Trong nhiều năm làm việc trong vườn, mẹ đã đào được một số đồ hcơi hỏng bị ai đó bỏ đi. Chú lính nhựa cầm súng đã sứt hỏng, các chàng cao bồi cười ngựa bị gãy chân, những viên bi rạn nứt. Phần lớn mọi người sẽ ném những món đồ chơi hỏng này vào sọt rác nhưng mẹ lại xem chúng như báu vật. Khi chị em chúng tôi trêu mẹ về điều này, mẹ chỉ nhẹ nhàng lắc dầu và mỉm cười.
"Các con hãy nghĩ, ngôi nhà cũng có lịch sử riêng của chúng. Phải có con trẻ của ai đó từng sống và trưởng thành từ đây" - Mẹ thường bảo như thế.
Những món đồ chơi tìm được trong vườn được mẹ lau sạch bùn đất rồi nhẹ nhàng cất vào một hộp đựng giày đặt trên kệ phía trên máy giặt. Năm này sang năm khác, chúng chiếm không gian và bám đầy bụi nhưng mẹ không chịu đem bỏ đi. Mẹ biết rằng có một đứa trẻ đã từng xem những chú lính nhựa, chàng cao bồi và các viên bi như là báu vật. Và chỉ riêng điều này cũng khiến chúng đủ tầm quan trọng để được lưu giữ.
Một ngày nọ, có một người lạ trạc tuổi trung tuần đến gõ cửa nhà chúng tôi. Ông tự giới thiệu về mình với chút bối rối.
"Tôi đã lớn khôn từ ngôi nhà này, tôi ra thị trấn vì tang cha và cảm thấy nhớ về quá khứ của mình. Bà có phiền nếu tôi dạo quanh ngồi nhà?" - Ông giải thích.
Mẹ thở dài biểu hiện sự thương cảm và nói: "Tôi tin rằng mình đang giữ một ít đồ vật thuộc về ông". Nói xong mẹ ra phía sau nhà, mang chiếc hộp ra và đưa cho người lạ. Lấy làm khó hiểu, ông mở nắp hộp rồi thở hắt vì kinh ngạc khi những món đồ chơi thuở bé của mình vẫn còn được giữ gìn cẩn thận. Ngập tràn cảm xúc ùa về từ ký ức, ông lắp bắp cảm ơn trong đôi mắt nhòa lệ.
Mẹ chỉ mỉm cười. Mẹ luôn hiểu rằng sớm hay muộn, những kho báu trong khu vườn sẽ lại được cần đến. Như những hạt giống ngủ quên, ký ức nằm trong những món đồ chơi chỉ chờ đúng lúc để đâm chồi.
Mao Trí Hùng
Lược dịch từ Burried Treasures