Rõ là Christian Ivanovich không hề có ý đợi Golyadkin và cũng không hài lòng chút nào lúc trông thấy chàng, vì thoạt đầu ông ta có vẻ bối rối, sau đó lại coi bộ không vui. Và Golyadkin, hầu như luôn luôn luống cuống vấp váp mỗi khi phải bày tỏ chuyện riêng tư của mình, lúc đó không biết phải mở lời làm sao. Chàng bối rối, ấp úng vài tiếng hình như là lời xin lỗi, và không biết làm gì khác, chàng kéo ghế ngồi xuống.
Nhưng chợt nhớ ra là mình chưa được mời ngồi, chàng đứng dậy, hy vọng làm như vậy có thể vớt lại cử chỉ vụng về của mình. Rồi không hay là mình đã vụng về hai lần liên tiếp, chàng lại có thêm một cái vụng về nữa. Cười thật tươi, chàng lí nhí giải thích rồi lại quên mất mình muốn nói gì, chàng đỏ mặt lặng thinh. Chàng lại ngồi xuống, lần này không đứng dậy nữa, mắt nhìn thẳng ra trước một cách lạnh lùng như muốn biến kẻ thù thành tro bụi. Tia mắt đó còn nói lên sự độc lập của chàng, cho hay là chàng không có gì sai lầm cả, cũng như mọi người và dù có gì cũng không bao giờ để ý đến chuyện kẻ khác.
Vị bác sĩ ho khúc khắc, có vẻ đành chấp nhận. Ông nhìn Golyadkin với cặp mắt dò xét của một kẻ tham vấn.
Golyadkin nói, với nụ cười:
- Tôi lại phải phiền đến bác sĩ lần thứ nhì, và tôi lại phải xin bác sĩ lượng thứ...
Chàng lại gặp khó khăn trong việc tìm chữ cho thích họp.
Vị bác sĩ nhả một hơi khói rồi để điếu xì-gà lên bàn.
- Ồ... vâng. Nhưng ông phải tuyệt đối theo cách điều trị đã cho. Sao, tôi đã có nói là một sự thay đổi sẽ rất tốt đối với ông: ông thấy vậy không? Ông cần giải trí. Tôi muốn nói là... chẳng hạn đi thăm viếng bạn bè, có uống rượu cũng không hại gì. Chơi với những người tốt, ông hiểu chứ?
Golyadkin cười. Chàng nghĩ là mình cũng như ai, cũng có địa vị có cách giải trí, nếu chàng muốn đi xem hát dĩ nhiên chàng đi được, chàng cũng dư sức làm như mọi người vậy. Ban ngày đi làm việc, tối ở nhà, rất dễ chịu. Khỏi cần nói chàng cũng thấy mình không thua ai, cũng có nhà có người hầu. Đến đây chàng bắt đầu ho nhưng cố dằn.
Vị bác sĩ tiếp:
- Thật thì... tôi không muốn nói vậy. Tôi không đòi hỏi ông nhiều. Tôi chỉ muốn biết là, nói chung, ông có thích những cuộc họp mặt vui vẻ không, ông sống có dễ chịu không? Nghĩa là ông sắp đặt lối sống trên căn bản vui vẻ hay buồn bực?
- Thưa bác sĩ...
- Tôi muốn nói là ông phải thay đổi hẳn lối sống, nói cách khác, ông phải bỏ cái cá tính của ông đi. - Christian Ivanovich nhấn mạnh tiếng bỏ, và im lặng một lát, vẻ mặt đầy ý nghĩa - Đừng tránh xa cuộc sống vui vẻ, phải đi coi hát, gia nhập các hội, và dầu gì cũng dừng có thải độ thù ghét rượu. Ngồi nhà mãi sẽ rất hại cho ông. Dầu làm gì cũng đừng ở nhà.
- Thưa bác sĩ, vấn đề là...
Golyadkin nhìn vị bác sĩ khẩn khoản, cố tìm chữ thích hợp để diễn tả tư tưởng:
-... Tôi thích yên tĩnh, và trong nhà tôi không có ai, chỉ có tôi và Petrushka, người giúp việc của tôi. Tôi muốn nói là... là tôi theo lối đi riêng, theo con đường riêng của tôi. Tôi là con người độc lạp, và chừng nào tôi còn trông thấy được, tôi không lệ thuộc ai. Thưa bác sĩ, tôi sẽ đi dạo ngay bây giờ, như bất cứ ai khác.
- Sao? À, tôi hiểu. Nhưng mấy hôm nay thời tiềt xấu lắm, đi dạo cũng không thích gì...
- Đúng vậy, thưa bác sĩ. Ông thấy, dầu tôi là một người ít nói, tôi cũng hân hạnh được nói với ông là dù sao con đường của tôi cũng riêng rẽ. Đời có nhiều ngả... tôi muốn nói rằng... xin bác sĩ tha lỗi...
- Mình đang nói là...
- Tôi muốn xin lỗi bác là tôi không phải là kẻ ăn nói hoạt bát...
Golyadkin cao giọng, vấp váp rồi lại muốn quên điều mình sẽ nói:
-... Về mặt này tôi không như người khác.
Chàng tiếp với nụ cứời kỳ lạ:
-... Thật ra tôi không thể nói lâu và tôi cũng không biết nói sao cho hay, nhưng thưa bác sĩ, cần là tôi làm. Bác sĩ tin tôi đi, tôi làm.
- Sao? Ông nói làm là sao?
Một phút im lặng. Christian Ivanovich nghi ngờ nhìn Golyadkin, Golyadkin cũng liếc ông ta với đôi mắt thiếu tin tưởng. Rồi chàng nói tiếp, có vẻ hơi phật lòng vì sự bướng bỉnh của vị bác sĩ:
- Thưa bác sĩ, tôi thích yên tĩnh hơn là hấp tấp vội vã. Trong xã hội thượng lưu, người ta phải biết cách lấy giày đánh cho láng nền nhà - chân Golyadkin đưa nhẹ trên sàn - Đó là điều người ta đòi hỏi nơi ông, nói đúng hơn, họ muốn ông phải khôn ngoan. Nhưng thưa bác sĩ tôi không hề học những cái khôn ngoan lặt vặt đó của họ, không hề xuất sắc về những chuyện đó. Tôi không có thì giờ. Tôi chỉ là con người giản dị, không hợm hĩnh, không nổi bật. Thưa bác sĩ, trên một nghĩa nào đó, tôi phải nhận là tôi dành chịu chào thua.
Golyadkin nói như vậy nhưng không hề tỏ ra có chút buồn tiếc gì về việc “chịu thua” và cũng không ân hận gì về việc “không hề học những cái khôn vặt”. Trái lại là khác.
Christian Ivanovich nghe một cách khổ sở, như đang đợi chuyện gì khác hơn. Lúc Golyadkin nói xong bài văn, một sự im lặng nặng nề tiếp theo. Cuối cùng vị bác sĩ nói:
- Tôi nghĩ rằng ông đi có hơi xa đề tài. Thú thật là tôi không kịp theo dõi ông.
- Ồ, tôi không phải là nhà hùng biện. Tôi không biết cách diễn đạt tư tưởng sao cho trôi chảy, như tôi đã có hân hạnh thưa với bác sĩ.
Golyadkin nói với giọng quả quyết.
- Thưa bác sĩ...
Golyadkin lại bắt đầu, giọng nhỏ nhẹ nhưng có vẻ quan trọng, sau mỗi câu lại ngừng một chốc lát - Khi tôi bước vào đây, tôi bắt đầu bằng việc xin lỗi. Giờ tôi xin lặp lại và xin bác sĩ vui lòng một chút. Tôi không có giấu diếm gì với ông cả. Tôi chỉ là người tầm thường, nhưng may thay tôi không hề đề ý điều đó. Thực sự tôi rất tự hào rằng mình không phải là kẻ quan trọng, mà chỉ là một người tầm thường. Tôi cũng tự hào là mình không âm mưu này nọ. Tôi không hề làm điều gì sau lưng kẻ khác. Nếu tôi làm gì, tôi làm công khai. Dù có thể hại được nhiều người - tôi biết rõ là tôi có thể hại ai và với cách nào - tôi cùng không muốn bị hoen ố vì làm như vậy, và theo một ý nghĩa nào đó, tôi có thể xoa tay.
Sau một lúc sôi nổi tuy vẫn chưa đủ mạnh mẽ, Golyadkin lại im lặng như đóng kịch. Rồi chàng tiếp tục:
- Do đó, thưa bác sĩ, tôi theo con đường thẳng của tôi, và tôi chừa những lối đi quanh quẹo đáng khinh cho kẻ khác. Có lẽ tôi cũng không khi dể những kẻ xấu xa hơn ông và chúng ta - tôi muốn nói họ và chúng tôi - tôi không muốn dính gì đến ông. Tôi ghét luồn lọt, a dua và cũng không thích tán gẫu hay vu khống. Tôi chỉ đeo mặt nạ khi phải dự buổi hóa trang, tôi không muốn đeo mỗi ngày khi gặp kẻ khác. Thưa bác sĩ, tôi chỉ muốn hỏi bác sĩ là làm cách nào trả thù một kẻ thù xấu xa nhất, hay đại khái là vậy.
Golyadkin nhìn Christian Ivanovich có vẻ như thách thức.
Dầu đã nói thật rõ ràng và tự tin, đã cân nhắc ảnh hưởng lời nói, Golyadkin cũng có một vẻ gì khó khăn trong cặp mắt khi nhìn vị bác sĩ. Chàng trở nên hoang mang rồi nhìn Christian Ivanovich với sự ngượng ngập, lo lắng lẫn nôn nao.
Nhưng trước cái ngạc nhiên của Golyadkin, bác sĩ chỉ lúng búng vài tiếng, kéo ghế sát bàn, và với thái độ lịch sự nhưng lạnh lẽo, nói rằng ông ta không rảnh, ông ta không hiểu được chàng, và tuy ông ta sẽ rất sung sướng nếu giúp được gì cho Golyadkin, ông cũng không thể dự vào những chuyện chẳng liên quan gì đến mình. Rồi cầm lấy cây bút, ông xé một mảnh giấy và cho Golyadkin hay là ông sẽ viết toa thuốc cho chàng.
- Không, bác sĩ, không cần cái đó, không cần tí nào cả...
Golyadkin bật dậy, chụp tay vị bác sĩ:
-... Chắc chắn là tôi không cần cái này đâu.
Nhưng khi Golyadkin nói vậy, một sự thay đổi lại đến với chàng. Đôi mắt xám đục của chàng long lên một cách kỳ lạ, bắp thịt trên mặt rung động co giựt. Rồi cả người chàng run lên. Sau cơn xúc động, và sau khi đã ngăn cản được vị bác sĩ, Golyadkin đứng yên như không còn biết mình đã làm gì và đang định làm gì.
Christian Ivanovich ngơ ngác, như bị dính chặt vào ghế và tròn xoe mắt nhìn Golyadkin cũng đang nhìn mình. Gượng đứng dậy, ông ta nắm nhẹ cổ áo chàng, cả hai nhìn nhau trong vài giây. Rồi một việc bất thường lại đến với Golyadkin: môi chàng run rẩy, cằm giựt lên giựt xuống, chàng bỗng bật khóc. Chàng thổn thức, đầu lắc lư, tay phải đấm ngực, tay trái nắm áo vị bác sĩ. Chàng cố nói, cố giải thích điều gì nhưng không thể nói được một tiếng. Lúc đó bác sĩ đã bình tĩnh lại, ông ta cố đặt Golyadkin ngồi xuống và ôn tồn:
- Nào bình tĩnh lại đi. Ngồi xuống.
Golyadkin có vẻ kinh hoàng:
- Bác sĩ... Tôi... tôi có nhiều kẻ thù xấu xa lắm. Bọn chúng đã thề sẽ hại tôi...
- Ồ, xem nào, ông làm sao có kẻ thù được? Đừng nghĩ gì đến kẻ thù nữa. Đừng nghĩ gì hết. Ngồi xuống đi.
Vị bác sĩ đầy Golyadkin dựa vào ghế.
Golyadkin ngồi xuống, nhìn bác sĩ đang bực bội đi lại trong phòng. Im lặng một lúc lâu.
Ròi chàng đứng dậv vội vã:
- Thưa bác sĩ, tôi rất biết ơn ông. Tôi rất vui lòng về những gì bác sĩ đã giúp tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên lòng tử tế của ông.
- Thôi, xin ông thôi.
Christian Ivanovich nói với giọng nghiêm khắc, và đẩy Golyadkin vào ghế lần nữa:
- Nào, nói cho tôi biết ông bị chuyện gì? Điều gì đang làm phiền ông? Những kẻ thù ông vừa nói là ai vậy? Chuyện gì đang xảy ra? Nào, nói cho tôi biết ngay.
- Không, bác sĩ, chúng ta đừng nhắc chuyện đó nữa. Hãy nhắc đến khi nào phải lúc, khi mọi việc đều phơi bày và mặt nạ thiên hạ rơi xuống. Nhưng bây giờ, sau những gì xảy ra giữa chúng ta, ông cũng phải công nhận là... Thôi, cho phép tôi chúc ông một ngày vui vẻ.
Golyadkin quả quyết đứng dậy cầm lấy nón.
- Sao?... À, ông cứ tự nhiên.
Vị bác sĩ ngừng lại một lát rồi tiếp:
- Phần tôi, tôi cũng đã hết sức cố gắng. Tôi cũng xin chúc ông mọi điều tốt đẹp.
- Thưa bác sĩ, tôi hiểu. Tôi hoàn toàn hiểu ông rồi... Dù sao cũng xin ông tha lỗi đã quấy rầy.
- Ồ, tôi không định nói vậy. Nhưng ông cứ tự nhiên. Còn về chuyện thuốc thang thì xin ông cứ tiếp tục dùng như trước...
- Tôi sẽ tiếp tục dùng thuốc của bác sĩ và tôi sẽ mua ở cùng một nhà thuốc. Lúc này bào chế thuốc thật là một công việc làm ăn lớn, phải không bác sĩ?
- Sao? Ông nói thế nghĩa là sao?
- Theo cái nghĩa thông thường nhất, thưa bác sĩ. Nghĩa là đó là cái nghề mà thiên hạ đang xúm quanh.
- Hừ...
- Và các cậu trẻ - chưa được là phụ tá của người bào chế nữa - cũng bày đặt coi thường những người đáng kính.
- Ông nói rõ hơn?
- Tôi biết một người có tiếng, người mà chúng ta ai cũng biết. Chẳng hạn Vladimir Semyonovich.
- À, ra thế!
- Vâng, thưa ông, và tôi cũng biết những người không theo công luận và nhiều khi không sợ sự thật.
- Rồi sao?
- Như vậy đó. Nhưng thôi, việc này không ăn nhập gì đến chuyện chúng ta. Tôi chỉ muốn nói là có nhiều kẻ cũng biết cách nịnh hót ông nữa.
- Biết cách gì?
- Biết cách nịnh hót, thưa bác sĩ. Nhưng đấy chỉ là một lối nói, nghĩa là, có những người biết cách ca tụng người khác thật đúng lúc.
- Ca tụng?
- Vâng, ca tụng. Như một người tôi quen đã làm mấy hôm trước.
- Một người quen của ông? Rồi sao?
Vị bác sĩ hỏi, chăm chú nhìn Golyadkin.
- Vâng, một người quen của tôi ca tụng một người quen khác của tôi như thế nào, một người bạn, một người bạn theo như họ nói, được lên hàng định giá viên. Làm như tình cờ, ông ta nói: “Vladimir Semyonovich, tôi hân hạnh gởi đến ông những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất của tôi, những lời ca tụng thành thật nhất trước sự thăng chức của ông. Và tôi cũng vui thấy rằng mấy mụ thầy bói già như mọi người đều biết, đã hết làm ăn gì được!”
Golyadkin nhăn mặt nhìn Christian Ivanovich tinh quái.
- Vậy, đó là lối ca tụng của họ?
- Đúng thế, và lúc nói hắn ta liếc sang Andrei Filipovich, chú của Vladimir Semyonovich. Nhưng việc Vladimir Semyonovich được thăng chức đối với tôi có quái gì đâu? Hắn chỉ muốn lấy vợ, dù miệng còn chưa rời vú mẹ. Xin lỗi bác sĩ. Tôi nói như vậy với hắn, rồi tôi nói: “Vladimir Semyonovich, tôi đã nói những gì phải nói và bây giờ xin phép ông tôi cáo lui”.
-.....
- Vâng, thưa bác sĩ, tôi nói như thế. “Tôi xin cáo biệt!” Nhưng lúc đó tôi muốn bắn một mũi tên chết hai con chim. Sau khi đã nói với cậu bé đó, tôi quay sang Klara Olsufievna - việc này xảy ra hôm kia tại nhà Olsufy Ivanovich - lúc nàng vừa hát xong một bài tình ca thật hay, và tôi nói với nàng: “Chắc chắn là cô hát những bài ca lâm ly đó rất hay, nhưng họ không thật tình nghe cô đâu” tôi muốn ám chỉ với nàng là họ thật sự không nhìn nàng, chỉ liếc sơ...
- Vậy rồi cậu trẻ đó làm gì?
- Anh ta phải rán mà chịu, thưa bác sĩ.
- Ồ...
- Vâng, thưa bác sĩ, rồi tôi lại nói với chính lão già “Olsufy Ivanovich, tôi biết tôi còn chịu ơn ông về sự tử tế của ông đối với tôi lúc tôi còn nhỏ, nhưng bây giờ hãy mở mắt nhìn xem, tôi rất trực tính, rất thành thật”.
- À ra thế. Tôi hiểu.
- Vâng, vậy đó, thưa bác sĩ.
- Rồi ông ta nói sao?
- Ồ, làm sao kể lại bây giờ? Ông ta chỉ biết ấp úng rằng ông ta đã quen tôi lâu lắm... rằng ngài Bộ trưởng là người có lòng khoan hồng và như vậy như vậy... Trông ông ta run rẩy vì quá già.
- Vậy hả?
- Vâng, thưa bác sĩ, rồi chúng tôi chấm dứt câu chuyện. Lão già tội nghiệp! Một chân đã bỏ xuống huyệt rồi mà mỗi lúc có tán gẫu lại vểnh tai lên nghe. Chuyện gì cũng có ông ta vào trong đó.
- Ông nói chuyện tán gẫu?
- Vâng, họ xầm xì chuyện gì đó, và lão gấu già cùng thằng cháu cưng cũng xỉa vào. Nhập bọn với các lão già khác và dĩ nhiên bóp méo sự việc. Ông biết họ âm mưu gì không? Không gì khác ngoài việc giết người.
- Giết người?
- Vâng, giết người. Ám sát trên phương diện đạo đức luân lý. Họ loan tin rằng... dĩ nhiên tôi đang nói về bạn tôi.
Vị bác sĩ gật đầu.
-... Họ nói rằng ông ta hứa cưới vợ trên giấy tờ, trong khi đã có vợ rồi. Bác sĩ thử đoán xem, ông ta phải cưới ai?
- Ai vậy?
- Một con mụ người Đức có tiếng bê bối đang làm chủ hiệu ăn ông ta tới ăn. Họ còn cho là, thay vì trả tiền ăn ông ta lại đưa tay cho con mụ đó...
- Vậy sao?
- Ông tin nổi không? Lấy một con mụ Đức dơ bẩn, thô bỉ, đáng tởm, không biết xấu hổ đó. Karolina Ivanovna, ông biết không?
- Tôi công nhận điều đó, phần tôi...
- Tôi hiểu ông nói gì, chính tôi cũng vậy.
- Làm ơn cho tôi biết hiện giờ ông ở đâu?
- Hiện giờ tôi ờ đâu à?
- Vâng, tôi muốn... tôi nghĩ là ông thường sống ở...
- Đúng, thưa bác sĩ, tôi thường... tôi thường... giống như ông nói. Tôi không chối...
Golyadkin nói, cười mỉm và thấy Christian Ivanovich có vẻ lúng túng trước câu trả lời của mình.
- Không, ông hiểu sai ý tôi rồi, tôi muốn...
- Phần tôi, tôi cũng muốn - Golyadkin nói với tiếng cười - Nhưng tôi thấy đã phiền ông quá nhiều, bây giờ mong ông cho phép tôi chúc ông một ngày tốt đẹp.
- Hừ...
- Vâng, bác sĩ. Bây giờ tôi hiểu bác sĩ rồi, hiểu hoàn toàn.
Golyadkin tự đắc:
- Cho phép tôi được chúc ông một ngày vui vẻ.
Và, đánh hai gót giày vào nhau, Golyadkin bước ra bỏ lại vị bác sĩ đang ngơ ngác cực điểm.
Bước xuống lầu, Golyadkin mỉm cười xoa tay. Đến bậc thang cửa chàng hít một hơi không khí trong lành, cảm thấy thoải mái dễ chịu. Chàng thậm chí còn nghĩ rằng mình là người sung sướng nhất trên đời, và không hay là mình đang đi đến sở. Một cỗ xe chạy trờ đến sát lề nhắc chàng nhớ lại mọi việc. Petrushka mở cửa xe. Golyadkin bỗng thấy bứt rứt vô cớ. Chàng bối rối trong một thoáng. Có gì như đang châm chích chàng. Đặt chân lên bậc xe rồi chàng quay lại nhìn lên cửa sổ nhà Christian Ivanovich. Đúng là vị bác sĩ đang đứng đấy, tay phải sờ râu, nhìn Golyadkin tò mò.
- “Lão bác sĩ đó là lão ngu”.
Golyadkin nghĩ thầm lúc chui vào xe.
- “Quá sức là ngu. Có thể là lão chữa bịnh giỏi nhưng điều đó không giúp lão khỏi ngu như khúc gỗ mục”.
Khi Golyadkin đã vào xe xong xuôi, Petrushka la lớn “đi” và cỗ xe chạy về đại lộ Nevsky.