chắc? Và họ nhìn những đảng viên có chức có quyền, tha hoá, biến chất, bị vào tù bằng con mắt gì đây hả anh Lưu?

Thế đấy, Đảng trong anh và Đảng trong tôi không phải là một. Tôi không còn là đồng chí của anh nữa!

Thật ra, Kiên đã phải chịu đựng người này từ lâu rồi. Ông ta cứ nhân danh Đảng, bảo vệ Đảng để cản trở, để chống lại những gì khác suy nghĩ của mình. Anh thấy, đây chính là dịp để tuyên chiến với Lưu, tuyên chiến với cả những ai còn mơ hồ, còn làm đà điểu rúc đầu xuống cát, khư khư giữ lấy những suy nghĩ lỗi thời.

-… Bây giờ tôi chỉ nói đến một điều hết sức cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng là: hãy phân tích cụ thể tình hình cụ thể. Ấy là trường hợp nhạc sĩ Vĩnh Bảo. Người ta không là đảng viên, nhưng hoạt động nghệ thuật của người ta theo đúng đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước là được rồi. Người ta có bài hát, được tuổi trẻ cả nước hát. Trong mấy năm, người ta tổ chức thành công hai hội diễn văn nghệ quần chúng, được cả Thành phố ghi nhận, truyền hình Trung ương thu phát hẳn hoi. Có Quận nào làm được thế không? Người ta trúng tuyển trong một cuộc thi công khai minh bạch, do một ban giám khảo gồm những quan chức Trung ương, Thành phố và Quận chấm, thì anh lại cho là màn kịch vụng về để gạt những người khác. Vì sao anh cho là cứ phải đảng viên mới đề bạt. Chắc gì đề bạt đảng viên lên đã làm bằng người ta? Nếu cứ đảng viên là hơn người ngoài đảng, thì sao trước khi tôi lên Quận, các anh không đề bạt đảng viên ở đấy lên làm Phó phòng đi, mà lại đề bạt anh ấy?

Ngừng một lát, Kiên mới nói:

- Thật ra, chúng ta nên hỏi lại mình xem, bây giờ, vì sao Nhạc sĩ có tiếng này, hay nhiều người ưu tú ở nhiều lĩnh vực nhiều nơi khác lại chưa vào Đảng, thậm chí có người không muốn vào Đảng. Tôi nghĩ, cách thi công khai, cách đưa dự kiến đề bạt lên mạng là cách làm công bằng, đảm bảo tính khoa học và dân chủ, xoá bỏ đặc quyền của mấy người làm tổ chức lâu nay. Bởi nhiều khi họ cũng sai lầm đấy.

Kiên nhấp một ngụm nước. Mọi người yên lặng. Họ đợi anh nói tiếp. Chưa bao giờ họ nhìn gương mặt thông minh đáng kính kia như thế. Chỉ riêng Hùng hiểu, có thể, Kiên không biết những chuyện lặt vặt như mình, nhưng tầm nghĩ, tầm nhìn của anh thì ở một đẳng cấp khác, dù có bắc bảy lần thang, ông Lưu không thể nào chạm tới được

Ông Lưu hùng hổ chất vấn Kiên, như quan toà hỏi bị cáo lúc này cũng ngồi im. Mắt trân trân nhìn xuống khoảng đất trước mặt, dài vừa bằng chiếc bóng mình. Ông nhận ra cái im lặng xung quanh, chính là sự tôn trọng, ngưỡng mộ của mọi người với Kiên. Ông thấy mình không thể sánh với tầm nhìn của anh, bởi từ lâu lắm rồi, ông không còn thói quen đọc sách, không tự học, tự nâng mình lên. Và điều tệ hại nhất bây giờ là ông chỉ nghĩ đến mình.

Kiên thong thả, dịu giọng lại:

- Tôi nghĩ, chúng ta nên điều chỉnh lại nhận thức của mình trong việc nhìn thế giới, nhìn đời, nhìn người, nhìn việc. Nên bớt tính hình thức đi. Hiệu quả công việc mới là thước đo. Chắc các đồng chí không phản đối tôi.

Trong thâm tâm Lưu thừa nhận thằng cha này đúng. Nó hơn mình. Nhưng rõ ràng là nó tìm cách đẩy mình đi. Nó kéo bè kéo cánh. Nó chọn những người ăn cánh với mình. Nó đề cao mình. Nó hạ nhục người khác. Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo chưa bao giờ bị nhục như thế… Lưu đứng dậy.

Giọng Hùng lạnh lùng:

- Mời anh Lưu phát biểu.

Lưu lặp lại những điều đã nêu trong đơn tố cáo. Dường như trong nhận thức, ông ta cho Kiên là kẻ đi chệch đường lối, ông ta mới là đảng viên chân chính, trung kiên.

Thanh Diệu phát biểu:

- Anh Lưu cho ông anh Kiên không còn là đảng viên nữa, có nghĩa là mình mới là đảng viên chính hiệu. Thế mà ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư, quyết định của ban Tổ chức Trung ương cho phép Quận ta thí điểm lại được anh hiểu là một cách anh Kiên thâu tóm quyền hành v.v… Xin hỏi, ý thức tổ chức đảng viên của anh đâu. Hay anh đã tự loại mình ra khỏi Đảng rồi?

Một người khác:

- Lẽ ra, không có cuộc tranh luận này. Là đảng viên, chúng tôi phải phục tùng tổ chức. Kết luận của ban Kiểm tra Thành uỷ thế nào, chúng ta lấy đó làm chuẩn. Anh Lưu không đồng ý, tiếp tục lên án anh Kiên thì anh cứ việc khiếu nại tiếp Tôi chỉ sợ, càng nói, anh càng lạc lông trước cuộc sống, trước thời cuộc và trở nên xa lạ với chúng tôi.

Nhạc sĩ Vĩnh Bảo:

- Thế là ngẫu nhiên tôi được dự một cuộc họp Đảng, bàn một việc hết sức hệ trọng của Đảng. Tôi không phải là đảng viên. Lần đầu tiên được dự một cuộc họp mà thực sự là cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt giữa cái cũ và cái mới thế này. Thật tuyệt vời! Việc của tôi cũng trở thành vấn đề trong cuộc tranh luận thì hay thật. Nó làm tôi ngộ ra nhiều điều. Trước kia, cứ nhìn vào một số đảng viên này, đảng viên khác thì… nói thật là chẳng muốn vào Đảng tí nào. Nay, nhìn vào những đảng viên khác nữa thì lại thấy phấn chấn hẳn lên. Hôm nay tôi bỗng thấy mình phải tham gia vào cuộc đầu tranh thanh toán những cái cũ kỹ, những lực cản. Có thể mới mong phát triển được. Trước các anh chị đây, tôi xin tuyên bố là, ngay ngày mai tôi sẽ nộp chi bộ đơn xin vào Đảng của tôi.

Tiếng vỗ tay nồi lên. Thật bất ngờ. Vậy mà bao nhiêu năm nay, bao nhiêu gợi ý, vận động, nhạc sĩ tài hoa này vẫn dửng dưng.

Hùng nói:

- Việc anh Bảo bất ngờ thay đổi chính kiến về Đảng chỉ là hiệu ứng phụ rất bất ngờ với tất cả chúng ta. Nó chứng tỏ cuộc tranh luận của chúng ta không phải là vô ích. Còn cái tờ rơi… Đây mới là việc mọi người ngấm ngầm quan tâm. Kết luận của ban Kiểm tra làm nhiều người không thoả màn.

Chắc tất cả các anh chị ngồi đây đều nhận ra điều này: nội dung những điều anh Lưu tố cáo và những điều tờ rơi tố cáo là một. Tờ rơi chỉ là phát triển, là cụ thể hoá những lời kết tội của tờ đơn thôi. Vì sao có sự giống nhau kì lạ thế, đây là điều chúng ta phải suy nghĩ… Đơn giản, nó có cùng một… nguồn gốc…

- Anh định nói là tôi làm, tôi chỉ đạo, tôi giật dây chứ gì? - Lưu đứng lên phản ứng quyết liệt, nhưng giọng nói không còn hùng hổ, băm bố như lúc nãy.

- Đấy là anh nói chứ không phải tôi nói đâu nhé. - Giọng Hùng như giấu một tiếng cười lạt, đoạn anh nói tiếp với cái thế của người trên nhìn xuống - Chớ có tật giật mình. Tôi chỉ nói nó có cùng một nguồn gốc, một xuất xứ thôi. Có thể là nguồn gốc tư tưởng, nguồn gốc nhận thức… Còn cái ảnh ghê tởm kia… nếu là thật thì kẻ đê tiện ấy đã coi đó là bằng cớ xác đáng để gửi lên ban Kiểm tra làm chứng cớ kết tội anh Kiên rồi. Cái tên để mạt nào đó không làm thế, lại chọn cách photo, lại nhét vào các phòng, ban cơ quan ta, dán ngoài cổng, gửi đến nhà anh Kiên, thì đương nhiên đó là một sự giả mạo 100%. Mục đích của kẻ làm việc này là vu cáo, bêu riếu anh Kiên trước dư luận. Mục đích ấy hắn đã đạt được, nhưng chỉ với những người ít có khả năng phân tích thôi. Còn với chúng ta, và những người tỉnh táo khác thì chả ăn thua gì…

Cả Diệu, Vĩnh Bảo và tất cả những người đứng đắn đều phải chịu sự phân tích xác đáng của Hùng. Là người thích đùa, lại đang được chủ trì cuộc họp, Hùng quyết định nói câu cuối cùng theo kiểu tếu táo quen thuộc của mình:

- Rất tiếc là các cuộc thi thể thao các nước ASEAN không có môn ném đá giấu tay. Nếu có, dứt khoát cơ quan ta có kẻ vô địch.

°°°

Bức thư của Lê Cường, con trai nói về cái chết của vợ, làm Đại choáng váng. Có lẽ ngoài Cường, không ai biết Thuỵ Miên đã phản bội anh. Nhưng Đại giải thích được nguyên nhân. Mình cứ đi biền biệt. Người vợ nào chả muốn có chồng bên cạnh. Vắng chồng, nếu không phản bội là may mắn lắm.

Hoặc họ không bị ngả nghiêng, nhờ bản lĩnh; hoặc kẻ tấn công không đủ mạnh, hoặc không có điều kiện cho những cuộc tình vụng trộm. Có lẽ, điều cốt yếu là người phụ nữ ấy, không thấy kẻ kia là nửa của mình. Còn nếu hai người đều nhận ra họ mới là của nhau, thì họ sẽ tạo điều kiện, tạo hoàn cảnh đến với nhau.

Sau khi Đại lấy Kiều Linh và có cu Thành, Tần bảo anh trai: "Anh có vợ đẹp, ngoan, phải biết nâng niu, chăm sóc, giữ gìn. Có đứa con trai lại càng phải nâng niu, chăm sóc giữ gìn và dạy dỗ. Anh nên coi chuyện cháu Cường là một bài học đắt giá". Vì thế, phương án kinh doanh xe taxi, xe điện là đắc sách, lợi cả đôi đường.

Đại càng biết ơn bố.

°°°

Do nhận nhiều anh em vốn là sĩ quan quân đội vào công ty, nên nảy ra vấn đề, nhiều anh muốn sinh hoạt Đảng ở Sao Việt chứ không phải ở nơi cư trú. Đại bảo, để xin lập chi bộ.

Lúc này, tuy chưa chính thức được phép, nhưng các đảng viên làm kinh tế tư nhân đã không còn mặc cảm tội lỗi với Đảng. Rồi các tổ chức kinh tế tư nhân, các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần cũng được phép thành lập chi bộ. Đại lên Quận uỷ hỏi. Về nguyên tắc, một chi bộ sẽ được thành lập.

Nhưng đến việc của mình thì rắc rối. Người ta báo anh chỉ có thể làm đơn xin kết nạp lại. Đại "dỗi" - thế thì thôi!

Nói dỗi vậy, chứ Đại chẳng chịu. Anh về hỏi em rể. Kiên mách nước, xin gặp Bí thư Quận uỷ trình bày, mình thì điện thoại cho người đồng cấp bên ấy. Người kia bảo chưa có tiền lệ, chưa được ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn. Kiên phải đứng ra bảo lãnh ông ta mới nghe. Đại phải làm bản tường trình về thời gian không sinh hoạt Đảng đi làm những gì, ở những đâu, có làm gì phạm pháp không? Sau một thời gian xác minh - chắc là qua ban Cán sự Đảng nước ngoài và qua sứ quán ta ở Nga - nơi Đại qua lại nhiều lần, ở lại lâu nhất, Đại được chấp nhận sinh hoạt tiếp, coi như thời gian ấy nghỉ sinh hoạt có lý do. Anh được chỉ định cùng Hưng và một đảng viên nữa đứng ra tổ chức đại hội.

Ngày đại hội, tất cả các cựu sĩ quan quân đội, không ai bảo ai đều mặc quân phục mới, đeo quân hàm tề chỉnh. Không những thế, họ còn đeo tất cả huân chương trên ngực.

Mọi người đều thấy công ty hôm nay có không khí ngày hội ở đơn vị ngày nào. Ba phần tư đảng viên là cựu quân nhân. Các đảng viên nữ áo dài, quần trắng. Các nữ nhân viên áo sơ mi, váy lửng bó - đồng phục nữ nhân viên. Một băng rôn đỏ rực chăng ngang cửa: Nhiệt liệt chào mừng Đại hội thành lập chi bộ đảng Cộng sản Việt Nam Tổng công ty Cổ phần Sao Việt.

Hoa và những gương mặt như hoa. Không có cái vẻ nghiêm trang thường có ở các đại hội tương tự.

Tiếng hô "nghiêm" của người sĩ quan quân đội, có cái vẻ rất thiêng, không một buổi lễ chào cờ nào bên dân sự có được. Tiếng "nghiêm" kéo dài. Dõng dạc. Oai vệ. Tôn nghiêm. Lạnh gáy!

- Quốc kỳ, Đảng kỳ… chào!

Tiếng "chào" giật giọng. Quân lệnh, chứ đâu phải một tiếng hô.

- Quốc ca! Đoàn quân Việt Nam đi… hai ba!

Câu hát cuối cùng vừa dứt, đã vang lên tiếng hô sang sảng:

- Tưởng nhớ các đồng hội đã nằm lại trên các chiến trường cho chúng ta có ngay hôm nay…, một phút mặc niệm bắt đầu…

- Thôi.

Tiếng "thôi" cũng dõng dạc, hùng dũng như một mệnh lệnh. Chỉ huy việc chào cờ xong, Đại về chỗ. Người vẫn còn bừng bừng.

Mọi người nhìn nhau. Có mấy người ghé vào tai người bên cạnh nói nhỏ điều gì. Ông Hoè bứt rứt không yên. Người cứ ngứa ngáy đến là khó chịu, mặc dù phòng có máy lạnh.

Trên kia, người điều khiển chương trình đã nói lý do tổ chức đại hội, giới thiệu bà Đào, đại diện Quận uỷ lên đọc quyết định, cho phép tổ chức đại hội thành lập chi bộ.

Đại thay mặt Chủ tịch đoàn đọc báo cáo, nêu quá trình hoạt động của Tổng công ty, kế hoạch công tác của chi uỷ.

Nói là kế hoạch công tác nhưng thật ra chả có kế hoạch gì, ngoài phương hướng chung chung. Chỉ có việc phát triển đảng viên mới có kế hoạch chỉ tiêu cụ thể.

- Cách đây mấy năm, tôi đã xin ra khỏi Đảng các đồng chí ạ. Bây giờ tôi lại xin được trở lại sinh hoạt Đảng. Xin ra, có lý do xin ra. Trở lại, có lý do trở lại. Dù làm gì, thì chất quân nhân, chất đảng viên trong chúng ta cũng không thay đổi. Còn nhiệm vụ thì đã rất khác rồi. Tôi là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty và cũng còn phải là Bí thư Chi bộ. Chỉ có như thế công ty chúng ta mới mong phát triển được.

Chúng ta thành lập chi bộ không phải để chi bộ lãnh đạo Tổng công ty. Các đồng chí đảng viên đừng hy vọng mình sẽ được đặt vào các vị trí cao hơn, nếu không có năng lực… Vậy thì lập chi bộ làm gì? Để bảo ban nhau sống tử tế hơn, bảo ban nhau làm theo đúng đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Để giữ lại những kỷ niệm đẹp nhất thời quân ngũ, thời công chức nhà nước. Bây giờ, nhiệm vụ của chúng ta, tức là nhiệm vụ của chi bộ đã khác rồi. Chúng ta phải làm giầu, trước hết cho chúng ta, cũng là làm giầu cho đất nước. Nghe có vẻ trái tai. Thật ra điều này các cụ ta xưa đã nói cả rồi, mải đánh giặc nên quên đó thôi. Dân có giầu thì nước mới mạnh được…

Trong khi chờ kiểm phiếu, bà Đào cho ý kiến chỉ đạo. Phát biểu một hồi, xem ra chả mấy ai nghe. Nhưng ai cũng lịch sự im lặng. Bất ngờ bà chất vấn:

- Vì sao các đồng chí không làm đúng theo qui định?

Có ai đó hỏi vọng lên: "Qui định gì nhỉ?"

Vẫn bằng giọng cấp trên, mặt nghiêm trang, bà đanh giọng hỏi:

- Vì sao các đồng chí không hát Quốc tế ca, mà lại sáng tạo ra tiết mục mặc niệm?

Mọi người nhìn nhau. Đại nặng nề đứng dậy. Anh cố lấy giọng lễ phép:

- Thưa đồng chí đại diện Quận uỷ… vốn là sĩ quan quân đội, không biết bao lần tôi đã điều khiển đơn vị, chi bộ, đảng bộ làm lễ chào cờ, nên rất thuộc nghi thức… Xin đồng chí hiểu cho. Chưa bao giờ đồng chí phải vuốt mắt đồng đội nên không thông cảm với chúng tôi… - Anh ngước nhìn lá cờ - Môi lần chào cờ, tôi thấy cả một bể máu của bao thế hệ. Tôi lại nhớ đến những người chiến sĩ mới bổ sung đêm trước, chưa kịp nhớ mặt, chưa kịp thuộc tên đã ngã xuống trong trận đánh hôm sau, những người lính trẻ chưa bao giờ cầm tay một người con gái, đã ngã xuống… - Ngừng một lát như cố nén. Cả phòng họp lặng đi. Anh chậm rãi kế:

- Nhiều năm trước, tôi còn trong quân ngũ. Trong lễ trọng thể kỷ niệm chiến thắng 30-4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngay giữa quảng trường một thành phố, mọi người đang náo nức chăm chú theo dõi lễ mít tinh. Lễ chào cờ vừa dứt… Bỗng một người lính đứng ngay gần tôi chửi toáng lên, rồi gào to "… Tao đã phải vuốt mắt cho tám anh em trong đêm tấn công vào thành phố này, mà không để lấy một phút mặc niệm những người đã hy sinh là nghĩa làm sao. Hả?" Tiếng "hả" to, lạc cả giọng. Hàng trăm người nghe rõ tiếng thét xé ruột ấy. Các đồng chí biết không? Sau tiếng thét đau đớn, anh lảo đảo đổ xuống như cây chuối bị một nhát dao sắc phạt chéo. Chúng tôi lập tức cấp cứu… Không kịp các đồng chí ạ… Người lính ấy vỡ tim rồi!

Đại khóc. Ông Hoè khóc. Tất cả những người lính đều khóc. Các đảng viên chưa từng mặc áo lính cũng khóc.

Trừ bà Đào.

Vẫn giọng cấp trên, bà này nói:

- Thôi được. Tôi thông cảm với đồng chí. Nhưng đồng chí vẫn phải làm theo quy định.

Đại từ tốn. Không phải nói với bà ta, tuy vẫn thưa gửi bà ta. Anh nói với mình. Nói với các đồng đội đã nằm lại trên chiến trường. Nói với các đồng chí mình:

- Thưa đồng chí đại diện Quận uỷ. Chừng nào tôi còn làm Bí thư… Chừng nào tôi còn được điều khiển họp chi bộ, hoặc bất kỳ một lễ chào cờ nào, tôi còn yêu cầu mọi người mặc niệm đồng đội tôi. Tôi thề vơi đồng chí đấy!

Câu cuối cùng, giọng anh vang lên như một lời thách thức.

Bà Quận uỷ tiếp tục chất vấn:

- Thế sao đồng chí không cho chi bộ hát Quốc tế ca?

Đại quật lại tức thì:

- Tôi vẫn tự hỏi, tại sao bây giờ chúng tôi vẫn hát Quốc tế ca?

Đại không còn là Đại nữa rồi. Anh bật lên như bị nén chặt. Giọng căng lên như sắp cãi nhau. Cũng chả thấy thưa gửi gì hết

Ông Hoè nhìn con. Ông thấy mắt nó rực lên một thứ ánh sáng rất lạ.

Nó nhìn về phía vị đại diện Quận uỷ. Nhưng không nhìn bà ta.

Cao hơn, phía trên đầu bà ta.

Xa nữa, nơi ánh mặt trời lấp lánh reo vui vẫy gọi.

Mọi người đến với Đại, vì quý mến, nể phục anh từ hồi trong quân ngũ. Họ từng là cấp trên anh, là đồng cấp, là cấp dưới, cả những người chỉ quen biết các bạn đồng ngũ của anh. Trước hết và cũng là sau hết, họ tin rằng anh sẽ mang lại giầu sang cho họ. Bởi, đồng vốn ít ỏi họ góp vào đã sinh sôi, nảy nở hơn bất kỳ lài suất nào. Đồng lương họ được nhận, hơn bất kỳ đơn vị nào trong các tổ chức nhà nước hay quân đội trước đây trả họ. Hôm nay họ mới phát hiện thêm một khía cạnh khác trong con người anh.

Bà Đào khê nhếch mép - cười nửa miệng hay một phần tư miệng?

- Đơn giản, đây là quy định của Đảng. Chừng nào quy định ấy còn hiệu lực, các đồng chí vẫn phải thực hiện.

Đại tỏ vẻ phục tùng:

- Vâng, từ lần sau tôi sẽ thực hiện. Nhưng… tôi nghĩ, Đảng nên mở cuộc thi sáng tác bài ca của Đảng ta. Nếu không thì chúng ta lại hát: "Vừng trời đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên" vậy. Nó vẫn nguyên vẹn ý nghĩa, nguyên vẹn tình cảm. Còn… nếu vì hôm nay, chúng tôi không hát Quốc tế ca, lại tổ chức mặc niệm, mà Quận uỷ không duyệt kết quả đại hội thì…

Mọi người căng thẳng chờ đợi. Ông Hoè cứng người, dồn tất cả cân não, cố đoán xem con mình sẽ nói gì. Tất cả mọi người đều chăm chắm nhìn vào mắt thủ trưởng mình.

Cả bà Đào cũng căng lên lo lắng chờ. Không biết tay này sẽ nói gì lúc này. Trong thâm tâm bà cũng thấy ý kiến Đại có những điều nghe được. Nhưng dám làm trái với quy định thì ghê gớm quá, dù "nghe được" bà cũng không tưởng tượng có người dám làm như thế. Có làm như thế mà không "ai" biết thì chẳng nói làm gì. Đằng này, dám làm, lại còn dám nói thẳng suy nghĩ của mình thì to gan thật. Không biết trong cái đầu kia còn những ý nghĩ gì không nói ra. Không biết mọi người nghĩ gì Xem ra thì họ có vẻ đồng tình với thủ trưởng của họ.

Đại cũng căng lên với một ý nghĩ quyết liệt. Anh vừa suy nghĩ, cân nhắc, vừa chậm chạp buông từng lời:

-… thì có lẽ… tôi lại thành đảng viên… ngoài Đảng vậy.

Mọi người thở phào.

Phải thế thôi!

Đêm ấy về, ông Hoè ghi vào số tay: "Con mình bán lĩnh hơn mình, và điều quan trọng, khó lòng bắt bẻ được nó".