Rồi mặc kệ người chủ ngơ ngác, chàng vội vã bước ra, dọc theo các cửa hiệu đầy ắp những kẻ vô công rỗi nghề. Lúc nào chàng cũng quay lại hỏi ý kiến Petrushka, cũng đang bận đi tìm các cửa hiệu khác. Trên đường đi, chàng ghé chỗ đổi tiền đổi mớ tiền lớn lấy tiền nhỏ, và dầu có chịu lỗ một chút, túi tiền chàng lại đầy ắp lên và chàng thấy sung sướng vô ngần.
Cuối cùng chàng dừng lại ở một cửa hiệu bán đồ phụ nữ, và cũng thế, sau khi đã chọn lựa và bằng lòng giá cả, Golyadkin lại hứa sẽ đến, rồi cũng ghi địa chỉ. Và khi được hỏi tiền cọc chàng lại bảo là lúc cần sẽ đến lấy hàng.
Chàng còn viếng nhiều cửa hiệu nữa, ở mỗi nơi chàng hỏi giá, mặc cả có khi rất lâu, ra vào nhiều bận. Tóm tắt, chàng đã làm một chuyện kỳ quái.
Từ khu Gostiny Dvor chàng đến một nơi bán đồ gỗ có tiếng khác và chọn đồ đạc trang hoàng cho một căn nhà sáu phòng, ngắm nghía một bàn trang điểm phụ nữ kiểu mới nhất, rồi hứa sẽ đặt tiền cọc và mang đi. Rồi lại dừng chỗ khác, hỏi giá, mặc cả, như là những thứ chàng cần không thể nào hết được. Cuối cùng chính Golyadkin cũng chán nản muốn bịnh luôn.
Chàng lại còn thấy bực dọc, đến nỗi không muốn gặp Andrei Filipovich hay vị bác sĩ ngay cả trong lúc này. Điều này chỉ có Trời biết vì sao.
Đồng hồ thành phố chỉ 3 giờ, Golyadkin trở về xe. Kết quả của một buổi sáng đi mua hàng đó chỉ là một đôi găng tay và một lọ nước hoa khoảng 1 rouble rưỡi. Nghĩ là còn sớm để tiến hành công chuyện, chàng bảo ngừng xe gần một hiệu ăn danh tiếng ở đại lộ Nevsky mà chàng chỉ mới được nghe nói, và bước vào ăn lót lòng, nghỉ ngơi một chút trong lúc chờ đợi.
Chàng ăn thật ít như chỉ cần ăn để sống mà thôi, nhưng cũng làm như một người với bữa ăn thịnh soạn trước mặt. Chàng uống Vodka, ngồi xuống ghế dựa, và sau khi ngại ngùng liếc quanh, chàng đặt tờ báo bên cạnh, đọc vài hàng, đứng dậy soi gương kéo cà-vạt, vuốt tóc rồi bước đến cửa sổ xem còn chiếc xe đợi đó không. Rồi lại trở lại ghế ngồi, nhặt tờ báo lên. Rõ là chàng có vẻ bối rối. Nhìn đồng hồ, chàng thấy chỉ mới 3g15. Còn phải đợi lâu. Nghĩ rằng ngồi không thế này cũng kỳ, chàng gọi một tách Chocolat dù thực tình không muốn lắm. Chàng nhắp vài ngụm, thấy thời gian qua đi được một chút, và lúc chàng định trả tiền thì có ai vỗ vào vai.
Golyadkin quay lại và thấy hai viên thư ký cùng làm trong sở mà chàng đã gặp sáng nay trên đường Liteinaya, cả hai còn nhỏ tuổi cũng như địa vị. Golyadkin chưa có thái độ thân thiết hay thù ghét gì với họ. Có quen biết nhưng chỉ trên mặt xã giao chứ chưa đến chỗ thân tình, và có lẽ cũng khó đến đó. Đối với Golyadkin, gặp họ lúc này thật không vui vẻ gì. Chàng hơi nhăn mặt, trong một phút không biết phải làm gì.
Cả hai người kia đồng kêu lên thích thú:
- Ông Golyadkin! Yakov Petrovich Golyadkin, thật là một dịp...
- Ồ, ra là quý ông.
Golyadkin ngắt ngang, hơi bối rối vì sự ngạc nhiên của hai người lúc gặp chàng một nơi thế này và trước thái độ thân thiện của họ, nhưng vẫn làm ra ta đây gương mẫu:
- Thế là tôi bắt gặp hai vị bỏ sở bỏ việc đấy nhé, hà hà!
Rồi để tỏ ra mình là kẻ dễ dãi, mà vẫn không cần phải tự hạ mình trước hai kẻ mà chàng thấy cần phải giữ một khoảng cách nào đó, Golyadkin vòng tay ôm sau lưng một người. Nhưng cái cố gắng thân thiện nay không thành công, cử chỉ của chàng trông hấp tấp và kẻ cả quá. Chàng bèn hỏi:
- Lão Gấu già thế nào? Có đang ngồi trong sở không?
- Ai vậy, thưa ông Golyadkin?
- Gấu già chứ ai, làm như các ông chưa nghe gọi thế bao giờ. - Chàng cười, quay qua lấy tiền thối - Đó dĩ nhiên là Andrei Filipovich - Chàng, có vẻ nghiêm trang hơn qua giọng nói.
Hai viên thư ký nhìn nhau hiểu ý. Một người trả lời:
- Ổng còn ngồi đó và nói thật là ổng có hỏi ông đâu rồi.
- Ông ta còn ngồi đó à? Muốn ngồi cứ để ổng ngồi. Ông nói là ổng có hỏi tôi, phải không?
- Vâng, ông Golyadkin. Nhưng chuyện chi vậy? Trông ông lịch sự thơm tho láng lẫy quá. Có chuyện gì thế?
- Các ông khỏi phải hỏi.
Và Golyadkin nhìn nơi khác, cố cười gượng gạo. Thấy vậy hai viên thơ ký phá lên cười khiến chàng đâm bực. Chàng nói với cái giọng như đành phải nhẫn nhục để cho cả hai biết việc gì đó:
- Dầu các ông biết tôi, cũng chỉ biết mới một khía cạnh. Không ai trách gì việc đó vì chính tôi cũng chịu trách nhiệm một phần.
Chàng mím môi nhìn hai người. Cả hai đang nhìn nhau.
- Vậy, tóm lại là các ông không hiểu tôi, lúc này cũng không phải lúc giảng nghĩa cho các ông nghe. Tôi chỉ nói vắn tắt vài điều, là thưa các ông, có những người ghét sự gian xảo và không hề lừa dối thiên hạ, có những người không muốn đánh bóng sàn nhà bằng đế giày, có những người không nghĩ là mình sung sướng khi mặc bộ quần áo đẹp, sau hết có những người không thích đi lòng vòng một cách vô ích, không thích nịnh nọt để được chút ưu đãi, nhất là không thích chúi mũi vào những nơi mình không hề được mời. Thưa quý ông, tôi đã nói những gì cần nói rồi. Tôi phải đi đây.
Golyadkin ngừng lại vì những gì chàng nói đã đủ giải thích cho hai người kia. Nhưng cả hai bỗng nhiên xúm lại cười lớn. Golyadkin giận đỏ mặt:
- Các ông cứ cười, nhưng chúng ta còn sống và sẽ thấy.
Chàng nói với vẻ đầy uy quyền, lấy nón và bước ra cửa. Nhưng chàng lại đứng lại nói thêm:
- Cho tôi nói điều này nữa. Ở đây chỉ có chúng ta, không ai thấy. Đây là cách của tôi: nếu thất bại, tôi không mất can đảm và dù thành công, tôi cũng nhẫn nhịn không làm hại ai. Tôi không âm mưu gì hết, và rất sung sướng ở điểm đó. Có thể tôi là người kém lịch duyệt, tôi biết. Họ hay nói là con chim bay tìm người thợ săn. Cũng có thật như vậy, nhưng chưa biết ai là chim ai là thợ săn đó thôi.
Golyadkin ngừng lại và với vẻ kẻ cả, chàng nhíu cặp lông mày, mỉm môi cúi chào hai người rồi bước ra, để hai người ở lại, ngơ ngác.
Petrushka nãy giờ phải đợi ngoài lạnh quá lâu đâm ra mệt mỏi, khi thấy chủ, y hỏi giọng cộc lốc:
- Ông muốn đi đâu?
Rồi thấy cặp mắt dữ tợn mà người chủ thường ban cho hắn hai lần một ngày, và bây giờ lúc bước xuống lầu có lẽ sẽ là lần thứ ba, hắn lặp lại câu hỏi:
- Thưa ông, ông muốn đi đâu?
- Đến cầu Izmailovsky.
- Xà ích, đến cầu Izmailovsky. Đi!
Ngồi trong xe, Golyadkin nghĩ thầm:
- Chưa quá 4 giờ chắc họ chưa nhập tiệc, có khi đến 5 giờ. Còn hơi sớm chăng? Nhưng mình đến sớm một chút cũng đâu có sao? Trong nhà cả, cần gì phải hình thức như vậy? Giữa họ và mình toàn người tử tế không chớ có ai khác đâu? Lão Gấu già cũng đã nói không phải là lễ nghi gì, vậy mình cũng có thể...
Nhưng dầu nghĩ vậy, Golyadkin cũng thấy lo lắng hơn. Rõ là chàng đang sửa soạn bộ tịch nói điều gì đó rất phiền phức. Chàng thầm thì, chân tay múa may, nhìn ra cửa xe không ngừng. Không ai thấy Golyadkin như vậy lại có thể nghĩ là chàng chỉ đi dự bữa ăn tối, một chuyện thông thường không long trọng gì cả đối với những người lịch sự.
Đến cầu Izmailovsky, Golyadkin chỉ tay về một ngôi nhà và cỗ xe ồn ào vượt qua cổng chạy vào sân.
Thấy một khuôn mặt đàn bà ở cửa sổ, Golyadkin gởi lên một cái hôn gió. Thật chàng cũng không biết mình đang làm gì vì lúc đó chàng cũng như mất hồn. Bước ra xe, mặt chàng tái ngắt ngơ ngẩn. Chàng bước vào, sửa nón, sửa cà-vạt một cách vô thức, và bước lên lầu mà thấy đầu gối run lên bần bật.
Chàng hỏi người giúp việc khi y ra mở cửa:
- Có ông Olsufv Ivanovich trong nhà không?
- Có, thưa ngài... Ồ, không thưa ngài. Ông chủ không có nhà.
- Sao như vậy được, bạn? Tôi đến dự bữa tối. Bạn phải biết tôi là ai chứ?
- Dĩ nhiên tôi biết, thưa ngài, và tôi được lệnh không để ngài vào.
- Anh... anh lộn rồi, anh bạn. Chính tôi được mời mà.
Golyadkin xoay nón định bước vào.
- Xin ngài, ngài không được vào đâu. Tôì được lệnh như thế.
Mặt Golyadkin trắng bệch. Lúc ấy cánh cửa cuối nhà mở ra và Gerasimovich, người hầu già của Olsufy Ivanovich xuất hiện.
- Gerasimovich, vị này muốn vào, và tôi đang cố nói với ông ta...
- Alexeyevich, mầy là thằng khùng. Trở vào gọi Semenvch đến đây. Thưa ngài, ngài không vào được.
Gerasimovich nói lễ phép nhưng quả quyết:
- Họ gởi lời xin lỗi không thể tiếp ngài.
- Họ nói vậy? Họ không thể tiếp tôi?
Golyadkin ngập ngừng:
- Nhưng tại sao lại không tiếp được?
- Họ không thể, vậy thôi. Khi tôi báo là có ngài đẽn, họ bảo đi xin lỗi ngài là họ không tiếp ngài được.
- Nhưng tại sao vậy chớ? Tại sao...?
- Xin ngài vui lòng...
- Không chấp nhận được! Đi nói với họ là tôi đợi đây. Sao họ làm như vậy được? Tôi đến dự tiệc...
- Xin ngài, đừng làm cho khó khăn thêm ra.
- Thôi được rồi, nếu họ đã bảo ông đi xin lỗi... nhưng này Gerasimovich, chuyện gì vậy?
- Xin ngài...
Gerasimovich đẩy nhẹ Golyadkin qua một bên nhường lối cho hai người lúc đó bước vào.
Đó là Andrei Filipovich và Vladimir Sẹmyonovich cháu ông ta. Cả hai ngạc nhiên nhìn Golyadkin. Andrei Filipovich định nói gì nhưng lúc đó Golyadkin thấy là tõt hơn mình nên rời và chàng quay đi, mặt đỏ như gấc, mắt dán xuống đất cười một cách thảm hại. Lúc xuống lầu chàng nói với Gerasimovich:
- Tôi sẽ đến, sẽ tìm hiểu câu chuyện. Hy vọng sự hiểu lầm này sẽ được làm sáng tỏ sớm.
Chàng nghe tiếng Andrei Filipovich gọi theo: “Ông Golyadkin! Ông Golyadkin” và hỏi lại, giọng quyết liệt:
- Tôi giúp gì được ông, Andrei Filipovich?
- Chuyện gì vậy? Có gì xảy ra thế?
- Không có gì cả. Tôi có mặt ở đây vì việc riêng.
- Ông nói gì?
- Tôi nói việc riêng, và chừng nào tôi còn sống, còn trông thấy được thì tôi không can cứ gì đến việc nhà nước cũng như những cấp trên của tôi cả.
- Ông nói gì vậy, thưa ông? Gì mà có cấp trên vào đó? Có chuyện gì xảy đến cho ông vậy?
- Không, chả có gì hết. Một cô gái thiếu dạy dỗ, vậy thôi...
Andrei Filipovich hoàn toàn không hiểu gì cả:
- Cái gì? Ông nói cái gì?
Golyadkin nãy giờ đứng ở nấc thang dưới mà nói chuyện với Andrei Filipovich, và nhìn Andrei Filipovich như muốn chồm vào ông ta, thấy ông sểp của mình hơi nghiêng người, bước một bước về phía chàng. Rồi ông ta lại bước lui. Chàng tiến tới một bước, rồi một bước nữa. Andrei Filipovieh còn lẹ hon, nhảy ngay vào nhà đóng cửa lại.
Còn Golyadkin một mình. Mọi vật như quay cuồng. Chàng ngơ ngác, đứng lặng như đang cố hiểu chuyện vô nghĩa vừa xảy ra. Rồi chàng cười méo mó, nói nhỏ trong miệng: “À... À...” Lúc đó tiếng nói cười và tiếng chân từ dưới chân cầu thang vọng lên, hình như có nhiều khách đang đến. Đã tỉnh táo lại đôi chút, Golyadkin kéo cổ áo lông gấu lên che bớt mặt lầm lủi đi xuống, vấp té mấy lần. Chàng thấy tê cóng, yếu như bún, hoang mang đến nỗi lúc đã xuống chân cầu thang thay vì đợi xe đến chàng lại đi ra chỗ xe đậu qua một cái sân đầy sình lầy. Đến xe rồi, chàng nghĩ phải chi mình chui được xuống đất hay trốn vào cái hang chuột nào đó thì hay biết chừng nào. Chàng tưởng như người trong nhà đang nhìn chàng từ các cánh cửa sổ, và nếu chàng chỉ quay lại thôi chắc chàng cũng chết mất.
Lúc Petrushka giúp chàng lên xe, chàng quát:
- Mầy cười cái gì? Thằng khùng!
- Thưa, con có cười gì đâu? Có gì mà cười chớ? Thưa ông, bây giờ đi đâu?
- Về nhà, bảo đi về nhà!
Petrushka nhảy lên bậc đề chân, la lớn “chạy về nhà”.
Golyadkin thầm nghĩ: “Thằng đó quang quác như con quạ đen!”
Lúc xe đã đi khỏi cầu Izmailovsky một quãng khá xa, Golyadkin bỗng giật mạnh dây cương của người đánh xe, ra lệnh cho ông ta quay xe lại. Người đánh xe quày ngựa lại và vài phút sau chiếc xe lại vào trong sân nhà của Olsufy Ivanovich.
Golyadkin la lên:
- Đồ ngốc, không phải trở lại chỗ này, không phải!
Người đánh xe như đang đợi câu này, lại chạy vòng quanh sân và tiến ra đường cái.
Thay vì về nhà, Golyadkin bảo ngừng xe gần một quán ăn quá cầu Semenovskv một chút. Chàng bước xuống trả tiền xe, cốt tống khứ nó đi cho khỏe cho rồi, và bảo Petrushka về nhà đợi chàng. Rồi chàng bước vào quán, giữ một phòng và gọi bữa ăn chiều. Chàng thấy xuống tinh thần, như có gì đang đục khoét trong đầu. Chàng bách bộ thật lâu trong phòng. Cuối cùng chàng buông mình xuống ghế, tay ôm trán, cố tìm cách giải quyết tình trạng hiện thời của mình.