Hóa ra thằng Lợi không có dây mơ rể má gì với ba nhỏ Duyên thật. Ba nhỏ Duyên chỉ là bạn hàng với ba mẹ Lợi, ông chỉ là người đi thu mua vàng (sự thực ông cũng chỉ là người trung gian được người ta thuê mướn), nhờ vậy ông qua lại với gia đình nó khá thường xuyên.
Khi ba mẹ Lợi chẳng may qua đời, ông bác và bà cô có nhận hai đứa em nó về nuôi. Riêng Lợi, họ hàng tất nhiên cũng thương nhưng bà con gia cảnh nghèo túng, nuôi thêm một đứa tuổi ăn tuổi lớn như nó là một gánh nặng quá sức. Trong khi mọi người còn phân vân chưa biết tính thế nào thì ba nhỏ Duyên ghé làng. Biết được cớ sự, ông xưng là cậu họ của Lợi, xin đem nó về nuôi.
Làng nó là làng bên nội, về anh chị họ của mẹ nó thì ông bác bà cô nó rất mù mờ. Nghe ba nhỏ Duyên bảo vậy, cũng có người bán tin bán nghi nhưng ngẫm ra trong lúc ngặt nghèo đột nhiên có người nhận cháu mình về nuôi cũng là sự tốt nên chẳng ai cản trở gì.
Kể tới đây, thằng Lợi ấp úng thù nhận ngay từ đầu nó đã biết ba nhỏ Duyên không hề có họ hàng gì với mình, nhưng chẳng biết trôi dạt về đâu, nó đành làm thinh, chỉ mong có chỗ nương náu qua cơn quẫn bách.
- Thế bạn có biết vì sao ba nhỏ Duyên nhận bạn về nuôi không? – Xí Muội thắc mắc.
Lợi chéo miệng:
- Chắc là ông ấy động lòng trước hoàn cảnh của tôi.
Tôi liếc ba đứa bạn thấy bọn nó cũng đang nhìn tôi và nhìn lẫn nhau và mặc dù không nói gì bọn tôi vẫn đọc được qua ánh mắt của nhau rằng thằng Lợi đã không nói thật.
Cảnh làm lụng vất vả của thằng Lợi như bọn tôi từng thấy tự nó đã phơi bày ra dụng ý của ba nhỏ Duyên. Ông nuôi nó như một người ở trong nhà, giống như ngày xưa các ông chủ ruộng vẫn nuôi tá điền để bóc lột sức lao động.
Bọn tôi tin thằng Lợi thừa thông minh để hiểu ra điều đó nhưng là một đứa giàu tình cảm có lẽ nó vẫn cảm kích người đàn ông đã cứu nó khỏi cảnh cơ nhỡ, lại còn cho nó đến trường (có nghĩa là cũng không đối xử với nó quá tệ) và theo cái cách nó vẫn thản nhiên đi moi bùn hay đi chăn bò hằng ngày có thể tin là nó chấp nhận cuộc sống hiện nay như con người ta vẫn chấp nhận sự an bài của số phận.
Có thể suy nghĩ của thằng Lợi còn đi xa hơn nữa: Qua cách có trả lời Xí Muội về lý do tại sao ba nhỏ Duyên nhận nó về nuôi khi hai bên chẳng bà con thân thích gì, có thể thấy Lợi không muốn nói, thậm chí không để tồn tại trong đầu những ý nhĩ không hay về ba nhỏ Duyên, và có lẽ nó xem việc phải nai lưng ra làm lụng sau giờ tan học là một cách để đền đáp lại sự cưu mang của người cậu vờ.
Một cảm giác gì đó như là sự thương hại cảm chiếm lấy tôi từng phút một, thứ cảm giác đã mơ hồ nảy mầm trong tôi ngay từ hôm tôi chứng kiến thằng Lợi moi bùn dưới ao giữa trưa nắng gắt. Những đứa khác cũng ở trong tâm trạng giống như tôi nên một lúc lâu chẳng thấy cái miệng nào bắt bẻ hay vặn vẹo cách giải thích của Lợi dù những gì bọn tôi chứng kiến hoàn toàn cho phép bọn tôi dồn nó vào thế bí.
- Tụi tao tin mày! – Thọ tặc lưỡi phá tan sự im lặng nặng nề, mặc dù câu hỏi tiếp theo của nó có thể khiến cho sự nặng nề càng nặng nề hơn nữa – Tụi tao chỉ không hiểu tại sao nhỏ Duyên bảo mày là con riêng của ba nó?
Tôi lo lắng nhìn Lợi, nhưng thấy nó chẳng có vẻ gì lúng túng. Bằng giọng trầm trầm trầm, nó bình tĩnh giải thích, dù vẻ bề ngoài của nó chẳng thể xua tan nơi tôi cái cảm giác là nó đang đắm chìm trong nỗi buồn vô hạn:
Đó là suy diễn của dì nó. Mẹ nhỏ Duyên mất được một năm thì ba nó đem tao về nhà. Dì nó tất nhiên không cần nhiều thời gian mới biết rõ giữa ba nó và tao chẳng có bà con gì. Cho nên dì nó nghi.
o O o
Ngay lúc thằng Lợi nói như vậy, tôi đã định ngoác miệng ra cãi. Tôi định nói nếu dì nhỏ Duyên (và ngay cả nhỏ Duyên nữa) là người có đầu óc bình thường sẽ nhận ngay ra Lợi không thể nào là con riêng của ba nhỏ Duyên. Nếu thực sự ba nhỏ Duyên cưng đứa con riêng, muốn đem nó về chăm sóc bù lại những tháng này xa cách thì không bao giờ ông lại bắt thằng Lợi làm việc quần quật suốt ngày ngoài đồng như thế.
Nhưng rốt cuộc tôi đã không nói gì, vì tôi biết thằng Lợi sẽ có cả mớ lý lẽ để chống lại tôi. “Bà ta cho rằng việc hành hạ tao là cách để anh rể bà đánh lừa mọi người”, nó sẽ bảo thế và nó sẽ nói tiếp rằng trong mắt dì nhỏ Duyên đó là một cái trò cũ rích mà dù nó có cực khổ nhiều lần hơn thế nữa bà cũng không thể nào dứt tâm trí ra khỏi mối hồ nghi về chuyện tự nhiên ba nhỏ Duyên đem một thằng cù bơ cù bất về nuôi.
Tôi e thằng Lợi sẽ nói thế, vì tôi tin những ý tưởng mà một đứa hời hợt như tôi có thể nghĩ ra được thì thằng Lợi cũng nghĩ ra được, thậm chí có thể nó đã nghĩ tới điều này từ rất lâu trước khi ý nghĩ đó nảy ra trong đầu tôi. Nhưng tôi ngậm miệng còn một lẽ khác nữa, quan trọng hơn: là nếu phản bác nó tôi buộc phải đề cập đến những chuyện cực nhọc hằng ngày nó phải làm vốn là điều mà qua hành động nấp sau lưng bò hôm nọ tôi chắc chắn nó không muốn bất cứ đứa nào trong đám bạn học của nó biết.
Vì vậy mà tôi chỉ đưa mắt nhìn nó rồi nhìn đi chỗ khác rồi lại nhìn nó mà không nói được đến khi nó buột miệng nói như than: “Tao chỉ mong chóng đến hè để xin ba nhỏ Duyên cho tao về quê thăm em tao” thì đầu tôi mới lóe lên một tia chớp. và tôi nói:
- Khi nào về quê mày xin cho nhỏ Duyên đi theo mày, tới lúc đó hẳn nó sẽ hiểu ra sự thật.
Sơn “ờ” lên, phụ họa:
- Lúc đó nó sẽ hết ghét mày.
Lần đầu tiên tôi thấy mặt thằng Lợi rạng ra. Nó tươi tỉnh nói:
- Tao cũng đã nghĩ đến chuyện đó. Chỉ không biết cậu tao, à quên, ba nhỏ Duyên có đồng ý không.
- Chắc chắn ba nó sẽ đồng ý. – Thọ nhún vai, nó nói như thể nó chính là ba nhỏ Duyên nhưng rõ ràng là nó không nói bừa – Ông ta cần phải đánh tan nghi ngờ trong đầu mọi người!
Thằng Hòa từ đầu đến cuối ngồi im như thóc, lúc này đột ngột mở miệng:
- Nhỏ Duyên hết ghét mày, biết đâu lúc đó nó chuyển qua thích mày!
Câu nói đùa của Hòa khiến Lợi đỏ bừng mặt:
- Tụi mày… tụi mày…
- “Tụi mày” sao? – Hòa càng trêu già – Nếu nó thích mày thì mày có thích lại nó không?
Vốn từ rơi đi đâu hết, Lợi tiếp tục lắp bắp “tụi mày, tụi mày”, trông bộ dạng nó lúc này thật khó tin nó là nhà văn Mã Phú với những trang viết bóng bẩy, trữ tình từng làm thổn thức bao trái tim nữ sinh, kể cả nữ sinh Duyên là người coi nó như kẻ thù.
Đã vậy, Xí Muội lại đế vô:
- Tôi thấy nhỏ Duyên dễ thương quá đó chứ!
Thằng Lợi giống như con thú nhỏ bị dồn đuổi bốn phía. Trong khi bọn tôi cười hích hích thì nó cố rúc người vô lưng ghế và không biết làm gì với hai tay. Nó bối rối đưa tay lên tóc, nghĩ sao lại đặt lên thành ghế, vẫn chưa yên tâm lại đặt lên đùi, cuối cùng khoanh tay trước ngực và nếu như nó vẫn tiếp tục khoanh tay trước ngực chắc chắn là vì nó chưa nghĩ ra một tư thế nào khác.
Đang toét miệng cười phụ họa với tụi bạn, đột nhiên tôi nhận ra phản ứng của Lợi không giống cái cách lúng túng của một người bị trêu chọc. Có vẻ như đó là biểu hiện của một người bị người khác nói ra bí mật gì đó sâu kín lắm.
Tôi rọi mắt vào mặt Lợi, ngờ ngợ:
- Hay là mày thích nhỏ Duyên từ lâu rồi?
Lần này thì thằng Lợi giống như đút hẳn đầu vô lò nướng. Mà đỏ lan ra tận mang tai, xuống tận cổ và cơ thể nó dường như sẵn sàng bốc khói bất cứ lúc nào.
- Thôi, vậy là đúng rồi! – Xí Muội thở ra – Chắc chắn ông có tình ý với nhỏ Duyên rồi!
Lợi cựa quậy người, chỉ để nói “ơ,ơ”, nhưng rồi chợt nhận ra “ơ,ơ” là từ có vẻ thừa nhận hơn là phản đối, nó vét hết can đảm để ợ ra một sự chống trả yếu ớt:
- Làm gì có…
- Vậy mà có đấy! – Thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn nghiêm giọng, vừa nói vừa nhìn văn sĩ Mã Phú bằng ánh mắt như đố thằng này dám gạt nó – Chính truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua đã tố cáo mày. Bây giờ tao mới hiểu ra tại sao mày viết truyện này và tại sao mày không dám nhận mình là Mã Phú. Mày sợ nhỏ Duyên biết được tâm sự của mày, đó mới là lý do thật sự, đúng không?
Kết luận của thằng Thọ kết thúc luôn buổi cà phê. Phát đạn của thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn đã bắn ngay tim văn sĩ Mã Phú. Thằng Lợi đã rất giống kẻ sắp lăn ra xỉu và nếu như nó không lăn đùng ra giữa quán chỉ vì tiếng trống vào học đã kịp vang lên…
o O o
Các nàng thơ, kể cả nàng Cúc Tần đã rời khỏi ban báo chí, đều có mặt lúc văn sĩ Mã Phú bị đám thi sĩ tụi tôi hành hạ. Nhưng trừ Xí Muội là đứa trực tiếp đi gặp nhỏ Duyên ra, những nàng thơ còn lại đều không hề hé môi chọc ghẹo Lợi nửa lời.
So với con trai bọn tôi, tụi con gái có vẻ giàu lòng trắc ẩn hơn. Thỏ Con ngồi trong quán cà phê cũng không nói gì, nhưng đến lúc ra về, nó lại gần rầu rầu:
- Tội ông Lợi quá há!
- Ờ, tội ghê!
Tôi nói, bụng nhủ thầm nếu Thỏ Con biết rằng ngày Lợi về nhà làm gì chắc nó còn tội cho thằng này hơn nữa.
- Bây giờ làm sao để nhỏ Duyên biết sự thật hả? – Thỏ Con lắm mái tóc, trầm ngâm hỏi.
- Hè này thế nào nó cũng biết. – Tôi khụt khịt mũi, trả lời mà như không trả lời.
- Sao mình không nói cho nhỏ Duyên biết ngay bây giờ? Đợi đến hè lâu quá!
Tôi tất nhiên cũng muốn nhỏ Duyên biết sự thật càng sớm càng tốt. Vì thực ra tôi cũng không rõ thằng Lợi còn chịu đựng được sự thù địch của đứa con gái nó thầm yêu thương (chắc thế!) bao lâu nữa, trong khi phải è lưng trước cả núi công việc mà cha của người con gái đó trút lên cuộc đời nó.
Nhưng rồi suy đi ngẫm lại tôi biết không đứa nào, kể cả thần tượng Xí Muội của nhỏ Duyên, có thể làm được chuyện này. Chõ mũi vào chuyện gia đình của người khác là điều xưa này bị xem là tối kỵ, chuyện nhà nhỏ Duyên lại rắc rối phức tạp hơn bình thường, người ngoài đụng vào có khi hỏng bét.
Cho nên hôm đó tôi chỉ ậm từ trước đề nghị của Thỏ Con, cũng may là nó chẳng phê phán gì thái độ không rõ ràng của tôi, có lẽ sau khi buột miệng nó cũng kịp nhận ra giữa ước muốn và thực hiện là một khoảng cách nhiêu khê vời vợi.
Tối đó lần đầu tiên tôi biết thế nào là trằn trọc. Như có một khối đen đen độn giữa tôi và giấc ngủ, rất nhiều lần giấc ngủ xích về phía tôi hoặc tôi xích về phía nó đều bị khối đen đó chặn lại.
Mãi một lúc thì tôi lờ mờ nhận ra khối đen đó có hình thù và đường nét, rồi một lúc lâu nữa thì hình thù và đường nét đó rõ dần thành khuôn mặt thằng Lợi.
Đích thị là thằng Lợi làm tôi khó ngủ. Có lúc tôi thử tưởng tượng tôi là nó để xem cuộc sống của một đứa mồ côi có mùi vị thế nào nhưng cố đến mấy tôi cũng không hình dung được điều gì đặc biệt, đơn giản vì tôi chưa bao giờ là thằng Lợi, cũng như chưa bao giờ cực khổ hay sống trong nghịch cảnh như nói.
Tôi lại lan man nghĩ đến câu chuyện chàng chăn ngựa của nó.
Khung cảnh trong truyện, các loại cỏ cây, cả cái giếng đá thơ mộng kia đều là những gì thân thuộc với Lợi, là những thứ nó nhìn thấy hằng ngày. Cả chàng chăn ngựa, nhà vua và nàng công chúa bé nhỏ cũng thế, đều đi ra từ đời thường của nó: thằng Lọi chăn bò biếng thành chàng chăn ngựa, ba nhỏ Duyên vào vai nhà vua, còn nhỏ Duyên hóa thân thành công chúa. Chỉ khác, nàng công chúa trong truyện là một phiên bản trái ngước với nàng công chúa ngoài đời. Nhỏ Duyên thì ghét chàng chăn bò bao nhiều thì nàng công chúa trong truyện đối xửa với chàng chăn ngựa dịu dàng, tình cảm bấy nhiêu.
Tôi không rõ khi ngồi viết những trang văn đẹp đẽ đó thằng Lợi nghĩ gì và tâm trạng của nó như thế nào. Tôi hiểu nó viết câu chuyện chàng chăn ngựa để gửi gắm niềm yêu mến của nó với đứa con gái vẫn xem nó như kẻ thù, nhưng có lẽ sâu xa hơn, nó muốn ký thác vào thiên truyện của mình những ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp mà có lẽ một đứa trẻ lạc loài vẫn luôn nghĩ tới và thường xuyên bắt gặp trong những giấc mơ.
Khi sắp xếp những ý nghĩ tươi sáng đó rồi rón rén bày ra trên giấy, có thể Lợi đang mỉm cười cho tương lai, cũng có thể nó đang nhỏ nước mắt tong tong xuống hiện tại. Nhưng tôi tin, dù nụ cười hay nước mắt thấm vào những trang văn thì câu chuyện tuyệt vời về chàng chăn ngựa có lẽ đã góp phần ru nó qua những cơn ác mộng của cuộc đời. Giống như người bị sóng nước nhấn chìm đang cố quờ tay vào cọc nhọn, một đứa bị số phận nhấn chìm như thằng Lợi có vẻ cũng đang cố níu lấy một giấc mơ để vượt qua giông bão của đời mình.
Tôi không biết tôi sẽ còn thao thức đến bao lâu trong tối hôm đó để nghĩ mãi về thằng Lợi nếu giấc ngủ không thình lình tóm lấy tôi ngay vào lúc tôi bắt đầu cảm thấy không muốn ngủ chút nào vì càng nghĩ về thằng Lợi tôi càng nhận ra được bao nhiêu điều hay ho mà trước đây tôi không bao giờ nghĩ tới.
o O o
Trong khi đám thi sĩ bọn tôi và các nàng thơ vẫn không nguôi ám ảnh về câu chuyện của văn sĩ Mã Phú và tiếp tục nghĩ trong vô vọng cách thức làm sao để nhỏ Duyên sớm biết được sự thật về nhân thế thằng này thì cả bọ tạm thời phải ngưng mọi nghĩ ngợi để tập trung đóng đặc san thành tập và sau đó hí hoáy lồng vào từng cái bìa một rồi lấy keo dán lại
Những lần trước, ban báo chí nhà trường dưới sự lãnh đạo của thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn chỉ dám in ba trăm tập (dĩ nhiên bán không hết, phút chót toàn đem biếu), năm nay cậy danh tiếng của Mã Phú với “tuyệt phẩm Chàng chăn ngựa của nhà vua” (chữ dùng của Lãnh Nguyệt Hàn), Thọ đề nghị tăng số lượng lên gấp đôi bằng cách khí khái thể với thầy hiệu trưởng là nếu nó không hoàn đủ vốn lại cho nhà trường nó sẽ lập tức bỏ trường ra đi.
Thầy hiệu trưởng biết thừa tay trưởng ban báo chí chỉ giỏi khua tay môi múa mép vì dù lãi hay lỗ trong vụ đặc san này thằng Thọ cũng phải khăn gói khỏi trường để vào thành phố học tiếp nhưng vì thầy vốn yêu văn chương, lại cũng biết thiên truyện của Mã Phú đang được ái mộ nên thầy gật đầu dễ dãi, chỉ thòng một câu dọa đùa: “Nếu em không hoàn vốn lại cho nhà trường thì em khỏi cần đi đâu làm chi, cứ ở lại đây học tiếp một năm nữa là thầy vui rồi!”.
Thằng Thọ thuật lại như vậy, rồi cười hề hề giục bọn tôi làm việc.
Tôi không biết sáu trăm tập đặc san có tiêu thụ được hết không và nếu bán hết tụi tôi sẽ vui cỡ nào nhưng lúc này ngồi è cổ đóng và vô bìa từng tập một quả là một cực hình khi tất cả đều hoàn toàn làm bằng thủ công.
Tám đứa trong bán báo chi, kể cả cựu thành viên Cúc Tần, xúm xít quanh các chồng giấy in ronéo chất đống trong hội trường. Bốn đứa loay hoay xếp giấy kiêm bưng bê, bốn đứa còn lại bặm môi, thậm chí đè cả người lên cái bấm giấy để đóng ruột đặc san, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Tính luôn chuyện trét keo và dán bìa, bọn tôi mất đến hai ngày trời mới làm xong.
Trong thời gian này, thành viên thứ chín của ban báo chi là văn sĩ Mã Phú biến mất tăm (như trước nay nó vẫn thế), nhưng từ khi hiểu được hoàn cảnh của nó, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn không còn nhăn nhó hay tìm cách bêu xấu nó bằng cách phao tin lung tung về giới tính của nó nữa. Trước đây đã một lần thằng Thọ cải chính về chuyện này bằng một câu nói chẳng lô – gíc tí ti ông cụ nào “Một viên ngọc quý thì không bao giờ pê – đê” nhưng tính Thọ tôi biết: khi nổi khùng, nó sẵn sàng nó ngược lại những gì nó từng nói bằng một vẻ trấn áo mạnh mẽ đến mức không đứa nào buồn quan tâm đến chuyện cãi lại nó.
Dù sao thì tôi tin lần này Thọ sẽ không làm cái chuyện chống lại Lợi, cũng là chống lại chính mình, vì chỉ có là gỗ đá mới đi nhạo báng thằng Lợi trong lúc này, chưa kể một khi đã biết thằng này có tình ý với nhỏ Duyên, thậm chí còn viết cả một thiên truyện để giãi bày tâm sự thì có hoạt là điên mới nghi ngờ về giới tính của nó.
Lợi không tham gia công việc đóng xếp đặc san, với bọn tôi được nhưng nó hứa khi bọn tôi đi bán báo ở các trường trong thành phố, nó nhất định sẽ đi cùng và khi Lợi nói như vậy bọn tôi tin ngay vì đứa nào cũng nhận thấy thiện chí của nó toát ra không chỉ trong giọng nói mà cả trong vẻ mặt rất quyết tâm của nó.
Nhưng rốt cuộc đến ngày bọn tôi lên đường thì chẳng thấy nó dẫn xác tới.
Ban báo chí thuê một chiếc xe lam, chở cả báo lẫn người và lúc này bọn tôi đang ngồi nhìn trên băng ghế hai bên thành xe, đảo mắt ra tứ phía chỉ mong nhìn thấy một chấm đen xa xa để có thể nghĩ là thằng Lợi nhưng nó vẫn lặn biền biệt chẳng thấy sủi tăm.
Thọ dậm dậm chân lên sàn xe, sốt ruột:
- Chắc nó kẹt chuyện gì rồi!
Sơn sốt sắng:
- Hay để tao chạy xuống Liễu Trì kêu nó?
Thọ liếc xuống đồng hồ nơi tay, lắc đầu:
- Không kịp đâu! Tụi mình đi trễ, tụi cấp ba tan trường thì mình chỉ có ăn cám!
Hòa làu bàu:
- Cúc Tần ra khỏi ban báo chí mà hôm nay còn đi được, thằng này nó bận chuyện gì quan trọng thế không biết!
Không có Lợi trong chuyến đi, bọn tôi có hơi buồn nhưng cái tên Mã Phú được tụi học trò các trường trong thành phố liên tục hỏi thăm khiến bọn tôi vô cùng hãnh diện và có cảm tưởng Lợi không hề vắng mặt.
Tới từng trường, chuyện trước tiên là thằng Thọ xin vào làm việc với ban giám hiệu, sau đó xe lam chở báo vào tận các hàng hiên. Tiếp theo Thọ dẫn đầu cả bọn tiến vào từng lớp, bốn nàng thơ áo dài tha thướt và ba chàng thi sĩ ăn diện bảnh bao ôm từng chồng báo lẽo đẽo theo sau.
Sau khi giáo viên đứng lớp giới thiệu các đám lủ khủ bọn tôi là ai, ở đâu, hôm nay “ời gót ngọc” đến đây làm gì, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn bước ra giữa lớp hắng giọng:
- Thưa các bạn, thưa các anh các chị, tôi xin các bạn các anh các chị năm phút để giới thiệu về đặc san của trường tôi…
Trong khi các nàng thơ mỉm miệng cười duyên với “khách hàng” (ý đồ dùng mỹ nhân kế để bán báo là khá rõ!), Thọ bắt đầu quảng cáo, khoe văn khoe thơ vung tán tàn, nhưng tụi học trò nghe những cái tên rổn rảng như Lãnh Nguyệt Hàn, Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc tử hay Hận Thế Nhân cũng thờ ơ như nghe tin xe cán chết chó, chẳng hề xúc động mảy may. Nhưng khi Thọ vừa nhắc đến truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua của Mã Phú, tụi bên dưới lập tức xôn xao cả lên:
- A, có truyện của Mã Phú trong này hả?
- Có phần kết chưa?
- Đăng trọn cả truyện chứ?
Bọn tôi nở từng khúc ruột khi thấy lớp học đang lặng ngắt bỗng ồn ào như các chợ vịt, còn thằng Thọ dĩ nhiên chẳng buồn gân cổ nói thêm gì nữa. Làm như chính mình là Mã Phú, nó kiêu hãnh ưỡn bộ ngực kẹp lép về phía trước, gật đầu lia lịa để đáp lại thịnh tình của người hâm mộ, miệng toét tới mang tai và sung sướng hất đầu ra hiệu cho bọn tôi ôm từng xấp đặc san xuống các dãy bàn chào mời.
Tôi đã từng đi bán báo với thằng Thọ nhiều lần nhưng thú thật chưa lần nào tôi mô tả được hạnh phúc trong “kinh doanh” có mùi vị gì, trừ lần này. Thật khó mà nói chính xác cảm giác bọn tôi đang nếm trải nhưng nếu bảo nó gần với cảm giác của một người vừa đón tết nguyên đán, tết trung thu và sinh nhật cùng một lúc thì các bạn có thể hình dung được phần nào.
Từ lúc đó về sau, khi qua các lớp khác và trường khác thằng Thọ chẳng thèm nhắc gì đến các bài vở khác trong đặc san. Sau khi “xin các bạn, các anh các chị năm phút… ”, Thọ giới thiệu ngay truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua và chỉ giới thiệu mỗi truyện đó thôi. Nó vứt hết đám thi sĩ, kể cả nó, vào sọt rác, chỉ lăm lăm nhắc đến mỗi nhà văn Mã Phú, làm như bọn tôi đi bán sách của thằng Lợi chứ không phải đi bán báo của nhà trường.
Nhưng chẳng đứa nào trong ba thi sĩ còn lại bất bình và sự phân biệt đối xử trắng trợn đó vì rõ ràng cái tên Mã Phú mỗi khi thoát ra khỏi đôi môi Thọ lập tức tạo nên một trận bão cảm xúc quét qua các dãy bàn và sau đó các nàng thơ yêu kiều của bọn tôi tha hồ bán báo mà không cần liếc mắt hay nhoẻn miệng cười duyên quá mức.
Chỉ duy nhất một lần thằng Thọ quảng cáo hơi lâu, đấy là khi nó phải chiều theo yêu cầu của độc giả.
Cái lớp học đó (nhân lúc giáo viên bỏ ra ngoài hành lang sau khi giới thiệu bọn tôi với đám học trò) vừa nghe thằng Thọ mở miệng “xin các bạn, các anh các chị năm phút”, mấy đứa ngồi bàn trên cũng đã nhao nhao, gộp tất cả các lời nhí nhố đó lại thì nội dung của nó cắc cớ như thế này: “Mày nói ba chục phút luôn đi! Bọn tao dưới điểm trung bình gần một nửa lớp, nãy giờ thầy chủ nhiệm quát kinh quá. Mày câu giờ giùm bọn tao, lát bọn tao mua mua hết đống báo đó cho!”.
Bất ngờ thứ hai xảy ra trong quá trình bán báo là đám học sinh cấp ba từng chạy tuốt lên Vinh Huy để diện kiến Xí Muội nhận ngay ra nhà văn tài hoa, thế là cả chục cái miệng thi nhau hò reo. Tụi còn lại không biết Xí Muội là ai, đến khi nghe đám kia tiết lộ đó chính là tác giả của thiên truyện lừng danh, lập tức bu quanh nghìn nghịt, đứa giở sách đứa lật tập đứa xé giấy rẹt rẹt chìa ra xin chữ ký khiến cho nàng thơ được ngưỡng mộ cả tài lẫn sắc kia không có cách nào từ chối.
Tôi nhìn bọn học trò bu đen bu đỏ quanh Xí Muội, thấy lưng áo nó đẫm mồ hôi và nếu nó ngoái đầu lại có khi tôi sẽ thấy mặt nó cũng đang nhòe nước mắt.
Vì nó đang bấm bụng tặng chữ ký cho người hâm mộ… thằng Lợi trong tâm trạng dở cười dở khóc mà.
o O o
Sáu trăm tờ đặc san Mùa Hè, bọn tôi dành tặng các thầy cô và tiêu thụ ngay tại trường một trăm tờ.
Năm trăm tờ đem vô thành phố bán sạch chỉ trong một buổi sáng, kỳ tích đó khiến mặt mày đứa nào đứa nấy tươi hơn hớn mặc dù lết qua bốn trường học với hành chục dãy lớp đối với chân cẳng của bọn thư sinh chúng tôi cũng vất vả nhọc mệt không thua gì leo lên dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Thằng Thọ kêu bác tài xe lam chở cả bọn ghé vào một tiệm mì để ăn mừng thắng lợi và trong khi bọn tôi vục mặt vào tô hì hụp, trưởng ban báo chí Lãnh Nguyệt Hàn và thủ quỹ Hạt Dưa xăng xái lôi từng nùi tiền lẻ trong túi áo túi quần của bọn con trai và trong bóp cầm tay của bọn con gái ra xếp cho phẳng phiu, thẳng thớm rồi say sưa ngồi đếm, quên cả ăn. Nhưng trông mặt thì hai đứa nó có vẻ no nê còn hơn cả bọn tôi, có lẽ những con số mơ ước mà hai đứa nó vừa tính đế được khiến niềm vui đang lèn chặt từng phân vuông trong cơ thể, đến mức khi hai đứa nó bắt đầu cầm đũa lên thì bọn tôi không những ăn xong tô mì thứ hai mà đang uống sang chai xá xị thứ ba.
Hôm đó, lần đầu tiên kể từ khi cha sinh mẹ đẻ, tôi bước qua cổng trường trong cảm giác của đoàn quân chiến thắng đang đặt chân qua Khải Hoàn Môn. Người lơ lơ lửng lửng, cứ như tụi tôi đang bay ngang sân trường để đến văn phòng hiệu trưởng.
Cảm giác lâng lâng đó còn kéo dài rất lâu vì thầy hiệu trưởng đã đón những người hùng trở về với nụ cười tươi roi rói kèm theo rất nhiều lời ngợi khen to tát mà nếu không giỏi kềm chế bất cứ đứa nào trong bọn cũng có thể ngất xỉu vì xúc động.
- Giỏi lắm, các em! – Thầy đặt tay lên vai Thọ, vui vẻ – Các em đã làm rạng rỡ danh tiếng của trường ta!
Giọng thầy đột ngột chuyển sang tâm sự:
- Không biết bao giờ trường ta mới có được lứa học trò tài năng như các em!
Tôi không biết thầy có đánh giá chính xác không nhưng dù sao ngay lúc đó những lời khen của thầy cũng giúp bọn tôi bay bổng trong nhiều phút và cả bọn reo ầm khi thầy tuyên bố:
- Các em chỉ trả tiền vốn cho ngân quỹ của trường thôi. Tiền lãi bán báo các em cứ giữ lấy, coi như đó là phần thưởng cho nỗ lực của các em trong những ngày qua.
Ban báo chi chúng tôi trong phút chốc trở nên giàu sụ. Thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn đi trước, thủ quỹ Hạt Dưa đi sau, hai đứa lại dẫn cả bạn quay ra cổng, lần này rủng rỉnh tiền bạc bọn tôi có tám cái mặt đều vác lên trời hết cả tám.
- Đi uống cà phê hả Thọ? – Thằng Hòa vọt miệng hỏi.
- Không! – Thọ dõng dạc – Đi xuống Liễu Trì!
o O o
Đi xuống Liễu Trì là phải rồi! Thằng Lợi xứng đáng là đứa đầu tiên được bọn tôi báo tin vui. Chính nhờ nó, nhờ truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua của văn sĩ Mã Phú ban báo chí mới lập được chiến công hiển hách và nở mày nở mặt như vậy, điều trước đây bọn tôi năm mơ cũng không thấy.
Nếu không kỳ vọng vô thiên truyện của nó, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn đã không dám tăng số lượng in lên gấp đôi, thầy hiệu trưởng đã không phê duyệt và hôm nay đột ngột làm cái chuyện mà bọn tôi không nghĩ thầy sẽ làm là quyết định ở lại trường lúc trưa trờ trưa trật để chờ bọn tôi trở về thông báo kết quả.
Đã gần một giờ trưa nên các nàng thơ phải về nhà. Tôi và Sơn cũng chạy về nhà, nhưng để khoe thành tích với ba mẹ sau đó năn nỉ ỉ ôi mượn hai chiếc gắn máy đèo Thọ và Hòa xuống nhà cậu thằng Lợi, à quên, nhà ba nhỏ Duyên.
Con đường đất dẫn xuống Liễu Trì không có gì thay đổi so với ngày nào, vẫn ao chuôm đồng bãi và những rặng tre xanh chạy dọc hai bên nhưng trưa nay lòng tôi đang được lấp đầy bởi bao nhiêu cảm xúc tươi vui nên trong mắt tôi dường như mọi thứ đều đang nhảy múa.
- Sao chạy chậm quá vậy mày?
Thằng Hòa ngồi sau lưng tôi nôn nóng giục, nó nói như thể tôi là một con rùa đang bò trên đường trong khi thực ra tôi đang phóng rất nhanh bởi tôi còn nóng lòng gặp thằng Lợi hơn cả nó.
Nhưng tôi không cãi nhau với Hòa, vì thực ra tôi cũng đang ước gì tôi có thể chạy nhanh hơn.
Trên đường đi, bọn tôi đã bàn tính với nhau rồi. Tới nhà nó, bọn tôi sẽ trổ hết miệng lưỡi để thuyết phục ba nhỏ Duyên cho phép thằng Lợi buổi tối lên thị trấn dự liên hoan của ban báo chí. Nếu cần Thọ sẵn sàng bịa ra đây là buổi liên hoan do nhà trường tổ chức và thầy hiệu trưởng chủ trì nên một thành viên trong ban báo chí như Lợi không thể vắng mặt vì bất cứ lý do gì.
Nhưng cũng như hai lần trước, Lợi không có nhà.
Bọn tôi vừa đút đầu xe vô chỗ mấy gốc cau trước ngõ, chưa kịp tắt máy xe đã thấy ba nhỏ Duyên trong nhà đi ra.
Vẻ lạnh lùng trên gương mặt ông biến mất, thay vào đó là những vết hằn sâu khiến mặt ông nhàu nhò như thể vừa thoát ra khỏi một cái cối xay và vẫn giữ vẻ mặt trông phát bệnh đó, ông nói với bọn tôi bằng thứ giọng rẻ rẻ của người mới ốm dậy:
- Lợi không có nhà, các cháu à.
Thọ chớp mắt:
- Lợi đ vậy cậu?
Người đàn ông đáp, vẫn giọng nói mệt mỏi, ông có vẻ tránh ánh mắt của Thọ khi nhìn đi đâu đó phía trên đầu bọn tôi:
- Nó đi bệnh viện từ sáng rồi.
Bọn tôi hoàn toàn không chờ đợi một câu trả lời như vậy. Y như bị ai đánh mạnh vào đầu, bọn tôi giật bắn, quai hàm trễ xuống và một cảm giác bất an lắp đầy cổ họng khiến cả bọn thình lình cà lăm:
- Lợi đi… đi… bệnh viện?
- Lợi bị… bị… sao vậy ạ?
Người đàn ông tặc lưỡi đáp, kèm theo một động tác mơ hồ, rất khó đoán được là ông đang nhún vai hay đang run lên:
- À, nó bị cái gàu rớt trúng chân…
o O o
Từ nhà ba nhỏ Duyên lên tới đường quốc lộ khoảng cách không xa lắm, nhưng như thỉnh thoảng vẫn xảy ra, bọn tôi có cảm giác đi hoài không tới, mặc dù lúc về tôi chạy còn nhanh hơn lúc đi.
Nắng trút lên đầu lên vai rát rạt nhưng chẳng đứa nào thấy nóng dù không đứa nào đội mũ. Tôi bặm môi miết tay ga, gặm từng mét đường nhưng ngốn hoài vẫn thấy con đường đất bò loằng ngoằng trước mặt.
Tiếng thằng Hòa vang lên ngay sau lưng tôi, giọng bạt đi trong gió:
- Hèn gì hồi sáng không thấy nó đâu!
Thấy tôi không nói gì, nó lại chép miệng:
- Bị gàu trúng chân chắc không sao đâu há?
Tôi không chắc nó hỏi tôi hay đó là cách nó tự trấn an nó. Nhưng tôi cũng trả lời:
- Chắc không sao!
Tới đường quốc lộ, rẽ trái gần một cây số là tới bến xe thị trấn nằm ngay ngã tư dẫn vô khu trung tâm.
Tôi quẹo phải và nôn nóng băng qua những cột mốc lần lượt theo thứ tự ngược lại lúc đi: trường học, nhà thằng Sơn, cổng chợ, nhà tôi, tiệm thuốc bắc Xuân Lan Đường, sân vận động. Cuối cùng là bệnh viện.
Bệnh viện có một tầng nên bọn tôi không khó khăn gì để tìm ra thằng Lợi.
Lúc bọn tôi vào, nó đang nằm thẳng cẳng trên giường, bàn chân trái chôn trong đống băng trắng toát, to sụ. Một chai nước biển lủng lẳng trên cọc màn nối với mu bàn tay nó bằng một sợi dây ni lông.
Ngồi trên chiếc ghế thấp cạnh giường là nhỏ Duyên. Nó đang cúi gằm, giống như đang đếm kiến dưới sàn nha nhưng khi bọn tôi tới gần mới biết nó đang đọc cuốn đặc san Mùa Hè.
Nhỏ Duyên ngẩng đầu lên khi bọn tôi lại gần và tôi ngạc nhiên thấy vẻ ngổ ngáo trên mặt nó trôi đi đâu mất. Mặt nó lúc này trông rất rầu rĩ. Tôi nghĩ là tôi nghĩ đúng vì khi nhìn thấy bốn đứa tôi nó khẽ mấp máy môi nhưng không nói gì, rồi nó cụp nhanh mắt xuống.
Tôi nhìn cuốn đặc san trên tay nó, thấy nó giở đúng ngay truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua nên tôi đoán nó đang đọc truyện của Mã Phú, lòng băn khoăn không biết nó có biết Mã Phú là cái đứa đang nằm thiêm thiếp trên giường kia không.
Thằng Lợi vẫn nhắm nghiền mắt từ khi bọn tôi bước vào, mặt nó tái xanh và màu vàng của mái tóc nó như cũng bợt đi, hoặc là tôi tưởng nó bợt đi.
Có lẽ Lợi đang ngủ, vì mệt vì đau hay vì buồn ngủ (hay vì cả ba), nhưng khi thằng Sơn vô tình đụng vô chiếc giường sắt thì Lợi mở mắt ra.
Nó mỉm cười khi thấy bọn tôi, và khác với các bệnh nhân tôi từng nhìn thấy, nụ cười của Lợi tươi tắn như thể nó đang nằm ngủ ngoài đồng cỏ và vừa trải qua một giấc mơ thú vị.
Tất nhiên khi liếc mắt qua nhỏ Duyên thì tôi hiểu ngay tại sao trong lúc đang nằm bẹp Lợi có thể tròng vào mặt vẻ rạng rỡ như vậy. nhỏ Duyên đang ngồi bên cạnh nó, mặc dù trong tình cảnh bất đắc dĩ, cảnh đó vẫn làm tôi nhớ đến hình ảnh nàng công chúa xúm xít bên chàng chăn ngựa trong thiên truyện của Lợi.
Lợi hé miệng cười với bọn tôi, có vẻ như nó muốn nói gì đó. Tôi đoán nó định thốt lên “Tụi mày đấy à!” nhưng rồi có lẽ thấy câu đó thừa thãi quá, nó nín luôn.
Sơn nhìn ánh mắt long lanh của Lợi, cười trêu:
- Hồi sáng tụi tao đợi mày quá trời. Hóa ra mày chui vô đây nằm.
Hòa nhìn xuống chân Lợi:
- Chân mày bị thương nặng không?
Lợi khẽ liếc nhỏ Duyên, như thể chỉ con nhỏ này mới biết chân nó bị thương như thế nào, và trong khi nó lộ vẻ phân vân, Thọ đã chép miệng nhận xét:
- Bị các gàu rớt nhầm chắc cũng không đến nỗi nào.
Tôi cãi:
- Không đến nỗi nào sao quấn cục băng to đùng vậy?
Sơn chẹp chẹp miệng:
- Chắc dập xương!
- Không có đâu! Trầy da sơ sơ thôi! Nhẹ hều à!
Lợi hấp tấp vọt miệng, nó làm như thằng Sơn nói điều gì bậy bạ lắm, thậm chí có vẻ như nó muốn chồm dậy để bịt miệng thằng này lại. Trông Lợi lúc này chẳng giống một bệnh nhân chút xíu nào. Nó giống một con sư tử bị chọc gậy vào lỗ mũi hơn.
Thọ nạt Sơn:
- Miệng mày ăn mắm ăn muối, đừng nói lung tung nữa!
Quay sang Lợi, Thọ toét miệng cười:
- Hồi sáng có mày thì vui biết mấy! Năm trăm cuốn đặc san đem theo, tụi tao bán không còn một cuốn
- Ôi, tuyệt quá!
Lợi reo lên, tôi thấy rõ sắc hồng đang quay trở lại trên hai gò má nhợt nhạt của nó. Lần này thì Lợi muốn ngồi lên thật, nó chỏi hai khuỷu tay xuống giường nhưng Thọ đã đặt tay lên ngực Lợi:
- Mày nằm nghỉ đi! Ngồn dậy làm gì!
Hòa giơ ngón tay cái lên:
- Nếu nghe tin này, mày còn nhảy bắn lên nữa!
- Tin gì? – Lợi nôn nao hỏi, mắt xoáy vào mặt Hòa,
- Hồi sáng tụi học trò trong thành phố hỏi thăm Mã Phú quá trời! – Hòa vừa nói vừa hào hứng vung tay – Nghe tới truyện của mày là tụi nó nhao nhao lên! Xí Muội đóng vai Mã Phú tặng chữ ký đến toát mồ hôi luôn.
Thằng Hòa nói nhanh quá, nó tuôn một lèo khiến bọn tôi không đứa nào ngăn nó kịp, kể cả đứa đứng sát rạt bên nó là thằng Thọ.
Nói xong, nhìn bộ mặt méo xệch của bọn tôi, Hòa lập tức nhận ra tai họa.
Ở trên giường, mặt thằng Lợi cũng như bị ai kéo lệch đi, bây giờ thì bộ mặt của nó đúng là bộ mặt ủ dột của một người bệnh.
Nhưng tất cả bộ mặt biến dạng đó vẫn không thấm tháp gì so với gương mặt của nhỏ Duyên.
Như thể trông thấy một con voi dưới gầm giường, mắt nó chữ O môi nó chữ A và với gương mặt toàn chữ là chữ như thế nó vẫn không thốt ra được tiếng nào. Trông nó như người bị á khẩu, các cơ mặt đột ngột đông cứng lại, đó là gương mặt không thể nhầm được của người hoàn toàn mất hết cảm giác.
Bọn tôi, kể cả đứa mồm mép nhất là thằng Thọ, cũng không biết phải nói gì hay làm gì trong lúc đó ngoài việc hết đưa mắt sang thằng Lợi lại nhìn sang nhỏ Duyên rồi lại bối rối nhìn nhau.
Cuối cùng, không ai bảo ai bọn tôi quay mình rón rén đi ra cửa, như cố chạy trốn cái sự thật thằng Lợi đã giấu giếm một cách khó khăn và thằng Hòa vừa phơi bày một cách dễ dàng, nhất là bọn tôi không đủ can đảm nhìn gương mặt ngơ ngác đến tội của nhỏ Duyên đang chìa ra như một lời trách móc.