Làm Ra Làm Chơi Ra Chơi

Chương ba Làm việc sâu có ý nghĩ

Ric Furrer là một thợ rèn. Ông rất giỏi các kỹ thuật luyện kim cổ đại và thời Trung cổ, những hiện vật được ông cẩn trọng tái tạo tại cửa tiệm của mình có tên là Door County Forgeworks. “Tôi làm thủ công mọi thứ và sử dụng các công cụ giúp gia tăng sức lực mà không hạn chế khả năng sáng tạo hay sự tương tác của tôi với vật liệu,” ông giải thích trong tuyên ngôn nghệ thuật23 của mình. “Có khi tôi phải đóng đến 100 nhát búa mới hoàn thành xong một đồ vật, nhưng nếu dùng một chiếc máy rèn cỡ lớn thì chỉ một phát là xong. Đây chính là sự đối lập trong mục tiêu của tôi và toàn bộ công việc của tôi là bằng chứng cho thấy chính đôi bàn tay này đã làm nên điều đó.”

Công việc của Furrer đã được nhắc đến trong một bộ phim tài liệu năm 2012 của hãng PBS. Theo đó, ông làm việc trong một nhà kho đã được chuyển đổi công năng ở vùng nông trang Wisconsin, cách Vịnh Sturgeon ở Hồ Michigan không xa. Furrer thường để ngỏ cửa trang trại (có thể là để thoát hơi nóng từ lò rèn), những cánh đồng trang trại kéo dài tới tận chân trời chính là minh chứng cho thành quả nỗ lực của ông. Tuy có khung cảnh thơ mộng nhưng công việc của ông thoạt trông lại có vẻ dữ dội. Bộ phim tài liệu đã ghi lại cảnh Furrer đang cố gắng tái tạo một thanh gươm thời Viking. Ông bắt đầu bằng việc áp dụng một kỹ thuật nấu chảy thép trong nồi nấu kim loại xuất hiện từ 500 năm trước để rèn một khối kim loại tinh khiết hiếm có. Kết quả là một khối phôi thép cỡ ba hay bốn chiếc điện thoại thông minh xếp chồng lên nhau. Khối phôi dày và đặc này sau đó được tạo hình và đánh bóng thành một thanh kiếm dài tinh tế.

“Phần này, cú nện đầu tiên ấy, quá tồi,” Furrer nói với ống kính máy quay khi nung nóng khối thép một cách bài bản, sau đó giáng búa, lật khối thép, giáng búa, rồi đưa nó trở lại ngọn lửa để bắt đầu rèn lại từ đầu. Người dẫn chuyện tiết lộ phải mất tám tiếng để công việc đóng búa này hoàn tất quá trình tạo hình. Tuy nhiên, khi chứng kiến Furrer làm việc, bạn sẽ cảm nhận được sự biến đổi trong quá trình lao động. Rõ ràng là ông không vất vả đóng kim loại như thợ mỏ cầm cuốc: Mỗi cú giáng tuy có lực song lại được kiểm soát cẩn thận. Ông nhìn chăm chú vào khối phôi qua cặp kính gọng mảnh (có vẻ lạc lõng với bộ râu rậm và bờ vai rộng của ông), thực hiện mỗi cú giáng búa một cách gọn lẹ. Ông giải thích: “Anh phải thật nhẹ nhàng với nó, nếu không nó sẽ nứt đấy.” Sau vài cú giáng nữa, ông nói thêm: “Anh phải thúc bằng khuỷu tay; từ từ định hình nó; rồi bắt đầu tận hưởng thành quả.”

Sau một nửa quá trình đúc kiếm, khi Furrer đã rèn khối phôi thành hình dạng mong muốn, ông bắt đầu xoay cẩn thận khối kim loại trong một cái máng hẹp chứa đầy than đang cháy. Khi ông nhìn chằm chằm vào thanh gươm, có gì đó kêu lách tách như báo hiệu: “Xong rồi!” Ông nâng thanh gươm được nhuộm đỏ vì nhiệt nung, giữ nó cách xa thân mình đồng thời sải bước mau lẹ về phía đường ống dầu và nhúng ngập lưỡi gươm trong đó để làm mát. Sau khi thở phào nhẹ nhõm vì lưỡi gươm không bị gãy thành từng mảnh – hiện tượng thường gặp ở bước này – Furrer nhấc nó ra khỏi ống dầu. Sức nóng còn sót lại của thanh kim loại khiến lớp dầu bùng cháy, cả thanh gươm được bọc trong ngọn lửa màu vàng. Furrer giơ thanh gươm đang rực cháy lên cao quá đầu và nhìn chăm chú một lúc trước khi thổi tắt ngọn lửa. Trong suốt quãng dừng ngắn ngủi này, sự xúc động hiện rõ trên gương mặt đang được ngọn lửa soi sáng.

Furrer giải thích: “Thực hiện đúng các công đoạn này là điều phức tạp nhất mà tôi biết. Chính cảm giác thử thách đó đã chi phối tôi. Tôi đâu cần một thanh gươm. Nhưng tôi phải đúc ra nó.”

Ric Furrer là một thợ thủ công bậc thầy, các tác phẩm đòi hỏi ông phải dành gần như cả ngày trong trạng thái chuyên sâu – chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình tập trung cũng có thể phá hỏng hàng chục giờ nỗ lực. Ông cũng tìm ra ý nghĩa lớn lao trong công việc. Làm việc sâu và một cuộc sống tốt đẹp có mối liên hệ hết sức mật thiết và được chấp nhận rộng rãi khi người ta quan sát thế giới của những người thợ thủ công. Matthew Crawford giải thích: “Sự hài lòng khi được bộc lộ bản thân thông qua năng lực thủ công là thứ giúp con người trở nên an yên và dễ chịu”. Và chúng ta nên tin ông.

Nhưng khi chúng ta dời sự chú ý sang công việc tri thức, thì mối liên hệ này lại trở nên mơ hồ. Một phần của vấn đề nằm ở sự rõ ràng. Những người thợ thủ công như Furrer thường phải đối mặt với những thử thách trong nghề tuy dễ định nghĩa nhưng lại khó thực hiện. Còn công việc tri thức lại đổi sự rõ ràng để lấy sự mơ hồ. Chúng ta khó có thể phân định rạch ròi những người lao động trí óc làm công việc gì và nó khác biệt như thế nào so với những công việc còn lại: Vào những ngày tệ nhất, có thể tất cả công việc tri thức đều quy về mớ e-mail và PowerPoint mệt mỏi, chỉ có bảng biểu dùng trong slide là giúp chúng ta phân biệt được công việc này với những công việc khác. Chính Furrer đã nhận ra sự nhạt nhẽo này khi ông viết: “Thế giới của siêu xa lộ thông tin và không gian mạng khiến tôi thấy nguội lạnh và chán ngán.”

Một vấn đề khác cũng khiến mối liên hệ giữa chiều sâu và ý nghĩa trong công việc tri thức trở nên mờ nhạt là sự không hòa hợp trong việc cố gắng thuyết phục những người lao động trí óc dành thêm thời gian cho các hoạt động hời hợt. Như đã trình bày tỉ mỉ trong chương trước, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên, nơi mọi thứ có liên quan tới mạng Internet đều mặc định được hiểu là tân tiến và cần thiết. Những hành vi phá vỡ chiều sâu như trả lời e-mail tức thì và sự hiện diện tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội lại được tán dương, trong khi tránh né những xu hướng này lại tạo ra sự ngờ vực. Sẽ chẳng ai đổ lỗi cho Ric Furrer vì không dùng Facebook, nhưng nếu một người lao động trí óc đưa ra quyết định tương tự, anh ta sẽ bị gắn mác là kẻ lập dị (theo kinh nghiệm của bản thân tôi).

Tuy mối liên hệ giữa chiều sâu và ý nghĩa trong công việc tri thức không rõ ràng nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại. Tôi viết chương này nhằm thuyết phục bạn rằng làm việc sâu cũng có thể tạo ra sự hài lòng trong nền kinh tế thông tin giống như cách nó đã làm được trong nền kinh tế thủ công. Trong những phần tiếp theo, tôi sẽ đưa ra ba lập luận để củng cố ý kiến này. Nhìn chung, những lập luận này đều đi theo quỹ đạo từ khái niệm hẹp đến rộng: bắt đầu từ quan điểm thần kinh, chuyển sang quan điểm tâm lý và kết thúc bằng quan điểm triết học. Tôi sẽ chứng minh rằng, dù tiếp cận vấn đề về chiều sâu và công việc tri thức từ góc độ nào, bạn vẫn có thể chạm đến mạch ý nghĩa giống nhau đã chi phối những người thợ thủ công như Ric Furrer bằng cách coi trọng sự chuyên sâu hơn là hời hợt. Vì vậy, luận điểm trong chương cuối của Phần 1 chính là: Một cuộc đời có chiều sâu không chỉ có lợi về mặt kinh tế, mà còn là một cuộc đời đáng sống.

Lập luận dựa trên quan điểm thần kinh học về chiều sâu

Cây bút chuyên viết về đề tài khoa học, Winifred Gallagher, đã đề cập tới mối liên hệ giữa sự chú ý và niềm hạnh phúc sau một sự kiện bất ngờ có phần đáng sợ: Bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư – “không chỉ là ung thư, mà còn là một dạng đặc biệt khó chữa và tương đối hiếm gặp”. Bà nhắc lại trong cuốn Rapt (tạm dịch: Say mê) xuất bản năm 2009 của mình, trong lúc đi ra khỏi bệnh viện sau khi được chẩn đoán, bà đã có một linh cảm đột ngột và mạnh mẽ: “Căn bệnh này muốn độc chiếm sự chú ý của tôi, nhưng thay vì thế, tôi sẽ tập trung vào cuộc sống của mình nhiều nhất có thể.” Việc điều trị ung thư sau đó rất mệt mỏi và tồi tệ, nhưng Gallagher không thể không nhận ra trong ngóc ngách nào đó của tâm trí được hun đắp bởi sự nghiệp viết truyện phi hư cấu của bà là cam kết tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống như “phim ảnh, đi bộ và một ly martini lúc 6 giờ 30 phút tối” lại có tác dụng đáng kinh ngạc. Cuộc sống của bà trong suốt giai đoạn này có thể đã chìm trong sợ hãi và khốn khổ, nhưng không, nó thường là niềm hứng khởi, như bà đã ghi lại.

Nó khơi gợi trí tò mò của bà, Gallagher bắt đầu hiểu rõ hơn vai trò của sự chú ý, chú ý lựa chọn tập trung vào đâu và bỏ qua điều gì, trong việc định nghĩa chất lượng cuộc sống của con người. Sau năm năm thực hiện các báo cáo khoa học, bà đã đi đến kết luận rằng bản thân bà chính là nhân chứng cho “lý thuyết hợp nhất quan trọng” của tâm trí:

Giống như những ngón tay trỏ vào mặt trăng, những môn học đa dạng, từ nhân chủng học, giáo dục, kinh tế học hành vi cho tới tư vấn gia đình, đều gợi ý rằng việc khéo léo quản lý sự chú ý là điều kiện tiên quyết để có một cuộc sống tốt đẹp, và đó cũng là chìa khóa để thực sự cải thiện mọi khía cạnh trải nghiệm của bạn.

Khái niệm này đã làm đảo lộn cách hầu hết mọi người vẫn nghĩ về trải nghiệm chủ quan trong cuộc sống. Chúng ta có khuynh hướng chú trọng đến hoàn cảnh của bản thân, đặt giả thiết rằng những gì xảy ra (hoặc không xảy ra) sẽ quyết định cảm giác của chúng ta. Từ góc độ này, những chi tiết ở quy mô nhỏ về cách bạn trải qua một ngày không còn quan trọng đến thế, bởi điều quan trọng là kết quả ở quy mô lớn, chẳng hạn như việc bạn có được thăng chức hay chuyển tới một căn hộ đẹp hơn không. Theo Gallagher, hàng thập kỷ nghiên cứu trước đây đã đi ngược lại với sự hiểu biết này. Thay vào đó, não bộ của chúng ta lại xây dựng thế giới quan dựa trên những điều ta chú ý. Nếu tập trung vào kết quả chẩn đoán ung thư, bạn và cuộc sống của bạn sẽ trở nên bất hạnh và tăm tối, nhưng ngược lại, nếu tập trung vào một ly martini buổi tối sẽ khiến bạn và cuộc sống của bạn trở nên thú vị hơn – dù hoàn cảnh trong cả hai trường hợp là như nhau. Theo Gallagher tổng kết: “Việc bạn là ai, bạn nghĩ gì, cảm thấy gì, làm gì và yêu thích điều gì chính là tổng hòa của những gì bạn tập trung.”

Trong Rapt, Gallagher đã tiến hành nghiên cứu khảo sát nhằm bổ trợ cho hiểu biết này về tâm trí. Ví dụ, bà trích lời của nhà tâm lý Barbara Fredrickson thuộc Đại học North Carolina, nhà nghiên cứu chuyên đánh giá nhận thức về cảm xúc. Nghiên cứu của Fredrickson cho thấy, sau khi trải qua một sự cố tồi tệ hay mang tính bước ngoặt trong cuộc đời, bạn thường chọn tập trung vào những thứ có thể tạo thành đòn bẩy đáng kể nhằm thúc đẩy thái độ của chính mình. Những lựa chọn đơn giản này có thể mang lại “nút khôi phục” cho cảm xúc của bạn. Bà đưa ra ví dụ về cặp đôi thường cãi cọ về chuyện phân chia việc nhà không công bằng. Bà gợi ý: “Thay vì tiếp tục chăm chăm chú ý tới sự ích kỷ và lười biếng của đối phương, bạn có thể tập trung vào sự thật rằng ít ra xung đột âm ỉ này cũng đã được phát tiết, đó là bước đầu để giải quyết vấn đề và tiến tới cải thiện tâm trạng.” Điều này có vẻ giống lời hô hào đơn giản hãy nhìn vào mặt tích cực, nhưng Fredrickson thấy rằng, việc sử dụng khéo léo những “đòn bẩy” cảm xúc này có thể tạo ra kết quả khả quan đáng kể sau những sự kiện tiêu cực.

Các nhà khoa học có thể quan sát tác động rồi đánh giá chúng dựa trên quan điểm thần kinh học. Nhà tâm lý thuộc Đại học Stanford, Laura Carstensen, là một ví dụ. Bà đã sử dụng máy quét fMRI để nghiên cứu hành vi của não bộ lên các đối tượng được biểu hiện dưới dạng ảnh ảo tích cực và tiêu cực, và khám phá ra rằng, ở những người trẻ, hạch hạnh nhân của họ (trung tâm của cảm xúc) được đốt cháy bằng hoạt động ở cả hai loại ảnh ảo; trong khi ở những người lớn tuổi, hạch hạnh nhân chỉ được đốt cháy nhờ những hình ảnh tích cực. Carstensen đưa ra giả thuyết rằng, những đối tượng lớn tuổi đã rèn luyện lớp vỏ não trước trán để nó có thể ức chế hạch hạnh nhân khi có tác động tiêu cực. Những người này không hạnh phúc hơn vì điều kiện sống của họ tốt hơn những người trẻ; mà là do họ đã tổ chức lại não bộ để bỏ qua sự tiêu cực và tận hưởng sự tích cực. Nhờ khéo léo quản lý sự chú ý của bản thân, họ đã cải thiện thế giới của mình mà không cần thay đổi bất kỳ điều gì cụ thể.

Giờ thì chúng ta có thể quay lại và sử dụng lý thuyết quan trọng của Gallagher để hiểu rõ hơn về vai trò của làm việc sâu trong quá trình tạo dựng cuộc sống tốt đẹp. Lý thuyết này nói rằng thế giới chính là kết quả được vun đắp từ những gì bạn chú ý, vì vậy, hãy thử nghĩ xem thế giới tinh thần của bạn sẽ ra sao khi bạn luôn cố gắng, nỗ lực hết mình. Làm việc sâu luôn có sức hấp dẫn và tầm quan trọng cố hữu – cho dù bạn là Ric Furrer đang rèn thanh gươm hay một lập trình viên máy tính đang tối ưu hóa một thuật toán. Do đó, lý thuyết của Gallagher dự đoán rằng nếu bạn dành đủ thời gian cho làm việc sâu, bạn sẽ biết rằng thế giới rất giàu ý nghĩa và quan trọng.

Tuy nhiên, còn có một lợi ích tiềm ẩn khác cũng không kém phần quan trọng trong việc xây dựng và duy trì sự tập trung suốt một ngày làm việc: Sự tập trung sẽ chặn đứng sự hời hợt và ngăn không cho bạn để tâm đến những điều nhỏ nhặt và không vui – những thứ luôn đeo bám và không ngừng xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta. (Nhà tâm lý Mihaly Csikszentmihalyi, người mà chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn trong phần tiếp theo, đã nhận ra điều này khi ông nhấn mạnh lợi ích của việc rèn luyện “tập trung cao độ tới mức bạn không còn chú ý đến bất kỳ điều gì không liên quan hay lo lắng về vấn đề nào khác”.)

Để giúp bạn hiểu rõ nhận xét này hơn, tôi sẽ lấy bản thân làm ví dụ. Hãy xem xét năm e-mail cuối cùng tôi đã gửi trước khi bắt đầu viết bản thảo đầu tiên của chương này. Dưới đây là những chủ đề của e-mail và tóm tắt nội dung của chúng:

• Trả lời: KHẨN CẤP: Xác nhận Đăng ký Thương hiệu calnewport. E-mail này là lời phản bác một trò lừa đảo tầm thường: Một công ty đang cố gắng lừa các chủ sở hữu trang web đăng ký tên miền của họ ở Trung Quốc. Tôi rất bực mình khi phải nhận thư rác liên tục, vì thế, tôi đã hơi mất bình tĩnh và trả lời họ (dĩ nhiên, đây là việc thật vô nghĩa) rằng chiêu lừa đảo này sẽ thuyết phục hơn nếu họ viết đúng chính tả từ “trang web”.

• Trả lời: S R. E-mail này là cuộc trò chuyện với một thành viên trong gia đình về một bài báo mà ông đã thấy trên tờ Wall Street Journal.

• Trả lời: Lời khuyên quan trọng. E-mail này là cuộc trò chuyện về chiến lược đầu tư hưu trí tối ưu.

• Trả lời: Chuyển tiếp: Study Hacks24. E-mail này là cuộc trao đổi về thời gian gặp gỡ một người bạn sẽ ghé thăm thành phố nơi tôi ở. Chúng tôi phải trao đổi qua lại nhiều lần để chốt thời gian vì lịch trình của anh ấy rất bận rộn.

• Trả lời: Tò mò chút thôi! E-mail “tám chuyện” giữa tôi và đồng nghiệp về một số vấn đề tranh chấp khó chịu nơi công sở (những vấn đề thường xuyên và quá quen thuộc trong các lĩnh vực học thuật).

Những e-mail này đã cho chúng ta thấy một nghiên cứu tình huống điển hình về những mối quan tâm hời hợt làm phân tán sự chú ý của bạn trong môi trường làm việc tri thức. Một số vấn đề được trình bày trong các e-mail mẫu này khá vô hại, chẳng hạn như thảo luận về một bài báo thú vị. Nhưng một số e-mail lại có vẻ hơi căng thẳng và nghiêm trọng, chẳng hạn như cuộc trò chuyện về chiến lược tiết kiệm khi về hưu (đây là loại trò chuyện luôn kết thúc theo kiểu: Anh làm thế là không hay đâu). Còn một số tình huống khác lại khiến bạn chán nản, thất vọng, như cố gắng sắp xếp một cuộc hẹn trong một lịch trình bận rộn. Và một số e-mail lại rất tiêu cực, chẳng hạn như phản ứng giận dữ với kẻ lừa đảo hoặc những cuộc thảo luận phiền phức về tranh chấp nơi công sở.

Nhiều người lao động trí óc dành hầu hết thời gian làm việc để tương tác, phản ứng với những mối quan tâm hời hợt này. Ngay cả khi họ được yêu cầu hoàn thành một việc đòi hỏi sự chú ý cao độ thì thói quen thường xuyên kiểm tra hộp thư đến cũng cho thấy chúng vẫn luôn là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu của họ. Gallagher đã chỉ ra rằng đây là cách sử dụng thời gian mỗi ngày vô cùng ngu ngốc, khiến tầm nhìn về quá trình làm việc bị sự căng thẳng, kích thích, thất vọng và tầm thường chi phối. Nói cách khác, cả thế giới sẽ được thu bé lại trong hộp thư đến của bạn, mà đó lại không phải là một nơi dễ sống.

Nếu cứ để cho sự chú ý trôi dạt trong chốn bồng lai của sự hời hợt, ngay cả khi các đồng nghiệp của bạn đều là thiên tài cũng như phản ứng của bạn luôn lạc quan và tích cực, bạn vẫn có nguy cơ rơi vào một cái bẫy thần kinh khác mà Gallagher đã chỉ ra: “Năm năm nghiên cứu về sự chú ý đã giúp tôi xác nhận một số sự thật không dễ chấp nhận [trong đó, có khái niệm] “nhàn cư vi bất thiện”... Khi bạn mất tập trung, hoặc quá nhàn rỗi, tâm trí của bạn có xu hướng làm những điều sai trái thay vì những điều đúng đắn.” Một ngày làm việc xoay quanh sự tập trung hời hợt có thể là một ngày lộn xộn và mệt mỏi, ngay cả khi hầu hết những điều hời hợt thu hút sự chú ý của bạn có vẻ vô hại, hoặc thậm chí là vui vẻ.

Những phát hiện này cho thấy một ý nghĩa rất rõ ràng. Trong công việc (và đặc biệt là những công việc có liên quan đến tri thức), để tăng thời gian tập trung cao độ, bạn cần tận dụng bộ máy phức tạp trong não bộ của con người, theo cách mà một vài nguyên nhân có liên quan đến thần kinh khác nhau sẽ tối đa hóa ý nghĩa và sự hài lòng trong công việc của bạn. Gallagher đã kết luận trong cuốn sách của bà rằng: “Sau khi vượt qua những trải nghiệm khó khăn [với căn bệnh ung thư]…, tôi đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho phần đời còn lại. Tôi thận trọng chọn mục tiêu… rồi dành toàn bộ sự chú ý cho những điều đó. Tóm lại, tôi sẽ sống một cuộc sống thật tập trung, bởi đó là cuộc sống tuyệt nhất.” Tốt hơn hết là chúng ta hãy nghe theo lời khuyên đó.

Lập luận dựa trên quan điểm tâm lý học về chiều sâu

Lập luận thứ hai về lý do tại sao chiều sâu lại tạo ra ý nghĩa xuất phát từ công việc của một trong những nhà tâm lý nổi tiếng nhất (và cũng sở hữu cái tên khó đọc nhất) thế giới, Mihaly Csikszentmihalyi. Vào đầu những năm 1980, Csikszentmihalyi làm việc cùng Reed Larson, một đồng nghiệp trẻ tuổi tại Đại học Chicago, để tìm ra một kỹ thuật mới nhằm thấu hiểu mức độ ảnh hưởng của tâm lý học đối với các hành vi thường ngày. Vào thời điểm đó, rất khó để đo lường chính xác tác động tâm lý của các hoạt động khác nhau. Nếu bạn đưa ai đó vào phòng thí nghiệm và yêu cầu người đó nhớ lại cảm giác của mình tại một thời điểm cụ thể cách đó nhiều giờ, họ sẽ không thể nhớ lại. Nhưng nếu bạn trao cho họ một cuốn nhật ký và yêu cầu họ ghi lại cảm xúc trong suốt cả ngày, có vẻ họ sẽ không thể theo dõi tất cả sự việc được – đơn giản là vì có quá nhiều việc xảy ra.

Csikszentmihalyi và Larson đã tạo ra bước đột phá trong việc tận dụng công nghệ mới (ở thời điểm đó) để đưa ra câu hỏi về sự việc ngay khi nó xảy xa. Cụ thể hơn, họ đã trang bị máy nhắn tin cho các đối tượng thử nghiệm. Những chiếc máy nhắn tin này sẽ kêu bíp bíp trong khoảng thời gian được chọn ngẫu nhiên (còn ở thời điểm hiện tại, các ứng dụng điện thoại thông minh giữ vai trò này). Khi tiếng bíp ngừng kêu, các đối tượng sẽ ghi lại những gì họ đang làm và cảm nhận của họ tại đúng thời điểm đó. Trong một số trường hợp, họ sẽ được cấp một cuốn sổ để ghi lại những thông tin này, trong khi những người khác sẽ được cấp điện thoại để gọi và trả lời các câu hỏi nghiên cứu. Vì máy nhắn tin thỉnh thoảng mới kêu nhưng lại rất khó để lờ đi, nên các đối tượng có khả năng sẽ tuân theo quy trình thử nghiệm. Nhờ phản hồi về hoạt động được ghi lại vào đúng thời điểm đang diễn ra, nên các câu trả lời sẽ chính xác hơn. Csikszentmihalyi và Larson gọi phương pháp này là lấy mẫu kinh nghiệm (Experience Sampling Method – ESM). ESM mang lại cái nhìn sâu sắc chưa từng có về cách chúng ta thực sự cảm nhận nhịp đập của cuộc sống hằng ngày.

Công trình ESM của Csikszentmihalyi đã giúp ông củng cố lý thuyết được phát triển trước đây: “Những khoảnh khắc đẹp nhất thường xảy ra khi cơ thể hoặc tâm trí của một người bị đẩy tới giới hạn, trong nỗ lực tự nguyện nhằm đạt được những điều vừa khó khăn vừa đáng giá.” Csikszentmihalyi gọi nó là dòng chảy (flow) (một thuật ngữ được ông phổ biến trong cuốn sách cùng tên xuất bản năm 1990). Vào thời điểm đó, phát hiện này đi ngược lại những hiểu biết thông thường. Hầu hết mọi người đều giả sử (và họ vẫn làm vậy) rằng sự thoải mái đó khiến họ hạnh phúc. Chúng ta muốn làm ít hưởng nhiều. Nhưng kết quả từ các nghiên cứu ESM của Csikszentmihalyi cho thấy hầu hết mọi người đều đã sai:

Trớ trêu thay, làm việc thực sự lại dễ chịu và vui vẻ hơn là ở không, bởi các hoạt động dòng chảy có mục tiêu, quy tắc phản hồi và thử thách đều khuyến khích chúng ta gắn bó với công việc, tập trung và đắm mình trong đó. Mặt khác, nhàn rỗi và ở không đều là những việc không có cấu trúc rõ ràng, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để hình thành thứ gì đó có thể đem lại niềm vui.

Khi được đo lường theo trải nghiệm, mọi người thường hạnh phúc hơn trong công việc, ngược lại, họ cảm thấy chán nản khi ở không. Theo các nghiên cứu ESM đã được xác nhận, trong một tuần, các trải nghiệm dòng chảy xảy ra càng nhiều thì sự hài lòng về cuộc sống của chủ thể càng cao. Có vẻ như, con người sẽ trở nên tốt đẹp nhất khi họ đắm mình trong thứ gì đó đầy thử thách.

Tất nhiên, vẫn có sự chồng chéo giữa lý thuyết dòng chảy và những tư tưởng của Winifred Gallagher được nêu bật trong phần cuối chương. Cả hai đều hướng tới tầm quan trọng của chiều sâu hơn là sự nông cạn, hời hợt, nhưng họ lại chỉ tập trung vào hai cách giải thích khác nhau. Bài viết của Gallagher nhấn mạnh: Nội dung của những gì chúng ta tập trung mới quan trọng. Nếu tập trung cao độ vào những điều quan trọng, những điều hời hợt tiêu cực sẽ bị bỏ qua, cùng với đó, chúng ta sẽ được trải nghiệm quá trình làm việc lạc quan và ý nghĩa hơn. Ngược lại, lý thuyết dòng chảy của Csikszentmihalyi dường như không liên quan tới nội dung của những thứ chúng ta chú ý. Dù ông có thể đồng tình với nghiên cứu được Gallagher trích dẫn, nhưng lý thuyết của ông lại cho thấy cảm giác sâu sắc đó mới chính là điều bổ ích. Bất kể thử thách đó là gì, thì tâm trí của chúng ta vẫn thích thử thách đó.

Mối liên hệ giữa làm việc sâu và dòng chảy cần phải rõ ràng: Làm việc sâu là hoạt động phù hợp để tạo ra trạng thái dòng chảy (Csikszentmihalyi mô tả những gì tạo ra dòng chảy bao gồm: các khái niệm về việc đẩy tâm trí đi tới giới hạn, tập trung và đắm mình vào hoạt động đó). Như chúng ta vừa tìm hiểu, dòng chảy tạo ra hạnh phúc. Kết hợp hai ý tưởng này, chúng ta có được một lập luận vững chắc về chiều sâu xét trên quan điểm tâm lý học. Xuất phát từ các thử nghiệm ESM ban đầu của Csikszentmihalyi, hàng thập kỷ nghiên cứu đã xác nhận rằng hành động chăm chú, tập trung cao độ sẽ ra lệnh cho ý thức theo cách có thể khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Csikszentmihalyi thậm chí còn tranh luận rằng các công ty hiện đại nên nắm bắt thực tế này và gợi ý: “các công việc cần được thiết kế lại sao cho chúng có thể tạo ra hoạt động dòng chảy”. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, thiết kế lại công việc sẽ khá khó khăn và lộn xộn (ví dụ, hãy xem lập luận của tôi trong chương trước), Csikszentmihalyi giải thích rằng điều quan trọng hơn là các cá nhân nên tìm kiếm cơ hội cho dòng chảy. Đây cũng là bài học rút ra sau quá trình đi sâu vào nghiên cứu ngành tâm lý học thực nghiệm: Xây dựng quá trình làm việc xoay quanh trải nghiệm dòng chảy được tạo ra từ làm việc sâu là phương thức đúng đắn để có được sự hài lòng sâu sắc.

Lập luận dựa trên quan điểm triết học về chiều sâu

Lập luận cuối cùng về mối liên hệ giữa chiều sâu và ý nghĩa đòi hỏi chúng ta phải tạm thời bỏ qua quan điểm về khoa học thần kinh và tâm lý học, thay vào đó là áp dụng quan điểm triết học. Tôi sẽ giới thiệu hai vị học giả rất am tường về chủ đề này: Hubert Dreyfus, Giáo sư Triết học tại Berkeley trong hơn bốn thập kỷ qua và Sean Dorrance Kelly, Trưởng khoa đương nhiệm bộ môn Triết học tại Đại học Harvard. Năm 2011, Dreyfus và Kelly đã cùng xuất bản một cuốn sách mang tên All Things Shining (tạm dịch: Mọi thứ đều tỏa sáng). Cuốn sách chia sẻ về hành trình biến đổi của các khái niệm về sự thiêng liêng và ý nghĩa trong suốt lịch sử văn hóa nhân loại. Các tác giả muốn tái tạo lịch sử này bởi lo ngại khái niệm đó sẽ mãi mãi biến mất trong thời đại của chúng ta. Dreyfus và Kelly đã giải thích trong cuốn sách: “Thế giới này từng là nơi của những điều thiêng liêng và tỏa sáng dưới nhiều hình thức khác nhau. Giờ đây, những điều rực rỡ này dường như đang ngày càng lụi tàn.”

Điều gì đã xảy ra tại thời đó và bây giờ? Các tác giả cho rằng đó chính là vì Descartes25. Chủ nghĩa hoài nghi của Descartes đã gợi lên niềm tin sâu sắc rằng: Những cá nhân tìm kiếm sự tất định đã dựng lên câu chuyện về một vị Chúa trời hay một nhà vua tôn sùng sự thật. Tất nhiên, Thời đại Khai sáng26 đã mang đến khái niệm về nhân quyền và giải phóng con người khỏi sự áp bức. Tuy nhiên, như Dreyfus và Kelly nhấn mạnh, do lợi ích chính trị, chính lối tư duy này đã tước đi những điều cần thiết để tạo ra ý nghĩa ở thế giới của tôn ti trật tự và sự thiêng liêng trong lĩnh vực siêu hình. Trong thế giới hậu Thời đại Khai sáng, chúng ta phải tự xác định đâu là những điều có ý nghĩa, một nhiệm vụ có vẻ tùy hứng và dần tạo ra thuyết hư vô. Dreyfus và Kelly lo lắng rằng: “Thuyết siêu hình của Thời đại Khai sáng với những cá nhân tự trị không chỉ khiến cuộc sống trở nên nhàm chán, mà chắc chắn còn dẫn đến một cuộc sống khó chịu.”

Lúc đầu, vấn đề này có vẻ không được chúng ta quan tâm, nhưng một khi đã thực hiện giải pháp của Dreyfus và Kelly, chúng ta sẽ khám phá thêm nhiều điều sâu sắc và mới mẻ về nguồn gốc của ý nghĩa. Mối liên hệ này có thể khiến bạn không quá bất ngờ khi biết rằng, phản ứng của Dreyfus và Kelly đối với chủ nghĩa hư vô hiện đại được xây dựng dựa trên chủ đề mở đầu của chương này: những thợ thủ công.

Dreyfus và Kelly đã tranh luận trong phần cuối của cuốn sách rằng: Sự khéo léo chính là chìa khóa khơi dậy cảm giác thiêng liêng theo cách có trách nhiệm. Để minh chứng cho tuyên bố này, họ lấy ví dụ về tính tổ chức thông qua việc phân tích một người thợ chuyên làm và sửa chữa bánh xe bằng gỗ khéo léo – giờ đây, nghề này đã thất truyền. “Bởi mỗi mảnh gỗ là một sự khác biệt và có tính chất riêng,” họ viết sau một đoạn văn mô tả chi tiết về nghề làm và sửa chữa bánh xe thủ công. “Người thợ mộc có mối liên hệ mật thiết với những tấm gỗ mà anh ta thao tác. Những điểm tinh tế này cần được chú ý và củng cố thêm.” Khi đề cao “những điểm tinh tế” trong cách thức làm việc của người thợ mộc, họ nhận ra anh ta đã tình cờ chạm đến một thứ rất quan trọng trong thế giới hậu Thời đại Khai sáng: nguồn ý nghĩa nằm bên ngoài mỗi cá nhân. Người thợ chuyên làm và sửa chữa bánh xe này không hề tự ý đưa ra quyết định xem điểm nào của tấm gỗ có giá trị và điểm nào không; đây là những giá trị vốn có của tấm gỗ và là công dụng của nó.

Dreyfus và Kelly giải thích rằng sự thiêng liêng là điều hay gặp trong nghề thủ công. Họ kết luận rằng nhiệm vụ của một người thợ thủ công “không phải là tạo ra ý nghĩa, mà đúng hơn là rèn luyện kỹ năng để nhận ra những ý nghĩa đã có sẵn trong con người họ”. Điều này giúp giải phóng những nghệ nhân của chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa cá nhân tự trị, mang lại một thế giới ý nghĩa có trật tự. Đồng thời, ý nghĩa này có vẻ an toàn hơn so với các nguồn ý nghĩa được trích dẫn trong các thời kỳ trước.

Quay trở lại với câu hỏi về sự hài lòng trong công việc, cách diễn giải của Dreyfus và Kelly về sự khéo léo trong lĩnh vực thủ công cũng giống như con đường dẫn đến ý nghĩa, nó mang lại hiểu biết tường tận về lý do tại sao công việc của những người như Ric Furrer lại ảnh hưởng tới rất nhiều người. Những triết gia này kết luận rằng: Vẻ hài lòng trên khuôn mặt của Furrer khi ông tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ kim loại thô là cái nhìn thể hiện sự đánh giá cao về những thứ khó nắm bắt và có giá trị trong thời hiện đại. Chúng là những ý niệm mơ hồ về sự thiêng liêng.

Một khi đã hiểu, chúng ta có thể liên kết sự thiêng liêng vốn có trong lĩnh vực thủ công truyền thống với những ngành nghề tri thức. Để làm vậy, trước tiên chúng ta phải thực hiện được hai việc quan trọng. Điều đầu tiên có thể đã rõ ràng nhưng tôi vẫn cần nhấn mạnh: Các ngành nghề thủ công không có giá trị nội hàm để tạo ra nguồn ý nghĩa đặc biệt này. Bất kỳ sự theo đuổi nghề nghiệp nào – về thể chất hay nhận thức – nhằm nâng cao kỹ năng cũng có thể tạo ra cảm giác thiêng liêng.

Để củng cố luận điểm này, chúng ta hãy xem xét từ các minh chứng xa xưa về nghề chạm khắc gỗ hay rèn kim loại tới các minh chứng hiện đại về lập trình máy tính. Dưới đây là câu nói được Santiago Gonzalez, thần đồng trong làng viết mã, dùng để mô tả công việc trong một buổi phỏng vấn:

Một đoạn mã hay phải đáp ứng được tiêu chí ngắn gọn và đầy đủ, để nếu bạn định đưa đoạn mã đó cho một lập trình viên khác, họ sẽ nói: “Ồ, đoạn mã này được viết rất tốt.” Việc này cũng giống như việc bạn viết một bài thơ vậy.

Cách Gonzalez đề cập đến lập trình máy tính cũng tương tự như cách các thợ mộc đề cập đến nghề nghiệp của họ trong các đoạn trích của Dreyfus và Kelly.

The Pragmatic Programmer (tạm dịch: Chương trình thực dụng) là một cuốn sách được đánh giá cao trong lĩnh vực lập trình máy tính, nó đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc viết mã và sự khéo léo trong ngành thủ công ngày trước bằng cách trích dẫn tín điều của các công nhân khai thác đá thời Trung cổ trong lời nói đầu của cuốn sách: “Chúng tôi, những thợ xẻ đá, luôn phải mường tượng ra những nhà thờ lớn.” Cuốn sách giải thích rằng các lập trình viên cũng phải nhìn nhận công việc của họ theo cùng cách như vậy:

Trong cấu trúc tổng thể của một dự án luôn có chỗ cho các cá nhân và sự khéo léo... Trong 100 năm nữa, kỹ thuật của chúng ta có vẻ sẽ trở nên lạc hậu như kỹ thuật được các công nhân xây nhà thờ thời Trung cổ sử dụng, trong khi sự khéo léo vẫn sẽ được tôn vinh.

Nói cách khác, bạn không cần phải lao động vất vả ngoài trời vì những nỗ lực của bạn sẽ được coi như một dạng khéo léo và có thể tạo ra ý nghĩa mà Dreyfus và Kelly đã đề cập. Bạn cũng có thể bắt gặp sự khéo léo trong hầu hết công việc đòi hỏi “tay nghề” cao trong nền kinh tế thông tin. Dù bạn là nhà văn, chuyên gia marketing, tư vấn viên hay luật sư, dù công việc của bạn có liên quan đến ngành nghề thủ công hay không, nếu cố gắng trau dồi kỹ năng và áp dụng nó bằng sự tôn trọng và cẩn thận, thì cũng giống như những người thợ sửa chữa bánh xe khéo léo, bạn có thể tạo ra ý nghĩa từ những nỗ lực thường ngày trong suốt quá trình làm việc.

Vấn đề ở đây là một số người cho rằng công việc tri thức của họ không thể mang lại nguồn ý nghĩa như vậy, bởi công việc của họ quá tầm thường. Thật thiếu sót khi cho rằng việc xem xét các ngành nghề thủ công truyền thống có thể giúp chúng ta khắc phục được mọi vấn đề. Trong nền văn hóa hiện tại, chúng ta đang đặt trọng tâm vào mô tả công việc. Chẳng hạn như nỗi ám ảnh với lời khuyên “hãy theo đuổi đam mê của chính mình” (chủ đề trong cuốn sách trước của tôi) lại được thúc đẩy bởi ý tưởng (thiếu sót) rằng: Điều khiến bạn hài lòng nhất với công việc cũng chính là đặc trưng công việc mà bạn chọn. Theo lối tư duy này, chỉ có một số rất ít công việc có thể được coi là cội nguồn của sự hài lòng – đó có thể là làm việc trong một tổ chức phi lợi nhuận hoặc khởi nghiệp với một công ty phần mềm – trong khi tất cả những công việc khác đều vô hồn và nhạt nhẽo. Triết lý của Dreyfus và Kelly đã giúp chúng ta tránh được các cạm bẫy này. Những người thợ thủ công mà họ lấy làm ví dụ không thực hiện những công việc hiếm có như vậy. Trong suốt phần lớn lịch sử loài người, nghề thợ rèn hay thợ làm và sửa chữa bánh xe đều không phải là công việc vẻ vang gì. Nhưng điều này không quan trọng, vì các nét đặc trưng của những công việc này đều không hề liên quan đến ý nghĩa của bản thân công việc. Ý nghĩa được thể hiện qua những nỗ lực trong kỹ năng và giá trị nội hàm ở nghề thủ công – chứ không phải từ thành quả của công việc đó. Nói cách khác, một chiếc bánh xe bằng gỗ dù không có vẻ gì cao quý, nhưng hình dạng của nó có thể rất tinh xảo. Công việc tri thức cũng tương tự như vậy. Bạn không cần một công việc hiếm có; thay vào đó, bạn cần một hướng tiếp cận hiếm có với công việc của mình.

Điều quan trọng thứ hai trong lập luận này là sự cần thiết của việc trau dồi sự khéo léo trong mỗi nhiệm vụ cần sự chuyên tâm rồi từ đó tạo ra sự gắn kết đối với làm việc sâu. (Hãy nhớ lại những lập luận của tôi trong Chương 1, rằng làm việc sâu là điều cần thiết để trau dồi kỹ năng, rồi sau đó đừng quên áp dụng chúng ở cấp độ tinh hoa – các hoạt động cốt lõi trong ngành nghề thủ công.) Vì vậy, làm việc sâu chính là chìa khóa để tìm ra ý nghĩa trong nghề nghiệp của bạn, theo phương thức mà Dreyfus và Kelly đã mô tả. Việc này cho phép chúng ta áp dụng kỹ năng làm việc sâu vào sự nghiệp, hướng tới việc rèn luyện kỹ năng, để điều đó trở thành nỗ lực có thể biến công việc tri thức mệt mỏi hay sao lãng thành điều gì đó khiến bạn hài lòng – trở thành cánh cửa để bước vào thế giới tràn đầy ánh sáng và những điều kỳ diệu.

Homo Sapien deepensis27

Hai chương đầu tiên của Phần 1 rất thực dụng. Chúng dẫn chứng rằng làm việc sâu ngày càng trở nên có giá trị trong nền kinh tế hiện đại, đồng thời nó cũng đang dần trở nên hiếm gặp hơn (vì những lý do khách quan). Điều này thể hiện sự bất cân xứng kinh điển: Nếu trau dồi kỹ năng làm việc sâu, bạn sẽ phát triển mạnh chuyên môn.

Ngược lại, chương cuối cùng lại thêm vào một chút thảo luận thực tế về sự thăng tiến ở chốn công sở, và những tư tưởng trước đó hẳn sẽ rất cần thiết để giúp bạn có thể tiến xa hơn. Phần tới sẽ mô tả quá trình nghiêm ngặt nhằm định hướng công việc của bạn hướng đến chiều sâu. Đây là quá trình chuyển đổi khó khăn, song hành với những nỗ lực đó là các lập luận thực dụng và lý trí có thể thúc đẩy bạn đến một điểm nhất định. Cuối cùng, mục tiêu bạn theo đuổi cần phải được lan tỏa hơn nữa. Chương này lập luận rằng khi nói đến việc tập trung vào chiều sâu, sự cộng hưởng là điều không thể tránh khỏi. Dù bạn tiếp cận hoạt động có chiều sâu từ quan điểm của khoa học thần kinh, tâm lý học hay triết học cao cả, thì những hướng đi này dường như luôn dẫn đến mối liên hệ giữa chiều sâu và ý nghĩa, cũng giống như loài người chúng ta đã tiến hóa thành một loài vừa chú trọng tới chiều sâu lại vừa đắm chìm trong sự hời hợt và trở thành giống loài mà chúng ta gọi là Homo sapiens deepensis.

Trước đó, tôi đã trích dẫn câu nói của Winifred Gallagher, một tín đồ của chiều sâu: “Tôi sẽ sống một cuộc sống thật tập trung, bởi đó là cuộc sống tuyệt nhất.” Câu nói này có lẽ là cách hay nhất để tổng kết lập luận của chương này cũng như cả Phần 1 theo cái nhìn rộng hơn: Dù bạn có nhìn nhận vấn đề theo cách nào đi nữa, thì cuộc sống chuyên sâu vẫn là một cuộc sống tốt đẹp.