Ký sự pháp đình 2

Vị đắng của nước yến

Docsach24.com
ới bắt đầu, phiên tòa đã có sự kiện: Khi tòa hỏi ai là người đại diện công ty Dona Newtower [1] (nguyên đơn dân sự)? Những người đàn ông ngồi ở đầu bàn người này đẩy người kia, cười cười - mà theo lời bình của vị luật sư là “giống như chuyện giỡn chơi”. Cuối cùng, ông Phó tổng giám đốc người Hồng Kông, phụ trách về... kỹ thuật, đứng lên. Sự kiện này đã buộc luật sư Trương thị Hòa, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Đặng Minh Hoàng, phải có ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử xác định xem ông Phó tổng giám đốc có được sự ủy quyền hợp pháp hay không?

Nguyễn Hữu Hân, Đặng Minh Hoàng và Nguyễn Dân, ba thanh niên đứng trước vành móng ngựa phiên tòa chiều 26/6/1997, vốn là ba nhân viên tiếp thị của công ty Dona Newtower, bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”. Họ đã tự động giảm giá bán nước yến, nước sâm Cao Ly từ 10.000 đồng đến 13.000 đồng mỗi thùng, hoàn toàn không được sự đồng ý của công ty. Bán lỗ nhưng tiền nộp về công ty vẫn phải đủ theo giá quy định, nên họ phải lầy tiền đợt sau bù vào đợt trước, hậu quả là sau 8-10 tháng, số tiền thâm thụt lên tới trên 40 triệu đồng cho mỗi người.

Thoạt đầu, tôi đã không thể hiểu nổi tại sao ba nhân viên tiếp thị kia lại có những hành động kỳ cục như vậy, trong khi họ đều là những người có trình độ, am hiểu vấn đề, nói năng lưu loát, lý luận lôgích... trước tòa. Đồng ý là việc gì cũng có lý do của nó, họ khai đã tìm hiểu thị trường lúc đó, chỉ có cách giảm giá thì mới bán được hàng, mà có bán được hàng thì mới giữ được việc làm... thế nhưng tại sao họ không nghĩ tới số tiền bán lỗ mà chính họ sẽ phải trả cho công ty, chứ không thể trốn đi đâu được?

Cuối cùng rồi tôi cũng hiểu. Các bị cáo khai công ty thông báo cho họ biết trong một tuần lễ đầu, mỗi ngày phải khai thác được ba điểm bán hàng thì mới được công ty nhân vào làm việc. Họ sẽ trải qua hai tháng thử việc, được hưởng lương 90 đô-la Mỹ, cộng với tiền phụ cấp 45 đô-la nữa. Sau đó, sẽ được ký hợp đồng làm việc chính thức với những chế độ quyền lợi theo thỏa thuận. Thế nhưng cả ba người làm hoài chẳng thấy được tuyển dụng chính thức, lương thì theo chủ trương mới sẽ khoán theo doanh số, chẳng một xu phụ cấp. Và tất cả họ đều không có hợp đồng lao động, tất nhiên. Chính việc công ty không thực hiện các lời hứa của mình - theo lời của luật sư Hòa, đã hướng các bị cáo đi tới sai phạm trên. (Sau đó, trong khi chờ Hội đồng xét xử nghị án, Hân, mắt rơm rớm, đã nói với tôi rằng chính vì tin là sẽ được tuyển dụng nên họ đã mạnh dạn chấp nhận lỗ bước đầu, chờ sau đó, khi thị trường tiêu thụ đã có, giá cả đã ổn định - bằng chứng là hiện nay giá cả đã ổn định - họ sẽ lấy phần thu được để bù lại).

“Công ty có chủ trương không ký hợp đồng lao động với nhân viên không?” tòa hỏi đại diện công ty Dona Newtower. Ông Phó tổng giám đốc trả lời “Không!”. Tòa: “Thế tại sao các bị cáo này đều không được ký hợp đồng lao động?”. Ông Phó tổng giám đốc: “Điều đó tùy thuộc vào phẩm chất cá nhân”. Ông khoát tay ra hiệu cho tòa thấy là những người ngồi phía sau ông đây rất nhiều - là nhân viên của ông, không có hợp đồng lao động nhưng đâu có làm như ba bị cáo này? Tòa hỏi công ty có quy định thời gian thử việc là bao lâu không? Ông nói không quy định cụ thể. Tòa cho ông được chỉ một nhân viên bất kỳ để tòa hỏi về thời gian thử việc, mới đầu, ông chỉ ông phó chi nhánh, sau đó, ông mới gọi một nhân viên tiếp thị. Anh này khai rằng làm cùng thời với những bị cáo nói trên, nhưng thử việc kéo dài cho tới 4/1996, anh mới đước ký hợp đồng lao động.

Trong phần bào chữa, luật sư Hòa nói tháng 10/1995 - tức khoảng ba tháng sau khi làm việc, những bị cáo này đã làm đơn kiến nghị nhưng công ty vẫn không trả cho họ khoản phụ cấp tiền hao mòn xe, tiền đổ xăng và cơm nước v.v... như đã thỏa thuận. Luật sư cũng nói Luật Lao động quy định rõ thời gian thử việc ngay cả đối với những công nhân kỹ thuật cao cũng không được quá 60 ngày. Trong khi đó, tại công ty, thời gian thử việc kéo rất dài, tới cả năm trời. Công ty lại có những quy dịnh khắc nghiệt như không mặc đồng phục: trừ lương; đi trễ: trừ lương; không xuất bán hàng được trong hai ngày liên tục: trừ lương... Trong khi Luật Lao động của ta ghi rõ nghiêm cấm việc trừ lương. Tại sao bộ Luật Lao động của ta không với tới được nơi này?...

“Công ty đã lợi dụng sự không kiểm soát nổi của ta để vi phạm Luật Lao động. Những bị cáo này phải ra tòa, còn công ty - ở thế chủ động về kinh tế, thì không bị xứ lý gì hết...” Luật sư nói. Trong phán tuyên án, Hội đồng xét xử đã nhận định: “Công ty Dona Newtnwer có nhiều vi phạm trong quá trình sử dụng lao động, kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành thanh tra, gửi kết qua cho tòa trong thời hạn 30 ngày”. Người nghe cũng thấy đỡ ấm ức.

Bản án 4 năm tù (cho Hân, Hoàng), 3 năm tù (cho Dân) thỏa đáng đối với số tiền mà họ làm thất thoát (dù là liên doanh, vốn nước ngoài 64%, nhưng tài sản vẫn là tài sản XHCN). Nhưng nếu những cơ quan liên doanh nước ngoài tha hồ hành xử bất công đối với người lao động mà không bị xử lý gì, thì làm sao có sự công bằng?

Trong tôi còn đọng lại hai khoảnh khắc: một là lúc vị hội thẩm nhân dân nhắc nhở ông Phó tổng giám đốc rằng “Nhận xét về công nhân VN dưới quyền là việc của ông, nhưng tòa nhắc ông không được đánh giá người VN xấu hay không xấu, việc các bị cáo này có tội hay không có tội, tòa sẽ đánh giá”. Hai là lúc tòa hỏi ông Phó tổng giám đốc về việc bồi thường. Ông yêu cầu các bị cáo phải bồi thường cho công ty toàn bộ số tiền mà họ làm thất thoát. Chủ tọa phiên tòa nói trong số tiền đó có phần do bán lỗ (khoảng 57 triệu đồng), chứ các bị cáo không chiếm đoạt, vì vậy, “theo tinh thần của người Việt Nam” - thẩm phán nhấn mạnh là cái này ông nói thêm thôi - “công ty không xem xét gì vấn đề này hay sao?” Sau khi ông chủ tọa giải thích hai lần, ông Phó tổng giám đốc vẫn nói do công ty không đồng ý bán lỗ, nên các bị cáo phải bồi thường toàn bộ.

Đành phải chờ 30 ngày thôi.

ChU thích:

[1] Liên doanh giữa nhà máy Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Nai và công ty Newtower Development Limited Hồng Kông, chuyên sản xuất kinh doanh nước giải khát như nước yến ngân nhĩ, nước sâm Cao Ly v.v...