Liêt Tử và Dương Tử

Chương 2 ( tt)

ĐỪNG LÀM CHO NGƯỜI TA BIẾT MÌNH  II.14

(Liệt tử chi Tề)[1]

 

Thầy Liệt tử đi sang nước Tề, nửa đường thì trở về, gặp Bá Hôn Mâu Nhân. Bá Hôn Mâu Nhân hỏi:

 

- Sao mà về đó?

 

Đáp:

 

- Tôi sợ mà về.

 

- Sợ cái gì?

 

- Tôi ăn tại mười nhà làm tương mà năm nhà không nhận tiền.

 

Bá Hôn Mâu Nhân bảo:

 

- Như vậy có gì mà sợ?

 

- Sợ vì cái (đạo) tôi giữ trong lòng, không diễn ra[2], vậy mà nó hiện ra rực rỡ ở bề ngoài. Dùng cái bề ngoài ấy mà làm chấn động nhân tâm, dễ dàng được người ta kính trọng như bậc trưởng lão, như vậy tai nạn sẽ tới. Những người bán tương đó chỉ sống bằng nghề bán thức ăn, lợi ở chỗ còn dư[3], không được bao nhiêu, quyền thế lại chẳng có gì, mà còn đối xử với tôi như vậy, huống hồ ông vua một vạn cổ xe, khó nhọc, để hết tâm trí vào việc nước. Nhất định ông vua đó sẽ giao trọng trách cho tôi, bắt tôi gắng sức làm nhiều, vì vậy mà tôi sợ.

 

Bá Hôn Mâu Nhân bảo:

 

- Anh nhận xét sáng suốt đấy. Nhưng anh mà tự rút lui như vậy thì người ta sẽ càng chăm sóc tới anh[4].

 

Ít lâu sau, lại nhà (Liệt tử), thấy dép để đầy ngoài cửa[5], Bá Hôn Mâu Nhân đứng ngó về hướng bắc, cằm tì vào chiếc gậy, một lát rồi lặng thinh đi về.

 

Một người khách cho Liệt tử hay, Liệt tử không kịp xỏ dép, vội vàng xách dép chạy theo, tới cổng thì đuổi kịp, hỏi:

 

- Thầy[6] đã tới, có ý dạy cho tôi phương thuốc[7] gì chăng?

 

Bá Hôn Mâu Nhân đáp:

 

- Trễ rồi. Ta đã bảo anh rằng người ta sẽ chăm sóc tới anh đó, quả nhiên như vậy. Không phải là anh (không) biết cách làm cho người ta chăm sóc tới anh, mà là anh không biết cách làm cho người ta đừng chăm sóc tới anh. Mà cần gì phải dùng cách dị thường để cho người ta cảm mộ mình trước như vậy. Không có lý họ thúc đẩy anh tỏ tài riêng của anh ra. Những người giao thiệp với anh không có gì để nói với anh cả. Những lời nhỏ nhen của họ, có hại như thuốc độc đấy. Anh mê muội không giác ngộ, thì làm sao có thể cải hoá anh được[8].

 

NHÂN NGHĨA HƠN SỨC MẠNH  II.21

(Huệ Áng kiến Tống Khang vương)

 

Huệ Áng vô yết kiến Tống Khang vương. Khang vương đứng dậy tiếp, hăng hái nói liền:

 

- Quả nhân chỉ ưa dũng lực thôi, không muốn dùng nhân nghĩa, khách có điều gì dạy quả nhân không?

 

Huệ Áng tiếp:

 

- Thần có đạo (thuật) khiến cho một người đã dũng cảm rồi lại thêm có bị đâm cũng không vô, đã mạnh rồi lại thêm có bị đập cũng không trúng, có lẽ nào riêng đại vương không ưa đạo đó sao?

 

Vua Tống bảo:

 

- Tốt lắm, đó là điều quả nhân muốn nghe.

 

Huệ Áng nói:

 

- Bị kẻ khác đâm mà không vô, bị kẻ khác đập mà không trúng, (tuy là không bị thương đấy, nhưng) vẫn còn là bị nhục. Thần lại có đạo khiến cho một người đã dũng cảm rồi mà kẻ khác lại không dám đâm, đã mạnh rồi kẻ khác không dám đập. Nhưng họ không dám không phải là không muốn. Thần lại có cái đạo khiến cho họ không có ý muốn đâm, đập nữa. Nhưng họ không có ý muốn đó, chưa phải là đã có lòng quí mến và giúp đỡ đại vương. Thần lại có cái đạo khiến cho không một người đàn ông, một người đàn bà nào không vui vẻ quí mến và giúp đỡ đại vương. Như vậy đại vương còn hiền minh hơn có dũng lực. Thần cho là hơn hẳn bốn hạng trên. Có lẽ nào riêng đại vương không ưa đạo đó.

 

Vua Tống đáp:

 

- Đó là đạo quả nhân muốn có.

 

Huệ Áng bảo:

 

- Đó là đạo của họ Khổng họ Mặc. Khổng Khâu và Mặc Địch không có đất đai mà vẫn làm vua, không có bề tôi mà vẫn làm chúa. Đàn ông và đàn bà trong thiên hạ không ai là không nghểnh cổ, nhón gót để ngó, để giúp đỡ, bảo toàn họ. Nay đại vương là một vị chúa một nước có vạn cổ xe, nếu thực muốn như vậy, thì trong bốn cõi, đại vương đều được mọi người giúp đỡ, còn hiền minh hơn Khổng, Mặc nhiều.

 

Vua Tống làm thinh không đáp. Huệ Áng vội vã bước ra. Vua Tống bảo kẻ tả hữu:

 

- Người khách đó khéo biện thuyết, quả nhân không biết đáp sao.

 

NỖI BUỒN CỦA KHỔNG TỬ  IV.1

(Trọng Ni nhàn cư)

 

Trọng Ni ngồi không, Tử Cống vô hầu, thấy thầy có vẻ buồn, không dám hỏi, trở ra cho Nhan Hồi[9] hay. Nhan Hồi cầm cây đờn lên gảy và ca. Khổng tử nghe thấy, quả nhiên gọi vô hỏi:

 

- Có cái gì mà vui một mình vậy?

 

Hồi hỏi lại:

 

- Tại sao thầy buồn một mình vậy?

 

Khổng tử đáp:

 

- Hãy nói cho thầy nghe nỗi vui của anh trước đã.

 

Hồi thưa:

 

- Con nghe có lần thầy dạy rằng hễ lạc thiên tri mệnh thì không có gì buồn cả, vì vậy mà con vui.

 

Khổng tử trầm ngâm một lát rồi bảo:

 

- Ta có nói như vậy sao? Anh hiểu sai ý của ta rồi. Lời ta nói hồi trước đó, bây giờ anh theo lời ta sắp nói đây mà sửa lại. Anh chỉ hiểu được cái lẽ lạc thiên tri mệnh thì không có gì buồn mà chưa hiểu được rằng tuy lạc thiên tri mệnh mà cũng vẫn buồn. Nay ta giảng hết cho anh nghe: cứ sửa thân mình, thành công hay thất bại cũng mặc, biết rằng thăng hay trầm không quan hệ gì tới ta, không để cho những biến loạn làm bận lòng, đó anh hiểu lạc thiên tri mệnh thì vô ưu là như vậy.

 

Trước ta đã sửa lại Thi, Thư, định lại Lễ, Nhạc, mong dùng những sách đó để trị thiên hạ, truyền lại hậu thế, chứ không phải chỉ sửa riêng cái thân ta, trị riêng nước Lỗ mà thôi đâu. Mà vua tôi nước Lỗ càng ngày càng mất trật tự, nhân nghĩa càng ngày càng suy, tính tình càng ngày càng bạc. Như vậy là đạo không thi hành được ở trong một nước, ngay bây giờ đây, nói chi thi hành tới khắp thiên hạ, trong các đời sau nữa.

 

Bây giờ ta mới biết rằng Thi, Thư, Lễ, Nhạc không giúp được cho loạn hoá trị, mà chưa tìm được phương nào cải cách được xã hội được đây. Đó là cái lẽ lạc thiên tri mệnh mà vẫn còn buồn. Nhưng ta đã hiểu được một điều: cái chúng ta gọi là “lạc”, là “tri” không phải cái cổ nhân gọi là “lạc”, là “tri”. Cổ nhân cho rằng “vô lạc”, “vô tri”[10] mới thực là “chân lạc”, “chân tri”. Được như vậy thì không cái gì là không vui, không cái gì là không biết, không cái gì là không buồn, không cái gì là không làm. Thi, Thư, Lễ, Nhạc cần gì phải bỏ đi, cần gì phải sửa lại?

 

Nhan Hồi hướng về phương Bắc[11], chắp tay vái thầy:

 

- Con cũng hiểu được lẽ đó.

 

Rồi trở ra kể lại cho Tử Cống nghe. Tử Cống hoang mang, như mất hồn, về nhà suy nghĩ lung bảy ngày, quên ngủ quên ăn, tới nỗi gầy trơ xương. Sau cùng Tử Cống trở lại nhà thầy, lại gảy đờn, ca hát, học kinh Thư, suốt đời không ngừng.

 

BIẾT BẰNG TRỰC GIÁC  IV.2

(Trần đại phu sính Lỗ)

 

Vị đại phu nước Trần đi sứ sang nước Lỗ, lại thăm viếng Tôn Thúc thị[12], Tôn Thúc thị bảo:

 

- Nước chúng tôi có một bậc thánh.

 

Vị đại phu hỏi:

 

- Phải ông Khổng Khâu không?

 

- Phải.

 

- Làm sao biết được là thánh?

 

- Tôi thường nghe Nhan Hồi bảo Khổng Khâu có thể bỏ cái tâm (không dùng cái tâm) mà vận dụng hình hài (tức ngũ quan) được.

 

Vị đại phu nước Trần bảo:

 

- Nước tôi cũng có một vị thánh nhân, ông biết không?

 

- Thánh nhân ư? Ai đó?

 

- Một đệ tử của Lão Đam tên là Cang Thương tử[13] học được cái đạo của Đam, có thể dùng tai mà trông, dùng mắt mà nghe.

 

Lỗ hầu[14] nghe vậy, kinh hoảng, sai một vị thượng khanh đem hậu lễ qua mời Cang Thương tử. Canh Thương tử nhận lễ và tới, Lỗ hầu lễ độ hỏi, Cang Thương tử đáp:

 

- Người ta đồn bậy. Tôi có thể không dùng tai mắt mà nghe, trông được, nhưng không thể dùng tai thay mắt, mắt thay tai được.

 

Lỗ hầu bảo:

 

- Vậy thì còn lạ hơn nữa; cách nào vậy, xin cho quả nhân được nghe.

 

Cang Thương tử đáp:

 

- Cơ thể tôi hoà hợp với cái tâm, tâm hoà hợp với khí, khí hoà hợp với thần, thần hoà hợp với cái “vô”. Có một hình thể nào rất nhỏ xuất hiện, một thanh âm nào rất nhỏ nào thoảng qua, dù xa tít ngoài cõi bát hoang[15] hoặc ở gần, tại sát mi mắt mà liên can đến tôi là tôi biết liền. Nhưng tôi không hiểu là do cảm giác của ngũ quan[16] hay của các bộ phận trong người[17], (tôi chỉ biết) cái biết đó tự nhiên phát ra vậy thôi.

 

Lỗ hầu mừng lắm, một hôm kể lại với Khổng tử, Khổng tử cười mà không nói.

 

KHÔNG NÓI MÀ CŨNG LÀ NÓI  IV.5

(Tử Liệt tử kí sư Hồ Khâu Tử Lâm)

 

Thầy Liệt tử sau khi cùng với bạn là Bá Hôn Mâu Nhân thôi học Hồ Khâu Tử Lâm rồi, lại ở Nam Quách[18], số người lại xin học có hàng trăm[19], tới hoài không ngớt, Liệt tử không biết bao nhiêu nữa. Thầy trò sáng nào cũng thảo luận với nhau, xa gần không ai không biết tiếng[20]. Nam Quách tử[21] ở sát vách hai chục năm mà hai người không bao giờ qua thăm hỏi nhau, gặp nhau ngoài đường thì làm như không trông thấy nhau. Môn đệ tin chắc rằng Liệt tử và Nam Quách tử hiềm khích nhau.

 

Có một người từ nước Sở lại, hỏi Liệt tử:

 

- Tiên sinh có gì hiềm khích với Nam Quách tử đấy?

 

Thầy Liệt tử đáp:

 

- Nam Quách tử bề ngoài như mọi người[22] mà lòng thì hư tĩnh, tai không nghe, mắt không thấy, miệng không nói, tâm không biết, hình hài trơ trơ, qua thăm ông ấy làm gì. Nhưng chúng ta thử qua xem sao.

 

Thế là Liệt tử cùng với bốn chục môn đệ qua nhà Nam Quách tử, quả nhiên thấy ông ấy trơ trơ như pho tượng, không thể tiếp xúc, chuyện trò được. Nam Quách tử liếc ngó Liệt tử, vẻ xa vắng như tinh thần thoát khỏi xác. Rồi Nam Quách tử bỗng bảo mấy đệ tử đứng hàng cuối của Liệt tử: “Ta khen các người cương quyết hùng tâm chuyên cần học đạo”.

 

Bọn môn đệ Liệt tử hoảng hốt ra về, người nào cũng có vẻ hoang mang. Liệt tử bảo:

 

- Người nào đã đạt ý thì không nói; người nào biết rõ chân lí rồi thì cũng không nói. Không nói mà cũng là nói, không biết mà cũng là biết. Không có một lời nào với chẳng nói, không một tri thức nào với chẳng biết, thì cũng là nói, là biết. Mà như vậy cũng là không có gì không nói, không có gì không biết; mà cũng là không nói gì cả, không biết gì cả. Có vậy thôi, các anh sợ nỗi gì?

 

NGHỆ THUẬT DU LỊCH  IV.7

(Sơ Tử Liệt tử hiếu du)

 

Mới đầu, thầy Liệt tử thích du lịch. Hồ Khâu tử bảo:

 

- Ngự Khấu thích du lịch, du lịch có gì đâu mà thích?

 

Liệt tử đáp:

 

- Cái vui du lịch là được coi những cái mới. Những người khác du lịch là ngắm những cảnh mới, còn con du lịch để xem xét sự biến đổi. Du lịch! Du lịch! Ai biết được du lịch thực là du lịch thì phải ra sao?

 

Hồ Khâu tử bảo:

 

- Cách anh du lịch với cách người khác du lịch thì cũng vẫn như nhau, mà sao bảo là khác? Ai nhìn cảnh thì cũng thấy sự biến đổi của nó. Anh thích ngắm vật mới mà không biết rằng cái bản ngã của ta cũng thay đổi hoài.

 

Người nào chỉ nghĩ du lịch là ngắm cảnh ngoài thì không biết chú trọng tới nội tâm mình. Ngắm cảnh ngoài là muốn cho vạn vật hoàn toàn, xét nội tâm mình là muốn thoả mãn ở trong lòng. Thoả mãn ở trong lòng là đạt cái mức cao nhất của du lịch, cầu cho vạn vật hoàn toàn thì không đạt được mức đó.

 

Từ đó, Liệt tử suốt đời không đi du lịch nữa, tự cho rằng mình không biết cách du lịch.

 

Hồ Khâu tử bảo : “Cái cao nhất của sự du lịch ở đâu? Ở chỗ không biết mình đi đâu. Cái mức cao nhất của sự quan sát sự vật là không biết mình nhìn cái gì nữa. (Đừng cố ý du lịch, cố ý quan sát thì) vật nào cũng là cơ hội cho mình du lịch, quan sát được. Tôi cho du lịch là như vậy, quan sát là như vậy. Cho nên bảo : Phải đạt cái mức cao nhất của du lịch! Phải đạt cái mức cao nhất của du lịch!”.

 

HƯ TÂM THÌ ĐƯỢC ĐẠO  IV.15

(Quan Doãn Hỉ viết)

 

Quan Doãn Hỉ[23] bảo: “Lòng mình mà vô chấp[24] thì hình, vật (ở ngài) sẽ hiện rõ ra. (Lòng mình) động thì như nước, tĩnh thì như gương, ứng với vạn vật như tiếng vang. Cho nên đạo là hình ảnh của vật, vật trái với đạo chứ đạo không trái với vật. Người nào đã được hoàn thiện như đạo thì không dùng tới tai, cũng không dùng tới mắt, cũng không dùng tới sức mạnh, cũng không dùng tới tâm; còn người nào dùng tai, mắt, sức mạnh, tâm mà muốn được như đạo, thì không phải cách. Nhìn thẳng ở trước mắt (để tìm đạo) mà không ngờ nó ở phía sau mình. Khi dùng cái đạo thì nó đầy cả vũ trụ[25], không dùng nó thì không biết nó ở đâu.

 

Dùng tâm cầu đạo thì thấy nó ở xa, chứ nó vốn không ở xa; vô tâm cầu đạo thì thấy nó ở gần, chứ nó vốn nó không ở gần[26]. Cứ yên lặng thì được đạo, giữ cái thiên tính còn toàn vẹn (tự nhiên) thì được đạo”.

 

Kẻ trí (sáng suốt) mà quên các tình dục đi, kẻ có tài mà không dùng tài, những kẻ đó mới thật là sáng suốt, thật là có tài. Đạt được vô tri (nghĩa là bỏ cái tri đi) thì làm gì còn có tình dục? Đạt được cái vô năng (không dùng tài) thì làm gì còn có hành động? Chứa chất vật quí (?) cũng như chứa chất bụi cát vậy, như vậy dù có vô vi (không làm gì) mà cũng vẫn là trái đạo vậy.

 

LUẬT QUÂN BÌNH  V.9

(Quân, thiên hạ chi chí lí dã)

 

Quân bình là luật rất lớn trong thiên hạ, ngay về vật hữu hình cũng vậy. Treo hai vật vào một sợi tóc, nếu không quân bình mà một vật nặng một vật nhẹ thì sợi tóc sẽ đứt, như vậy là sợi tóc không ở điểm quân bình. Nếu quân bình thì không có lẽ gì mà đứt được, cho nên không đứt[27]. Người ta thường không hiểu lẽ đó, nhưng cũng có người hiểu được.

 

Chiêm Hà[28] chỉ dùng một sợi tơ làm dây câu, một cái gai cong nhọn[29] làm lưỡi câu, thân cây trúc nhỏ ở Sở làm cần câu, cắt một hạt lúa làm mồi mà câu ở cái vực sâu trăm nhẫn[30], chỗ nước chảy xiết, đem về đầy một xe cá, mà dây câu không đứt, lưỡi câu không duỗi ra, cần câu không gãy gặp lại. Vua Sở nghe nói, lấy làm lạ, cho gọi tới. Chiêm Hà đáp:

 

- Thần nghe nói, cổ đại phu Bồ Thư tử giỏi bắn, dùng một cây cung yếu, cột một sợi dây vào mũi tên để cho gió bay đi, mà bắn được hai con dang[31] bay tít trên mây xanh, như vậy là nhờ ông tập trung tinh thần và giữ được sự quân bình khi cử động cánh tay. Thần phỏng theo cách đó mà học câu năm năm mới thấu được hết thuật câu. Khi thần ngồi trên bờ sông mà cầm cần câu, lòng thần chỉ nghĩ tới cá thôi, không nghĩ tới gì khác; khi liệng câu thả mồi, thì cánh tay thần cử động không nặng quá, không nhẹ quá để mọi vật khỏi loạn. Khi cá thấy mồi ở lưỡi câu, chúng tưởng là những hạt bụi chìm hoặc những bọt tụ lại, nên không nghi ngờ gì mà lại đớp. Vậy yếu có thể chế được mạnh, nhẹ có thể thắng được nặng. Đại vương trị quốc mà thật sự theo cách đó thì có thể vận dụng thiên hạ trong bàn tay, có việc gì khó khăn đâu?

 

THẾ NÀO LÀ BẬC CHÍ NHÂN  VI.9

(Hoàng Đế chi thư vân)

 

Sách Hoàng Đế có câu: “Bậc chí nhân[32] sống ở đời cũng như chết, cử động mà như bị trói buộc[33], không biết tại sao lại sống, tại sao lại không sống ở đời, tại sao lại cử động, tại sao lại không cử động, người đời dòm ngó mình thì cũng chẳng thay đổi thái độ, không dòm ngó mình thì cũng vậy. Một mình mình tới, một mình mình lui, một mình mình ra, một mình mình vô, ai mà ngăn cản được?”

 

LỢI VÀ HẠI CỦA DANH  VII.20

(Dục tử viết: Khí[34] danh giả vô ưu)

 

Dục tử[35] nói:

 

- Từ bỏ cái danh thì khỏi phải lo nghĩ. Lão tử nói: “Danh là khách của thực”. Mà người đời đau đáu chạy theo cái danh hoài.

 

Danh vốn không thể bỏ được, danh vốn không thể coi là khách được. Ngày nay ai có danh thì được tôn vinh, vô danh thì chịu hèn nhục; tôn vinh thì an dật sung sướng, hèn nhục thì lo lắng, khổ sở. Lo lắng khổ sở thì hại tới bản tính, an dật sung sướng thì thuận với bản tính, quả có liên hệ với nhau như vậy. Vậy thì làm sao lại bỏ danh? Làm sao mà coi danh là khách? Ghét chăng là ghét sự giữ cái danh mà luỵ cái thực; giữ cái danh mà luỵ cái thực thì sẽ có lúc phải chịu nguy vong mà không có cách cứu, chứ đâu phải chỉ là chuyện an dật vui sướng với lo lắng, khổ sở mà thôi đâu[36].

 

NHƯ HÌNH VỚI BÓNG  VIII.1

(Tử Liệt tử học ư Hồ Khâu Tử Lâm)

 

Thầy Liệt tử học với Hồ Khâu Tử Lâm. Hồ Khâu Tử Lâm bảo:

 

- Anh phải tập trung ở phía sau thì mới có thể nói rằng giữ được thân mình.

 

Liệt tử hỏi:

 

- Xin thầy cho nghe thế nào là đứng ở phía sau.

 

Đáp:

 

- Quay lại nhìn cái bóng của anh thì biết.

 

Liệt tử quay lại nhìn cái bóng của mình, hễ vặn thân mình thì cái bóng cong, đứng thẳng lại thì cái bóng cũng thẳng.

 

Vậy cong hay ngay là tuỳ thân thể chứ không tuỳ cái bóng. Biết co hay duỗi tuỳ vật chứ không tuỳ ta, như vậy là đứng ở phía sau mà được ở phía trước[37].

 

°

 

Quan Doãn bảo thầy Liệt tử:

 

- Lời mà đẹp thì tiếng vang cũng đẹp, lời mà xấu thì tiếng vang cũng xấu, thân hình cao thì bóng dài, thân hình lùn thì bóng ngắn. Danh cũng như tiếng vang, thân hình cũng như cái bóng. Cho nên bảo: “Thận trọng lời nói thì người ta sẽ biết mình[38], thận trọng hành vi thì người ta sẽ theo mình”.

 

Bậc thánh nhân xét cái gì phát ra mà biết cái gì nhập vô[39], xét việc đã qua mà biết việc sắp tới, như vậy là tiên tri.

 

Đức độ hay không là ở ta, mà phán xét ta là ở người. Người ta yêu mình, thì tất là vì mình đã yêu người ta; người ta ghét mình thì tất là vì mình đã ghét người ta. Vua Thang, vua Vũ[40] yêu thích thiên hạ, cho nên được làm vua; Kiệt và Trụ ghét thiên hạ cho nên mất ngôi vua. Như vậy là sự phán xét của thiên hạ. Đã hiểu cái lẽ “đức độ” và “phán xét” rồi mà hành động không theo lẽ đó thì không khác gì muốn ra ngoài mà không do cửa, muốn đi mà không theo đường. Hành động như vậy mà mong có lợi, chẳng là khổ ư?

 

Xét đức Thần Nông Hữu Viêm[41], rồi tra khảo sử đời Ngu, Hạ, Thương, Chu, suy ngẫm lời các hiền nhân, pháp sĩ[42], cái lẽ tồn vong, hưng phế của thời trước không khi nào không theo cái đạo đó (tức đạo thương người thì được người thương lại, ghét người thì bị người ghét lại).

 

PHẢI BIẾT NGUYÊN NHÂN  VIII.3

(Liệt tử học học xạ, trúng dã)

 

Liệt tử học bắn (may mà bắn trúng), hỏi Quan Doãn tử. Doãn tử bảo:

 

- Anh biết tại sao anh bắn trúng không?

 

Đáp:

 

- Thưa không.

 

- Vậy thì chưa được.

 

Liệt tử về tập bắn thêm ba năm nữa, rồi lại cho Quan Doãn tử hay, Doãn tử hỏi:

 

- Anh đã biết tại sao anh bắn trúng không?

 

- Thưa biết.

 

- Vậy thì được! Nhớ lấy, đừng quên. Chẳng phải riêng việc bắn như vậy đâu, việc trị nước và tu thân cũng vậy. Cho nên bậc thánh nhân không quan tâm tới sự tồn vong (đắc thất) bằng cái lẽ tại sao tồn vong.

 

TRỊ NƯỚC CẦN BIẾT NGƯỜI HIỀN  VIII.4

(Liệt tử viết: Sắc thịnh giả kiêu)

 

Liệt tử nói:

 

- Dung nhan đẹp hơn người thì kiêu căng, sức mạnh hơn người thì hung hăng, chưa có thể nói đến đạo với hai hạng người đó được. Người tóc đã hoa râm mà nói về đạo còn lầm, huống hồ là hành đạo! Kẻ nào hung hăng (hiếu thắng) thì không được người ta khuyên bảo, không được ai khuyên thì cô độc, không có người giúp. Người hiền biết dùng người[43], nên tuy già mà không suy, trí giảm mà không loạn[44]. Cho nên trị nước khó ở chỗ biết được người hiền, mà không tự cho mình là hiền.

 

KHÔNG ƯA TRÍ XẢO  VIII.5

(Tống nhân hữu vị quân…)[45]

 

Một người nước Tống lấy ngọc chạm trổ thành lá dó, để dâng vua, ba năm mới xong. Đầu nhọn, chỗ mỏng, sống, cuốn, lông, gai đều tinh vi, láng bóng, để chung với các lá dó thật, không sao phân biệt được. Người đó nhờ tài khéo mà được vua Tống khen, cấp lương bổng cho.

 

Thầy Liệt tử nghe nói, bảo: “Trời đất khi sinh vạn vật mà phải mất ba năm mới thành một cái lá thì ít cây cỏ lắm![46] Cho nên thánh nhân trông vào cái đạo để cải hoá chứ không trông vào trí xảo”.

 

THẤY LỢI NGHĨ ĐẾN HẠI  VIII.6

(Tử Liệt tử cùng, dung mạo hữu cơ sắc)

 

Thầy Liệt tử nghèo khổ, mặt xanh xao vì đói, một người khách[47] cho Tử Dương nước Trịnh hay[48]

 

- Liệt Ngự Khấu là bậc sĩ đạt đạo, ở nước ông mà phải nghèo khổ, vậy ra ông không quí kẻ sĩ sao?

 

Tử Dương tức thì sai một ông quan đem lúa lại tặng Liệt tử. Liệt tử ra tiếp, vái hai vái mà từ chối. Sứ giả về rồi, Liệt tử trở vô. Bà vợ lườm ông, đập vào ngực, bảo:

 

- Thiếp nghe nói vợ con một người đạt đạo thì được vui vẻ sung sướng. Nay cả nhà đều đói, được tướng quốc biết mà cho lúa, thầy không nhận, thế không phải là làm trái với số mệnh sao?

 

Thầy Liệt tử cười mà đáp:

 

- Tướng quốc đâu phải tự biết ta. Vì nghe lời người khác mà cho ta lúa, rồi thì cũng sẽ nghe người khác mà bắt tội ta[49]. Vì vậy mà ta không nhận[50].

 

Rồi đột nhiên, dân trong nước nổi loạn, giết Tử Dương[51].


[1] Chắc sách in thiếu chữ “Tử” ở đầu câu. Bản chữ Hán chép: Tử Liệt tử chi Tề 子列子之齊, và cụ NHL dịch là: “Thầy Liệt tử…”. (Goldfish).

[2] Nguyên văn: Phù nội thành bất giải, thực tối nghĩa. B.G. dịch là: cái chân lí ở trong lòng tôi không tan (?). Có lẽ cũng có thể hiểu là: cái đạo trong lòng tôi còn mù mờ.

[3] Cũng như nấu cơm trọ: lợi ở chỗ mình khỏi phải mua thức ăn.

[4] Chăm sóc đây có nghĩa là yêu quí, lui tới thường, nịnh nọt. Bá Hôn Mâu Nhân có ý chê Liệt tử rút lui như vậy cũng là một cách làm cho người ta để ý tới mình.

[5] Dép của môn đệ hoặc hạng khách khứa trọng Liệt tử.

[6] Các bài I.1, II.5 cho biết Bá Hôn Mâu Nhân là bạn học của Liệt tử, có lần dạy Liệt tử thuật bắn cung. Có lẽ Liệt tử trọng Bá Hôn Mâu Nhân như thầy.

[7] Nghĩa bóng: trỏ lời khuyên răn, phương thuốc tinh thần.

[8] Mấy câu này mỗi bản dịch hoặc chú thích mỗi khác. Chúng tôi theo bản dịch của Liou-Kia-hway trong L’ œuvre complète de Tchouang tseu (Gallimard– 1969) vì bài này có chép trong thiên Liệt Ngự Khấu của Trang tử.

[Trong bộ Trang tử và Nam Hoa kinh, cụ NHL đã dịch lại trọn bài này “để sửa vài chữ” (xem phần Phụ lục). (Goldfish)].

[9] Tên tự là Uyên, được Khổng tử mến nhất trong số môn đệ và khen là có đức nhân. Mất hồi 31 tuổi, Khổng tử rất thương tiếc.

[10] Nghĩa là không cố ý cầu lạc thiên tri mệnh, mà hồn nhiên lạc thiên tri mệnh.

[11] Có ý tôn trọng Khổng tử như bề tôi trọng vua, vì vua thời đó ngồi quay mặt về phương Nam.

[12] Chữ thị này nghĩa là họ. Chỉ gọi họ chứ không gọi tên, cũng như gọi ông Nguyễn, ông Trần.

[13] Trong sách Trang tử goi Canh Tang tử.

[14] Tức vua nước Lỗ.

[15] Những nơi cực xa, hoang vu ở tám phương.

[16] Nguyên văn: thất khổng, tứ chi, tức bảy lỗ (mắt mũi, tai, miệng…) hai tay, hai chân.

[17] Nguyên văn là tâm phúc, lục tạng: tâm, bụng, sáu bộ phận trong mình. Theo y học Trung Hoa chỉ có ngũ tạng thôi, tức tâm, can, tì, phế, thận. Có lẽ thận kể là hai (thận thuỷ, thận hoả) nên mới thành lục tạng.

[Tác giả (không rõ là ai) bài Nguyên tắc dưỡng sinh Sa Long Cương viết: “Theo đông y thì những bộ phận chính trong cơ thể con người (lục phủ, lục tạng: trước đây họ chỉ quan niệm có lục phủ, ngũ tạng, nhưng sau này họ coi tâm bào là tạng thứ sáu để đối chiếu với phủ tam tiêu) có một mối liên hệ mật thiết với nhau…” (http://www.salongcuong.info/canada/spip.php?article121&lang=vi). (Goldfish)].

[18] Quách là lớp thành ngoài. Nam Quách là thành ngoài phía nam, cũng như ở ngoại ô phía nam.

[19] Trương Trầm chú giải là: ngày nào cũng đến (nhật số, chứ không phải là bách số).

[20] Nguyên văn: vô bất văn, B.G. dịch là: (Liệt tử) chẳng cần biết ai.

[21] Tức ông Nam Quách (lấy chỗ ở mà gọi tên).

[22] Nguyên văn: mạo sung, các sách đều chú giải: sung là toàn (đầy đủ), chúng tôi dịch thoát như vậy.

[23] Coi chú thích bài VII.11

[24] Không nghĩ tới gì cả, không muốn gì cả, tức như hư tâm.

[25] Lục hư: trên dưới và bốn phương.

[26] Bài này ý nghĩa rất khó hiểu. Chúng tôi châm chước lối giải thích của Đường Kính Cảo mà dịch. B.G. dịch khác hẳn.

[27] Chỗ này nguyên văn khó hiểu. Chúng tôi dịch ý.

[28] Một người nước Sở, nổi tiếng câu giỏi.

[29] Nguyên văn: mang châm. B.G. dịch là cái lông nhỏ ở đầu bông lúa.

[30] Nhẫn: 8 thước. [Trong bộ Trang tử và Nam Hoa kinh, cụ NHL giảng rõ hơn: Mỗi nhẫn là tám thước thời đó, mỗi thước khoảng một gang tay. (Goldfish)]

[31] Tựa như con sếu.

[32] Tức như bậc thánh nhân trong đạo Nho: trỏ con người hoàn thiện.

[33] Nghĩa là không cử động. Ý muốn nói: hoàn toàn vô tâm.

[34] Trong sách, cả hai bản, đều in là Khí. Bản chữ Hán chép là Khứ 去. (Goldfish).

[35] Tức Dục Hùng. Coi bài I.10.

[36] Nguyên văn: Khởi đồ dật lạc ưu khổ chi gian tai? B.G. dịch là: Chúng ta có nên quyết định theo hoặc là dật lạc, hoặc là ưu khổ hay không?

[37] Nguyên văn: xử tiên. B.G. dịch là: giữ được cái thân mình.

[38] Nguyên văn: Tương hữu tri chí. B.G. dịch là: mình sẽ hoà hợp với vạn vật.

[39] Nguyên văn: Kiến xuất dĩ tri nhập. B.G. dịch là: mà biết được cái gì sẽ xảy ra.

[40] Ngu (Thuấn), Hạ (Vũ), Thương (Thành Thanh), Chu (Vũ Vương) là bốn triều đại thời thượng cổ.

[41] Theo truyền thuyết, Thần Nông là một ông vua thời thượng cổ, dạy dân Trung Hoa cách cày ruộng – Hữu Viêm: Đường Kính Cảo chú giải là Đại Đình Thị, một ông vua thời thượng cổ, tức Viêm Đế, hiệu là Thần Nông, trước Hoàng Đế.

[42] Pháp sĩ ở đây không trỏ các pháp gia mà có lẽ trỏ hạng sĩ làm khuôn phép cho đời.

[43] Nguyên văn: Hiền giả nhiệm nhân. B.G. dịch là: người hiền được người ta tin.

[44] Nguyên văn: trí tận bất suy. B.G. dịch là: truyền bá sự sáng suốt của mình mà không lầm lẫn.

[45] Bản chữ Hán chép là: Tống nhân hữu vi kỳ quân 宋人有為其君. (Goldfish)

[46] Trong Cổ học tinh hoa, bài 58: Lá dó, chỉ dịch đến đây. (Goldfish).

[47] Một người không nhận chức ở triều đình, được vua đãi như khách.

[48] Tử Dương trong Sử kí của Tư Mã Thiên gọi là Tứ Tử Dương, tướng quốc nước Trịnh.

[49] B.G. dịch khác: Vì nghe lời người khác mà cho ta lúa, là xúc phạm tới ta, lại thêm các lỗi tin lời người khác nữa.

[50] Không rõ trong Cổ học tinh hoa quyển II, trang 81 (Vĩnh Thịnh – 1951) Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, theo bản nào mà thêm: “Vả chăng chịu bổng lộc của người, hoặc khi người mắc nạn, không liều chết giúp người ta là bất nghĩa. Mà liều chết giúp kẻ vô đạo thì còn gọi là nghĩa thế nào được”.

[Trong bài đó, bài 172: Thấy lợi nghĩ đến hại, thì sau câu được ghi thêm vào lời của Liệt tử đó, mới tới câu cuối: “Tử Dương sau quả bị nạn chết”. Trong cuốn Cái cười của Thánh nhân, bài Không chết vì kẻ không biết mình, cụ Nguyễn Duy Cần cũng chép tương tự như vậy. Theo bác Vvn thì: “Trong bộ Lữ thị Xuân Thu, các tác giả của bộ này, sau khi chép lại trọn truyện Liệt tử không nhận lúa (đến hết câu Tử Dương bị giết), rồi ghi liền sau đó “lời bàn” (tức câu đang xét): Thụ nhân chi dưỡng nhi bất tử kỳ nan, tắc bất nghĩa; tử kỳ nan, tắc tử vô đạo dã, tử vô đạo, nghịch dã…  受人之养而不死其难, 则不义; 死其难, 则死无道也. 死无道, 逆也...”. Bác Vvn còn cho biết thêm: “Sách xưa viết không có dấu ngắt câu nên khó phân biệt đâu là nguyên văn đâu là lời bàn”. Một khác biệt nữa là: cụ NHL bảo Tử Dương là tướng quốc của nước Trịnh, còn các cụ kia đều bảo Tử Dương là vua nước Trịnh. (Goldfish)].

Chú thích:

[51] Truyện này có chép trong thiên Nhượng vương của Trang tử.