KHÔNG BIẾT MÌNH LÀ THÁNH IV.8
(Long Thúc vị Văn Chí)
Long Thúc bảo Văn Chí[1]:
- Y thuật của ông huyền diệu! Tôi bị một bệnh, ông trị cho được không?
Văn Chí đáp:
- Xin vâng, nhưng ông cho biết bệnh gì đã.
Long Thúc đáp:
- Người trong làng khen tôi, tôi không lấy làm vinh, người trong nước chê tôi, tôi không thấy làm nhục; được đã không mừng, mất cũng không buồn; tôi coi sống với chết cũng như nhau, giàu nghèo như nhau; coi mọi người khác như loài heo, mà tự coi tôi cũng như mọi người khác. Tôi ở trong nhà mà tự coi là quán trọ, coi làng tôi như nước ngoài. Ngoài mấy tật đó, tôi lại còn coi thường tước quí, chẳng sợ hình phạt; thịnh suy lợi hại không làm thay đổi được lòng tôi, vui buồn cũng không làm động lòng tôi, cho nên tôi không thể thờ vua giúp nước được, không thể thân với bạn bè bà con được, kiềm chế vợ con, sai khiến tôi tớ được. Tôi có bệnh gì vậy, ông? Có phương nào trị được không?
Văn Chí bảo Long Thúc quay lưng ra chỗ sáng, rồi mình đứng ở phía sau hướng ra phía sáng mà xem xét. Xem kĩ rồi bảo:
- A! Tôi thấy con tim của ông rồi, nó rỗng một tấc vuông, gần như tim một bậc thánh. Sáu lỗ tim của ông đều thông, chỉ có một lỗ là nghẹt thôi[2]. Ngày nay người ta cho cái trí sáng suốt của thánh nhân là một thứ bệnh, có lẽ đó là bệnh của ông chăng? Y thuật nông cạn của tôi không trị được thứ bệnh đó.
ĐẬP NGƯỜI, BỊ NGƯỜI ĐẬP LẠI IV.11
(Trịnh chi Phố Trạch đa hiền)
Ở nước Trịnh, miền Phố Trạch có nhiều người hiền (trỏ hạng ẩn dật), miền Đông Lí thì có nhiều người tài (về việc trị nước). Trong bọn đệ tử ở Phố Trạch, có người tên là Bá Phong tử. Bá Phong tử đi qua Đông Lí, gặp Đặng Tích[3], Đặng Tích quay lại cười cười và nói với môn đệ:
- Chúng ta thử trêu gã kia xem sao?
Bọn đệ tử đáp:
- Thế thì thú lắm.
Đặng Tích bèn bảo Bá Phong tử:
- Các anh hiểu cái nghĩa nuôi người và được người nuôi không? Không tự nuôi mình được, phải để cho người ta nuôi, đó là loài chó, loài heo; còn người thì nuôi vật để sai khiến chúng. Các anh được ăn no, mặc ấm, là nhờ công của những người cầm quyền đó. Bọn các anh quần tụ nhau, khi vô sự thì được người ta nuôi trong chuồng, trong hàng rào, hữu sự thì bị đưa vào bếp, có khác gì loài chó loài heo đâu.
Bá Phong tử làm thinh, nhưng một đệ tử ở sau tiến lên đáp:
- Quan đại phu có nghe ở Tề, Lỗ có nhiều người khéo léo không? Người thì giỏi công việc đất, gỗ, người thì giỏi việc kim khí và đồ da, người thì giỏi âm nhạc, người thì giỏi sổ sách, tính toán, người thì giỏi cầm quân, người thì giỏi cúng tế ở tôn miếu, không thiếu một tài năng nào; nhưng những người tài giỏi đó, không ai được cầm quyền trị dân, không sai khiến nhau. Mà những kẻ ở chức trị dân, sai khiến người khác thì lại không biết gì cả, không có tài năng gì cả, họ sai khiến những người thông minh, có tài năng. Vậy bọn cầm quyền kia, chính nhờ chúng tôi mà có địa vị đấy. Có gì mà các ông tự đắc!
Bọn Đặng Tích không biết đáp sao, ngó bọn đồ đệ rồi rút lui.
NGƯỜI THỰC MẠNH THÌ KHÔNG CẬY SỨC MẠNH IV.12
(Công Di Bá dĩ lực văn chư hầu)
Trong số các chư hầu, Công Nghi Bá nổi tiếng là có sức mạnh. Đường Khuê công tâu với vua Chu Tuyên vương. Tuyên vương sửa soạn lẽ vật để mời Công Nghi Bá tới.
Công Nghi Bá tới, Tuyên vương coi hình dáng có vẻ yếu ớt, sinh nghi hỏi:
- Sức của ngươi ra sao?
Công Nghi Bá đáp:
- Sức của thần có thể bẻ gãy càng con giọt sành mùa xuân, mang được cánh con ve mùa thu.
Tuyên vương nổi giận, bảo:
- Sức bọn dũng sĩ của ta có thể xé da một con tê, nắm đuôi chín con bò mà kéo (lùi lại), mà ta còn cho là yếu; ngươi bẻ gãy được càng con giọt sành mùa xuân, mang được cánh ve mùa thu, mà nổi tiếng là mạnh trong thiên hạ, sao vậy?
Công Nghi Bá thở dài, đương ngồi trên chiếu, đứng dậy, tâu:
- Câu hỏi của đại vương thật hay, thần xin cứ thực mà đáp: Thầy của thần là Thương Khâu tử, vào hạng vô địch trong thiên hạ, mà người thân trong nhà không ai biết là vì không bao giờ dùng sức vậy. Thần thờ thầy tới khi thầy mất, có lần được thầy bảo: “Người nào muốn thấy những cái người khác không thấy thì phải nhìn cái người khác không nhìn; người nào muốn có những cái người khác không có thì phải làm những cái người khác không làm. Cho nên muốn tập trông thì mới đầu phải nhìn một chiếc xe củi; muốn tập nghe thì mới đầu phải lắng nghe tiếng chuông”. Cái gì dễ thực hiện ở trong thì khó thực hiện ở ngoài. Không gặp cái khó ở ngoài, cho nên danh tiếng không truyền ra khỏi cửa. Nay thần nổi danh khắp chư hầu là làm trái lời giáo huấn của thầy mà để cho người khác biết tài năng của thần. Nhưng thần sở dĩ nổi danh không phải là vì thần cậy sức mạnh mà vì thần biết dùng sức mạnh, như vậy chẳng hơn là cậy sức mạnh ư?
(Khổng tử đông du)
Khổng Tử đi chơi ở phía Đông, thấy hai đứa nhỏ cãi nhau. Hỏi duyên cớ, một đứa đáp:
- Con bảo rằng mặt trời khi mới mọc thì ở gần chúng ta, mà giữa trưa, ở xa chúng ta.
Đứa kia bảo:
- Con thì cho rằng mặt trời khi mới mọc ở xa chúng ta mà giữa trưa thì ở gần.
Đứa thứ nhất cãi:
- Mặt trời mới mọc lớn như bánh xe, giữa trưa nhỏ như cái mâm, hoặc như cái chén. Ở xa thì nhỏ, ở gần thì lớn, chẳng phải vậy ư?
Đứa kia đáp:
- Mặt trời mới mọc thì không khí mát mẻ, giữa trưa thì nóng như nước sôi. Ở gần thì nóng, ở xa thì mát, như vậy mới đúng chứ!
Khổng Tử không giải quyết nổi. Hai đứa đó cười, bảo:
- Vậy mà người ta bảo ông biết nhiều chứ.[4]
ĐỔI TIM CHO NHAU V.10
(Lỗ Công Hỗ, Triệu Tề Anh nhị nhân…)
Lỗ Công Hỗ, Triệu Tề Anh đều đau, cùng mời Biển Thước[5] lại trị. Biển Thước trị cho đều hết, rồi bảo Công Hỗ và Tử Anh:
- Bệnh trước của hai ông đều phát từ ngoài mà nhập vô tạng phủ, cho nên dùng thuốc mà trị được. Nhưng mà hai ông còn một bệnh nữa, mới sinh ra đã có và đều theo tuổi mà tăng lên, để tôi trị cho các ông nhé?
Hai người kia đáp:
- Xin hãy cho nghe bệnh gì đã.
Biển Thước bảo Công Hỗ:
- Ý chí của ông mạnh mà khí lực của ông yếu, cho nên mưu tính giỏi mà không biết quyết đoán; còn ông Tề Anh ý chí yếu mà khí lực mạnh, cho nên ít mưu tính mà có tật cố chấp. Thay đổi tim cho nhau thì sẽ được quân bình.
Biển Thước bèn cho hai người đó uống một thứ rượu thuốc, khiến họ mê man bất tỉnh trong ba ngày, rồi mổ ngực lấy tim ra, thay cho nhau và đặt trở lại vào ngực. Sau cùng cho họ uống một thứ thần dược, họ tỉnh lại như trước, và từ biệt Biển Thước ra về. Nhưng Công Hổ về nhà Tề Anh sống với vợ con Tề Anh, vợ con Tề Anh không thừa nhận ông ta; Tề Anh cũng về nhà Công Hỗ sống với vợ con Công Hỗ, vợ con Công Hỗ cũng không thừa nhận ông ta. Vì vậy hai nhà gây lộn nhau, nhờ Biển Thước phân xử. Biển Thước giảng lí do cho họ biết, họ thôi không gây lộn nhau nữa.
CÁC BẬC THÁNH VỀ ĐÀN V.11
(Hồ Ba[6] cổ cầm…)
Khi Hồ Ba gảy đàn cầm thì chim múa, cá nhảy (vì vui mừng). Sư Văn nước Trịnh hay vậy, bỏ nhà theo Sư Tương[7] du học. Trong ba năm ông ta bấm dây đàn mà không thành khúc.
Sư Tương bảo:
- Anh nên về đi![8]
Sư Văn đặt cây đàn xuống, thở dài đáp:
- Văn tôi không phải là không gảy được đàn, không chơi thành khúc được; ý chí của tôi không phải ở chỗ bấm dây cho thành tiếng hay. Nhưng trong lòng tôi có điều nghĩ chưa ra thì ứng vào cây đàn ở ngoài sao được? Cho nên tôi không dám động ngón tay cho dây đàn rung lên. Xin đợi ít lâu, sẽ thấy tôi đạt được gì không.
Ít lâu sau, Sư Văn trở lại thăm Sư Tương, Sư Tương hỏi:
- Thuật gảy đàn ra sao rồi?
Đáp:
- Tôi đã đạt được rồi, xin cho tôi thử.
Thế là, lúc đó đương mùa xuân, Sư Văn gảy dây thương[9], để gợi nam lữ[10] tức thì gió mát nổi lên, cây cối kết trái, thời tiết vào thu. Sư Văn lại gảy dây dốc, để kích động giáp chung tức thì một luồng ấm áp chậm chậm toả ra, cây cối đều nở hoa. Đương mùa hè, Sư Văn gảy dây vũ, để gợi hoàng chung thì sương tuyết đều rơi, sông hồ đóng băng, thời tiết vào đông. Lại gảy dây chuỷ để kích động nhuy tân, tức thì ánh sáng mặt trời hừng hực làm tan hết băng giá. Cuối cùng, gảy dây cung hoà điệu với bốn dây kia, thì gió lành phe phẩy, mây đẹp trôi qua, sương ngọt (cam lộ) trút xuống, suối thơm phun ra.
Sư Tương mừng quá, nhảy lên, bảo:
- Nghệ thuật gảy đàn của anh thật huyền diệu. Ngay như Sư Tương gảy điệu thanh dốc, Trâu Diễn thổi ống luật[11] (một thứ ống tiêu), cũng không hơn anh. Họ chỉ đáng xách đàn cầm, cầm ống tiêu mà đi hầu phía sau anh thôi.
CÁC BẬC THÁNH VỀ CA V.12
(Tiết Đàm học âu ư Tần Thanh)
Tiết Đàm học hát với Tần Thanh[12], chưa học hết nghệ thuật của Thanh, đã tự cho là biết đủ rồi, bèn từ biệt xin về nhà. Tần Thanh không giữ lại, trong bữa tiễn hành ở ngã tư[13] ngoài thành, gõ nhịp hát một khúc bi ca, tiếng hát làm cho cây lá trong rừng rung động, tiếng vang làm ngừng đám mây đương bay. Tiết Đàm tạ lỗi, xin được trở lại học nữa, suốt đời không dám đòi về.
Tần Thanh ngó bạn bảo:
- Xưa, nàng Hàn Nga[14] đi về phía đông sang nước Tề, tới Ung Môn, hết lương thực, phải hát để kiếm ăn, khi đi đi rồi mà dư âm còn vương vấn ở chung quanh cái đà, cái đòn nóc, ba ngày mới dứt, các người chung quanh cho rằng nàng chưa đi. Sau nàng tới một quán trọ, bị người trong quán làm nhục, nàng khóc ti tỉ, thảm thiết tới nỗi già trẻ trong làng ngó nhau mà thương tâm nhỏ lệ, ba ngày không ăn, phải đuổi theo nàng, bắt kịp, mời nàng trở lại. Nàng trở lại, hát một khúc du dương tới nỗi già trẻ trong làng vui mừng nhảy múa, không tự ngăn được, quên hết nỗi thương tâm trước kia. Họ tặng nàng một số tiền lớn để lên đường. Nhờ vậy mà dân Ung Môn tới nay còn giỏi hát, giỏi than vãn, bắt chước được giọng của Hàn Nga.
YỂN SƯ VÀ NGƯỜI MÁY V.14
(Chu Mục vương tuần thú)[15]
Vua Chu mục vương đi săn, vượt núi Côn Lôn tới núi Yểm Sơn[16] rồi về. Trên đường về Trung Quốc, có người dâng lên một người thợ giỏi tên là Yển Sư. Mục vương bảo người thợ đó tiến lên để hỏi:
- Ngươi có tài gì?
Yển Sư đáp:
- Đại vương sai làm gì, thần cũng xin thử. Nhưng thần đã chế tạo sẵn một cái máy, xin dâng đại vương coi.
Mục vương bảo:
- Ngày mai ngươi mang máy đó lại, ta với ngươi cùng coi.
Hôm sau Yển Sư vô yết kiến, nhà vua bảo lại gần, rồi hỏi:
- Người nào đi theo đó?
Thưa:
- Đó là người máy thần đã chế tạo, nó biết hát.
Mục vương ngạc nhiên ngó người máy đó, nó biết đi biết chạy, biết cúi biết ngửa, y như người vậy. Người thợ vặn cái cằm của nó, tức thì nó hát rất đúng, nâng cái tay của nó lên thì nó múa rất hợp điệu; nó làm được ngàn trò đúng theo ý người. Nhà vua cho là người thực; nàng Thịnh Cơ (sủng phi của vua) và tất cả bọn hầu hạ trong cung đều được coi.
Khi người máy làm hết các trò rồi, nó liếc mắt ra dấu với các thị nữ ở chung quanh nhà vua. Chu Mục vương nổi giận đùng đùng, muốn đem chém Yển Sư, Yển Sư hết hồn, vội vàng tháo gỡ người máy ra cho nhà vua coi, các bộ phận toàn bằng da, gỗ, sơn, keo đủ các màu trắng, đen, đỏ, xanh. Nhà vua xem xét kĩ lưỡng: ở trong có gan, tim, mật, phổi, tì, thận, ruột, bao tử; ở ngoài có gân cốt, tay chân, khớp xương, da, tóc, lông, răng, toàn là giả cả, mà rất hoàn thiện; người thợ lắp lại như cũ.
Nhà vua bảo thử bỏ trái tim đi xem sao thì miệng không biết nói nữa; bỏ gan đi thì mắt không trông được nữa; bỏ thận đi thì chân không bước được nữa[17]. Lúc đó Chu Mục vương mới mừng, than thở:
- Ôi, cái khéo của con người ngang với hoá công chăng?
Rồi ra lệnh lấy hai cái xe chở người máy đó về.
Thang máy của Ban Thâu, con diều bay của Mặc tử,[18] hai nhà đó đã tự cho là cực kì khéo rồi. Một hôm, đệ tử của họ là Đông Môn Cổ, Cầm Hoạt Li, nghe nói tài khéo của Yển Sư, kể lại cho họ, họ từ đó cho tới suốt đời, không dám khoe nghệ thuật của mình nữa, nhưng vẫn thường cầm cái thước vuông, cái thước tròn[19].
CÁC BẬC THÁNH BẮN V.15
(Căm Dăng cổ chi thiện xạ giả)[20]
Cam Dăng là người giỏi tài bắn thời cổ, khi giương cung lên là thú lăn ra, chim rớt xuống. Đệ tử của ông tên là Phi Vệ, còn bắn giỏi hơn ông nữa. Kỉ Xương lại học nghệ thuật của Phi Vệ.
Phi Vệ bảo:
- Trước hết anh phải tập đừng chớp mắt đã, rồi sau sẽ nói chuyện học bắn.
Kỉ Xương về nhà, nằm ngửa dưới khung củi của vợ, đưa mắt theo con thoi. Hai năm sau, mũi nhọn của cái dùi có chạm vào mí mắt, Kỉ Xương cũng không chớp mắt. Lúc đó mới lại thưa với Phi Vệ. Phi Vệ bảo:
- Chưa, còn phải tập nhìn nữa, nhìn sao cho vật nhỏ mà thấy lớn, vật không thấy mà thấy rõ, rồi lại cho ta hay.
Kỉ Xương về dùng (lông) đuôi bò treo một con rận ở cửa sổ, quay về phía nam mà nhìn, khoảng mươi ngày sau thấy con rận lần lần lớn ta, ba năm sau thấy nó lớn bằng bánh xe; nhìn các vật khác đều thấy lớn bằng núi cả. Lúc đó mới lấy cây cung bằng sừng nước Yên và mũi tên bằng cỏ bồng châu Sóc[21], bắn xuyên quả tim con rận mà sợi lông treo không đứt. Rồi lại thưa với Phi Vệ. Phi Vệ nhảy lên, vỗ ngực bảo:
- Anh đã đạt được nghệ thuật bắn rồi.
Kỉ Xương khi đã học được thuật bắn của Phi Vệ, nghĩ rằng trong thiên hạ chỉ có mỗi một người địch nổi mình, lập tâm giết Phi Vệ. Họ gặp nhau ở đồng trống, giương cung bắn nhau, hai mũi tên đụng nhau ở giữa đường, rớt xuống mà bụi trên mặt đất không bay lên. Phi Vệ hết tên trước, Kỉ Xương còn một mũi, bắn nốt. Phi Vệ dùng mũi nhọn của một cái gai mà đỡ trúng. Thế là hai người cùng khóc, liệng cung xuống, quì xuống đất vái nhau, nhận làm cha con, thích vào cánh tay mà thề không dạy cho ai bí quyết của mình.
NGHỆ THUẬT ĐÁNH XE V.16
(Tháo Phủ chi sư)
Thầy của Tháo Phủ là Thái Đậu. Hồi Tháo Phủ mới theo thầy học đánh xe, giữ lễ rất khúm núm, mà ba năm, Thái Đậu không dạy cho một lời. Tháo Phủ càng giữ lễ nghiêm cẩn hơn nữa, lúc đó Thái Đậu mới bảo:
- Thơ cổ có câu: “Con người thợ giỏi làm cung mới đầu làm cái thúng đã; con người thợ đúc giỏi mới đầu tập đúc cái búa đã”[22]. Trước hết anh hãy coi ta đi, mà đi như ta, rồi sau mới cầm được sáu dây cương, chế ngự được sáu con ngựa.
Tháo Phủ thưa:
- Con xin vâng lời.
Thái Đậu bèn lấy các khúc cây, bề ngang chỉ vừa đặt chân lên, tính xem bước chân dài ngắn ra sao mà đặt thành đường đi, rồi dẫm lên mà chạy qua chạy lại, không trật bước nào. Tháo Phủ tập ba ngày đã thành thạo.
Thái Đậu than:
- Anh mẫn tiệp thật, tập mau nhĩ? Thuật đánh xe cũng chỉ vậy thôi. Cái thuật đi của anh (trên khúc cây), nhập vào chân anh rồi thì ứng vào lòng anh. (Đem thuật đó) suy ra thuật đánh xe, biết điều hoà dây cương, hàm thiếc, gò hay lơi ra ở môi mép con ngựa sao cho vừa phải; hiểu rõ cách đánh ngựa trong lòng thì cửa động ở ngoài sẽ hợp ý với ngựa. Nhờ vậy mà biết tiến lui theo phép tắc, quẹo hay chạy vòng quanh đúng qui củ mà không trật đường, tiến rất xa mà không hao khí lực. Như vậy là thực đạt được thuật đánh xe; thuật đó đạt được ở chỗ sử dụng hàm thiếc, rồi ứng vào dây cương; đạt ở chỗ sử dụng dây cương, rồi ứng vào bàn tay; đạt ở bàn tay rồi thì ứng vào lòng. Như vậy không cần dùng mắt để nhìn, dùng roi để thúc ngựa, lòng được nhàn, thân thể ngay ngắn[23], mà sáu dây cương không loạn, hai mươi bốn móng ngựa[24] bước đúng không sai, quẹo vòng, tiến lui đều đúng mực, sau đó có thể khiến cho bánh xe và xe chạy khít đường, móng ngựa dẫm vào đúng chỗ, không phân biệt núi hang là hiểm trở mà đồng cao đồng lầy là bằng phẳng nữa, coi như nhau hết[25]. Nghệ thuật của ta chỉ có như vậy thôi, anh nên nhớ lấy.
NHỮNG CÂY KIẾM LẠ V.17
(Nguỵ Hắc Noãn dĩ nặc hiềm…)
Hắc Noãn ở nước Nguỵ vì thù nhà mà giết Khâu Bính Chương. Con Khâu Bính Chương là Lai Đan muốn báo thù cho cha. Đan, tính khí rất can trường, nhưng hình thể rất gầy ốm, ăn mỗi bữa chỉ vài hột, gió thổi muốn ngả[26]. Vì vậy tuy oán lắm mà không thể đấu kiếm[27] báo thù được. Phải nhờ người khác (để báo thù) thì cho là điều nhục, cho nên thề sẽ tự dùng kiếm mà giết (lén) Hắc Noãn.
Hắc Noãn mạnh tợn hơn người, một mình chống được trăm kẻ; gân cốt thịt da không phải là gân cốt thịt da của con người, có thể vươn cổ ra cho người ta chém, phanh ngực ra cho người ta bắn; mũi tên sẽ gẫy, lưỡi kiếm sẽ quằn mà thân thể không hề bị thương. Hắc Noãn cậy sức mình như vậy, coi Lai Đan như con chim non mới nở.
Một người bạn của Lai Đan tên là Thân Tha bảo:
- Anh thâm oán Hắc Noãn mà hắn coi thường anh quá lắm! Anh tính sao đây?
Lai Đan khóc và đáp:
- Xin anh tính giùm tôi.
- Tôi nghe ông tổ của Khổng Chu nước Vệ được vua Ân cho một cây kiếm quí. Một đứa nhỏ cầm cây kiếm đó có thể đánh đổi được ba đạo quân. Sao anh không hỏi mượn?
Lai Đan bèn qua nước Vệ, yết kiến Khổng Chu. Theo lễ của hạng đánh xe, Lai Đan dâng vợ con cho Khổng Chu rồi mới bày tỏ ý mình. Khổng Chu bảo:
- Ta có ba cây kiếm, tuỳ anh lựa, nhưng không cây nào giết người được đâu. Ta hãy tả cho anh nghe được đã: Một cây tên là Hàm Quang, nhìn vào không thấy, vận dụng nó mà không cảm thấy nó ở trong tay mình; nó đụng vào vật gì thì không lưu lại dấu vết gì cả, nó đâm thủng ta, ta cũng không biết. Cây thứ nhì gọi là Thừa Ảnh. Vào lúc bình minh nửa mờ nửa tỏ hoặc hoàng hôn tranh sáng tranh tối, quay về phía bắc mà nhìn kĩ nó thì thấy mờ mờ mà không nhận ra được hình dáng nó ra sao. Nó đụng vào cái gì thì nghe có tiếng nhẹ, tan liền; nó đâm thủng ta, ta cũng không thấy đau gì cả. Cây thứ ba tên là Tiêu Luyện, ban ngày chỉ thấy cái bóng chứ không thấy ánh sáng của nó, ban đêm thấy ánh sáng mà không thấy hình dáng nó. Nó đụng vào cái gì, nghe soạt một cái, đâm lủng nhưng vết lủng khép lại liền, thấy đau mà không thấy vết máu.
- Ba cây kiếm đó, đã truyền được mười ba đời mà không dùng lần nào, còn để trong bao, chưa hề mở ra.
- Mặc dầu vậy, tôi cũng xin ngài cho tôi cây thứ ba.
Khổng Chu trả vợ con lại cho Lai Đan, rồi cả hai người đều trai giới bảy ngày; sau đó đúng lúc nửa đêm[28] quì xuống giao kiếm cho Lai Đan. Lai Đan cúi lại hai lạy mà nhận và trở về nhà.
Lai Đan cầm cây kiếm đó theo rình Hắc Noãn. Một hôm Hắc Noãn say rượu, đương ngủ dưới cửa sổ, Lai Đan chém ba nhát từ cổ cho tới lưng. Hắc Noãn không hay gì cả, (vẫn nằm trơ trơ). Lai Đan tưởng Hắc Noãn chết, mừng quá, rút lui, gặp con Hắc Noãn ở cổng, chém ba nhát, như chém trong không khí. Con Hắc Noãn cười, bảo:
- Giỡn sao đó mà vẫy ta tới ba lần vậy?
Lai Đan thấy thanh kiếm đó không giết người được, thở dài ra về.
Khi Hắc Noãn tỉnh dậy, rầy vợ:
- Tôi say mà ngủ, sao phanh mền tôi ra, tôi thấy đau ở cuống họng và ngang lưng này.
Người con cũng nói:
- Mới rồi, Lai Đan tới đây, gặp con ở cổng, nó vẫy con ba lần, cũng làm cho con đau trong mình, tay chân cứng đơ. Nó thư[29] chúng ta rồi.
(Chu Mục vương đại chinh Tây Nhung)
Khi Chu Mục vương đem đại quân chinh phạt Tây Nhung, được rợ đó tặng cây kiếm Côn Ngô và thứ vải Hoả Hoán[30]. Cây kiếm đó dài một thước tám tấc, luyện bằng gang, lưỡi kiếm màu đỏ, cắt ngọc dễ dàng như cắt bùn. Còn thứ vải Hoả Hoán, muốn giặt thì cho vào lửa, vải đỏ lên như lửa, mà vết dơ thì trở thành màu vải[31]; rút ở lửa ra, giũ giũ thì chỗ đó trắng như tuyết.
Hoàng tử cho rằng không có những vật như vậy, chỉ là đồn nhảm. Tiêu Thúc bảo: “Hoàng tử quá tự tin, và quá tin những lí lẽ bậy”[32].
MỘT BẬC ĐẠT NHÂN VII.9
(Vệ, Đoan Mộc Thúc giả)
Đoan Mộc Thúc, người nước Vệ, là dòng dõi Tử Cống, được hưởng gia tài tổ tiên, trong nhà có mấy vạn cân vàng[33], nhưng không quản trị sản nghiệp, mà chơi bời cho thoả chí[34]. Người đời muốn làm cái gì, muốn hưởng cái gì ông ta cũng làm, cũng hưởng cho đủ. Nhà cửa, lâu đài, vườn tược, ao hồ, ăn uống, xe ngựa, y phục, đờn ca, nàng hầu, thị nữ, đều không kém vua Tề, vua Sở. Lòng thích cái gì, tai muốn nghe cái gì, mắt muốn nhìn cái gì, miệng muốn nếm thứ gì, tuy xa xôi tận nước ngoài, nước Tề[35] không có, ông ta cũng kiếm cho được, như thể những vật ở trong tường, trong hàng rào của ông vậy. Khách khứa trong nhà ngày nào cũng có cả trăm người, bếp không lúc nào tắt, nhà giữa nhà bên không lúc nào im tiếng ca tiếng đờn. Thức ăn còn dư, phân phát cho hàng xóm, hàng xóm cũng ăn không hết thì phân phát cho cả nước.
Năm sáu mươi tuổi, khí lực gân cốt bắt đầu suy nhược; ông bỏ hết việc nhà, phân phát kho tàng, châu báu, xe ngựa, y phục, nàng hầu và thị nữ, chỉ trong một năm hết nhẵn, không để lại cho con cháu chút gì cả. Tới khi đau, không có thuốc uống, khi chết không có tiền chôn cất. Nhưng khắp trong nước những người mang ơn ông góp tiền mai táng ông, trả lại một số của cải cho con cháu ông nữa.
Cầm Cốt Li[36] nghe chuyện đó bảo:
- Đoan Mộc Thúc là một người điên cuồng làm nhục tổ tiên.
Đoàn Can Sinh[37] nghe vậy bảo:
- Mộc Thúc là bậc đạt nhân, có đức hơn tổ tiên. Những hành vi của ông ấy, mọi người lấy làm lạ, nhưng quả là chí lí. Hạng quân tử nước Vệ đa số giữ lễ giáo, cho nên chưa hiểu được lòng con người đó.
MỖI HẠNG NGƯỜI QUEN MỘT LỐI SỐNG VII.17
(Chu ngạn viết)
Nước Chu có một ngạn ngữ: “Nông phu mà ở không lâu thì có thể chết”. Sáng sớm ra đồng, tối mới về nhà, họ tự biết sống theo bản tính, họ ăn rau, ăn đậu tự cho là ngon. Bắp thịt gồng cứng, gân cốt rắn rỏi. Một buổi sáng nào đó cho họ nằm giường êm màn thêu, ăn gạo ngon và thịt béo, lan, quít, thì tâm thần thể chất họ khó chịu, phát nhiệt mà sinh bệnh; còn các ông vua nước Thương nước Lỗ nếu sống như họ thì cũng không chịu nổi được một giờ. Cho nên, cái gì nông dân thích, thì họ cho là khắp thiên hạ không có gì hơn.
Xưa, nước Tống có một nông phu, suốt năm bận áo bố, mùa đông lạnh cũng rán chịu, qua mùa xuân thì sưởi nắng, không hề biết rằng trên đời có những lâu đài rộng rãi, những căn phòng ấm áp, những áo bằng gấm vóc, bằng lông chồn, lông hạc[38], cho nên bảo vợ:
- Không ai biết rằng ánh nắng sưởi ấm được lưng. Anh tâu với vua điều đó, chắc được hậu thưởng.
Một người giàu có trong làng bảo chú ta:
- Xưa có một người thích rau dại, rau gai ngọt, rau hành cần, và bèo, khen những thứ đó với một vị giàu có trong làng. Vị này nếm thử, cay miệng mà đau bụng, bị mọi người chế nhạo, chê bai mà xấu hổ. Chú thì cũng vậy.
PHẢI BIẾT BÁN TÀI CỦA MÌNH VIII.7
(Lỗ Thi thị hữu nhị tử)
Họ Thi ở nước Lỗ có hai người con trai, một người hiếu học, một người thích việc binh. Người con hiếu học đem sở học của mình dâng Tề hầu, được Tề hầu dùng làm sư phó cho các công tử, người con thích việc binh đem binh pháp của mình dâng vua Sở, vua Sở mừng, cho coi việc quân. Gia đình nhờ lộc của họ mà giàu, cha mẹ nhờ tước của họ mà sang.
Một người láng giềng họ Mạnh cũng có hai người con, cũng lựa hai nghề đó, mà nghèo túng, muốn được giàu sang như họ Thi, qua hỏi nhờ cách nào mà tiến phát mau vậy. Hai người con họ Thi cứ thực mà kể.
Một người con họ Mạnh bèn đem sở học của mình dâng vua Tần. Vua Tần bảo:
- Thời nay, các chư hầu đều dùng võ lực mà tranh nhau, chỉ cần binh khí và lương thực thôi, nếu chúng ta dùng nhân nghĩa mà trị nước, thì là theo con đường diệt vong mất.
Rồi sai đem thiến, ít lâu sau thả ra.
Còn người kia qua nước Vệ, dâng binh pháp lên vua Vệ. Vua Vệ bảo:
- Nước mình nhỏ mà chung quanh là nước lớn. Nước nào lớn thì mình thờ, nước nào nhỏ thì mình vỗ về, đó là cách cầu an; trông vào binh lực thì mau diệt vong lắm. Nếu để cho hắn được toàn mệnh mà về, hắn qua nước khác, sẽ nguy lớn cho chúng ta.
Bèn chặt chân, trả về nước Lỗ.
Về tới nhà, cha con họ Mạnh đấm ngực mà oán trách họ Thi. Họ Thi bảo:
- Gặp thời thì thịnh, không gặp thời thì lụn bại. Con đường của các bác cũng là con đường của chúng tôi mà kết quả khác nhau, là tại không gặp thời chứ không phải là hành động sai. Vả lại, ở đời không có nguyên tắc nào luôn luôn đúng, không có việc nào luôn luôn sai. Cái mà thời trước người ta dùng thì có thể ngày nay bỏ đi; cái ngày nay bỏ đi, thì có thể sau này sẽ dùng. Dùng hay bỏ, điều đó không quyết định được là phải hay trái[39]. Rình cơ hội, nắm lấy cơ hội, cái đó không có qui tắc nào cả, mà thuộc về lanh trí. Nếu không lanh trí thì có biết rộng như Khổng Khâu, có tài như Lữ Thượng[40], đi tới đâu cũng khốn thôi.
Cha con họ Mạnh yên lòng, không có vẻ giận nữa, bảo:
- Chúng tôi hiểu rồi, bác đừng nhắc lại nữa.
MẢI ĐÁNH NGƯỜI MÀ QUÊN ĐỀ PHÒNG VIII.8
(Tấn Văn Công xuất hội)
Vua Tấn Văn Công[41] đi hội họp các chư hầu để tính đánh nước Vệ. Công tử Sừ ngửa mặt lên trời mà cười. Văn Công hỏi tại sao cười. Đáp:
- Thần cười người láng giềng của thần đưa vợ về thăm mẹ, giữa đường thấy một người đàn bà hái dâu, đâm mê mà đứng lại tán tỉnh. Nhưng khi quay lại nhìn vợ thì một chàng cũng vẫy vợ mình đi. Thần mỉm cười vì chuyện đó.
Văn Công tỉnh ngộ, thôi không đánh Vệ nữa, đem quân về, chưa tới nơi thì có tin giặc đánh ở biên cương phía bắc.
LÀM THẾ NÀO CHO HẾT TRỘM CƯỚP VIII.9
(Tấn quốc khổ đạo)
Nước Tấn bị cái nạn trộm cướp. Một người tên là Khích Ung có tài nhận ra kẻ trộm, chỉ nhìn vào cái khoảng giữa lông mày và mí mắt mà biết được là kẻ trộm hay không. Tấn hầu[42] sai người đó nhận diện kẻ trộm, trăm lần, ngàn lần không trật lần nào. Tấn hầu rất mừng, bảo Triệu Văn tử:
- Ta kiếm được một người mà sẽ trừ hết được trộm cắp trong nước, đâu cần gì nhiều biện pháp.
Văn tử tâu:
- Nhà vua dùng cách nhận diện kẻ trộm đó mà diệt trộm, thì không sao hết trộm được đâu. Khích Ung rồi sẽ bất đắc kì tử cho mà xem.
Chẳng bao lâu bọn trộm bàn tính với nhau:
- Chúng ta khốn đốn chỉ vì tên Khích Ung đó.
Rồi chúng âm mưu với nhau giết Khích Ung.
Tấn hầu nghe tin, hoảng sợ, lập tức vời Văn tử vô, bảo:
- Đúng như lời ông đoán, Khích Ung chết rồi. Có cách nào diệt trộm được bây giờ.
Văn tử tâu:
- Ngạn ngữ nước
Tấn hầu nghe lời, cử Tuỳ Hội coi việc nước và bọn trộm cướp trốn qua nước Tần hết.
CHIẾM ĐƯỢC KHÔNG KHÓ, GIỮ ĐƯỢC MỚI KHÓ VIII.12
(Triệu Tương tử sử Tân Trĩ…)
Triệu Tương tử[43] sai Tân Trĩ Mục tử đem quân đánh rợ Địch[44], thắng, chiếm được hai miền Tả nhân, Trung nhân. Tân Trĩ Mục tử sai sứ giả về báo tin thắng trận. Tương tử đương ăn chay, hay tin có vẻ lo. Người chung quanh hỏi:
- Một buổi sáng chiếm được hai thành, ai cũng lấy vậy làm mừng, sao ngài lại có vẻ lo?
Tương tử đáp:
- Nước sông dâng lên không quá ba ngày, gió lớn mưa dông không quá một buổi sáng, mặt trời đứng bóng chỉ một chốc lát. Họ Triệu tích đức không được nhiều, mà một buổi sáng hạ được hai thành, tôi sợ rằng sự suy vong sắp tới!
Khổng tử nghe được bảo:
- Họ Triệu sẽ thịnh. Biết lo thì sẽ thịnh, vui mừng thì sẽ nguy.
Thắng không phải khó, giữ được mới khó. Bậc minh quân hiểu lẽ đó mà giữ được thắng lợi, để phúc lại cho con cháu. Các nước Tề, Sở, Ngô, Việt đều đã có lần thắng các chư hầu mà rốt cuộc đều bại vong, là vì không hiểu cái lẽ duy trì thắng thế. Chỉ ông vua nào đạt đạo mới duy trì được thắng thế.
Sức Khổng tử mạnh đủ để nâng được cửa kinh đô, nhưng ông không muốn người ta biết sức mình; Mặc tử có tài đánh thành, Công Thâu Ban[45] phải thua, nhưng ông không muốn cho người ta biết tài cầm quân của mình. Cho nên người nào biết duy trì thắng lợi thì tuy mạnh mà vẫn coi mình là yếu (không ỷ vào sức mạnh).
Chú thích:
[1] Văn Chí làm một thần y thời cổ, có sách nói là ở thời Chiến Quốc, đã trị bệnh cho Tề Uy vương; có sách nói ở thời Xuân Thu, đã trị bệnh cho Tề Văn vương, làm cho Văn vương nổi giận mà hết bệnh.
[2] Người thời đó cho rằng trái tim bậc thánh chỉ có bảy lỗ, đều thông cả, nên rất minh trí.
[3] Đặng Tích làm quan đại phu nước Trịnh, đời Xuân Thu, đặt ra nhiều luật pháp rồi khắc lên miếng tre (nên gọi là trúc hình), treo ở chỗ công cho dân biết. Ông thuộc phái Pháp gia. Có bộ Đặng Tích thư nhưng chắc là của người đời sau viết.
[4] Truyện này trong Cổ học tinh hoa có nhan đề là Mặt trời xa, gần. (Goldfish).
[5] Biển Thước là một danh y bậc nhất vào thời Xuân Thu, tương truyền mỗ xẻ như thần.
[6] Chữ Hán là: 瓠巴. Có bản, như bản do bác Vvn cung cấp, chép là: 匏巴 (Bào Ba). (Goldfish).
[7] Hồ Ba, Sư Văn, Sư Tương đều là những người giỏi nhạc.
[8] Ý nói: không học đàn được đâu.
[9] Người Trung Hoa phân biệt năm thanh âm (ngũ âm): cung, thương, dốc, chuỷ, vũ. Âm thương là âm kim, thuộc hai tháng đầu mùa thu; âm dốc là âm mộc, thuộc hai tháng đầu xuân; âm vũ thuộc thuỷ, hai tháng đầu mùa đông; âm chuỷ thuộc hoả, hai tháng đầu mùa hè; âm cung thuộc thổ, tháng cuối mỗi mùa.
[10] Họ lại phân biệt 12 luật, gồm 6 dương luật (gọi tắt là luật) và 6 âm luật gọi là lữ. Sáu dương luật là hoàng chung, đại thấu, cô tiển, nhuy tân, di tắc, vô xạ. Sáu lữ là lâm chung, nam lữ, ứng chung, đại lữ, giáp chung, chung lữ.
Giáp chung thuộc về mùa xuân
Hoàng chung thuộc về mùa đông
Nhuy tân thuộc về mùa hè.
[11] Tương truyền Sư Khoáng gảy điệu thanh dốc thì mây trắng nổi lên, gảy nữa thì gió lớn và mưa trút xuống. Còn Trâu Diễn, người nước Tề thời Chiến Quốc (một triết gia theo phái Âm dương), thổi ống luật mà làm cho khí hậu đương lạnh hoá ấm, lúa mọc lên được.
[12] Tiết Đàm và Tần Thanh đều nổi tiếng về giọng hát ở Tề.
[13] Nguyên văn: cú là con đường lớn đưa tới bốn phương.
[14] Hàn Nga có nghĩa là người con gái nước Hàn.
[15] Bản chữ Hán do Vvn cung cấp chép là: Chu Mục vương tây tuần thú 周穆王西巡狩. (Goldfish).
[16] Tên này không có thực, có lẽ chỉ có nghĩa là núi chỗ mặt trời lặn (yểm: che).
[17] Y học Trung Hoa cho mắt mờ do gan suy, chân yếu do thận suy.
[18] Ban Thâu, tức Công Thâu Ban, chế được ngựa gỗ biết cử động và cây thang kéo ra được để tấn công thành. Mặc tử cũng ưa máy móc, theo đoạn này, thì ông đã nghĩ cách chế tạo một thứ máy bay.
[19] Củ là thước vuông, tức cái ê-ke. Qui: thước tròn, tức cái compas. Ý nói vẫn còn chế tạo.
[20] Bản chữ Hán do Vvn cung cấp chép là: Chu Mục vương tây tuần thú 周穆王西巡狩. (Goldfish).
[21] Châu Sóc ở phía bắc nước Tề, nay thuộc tỉnh Sơn Tây. Cũng có thể hiểu là cỏ bồng phương bắc.
[22] Ý nói: mới đầu tập làm việc dễ đã, sau mới tập việc khó.
[23] Nguyên văn là chính: ngồi ngay ngắn, yên ổn trên xe mà đánh xe, không cần quay qua quay lại.
[24] Vì xe thắng sáu con ngựa.
[25] Nghĩa là đánh xe trên núi cũng dễ dàng như trên đồng bằng. Bài này chúng tôi dịch thoát ý thôi. B.G. không dịch.
[26] B.G. dịch khác: Mối thù của Đan mạnh quá, lộ ra ngoài mặt. Ăn mỗi bữa chỉ vài hột mà chạy nhanh như gió đẩy.
[27] Nguyên văn: bất năng xưng binh dĩ báo chi. Xưng: các bản chữ Hán chú giải là cử. Ý nói không thể đánh nhau tay đôi với Hắc Noãn.
[28] Nguyên văn: Án âm chi gian. Trương Trầm giảng là lúc chiều tối. Đường Kính Cảo giảng là: ở chỗ nửa sáng nửa tối. Chúng tôi theo B.G. có vẻ huyền bí hơn.
[29] Dùng bùa phép làm cho người khác đau ốm.
[30] Hoả hoán (hoán cũng đọc là cán, nghĩa là giặt rửa bằng lửa) tức một thứ amiante.
[31] Bản Đường Kính Cảo sửa chữ bô thành chữ hôi: màu tro.
[32] Nguyên văn: quả ư vu lí. Có lẽ câu này nên hiểu là Hoàng tử quá tự tin, cho rằng những gì ông không hiểu nổi là vô lí, không thể có được. Bài này đặt ở cuối chương V có ý như nhắn độc giả rằng đừng vội cho những truyện lạ lùng trong chương này (như truyện ba cây kiếm trong bài trên) là vu khoát.
[33] Coi chú thích bài II.6.
[34] B.G. dịch là: nhưng không thể quản trị được hết, để cho con cháu muốn làm gì thì làm.
[35] Tề là nước giàu có nhất thời đó, cho nên Tề cũng trỏ Trung Quốc.
[36] Một môn đệ của Mặc tử.
[37] Không rõ là ai.
[38] Hạc đây không phải là loài chim mà là một loài cầy.
[39] Nghĩa là: không phải cứ được dùng thì là phải, tốt; bị bỏ thì là trái, xấu. Nguyên văn: vô định thị phi dã. B.G. dịch là: không theo một qui tắc nào cả.
[40] Tức Lữ Vọng, Khương Tử Nha, người đời Xuân Thu, câu cá ở sông Vị chờ thời, 80 tuổi mới được ông Tây Bá mời làm thừa tướng, sau diệt Trụ, dựng nghiệp nhà Chu.
[41] Tấn Văn Công (-636 -628), một trong ngũ bá thời Chiến Quốc, sau Tề Hoàn Công.
[42] Hầu là tước của các vua nước nhỏ.
[43] Triệu Tương tử làm tướng quốc nước Tấn (thế kỉ thứ 5 trước T.L.).
[44] Rợ Địch ở phương bắc.
[45] Coi chú thích bài V.14.