Làm Thế Nào Để Chinh Phục Đối Phương

44. Mẹo Giành Lấy Hảo Cảm Của Đối Phương

Trường tiểu học nào cũng vậy, kể cả trường tiểu học gần trường đại học mà tôi đã từng giữ chức hiệu trưởng, đều khai giảng năm học mới vào tháng tư. Một việc mà giáo viên phải làm đầu tiên là nhớ tên của các học sinh nhỏ lớp mới.

Thử nghĩ mà xem, học kỳ vừa mới bắt đầu, mới gặp mặt một lần mà thầy giáo đã nhớ được tên từng học sinh, đối với học sinh điều này thật vui biết bao. Trước khai giảng có lẽ chúng sợ rằng không biết thầy giáo có quan tâm tới đứa trẻ như mình không, giờ đây ý nghĩa căng thẳng đó đã bị xóa sạch và chúng bắt đầu tín nhiệm thầy giáo. Còn thầy giáo có được học sinh tin tưởng hay không thì điều quan trọng là ở chỗ nâng cao thành tích học tập của học sinh, làm tốt các công tác của lớp.

Không chỉ là trẻ con, mà ngay cả người lớn cũng có ước muốn được người khác quan tâm. Tất nhiên lý do không ngoài việc sau khi có người quan tâm, lòng tự tôn của anh ta được thỏa mãn, nhân cách của anh ta được thừa nhận. Đến công ty nào đó liên hệ công tác, nếu như đến lần thứ hai mà cô thường trực đã nhớ tên họ và nét mặt của bạn rồi, thì chắc chắn bạn sẽ có hảo cảm đối với cô ta, hơn nữa còn cảm thấy đây là một công ty không tồi. Tất cả là do việc cô thường trực của công ty quan tâm tới bạn. Như vậy, con người ta thường có hảo cảm với đối phương, người đã kích thích lòng tự tôn của mình.

Cô thường trực kia thật tài tình. Các cao thủ trong kinh doanh cũng chẳng thua kém về mặt này, họ ghi nhớ trong lòng rất nhanh diện mạo và tên tuổi của khách hàng. Thông qua việc nắm được cơ chế tâm lý chung của con người để giành lấy hảo cảm của khách hàng, từ đó thúc đẩy công việc tiêu thụ của anh ta. Trong trường hợp này, cách hay sử dụng nhất là nhấn mạnh "Vì ông". Tức kín đáo nhấn mạnh sự quan tâm của phía tôi đối với ông qua phân biệt so sánh "Không phải là vì người khác, mà chỉ là vì ông".

Trên thực tế, một trong những nguyên tắc cơ bản của buôn bán là tôn trọng lòng tự tôn của khách hàng thông qua "Vì là ông nên tôi mới giới thiệu cái này", “Thứ này phù hợp với ông nhất”.

Bước vào cửa hàng vàng bạc, bạn sẽ phát hiện ra ngay điều này. Khi có khách hàng quanh quẩn bên tủ đựng nhẫn, người bán hàng lão luyện sẽ nói với khách hàng "Bà tới thật đúng lúc. Ở đây tôi vừa có chiếc nhẫn rất hợp với bà", vừa nói vừa đeo nhẫn vào tay khách hàng. Chỉ cần khách hàng có cảm giác "Chiếc nhẫn này đúng là đợi mình tới", thì dù là hàng rẻ tiền cũng cho là rất quý, dù có là hàng đắt tiền cũng muốn mua. Trường học, công ty, cửa hàng, mọi ngành nghề, cơ quan và cá nhân đều thích ứng với nguyên tắc "Phục vụ khách hàng" và từ đó thu lợi về mình.