Liêt Tử và Dương Tử

Phần V

NÊN NHŨN  II.15

(Dương Chu nam chi Bái)

 

Dương Chu đi xuống phía nam, lại đất Bái; Lão Đam đi qua phía tây chơi nước Tần[1], Dương Chu tới nước Lương[2] thì gặp Lão tử[3]. Lão tử đứng giữa đường, ngửa mặt lên trời, than:

 

- Trước kia ta tưởng có thể dạy anh được, nay thấy là vô phương.

 

Dương tử làm thinh.

 

Họ tới quán trọ. Khi đã tắm rửa, súc miệng, chải đầu, lau mình rồi, Dương tử tụt dép ở ngoài cửa, quì mà lết lại gần Lão tử, thưa:

 

- Lúc nãy thầy ngửa mặt lên trời than rằng: “Trước kia ta tưởng có thể dạy anh được, nay thấy là vô phương”. Con muốn thỉnh giáo, nhưng thầy mãi từ từ đi, nên con không dám. Nay thầy nhàn rỗi, xin thầy chỉ cho con biết lỗi của con.

 

Lão tử đáp:

 

- Anh có vẻ tự mãn, khoa trương thì ai mà muốn ở gần anh. Trắng bong thì coi như có vết, đức mà đầy đủ thì có vẻ như thiếu thốn.

 

Dương tử ngượng nghịu, biến sắc, thưa:

 

- Con xin vâng lời.

 

Khi Dương tử tới quán trọ, chủ quán ra đón, ông già chủ quán giải chiếu mời, vợ chủ quán dâng khăn và lược, và khách trọ nhường chỗ tốt cho, người đầu bếp nhường chỗ ăn cho. Bây giờ (sau khi Dương tử nghe lời khuyên của Lão tử), các người khách trọ tranh nhau chỗ với Dương tử.[4] 

 

ĐỪNG TỰ PHỤ  II.15

(Dương Chu quá Tống)

 

Dương Chu qua nước Tống, vô nghỉ một quán trọ ở phía Đông nước đó. Chủ quán có hai người vợ, một người đẹp, một người xấu, quí người vợ xấu mà ghét người vợ đẹp. Dương Chu hỏi tại sao, chủ quán đáp:

 

- Con vợ đẹp của tôi tự cho mình là đẹp cho nên tôi không thấy nó đẹp; con vợ xấu của tôi tự cho mình là xấu, nên tôi không thấy nó xấu.

 

Dương Chu bảo các đệ tử:

 

- Các con nên nhớ điều đó. Hành động như hiền nhân, mà đừng có thái độ tự cho mình là bậc hiền nhân, thì đi tới đâu mà chẳng được người ta quí[5].

 

ĐỜI SỐNG TỰ SINH TỰ CHẾT  VI.6

(Dương Chu chi hữu viết Quí Lương)

 

Một người bạn của Dương Chu tên là Quí Lương đau, được mười ngày[6] thì bệnh hoá nguy kịch. Các con Quí Lương đứng chung quanh mà khóc, (muốn) mời ông lang tới.

 

Quí Lương bảo Dương Chu:

 

- Các con tôi ngu tới bực đó đấy. Sao bác không vì tôi hát lên một bài để dạy bảo chúng?

 

Dương Chu bèn hát:

 

- Trời kia còn không biết,

Huống hồ là con người.

Trời đã chẳng giúp ai,

Hoạ cũng chẳng do người.

Cả bác lẫn tôi

Đều cùng chẳng biết,

Thầy cúng thầy lang,

Làm sao biết được?

 

Các con của Quí Lương không hiểu, vẫn mời ba thầy lang lại.Thầy lang thứ nhất họ Kiểu, thầy lang thứ nhì họ Du, thầy lang thứ ba họ Lư, cùng lại coi mạch đoán bệnh.

 

Thầy họ Kiểu bảo Quí Lương:

 

- Cơ thể ông hàn nhiệt không điều hoà, hư thực mất quân bình, bệnh do ẩm thực[7], sắc dục, tinh thần lo lắng tán loạn, chẳng phải ma quỉ đâu, tuy lâu hết nhưng trị được.

 

Quí Lương bảo:

 

- Thứ lang vườn đó, nên gấp đuổi đi.

 

Thầy họ Du bảo:

 

- Bệnh của ông do tiên thiên bất túc. Sữa cụ bà nhiều quá. Bệnh đã phát từ lâu, mỗi ngày một tăng, không thể trị được.

 

Quí Lương khen:

 

- Đáng là lương y.

 

Rồi bảo làm cơm thết đãi.

 

Thầy họ Lư bảo:

 

- Bệnh ông do trời, không do người, cũng không do ma quỉ. Nó có từ khi ông ra đời. Hễ đạt được lẽ trời thì hiểu được nó[8]. Thuốc thang có ích gì cho ông đâu.

 

Quí Lương khen:

 

- Thật là thần y.

 

Rồi sai hậu tạ, tiễn thầy lang đó về.

 

Chẳng bao lâu bỗng nhiên Quí Lương hết bệnh.

 

Đời mình không phải cứ quí nó mà bảo tồn được nó; thân mình không phải cứ yêu nó mà nó khoẻ mạnh[9]. Đời mình không phải cứ khinh nó mà nó hoá ngắn ngủi, thân mình không phải cứ coi thường nó mà nó bạc nhược. Có khi quí đời mình mà không sống được, khinh nó mà lại không chết; yêu thân mình mà không khoẻ mạnh, coi thường nó mà nó lại không bạc nhược. Nói vậy có vẻ như ngược đời mà thực ra không ngược đời. Đời sống tự sinh tự chết, thân thể tự khoẻ mạnh, tự bạc nhược. Có khi quí đời mình mà sống lâu, khinh nó mà chết yểu; có khi yêu thân mình mà nó khoẻ mạnh, coi thường nó mà nó bạc nhược. Thấy vậy, người ta cho là lẽ tự nhiên. Không phải vậy. Đó chỉ là đời sống tự sinh tự chết, thân thể tự nó khoẻ mạnh, tự bạc nhược thế thôi.

 

HÀNH ĐỘNG HAY KHÔNG HÀNH ĐỘNG  VI.8

(Dương Bố vấn viết)

 

Dương Bố[10] hỏi (Dương Chu):

 

- Có những người về tuổi tác, ngôn ngữ, tài năng, dong mạo ngang nhau, chỉ hơn kém nhau như anh với em, mà về thọ yểu, sang hèn, danh dự, được đời yêu hoặc bị đời ghét, khác nhau xa như cha với con, điều đó em không hiểu được tại sao.

 

Dương Chu đáp:

 

- Anh được nghe người xưa có nói câu này: Cái gì không biết tại sao nó lại như vậy, thì gọi là mệnh trời. Ngày nay cái gì cũng mờ mờ tối tối, bời bời hỗn độn, làm cũng vậy, không làm cũng vậy[11]. Ngày qua ngày lại, ai mà biết tại sao, chẳng qua là do mệnh cả. Đã tin mệnh trời rồi thì không có gì là thọ, là yểu; tin cái lẽ đương nhiên rồi thì không có gì là phải, là trái; theo đúng lòng mình thì không có gì là thuận, là nghịch; theo đúng bản tính của mình rồi thì không có gì là an, là nguy. Người như vậy, có thể gọi là không tin cái gì cả mà không có cái gì là không tin. Thật vậy, tại sao lui, tại sao tới? Tại sao vui, tại sao buồn? Tại sao hành động, tại sao không hành động?

 

HỄ CÓ DANH THÌ KHÔNG CÓ THỰC  VII.1

(Dương Bố du ư Lỗ)

 

Dương Chu qua chơi nước Lỗ, ở nhà Mạnh thị. Mạnh thị hỏi:

 

- Làm người cũng đủ rồi[12], danh để làm gì?

 

Đáp:

 

- Người ta dùng danh để làm giàu.

 

- Thế đã giàu rồi sao không thôi?

 

- Để được sang.

 

- Đã sang rồi sao không thôi?

 

- Để chết (được vẻ vang).

 

- Chết rồi thì để làm gì?

 

- Để cho con cháu nhờ.

 

- Danh mà có ích gì cho con cháu?

 

Dương Chu đáp:

 

- Có danh thì khổ cho cái thân, não tấm lòng. (Nhưng) người có danh thì họ hàng được hưởng ân huệ, làng mạc được hưởng lộc, huống hồ được con cháu.

 

Mạnh thị nói:

 

- Người nào muốn có danh thì tất phải liêm khiết, mà liêm khiết thì nghèo; muốn có danh thì phải nhún nhường mà nhún nhường thì thấp hèn (không vinh hiển).

 

Đáp:

 

- Quản Trọng hồi làm tướng quốc nước Tề, vua dâm đãng thì cũng dâm đãng, vua xa xỉ thì cũng xa xỉ, ý chí và ngôn ngữ đều theo đúng vua[13] mà thi hành được chính sách, khiến cho nước Tề thành bá chủ chư hầu, chết rồi con cháu cũng chỉ là những kẻ họ Quản mà thôi[14] (không ai giàu sang). Điền thị làm tướng quốc nước Tề[15], vua mà tự đắc quá thì ông khiêm tốn, vua mà tham lam thì ông rộng rãi, dân đều qui phục, nên sau ông được làm vua Tề, con cháu tới nay còn được hưởng thụ.

 

Mạnh thị hỏi:[16]

 

- Có phải như vậy là hễ thực danh thì nghèo mà nguỵ danh thì giàu, thực danh thì hèn, nguỵ danh thì sang không?

 

Đáp:

 

- Hễ thực thì không có danh, hễ có danh thì không có thực. Những người có danh đều là nguỵ hết. Hồi xưa, những người có danh đều là nguỵ hết[17]. Hồi xưa vua Nghiêu vua Thuấn giả dối đem thiên hạ nhường cho Hứa Do và Thiện Quyển[18], nên mới giữ được thiên hạ mà hưởng lộc tới trăm tuổi. Bá Di, Thúc Tề[19] thực tâm nhường ngôi nước Cô Trúc, cho nên mới mất nước, chết đói ở núi Thú Dương. Coi đó thì biết được thành thực và giả dối khác nhau ra sao”.

 

NÊN HƯỞNG ĐỜI  VII.2

(Dương chu viết: Bách niên thọ…)

 

Dương Chu bảo:

 

- Thọ nhiều lắm là trăm tuổi, mà ngàn người không có một người có tuổi đó. Có được chăng thì tuổi thơ phải bế bồng với tuổi già nua lẫn cẫn chiếm mất gần một nửa trăm năm đó rồi. Thời gian ban đêm ngủ, ban ngày bỏ phí, lại chiếm gần một nửa (chỗ còn lại) nữa. Ốm đau, buồn khổ, tán thất, lo sợ, lại mất một khoảng nửa (chỗ còn lại) nữa. Tính ra trong mươi năm còn lại (đáng lẽ) được sống ung dung vui vẻ thì những lúc không phải lo lắng chút nào, gom lại cũng không được một giờ!

 

Vậy thì con người sống để làm gì. Vui sướng ở đâu? Vui cái đẹp với cái ngon[20], vui cái thanh sắc, nhưng cái đẹp cái ngon không được hưởng thường cho tới chán, cái thanh sắc không được ngắm hoài, nghe hoài[21] mà lại thêm nỗi người ta dùng cách thưởng phạt để khuyên ngăn; dùng danh vọng và pháp luật để cấm đoán.

 

Người ta canh cánh ganh đua nhau để được cái hư danh một thời, cầu cạnh cái hư vinh sau khi chết, cứ nhớ tới cái phải cái trái mà không dám cho tai mắt được theo sở thích của mình[22], làm mất cái cực lạc thú trước mắt, không được thoả thuê phóng túng một lúc nào cả, như vậy có khác gì bị gông bị cùm không?

 

Người thời thái cổ biết rằng đời sống chỉ là tạm, chẳng bao lâu rồi chết, cho nên hành động theo lòng mình, không trái những thị hiếu tự nhiên, không bỏ lỡ cái gì làm vui cho cuộc sống, không để cái danh nó quyến rũ; họ theo bản tính của họ, không làm trái với xu hướng của vạn vật; họ không màng tới cái danh sau khi chết; cho nên không nghĩ tới hình phạt. Danh tiếng hơn kém, tuổi thọ nhiều ít, họ không quan tâm tới.

 

CHẾT THÌ NHƯ NHAU HẾT  VII.3

(Dương chu viết: Vạn vật sở dị giả…)

 

Dương Chu nói:

 

- Vạn vật sống thì khác nhau mà chết thì như nhau hết. Sống, có kẻ hiền người ngu, kẻ sang người hèn, thế là khác nhau; chết thì tan xác ra, hôi thối, tiêu diệt, ai cũng như ai. Hiền hay ngu, sang hay hèn, không phải mình muốn mà được; tan rã, hôi thối, tiêu diệt, cũng chẳng phải do ta muốn. Cho nên sống không phải do mình, chết không phải do mình, hiền hay ngu không phải do mình, hèn hay sang không phải do mình. Mà vạn vật cùng sống cùng chết, cùng hiền cùng ngu, cùng sang cùng hiền cả[23]. Sống mười năm, hay trăm năm thì rồi cũng chết, thánh hiền cũng chết, ngu ác cũng chết. Sống là Nghiêu, Thuấn hay Kiệt, Trụ, chết là thịt rã xương mục[24]. Đều là thịt rã xương mục thì ai mà phân biệt được là Nghiêu, Thuấn hay Kiệt, Trụ? Thế thì cứ hưởng đời đi, nghĩ làm quái gì tới chuyện sau khi chết!

 

CÁI HẠI HAM DANH  VII.4

(Dương chu viết: Bá Di phi vô dục)

 

Dương Chu bảo:

 

- Ông Bá Di[25] không phải là không có thị dục, vì quá ham tiếng thanh khiết mà tới nỗi chết đói; ông Triển Quí[26] không phải vô tình, vì quá ham cái tiếng trong trắng mà mê muội con người tới mức đó!

 

ĐẠO TRUNG DUNG  VII.5

(Dương chu viết: Nguyên Hiến lũ ư Lỗ)

 

Dương Chu bảo:

 

- Nguyên Hiến[27] sống nghèo khổ ở nước Lỗ, mà Tử Cống thì buôn bán (làm giàu) ở nước Vệ. Nguyên Hiến vì nghèo mà tổn sinh, Tử Cống vì giàu mà luỵ thân, vậy thì nghèo đã không nên, giàu cũng không nên, nên làm sao đây? Đáp: Nên làm sao cho vui vẻ, an nhàn tấm thân. Kẻ biết sống vui thì tránh sự nghèo, kẻ biết sống an nhàn thì tránh sự làm giàu.

 

LO CHO NGƯỜI SỐNG  VII.6 

(Dương chu viết: Cổ ngữ hữu chi)

 

Dương Chu nói:

 

- Lời xưa có câu: “Nên thương người sống mà đừng nghĩ tới người chết”. Lời đó chí lí. Thương người sống không phải chỉ là việc tình cảm mà thôi, mà còn phải giúp người lao khổ được nghỉ ngơi, người đói được no, người rét được ấm, người khốn khổ được sung sướng. Không nghĩ tới người chết, không phải chỉ đừng khóc lóc, mà còn đừng bỏ châu ngọc vào miệng người chết, đừng liệm bằng đồ gấm vóc, đừng dâng những vật hi sinh, đừng bày đồ tế tự.

 

TRƯỜNG SINH CÓ ÍCH GÌ ĐÂU  VII.10

(Mạnh Tôn Dương vấn Dương tử)

 

Mạnh Tôn Dương hỏi Dương tử:

 

- Có người quí đời sống và yêu thân mình mà mong được bất tử, được không?

 

Đáp:

 

- Không có cái lẽ bất tử được.

 

- Mong kéo dài thêm đời sống, được không?

 

- Không có cái lẽ kéo dài thêm đời sống được. Đời sống, không phải cứ quí nó mà duy trì được nó, thân không phải yêu nó mà nó sống lâu được. Vả lại kéo dài thêm đời sống để làm gì? Cái tình yêu ghét, xưa cũng như nay; thân thể an hay nguy, xưa cũng như nay; trị hay loạn thay đổi nhau, xưa cũng như nay. Một khi đã nghe rồi, thấy rồi, trải qua rồi, thì sống trăm năm cũng đã chán, sống thêm làm chi cho khổ?

 

Mạnh Tôn Dương hỏi:

 

- Nếu vậy, thì chết sớm còn hơn sống lâu, mà nên nhảy vào lưỡi gươm, đám lửa ư?

 

Dương Chu đáp:

 

- Không phải vậy! Đã sinh ra thì cứ thản nhiên nhận cuộc sống, và thoả mãn hết thị hiếu của mình mà đợi lúc chết; sắp chết thì cứ thản nhiên nhận sự chết, sống hết đời mình cho tới khi tiêu diệt. Cái gì cũng thản nhiên, cái gì cũng chấp nhận thì còn mong gì nó tới sớm hay tới muộn nữa?

 

ĐỪNG LÀM LỢI CHO NƯỚC THÌ NƯỚC SẼ TRỊ  VII.11

(Dương tử viết: Bá Thành Tử Cao…)

 

Dương Chu bảo:

 

- Ông Bá Thành Tử Cao[28] không chịu mất một sợi lông của mình để làm lợi cho thiên hạ, bỏ nước mà ở ẩn cày ruộng; còn ông Đại Vũ[29] không hề nghĩ lợi riêng cho mình, (hi sinh cho tới nỗi) thân thể khô đét. Người xưa, mất một sợi lông mà làm lợi cho thiên hạ thì cũng không chịu, mà có ai đem cả thiên hạ phụng dưỡng thân mình thì cũng không nhận. Nếu mọi người đều không muốn làm lợi cho thiên hạ thì thiên hạ sẽ bình trị.

 

°

 

Cầm tử hỏi Dương Chu:

 

- Nhổ một sợi lông của ông để cứu đời, ông chịu không?

 

Dương Chu đáp:

 

- Đời đâu có thể cứu được bằng một sợi lông.

 

- Cho rằng cứu được đi, thì ông chịu không?

 

Dương Chu không đáp.

 

Cầm tử bước ra ngoài, kể lại với Mạnh Tôn Dương. Mạnh Tôn Dương bảo:

 

- Ông không hiểu được ý của phu tử, để tôi giảng cho. Nếu để người ta cắt thịt mà được vạn cân vàng, ông chịu không?

 

- Chịu.

 

- Để cho người ta bẻ gãy tay chân mà được một nước thì ông chịu không?

 

Cầm tử làm thinh.

 

Một lát sau, Mạnh Tôn Dương bảo:

 

- Một sợi lông không quan trọng bằng da thịt, da thịt không quan trọng bằng tay chân, điều đó hiển nhiên. Nhưng nhiều lông thì thành da thịt, nhiều da thịt thì thành tay chân; một sợi lông chỉ là một phần vạn của thân thể, nhưng tại sao lại khinh nó?

 

Cầm tử đáp:

 

- Tôi không thể đáp lời ông được, nhưng đem lời của ông nói với Lão Đam, Quan Doãn[30] thì hợp với họ, mà tôi đem lời của tôi nói với Đại Vũ, Mặc Địch thì cũng hợp với họ.

 

Mạnh Tôn Dương quay lại nói qua chuyện khác với môn đệ.

 

NGHIÊU, THUẤN, KIỆT, TRỤ, CHẾT RỒI CŨNG NHƯ NHAU  VII.12

(Dương tử viết: thiên hạ chi mĩ)

 

Dương Chu bảo:

 

- Mọi tiếng tốt đẹp trong thiên hạ, dồn cả cho vua Thuấn, vua Vũ, Chu Công, Khổng tử, còn mọi tiếng xấu qui cả cho Kiệt và Trụ. Thuấn cày ruộng ở Hà Dương, làm đồ gốm ở Lôi Trạch, chân tay không lúc nào được nghỉ, miệng không được ăn thức ngon; không được cha mẹ yêu, anh em chị em quí, ba mươi tuổi cưới vợ mà không thưa với cha mẹ, tới khi được vua Nghiêu truyền ngôi cho thì tuổi đã cao, trí đã suy. Con trai ông ta là Thương Quân bất tài, ông đã phải nhường ngôi cho ông Vũ, rồi rầu rĩ tới chết. Ông ta là con người khốn khổ cô độc nhất đời.

 

Ông Cổn, cha của ông Vũ, được giao phó cho việc đắp đập đào kinh, mà không thành công, bị xử tử ở núi Vũ Sơn. Ông Vũ phải tiếp tục công việc của cha, như vậy phải thờ kẻ thù của mình, đem hết sức ra khai hoang, có con mà không được âu yếm, săn sóc con, đi qua nhà mà không vô, thân thể khô đét, tay chân chai cộm; đến khi được vua Thuấn truyền ngôi cho, sống trong cung thất tồi tàn, đeo dây thao, đội mũ miện đẹp mà rầu rĩ tới chết. Ông ta là người lo lắng, lao khổ nhất đời.

 

Vua Vũ (nhà Chu) khi mất, con là Thành vương còn nhỏ, ông Chu Công[31] nhiếp chính, ông Thiệu Công[32] không vui, khắp bốn phương đâu đâu cũng nổi lên lời chê, nên phải ra ở phía đông ba năm, giết anh, bỏ tù em, để tự cứu mình, sau sống rầu rĩ tới chết.  Ông ta là con người khốn đốn, lo sợ nhất đời.

 

Khổng tử hiểu rõ cái đạo đế vương, hễ vua nào mời thì sẵn sàng tới giúp, mà khi ở nước Tống có lần người ta chặt cây hại ông[33], có lần phải lẻn trốn khỏi nước Vệ[34], có hồi bị cùng khốn ở Thương, Chu[35], bị vây ở Trần, Thái, bị Quí Thích xúc phạm, bị Dương Hổ làm nhục, sau rầu rĩ cho tới chết. Ông là người long đong xua đuổi nhất đời.

 

Bốn ông thánh đó, sống không được một ngày vui, mà chết đi, để lưu danh lại vạn đời. Danh vốn không phải là thực mà bảo có thể hưởng được, tuy được người ta khen thưởng thì cũng không biết, trơ trơ khác chi khúc cây, cục đất.

 

Kiệt được hưởng kho tàng mấy đời tích luỹ, quay mặt về phương Nam mà giữ ngôi chí tôn, trí đủ để khiến bọn bề tôi không dám nhờn, uy đủ để khắp nước phải run sợ, tha hồ hưởng cái vui thanh sắc, muốn làm gì thì làm, mà sống vui vẻ cho tới chết. Ông ta là người phóng đãng nhất thiên hạ.

 

Trụ cũng được hưởng kho tàng mấy đời tích luỹ, cũng quay mặt về phương Nam mà giữ ngôi chí tôn, uy lan ra khắp nơi, muốn làm gì thì làm, phóng túng trong Khuynh Cung[36], dâm đãng trong cảnh “trường dạ”[37], không tự làm khổ mình bằng lễ nghĩa, vui vẻ sống cho tới khi bị (vua Chu Vũ vương) giết. Ông ta là người phóng túng nhất thiên hạ.

 

Hai con người hung tàn đó, sống thì hưởng lạc cho thoả lòng, chết mang cái tên xấu là ngu bạo. Thực không phải là cái danh mà có thể tặng được, tuy bị người đời chê hay khen thì cũng không biết, trơ trơ khác chi khúc cây, cục đất.

 

Bốn ông thánh kia tuy được dồn cho mọi tiếng tốt, nhưng chịu khổ cho tới hết đời rồi cũng chết như mọi người vậy. Hai kẻ hung bạo kia phải chịu mọi tiếng xấu, nhưng được vui cho tới hết đời, rồi cũng chết như mọi người vậy.

 

CÓ CHÍ LỚN THÌ KHÔNG LÀM VIỆC NHỎ  VII.13

(Dương tử kiến Lương vương)

 

Dương Chu yết kiến vua nước Lương, bảo trị thiên hạ như lật bàn tay:

 

Vua Lương bảo:

 

- Tiên sinh có một bà vợ lớn, một bà vợ nhỏ mà không trị được, có ba mẫu vườn mà không rẫy cỏ, mà bảo trị thiên hạ dễ như lật bàn tay, sao vậy?

 

Đáp:

 

- Nhà vua thấy đứa chăn cừu không? Một bầy trăm con cừu, cho một đứa nhỏ cao năm[38] thước cầm cây roi bằng cọng sen mà chăn, nó muốn dắt về phía Đông thì bầy cừu đi về phía Đông, dắt về phía Tây thì đi về phía Tây. Nếu vua Nghiêu dắt một con cừu thôi, vua Thuấn cầm roi bằng cọng sen mà chăn thì chắc là con cừu không đi. Vả lại thần nghe nói con cá lớn có thể nuốt một chiếc thuyền thì không lội trong cái ngòi, cái lạch; con hồng hộc bay tít trên cao thì không đáp xuống cái ao đục. Tại sao vậy? Tại các loài đó muốn lội, bay thật xa. Cái hoàng chung và cái đại lữ[39], thì không dùng để tấu một khúc vũ tạp nhạp. Tại sao vậy? Tại thanh âm không hợp.

 

Người nào muốn làm việc lớn thì không làm việc nhỏ nhặt, muốn thành công lớn thì không màng tới thành công nhỏ nhen. Đó ý thần như vậy.

Chú thích:

[1] Chúng tôi không hiểu ba chữ “Yên ư giao” (được mời đón ở ngoài thành) có nghĩa là gì. B.G dịch là: hỏi đường.

[2] Lương là kinh đô nước Nguỵ, cũng trỏ nước Nguỵ.

[3] Bài này chỉ là một ngụ ngôn.

[4] Vì Dương tử hết vẻ tự mãn, kiêu căng, mà đồng hoà với các người khác, nên các người khác coi ông ta như họ. Bài này có chép trong thiên Ngụ ngôn của Trang tử.

[5] Nguyên văn: An vãng như bất ái tai? Không hiểu B.G theo bản nào mà dịch là: Cứ vui vẻ theo đường đó, đừng miễn cưỡng. Bài này có trong Nam Hoa kinh, thiên Sơn mộc.

[6] Mười ngày: bản chữ Hán do Vvn cung cấp chép là bảy ngày (thất nhật 七日). (Goldfish).

[7] Nguyên văn: là no đói.

[8] Đại ý là người ta sinh ra đã có mầm chết rồi, đó là lẽ trời. Chúng tôi đoán vậy mà không dám chắc. B.G dịch là : Ai làm chủ được đời sống thì cũng hiểu được nó.

[9] Nguyên văn là hậu, trái với bạc, chúng tôi dịch thoát như vậy.

[10] Em Dương Chu.

[11] Nguyên văn: tuỳ sở vi, tuỳ sở bất vi; chúng tôi theo B.G mà dịch như vậy, nhưng còn ngờ.

[12] Nguyên văn: nhân nhi dĩ hĩ, B.G. dịch là: L’homme n’est pas plus qu’un homme: con người cũng chỉ là con người mà thôi, không hơn gì.

[13] Vì Quản Trọng không muốn mình được tiếng là có đức hơn vua.

[14] B.G. dịch là: chết rồi chỉ còn cái tên là ông Quản mà thôi.

[15] Không sách nào chú giải Điền thị này là ai? Chắc không phải là Điền Văn, tức Mạnh Thường Quân vì Điền Văn ở thời Chiến Quốc, Dương Chu ở thời Xuân Thu. Từ Hải cũng không cho biết gì cả.

[16] Chúng tôi theo B.G. mà thêm câu này. Hai bản chữ Hán không có.

[17] Thực danh là có đức mà tự nhiên có danh; nguỵ danh trái lại.

[18] Hứa Do và Thiện Quyển là hai nhà ẩn sĩ, được vua nhường ngôi mà không nhận. Câu này Dương Chu có ý chê Nghiêu Thuấn là giả bộ nhường ngôi; lời lẽ nghiêm khắc quá.

[19] Bá Di, Thúc Tề đều là con vua Cô Trúc, nhường ngôi lẫn nhau, rồi trốn đi. Người con giữa lên ngôi. Sau cả hai đều chê vua Vũ vương nhà Chu là bất nhân, không ăn lúa nhà Chu, chịu chết đói ở núi Thú Dương. Coi bài Bá Di liệt truyện trong Sử kí của Tư Mã Thiên.

[20] Nguyên văn: mĩ hậu: đẹp, dày, trỏ thức ăn và y phục.

[21] B.G dịch khác hẳn:

[22] Câu này chúng tôi dịch thoát ý.

[23] Nghĩa là đều do tự nhiên cả, như nhau cả.

[24] Sách in là: “Sống là Nghiêu, Thuấn, chết là thịt rã xương mục”, tôi tạm sửa lại như trên cho phù hợp với mạch văn. Bản chữ Hán do bác Vvn cung cấp chép là: Sinh năng Nghiêu Thuấn, tử năng hủ cốt; sinh năng Kiệt Trụ, tử năng hủ cốt. 生則堯舜, 死則腐骨; 生則桀紂, 死則腐骨. (Goldfish).

 

[25] Bá Di – Coi chú thích bài VII.1

[26] Triển Quí tức Liêu Hạ Huệ, người nước Lỗ thời Xuân Thu, mĩ nữ ngồi vào lòng ông, mà ông vẫn thản nhiên.

[27] Nguyên Hiến, tên tự là Tư, môn đệ của Khổng tử, nghèo mà vẫn vui vẻ về đạo, khi Khổng tử mất, ông đi ẩn ở nước Vệ.

[28] Không rõ là ai.

[Trong bộ Trang tử, bài Thiên địa 7, chép: “Khi vua Nghiêu trị thiên hạ, phong Bá Thành Tử Cao làm chư hầu; rồi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn lại truyền ngôi cho ông Vũ, Bá Thành Tử Cao bèn bỏ chức chư hầu mà về cày ruộng”. Khi ông Vũ lại thăm, hỏi tại sao, Tử Cao đáp: “Xưa vua Nghiêu trị thiên hạ, không khen thưởng ai mà dân chúng đều gắng sức (làm điều thiện), không trừng phạt ai mà dân sợ. Ông dùng thưởng phạt mà dân lại bất nhân, đạo đức suy vi, do đó phải đặt ra cực hình. Đời sau mà loạn là bắt đầu từ đây”. (Goldfish)].

[29] Coi bài VII.12

[30] Tên là Hỉ, người coi cửa Hàm Cốc (quan doãn là chức coi cửa quan) được Lão tử giao cho tập Đạo Đức kinh trước khi Lão tử qua cửa Hàm Cốc để rồi Trung Quốc mà sang một nước ở phía Tây (theo truyền thuyết). Quan Doãn sau cùng cũng đi về phía Tây, không rõ tung tích. Có cuốn Quan Doãn tử, nhưng chắc là của người đời sau nguỵ tác.

[31] Chu Công là con vua Văn vương, em vua Võ vương, chú của Thành vương (-1115 -1077), nhiếp chính cho Thành vương; vì anh và em ông muốn cướp ngôi của Thành vương, ông phải giết anh và bỏ tù em. Chu Công giỏi cai trị, đặt ra lễ nhạc.

[32] Các sách khác chép là Triệu Công, cũng nhiếp chính.

[33] Khổng tử và môn đệ ngồi ở dưới gốc cây, một quan tư mã nước Tống cho đốn cây, để cây đỏ mà đè bẹp ông.

[34] Có sách chú giải là bị đuổi ra khỏi Vệ.

[35] Thương và Chu trỏ Tống và Lỗ.

[36] Tên một cái đài do vua Trụ xây.

[37] Vua Trụ dâm đãng lấy 120 ngày làm một đêm, gọi là “trường dạ ẩm”.

[38] Mỗi thước (xích) thời đó là một gang tay.

[39] Hoàng chung là cái chuông lớn, đại lữ là một ống sáo lớn; cũng có thể hiểu rằng hoàng chung trỏ âm “chính cung”, đại lữ trỏ âm “chính thương”. Coi chú thích bài V.11.