Làm Ra Làm Chơi Ra Chơi

Quy tắc số 1 Làm việc sâu

Không lâu sau khi tôi cùng David Dewane uống một chầu tại quán bar Dupont Circle, anh ấy đã lên ý tưởng về Cỗ máy Eudaimonia. Dewane là một giáo sư kiến trúc, do đó, anh thích khám phá sự giao thoa giữa trừu tượng và thực tế. Cỗ máy Eudaimonia chính là ví dụ điển hình cho sự giao thoa này. Cỗ máy được lấy tên từ khái niệm eudaimonia28 của Hy Lạp cổ đại hóa ra lại là một tòa nhà. David giải thích: “Mục tiêu của cỗ máy là tạo ra môi trường mà người sử dụng có thể đi vào trạng thái hưng cảm sâu xa của con người – tạo ra công việc ở mức tối ưu nhất trong phạm vi khả năng cá nhân.” Nói cách khác, đó là không gian được thiết kế cho mục đích duy nhất là tạo điều kiện để làm việc sâu nhất có thể. Đúng như bạn nghĩ, tôi đã bị ý tưởng này cuốn hút.

Dewane cầm bản phác thảo bố cục của cỗ máy trên giấy và giải thích cho tôi hiểu. Nó có dạng chữ nhật hẹp một tầng gồm năm phòng xếp thành một hàng nối tiếp nhau. Không có hành lang chung: Bạn phải đi qua phòng này để đến phòng kế tiếp. Theo Dewane giải thích: “Nó [thiếu vắng sự lưu thông] rất quan trọng, vì việc này sẽ không cho phép bạn bỏ qua bất kỳ không gian nào khi tìm hiểu sâu hơn về cỗ máy.”

Căn phòng đầu tiên bạn bước vào được gọi là phòng trưng bày. Theo kế hoạch của Dewane, căn phòng này sẽ trưng bày các minh chứng về làm việc sâu nhằm truyền cảm hứng cho người sử dụng cỗ máy, tạo ra “văn hóa áp lực lành mạnh và sức ép ngang hàng”.

Rời khỏi phòng trưng bày, bạn sẽ bước tới phòng khách. Tại đây, Dewane hình dung ra một quán cà phê cao cấp và một quầy bar đầy đủ dịch vụ. Ngoài ra còn có nhiều trường kỷ và cả Wi-fi. Phòng khách được thiết kế để tạo ra tâm trạng “lơ lửng giữa sự tò mò và tranh luận dữ dội”. Đây là nơi để tranh luận, “nghiền ngẫm” các ý tưởng mà bạn sẽ phát triển sâu hơn trong cỗ máy.

Bước ra khỏi phòng khách, bạn sẽ tiến tới thư viện. Căn phòng này lưu trữ bản ghi vĩnh cửu của mọi thành quả công việc được thực hiện trong cỗ máy, cũng như các cuốn sách và những nguồn tài nguyên khác được sử dụng để tạo nên thành quả đã có. Dewane sẽ đặt một chiếc máy photocopy và máy scan để thu thập và tập hợp thông tin bạn cần cho dự án của mình. Anh mô tả thư viện giống như “ổ cứng của cỗ máy”.

Phòng tiếp theo là khu vực văn phòng, gồm một phòng hội nghị tiêu chuẩn cùng một tấm bảng trắng và một số phân khu có bàn làm việc. Dewane giải thích: “Văn phòng là nơi dành cho hoạt động có cường độ thấp.” Theo cách nói của chúng ta, đây là không gian để hoàn thành những nỗ lực hời hợt mà dự án cần đến. Dewane hình dung ra một quản trị viên với bàn làm việc trong văn phòng có thể giúp người dùng cải thiện thói quen nhằm tối ưu hóa hiệu suất làm việc.

Từ đây, chúng ta sẽ đến phòng cuối cùng của cỗ máy, nơi tập hợp những gì mà Dewane gọi là “phòng làm việc sâu” (anh đã sử dụng thuật ngữ “làm việc sâu” rút ra từ các báo cáo của tôi về chủ đề này).

Mỗi phòng cao khoảng 2m và rộng khoảng 3m với tường cách âm rất dày bao quanh (Dewane dự định làm lớp cách âm dày khoảng 5,5m). Anh giải thích: “Phòng làm việc sâu sẽ cho phép chúng ta tập trung tối đa và luồng công việc không bị gián đoạn.” Anh hình dung ra quá trình làm việc sâu kéo dài suốt 90 phút, rồi nghỉ 90 phút và cứ thế lặp lại hai hoặc ba lần – đó chính là thời điểm não bộ của bạn sẽ đạt được giới hạn tập trung trong ngày.

Đến nay, Cỗ máy Eudaimonia mới chỉ tồn tại dưới dạng bộ sưu tập trong các bản vẽ kiến trúc, nhưng dù ở dạng kế hoạch, tiềm năng của nó trong việc hỗ trợ những công việc có tác động mạnh mẽ vẫn khiến Dewane thấy hào hứng. Anh nói với tôi: “Trong đầu tôi, [bản thiết kế này] vẫn là tuyệt tác kiến trúc thú vị nhất mà tôi từng tạo ra.”

Trong thế giới lý tưởng, nơi chúng ta nhìn nhận và thực hiện giá trị thực sự của làm việc sâu, tất cả chúng ta đều được tiếp cận thứ gì đó tương tự như Cỗ máy Eudaimonia. Dù không nhất thiết phải sao y bản chính thiết kế của David Dewane, nhưng nói chung, môi trường (và văn hóa) làm việc theo thiết kế đó sẽ giúp chúng ta giải phóng nhiều giá trị nhất có thể khỏi não bộ. Thật không may, tầm nhìn này vẫn còn xa vời với thế tại. Thay vào đó, chúng ta thấy chính mình trong những văn phòng mở mất tập trung khi không thể lờ đi những hộp thư đến và các cuộc họp thì cứ diễn ra liên tục – trong bối cảnh các đồng nghiệp sẽ muốn bạn phản hồi nhanh chóng những e-mail mới nhất của họ hơn là tạo ra những kết quả tốt nhất có thể. Nói cách khác, với tư cách là độc giả của cuốn sách này, bạn chính là một tín đồ của sự chuyên sâu trong một thế giới hời hợt.

Quy tắc này cũng là quy tắc đầu tiên trong bốn quy tắc trong Phần 2 của cuốn sách, được thiết kế nhằm giảm bớt xung đột này. Dù bạn có tiếp cận được Cỗ máy Eudaimonia của riêng mình hay không, thì chiến lược sau đây cũng sẽ giúp bạn mô phỏng lại tác động của nó trong công việc vốn luôn bị phân tâm. Chúng sẽ chỉ cho bạn cách chuyển đổi làm việc sâu từ một dạng khát vọng trở thành một phần lịch trình thường xuyên và quan trọng hằng ngày. (Từ Quy tắc số 2 đến Quy tắc số 4 sau đó sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thói quen làm việc sâu này bằng cách trình bày các chiến lược rèn luyện khả năng tập trung và chống lại các tác nhân gây ra phân tâm.)

Tuy nhiên, trước khi tiếp tục trình bày các chiến lược này, tôi muốn giải quyết một câu hỏi có thể khiến bạn khó chịu: Tại sao chúng ta lại cần can thiệp vào những việc này? Nói cách khác, một khi bạn đã thừa nhận giá trị của làm việc sâu rồi, thì chẳng phải thế đã đủ để bạn bắt tay vào làm việc sâu nhiều hơn rồi sao? Chúng ta có thực sự cần những thứ phức tạp như Cỗ máy Eudaimonia cho một điều gì đó đơn giản như việc nhớ phải tập trung thường xuyên hơn hay không?

Thật không may, khi nhắc đến việc thay thế sự sao lãng bằng sự tập trung, thì vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy xem xét kỹ một trong những trở ngại chính của việc tập trung sâu: Sự thôi thúc trong việc chuyển sự chú ý sang một số điều hời hợt hơn. Hầu hết mọi người đều nhận ra sự thôi thúc đó có thể khiến họ khó tập trung vào những việc khó khăn hơn, nhưng họ hầu như không lường được rằng việc đó sẽ diễn ra thường xuyên và mạnh mẽ đến như vậy.

Hãy xem xét một nghiên cứu do các nhà tâm lý học Wilhelm Hofmann và Roy Baumeister thực hiện năm 2012, trong đó, họ đã trang bị cho 205 người lớn những chiếc máy nhắn tin được kích hoạt tại một thời điểm được lựa chọn ngẫu nhiên (đây là phương pháp mẫu đã được thảo luận trong Phần 1). Khi tiếng bíp vang lên, các đối tượng nghiên cứu được yêu cầu tạm dừng một chút để suy ngẫm về những ham muốn hiện tại của họ hoặc họ cảm thấy như thế nào trong 30 phút qua, sau đó họ phải trả lời một loạt các câu hỏi về những ham muốn này. Sau một tuần, các nhà nghiên cứu đã thu thập được hơn 7.500 mẫu. Đây là tóm tắt ngắn gọn những gì họ thấy được: Mọi người phải đấu tranh với những mong muốn suốt cả ngày. Theo những gì Baumeister đã tóm tắt trong cuốn sách tiếp theo của ông mang tên Willpower (tạm dịch: Ý chí) (đồng tác giả với nhà văn chuyên về đề tài khoa học John Tierney): “Mong muốn hóa ra lại là tiêu chuẩn, chứ không phải là ngoại lệ.”

Trong năm ham muốn phổ biến nhất của các đối tượng này, không có gì ngạc nhiên khi danh sách bao gồm ăn, ngủ và quan hệ tình dục. Nhưng danh sách năm ham muốn hàng đầu cũng bao gồm những mong muốn như “nghỉ ngơi không phải làm việc [vất vả]... kiểm tra e-mail và các trang mạng xã hội, lướt web, nghe nhạc hoặc xem tivi”. Sức hấp dẫn của Internet và truyền hình đã đặc biệt chứng minh rằng: Các đối tượng nghiên cứu chỉ kiềm chế được bản thân trước những tác nhân gây phân tâm đặc biệt thu hút này trong khoảng một nửa thời gian.

Những kết quả trên không hề khả quan đối với mục tiêu của quy tắc là hỗ trợ bạn trau dồi thói quen làm việc sâu. Chúng báo hiệu rằng bạn có thể sẽ bị bủa vây bởi mong muốn làm bất cứ điều gì ngoài làm việc sâu cả ngày và nếu bạn thích các đối tượng nghiên cứu người Đức trong nghiên cứu của Hofmann và Baumeister, những ham muốn cạnh tranh này sẽ luôn áp đảo. Lúc này, bạn có thể trả lời rằng mình sẽ thành công ngay tại nơi mà các đối tượng này đã thất bại vì bạn hiểu tầm quan trọng của sự chuyên sâu, do đó, bạn sẽ có ý chí tập trung mạnh mẽ hơn. Đây là một tâm thái đáng quý, nhưng nghiên cứu nhiều thế kỷ trước đã nhấn mạnh rằng điều đó chẳng mang lại chút hiệu quả nào. Lượng thông tin khổng lồ xuất hiện trong hàng loạt các bài báo tiên phong, do Roy Baumeister viết, đã chỉ ra sự thật quan trọng (và vào thời điểm bất ngờ) về sức mạnh của ý chí: Nếu ý chí của bạn có hạn, nó sẽ nhanh chóng cạn kiệt ngay khi được sử dụng.

Nói cách khác, ý chí không phải là mặt tính cách bạn có thể biểu hiện ra ngoài không theo chừng mực nào cả; thay vào đó, nó giống như một cơ bắp cũng cần được nghỉ ngơi. Đây là lý do tại sao các đối tượng trong nghiên cứu của Hofmann và Baumeister đã có lúc phải đấu tranh dữ dội với những ham muốn – dần dần những mối phân tâm này đã rút cạn nguồn ý chí hữu hạn cho đến khi ý chí không thể phản kháng thêm nữa. Bạn cũng sẽ gặp phải tình cảnh tương tự, bất kể là làm gì – trừ khi bạn đủ cứng rắn với những thói quen của chính mình.

Điều này giúp tôi hình thành ý tưởng mang tính động lực đằng sau những chiến lược này: Chìa khóa để phát triển thói quen làm việc sâu là vươn tới những mục đích tốt đẹp, bổ sung thói quen và nghi thức vào công việc đã được thiết kế nhằm giảm thiểu lượng ý chí hữu hạn cần thiết, từ đó chuyển đổi và duy trì trạng thái tập trung không bị gián đoạn. Ví dụ, vào giữa buổi chiều sao lãng chỉ dành thời gian lướt web, nếu bạn đột nhiên quyết định phải chuyển sự chú ý sang một nhiệm vụ đòi hỏi cao về nhận thức, bạn phải cần rất nhiều ý chí trong số ý chí hữu hạn của mình để kéo sự chú ý ra khỏi những trang web. Vì thế, những nỗ lực này sẽ thường xuyên thất bại. Mặt khác, nếu bạn triển khai các thói quen và nghi thức thông minh – có thể là ấn định thời gian và vị trí yên tĩnh để làm nhiệm vụ chuyên sâu mỗi buổi chiều – bạn sẽ không cần nhiều ý chí để bắt đầu và duy trì mức độ chuyên sâu đó. Về lâu dài, bạn sẽ thường xuyên đạt được thành công với những nỗ lực chuyên sâu này.

Với suy nghĩ này, sáu chiến lược tiếp theo được coi là kho vũ khí thói quen và nghi thức đầy khoa học về ý chí có giới hạn trong tâm trí nhằm tối đa hóa lượng công việc chuyên sâu bạn cần hoàn thành trong lịch trình. Đối với những vấn đề khác, bạn cần đưa ra một mô hình cụ thể để lên lịch cho loại hình công việc này và phát triển các nghi thức tăng cường sự tập trung trước khi bắt đầu. Một số chiến lược dưới đây sẽ triển khai các phương pháp thực nghiệm đơn giản nhằm khai thác trung tâm động lực trong não bộ trong khi những chiến lược khác lại làm tiêu hao ý chí với tốc độ nhanh nhất có thể.

Bạn chỉ có thể cố gắng biến làm việc sâu trở thành ưu tiên hàng đầu. Những chiến lược phát triển cá nhân dưới đây sẽ làm gia tăng đáng kể xác suất thành công trong việc biến công việc chuyên sâu trở thành một phần quan trọng trong sự nghiệp của bạn.

Quyết định mang tính triết lý về khả năng tập trung sâu

Donald Knuth, nhà khoa học máy tính nổi tiếng, rất chú trọng tới kỹ năng làm việc sâu. Trên trang web của mình, ông giải thích: “Những việc tôi làm thường mất hàng giờ nghiên cứu và tập trung liên tục.” Một nghiên cứu sinh có tên Brian Chappell, một người cha với công việc toàn thời gian, cũng coi trọng làm việc sâu, bởi đó là cách duy nhất anh có thể hoàn thành luận án của mình với quỹ thời gian hạn chế. Chappell chia sẻ với tôi rằng lần đầu tiên anh giác ngộ ý tưởng làm việc sâu là “khoảnh khắc đầy cảm xúc”.

Tôi sẽ đề cập đến những ví dụ này bởi dù Knuth và Chappell đều nhất trí về tầm quan trọng của sự chuyên sâu, nhưng họ lại bất đồng về những triết lý trong việc kết hợp sự chuyên sâu đó với công việc. Như tôi sẽ trình bày chi tiết trong phần tiếp theo, Knuth áp dụng chế độ hà khắc, ưu tiên làm việc sâu bằng cách cố gắng loại bỏ hoặc giảm thiểu tất cả các loại công việc khác. Ngược lại, Chappell triển khai chiến lược nhịp nhàng, theo đó sáng nào anh cũng dành vài giờ nhất định (từ 5 giờ đến 7 giờ 30 phút sáng) để làm việc sâu, không có ngoại lệ, trước khi bắt đầu một ngày làm việc sẽ bị các yếu tố gây sao lãng tác động. Cả hai cách tiếp cận này đều đạt hiệu quả, nhưng không mang tính khái quát. Cách tiếp cận của Knuth có thể sẽ phù hợp với các nhà chiến lược, nhưng nếu Chappell cũng bỏ qua tất cả những thứ hời hợt như vậy, rất có thể anh sẽ mất việc.

Bạn cần phải có triết lý của riêng mình để áp dụng quá trình làm việc sâu vào công việc. (Theo lập luận trong phần giới thiệu của nghi thức này, cố gắng lên lịch làm việc sâu không phải là cách hiệu quả để quản lý nguồn ý chí hữu hạn.) Nhưng ví dụ này đã nhấn mạnh rằng: Bạn cần phải cẩn thận lựa chọn triết lý phù hợp với hoàn cảnh của mình, vì sự không phù hợp có thể làm hỏng thói quen làm việc sâu của bạn trước khi nó có cơ hội phát huy tác dụng. Chiến lược này sẽ giúp bạn tránh được điều đó bằng cách đưa ra bốn triết lý về sự chuyên sâu khác nhau mà tôi từng thấy hiệu quả trong thực tế. Mục đích là nhằm thuyết phục bạn rằng có rất nhiều cách khác nhau để kết hợp làm việc sâu với lịch trình làm việc và do đó, bạn nên dành thời gian để tìm ra phương pháp phù hợp với mình.

Triết lý hà khắc khi lập kế hoạch làm việc sâu

Hãy trở lại với trường hợp của Donald Knuth. Ông vốn là người nổi tiếng với nhiều cuộc cách tân trong lĩnh vực khoa học máy tính, trong đó đáng chú ý phải kể đến việc phát triển phương pháp phân tích hiệu suất thuật toán đầy chuẩn xác. Knuth cũng áp dụng phương pháp tiếp cận này với phương tiện truyền thông điện tử của mình. Nếu truy cập vào trang web của Knuth tại Stanford với ý định tìm kiếm địa chỉ e-mail của ông, bạn sẽ bắt gặp ghi chú sau:

Tôi đã trở thành một người hạnh phúc kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1990, khi không còn sử dụng e-mail nữa. Tôi đã dùng e-mail suốt từ năm 1975, và với tôi, 15 năm dùng e-mail là quá đủ cho một đời người. E-mail là phương tiện tuyệt vời đối với những ai nắm giữ vai trò quan trọng. Nhưng tôi thì không; vai trò của tôi không đáng kể. Những việc tôi làm thường mất hàng giờ nghiên cứu và tập trung liên tục.

Knuth tiếp tục thừa nhận ông không định lánh xa hoàn toàn khỏi thế giới. Ông lưu ý rằng việc viết sách đòi hỏi ông phải trao đổi với hàng nghìn người, đồng thời ông cũng muốn tương tác với các câu hỏi và lời bình luận. Vậy ông sẽ chọn giải pháp nào đây? Ông đã cung cấp một địa chỉ gửi thư qua đường bưu điện. Ông cho biết trợ lý của mình sẽ phân loại các bức thư được gửi đến và lọc ra những bức thư mà cô cho là có liên quan. Nếu có việc gì thực sự khẩn cấp, cô sẽ ngay lập tức mang thư đến cho Knuth, và số thư còn lại sẽ được ông xử lý hàng loạt cứ ba tháng một lần.

Knuth đã áp dụng những gì mà tôi gọi là triết lý hà khắc khi lên kế hoạch làm việc sâu. Triết lý này sẽ tối đa hóa nỗ lực chuyên sâu bằng cách loại bỏ hoặc giảm thiểu triệt để các nghĩa vụ hời hợt. Những người thực hiện triết lý này có khuynh hướng theo đuổi mục tiêu chuyên môn đã được xác định rõ và có giá trị cao, ngoài ra, phần lớn thành công trong công việc của họ đều bắt nguồn từ việc áp dụng hiệu quả chiến lược này. Chính cảm giác thư thái đó đã giúp họ loại bỏ được sự bành trướng của những mối bận tâm hời hợt đang có xu hướng lấn át những thứ có tuyên bố giá trị đa dạng trong thế giới bận rộn ngày nay.

Ví dụ, Knuth giải thích mục tiêu công việc của mình như sau: “Tôi đã nỗ lực hết mình để tìm hiểu một số lĩnh vực khoa học máy tính; rồi lại cố hấp thụ lượng kiến thức đó thành một dạng mà những người không có thời gian nghiên cứu có thể hiểu được.” Sẽ chẳng ích gì nếu cố gắng thuyết phục Knuth về những lợi ích vô hình nếu có nhiều khán giả trên Twitter, hoặc các cơ hội bất ngờ khi tự do sử dụng e-mail hơn vì những hành vi này không trực tiếp hỗ trợ mục tiêu nắm rõ các ngóc ngách cụ thể của khoa học máy tính rồi viết lại những tri thức đó theo cách dễ hiểu.

Còn có một người khác cũng rất tận tâm với làm việc sâu theo triết lý hà khắc, Neal Stephenson, nhà văn chuyên viết về khoa học viễn tưởng nổi tiếng. Nếu từng ghé thăm trang web tác giả của Stephenson, bạn sẽ không thấy e-mail hoặc địa chỉ gửi thư. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn về thiếu sót này qua hai bài tiểu luận mà Stephenson đã đăng lên từ những ngày đầu mới lập trang web (được lưu trên The Well) vào hồi đầu những năm 2000 và đã được lưu trữ trên Internet Archive. Trong một bài luận được lưu trữ vào năm 2003, Stephenson tóm lược chính sách truyền thông của mình như sau:

Những người muốn can thiệp vào sự tập trung của tôi đều được lịch sự yêu cầu đừng làm thế và tôi cũng nói trước rằng tôi không trả lời e-mail... để những tin nhắn quan trọng [trong chính sách truyền thông của tôi] khỏi bị lẫn trong bao câu chữ dài dòng, tôi sẽ nói ngắn gọn ở đây: Tất cả thời gian và sự chú ý của tôi đã nói lên tất cả. Xin đừng đòi hỏi thêm nữa.

Để làm sáng tỏ thêm chính sách này, Stephenson đã viết một bài luận có tiêu đề “Why I Am a Bad Correspondent” (tạm dịch: Tại sao tôi lại rất kém trong việc trao đổi thư). Điểm mấu chốt trong lời giải thích về việc khó liên lạc với ông được đưa ra như sau:

Nói cách khác, cân bằng năng suất là loại cân bằng phi tuyến tính. Điều này giải thích tại sao tôi lại rất tồi trong việc trao đổi thư và hiếm khi chấp nhận hẹn gặp nói chuyện. Nếu tổ chức cuộc sống sao cho bản thân có nhiều khoảng thời gian dài, liên tục, không bị ngắt quãng, tôi có thể [tập trung] viết được tiểu thuyết. Nhưng khi những khoảng thời gian đó bị tách rời và ngắt quãng, năng suất viết tiểu thuyết của tôi giảm đi đáng kể.

Stephenson nhận thấy hai tùy chọn này mang tính loại trừ lẫn nhau: Ông có thể thường xuyên viết được những cuốn tiểu thuyết hay, hoặc ông có thể trả lời rất nhiều e-mail cá nhân và tham dự các hội nghị, nhưng kết quả sẽ là những cuốn tiểu thuyết có chất lượng kém hơn với tốc độ chậm hơn. Ông lựa chọn tùy chọn thứ nhất và với lựa chọn này, ông phải tránh càng xa càng tốt những vấn đề tầm phào liên quan đến công việc. (Vấn đề này quan trọng đối với Stephenson đến nỗi ông đã tiếp tục khám phá những tác động của nó – cả tích cực lẫn tiêu cực – trong tác phẩm khoa học viễn tưởng có tên Anathem (tạm dịch: Lời nguyền) ra mắt năm 2008. Cuốn sách đã đưa ra giả định về một thế giới, nơi tầng lớp trí thức tinh hoa sống trong một trật tự hà khắc, tách biệt với công nghệ và những thứ gây nhiễu loạn, và chỉ tập trung tư duy những điều sâu sắc.)

Theo kinh nghiệm của tôi, triết lý hà khắc khiến nhiều người lao động trí óc trở nên bảo thủ. Việc xác định giá trị của họ đối với thế giới đã gợi lại nỗi buồn của những người từng đóng góp vào nền kinh tế thông tin, khiến mọi việc càng trở nên phức tạp hơn. Tất nhiên, phải lưu ý rằng “phức tạp hơn” không có nghĩa là “ít hơn”. Ví dụ, một nhà quản lý cấp cao có thể đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động của một công ty trị giá hàng tỷ đô-la, ngay cả khi thành quả người đó tạo ra không hữu hình hay trọn vẹn như một cuốn tiểu thuyết chẳng hạn, và nói rằng: “Đây là những gì tôi đã tạo ra trong năm nay.” Do đó, ao tù của các cá nhân tuân theo triết lý hà khắc luôn có giới hạn – cũng không sao cả. Nếu bạn nằm ngoài ao tù này, sự đơn giản trong nền tảng căn bản của nó không nên thể hiện quá nhiều ham muốn. Mặt khác, nếu bạn đang ở trong ao tù này – một người có những đóng góp khác biệt, rõ ràng và mang tính cá nhân hóa29 cho thế giới – hãy cân nhắc kỹ lưỡng triết lý sống này, vì nó có thể là yếu tố quyết định giữa một bên là sự nghiệp tầm thường và một bên là sự nghiệp sẽ khiến người ta nhớ mãi.

Triết lý phương thức đôi khi lập kế hoạch làm việc sâu

Mở đầu cuốn sách là câu chuyện về nhà tâm lý học kiêm nhà tư tưởng mang tính cách mạng Carl Jung. Trong những năm 1920, khi Jung đang cố gắng thoát khỏi cái bóng của người thầy Sigmund Freud, ông bắt đầu thường xuyên lui tới ngôi nhà đá đơn sơ do ông tự xây dựng trong khu rừng bên ngoài thị trấn nhỏ Bollingen. Khi đó, mỗi sáng ông sẽ tự khóa mình trong phòng để viết mà không bị ai quấy rầy. Sau đó, ông sẽ hành thiền và đi dạo trong rừng để suy nghĩ thông suốt hơn nhằm chuẩn bị viết lách vào ngày hôm sau. Theo tôi, những nỗ lực này đều nhắm tới việc tăng cường khả năng làm việc sâu đến một mức độ đã giúp Jung thành công trong trận chiến trí tuệ với Freud và những người theo chủ nghĩa Freud.

Khi kể lại câu chuyện này, tôi muốn nhấn mạnh một điều quan trọng: Bác sĩ Jung đã không áp dụng cách tiếp cận mang tính hà khắc khi làm việc sâu. Donald Knuth và Neal Stephenson trong hai ví dụ nêu trên đã cố gắng loại bỏ hoàn toàn sự phân tâm và hời hợt ra khỏi công việc của họ. Còn Jung thì ngược lại, ông nhắm tới sự loại bỏ này trong suốt thời gian lui về ẩn dật. Thời gian còn lại ông ở Zurich với cuộc sống tự do tự tại và không hề hà khắc: Jung bận rộn khám chữa bệnh, lúc nào cũng tất bật và thường phải ở bệnh viện mãi tới khuya; ông là người tham gia tích cực vào văn hóa cà phê tại Zurich; ông cũng tiến hành và tham dự nhiều bài giảng ở các trường đại học danh tiếng tại đây. (Einstein còn nhận được học vị tiến sĩ từ một trường đại học ở Zurich, sau đó, dạy học ở nơi khác; ông cũng biết Jung và hai người từng cùng nhau ăn tối vài lần để thảo luận về những ý tưởng chính trong thuyết tương đối đặc biệt của Einstein.) Nói cách khác, cuộc sống của Jung ở Zurich cũng có nhiều nét tương đồng với nguyên mẫu hiện đại của người lao động trí óc thời kỷ nguyên số siêu liên kết hiện nay: Chúng ta có thể thay “Zurich” bằng “San Francisco” và “thư từ” bằng “tweet”, đồng thời chúng ta có thể thảo luận về vài vị CEO tài ba trong lĩnh vực công nghệ.

Tôi gọi cách tiếp cận của Jung là triết lý phương thức đôi khi làm việc sâu. Triết lý này yêu cầu bạn phải chia thời gian theo một số quy định rõ ràng nhằm theo đuổi sự chuyên sâu và dành thời gian còn lại cho những việc khác. Trong thời gian chuyên sâu, những người theo triết lý phương thức đôi sẽ tuân theo sự hà khắc – cố gắng tập trung cao độ và liền mạch. Còn trong thời gian làm những việc hời hợt, sự tập trung không còn là ưu tiên hàng đầu. Sự phân chia thời gian giữa sự chuyên sâu và sự hời hợt có thể áp dụng theo nhiều quy mô. Ví dụ, xét theo quy mô tuần, bạn có thể dành bốn ngày cuối tuần để làm việc sâu và phần thời gian còn lại thì tùy ý sử dụng. Tương tự, xét theo quy mô năm, bạn có thể dành một mùa để làm hầu hết các công việc cần sự chuyên sâu (như nhiều học giả đã làm trong suốt mùa hè hoặc trong khi nghỉ phép).

Triết lý phương thức đôi tin rằng công việc chuyên sâu có thể tạo ra năng suất tối đa, nhưng chỉ khi người thực hiện dành đủ thời gian và nỗ lực để có thể đạt tới mức độ nhận thức tối đa – trạng thái xuất hiện những đột phá thực sự. Đây là lý do tại sao đơn vị thời gian tối thiểu để làm việc sâu trong triết lý này thường phải dài ít nhất một ngày.

Đồng thời, triết lý phương thức đôi thường được vận dụng bởi những người sẽ không thể thành công nếu không hoàn thành những việc được coi là hời hợt. Chẳng hạn, Jung cần tiến hành khám lâm sàng để kiếm tiền thanh toán các hóa đơn và ngồi uống cà phê ở Zurich để kích thích tư duy. Cách tiếp cận chuyển đổi giữa hai phương thức sẽ thích hợp để phục vụ tốt cả hai nhu cầu này.

Nhằm tìm hiểu thêm một ví dụ hiện đại hơn về triết lý phương thức đôi trong thực tiễn, chúng ta có thể quay lại trường hợp của Adam Grant – Giáo sư trường Kinh doanh Wharton – người luôn cân nhắc cẩn thận thói quen làm việc mà tôi đã giới thiệu lần đầu trong Phần 1. Như bạn đã biết, lịch trình của Grant trong suốt thời kỳ được đề bạt lên giáo sư nhanh chóng tại Wharton là một ví dụ điển hình về nghiên cứu tình huống phương thức đôi. Xét theo quy mô năm học, ông thu xếp các khóa dạy của mình dồn vào một học kỳ để có thể tập trung làm việc sâu ở kỳ còn lại. Trong những kỳ làm việc sâu, ông đã áp dụng cách tiếp cận phương thức đôi hằng tuần. Có thể là một hoặc hai lần mỗi tháng, ông sẽ dành hai đến bốn ngày để thực hiện triết lý hà khắc. Grant sẽ đóng cửa phòng, cài đặt thư trả lời tự động trên e-mail, và say sưa nghiên cứu mà không hề bị ai làm phiền. Ngoài thời gian chuyên sâu này, Grant vẫn được biết đến là người rất cởi mở và dễ gần. Cuốn sách bán chạy nhất năm 2013 của ông có tựa đề Give and Take, trong đó khuyến khích việc sử dụng thời gian và sự chú ý mà không mong nhận được sự hồi đáp là một chiến lược quan trọng cho việc thăng tiến trong sự nghiệp.

Những người theo triết lý phương thức đôi khi làm việc sâu rất ngưỡng mộ năng suất làm việc của những người theo triết lý hà khắc, nhưng họ cũng tôn trọng giá trị mà mình nhận được từ các hành vi hời hợt trong công việc. Có lẽ trở ngại lớn nhất khi triển khai triết lý này là ngay cả thời gian làm việc sâu ngắn ngủi cũng đòi hỏi sự linh hoạt mà nhiều người vẫn lo rằng họ bị thiếu hụt trong công việc hiện tại. Nếu mới một giờ không kiểm tra hộp thư đã khiến bạn cảm thấy không yên, thì hẳn ý tưởng biến mất trong một ngày hoặc lâu hơn có vẻ sẽ không khả thi. Nhưng tôi ngờ rằng phương pháp làm việc theo phương thức đôi lại phù hợp với nhiều loại hình công việc hơn so với bạn nghĩ. Ví dụ như trước đó tôi đã mô tả nghiên cứu của Giáo sư Leslie Perlow thuộc trường Kinh doanh Harvard. Trong nghiên cứu này, một nhóm chuyên gia tư vấn quản lý đã được yêu cầu mỗi tuần làm việc phải có một ngày ngắt toàn bộ kết nối. Các chuyên gia e ngại rằng khách hàng sẽ tìm họ ráo riết nhưng hóa ra, khách hàng lại chẳng hề bận tâm. Cũng giống như trường hợp của Jung, Grant và Perlow, mọi người thường tôn trọng quyền ngắt liên lạc của bạn nếu những khoảng thời gian này được xác định rõ ràng và được thông báo cẩn thận, miễn sao ngoài những lúc đó, họ vẫn dễ dàng liên lạc với bạn là được.

Triết lý nhịp nhàng khi lập kế hoạch làm việc sâu

Hồi mới ra mắt chương trình Seinfeld, Jerry Seinfeld vẫn duy trì công việc của một diễn viên hài kịch với lịch trình biểu diễn bận rộn. Lúc đó, nhà văn kiêm diễn viên hài Brad Isaac, người vẫn đang biểu diễn tại các đêm giao lưu văn nghệ30, đã tình cờ gặp Seinfeld tại một câu lạc bộ trong lúc chờ lên sân khấu. Isaac giải thích trong một bài báo rằng: “Tôi đã nhận ra cơ hội. Tôi hỏi Seinfeld xem ông ấy có lời khuyên nào dành cho một nhà soạn hài kịch trẻ tuổi không. Những gì ông ấy chia sẻ đã giúp ích cho tôi trong suốt cuộc đời.”

Những lời khuyên Seinfeld dành cho Isaac bắt nguồn từ những điều hết sức bình thường, “cách để trở thành một nhà soạn hài kịch giỏi hơn là viết nên những câu chuyện cười hay hơn” và rằng cách để tạo ra những câu chuyện cười hay hơn là phải viết hằng ngày. Seinfeld đã mô tả một kỹ thuật đặc biệt mà ông từng sử dụng để duy trì nghi thức này. Ông treo một tờ lịch trên tường. Ngày nào viết được truyện cười, ông sẽ đánh một dấu X đỏ lên vị trí của ngày đó trên tờ lịch. Seinfeld nói: “Sau vài ngày, anh sẽ có một chuỗi dài. Anh chỉ cần duy trì điều đó để chuỗi [dấu X] ngày một dài hơn. Anh sẽ thích nhìn thấy chuỗi này, đặc biệt là khi anh đã thực hiện đều đặn được vài tuần. Tiếp theo, nhiệm vụ duy nhất của anh là không phá vỡ chuỗi đó.”

Phương pháp chuỗi này (như cách một số người vẫn gọi) đã sớm trở thành mục tiêu của giới nhà văn và những người đam mê thể dục thể hình – những người cần phát triển khả năng liên tục để thực hiện những việc khó khăn. Xét về mặt mục đích, phương pháp này chính là ví dụ cụ thể về cách tiếp cận khái quát để đạt được sự chuyên sâu trong cuộc sống: triết lý nhịp nhàng. Theo triết lý này, cách dễ nhất để bắt đầu các buổi làm việc sâu là biến chúng trở thành một thói quen đơn giản. Nói cách khác, mục tiêu của chúng ta chính là tạo ra sự nhịp nhàng cho công việc này để bạn không cần phải tiêu tốn năng lượng vào việc quyết định xem có nên làm việc sâu hay không và khi nào thì nên làm. Phương pháp chuỗi là một ví dụ hay về triết lý nhịp nhàng khi lập kế hoạch làm việc sâu vì nó kết hợp kỹ thuật lập kế hoạch đơn giản (làm việc mỗi ngày) với cách nhắc nhở bản thân làm việc khá dễ dàng: Những dấu X đỏ lớn trên tờ lịch.

Một phương pháp phổ biến khác để thực hiện triết lý nhịp nhàng là thay thế sự hỗ trợ trực quan của phương pháp chuỗi bằng một loạt mốc thời gian cần thiết để làm việc sâu hằng ngày. Các phương pháp này có điểm chung là việc duy trì các chỉ số trực quan về tiến độ công việc có thể giúp hạn chế rào cản đối với làm việc sâu, loại bỏ kể cả các quyết định lên kế hoạch đơn giản nhất, chẳng hạn như thực hiện vào lúc nào trong ngày.

Hãy xem ví dụ về Brian Chappell, vị tiến sĩ luôn bận rộn mà tôi đã giới thiệu trong phần đầu. Chappell đã áp dụng triết lý nhịp nhàng khi lập kế hoạch làm việc sâu ngoài mức cần thiết. Trong thời gian tập trung viết luận án, anh đã được mời làm việc toàn thời gian tại trung tâm trong khuôn viên trường mà anh từng theo học. Xét về mặt công việc, đây quả là một cơ hội tốt và Chappell đã vui vẻ nhận việc. Nhưng xét về mặt học thuật, một công việc toàn thời gian, đặc biệt là khi anh đang chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng, sẽ khiến Chappell thật khó có thể tập trung đủ sâu để viết luận án.

Chappell bắt đầu bằng cách cố gắng ép bản thân phải tập trung sâu. Anh đưa ra nghi thức: Làm việc sâu cần được tiến hành trong khoảng thời gian 90 phút (vì anh nhận ra rằng sẽ khá mất thời gian để đi vào trạng thái tập trung) và cố gắng sắp xếp khoảng thời gian này sao cho phù hợp với kế hoạch của mình. Không có gì phải bất ngờ khi chiến lược này đã phát huy hiệu quả. Trong một chương trình khởi động luận án mà Chappell tham dự năm ngoái, anh đã có thể viết được một chương hoàn chỉnh chỉ trong một tuần làm việc sâu nghiêm túc. Sau khi nhận công việc toàn thời gian, anh đã viết được thêm một chương nữa trong năm đầu tiên làm việc.

Chính quá trình viết trong năm đó đã thúc đẩy Chappell tiến hành phương pháp nhịp nhàng. Anh đề ra nguyên tắc phải tỉnh dậy và bắt đầu làm việc vào lúc 5 giờ 30 phút mỗi sáng. Sau đó, anh làm việc đến 7 giờ 30 phút, ăn sáng và đi làm để hoàn thành nghĩa vụ trong ngày. Sau khi trải qua giai đoạn đầu của quá trình, anh nhanh chóng đẩy thời gian thức dậy lên 4 giờ 45 phút để tăng cường tập trung sâu hơn vào buổi sáng.

Khi tôi phỏng vấn Chappell để lấy tư liệu viết cuốn sách này, anh đã mô tả phương pháp tiếp cận nhịp nhàng của mình khi lập kế hoạch làm việc sâu là “năng suất cao và không cảm thấy tội lỗi”. Anh đặt lộ trình viết bốn đến năm trang báo cáo mỗi ngày và có thể phác thảo các chương của luận án với tốc độ hai hoặc ba tuần một chương: Một năng suất phi thường đối với một người làm việc toàn thời gian. Anh kết luận: “Ai nói rằng tôi không thể sung sức như vậy? Tại sao không phải là tôi chứ?”

Triết lý nhịp nhàng mang đến sự tương phản thú vị so với triết lý phương thức đôi. Những người theo triết lý nhịp nhàng có thể không đạt được mức độ tư duy sâu mạnh mẽ nhất mà những người theo triết lý phương phức đôi thường tìm kiếm trong những lần tập trung suốt ngày dài. Tuy nhiên, đổi lại thì cách tiếp cận này lại hiệu quả hơn với bản chất con người. Bằng cách hỗ trợ làm việc sâu thông qua những thói quen vững chắc, thứ hẳn bạn ít nhiều cũng có thể hoàn thành được thường xuyên, thì lịch trình theo triết lý nhịp nhàng thường giúp bạn có thêm nhiều giờ chuyên sâu mỗi năm.

Bạn có thể tự lựa chọn giữa phương thức nhịp nhàng và phương thức đôi khi gặp các vấn đề trong việc lập kế hoạch. Nếu là Carl Jung và đang tham gia một cuộc tranh luận về tri thức với những người ủng hộ Sigmund Freud, có thể bạn sẽ không khó nhận ra tầm quan trọng của việc tìm kiếm thời gian nhằm tập trung vào những ý tưởng của mình. Mặt khác, nếu bạn đang viết một đề tài khoa học mà không gặp áp lực với việc hoàn thành nó, thì bản chất thói quen của triết lý nhịp nhàng có thể là thứ cần thiết để duy trì tiến độ.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, đó không chỉ là vấn đề tự kiểm soát mang tính thiên kiến của họ đối với triết lý nhịp nhàng, mà còn là thực tế rằng một số công việc sẽ không cho phép bạn vắng mặt trong vài ngày khi cần tập trung sâu. (Đối với nhiều ông chủ, bạn có thể thoải mái tự do tập trung bao lâu tùy ý... miễn sao vẫn phản hồi kịp thời các e-mail của sếp.) Đây có thể là lý do lớn nhất lý giải tại sao triết lý nhịp nhàng lại là một trong những triết lý phổ biến nhất của những người vừa làm việc sâu vừa làm công việc văn phòng tiêu chuẩn.

Triết lý nhà báo khi lập kế hoạch làm việc sâu

Trong những năm 1980, khi mới chỉ ngoài 30 tuổi, nhà báo Walter Isaacson đã có sự nghiệp lên nhanh như diều gặp gió thông qua xếp hạng của tạp chí Time. Vào thời đó, ông rõ ràng đã nắm được suy nghĩ của tầng lớp trí thức. Ví dụ, Christopher Hitchens, cây bút cùng thời thường đăng bài trên London Review of Books đã gọi ông là “một trong những nhà báo hay nhất nước Mỹ”. Đã đến lúc Isaacson bắt tay vào viết Cuốn sách Lớn Quan trọng – bước cần thiết trên nấc thang thành tựu làm báo. Vì vậy, ông đã chọn một chủ đề phức tạp, một cuốn tiểu sử tường thuật đan xen của sáu nhân vật đóng vai trò quan trọng trong thời đầu của chính sách Chiến tranh Lạnh, và hợp tác với một biên tập viên trẻ của tờ Time là Evan Thomas, để viết nên cuốn sách có độ dày vừa phải: Một cuốn sử thi dày 864 trang với tựa đề The Wise Men: Six Friends and the World They Made (tạm dịch: Những người khôn ngoan: Sáu người bạn và thế giới họ tạo nên).

Cuốn sách này được xuất bản năm 1986 và được người hâm mộ đón nhận nồng nhiệt. New York Times gọi nó là “một tác phẩm có bố cục phong phú”, còn tờ San Francisco Chronicle ca ngợi rằng hai nhà văn trẻ đã “tạo nên hiện tượng Plutarch31 của thời kỳ Chiến tranh Lạnh”. Chưa đầy một thập kỷ sau đó, Isaacson đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp khi được bổ nhiệm làm biên tập viên của tờ Time (sau đó, ông đảm nhiệm vị trí CEO của viện chính sách và trở thành nhà viết tiểu sử lẫy lừng chuyên viết về các danh nhân như Benjamin Franklin, Albert Einstein và Steve Jobs).

Tuy nhiên, điều tôi quan tâm về Isaacson không phải là những gì ông đã làm được qua cuốn sách đầu tiên của mình mà là cách ông đã viết nó như thế nào. Khi tìm hiểu câu chuyện này, tôi tình cờ phát hiện ra một mối liên hệ cá nhân. Hóa ra trong thời gian chuẩn bị xuất bản cuốn The Wise Men, ông chú John Paul Newport của tôi, cũng là một nhà báo ở New York thời đó, đã cùng thuê một bãi biển với Isaacson. Cho đến giờ, chú tôi vẫn nhớ những thói quen làm việc ấn tượng của Isaacson:

Thật ngạc nhiên... trong khi bọn chú còn đang ngồi hóng gió ngoài trời hay làm những việc khác, ông ấy quay về phòng ngủ một lúc để tiếp tục viết sách... cứ như vậy trong khoảng 20 phút đến một giờ, bọn chú sẽ nghe thấy tiếng máy đánh chữ cành cạch, sau đó ông ấy đi xuống cùng thư giãn với mọi người... cứ như thể công việc chưa bao giờ gây áp lực cho ông ấy, ông ấy chỉ vui vẻ làm việc khi có thời gian rảnh rỗi mà thôi.

Isaacson là người làm việc theo phương pháp: Cứ hễ có thời gian rảnh là ông lại làm việc sâu và vùi đầu vào cuốn sách của mình. Hóa ra đây là cách mà người ta có thể viết một cuốn sách dày 900 trang khi vẫn dành phần lớn thời gian để trở thành một trong những nhà báo xuất sắc nhất nước Mỹ.

Tôi gọi phương pháp này là triết lý nhà báo, phương pháp giúp bạn làm việc sâu ở mọi nơi có thể trong lịch trình của mình. Tên gọi này xuất phát từ thực tế rằng các nhà báo như Walter Isaacson luôn được đào tạo để có thể viết bất kỳ lúc nào do đặc thù nghề nghiệp.

Cách tiếp cận này không dành cho những người mới làm quen với làm việc sâu. Như tôi đã nêu trong phần đầu quy tắc, khả năng chuyển đổi tâm trí từ làm việc hời hợt sang làm việc sâu một cách nhanh chóng không phải tự nhiên mà có. Nếu không thực hành, quá trình chuyển đổi đó có thể rút cạn nguồn năng lượng hữu hạn của bạn. Thói quen này cũng đòi hỏi sự tự tin vào khả năng của bản thân – tin rằng những gì bạn đang làm rất quan trọng và chúng nhất định sẽ mang lại thành công. Niềm tin này thường được xây dựng dựa trên nền tảng thành quả sự nghiệp hiện có. Ví dụ, Isaacson có vẻ không mất nhiều thời gian để trở thành một nhà văn so với những tiểu thuyết gia mới bắt đầu sự nghiệp, bởi ông luôn nỗ lực để trở thành một nhà văn đáng kính thời đó. Ông biết mình có khả năng viết tiểu sử và hiểu rằng đó là một nhiệm vụ quan trọng trên chặng đường phát triển sự nghiệp. Sự tự tin này đã luôn đồng hành cùng ông trong quá trình thúc đẩy bản thân.

Tôi ủng hộ triết lý nhà báo trong quá trình làm việc sâu, bởi đó cũng chính là phương pháp của tôi khi nỗ lực thực hiện dự định của mình. Nói cách khác, tôi không phải là người theo triết lý hà khắc trong làm việc sâu (dù đôi khi tôi cũng thấy ghen tị với việc ngắt liên lạc không một lời giải thích của chuyên gia khoa học máy tính Donald Knuth), tôi cũng không định tiến hành làm việc sâu trong nhiều ngày như những người theo triết lý phương thức đôi, và dù tôi rất hứng thú với triết lý nhịp nhàng nhưng lịch trình của tôi lại không phù hợp với một thói quen đều đặn hằng ngày. Thay vào đó, tôi muốn được như Isaacson, đối mặt với công việc mỗi tuần và cố hết sức để làm việc sâu nhất có thể. Ví dụ, để viết cuốn sách này, tôi đã phải tận dụng thời gian rảnh bất cứ khi nào có thể. Khi bọn trẻ đã say giấc, tôi sẽ vớ lấy chiếc laptop và nhốt mình trong phòng làm việc ở nhà. Nếu vợ tôi muốn đến thăm bố mẹ cô ấy ở Annapolis gần đó nhân dịp cuối tuần, tôi sẽ tận dụng việc có thêm người chăm con để kiếm một góc yên tĩnh trong nhà ngồi viết. Nếu có một cuộc họp công ty bị hủy bỏ, hay một buổi chiều rảnh việc, tôi có thể quay lại một trong những thư viện yêu thích trong khuôn viên trường để tập trung viết nhiều hơn. Và cứ thế cứ thế.

Phải thừa nhận rằng tôi không hoàn toàn chỉ áp dụng triết lý nhà báo. Chẳng hạn, tôi không đưa ra quyết định làm việc sâu trong chốc lát. Thay vào đó, ngay từ đầu tuần, tôi đã xác định thời điểm sẽ làm việc sâu trong tuần, rồi xem xét lại những quyết định này từ đầu ngày, nếu cần (hãy xem Quy tắc số 4 để biết thêm chi tiết về thói quen lập kế hoạch của tôi). Bằng cách giảm thiểu nhu cầu đưa ra quyết định về thời điểm làm việc sâu, tôi có thể giữ lại nhiều năng lượng để tư duy sâu.

Nhìn chung, triết lý nhà báo trong lập kế hoạch làm việc sâu rất khó thực hiện. Nhưng nếu bạn tự tin vào giá trị của những gì bạn đang cố gắng tạo dựng, và thực hiện việc đó bằng kỹ năng tập trung sâu (loại kỹ năng chúng ta sẽ tiếp tục rèn luyện trong các chiến lược tiếp theo), bạn có thể hoàn thành khối lượng lớn công việc chuyên sâu kể cả khi phải đối mặt với một lịch trình khắt khe.

Quá trình nghi thức hóa

Khi nhắc tới những người lao động trí óc, chúng ta thường quên mất một điều rằng họ hiếm khi cẩu thả trong thói quen làm việc. Hãy cùng xem xét trường hợp của Robert Caro, nhà viết tiểu sử từng giành giải Pulitzer. Theo một ấn bản tạp chí năm 2009: “Từng ngóc ngách nhỏ trong văn phòng [của Caro] tại New York đều được sắp xếp theo trật tự.” Nơi đặt sách, cách sắp xếp sổ ghi chép, đồ đạc treo trên tường, thậm chí trang phục mặc tới văn phòng: Mọi thứ đều được chỉ định theo thói quen rất hiếm khi thay đổi trong suốt sự nghiệp lâu dài của Caro. Lý giải cho việc đó, ông nói: “Tôi đã tự rèn luyện để trở thành một người có tổ chức.”

Charles Darwin cũng có cách làm chặt chẽ tương tự đối với công việc trong thời gian ông hoàn thành cuốn On the Origin of Species (tạm dịch: Nguồn gốc của muôn loài). Theo lời kể của Francis, con trai ông, cứ đến 7 giờ sáng, ông sẽ dậy để đi bộ một quãng ngắn. Sau đó, Darwin ăn sáng một mình và bắt tay vào nghiên cứu từ 8 giờ đến 9 giờ rưỡi. Ông dành một giờ tiếp theo để đọc thư được gửi đến từ hôm trước, sau đó, ông sẽ quay lại nghiên cứu từ 10 giờ rưỡi cho đến trưa. Sau khi xong việc, ông sẽ nghiền ngẫm những ý tưởng đầy thách thức trong lúc rảo bước trên con đường bỏ hoang chạy dài quanh khu nhà ông. Ông cứ đi như vậy cho đến khi hài lòng với suy nghĩ của mình rồi mới chịu kết thúc một ngày làm việc.

Nhà báo Mason Currey, người đã dành nửa thập kỷ để tìm hiểu về thói quen của các nhà tư tưởng và nhà văn nổi tiếng, tóm tắt xu hướng hệ thống hóa này như sau:

Có một quan điểm phổ biến cho rằng các nghệ sĩ luôn làm việc theo cảm hứng – họ biết phải tìm một cú đánh thức tỉnh, một tia chớp hay bong bóng sáng tạo ở đâu... nhưng tôi hy vọng [công việc của tôi] có thể chứng minh được rằng chờ đợi cảm hứng xuất hiện là một kế hoạch tồi tệ. Trên thực tế, có lẽ lời khuyên tốt nhất tôi có thể đưa ra cho bất kỳ ai đang cố gắng thực hiện những công việc liên quan tới sáng tạo là hãy bỏ qua cảm hứng.

Trong một chuyên mục trên tờ New York Times bàn về chủ đề này, David Brooks đã tóm tắt thực tế này một cách thẳng thừng hơn: “[Những bộ óc sáng tạo tuyệt vời] sẽ tư duy như một nghệ sĩ và làm việc như một kế toán viên.”

Chiến lược này gợi nhắc nhiều điều: Để tận dụng tối đa các phiên làm việc sâu, hãy tạo ra các nghi thức chặt chẽ và mang phong thái riêng của những nhà tư tưởng lớn đã được đề cập trước đó. Sự bắt chước này có lý do riêng. Những bộ óc vĩ đại như Caro và Darwin sẽ không thực hiện những nghi thức kỳ quặc; thành công trong công việc của họ phụ thuộc vào khả năng chuyên sâu, lặp đi lặp lại – không có cách nào để giành được giải Pulitzer hay hình thành một lý thuyết lớn mà lại không đẩy bộ não đến giới hạn. Nghi thức giúp họ giảm thiểu các chướng ngại trong quá trình chuyển sang chế độ chuyên sâu, tạo điều kiện cho họ dễ dàng tập trung sâu và duy trì trạng thái này lâu hơn. Nếu họ cứ ngồi chờ cảm hứng xuất hiện mới làm việc nghiêm túc, thì thành tích của họ sẽ giảm đi rất nhiều.

Không có nghi thức làm việc sâu đúng đắn nào – sự phù hợp phụ thuộc vào cả người thực hiện và kiểu kế hoạch người đó theo đuổi. Nhưng bất kỳ nghi thức hiệu quả nào cũng phải trả lời được những câu hỏi sau:

• Bạn sẽ làm việc ở đâu và trong bao lâu? Bạn cần có một vị trí quen thuộc để làm việc sâu. Vị trí này có thể là văn phòng làm việc, hãy khép cửa lại và không để người khác đến làm phiền bạn (một đồng nghiệp của tôi thích đặt biển báo “Xin đừng làm phiền” ngoài cửa văn phòng khi anh ấy đang giải quyết một vấn đề hóc búa). Nếu có thể xác định được vị trí chỉ được sử dụng riêng cho làm việc sâu – ví dụ như phòng họp hoặc thư viện yên tĩnh – thì kết quả thu được có thể tích cực hơn nhiều. Dù làm việc ở đâu, hãy chắc rằng bạn luôn dành riêng một khung thời gian cụ thể để duy trì mục đích tập trung sâu của mình.

• Cách bạn sẽ làm việc sau khi bắt tay vào công việc. Nghi thức cần các quy tắc và quy trình để biến những nỗ lực thực hiện thói quen này thành khuôn khổ. Ví dụ, bạn có thể tự ban lệnh cấm sử dụng Internet hoặc duy trì một chuẩn mực như cứ 20 phút phải viết được bao nhiêu từ để mài giũa sự tập trung của mình. Nếu không có khuôn khổ này, bạn sẽ phải đấu tranh tư tưởng giữa những gì nên và không nên làm trong thời gian chuyên sâu và tiếp tục cố gắng đánh giá xem bạn có đang làm việc đủ chăm chỉ hay không. Đây là những việc không cần thiết nhưng lại làm tiêu hao năng lượng của bạn.

• Bạn sẽ hỗ trợ công việc của mình ra sao. Nghi thức của bạn phải đi liền với sự hỗ trợ cần thiết để duy trì hoạt động chuyên sâu của não bộ ở cường độ cao. Ví dụ, bạn có thể đặt ra một nghi thức cố định như bắt đầu công việc bằng một tách cà phê thơm ngon, hoặc ăn đủ no để duy trì năng lượng, hay thêm vào các bài luyện tập nhẹ như đi bộ để thư thái đầu óc. (Theo Nietzsche, “Chỉ những ý tưởng nảy ra từ việc đi bộ mới có giá trị.”) Sự hỗ trợ này cũng có thể bao gồm các yếu tố khách quan như sắp xếp công việc để tối thiểu hóa năng lượng bị tiêu hao (như chúng ta đã thấy trong ví dụ của Caro). Để tối đa hóa thành công, bạn cần tăng cường nỗ lực khi chuyên sâu. Đồng thời, sự hỗ trợ này cũng cần được hệ thống hóa để không lãng phí năng lượng tinh thần nhằm tìm ra những gì bạn cần trong lúc này.

Những câu hỏi này sẽ giúp bạn bắt đầu xây dựng nghi thức làm việc sâu. Nhưng hãy nhớ rằng việc tìm kiếm các nghi thức để gắn bó có thể sẽ cần trải nghiệm, vì vậy hãy sẵn sàng với điều đó. Tôi đảm bảo nỗ lực của bạn rất đáng giá: Khi bạn thực hiện điều mà bạn cảm thấy đúng đắn, ảnh hưởng của việc đó có thể rất lớn. Không nên xem nhẹ làm việc sâu. Bên cạnh những nỗ lực với nghi thức phức tạp (và có lẽ với thế giới bên ngoài thì việc này khá kỳ lạ) – việc đưa tâm trí vào khuôn khổ và quyết tâm đẩy nó tới trạng thái tập trung sẽ giúp bạn bắt đầu tạo ra rất nhiều kết quả quan trọng.

Quan trọng hóa vấn đề

Vào đầu đông năm 2007, J. K. Rowling khi ấy đang gấp rút hoàn thành cuốn sách The Deathly Hallows (Bảo bối tử thần), cuốn sách cuối cùng trong loạt truyện Harry Potter của bà. Bà phải chịu áp lực rất lớn vì cuốn sách này còn liên quan tới sáu phần trước đó và bà phải làm sao để khiến hàng trăm triệu người hâm mộ loạt truyện này hài lòng. Rowling cần phải làm việc sâu để thỏa mãn những yêu cầu này, nhưng bà cũng nhận thấy sự tập trung ngày càng bị gián đoạn khi làm việc tại văn phòng ở nhà tại Edinburgh, Scotland. Rowling đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Khi tôi viết xong Deathly Hallows, đó là một ngày cửa sổ mở rộng, bọn trẻ đang ở nhà, lũ chó thì đang sủa.” Như vậy thì quá đơn giản, vì vậy J. K. Rowling quyết định thực hiện điều gì đó cực đoan để chuyển đổi tư duy của mình: Bà đã thuê một phòng hạng sang trong khách sạn Balmoral năm sao, nằm ở trung tâm thành phố Edinburgh. Bà giải thích: “Tôi đến khách sạn này bởi đó là một khách sạn xinh đẹp, nhưng tôi không có ý định ở lại đây. [Nhưng] ngày đầu tiên, công việc viết lách của tôi diễn ra khá suôn sẻ, vì vậy tôi tiếp tục quay lại... và tôi đã hoàn thành cuốn sách cuối cùng trong loạt truyện Harry Potter [ở đây].”

Nhìn lại thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Rowling đã ở lại khách sạn cho đến khi viết xong cuốn sách. Đây là sự sắp xếp hoàn hảo đối với kế hoạch của bà. Balmoral vốn nổi tiếng là một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất của Scotland, một tòa nhà mang phong cách Victoria cổ điển toàn diện với các công trình bằng đá trang trí công phu và một tháp đồng hồ rất cao. Nó chỉ cách lâu đài Edinburgh vài tòa nhà – một trong những nguồn cảm hứng của Rowling để tạo nên trường Hogwarts.

Quyết định của Rowling khi tới một khách sạn sang trọng gần lâu đài Edinburgh là một ví dụ về chiến lược gây tò mò nhưng hiệu quả trong giới làm việc sâu: quan trọng hóa vấn đề. Khái niệm này rất đơn giản: Bằng cách tận dụng sự thay đổi căn bản môi trường thông thường của bạn, cùng với việc đầu tư tiền bạc hoặc nỗ lực đáng kể nhằm hỗ trợ làm việc sâu, bạn sẽ nâng tầm quan trọng của nhiệm vụ lên. Sự nâng tầm này sẽ giúp làm giảm bản năng trì hoãn trong tâm trí bạn và tạo ra động lực cũng như năng lượng làm việc.

Ví dụ, viết một chương trong bộ tiểu thuyết Harry Potter là công việc khó khăn và phải đầu tư rất nhiều chất xám – bất kể bạn có làm điều này ở đâu. Nhưng khi phải thanh toán hơn 1.000 đô-la mỗi ngày để hoàn thành chương đó trong một phòng hạng sang của một khách sạn lâu đời được xây dựng theo cùng phong cách giống trường Hogwarts, thì việc huy động năng lượng để bắt đầu và duy trì công việc này sẽ dễ dàng hơn so với việc ngồi trong phòng làm việc ở nhà và dễ bị sao nhãng.

Khi nghiên cứu thói quen của những người làm việc sâu nổi tiếng khác, ắt hẳn bạn cũng thường bắt gặp chiến lược quan trọng hóa vấn đề này. Ví dụ, trong thời gian làm CEO của Microsoft, Bill Gates đã nổi tiếng với việc thực hiện Tuần suy nghĩ (Think Weeks). Trong thời gian tiến hành, ông phải bỏ lại những công việc thông thường và gia đình mình để lui về một căn phòng chất đầy giấy tờ và sổ sách. Mục tiêu của ông là suy nghĩ kỹ càng, liền mạch các vấn đề lớn liên quan đến công ty. Từ đó, ông đi đến kết luận rằng Internet sẽ là nhân tố quan trọng trong ngành công nghệ thông tin. Không gì có thể cản trở tư duy chuyên sâu trong văn phòng của ông tại trụ sở Seattle của Microsoft, nhưng sự thay đổi khác lạ trong suốt một tuần dài ẩn dật đã giúp ông đạt được mức độ tập trung mong muốn.

Alan Lightman, nhà vật lý thuộc MIT kiêm tiểu thuyết gia từng đạt nhiều giải thưởng, cũng áp dụng phương pháp quan trọng hóa vấn đề. Mỗi khi hè đến, ông đều ẩn dật tại một “hòn đảo nhỏ” ở Maine để tư duy sâu và tĩnh dưỡng phục hồi năng lượng. Vào năm 2000, ông đã mô tả hành động này trong một cuộc phỏng vấn, hòn đảo này không chỉ không có Internet, mà thậm chí còn không có cả dịch vụ điện thoại. Ông khẳng định: “Chỉ có hai tháng rưỡi mà tôi thấy như thể mình có thể tìm lại khoảng lặng trong cuộc đời... thứ vốn thật khó tìm.”

Không phải ai cũng có quyền tự do dành ra hai tháng ở Maine, nhưng nhiều nhà văn, bao gồm cả Dan Pink và Michael Pollan, cũng có trải nghiệm đó quanh năm bằng cách xây dựng căn nhà dành riêng cho hoạt động viết lách – thường tốn khá nhiều chi phí và công sức. (Về phần mình, Pollan thậm chí còn viết một cuốn sách về trải nghiệm xây dựng căn nhà trong rừng, phía sau ngôi nhà cũ ở Connecticut.) Các nhà văn không cần những ngôi nhà phụ quá cầu kỳ, họ chỉ cần một chiếc máy tính xách tay và một chỗ để làm việc mà thôi. Tiện nghi của những ngôi nhà này không tạo ra giá trị; mà là những hành động quan trọng hóa vấn đề được thể hiện thông qua việc thiết kế và xây dựng ngôi nhà nhằm hướng tới mục tiêu duy nhất: tập trung viết lách hiệu quả hơn.

Bạn không cần lúc nào cũng phải duy trì việc quan trọng hóa vấn đề. Nhà vật lý William Shockley làm việc cho công ty Bell Labs đã gặt hái được thành quả lớn khi phát minh ra tranzito32 – tôi sẽ kể chi tiết việc này trong chiến lược tiếp theo, hai thành viên trong nhóm của ông đã làm nên bước đột phá trong lúc Shockley vắng mặt vì bận tham dự một dự án khác – ông đã tự nhốt mình trong phòng khách sạn ở Chicago, nơi ông đến để tham dự hội nghị. Ông kiên quyết không ra khỏi phòng cho đến khi sắp xếp gọn gàng mọi suy nghĩ trong đầu. Tới khi rời khỏi phòng, ông gửi các ghi chú của mình về cho Murray Hill ở New Jersey, để đồng nghiệp có thể dán chúng vào sổ ghi chép thí nghiệm và đánh dấu bước đổi mới. Hình thức liên kết của tranzito mà Shockley phát hiện ra khi tập trung sâu cuối cùng cũng giúp ông nhận được giải Nobel trao cho phát minh này sau đó.

Một ví dụ khác thậm chí còn tiêu biểu hơn về việc quan trọng hóa vấn đề là câu chuyện về Peter Shankman, doanh nhân kiêm nhà tiên phong trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Là một diễn giả nổi tiếng, Shankman dành phần lớn thời gian ngồi trên các chuyến bay. Cuối cùng, anh cũng nhận ra rằng độ cao hơn 9.000m là môi trường lý tưởng giúp anh tập trung. Đó là đôi lần sau khi anh nhận ra mình đã ký một hợp đồng viết sách mà chỉ có hai tuần để hoàn thành toàn bộ bản thảo. Shankman phải cần đến một sự tập trung phi thường mới có thể đáp ứng được thời hạn này. Để đạt được trạng thái đó, anh đã làm những việc trái với lệ thường. Anh đặt vé khứ hồi hạng thương gia tới Tokyo. Anh đã viết trong suốt chuyến bay tới Nhật Bản, uống một ly espresso tại phòng chờ dành cho vé hạng thương gia khi đến Nhật, sau đó đáp chuyến bay trở về và lại ngồi viết trong suốt hành trình quay về Mỹ. Chỉ 30 giờ kể từ lúc rời đi, anh đã cầm trên tay tập bản thảo hoàn chỉnh. Anh giải thích: “Chi phí của chuyến đi là 4.000 đô-la và đó là chuyến đi xứng đáng.”

Trong tất cả các ví dụ kể trên, không chỉ có sự thay đổi của môi trường hay việc tìm kiếm sự yên tĩnh mới cho phép bạn chuyên sâu hơn. Nhân tố chi phối chính là tâm lý nghiêm túc cam kết thực hiện nhiệm vụ đã đảm nhận. Đặt mình vào một nơi mới lạ để tập trung cho một dự án viết lách, nghỉ làm một tuần chỉ để tư duy, hay khóa mình trong một căn phòng khách sạn cho đến khi hoàn thành một phát minh quan trọng. Những hành động này sẽ đẩy mục tiêu chuyên sâu lên mức ưu tiên về mặt tinh thần nhằm giúp bạn khai thác nguồn lực tinh thần cần thiết. Đôi khi để đi sâu, bạn phải đi xa trước đã.

Không làm việc một mình

Mối quan hệ giữa làm việc sâu và hợp tác đòi hỏi sự tinh tế khéo léo. Tuy nhiên, bạn vẫn nên dành thời gian cho mối quan hệ này, vì nếu biết khéo léo tận dụng, bạn có thể tăng hiệu quả làm việc sâu trong công việc.

Trước khi bắt đầu chủ đề này, chúng ta hãy cùng trở lại xem xét những thứ thoạt nhìn có vẻ giống mâu thuẫn khó giải quyết. Trong Phần 1 của cuốn sách, tôi đã chỉ trích Facebook vì thiết kế trụ sở mới của họ. Cụ thể, tôi đã lưu ý rằng mục tiêu của công ty là tạo ra không gian văn phòng mở lớn nhất thế giới – một căn phòng khổng lồ có sức chứa 20.800 nhân viên – đây quả là một mối đe dọa cho sự tập trung. Nghiên cứu về mặt trực giác và vật lý ngày càng nhấn mạnh thực tế rằng sử dụng chung không gian làm việc với quá nhiều đồng nghiệp sẽ gây ra tình trạng mất tập trung – tạo ra môi trường cản trở nỗ lực suy nghĩ nghiêm túc. Năm 2013, trong một bài báo tóm lược các nghiên cứu gần đây về chủ đề này, tờ Bloomberg Businessweek đã kêu gọi chấm dứt “sự chuyên chế của văn phòng mở”.

Tuy nhiên, những thiết kế văn phòng mở này không được đón nhận bừa bãi. Theo báo cáo của Maria Konnikova trên tờ The New Yorker, khi khái niệm này lần đầu xuất hiện, mục tiêu của nó là “tạo điều kiện cho giao tiếp và luồng ý tưởng”. Tuyên bố này đã cộng hưởng với các doanh nghiệp Mỹ đang tìm kiếm ánh hào quang khởi nghiệp không theo lề lối thông thường. Ví dụ, Josh Tyrangiel, biên tập viên của Bloomberg Businessweek, đã giải thích việc thiếu văn phòng trong trụ sở của Bloomberg như sau: “Văn phòng mở khá đẹp mắt; nó đảm bảo mọi người đều hòa hợp với nhiệm vụ và... nó khuyến khích sự tò mò giữa những người làm việc trong các lĩnh vực khác nhau.” Jack Dorsey đã biện minh cho cấu trúc mở của trụ sở của Square bằng lời giải thích: “Chúng tôi khuyến khích mọi người hoạt động trong không gian mở vì tin vào khả năng tình cờ xuất hiện những yếu tố bất ngờ và may mắn – và mọi người sẽ đồng hành cùng nhau để học hỏi những điều mới mẻ.”

Để hướng tới mục đích của cuộc thảo luận, hãy gọi nguyên tắc này – khi mọi người cùng trao đổi những ý tưởng mới và cùng hợp tác tích cực – là lý thuyết sáng tạo bất ngờ. Khi Mark Zuckerberg quyết định xây dựng khu văn phòng lớn nhất thế giới, chúng ta có thể phỏng đoán một cách hợp lý rằng anh đã đưa ra quyết định đó dựa trên lý thuyết này, cũng như việc nó đã thúc đẩy nhiều động thái hướng tới không gian làm việc mở tại Thung lũng Silicon và nhiều nơi khác nữa. (Các yếu tố phụ khác, như tiết kiệm tiền bạc và tăng cường sự giám sát, cũng có những tác động nhất định, nhưng chúng không hấp dẫn bằng và ít được chú trọng hơn.)

Quyết định nên tăng cường sự tập trung hay thúc đẩy sự bất ngờ may mắn đã chỉ ra rằng làm việc sâu (nỗ lực cá nhân) không hề phù hợp với việc tạo ra những tầm nhìn sáng tạo (nỗ lực mang tính hợp tác). Tuy nhiên, kết luận này vẫn còn thiếu sót. Tôi cho rằng nó được đưa ra dựa trên sự hiểu biết thiếu tường tận về lý thuyết sáng tạo bất ngờ. Để củng cố luận điểm này, hãy xem xét nguồn gốc của quan điểm đặc biệt về những thứ thúc đẩy đột phá.

Lý thuyết này xuất phát từ nhiều nguồn còn đang gây tranh cãi và nhờ may mắn, tôi tình cờ biết đến một trong những nguồn nổi tiếng hơn cả. Trong suốt bảy năm ở MIT, tôi đã làm việc tại Tòa nhà số 20 nổi tiếng của Viện. Tòa nhà tọa lạc ở ngã tư giao cắt giữa phố Main và phố Vassar phía đông Cambridge, rồi cuối cùng bị phá hủy vào năm 1998. Nơi đây từng được dùng làm hầm trú ẩn tạm thời trong Thế chiến II, nhằm tránh sự lan tràn phóng xạ từ Phòng thí nghiệm Bức xạ của Viện. Theo một bài viết trên tờ New Yorker năm 2012, tòa nhà ban đầu được xem là một thất bại: “Hệ thống thông gió rất kém còn hành lang thì tối tăm. Các bức tường mỏng vẹt cùng mái nhà thủng lỗ chỗ khiến tòa nhà mùa hè thì oi bức, còn mùa đông thì lạnh lẽo.”

Tuy nhiên, sau chiến tranh, các nhà khoa học vẫn tiếp tục đổ tới Cambridge. MIT cần có thêm không gian, vì vậy thay vì ngay lập tức phá hủy Tòa nhà số 20 như họ đã hứa với chính quyền địa phương (do việc cấp phép không nghiêm ngặt), họ tiếp tục sử dụng nó làm không gian mở rộng. Điều này đã làm nảy sinh sự bất cập giữa các khoa khác nhau, từ Khoa Khoa học Hạt nhân đến Khoa Ngôn ngữ học rồi Khoa Điện tử đều dùng chung tòa nhà thấp kế bên các tòa nhà đã được bí mật cho thuê làm cửa hàng máy móc và cơ sở sửa chữa đàn piano… Do tòa nhà được xây dựng với chi phí thấp, nên các nhóm có thể thoải mái sắp xếp lại không gian nếu cần. Tường và sàn có thể được dịch chuyển và gắn thiết bị vào dầm. Khi kể lại câu chuyện Jerrold Zacharias đã tạo ra chiếc đồng hồ nguyên tử đầu tiên ra sao, bài báo trên tờ New Yorker kể trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loại bỏ hai tầng khỏi phòng thí nghiệm của Tòa nhà số 20 để Zacharias có thể lắp đặt xi-lanh ba tầng cần thiết cho thiết bị thử nghiệm của mình.

Tương truyền tại MIT, người ta tin rằng kết nối ngẫu nhiên giữa những nguyên tắc khác nhau tập hợp trong một tòa nhà lớn có thể tái cấu trúc sẽ mang lại cơ hội cũng như tinh thần sáng tạo để nhanh chóng tạo ra những thành quả đột phá, đổi mới với các chủ đề đa dạng như ngữ pháp của Chomsky, ra-đa điều hướng của Loran và trò chơi điện tử. Tất cả chúng đều được sáng tạo trong vài thập niên phát triển thời hậu chiến tranh. Cuối cùng, khi tòa nhà bị phá hủy để nhường chỗ cho Trung tâm Stata do Frank Gehry thiết kế trị giá 300 triệu đô-la (tôi thường dành thời gian ở đây), mất mát ấy thật đáng tiếc. Để tưởng nhớ “cung điện bằng gỗ dán”, thiết kế nội thất của Trung tâm Stata gồm toàn các ván gỗ chưa được gia công hoàn chỉnh và những mảng bê-tông còn đang xây dang dở.

Trong khi Tòa nhà số 20 được xây dựng gấp rút, người ta cũng theo đuổi tính sáng tạo bất ngờ này theo cách có hệ thống hơn ở một nơi khác cách đó hơn 300km về phía Tây Nam đồi Murray, New Jersey. Chính tại đây, Mervin Kelly, Giám đốc Bell Labs, đã chỉ đạo xây dựng một ngôi nhà mới làm phòng thí nghiệm nhằm khuyến khích sự tương tác khi bố trí nhiều nhà khoa học và kỹ sư ngồi chung một khu làm việc. Kelly đã bác bỏ hướng tiếp cận theo phong cách đại học tiêu chuẩn thể hiện qua việc bố trí các phòng ban khác nhau trong các tòa nhà khác nhau. Ông cho gộp chung các không gian thành một cấu trúc liền kề với những hành lang nối dài – một số hành lang dài đến nỗi khi đứng ở đầu này, bạn sẽ không nhìn thấy điểm cuối của đầu kia. Thư ký của Bell Labs, Jon Gertner, đã nhận xét về thiết kế này như sau: “Nếu đi hết chiều dài của hội trường, chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều người quen, nhiều vấn đề, nhiều trò vui và ý tưởng, mọi thứ hầu như đều khả thi. Một nhà vật lý trên đường tới nhà ăn ăn trưa chẳng khác nào một thỏi nam châm lăn qua đống sắt vụn vậy.”

Chiến lược này, kết hợp với quá trình tuyển dụng mạnh mẽ những bộ óc ưu việt hàng đầu thế giới của Kelly đã tạo ra sự đổi mới tập trung nhất trong lịch sử nền văn minh hiện đại. Nhiều thập kỷ sau Thế chiến II, cùng với các thành tựu khác, phòng thí nghiệm đã tạo ra: pin năng lượng mặt trời đầu tiên, la-ze, vệ tinh truyền thông, hệ thống thông tin di động và mạng cáp quang. Đồng thời, các nhà lý luận đã xây dựng cả lý thuyết thông tin và lý thuyết mã hóa, các nhà thiên văn học đã giành giải Nobel với học thuyết Big Bang và quan trọng hơn hết, các nhà vật lý đã phát minh ra tranzito.

Nói cách khác, những dẫn chứng lịch sử có vẻ đã chứng minh được tính đúng đắn của lý thuyết sáng tạo bất ngờ. Chúng ta có thể tự tin tranh luận rằng tranzito cần Bell Labs và nó có khả năng kéo các nhà vật lý bán dẫn, các nhà học thuyết lượng tử và các nhà triết học thực nghiệm đẳng cấp thế giới đến một tòa nhà, nơi họ có thể gặp gỡ và học hỏi chuyên môn lẫn nhau. Đây có lẽ không phải là phát minh của riêng một nhà khoa học có tư duy sâu trong bối cảnh học thuật tương tự như tòa tháp đá của Carl Jung.

Nhưng ở đây, chúng ta cần nhiều hơn thế để hiểu rõ điều gì đã thực sự tạo ra sự đổi mới ở những nơi như Tòa nhà số 20 và Bell Labs. Để làm được điều đó, hãy quay trở lại với trải nghiệm của chính tôi tại MIT. Khi đến đây với vai trò nghiên cứu sinh vào mùa thu năm 2004, tôi thuộc lứa học viên đầu tiên được đặt chân đến Trung tâm Stata, nơi thay thế cho Tòa nhà số 20 cũ. Vì trung tâm mới thành lập, nên học viên mới đã được đưa đi tham quan các khu chức năng của nó. Chúng tôi biết Frank Gehry đã sắp xếp các văn phòng xung quanh không gian chung và áp dụng cầu thang mở giữa các tầng liền kề nhằm thúc đẩy những cuộc gặp tình cờ từng phát huy hiệu quả với thế hệ đi trước. Nhưng những gì thực sự gây ấn tượng với tôi lúc đó là một điểm đặc trưng không nằm trong chủ ý của Gehry nhưng gần đây đã được khoa bổ sung: Các miếng đệm đặc biệt được lắp vào khung cửa văn phòng để tăng cường khả năng cách âm. Các giáo sư tại MIT – một số là những nhà cải cách công nghệ hàng đầu thế giới – không muốn làm gì trong không gian làm việc kiểu văn phòng mở như thế này. Thay vào đó, họ cần điểm đặc trưng có thể tạo điều kiện để họ làm việc riêng tư.

Các văn phòng cách âm này được kết nối với các khu vực chung lớn, tạo ra kiến trúc mới lạ theo mô hình trục bánh xe-và-nan hoa, hữu ích với cả cuộc gặp gỡ bất ngờ và tư duy sâu tách biệt. Đó là một thiết kế dàn trải, nơi chúng tôi có thể tìm được nhà tư tưởng độc lập, tách biệt với nguồn cảm hứng mà vẫn không bị phân tâm, và ở một thái cực khác là các nhà tư tưởng hoàn toàn hợp tác trong không gian mở, tuôn trào cảm hứng nhưng hoàn toàn có thể tập trung tư duy sâu khi cần thiết.33

Hãy quay lại với Tòa nhà số 20 và Bell Labs, chúng ta sẽ thấy đây là kiểu kiến trúc được triển khai hiệu quả. Không có tòa nhà nào trông giống như thiết kế văn phòng có không gian mở hiện đại. Thay vào đó, chúng được xây dựng theo bố cục chuẩn của các văn phòng riêng được kết nối bằng hành lang chung. Kỹ thuật sáng tạo thú vị ở chỗ các tòa văn phòng đều dùng chung một không gian nối dài – buộc các nhà nghiên cứu phải tương tác bất cứ khi nào họ cần di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác.

Do đó, chúng ta có thể bác bỏ khái niệm cho rằng văn phòng mở đã phá hoại sự chuyên sâu nhưng không làm mất đi sự đổi mới của sáng tạo bất ngờ. Vấn đề là chúng ta phải duy trì được cả hai yếu tố này theo cách sắp xếp trục bánh xe-và-nan hoa: Thể hiện ý tưởng trên “trục” thường xuyên, nhưng vẫn duy trì “nan hoa” để làm việc sâu khi có vấn đề cần giải quyết.

Tuy nhiên, làm việc một mình không hẳn lúc nào cũng là chiến lược tốt nhất. Ví dụ, hãy xem xét phát minh đã được đề cập trước đó về (điểm-tiếp-xúc) tranzito tại Bell Labs. Đột phá này là thành quả to lớn của một nhóm đông đảo các nhà nghiên cứu, tất cả đều có chuyên môn riêng cùng liên kết với nhau để hình thành nhóm nghiên cứu vật lý bán dẫn – phát minh ra một vật dụng thay thế ống chân không nhỏ hơn và chắc chắn hơn. Những cuộc trao đổi nhóm chính là điều kiện tiên quyết để hình thành nên tranzito: Một ví dụ rõ ràng về tính hữu ích của hành vi theo kiểu “nan hoa”.

Khi nhóm nghiên cứu thiết lập nền tảng tri thức cho yếu tố này, thì quá trình đổi mới đã chuyển sang một nan hoa. Tuy nhiên, điều khiến quá trình đổi mới đặc biệt này trở nên thú vị là ngay cả khi đã chuyển sang chế độ “nan hoa”, nó vẫn mang tính hợp tác. Có hai nhà nghiên cứu tách biệt – nhà triết học thực nghiệm Walter Brattain và nhà lý thuyết lượng tử John Bardeen. Vào năm 1947, chỉ trong một tháng, họ đã tạo ra một loạt các đột phá dẫn đến tranzito bán dẫn thành công đầu tiên.

Brattain và Bardeen đã làm việc cùng nhau suốt thời gian này trong một phòng thí nghiệm nhỏ, kề vai sát cánh, cùng hỗ trợ nhau tiến bộ hơn và đưa ra những thiết kế hiệu quả hơn. Họ chủ yếu làm việc sâu – nhưng là một loại chuyên sâu chúng ta chưa từng gặp. Brattain sẽ tập trung cao độ tạo ra thiết kế thử nghiệm có thể tận dụng những hiểu biết về học thuyết mới nhất của Bardeen; sau đó, Bardeen sẽ tập trung cao độ để rút ra kết luận từ các thử nghiệm mới nhất của Brattain, cố gắng mở rộng khung lý thuyết của mình sao cho phù hợp với các quan sát. Sự tương trợ qua lại này thể hiện một hình thức hợp tác làm việc sâu (thường phổ biến trong môi trường học thuật) thúc đẩy những gì mà tôi gọi là hiệu ứng bảng trắng. Đối với một số loại vấn đề, trao đổi bảng trắng có thể thúc đẩy bạn tập trung sâu hơn khi làm việc một mình. Sự xuất hiện của một bên khác đang đợi sáng kiến mới từ bạn – có thể là ai đó có mặt trong phòng hay thực sự muốn hợp tác với bạn – có thể hạn chế bản năng tự nhiên muốn trốn tránh làm việc sâu của bạn.

Giờ thì chúng ta có thể trở lại và đưa ra một số kết luận thực tiễn về vai trò của sự hợp tác khi làm việc sâu. Thành công của Tòa nhà số 20 và Bell Labs cho thấy làm việc sâu hiệu quả không hẳn đồng nghĩa với sự tách biệt. Thật vậy, những trường hợp kể trên đã chỉ ra rằng đối với nhiều loại hình công việc – đặc biệt là trong quá trình sáng tạo – thì hợp tác cùng làm việc sâu có thể mang lại kết quả tốt hơn. Do đó, chiến lược này đòi hỏi bạn phải cân nhắc các lựa chọn xem cách tốt nhất để kết hợp sự chuyên sâu với công việc là gì. Nếu làm vậy, hãy nhớ kỹ hai hướng dẫn dưới đây.

Thứ nhất, phân tâm vẫn là một yếu tố cản trở sự chuyên sâu. Do đó, mô hình trục bánh xe-và-nan hoa là một mẫu thử quan trọng. Hãy tách việc theo đuổi những cuộc gặp gỡ tình cờ ra khỏi những nỗ lực tư duy sâu và bắt đầu từ những nguồn cảm hứng này. Bạn nên cố gắng tối ưu hóa từng nỗ lực riêng biệt, thay vì gộp chúng lại với nhau thành một đống hỗn độn gây cản trở cho cả hai mục tiêu.

Thứ hai, dù có ẩn mình để tập trung tư duy sâu, bạn cũng đừng quên tận dụng hiệu ứng bảng trắng nếu có cơ hội. Khi làm việc với người khác về một vấn đề nào đó, cả hai bên đều có thể thúc đẩy lẫn nhau để hướng tới mức độ chuyên sâu hơn, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hơn so với khi làm việc một mình.

Nói cách khác, hãy cân nhắc tới việc hợp tác với ai đó khi làm việc sâu nếu có cơ hội để nâng kết quả của bạn lên một tầm cao mới. Đồng thời, đừng quá đề cao việc tìm kiếm sự tương tác và tính ngẫu nhiên tích cực tới mức chỉ chăm chăm vào việc tập trung không gián đoạn, mà hãy cố gắng chắt lọc những thứ hữu ích từ các ý tưởng xung quanh chúng ta.

Các nguyên tắc thực thi

Đây là câu chuyện đã trở thành huyền thoại trong giới tư vấn kinh doanh. Vào giữa những năm 1990, Giáo sư Clayton Christensen thuộc trường Kinh doanh Harvard đã nhận được cuộc gọi từ Andy Grove, CEO kiêm Chủ tịch của Intel. Grove đã xem qua nghiên cứu của Christensen về đổi mới mang tính đột phá và đề nghị ông bay tới California để thảo luận về ý nghĩa của học thuyết này đối với Intel. Khi đến nơi, Christensen điểm qua vài nét cơ bản về sự đột phá: Các công ty bảo thủ thường bị các công ty mới khởi nghiệp hạ bệ bất ngờ bằng việc cung cấp các dịch vụ giá rẻ ở thị trường cấp thấp, nhưng sau đó, theo thời gian, họ sẽ cải thiện sản phẩm giá rẻ vừa đủ để chiếm lĩnh thị phần sản phẩm cao cấp. Grove nhận ra rằng Intel cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa này từ các bộ vi xử lý chất lượng thấp do các công ty mới nổi như AMD và Cyrix sản xuất. Nhờ ý thức được về sự đột phá, Grove đã nghĩ ra chiến lược tạo ra dòng vi xử lý Celeron – dòng chip cấp thấp đã giúp Intel vượt qua thách thức thành công.

Tuy nhiên, có một điều mà ít ai biết trong câu chuyện này. Christensen nhớ lại, trong lúc tạm nghỉ giữa cuộc họp, Grove đã hỏi ông: “Tôi phải làm sao để thực hiện được điều này?” Christensen đáp lại bằng một thảo luận về chiến lược kinh doanh, giải thích cách Grove có thể thiết lập một đơn vị kinh doanh mới. Grove đã cắt ngang lời ông bằng một câu trả lời cộc cằn: “Anh đúng là một học giả ngây thơ. Tôi hỏi anh làm sao để thực hiện được điều đó, nhưng anh lại nói với tôi những gì tôi nên làm. Tôi biết mình cần phải làm gì. Chỉ là tôi không biết mình phải làm như thế nào mà thôi.”

Sau đó, Christensen đã giải thích, ranh giới giữa làm gì và làm thế nào rất quan trọng nhưng nó lại thường bị lờ đi trong công việc. Xác định chiến lược cần thiết để đạt được mục tiêu thường rất đơn giản, nhưng vấn đề nằm ở chỗ các công ty lại không thể xác định cách tiến hành các chiến lược đã được xác định. Tôi tình cờ đọc được câu chuyện này trong lời tựa Christensen viết cho cuốn The 4 Disciplines of Execution (tạm dịch: Bốn nguyên tắc thực thi), xây dựng dựa trên các nghiên cứu tình huống tư vấn mở rộng để mô tả “bốn nguyên tắc” (viết tắt là 4NT) giúp các công ty triển khai thành công những chiến lược cấp cao. Điều khiến tôi ấn tượng sau khi đọc xong là khoảng cách giữa những gì cần làmvà cách làm liên quan đến việc tìm kiếm thêm nhiều thời gian để làm việc sâu. Cũng như Grove đã xác định được tầm quan trọng của việc cạnh tranh trên thị trường sản phẩm cấp thấp, tôi cũng xác định tầm quan trọng của việc phải ưu tiên sự chuyên sâu. Điều tôi cần là tìm ra cách thực hiện chiến lược này.

Bị lôi cuốn bởi những điểm tương đồng này, tôi đã đặt ra mục tiêu thích ứng với khuôn khổ 4NT dành cho thói quen làm việc cá nhân của mình và vô cùng ngạc nhiên khi thấy chúng đã chứng minh được tính hữu dụng trong việc thúc đẩy tôi hướng tới hành động hiệu quả nhằm triển khai mục tiêu làm việc sâu. Có thể những ý tưởng này đã được gọt giũa để phù hợp với những công ty lớn, nhưng các khái niệm cơ bản của chúng có vẻ vẫn hữu hiệu khi chúng ta cần thực hiện các nhu cầu quan trọng dù phải đối mặt với sự cạnh tranh và tác nhân gây rối. Với suy nghĩ đó, trong các phần sau, tôi sẽ tóm tắt bốn nguyên tắc trong khuôn khổ 4NT và ở mỗi nguyên tắc, tôi sẽ mô tả kinh nghiệm của bản thân trong từng trường hợp phát triển thói quen làm việc sâu.

Nguyên tắc số 1: Tập trung vào những gì tối quan trọng

Các tác giả của The 4 Disciplines of Execution giải thích rằng: “Bạn càng cố gắng thực hiện điều gì thì càng khó thực hiện điều đó.” Họ cho rằng bạn chỉ nên thực hiện một số lượng nhỏ “những mục tiêu tối quan trọng”. Sự đơn giản này sẽ giúp một tổ chức tập trung năng lượng vừa đủ để tạo ra kết quả thực sự.

Đối với cá nhân tập trung làm việc sâu, hàm ý ở đây là bạn chỉ nên theo đuổi ít tham vọng để có thời gian làm việc sâu. Nếu chỉ nói chung chung rằng “phải dành thêm nhiều thời gian để làm việc sâu” thì chưa đủ để thúc đẩy sự nhiệt tình. Thay vào đó, đặt ra mục tiêu cụ thể sẽ rất có lợi cũng như sẽ tạo ra nhiệt huyết sâu sắc hơn trong công việc. Trong một bài báo năm 2014 có tựa đề “The Art of Focus” (tạm dịch: Nghệ thuật tập trung), David Brooks đã ủng hộ cách tiếp cận này đối với các mục tiêu tham vọng hướng tới hành vi tập trung, ông giải thích rằng: “Nếu bạn muốn chuyên tâm chú ý, đừng cố nói ‘Không’ với những tác nhân gây sao lãng thông thường; mà hãy cố gắng nói ‘Có’ với những gì khơi dậy sự khao khát, và để sự khao khát đó thu hút mọi thứ khác.”

Ví dụ, khi lần đầu trải nghiệm 4NT, tôi đã đặt ra mục tiêu quan trọng cụ thể là xuất bản năm bài báo thú vị được hội đồng chuyên môn bình duyệt trong năm tới. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, vì con số đặt ra còn nhiều hơn cả những gì tôi đã xuất bản và giành được phần thưởng đi kèm (đánh giá nhiệm kỳ sắp tới). Việc kết hợp hai thuộc tính này đã giúp tạo động lực thúc đẩy tôi tiến tới mục tiêu của mình.

Nguyên tắc số 2: Làm việc dựa trên các phép đo chỉ dẫn

Khi đã xác định được mục tiêu tối quan trọng, bạn cần phải đo lường mức độ thành công của mình. Trong 4NT, có hai loại phép đo: phép đo trễ và phép đo chỉ dẫn. Phép đo trễ mô tả điều bạn đang cố gắng cải thiện. Ví dụ: Nếu mục tiêu của bạn là làm tăng sự hài lòng của khách hàng với tiệm bánh, thì phép đo trễ liên quan là điểm hài lòng của khách hàng. Như các tác giả 4NT giải thích, vấn đề với phép đo trễ là khi thu về các chỉ số đo lường, đã quá muộn để thay đổi hành vi của bạn: “Khi bạn nhận được kết quả này thì mọi sự đã rồi.”

Trái lại, phép đo chỉ dẫn “đo lường hành vi mới sẽ thúc đẩy thành công dựa trên các phép đo trễ”. Trong ví dụ về tiệm bánh, phép đo chỉ dẫn hiệu quả có thể là số lượng khách hàng nhận hàng dùng thử miễn phí. Đây là con số bạn có thể tăng lên trực tiếp bằng cách đưa ra nhiều mẫu hơn. Khi bạn gia tăng con số này, phép đo trễ của bạn sẽ được cải thiện. Nói cách khác, phép đo chỉ dẫn hướng sự chú ý của bạn sang việc cải thiện hành vi trực tiếp ảnh hưởng đến tương lai gần, thứ sẽ có tác động tích cực đến mục tiêu dài hạn của bạn.

Đối với cá nhân tập trung làm việc sâu, thật dễ dàng để xác định phép đo chỉ dẫn thích hợp: Thời gian ở trạng thái làm việc sâu nhằm hướng tới mục tiêu tối quan trọng. Hãy trở lại với ví dụ của tôi, hiểu biết này có tác động quan trọng đến cách tôi điều hướng nghiên cứu học thuật của mình. Tôi từng tập trung vào các phép đo trễ, chẳng hạn như các bài báo được xuất bản mỗi năm. Tuy nhiên, những phép đo này đều không ảnh hưởng gì đến hành vi hằng ngày của tôi, bởi chỉ trong một thời gian ngắn, tôi chẳng thể làm gì để có thể lập tức tạo ra sự thay đổi đáng kể cho vấn đề dài hạn này. Nếu chuyển sang bám sát giờ làm việc sâu, các phép đo này sẽ đột nhiên có liên quan đến từng ngày của tôi: Mỗi giờ làm việc sâu thêm sẽ ngay lập tức được phản ánh qua số điểm.

Nguyên tắc số 3: Duy trì bảng điểm hấp dẫn

Các tác giả 4NT giải thích rằng: “Mọi người sẽ thay đổi cách làm việc nếu họ ghi lại và theo dõi điểm số.” Khi cố gắng thúc đẩy nhóm triển khai mục tiêu tối quan trọng của tổ chức, nhất định phải có một nơi công khai ghi lại và theo dõi các phép đo chỉ dẫn của họ. Bảng điểm này tạo cảm giác cạnh tranh, khiến họ tập trung vào các phép đo dù có bị các nhu cầu khác thu hút. Nó cũng làm gia tăng động lực. Khi nhận ra thành công bắt nguồn từ phép đo chỉ dẫn, mọi người sẽ tập trung nỗ lực để làm tốt hơn.

Trong nguyên tắc trước, tôi đã lập luận rằng đối với cá nhân tập trung làm việc sâu, giờ làm việc đó là phép đo chỉ dẫn. Do đó, bảng điểm của cá nhân phải là một vật thể trong không gian làm việc, hiển thị số giờ làm việc sâu hiện tại của người đó.

Trong các thử nghiệm ban đầu với 4NT, tôi đã đưa ra một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để thực hiện bảng điểm này. Tôi lấy một tấm thẻ và chia nó thành các hàng, mỗi hàng là một tuần của học kỳ hiện tại. Sau đó, tôi gắn tên mỗi hàng với các ngày trong tuần và dán nó cạnh màn hình máy tính (nơi tôi không thể ngó lơ). Mỗi tuần trôi qua, tôi lại theo dõi số giờ đã dành để làm việc sâu trong tuần đó bằng một dấu tích đơn giản vào hàng của tuần đó. Để tối đa hóa động lực được tạo ra từ bảng điểm này, cứ khi nào đạt được một mốc quan trọng trong công việc (ví dụ như giải quyết một vấn đề hóc búa), tôi sẽ khoanh tròn đánh dấu tương ứng với số giờ tôi đã hoàn thành.34 Điều này nhằm hai mục đích. Thứ nhất, nó cho phép tôi kết nối các giờ làm việc sâu lũy kế với kết quả hữu hình. Thứ hai, nó giúp hiệu chỉnh kỳ vọng của tôi với số giờ làm việc sâu cần thiết cho từng kết quả. Thực tế này (còn lớn hơn so với những gì tôi nghĩ lúc đầu) đã thúc đẩy tôi làm việc sâu nhiều hơn.

Nguyên tắc số 4: Có trách nhiệm giải trình thường xuyên

Các tác giả của 4NT cho biết thêm rằng bước cuối để duy trì sự tập trung vào phép đo chỉ dẫn là: “Các nhóm đang hướng tới mục tiêu tối quan trọng cần thường xuyên tổ chức các cuộc họp”. Tại những cuộc họp này, các thành viên trong nhóm phải đối chiếu bảng điểm, cam kết các hành động cụ thể giúp cải thiện điểm số trước khi cuộc họp tiếp theo diễn ra và trình bày kết quả các cam kết đã thực hiện được tại cuộc họp trước đó. Họ lưu ý rằng đánh giá này có thể được tóm gọn chỉ trong vài phút, nhưng phải được tiến hành thường xuyên để đạt hiệu quả. Các tác giả cho rằng điều này sẽ hình thành nên kỷ luật để các nhóm có thể “nghiêm túc thực hiện” hành động.

Các cá nhân tập trung vào thói quen làm việc sâu của riêng mình có thể sẽ không có hội nhóm để tiến hành cuộc họp, nhưng điều này không có nghĩa là bạn không cần phải chịu trách nhiệm giải trình thường xuyên. Ở nhiều phần trong cuốn sách này, tôi đã thảo luận và đề xuất thói quen đánh giá hằng tuần, trong đó bạn phải lập kế hoạch cho tuần làm việc tiếp theo (xem Quy tắc số 4). Trong suốt quá trình trải nghiệm với 4NT, tôi đã sử dụng đánh giá hằng tuần để xem xét bảng điểm, ghi nhớ những tuần xuất sắc nhằm tìm ra điều gì đã dẫn đến những tuần kém hiệu quả và quan trọng nhất là tìm ra cách đảm bảo có được điểm số cao cho những ngày sắp tới. Điều này đã giúp tôi điều chỉnh lịch trình nhằm đáp ứng nhu cầu của phép đo chỉ dẫn, từ đó rút kinh nghiệm để làm việc sâu hơn nữa.

Khung 4NT dựa trên tiền đề cơ bản là quá trình thực hiện thường khó khăn hơn quá trình lập chiến lược. Sau khi nghiên cứu hàng trăm trường hợp điển hình, các tác giả đã tách biệt được một vài nguyên tắc kỷ luật cơ bản có vẻ đặc biệt hiệu quả để khắc phục khó khăn này. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những nguyên tắc này đều có tác động như nhau đến mục tiêu cá nhân khi nuôi dưỡng thói quen làm việc sâu.

Để đi tới kết luận, hãy cùng xem lại ví dụ của tôi một lần nữa. Như đã đề cập, khi lần đầu tiếp cận 4NT, tôi đã đặt ra mục tiêu xuất bản năm bài báo được giới chuyên môn đánh giá cao trong năm học 2013-2014. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng khi tôi chỉ mới xuất bản được bốn bài báo vào năm trước (một kỳ tích mà tôi vẫn luôn tự hào). Trong suốt quá trình trải nghiệm 4NT, sự rõ ràng của mục tiêu cùng phản hồi đơn giản nhưng dễ nhận thấy từ bảng điểm của phép đo chỉ dẫn đã thúc đẩy tôi đạt đến mức độ chuyên sâu chưa từng có. Nhìn lại thì đó không phải là vì tôi đã tăng cường độ làm việc sâu lên quá nhiều, mà thay vào đó, tôi thực hiện thói quen này thường xuyên. Thói quen 4NT giúp tâm trí tôi tập trung suốt cả năm. Khi kết thúc quá trình, tôi phải thừa nhận đó quả là một năm đầy mệt mỏi (đặc biệt là khi đó tôi cũng đang viết cuốn sách này). Nhưng hóa ra, nó cũng là minh chứng đầy thuyết phục cho khuôn khổ 4NT: Chỉ trong mùa hè năm 2014, tôi đã có chín bài báo được phê duyệt xuất bản, tăng gấp đôi so với những gì tôi đã đạt được trong các năm trước đó.

Sự biếng nhác

Trong một bài viết năm 2012 được đăng trên blog của New York Time, nhà viết tiểu luận kiêm họa sĩ vẽ tranh biếm họa Tim Kreider đã tự giới thiệu về bản thân theo cách rất ấn tượng: “Tôi không phải là người bận rộn. Tôi là người có tham vọng lười biếng nhất mà tôi biết.” Kreider đã chán ngán với công việc bận tối mắt tối mũi trong suốt nhiều tháng nên mới thốt lên như vậy. Dưới đây là những gì ông mô tả về giai đoạn này: “Tôi đã âm thầm bắt đầu, do yêu cầu công việc mà trở nên bận rộn… mỗi sáng, hộp thư đến của tôi luôn chất đầy e-mail yêu cầu tôi làm những việc tôi không muốn hay đề cập đến những vấn đề mà mình phải giải quyết ngay lúc đó.”

Giải pháp của ông là gì ư? Ông sẽ đi đến nơi mà ông gọi là “căn cứ bí mật”: một nơi không có ti-vi, không có Internet (Ông sẽ phải đạp xe đến thư viện địa phương nếu muốn lên mạng) và là nơi ông có thể không cần thực hiện những yêu cầu lắt nhắt phiền toái tuy có vẻ vô hại nhưng dồn lại thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới thói quen làm việc sâu. Nói về sự ẩn mình đó, Kreider cho biết: “Tôi vẫn nhớ những cây mao lương hoa vàng, những con bọ xít và các vì sao. Tôi đã đọc. Và cuối cùng, lần đầu tiên trong suốt nhiều tháng, tôi đã viết xong một tác phẩm hoàn chỉnh thực sự.”

Điều quan trọng chúng ta cần lưu ý ở đây là: Kreider không phải là Thoreau. Ông đã không chạy trốn khỏi thế giới bận rộn để nhấn mạnh phê phán xã hội phức tạp. Việc ông chuyển đến căn cứ bí mật xuất phát từ sự thấu đạt thực tế đáng ngạc nhiên rằng: Việc đó giúp ông làm việc hiệu quả hơn. Dưới đây là lời giải thích của Kreider:

Sự biếng nhác không chỉ là kỳ nghỉ xả hơi, mà nó còn là sự nuông chiều bản thân hay một tật xấu; nó là yếu tố không thể thiếu đối với não bộ hệt như vitamin D đối với cơ thể và khi bị tước đoạt nó, chúng ta sẽ thấy đau khổ vô cùng. Thật ngược đời, đó lại là điều cần thiết để hoàn thành công việc.

Tất nhiên, hoàn thành công việc ở đây không phải là các công việc hời hợt. Hầu như lúc nào cũng vậy, càng dành nhiều thời gian đắm mình vào những công việc hời hợt thì bạn càng lún sâu vào những việc đó. Tuy nhiên, với tư cách là một nhà văn, Kreider lại quan tâm đến làm việc sâu – những nỗ lực nghiêm túc trong việc tạo ra các tác phẩm có giá trị cho đời. Ông cho rằng để có được những nỗ lực này, chúng ta cần phải có một tâm trí thường xuyên được thả lỏng thư giãn.

Chiến lược này cho rằng bạn nên tuân theo chỉ dẫn của Kreider bằng cách thường xuyên dành cho bản thân một khoảng tự do đáng kể để thoát khỏi những ràng buộc trong công việc hằng ngày, tạo ra sự nhàn rỗi một cách nghịch lý chính là điều cần thiết để hoàn thành công việc. Có nhiều cách để đạt được mục tiêu này. Ví dụ, bạn có thể lánh xa thế giới như Kreider bằng cách ẩn nấp trong “căn cứ bí mật”, nhưng không phải ai cũng thực hiện được điều này. Thay vào đó, tôi muốn đề xuất một cách thức táo bạo nhưng khả thi hơn: Vào cuối ngày làm việc, hãy ngừng lo lắng về công việc cho đến sáng hôm sau – không kiểm tra e-mail sau bữa tối, không trò chuyện tán gẫu và không lên kế hoạch để xử lý các thách thức sắp tới; hãy hoàn toàn cắt đứt dòng suy nghĩ về công việc. Nếu cần thêm thời gian, hãy kéo dài ngày làm việc của mình, nhưng sau khi ngừng làm việc, tâm trí bạn phải dành trọn vẹn cho những cây mao lương hoa vàng, những con bọ xít và các vì sao giống như Kreider.

Trước khi mô tả một số chiến thuật bổ trợ cho chiến lược này, tôi muốn tìm hiểu lý do tại sao ngừng làm việc sẽ có lợi cho khả năng tạo ra sản phẩm đầu ra có giá trị. Dĩ nhiên, đó là nhờ Tim Kreider đã tự thân cố gắng, nhưng chúng ta vẫn nên dành thời gian để tìm hiểu về lĩnh vực khoa học đằng sau giá trị của thời gian nghỉ ngơi. Một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng hơn đã đưa ra ba lời giải thích thỏa đáng cho giá trị này như sau.

Lý do số 1: Thời gian nghỉ ngơi sẽ bổ trợ cho những suy nghĩ quan trọng

Hãy xem đoạn trích dưới đây được trích từ một bài báo xuất hiện trên tạp chí Science năm 2006:

Hàng trăm năm qua, các tài liệu khoa học đã nhấn mạnh lợi ích của việc cân nhắc kỹ càng khi đưa ra quyết định... Vấn đề đặt ra ở đây là liệu điều này có được xem là hợp lý hay không. Chúng ta hãy giả sử rằng câu trả lời là “Không”.

Ẩn trong tuyên bố nhạt nhẽo này là một khẳng định táo bạo. Các tác giả của nghiên cứu này, dẫn đầu là nhà tâm lý học người Hà Lan, Ap Dijksterhuis, đã đưa ra các luận điểm chứng minh rằng có những quyết định tốt hơn là hãy để cho vô thức giải quyết. Nói cách khác, việc chủ động tính toán để đưa ra các quyết định sẽ dẫn đến kết quả tồi tệ hơn là cập nhật các thông tin liên quan rồi chuyển sự chú ý sang một điều gì đó và để cho các tầng tư duy tiềm thức xử lý mọi việc.

Nhóm của Dijksterhuis đã tách biệt hiệu ứng này bằng cách cung cấp thông tin cần thiết cho các đối tượng đang phải quyết định mua ô tô. Một nửa số đối tượng được yêu cầu nghiên cứu thông tin rồi đưa ra quyết định tốt nhất. Nửa còn lại bị phân tâm bởi các câu đố dễ dàng sau khi đọc thông tin, rồi phải đưa ra quyết định mà không có thời gian để suy nghĩ một cách có ý thức. Cuối cùng, nhóm bị phân tâm lại đưa ra quyết định đúng đắn hơn.

Quan sát các thí nghiệm của Dijksterhuis và cộng sự về việc giới thiệu thuyết tư duy theo tiềm thức (unconscious thought theory – UTT), ta có thể thấy nỗ lực trong việc hiểu được vai trò khác nhau giữa trạng thái có ý thức và tiềm thức khi đưa ra quyết định. Xét ở cấp độ cao, lý thuyết này đề xuất rằng đối với những quyết định yêu cầu áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt, con người sẽ phải dùng tới tư duy có ý thức. Ví dụ, nếu cần thực hiện một phép tính, chỉ có ý thức của bạn mới có thể tuân theo các quy tắc số học để cho ra kết quả chuẩn xác. Mặt khác, đối với các quyết định liên quan đến lượng thông tin lớn và mơ hồ chưa rõ, thậm chí còn nhiều mâu thuẫn và hạn chế, thì tư duy tiềm thức là lựa chọn thích hợp. UTT đưa ra giả thuyết rằng, điều này là do thực tế vùng não có nhiều luồng truyền tải tế bào thần kinh hơn, cho phép chúng truyền tải và sàng lọc được nhiều thông tin thông qua các giải pháp tiềm năng hơn các trung tâm tư duy có ý thức. Theo lý thuyết này, tư duy trong vô thức giống như một máy chiếc tính tại nhà mà bạn có thể chạy các chương trình đã được lập trình cẩn thận nhằm biến những câu trả lời chính xác thành các vấn đề hạn chế, trong khi tư duy tiềm thức lại giống như các trung tâm dữ liệu rộng lớn của Google, trong đó các thuật toán thống kê sẽ phân tích hàng nghìn tỷ byte thông tin chưa được cấu trúc, đưa ra các giải pháp hữu ích đáng ngạc nhiên cho những câu hỏi khó.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng việc cung cấp thời gian nghỉ ngơi cho não bộ có ý thức sẽ cho phép tư duy tiềm thức giải quyết những thách thức phức tạp nhất trong công việc. Do đó, nghỉ ngơi không nhất thiết là phải giảm lượng thời gian làm việc hiệu quả mà thay vào đó, bạn có thể đa dạng hóa hình thức làm việc.

Lý do số 2: Thời gian nghỉ ngơi giúp bạn hồi phục năng lượng cần thiết để làm việc sâu

Một bài báo được trích dẫn trên tạp chí Psychological Science năm 2008 đã mô tả một thí nghiệm đơn giản. Đối tượng tham gia được chia thành hai nhóm. Một nhóm được yêu cầu đi bộ trên con đường rậm rạp trong khu vườn thực vật gần Ann Arbor, Michigan. Nhóm còn lại được đưa đi dạo tại khu trung tâm thành phố nhộn nhịp. Cả hai nhóm đều được giao nhiệm vụ hạn chế quãng số đếm ngược. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm đi giữa thiên nhiên đã thực hiện tốt hơn tới 20% nhiệm vụ. Lợi thế khi đi trong môi trường tự nhiên vẫn được duy trì ở tuần tiếp theo khi các nhà nghiên cứu thực hiện trên cùng đối tượng và di chuyển vị trí: Con người không phải là yếu tố quyết định tới kết quả nhưng liệu họ có cơ hội được đi dạo trong rừng như vậy không?

Hóa ra, nghiên cứu này là một trong nhiều nghiên cứu xác nhận lý thuyết phục hồi sự chú ý (attention restoration theory – ART), khẳng định rằng việc dành thời gian để hòa mình vào thiên nhiên có thể giúp cải thiện khả năng tập trung của con người. Lý thuyết này được Rachel Kaplan và Stephen Kaplan, hai nhà tâm lý thuộc Đại học Michigan, đề xuất lần đầu vào những năm 1980 (sau đó, đồng tác giả Stephen Kaplan đã tiếp tục nghiên cứu cùng Marc Berman và John Jonides vào năm 2008), dựa trên khái niệm về sự suy giảm chú ý. Lý thuyết tập trung vào những điều mà ART gọi là sự chú ý được điều hướng. Nguồn năng lượng này rất hữu hạn; nếu sử dụng hết, bạn sẽ phải cố gắng tập trung. (Theo mục đích hiện tại, có thể coi điều này giống với việc dự trữ năng lượng có hạn của Baumeister mà chúng ta đã thảo luận trong phần giới thiệu về quy tắc này.35) Nghiên cứu năm 2008 cho thấy việc đi lại trên các cung đường thành phố nhộn nhịp đòi hỏi bạn phải sử dụng sự chú ý được điều hướng, khi bạn phải điều hướng các tác vụ phức tạp như cân nhắc xem khi nào nên băng qua đường an toàn, khi nào cần luồn lách qua nhóm khách du lịch chậm chạp đang tụ tập trên vỉa hè. Chỉ sau khoảng 50 phút điều hướng tập trung như thế, sự chú ý của chúng ta sẽ giảm đi.

Ngược lại, việc đi bộ giữa thiên nhiên sẽ cho bạn thấy được những gì mà tác giả hàng đầu Marc Berman gọi là “sự kích thích hấp dẫn vốn có”. Chúng ta hãy lấy các buổi hoàng hôn làm ví dụ. Những kích thích này “gợi lên sự chú ý một cách khiêm tốn, tạo cơ hội để bổ sung các cơ chế tập trung chú ý”. Nói cách khác, khi đi bộ giữa thiên nhiên, bạn không cần phải điều hướng sự chú ý vì có rất ít trở ngại phân tán sự chú ý của bạn (như việc phải vượt qua các đám đông trên phố chẳng hạn), đồng thời bạn còn được trải qua những tác nhân kích thích thú vị giúp tâm trí khoáng đạt, không cần phải điều khiển sự chú ý. Trạng thái này củng cố hơn nữa sự chú ý được điều hướng. Các đối tượng sẽ tăng mức độ tập trung sau 50 phút bổ sung đó.

(Tất nhiên, bạn có thể cho rằng việc được ở ngoài trời ngắm hoàng hôn sẽ khiến mọi người có tâm trạng tốt hơn, từ đó giúp họ thực hiện suôn sẻ các nhiệm vụ. Nhưng trong tình huống thách thức hơn, các nhà nghiên cứu đã rút ra kết luận bằng cách lặp lại thí nghiệm trong mùa đông khắc nghiệt ở Ann Arbor. Đi bộ ngoài trời trong điều kiện thời tiết lạnh thấu xương không thể khiến các đối tượng có tâm trạng tốt được, nhưng rốt cuộc họ vẫn kết thúc các nhiệm vụ một cách tốt đẹp.)

Quan trọng là chúng ta đã thấy được tác động của ART vượt ra ngoài lợi ích của thiên nhiên. Cơ chế cốt lõi của lý thuyết này nằm ở chỗ bạn có thể khôi phục khả năng điều hướng sự chú ý của mình nếu tạm dừng hoạt động để nghỉ ngơi. Đi bộ giữa thiên nhiên luôn mang đến tinh thần đó, nhưng vẫn còn rất nhiều hoạt động thư giãn khác dành cho bạn, miễn là chúng mang lại những “kích thích hấp dẫn vốn có” tương tự và không phải điều hướng sự tập trung. Trò chuyện tếu táo với bạn bè, nghe nhạc trong khi chế biến bữa tối, chơi với các con, chạy bộ... sẽ giúp bạn hồi phục sự chú ý tương tự như khi đi dạo giữa thiên nhiên vậy.

Mặt khác, nếu tiếp tục làm gián đoạn buổi tối của mình bằng việc kiểm tra và trả lời e-mail, hoặc dành vài giờ sau bữa tối để tranh thủ làm việc cho kịp thời hạn, thì bạn chính là người đang kiểm soát trung tâm của sự chú ý trực tiếp. Ngay cả khi những hoạt động này chỉ tốn chút thời gian, chúng cũng sẽ cản trở bạn đạt đến mức độ thư giãn sâu hơn nhằm phục hồi sự chú ý. Chỉ khi tự tin rằng mình đã hoàn thành công việc cho đến tận hôm sau, lúc đó bạn mới có thể thuyết phục não bộ tạm thời nghỉ ngơi để bắt đầu nạp năng lượng cho ngày mới. Nói cách khác, cố gắng tham lam xử lý nhiều việc hơn một chút vào buổi tối có thể khiến bạn giảm hiệu quả làm việc vào ngày hôm sau, do đó, bạn sẽ không thể hoàn thành được nhiều việc như khi bạn tôn trọng việc nghỉ ngơi.

Lý do số 3: Công việc mà thời gian rảnh rỗi buổi tối có thể thay thế được thường không quan trọng

Tranh luận cuối cùng về việc duy trì điểm kết thúc rõ ràng cho một ngày làm việc đòi hỏi chúng ta phải hiểu qua một chút về Anders Ericsson, cha đẻ của thuyết thực hành có chủ đích. Hãy nhớ lại Phần 1, thực hành có chủ đích là cố gắng phát huy khả năng với một kỹ năng nhất định theo cách có hệ thống. Đây là hoạt động cần thiết giúp bạn giỏi hơn trong lĩnh vực nào đó. Như tôi đã trình bày, làm việc sâu và thực hành có chủ đích là hai việc tương đối chồng chéo nhau. Mục đích ở đây là chúng ta có thể biến thực hành có chủ đích thành mục tiêu chung cho những nỗ lực đòi hỏi cao về nhận thức.

Trong bài báo có tiêu đề “The Role of Deliberate Practice in the Acquisition of Expert Performance” (tạm dịch: Vai trò của thực hành có chủ đích trong quá trình đạt được hiệu suất làm việc như chuyên gia) của Ericsson công bố năm 1993, ông đã dành hẳn một mục để tổng kết lại những gì mà tài liệu nghiên cứu chỉ ra về khả năng của một cá nhân trong công việc yêu cầu nhận thức. Ericsson lưu ý rằng, đối với những người chưa có kinh nghiệm, mỗi ngày họ chỉ có thể tập trung cao độ tối đa là một giờ, trong khi đối với các chuyên gia, con số này có thể kéo dài tới bốn giờ – nhưng lại hiếm gặp hơn.

Chẳng hạn, một trong các nghiên cứu đã liệt kê thói quen thường lệ của một nhóm người chơi violin ưu tú được đào tạo tại trường Unisversität der Künste của Berlin. Nghiên cứu cho thấy những người chơi violin giỏi dành trung bình khoảng ba tiếng rưỡi mỗi ngày để thực hành có chủ đích và thường được chia thành hai giai đoạn riêng biệt. Những người chơi kém lão luyện hơn sẽ dành ít thời gian hơn trong trạng thái chuyên sâu.

Những kết quả này cho thấy khả năng làm việc sâu trong một ngày nhất định là có giới hạn. Nếu cẩn thận với lịch trình của mình (ví dụ, sử dụng loại hình chiến lược năng suất được mô tả trong Quy tắc số 4), bạn nên chú trọng tới năng lực làm việc sâu trong suốt thời gian làm việc ban ngày. Như vậy, vào buổi tối, bạn sẽ vượt ngưỡng có thể tiếp tục làm việc sâu hiệu quả. Do đó, bất cứ công việc nào bạn làm vào buổi tối đều không phải là loại hoạt động có giá trị nhằm thúc đẩy sự nghiệp; thay vào đó, nỗ lực của bạn có thể bị giới hạn trong các nhiệm vụ tầm phào mang giá trị thấp (được thực hiện với tốc độ chậm chạp, không tiêu tốn năng lượng). Nói cách khác, khi tạm thời bỏ qua các công việc buổi tối, bạn sẽ không bỏ lỡ nhiều việc quan trọng.

Ba lý do được mô tả trên đây đều hỗ trợ chiến lược chung nhằm duy trì điểm dừng chính xác cho ngày làm việc của bạn. Hãy chốt lại bằng cách hoàn thiện một số chi tiết cho việc triển khai quá trình này.

Để áp dụng thành công chiến lược này, trước tiên bạn phải chấp nhận cam kết rằng khi ngày làm việc đã kết thúc, bạn không được phép để những mối bận tâm liên quan đến nghề nghiệp, dù là nhỏ nhất, xâm phạm vào lĩnh vực bạn đang cần chú ý. Đó có thể là các hoạt động như kiểm tra e-mail hay lướt các trang web có liên quan đến công việc. Trong cả hai trường hợp, dù chỉ là một sự xâm phạm chóng vánh, cũng có thể khiến bạn phân tâm nhiều hơn và làm giảm hiệu quả của thời gian nghỉ ngơi trong một thời gian dài (ví dụ, hầu hết mọi người đều quen với việc liếc nhìn thông báo e-mail vào sáng thứ Bảy, nó sẽ ám ảnh suy nghĩ của bạn suốt thời gian cuối tuần còn lại).

Một cam kết quan trọng khác để thành công với chiến lược này là tuân thủ thói quen nghỉ ngơi nghiêm ngặt khi đã kết thúc công việc trong ngày để tối đa hóa cơ hội thành công. Cụ thể hơn, thói quen này phải đảm bảo rằng mọi nhiệm vụ, mục tiêu hoặc dự án còn đang dang dở phải được rà soát và với mỗi hạng mục trong đó, bạn phải xác định được rằng: (1) Bạn có sẵn một kế hoạch để hoàn thành, (2) Nó được đặt vào một nơi phù hợp để bạn có thể trở lại khi cần. Quá trình này không khác nào một thuật toán với một loạt các bước cần thực hiện. Khi hoàn tất, hãy nghĩ ra một cụm từ nhằm thông báo bạn đã hoàn thành (tôi thường kết thúc nghi lễ bằng cách nói: “Đã xong”). Tuy bước cuối cùng nghe có vẻ sến sẩm, nhưng nó lại đưa ra một gợi ý đơn giản rằng bạn nên giải phóng những suy nghĩ liên quan đến công việc cho thời gian còn lại trong ngày.

Để đề xuất này trở nên cụ thể hơn, tôi sẽ trình bày sơ lược các bước trong nghi thức tạm dừng hoạt động của mình (tôi đã hình thành nghi thức này lần đầu trong quá trình viết luận án tiến sĩ và từ đó đến nay, tôi vẫn giữ được thói quen này dù theo cách này hay cách khác). Điều đầu tiên tôi làm là kiểm tra hộp thư đến lần cuối để đảm bảo rằng không có việc gì cấp bách trước khi kết thúc ngày làm việc. Tiếp theo, tôi chuyển nhiệm vụ mới đang lưu tâm trong đầu hoặc đã được phác thảo trước đó thành danh sách nhiệm vụ chính thức. (Tôi sử dụng Google Docs để lưu danh sách nhiệm vụ vì như vậy tôi có thể truy cập được mọi lúc mọi nơi.) Khi mở danh sách nhiệm vụ, tôi nhanh chóng lướt qua tất cả công việc trong danh sách, rồi giở lịch xem vài ngày tới. Hai hành động này nhằm đảm bảo tôi sẽ không quên bất kỳ công việc cấp bách nào hay bất kỳ hạn chót quan trọng nào. Kết thúc nghi thức, tôi sử dụng thông tin này để lập kế hoạch sơ bộ cho ngày hôm sau. Sau đó, tôi sẽ nói: “Nghỉ tay thôi” và mọi suy nghĩ về công việc đã được thực hiện luôn trong ngày.

Khái niệm về nghi thức nghỉ ngơi lúc đầu có vẻ mang tính cực đoan, nhưng đó cũng là bởi hiệu ứng Zeigarnik. Hiệu ứng này được đặt tên theo công trình thử nghiệm của Bluma Zeigarnik, nhà tâm lý học đầu thế kỷ XX. Nghiên cứu đã chỉ ra khả năng thống trị sự chú ý của các nhiệm vụ chưa hoàn thành. Qua đó, chúng ta biết rằng nếu dừng bất kỳ việc gì đang làm dở vào lúc 5 giờ chiều và tuyên bố: “Tôi đã xong việc cho hôm nay rồi”, bạn sẽ khó tách mình ra khỏi những suy nghĩ có liên quan đến công việc, bởi các nhiệm vụ chưa được giải quyết vẫn còn lởn vởn trong tâm trí bạn, như trong các thí nghiệm của Bluma Zeigarnik và chúng sẽ còn tiếp tục thu hút sự chú ý của bạn suốt buổi tối (một trận đấu không cân sức mà phần thắng thường không nghiêng về phía chúng ta).

Lúc đầu, thử thách này có vẻ khó chinh phục. Bất kỳ người lao động trí óc liên tục nào cũng có thể gặp tình trạngluôn tồn đọng các công việc chưa xử lý xong. Giá mà bạn có thể trải nghiệm cảm giác mọi thứ đã được giải quyết xong xuôi. May mắn thay, chúng ta không cần phải hoàn thành nhiệm vụ để được tống nó ra khỏi tâm trí. Giải pháp dành cho vấn đề này đã được nhà tâm lý học Roy Baumeister và E. J. Masicampo, hai tác giả của bài báo có tựa đề thú vị “Consider It Done!” (tạm dịch: “Cứ coi như đã xong đi!), đưa ra. Hai nhà khoa học mở đầu nghiên cứu bằng cách tái tạo hiệu ứng Zeigarnik trên các đối tượng được chọn (bằng cách giao nhiệm vụ rồi làm gián đoạn quá trình thực hiện), và nhận ra rằng họ có thể làm giảm đáng kể tác động của hiệu ứng bằng cách yêu cầu các đối tượng lên kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ dang dở ngay sau khi nó bị gián đoạn. Nghiên cứu viết: “Việc lên kế hoạch cụ thể cho một mục tiêu không chỉ tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu mà còn có thể giải phóng nguồn nhận thức đối với những mối quan tâm khác.”

Nghi thức nghỉ ngơi được mô tả trước đó cũng góp phần thúc đẩy chiến lược này đánh bại hiệu ứng Zeigarnik. Dù không ép bạn phải xác định rõ ràng kế hoạch cho từng nhiệm vụ trong danh sách (một yêu cầu rất nặng nề), nhưng nghi thức này cũng buộc bạn phải sát sao với từng nhiệm vụ trong danh sách chung, rồi xem lại các tác vụ này trước khi lên kế hoạch cho ngày hôm sau. Nghi thức này giúp đảm bảo sẽ không có nhiệm vụ nào bị bỏ sót: Các nhiệm vụ sẽ được xem xét hằng ngày và được giải quyết trong thời gian phù hợp. Nói cách khác, tâm trí bạn sẽ được giải phóng khỏi việc phải theo dõi tất cả nhiệm vụ mọi lúc mọi nơi – bởi nghi thức nghỉ ngơi đã đảm nhận trách nhiệm đó.

Nghi thức nghỉ ngơi có thể khiến bạn cảm thấy phiền toái vì phải mất thêm 10-15 phút cuối ngày làm việc (và đôi khi còn tốn nhiều thời gian hơn thế), nhưng nó là điều kiện cần để bạn thoát khỏi sự không hiệu quả có hệ thống được hình thành trước đó. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn sẽ phải mất một hoặc hai tuần trước khi hình thành thói quen này – đó cũng là khoảng thời gian để tâm trí bạn tin tưởng vào nghi thức này, đồng thời bạn có thể thực sự bắt đầu giải phóng bản thân khỏi những suy nghĩ có liên quan đến công việc vào buổi tối. Một khi bạn đã quen với nghi thức này, nó sẽ trở thành thói quen cố định trong cuộc sống của bạn – đến mức nếu không thực hiện các thói quen đó, bạn sẽ cảm thấy khó chịu.

Tôi đã dành hàng thập kỷ để nghiên cứu tâm lý học và tất cả nghiên cứu của tôi đều đi tới kết luận: Não bộ được nghỉ ngơi thường xuyên sẽ giúp cải thiện chất lượng làm việc sâu. Khi làm việc, hãy làm thật chăm chỉ. Khi làm xong, hãy hoàn tất. Thời gian trung bình phản hồi e-mail có thể bị ảnh hưởng, nhưng bạn sẽ được bù đắp nhiều hơn qua khối lượng lớn công việc thực sự quan trọng được giải quyết trong ngày, bởi bạn đã được tái tạo năng lượng tốt hơn so với các đồng nghiệp đã kiệt quệ năng lượng của mình.