Nhỏ Duyên bắt kịp bọn tôi khi cả bọn vừa đi đến cuối hành lang và chuẩn bị băng ngang sân để ra bãi gửi xe.
Không đứa nào nghĩ nhỏ Duyên sẽ đuổi theo nên cả bọn giật thót người khi nghe tiếng gọi bất thần vọng tới từ sau lưng:
- Các anh ơi!
Thoạt đầu bọn tôi cũng không tin đó là tiếng gọi của nhỏ Duyên vì ba tiếng “Các anh ơi” dịu dàng kia có vẻ như không phải phát ra từ đôi môi quen thuộc phát những từ chát chúa.
- Có chuyện gì vậy… Duyên?
Thọ ấp úng hỏi khi nhỏ Duyên tới gần, hơi lúng túng về cách xưng hô nhưng nó quyết định không tiếp tục vờ làm như không biết tên con nhỏ này nữa.
Khi nãy anh Lợi giấu tụi anh đó. Ảnh bị thương nặng lắm! – Nhỏ Duyên buồn bã nói, không để ý đến thái độ của Thọ.
- Nó bị dập xương phải không? – Tôi nhíu mày – Nếu bó bột một thời gian…
Nhỏ Duyên cắt ngang lời tôi, nhưng khi nó nói thì giống như nó đang nặn ra từng từ một như người ta nặn kem ra khỏi ống:
- Anh Lợi bị… đứt… ngón chân cái và… ngón chân trỏ…
Trong một giây tôi có cảm giác ai đó vừa quất roi lên lưng tôi.
- Cái gì? – Thọ gần như ré lên – Đứt một lúc hai ngón chân kia à?
- Làm sao như thế được? – Thằng Hòa trán nhăn tít – Bị một cái gàu rơi phải, cho dù cái gàu đầy nước thì cũng không đến mức…
Lúc đó anh Lợi đang ở… dưới đáy giếng… – Nhỏ Duyên giải thích, giọng nó đột nhiên yếu ớt, không còn chút hơi sức, giống như là nó sẽ ngã lăn ra ngay khi nói hết câu.
Và nếu như nó không ngã ra là vì cái cách bọn tôi đang chìa những bộ mặt ngơ ngác vào mắt nó cho biết là bọn tôi vẫn chưa hiểu tại sao thằng Lợi lại đứng dưới đáy giếng và đứng dưới đáy giếng tại sao lại bị cái gàu rơi nhằm và xén đứt hai ngón chân.
- Ba em kêu anh Lợi leo xuống giếng…
Nhỏ Duyên cắn môi và khi nó nói tiếp thì bọn tôi mới biết là mấy hôm nay giếng nhà nó cạn nước, ba nhỏ Duyên sai thằng Lợi vét giếng. Tôi từng xem thợ vét giếng ở quê tôi. Những người này cũng chính là thợ đào giếng. Họ trèo xuống giếng bằng cách vừa bám chân vào thành giếng vừa đu dây thừng do một người đứng trên thành giếng bặm môi giữ, một đầu dây quấn vào gốc mít hoặc gốc ổi cạnh đó để khỏi tuột.
Giếng đá nhà nhỏ Duyên bọn tôi thấy hôm nọ là giếng có tay quay. Nhỏ Duyên bảo sáng nay thằng Lợi bám dây gàu, nó đứng phía trên ghì tay quay cho Lợi xuống từ từ. Khi nào Lợi nhặt đất đá dưới lòng giếng bỏ vào gàu thì giật dây thừng ra hiệu cho nhỏ Duyên kéo lên.
Ba lần đầu suôn sẻ, tới lần thứ tư nhỏ Duyên kéo gàu lên tới thành giếng chả hiểu lơ đãng thế nào lại để tuột tay quay. Vừa nhận ra tai họa, nó điếng hồn chỉ kịp thét lên một tiếng thất thanh, chiếc gàu chở đầy đất đá rơi vùn vụt xuống phía dưới.
Nhỏ Duyên bảo lúc đó nó nhắm tịt mắt lại, tay chân rụng rời, trong óc nó mường tượng đến cảnh chiếc gàu rơi trúng đầu thằng Lợi. Chiếc gàu nặng như thế, lao xuống từ độ cao như thế, nếu rơi trúng đầu chắc không một ai thoát chết. Khi run run thuật lại tình huống đó, mặt nhỏ Duyên tái xanh còn bọn tôi mặc dù đã biết thằng Lợi may mắn sống sót, vẫn thấy lạnh toát sống lưng, trên đầu tóc gáy còn dựng đứng cả lên.
Thằng Sơn mặt mày thất thần, buột miệng một câu ngô nghê:
- Thế… thế… không trúng à…
Hóa ra không phải chiếc gàu né thằng Lợi mà thằng Lợi né chiếc gàu. Đang loay hoay dưới lòng giếng, chợt nghe tiếng thét lồng lộng của nhỏ Duyên ở trên đầu, như có linh tính mách bảo nó hấp tấp đứng thẳng người lên và áp sát lưng vào thành giếng. Lợi kể lại với nhỏ Duyên là lúc đó nó nghe tiếng “uỳnh” một tiếng như trời sập, trái tim muốn văng ra ngoài, người suýt nữa ngất đi. Ngay cả hai ngón chân của nó bị chiếc gàu xén đứt, nó cũng không hay biết.
Khi Lợi đu dây gàu cho nhỏ Duyên kéo lên và một lần nữa con nhỏ này thét lên bài hãi khi thấy máu từ bàn chân Lợi chảy ra như suối, Lợi vẫn chẳng có cảm giác gì. Chỉ đến khi được đưa tới bệnh viện, được chích thuốc, cầm máu và băng bó xong, nó mới nghe đau. Chắc là đau lắm, nhưng ảnh nói với em là chỉ như kiến cắn thôi! Nhỏ Duyên nói như khóc và có lẽ nó khóc thật khi bọn tôi thấy mắt nó ngân ngấn nước.
- Thế Duyên có biết Lợi không phải là con riêng của ba Duyên không? – Tôi buột miệng hỏi, chính tôi cũng không biết tại sao tôi lại hỏi điều đó trong lúc này.
Nhưng nhỏ Duyên không hề sửng sốt, cũng không thắc mắc tại sao tôi lại biết rõ chuyện gia đình nó. Nó đáp, giọng buồn buồn:
- Em mới biết sáng nay. Sau khi xảy ra tai nạn thì ba em tự động nói cho em biết.
Thằng Sơn đột nhiên nói một câu đại ngu:
- Chắc tại ba Duyên tưởng Duyên muốn “ám sát” thằng Lợi!
Thằng Sơn nói ngu vì có thể ba nhỏ Duyên cho rằng như thế thật, rằng con gái ông tưởng thằng Lợi là đứa con riêng được ông đem về thừa kế gia tài nên đã cố tình để tuột tay quay, nhưng trước mặt nhỏ Duyên mà nói huỵch toẹt ra như thế có khác nào xát muối vào vết thương lòng của đứa con gái đang sụt sịt nãy giờ.
Thọ trừng mắt nhìn Sơn, chắc định quát thằng này nhưng ngỏ Duyên đã nghẹn ngào lên tiếng:
- Trước đây em có hiểu lầm, em không nhìn mặt anh Lợi nhưng em không bao giờ cố ý hại ảnh.
- Đặc biệt khi em đã biết Lợi là Mã Phú?
Thằng Sơn lại nói, tôi chẳng rõ đó là câu hỏi hay câu châm chọc vì thái độ của thằng này khiến tôi ngờ rằng nó vẫn chưa nguôi ấm ức về cách tiếp đón lạnh nhạt của nhỏ Duyên dành cho nó (và tôi) hôm nào.
Tôi đành phải mở miệng, bằng giọng nói nhẹ nhàng tôi cố lại câu chuyện đến đề tài mà tôi tin là sẽ đem lại sự dễ chịu cho người nghe:
- Truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua là Lợi viết tặng Duyên đấy!
- Viết tặng em? – nhỏ Duyên mở to mắt nhìn tôi, tiết lộ của tôi làm nó ngẩn ngơ đến mức nó quên mất viền mắt nó đang đỏ hoe.
Tôi gật đầy dịu dàng:
- Ờ, Duyên chính là nàng công chúa trong truyện, còn thằng Lợi là chàng chăn ngựa…
Bị sự bất ngờ tóm lấy, nhỏ Duyên thốt nhiên thẫn thờ. Nó cúi mặt xuống, mê man lẩm bẩm với chính mình, trông nó như người đang lạc giữa mớ ý nghĩ rối bời:
- Nàng công chúa… chàng chăn ngựa…
Tự nhiên tôi thì thầm, như lây tâm trạng của nhỏ Duyên:
- Hoa bông tai, hoa móng tay… cũng ở trong vườn nhà Duyên.
Như người mộng du, nhỏ Duyên lại lặp lại một cách máy móc:
- Hoa bông tai… hoa móng tay…
Thằng Sơn đại ngu (hay đại ác?) thình lình vọt miệng:
- Cả cái giếng nữa. Cái giếng mà Lợi bị tai nạn chính là cái giếng mà nàng công chúa và chàng chăn ngựa đã êm đềm soi bóng bên nhau…
Câu nói của thằng Sơn khiến nhỏ Duyên rung người một cái. Có lẽ một cảm xúc gì đó vừa bùng nổ trong nó khiến nó như đột ngột rơi thẳng vào một tâm trạng không rõ là tốt hay xấu nhưng chắc chắn rất mãnh liệt.
Trước những cặp mắt trố lên của bọn tôi, nhỏ Duyên “a” lên một tiếng rồi không một dấu hiệu báo trước, nó thình lình quay người chạy ngược lại, hết sức kích động, hai tay ôm cứng lấy đầu như thể trong óc nó đang có một bầy ong khiêu vũ.
o O o
- Chạy vào xem đi!
Thằng Hòa đề nghị, nhìn mặt không rõ nó lo lắng hay háo hức.
Thọ nhìn Hòa qua khóe mắt, hừ mũi:
- Xem gì?
- Xem nhỏ Duyên đang làm gì? – Hòa vừa nói vừa liếm môi, trông như nó đang nói về một thứ ăn được.
- Khỏi! – Thọ nhún vai- Không vào xem tao tao cũng biết nhỏ Duyên đang nắm tay thằng Lợi.
Tôi gật gù:
- Cũng có thể nó đang gục đầu lên ngực thằng này khóc rưng rức.
Khi tôi nói như vậy tôi không hề nghi ngờ gì về phỏng đoán của mình. Ngày hôm nay nhỏ Duyên đã bị nhấn chìm dưới bao nhiêu cung bậc cảm xúc: hối hận, dày vò, bi thương, ngỡ ngàng, ray rứt (có lẽ có cả yêu thương nữa), những cảm xúc mà người khác có khi cả đời mới trải qua hết. Nó đã hiểu lầm về thằng Lợi, đã đối xử với thằng này chắc là rất tệ (thậm chí khi thấy ba nó xử tệ với Lợi nó càng quyết xử tệ hơn vì cho rằng hai người này đang đóng kịch). Thêm vào đó, chính sự bất cẩn của nó mà Lợi đứt hai ngón chân – một tai nạn thương tâm và là một mất mát không gì bù đắp nổi.
Rồi liền sau đó, chỉ không tới một ngày, nó bất ngờ phát hiện Lợi không phải là con rơi của ba nó, mà chỉ là một đứa bé mồ côi được ba nó đem về để gánh giúp việc nặng nhọc. chỉ vậy thôi, nhỏ Duyên chắc hẳn đã rất mủi lòng, đã tự lên án mình thậm tệ rồi. Đằng này nó càng bàng hoàng khi biết được thằng Lợi khốn khổ kia chính là tác giả truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua là thiên truyện mà nó đặc biệt yêu thích, hơn nữa thần tượng của nó viết ra tác phẩm tuyệt vời này là cho nó và vì nó….
-Chà, – tôi nói, giọng cảm khái, vẫn chưa thoát khỏi ý nghĩa miên man trong đầu – dù sao thì sự hy sinh của thằng Lợi cuối cùng cũng được đền đáp.
Tôi thở hắt ra:
- Tao nghĩ vậy
- Ước gì tao cũng được như thằng Lợi! – Sơn đưa tay gãi cổ – Tao sẵn sang mất tới ba ngón chân để được nhỏ Nguyệt để ý đến tao!
- Nói dóc đi! – Thọ nhếch mép – Mày mà chịu mất một ngón chân út thôi là tao đi đầu xuống đất liền!
Hòa vẫn chưa hết hiếu kỳ:
- Vào xem đi!
- Xem xem cái gì! Về!
Thọ nạt, rồi không đợi Hòa nài nỉ, nó quay mình đi thằng ra bãi gửi xe.
Tôi lật đật chạy theo Thọ:
- Còn số tiền lãi bán báo thì sao hở mày? Đợi thằng Lợi lành vết thương tụi mình rủ nó đi ăn hả?
- Ăn uống gì nữa! – Thọ gạt ngang – Để sáng mai lên trường tao bảo Hạt Dưa đưa hết số tiền cho nhỏ Duyên, phụ với nhà nó lo thuốc men cho thằng Lợi.
Thằng Hòa là đứa dai như đỉa. Khi cả bọn ra tới cổng, nó đã leo lên xe ngồi sau lưng rồi, còn phì phò thở vào tai tôi:
- Tụi mình chạy vòng vòng lát quay lại đây nghe mày!
Tôi ngạc nhiên:
- Chi vậy? Mày bỏ quên cái gì hả?
Câu trả lời của nó làm tôi muốn xỉu:
- Không! Vào xem nhỏ Duyên đang làm gì.
o O o
Dĩ nhiên tôi đã không quay lại bệnh viện theo lời đề nghị dai nhách của thằng Hòa. Tối chở nó về nhà tôi. Xong, quẳng nó ở trước sân, tôi xách xe chạy tới tiệm thuốc bắc Xuân Lan Đường. Tôi muốn gặp cô Hiền và cô Mười, nói cho hai cô biết văn sĩ Mã Phú là ai. Nhỏ Duyên đã biết sự thật rồi, bí mật đó không cần giấu giếm nữa.
Tôi không rủ thằng Hòa đi theo vì muốn kịp quay về trả xe cho ba tôi trước khi ông thức dậy.
Cô Hiền và cô Mười thấy tôi đến vào đầu giờ chiều, lại đi một mình, liền tròn mắt:
- Có chuyện gì vậy em?
- Dạ em tới để nói cho hai cô biết Mã Phú là bạn Lưu Thanh Lợi ạ.
- Ôi! – Cô Hiền kêu lên ngạc nhiên – Là em Lợi mới vô lớp ta hồi giữa năm à? Cô bất ngờ quá!
Cô Mười cười với tôi bằng cả miệng lẫn mắt:
- Sao em không dẫn bạn Lợi tới chơi cho cô biết mặt?
- Thưa cô bạn Lợi đang nằm trong bệnh viện ạ.
Vừa dứt câu, thấy mặt hai cô giáo thoáng biến sắc, tôi liền nói dối:
- Dạ, bạn ấy chỉ bị trầy chân thôi, cô. Bạn ấy múc nước bị trươt té trên thành giếng.
Cô Hiền thở phào:
- Em làm cô hết hồn. để chiều nay cô và cô Mười vào thăm em lợi.
- Lát nữa bạn Lợi xuất viện rồi cô ơi!
Tôi lại lật đật vọt miệng, và lại nói dối. Tôi biết chắc nếu để cô gặp thằng Lợi và nhỏ Duyên đang trong bệnh viện, mọi chuyện sẽ vỡ lở tung tóe.
Dĩ nhiên ngay sau khi nói câu thứ hai, tôi lập tức cáo từ, một phần tôi gấp về, phần khác tôi biết nếu tôi còn nấn ná thế nào tôi cũng sẽ nói dối câu thứ ba, thứ tư… Mà tôi thì không muốn tiếp tục nói dối, không phải vì sợ lương tâm cắn rứt, mà sợ bị cô Hiền và cô Mười phát hiện.
Tôi về tới nhà, nghe bụng réo òng ọc mới nhớ mình chưa ăn trưa. Nếu không có hai tô mì dằn bụng lúc ở thành phố, chắc tôi không đủ sức chạy loăng quăng từ nãy tới giờ.
Nhớ ra thằng Hòa chưa ăn, tôi tính rủ nó xuống bếp lục cơm nguội nhưng không thấy nó đâu. Tôi đành một mình lò dò xuống nhà dưới mò mẫm thức ăn, bới một tô cơm đầy, chất thêm mấy con tôm rang rồi vòng qua của bếp tính ra sau hè ngồi ăn cho mát.
Nhưng vừa thò đâu ra khỏi cửa bếp, tôi chợt khựng lại.
Tôi thấy thằng Hòa.
Nó đang ngồi sau hè, trên chiếc ghế thấp mẹ tôi vẫn ngồi xắt chuối và đang ôm khư khư cái gì đó trong tay, đầu gằm xuống như đang ngủ gục.
Thoạt đầu tôi tưởng nó cũng bới cơm ra sau hè ngồi ăn như tôi nhưng ngay lập tức tôi biết là mình nhầm: tư thế của nó không phải tư thế của người ngồi ăn, cách nó ôm cái tô vào bụng (nếu như đó là cái tô) rất giống cái của người khác đang giữ một hòm vàng lúc nàu cũng nơm nớp lo sợ người khác giật mất.
- Mày làm gì đó Hòa?
Tôi hỏi lớn, sau khi cân nhắc và bưng tô cơm bước lại phía nó.
Nếu như thi sĩ Trầm Mặc Tử có lần nào đó bị điếc đột xuất thì đó chính là lúc này. Thậm chí tôi nói to đến mức tôi nghĩ người điếc cũng phải giật mình, nhưng thằng Hòa chẳng nhúc nhích mảy may.
Kể cả khi tôi đến sát bên nó, ngồi chổm hổm ngay trước mặt nó và cố ý đụng mạnh vào chân nó, thằng Hòa cũng không buồn ngẩng đầu lên.
Tôi căng mắt nhìn, thấy cái nó đang ôm chặt trong tay là một hộp sắt tây, loại hộp đựng bánh bích-quy.
- Mày ôm cái hộp gì thế?
Tôi cao giọng hỏi, không tin là nó đã chết.
Lần này như để chứng minh là tôi nghĩ đúng. Hòa ngọ nguậy đầu và từ từ ngước mặt lên, nói chính xác là làm tôi phát hoảng bằng cách chìa vào mắt tôi một gương mặt như của ai, thiểu não, nhàu nhò, trắng bệch như một bức tường vừa bị quét vôi, và khinh hãi nhất là
-Gì thế mày? – Tôi nhảy bắn lên như bị rắn mổ – Tao yếu tim, mày đừng làm tao sợ nha!
Hòa không nói gì, nhưng cái cách nó nhìn tôi như không hề trông thấy tôi càng làm tôi sợ hơn. Rồi với cái vẻ u u minh minh đó, nó chậm chạp và câm nín chìa cái hộp sắt về phía tôi.
Tôi cầm lấy, có cảm giác cái hộp rất nhẹ, nhưng ngực lại nghẹn như bị núi đè.
Gì thế nhỉ? Tôi tự hỏi và sè sẹ mở nắp hộp ra thận trọng và lo lắng.
Một con ma ở trong hộp nhảy ra có lẽ cũng không làm tôi điếng người bằng cái tôi nhìn thấy khi mở nắp hộp bặt mở.
Tóc, tóc đen, một nhúm tóc đen.
Suýt chút nữa tôi đã ném cái hộp trên tay xuống đất và nếu như tôi đã không làm chuyện đó chỉ vì hai cánh tay của tôi lúc này không còn cảm giác: cứ như có hai khúc cây đang nằm ở chỗ lẽ ra là hai cánh tay tôi.
- Tóc… tóc… ở đâu ra… vậy, mày? – Tôi lắp bắp
- Cúc Tần. – Hòa lúc này đã lại gục đầu xuống và từ chỗ nào đó lơ lửng giữa cằm và ngực một tiếng nói bay ra trả lời tôi, gọn lỏn.
- Cúc Tần? – Tôi lại hỏi, ngơ ngác, vẫn cảm thấy khó khăn khi phát âm – Tóc… của… của nó hả?
Lần này, Hòa không trả lời, có thể quai hàm nó đang bị nỗi buồn khóa chặt, cũng có thể vì nó cho rằng cả thế giới này đương nhiên phải biết đó là tóc của ai, trừ cái đứa đại ngu là tôi.
Nhưng không hiểu sự im lặng của nó theo nghĩa khác. Tôi run run hỏi:
- Cúc Tần chết rồi hả mày?
- Chết cái đầu mày!
Hòa ngẩng phắt lên, giọng nổi khùng. Hóa ra nó vẫn còn hơi sức. Nhưng khi nó quắc mắt lên với tôi, tôi vẫn thấy đôi mắt nó đang ầng ậng nước.
Có vẻ chợt nhớ ra đôi mắt đẫm lệ đó phù hợp hơn với nỗi phiền muộn, mặt nó thoắt dịu lại và một lần nữa nó gục đầu xuống, thả rơi cái đầu về chỗ cũ thì đúng hơn, và cũng từ vị trí cũ bay ra một tiếng thở dài:
- Nó không chết, nhưng có thể kể như là đã chết!
Tôi ngây ngô:
- Tức là sống dở chết dở?
Lần này chắc thấy tôi hỏi ngu quá, Hòa không buồn phồng mang lên nữa.
Vẫn giữ giọng rầu rầu, nó dốc bầu tâm sự:
- Cúc Tần đi Nha Trang rồi!
Tôi há hốc miệng
- Nó đi hồi nào?
- Cách đây một tiếng đồng hồ.
- Nó đi nghỉ hè hả? Sao nó không đợi dự lễ bế giảng rồi đi?
- Không! Nó đi luôn!
Tiếng thằng Hòa méo đi, bắt đầu bèn bẹt. Còn tôi thì mặt thộn ra như thằng ngố:
- Đi luôn là sao?
- Nó vào ở với bà cô, học cấp ba trong đó luôn.
- Sao thế nhỉ?
Tôi chưng hửng, định xộc mười ngón tay vào tóc, chợt nhớ ra một tay đang bưng tô cơm. Tôi cũng nhớ ra tôi chưa lùa được miếng cơm nào vào miệng nhưng tự nhiên tôi không thấy đói nữa. Câu chuyện của Trầm Mặc Tử đã lèn chặt bao tử tôi.
- Đây là mệnh lệnh của ba nó! – Giọng Hòa hiu hắt.
- Chắc ba nó không muốn nó tối ngày ra đống rơm bàn chuyện báo chí với mày nữa chứ gì!
Tôi không muốn trêu thằng Hòa trong lúc này, nhưng tự nhiên tôi buột miệng nói, và tôi không nghĩ là tôi trêu nó.
Tôi chờ thằng Hòa sửng cổ lên với tôi nhưng nó tiếp tục xìu đọng bún. Bình thường nó đã ngoác miệng ra chửi rồi, nhưng lúc này chắc nó chẳng muốn phí sức vào những chuyện mà nó xem là vặt vãnh so với nỗi buồn chia ly chất ngất trong lòng nó.
Tôi nhìn Hòa, chép miệng:
- Ai đưa cái hộp này cho mày vậy?
- Em gái nó. – Hòa uể oải đáp.
- Em gái nó gặp mày lúc nào?
- Lúc nãy. Nó lên đây tìm tao.
Hòa nói tiếp bằng giọng rơm rớm:
- Nó đưa cái hộp cho tao và nói: lúc lên xe chị em khóc quá trời.
Thằng Thọ chui đầu ra sau hè ngay lúc tôi thắc mắc với Hòa:
- Nhưng sao nó lại cắt tóc tặng cho mày nhỉ? Thiếu gì thứ có thể làm kỷ niệm.
Tôi ngần ngừ tự hỏi:
- Hay nó muốn nói nó sắp đi tu?
Dĩ nhiên Hòa không trả lời câu hỏi của tôi. Vì nó chưa đọc bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ. Cúc Tần chắc biết bài thơ này! Thằng Thọ khẳng định như vậy sau khi nghe chuyện và săm soi cái hộp sắt.
Tóc mây một món chiếc dao vàng/ Trăm năm tình cũ lìa không hận/ Thà nép mày hoa thiếu phụ chàng/ Duyên trăm năm đứt đoạn/ Tình muôn thuở còn hương…
Thọ lim dim mắt, ngân nga, chưa dứt đã nghe tiếng thút thít vang lên từ chỗ Hòa.
Thọ quay đầu lại, bĩu môi:
- Khóc, khóc cái gì! Chuyện cắt tóc này xảy ra hồi mấy ngàn năm trước, lại ở tuốt bên Tàu lận, bây giờ ai còn làm trò nhố nhăng này nữa! Sến thấy ớn!
- Nhưng điều đó chứng tỏ là nó yêu tao. Tao không ngờ nó yêu tao thật. – Hòa nức nở.
Thọ nhìn sững Hòa:
- Thế còn mày?
- Tao hả? chắc là tao cũng… yêu nó thật. hu hu…
Thằng Hòa khóc tồ tồ như trẻ con bị lạc mất mẹ. Nó làm tôi hoang mang quá. Yêu là như thế này sao? Tự nhiên lăn đùng ra khóc. Tôi cố tưởng tượng nếu Thỏ Con cũng bỏ đi đột ngột không kịp nói lời chia tay với tôi, tôi có sẽ rơi vào tình trạng giống như thằng Hòa hay không. Nhưng loay hoay một lúc tôi vẫn chẳng nghĩ được điều gì hay ho, đơn giản là tôi không thể hình dung được tâm trạng mà tôi chưa từng nếm trải, cũng như tôi không thể biết chính xác cảm giác của người ngồi uống cà phê dưới chân tháp Eiffel nếu như tôi chưa bao giờ đặt chân đến Paris.
Hơn nữa, như tôi đã nói ngay từ đầu, tình cảm giữa tôi và Thỏ Con chẳng có chút gì đáng gọi là yêu đương. Dưới sự sắp xếp của thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn, đám thi sĩ bọn tôi đứa nào cũng có một đứa con gái để cặp kè những lúc “đi làm báo”, người ngoài nhìn vào thấy oách thật nhưng cũng chỉ là để khoe mẽ chứ chẳng có chút thực tế gì. Khi bọn tôi đi chơi với cô Hiền cô Mười, các nàng thơ có giãy đùng đùng hay khi tụi con trai tán tỉnh các nàng, bọn tôi có giãy đành đạch thì như thằng Thọ phân tích hôm trước, tất cả những trò vớ vẫn này cũng chỉ do tự ái và sĩ diện thôi.
Tôi đã luôn nghĩ như vậy một thời gian dài nhưng đến hôm nay thì thằng Hòa, đứa từng thừa nhận giữa nó và Cúc Tần không có tình cảm gì sâu sắc, đã làm tôi không còn tin vào cả mắt lẫn tai mình, và ngay cả trái tim của tôi nữa, tôi cũng bắt đầu ngờ vực. Ờ, thi sĩ Trầm Mặc Tử và nàng thơ của nó đã chứng minh rằng một đứa con trai và một đứa con gái không hề có tình ý gì với nhau, chỉ coi nhau như bạn bè bình thường, nhưng đến khi đột ngột phải xa nhau, đứa này bổng phát hiện mình có thể khóc sưng cả mắt vì đứa kia và đứa kia có thể cắt trụi lũi tóc vì đứa này. Nếu tình yêu là thứ có khả năng sử dụng con đường vòng vèo bí hiểm thì quả thực tôi không rõ tôi và Thỏ Con có tình cảm gì đặc biệt với nhau hay không, mặc dù tôi biết chắc nếu tôi và nó cứ lớn lên bên nhau như thế này thì chồng nó chắc không phải là tôi và vợ tôi chắc không phải là nó.
Tiếng hu hu của thằng Hòa bây giờ đã chuyển thành tiếng hức hức. và thằng Thọ có vẻ muốn chấm dứt luôn cái âm thanh ủy mị kia cho rồi bằng cách đá vô lưng Hòa:
-Tao thấy đủ rồi đó mà
Nó đá thêm cái nữa:
-Mày chưa ăn trưa phải không?
Tối đó, bốn chàng thi sĩ lại chui vô quán cà phê trước cổng trường.
Rất có thể đó là buổi ngồi quán cuối cùng của bút nhóm Mặt Trời Khuya vì lễ bế giảng năm học chỉ còn hai ngày nữa! Tôi nhủ bụng và nặng nề bước chân qua cửa quán.
Tin Cúc Tần rời thị trấn vào phương Nam, rằng trước khi đi đã cạo trọc đầu ra sao và thằng Hòa đã khóc xỉu lên xỉu xuống thế nào, thằng Sơn đã nghe tôi và Thọ vừa kể vừa thêm mắm dặm muối nên nó cứ ngồi liếc thằng Hòa bằng ánh mắt thương cảm xen lẫn tò mò như thể thằng này vừa bị té giếng.
Thu mình trong một góc, Hòa kiếm ở đâu đôi kiếng đen tròng vô mặt để giấu đôi mắt sưng húp của nó, suốt buổi cứ ngồi giương kiếng lên, im ỉm như một tay điệp viên tập sự.
Tất nhiên ba chàng thi sĩ còn lại không hề đả động gì đến nỗi đau của chàng thi sĩ kiếng đen trong suốt tối đó.
Cả bọn chỉ bàn đến chuyện ngày mai đi thăm chàng văn sĩ đang nằm cô đơn trong bệnh viện. À, lúc này Mã Phú không còn cô đơn nữa. Nàng công chúa kiêu kỳ đã hiểu ra nỗi lòng u uẩn của chàng chăn ngựa mồ côi. Thậm chí bây giờ Lợi là đứa hạnh phúc nhất trong bọn.
- Thằng Lợi xứng đáng hưởng hạnh phúc! – Thọ gật gù - Tao không hiểu làm sao sống được trong hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy nó vẫn có thể viết được những trang văn đẹp đẽ, tươi sáng…
- Tấm lòng phải bao dung! - Tôi nói.
- Tâm hồn nó phải đẹp! - Sơn lật đật a dua.
Bọn tôi kẻ tung người hứng làm thằng Hòa nhột nhạt. Từ đôi kiếng đen bất thần vọng ra một âm thanh rờn rợn.
- Còn đưa bất hạnh là đứa tâm hồn không đẹp, tấm lòng không bao dung hả tụi mày?
Câu hỏi vặn của thằng Hòa khiến cả bọn tôi há hốc miệng nhìn nhau. Không phải bọn tôi không thể trả lời nó mà không đứa nào muốn chạm đến cõi lòng nó.
Thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn ngẩn ra, bối rối, ngập ngừng một thoáng và cuối cùng là nổi khùng, chẳng kể gì đến cặp mắt (lẫn trái tim) đang sưng húp của thằng Hòa:
- Hỏi ngu! Mày nghĩ lại mà xem, trong bọn mình có đứa nào làm được như thằng Lợi không? Tụi mày hết đứa này đến đứa khác thi nhau gây rắc rối!
- Trừ mày! – Hòa xiên xỏ.
- Cả tao cũng vậy thôi, – Thọ nhún vai – Tao cũng chẳng khá gì hơn tụi mày.
Hòa bỉu môi:
- Mày từng nói mày với Hạt Dưa là một cặp mẫu mực mà.
Thọ nhìn chằm chằm vào mặt thằng Hòa, tôi thấy ánh mắt nó đột nhiên lóe lên thứ sáng kỳ dị:
- Mày biết tại sao tao và Hạt Dưa không bao giờ gây gổ hay giận hờn như tụi mày không?
- Tại mày có tâm hồn đẹp đẽ, tấm lòng bao dung chứ gì? – Giọng thằng Hòa vẫn chua lè, nghe ê cả răng.
- Sai bét! Tại tao với nó là anh em bạn dì. Mẹ nó là em ruột mẹ tao.
Y như Thọ vừa kích nổ một quả mìn. Cả đống cái miệng thất thanh:
- Cái gì?
- Tụi mày là anh em bạn dì?
- Xạo đi! Anh em bạn dì sao tụi tao không biết?
Thọ nhếch mép:
- Tao không nói, tao dặn Hạt Dưa không nói, nhà tụi tao lại ở tuốt ngoài Hương An, làm sao tụi mày biết được! Hơn nữa, cách đây ba năm, tao và Hạt Dưa học lớp Sáu 1, tụi mày học lớp Sáu 2, lên lớp Tám mới nhập chung, tụi mày không biết là chuyện đương nhiên!
Trước các bộ mặt ngẩn ra của ba đứa tôi, Thọ hất hàm:
- Tụi mày nhớ chuyện hồi đó có hai đứa học trò lớp Sáu 1 đánh nhau trong lớp, hai bà mẹ bị kêu lên đến khi vô họp nhà trường mới phát giác ra đó là hai chị em ruột không?
- Nhớ. Là mày với Hạt Dưa hả?
- Chứ còn ai! – Thọ cười hè hè – Hồi đó, tao mười bốn tuổi, bằng tuổi tụi mày bây giờ nhưng còn con nít lắm. Tao với Hạt Dưa đánh nhau chỉ vì tranh nhau xem nhà ai giàu hơn nhà ai thôi!
Thọ cười, nhưng ba đứa còn lại không cười nổi. Tôi sa sầm mặt:
- Vậy chuyện các nàng thơ là mày lừa tụi tao hả Thọ? Cả con nhỏ Hạt Dưa cũng đồng lõa với mày?
Sơn nghiến răng ken két:
- Hóa ra cặp mày là giả. Còn tụi tao là thật?
- Tao chẳng lừa ai hết á. – Thọ khụt khịt mũi – Thi sĩ phải có nàng thơ mới sáng tác hay được. Tao muốn tụi mày sớm trở thành Đinh Hùng. Nguyễn Bính…
Hòa gầm lên:
- Đinh Hùng, Nguyễn Bính cái đầu mày! Hu hu…
Hòa vừa nấc vừa bỏ chạy ra khỏi quán trước ánh mắt ngơ ngác của bọn tôi.
Tôi xô ghế dợm đứng dậy, Thọ đã đưa tay cản:
- Kệ nó, cứ để nó khóc cho nhẹ lòng.
- Nó sẽ khóc đến chừng nào? – Tôi hỏi, giọng lo lắng.
- Mối tình đầu khóc tối đa là một tuần. Mối tình thứ hai còn ba ngày. Mối tình thứ ba rút gọn lại còn một buổi tối.
Thọ nói chuyện tình yêu mà tôi tưởng như nó dự báo thời tiết, nghe lùng bùng hai lỗ tai. Tôi tính hỏi mày đã yêu lần nào chưa Thọ, nhưng cuối cùng tôi cũng làm thinh, biết thế nào nó cũng bịa. Nó bịa chuyện tình yêu của nó là Hạt Dưa, còn làm cả thơ ‘ Tôi gọi tên em là Hạt Dưa/ Em trồng mùa nắng hái mùa mưa’ lừa tôi suốt cả năm trời tôi không phát hiện, bây giờ nó ba hoa nó có cả đống mối tình ngoài Hương An, có tài thánh tôi mới biết được.
Tôi còn ngẩn ngơ, Thọ đã tặc lưỡi tiếp:
- Chuyện tình cảm thực ra khó lường lắm! Quan trọng là mình phải có niềm tin!
Nó vỗ vai tôi, khen:
- Bài thơ lá của mày chính là tuyên ngôn về niềm tin trong tình yêu!
Thọ làm tôi phổng mũi. Những câu thơ hôm nào chợt hiện ra xếp hàng trong đầu tôi:
Tình anh như lá
Reo vui mỗi ngày
Có chim về hót
Trong lòng sớm mai
Mai này lá rụng
Là mùa thu phai?
Không, tình yêu vẫn
Âm thầm trong cây
Khi mùa xuân đến
Tình anh lại đầy
Lá nằm trong lá
Tay nằm trong tay
Tôi đã sáng tác nó vào một đêm trằn trọc vì… đói. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi nghĩ đến những chiếc lá. Có thể vì tôi là đứa ‘‘nhớ dai’’ như cô Hiền nhận xét. Bài sinh vật về lá và rễ cây đã ám ảnh tôi.
Thỏ Con không biết điều đó. Chắc nó tưởng tôi thao thức suốt đêm làm thơ cho nó nên hôm sau đọc thấy bài thơ trong cuốn sổ các-nê, mắt nó rưng rưng, sau đó nó dẫn tôi vô chợ đãi tôi ăn chè kềnh bụng.
Trong khi tôi đang bần thần nhớ đến mấy ly chè, Sơn gật gù cất giọng:
- Bài thơ Lá áp dụng vô trường hợp thằng Lợi là trúng phóc. Giờ này chắc tay nhỏ Duyên đang nằm trong tay nó
Thọ cười nhăn nhở:
- Thằng Hòa lẽ ra nên thuộc bài thơ này để bớt khóc nhè!
Tối đó, tôi về tới nhà đã thấy thằng Hòa nằm trên ghế trước hiên. Như vậy là nó cuốc bộ về một mình.
- Ngủ sớm vậy mày? Vô nhà ăn cơm đã!
- Mày ăn đi! Tao không đói!
Tôi ngồi lên mép ghế, ngay dưới chân nó, ngập ngừng hỏi:
- Mày nhớ con Cúc Tần nhiều lắm hả?
- Bớt rồi!
- Bớt rồi sao không ăn cơm?
Nó lấy chân đạp lên chân tôi, cười hì hì:
- Trên đường về tao đói bụng ghé vô quán mì ăn rồi.
Nghe Hòa nói vậy, nhất mà nghe giọng cười của nó, tôi yên tâm bỏ vô nhà.
Ăn xong, tôi quay ra thì Hòa đã ngáy khò khò. Tôi nhìn nó, bâng khuâng nghĩ: biết đâu nhờ đau khổ vì tình mà nó bỏ được cái tật đái dầm cũng nên.
Nửa khuy tôi thức giấc, lò dò ra trước nhà, thấy chiếc ghế trống trơn.
Tôi lo điếng người, chỉ sợ Hòa làm bậy. Dòm quanh quất, thấy nó đang ngồi ở cuối hàng hiên, ngực tôi mới bớt thôi chèn đá.
Ánh trăng hạ tuần chiếu xuyên qua giàn su su, đổ bóng lốm đốm lên tóc áo nó, trông như nó đang ngồi trong một bức tranh cổ.
Tôi nhẹ bước lại gần, chợt nghe tiếng ngâm sụt sùi cất lên:
- Em đi phố huyện tiêu điều lắm/ Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi…
- Thơ ai hay vậy mà
- Nguyễn Bính.
Hòa đáp không quay đầu lại, cũng không giật mình, có lẽ nó đã nghe thấy tiếng bước chân của tôi.
Tôi ngồi xuống cạnh nó, mỉm cười:
- Thuộc thơ Nguyễn Bính thì sớm muộn mày cũng trở thành Nguyễn Bính thôi.
Hòa chép miệng:
- Tao không thích trở thành Nguyễn Bình nữa. Bây giờ tao thích trở thành Quách Tấn hơn.
Thằng Thọ thuộc nhiều thơ, chắc nó biết Quách Tấn là ai. Còn tôi mù tịt:
- Thơ Quách Tấn hay hơn thơ Nguyễn Bính hở mày?
- Không.
- Chứ tại sao?
Lý do thằng Hòa đưa ra lãng xẹt, chẳng dính dáng gì đến thơ ca, nhưng nghe mới chí lí làm sao:
- Quách Tấn sống ở Nha Trang!
Thành phố Hồ Chí Minh, 14-8-2011
Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com