Ký sự pháp đình 2

Cái chết của một người tù

Docsach24.com
ùi Thanh Liêm tát tới tấp vào mặt một tù nhân đang nằm co ro trong góc buồng giam.

- Đôi dép của tao đâu hả, thằng chó?

- Tôi lỡ làm mất rồi, để mai mốt tôi sẽ đền lại cho anh!

- Chừng nào mày mới đền hả? Đ.M. mày, dám giỡn mặt với tao hả? Mày hẹn trả tao mấy lần rồi?

Người bị đánh nói trên tên L.V.N., là tù nhân cũ của buồng giam số 7, vừa được chuyển từ buồng 4 trở về. Vì phải ra tòa, nên N. đã hỏi mượn của Liêm đôi dép Lào. Sau đó N. đã làm mất, có hứa trả Liêm nhưng chưa làm được. Hùng và Huy, trưởng và phó buồng giam 7, bước đến đánh, đá vào người N. N. ôm bụng nôn thốc tháo. Huy chộp cổ người tù. “Mày phải liếm hết chỗ ói này vô bụng mày. Mau lên!” Cứ mỗi giây chần chừ là N. nhận thêm một cú đấm, đá. May thay, lúc đó có tiếng mở cửa buồng. Cán bộ quản giáo đến kiểm tra buồng. Tù nhân lần lượt đứng vào hàng. Riêng N. vẫn nằm co ro. Huy sấn lới: “Thằng kia, mau ra xếp hàng!”. N. mệt nhọc đáp lại: “Tôi đứng dậy không nổi!”. “Dậy mau, mày đừng có giả bộ bệnh!”. Huy, Liêm đánh đá nhiều cái vào người N. Hùng, trưởng buồng giam, bước tới dùng chân đá mạnh vào ngực, vào cổ N. Huy nhảy tới nắm cổ N. lôi dậy, đẩy vào hàng. N. thét lên đau đớn. N. đã bị gãy xương cố.

Những điều vừa mô tả nói trên diễn ra một buổi chiều tháng 7/1992 lại buồng giam số 7, trại giam Mạc Đỉnh Chi, Công an Quận 1 - chỉ là những điều tôi hình dung qua bản cáo trạng, lời khai của các nhân chứng và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa ngày 8/3/1996 [1], TAND Thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế có thế còn dã man hơn gấp nhiều lần. Chiều hôm đó, theo luật sư V., sau khi bị vết thương chí mạng, L.V.N. còn cố gắng vùng chạy lên lầu để kêu cứu bộ phận quản giáo. Nhưng đã quá muộn. L.V.N. chết trong đêm. Kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân bị gãy sụn giáp, tổn thương các mô quanh hạ hầu, gây khó thở kéo dài, khiến nạn nhân chết vì suy hô hấp.

Trước đó, có lẽ do cảm nhận được mối nguy hiểm đe dọa nên L.V.N. đã kêu cấp cứu mấy lần để xin được chuyển buồng giam, nhưng y tế khám không thấy triệu chứng gì nguy hiểm nên N. đã được trả lại buồng giam 7. Cuối cùng N. đã không thể tránh khỏi cái chết thảm khốc.

Cha của nạn nhân L.V.N. - một người đàn ông nhỏ thó, đến tòa trên đôi nạng gỗ, nói rằng con ông từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ làm điều gì sai trái, chỉ có lần này do nhà nghèo quá, con ông đã cãi lời cha mẹ mà phạm tội. Một bản lý lịch trong sạch, ngược hẳn lại với lý lịch dày dặc tội phạm của ba hung thủ: Nguyễn Đình Huy 4 tiền sự, 1 tiền án, Tạ Nguyên Hùng 6 tiền sự, 3 tiền án, và Bùi Thanh Liêm 7 tiền sự, 1 tiền án. Rải rác trên báo chí đó đây đã có đề cập đến nạn “đại bàng” hành hạ tàn bạo, dã man đến chết các tù nhân nào không tuân phục chúng. Tù nhân cũng năm, bảy đường. Trên thực tế, có những người sau thời gian bị giam giữ đã được Tòa án xét xử, tuyên bố vô tội. Sẽ đau xót biết dường nào nếu như chẳng may một người vô tội bị rơi vào tay của bọn “đại bàng”!

Nguyễn Đình Huy: tử hình, Tạ Nguyên Hùng: tử hình, Bùi Thanh Liêm: chung thân. Vị đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đã giữ nguyên đề nghị của mình, cho dù các luật sư đã có nhiều ý kiến tranh luận lại rằng so với hành vi phạm tội của các bị cáo thì khung hình phạt khoản 1 (Điều 101- Bộ Luật Hình sự về tội giết người) là quá nghiêm khắc. Ông nói ông hoàn toàn đồng ý với các luật sư, rằng các bị cáo hành động không có tổ chức và bàn bạc trước, không phải vì động cơ đê hèn, hành vi đánh người của bị cáo Liêm không thể dẫn tới cái chết cho nạn nhân N., v.v... điều khiến ông đề nghị khung hình phạt cao nhất - mà ông đã nhấn đi nhấn lại nhiều lần - là bởi tính côn đồ của các bị cáo. Hội đồng xét xử cũng đã tuyên mức án tử hình hai bị cáo Huy, Hùng; chung thân cho bị cáo Liêm. Một bản án quả là có nghiêm khắc (như các luật sư đã nói), một sự nghiêm khắc cần thiết, nhưng muộn màng. Vị đại diện Viện Kiểm sát trong phần luận tội có nói hành động của các bị cáo thực chất là hiện tượng “đại bàng”, rải rác còn có ở các trại giam. Luật sư T. nói bà rất căm phẫn chuyện “đại bàng”, và nêu thắc mắc tại sao cán bộ trại giam (lúc đó) lại cử những người có nhân thân quá xấu vào việc trông coi trật tự các buồng giam, để xảy ra tình trạng trên? Liệu bản án nghiêm khắc này có ngăn cản được nạn “đại bàng”, hay phải có một biện pháp từ gốc? Tôi nhớ hoài lời nói cuối cùng của bị cáo Huy trước phiên tòa, xin cho được sống. Lời tự bào chữa của con người đã có hành vi tàn ác dường ấy, nghe cũng vẫn cứ thấy nao lòng. “... Bị cáo được sắp xếp đưa lên làm phó buồng, để ổn định trật tự trong buồng. Nếu bị cáo làm đúng trách nhiệm với cán bộ quản giáo thì không được lòng tù nhân. Còn làm không đúng trách nhiệm thì bị còng giò, bị đưa đi biệt giam.

Trước khi nhận việc, cán bộ quản giáo đã nói trước: ‘Mày để cho tụi nó đánh lộn, gây mất trật tự trong phòng là mày chết’. Bị cáo cũng là con người, không thể nào bị cáo đối xử với anh N. bằng thú tính được. Bị cáo không bắt anh N. liếm chất ói ra. Do bị cáo làm đúng trách nhiệm với cán bộ quản giáo, không được lòng anh em, nên anh em muốn lợi dụng dịp này để giết bị cáo thôi. Bị cáo là thanh niên, tính nóng nảy. Khi cán bộ quản giáo kiểm tra buồng, bị cáo kêu N. vô hàng ba lần, N. không vô. Nếu N. không vô, bị cáo sẽ bị quản giáo khiển trách, khi bị cáo quay lên để báo cáo với cán bộ quản giáo thì anh N. bỏ chạy, vì thế bị cáo mới chạy theo, nắm cổ lôi lại.... Xin cho bị cáo được sống để trở về với gia đình...”

Ai cũng thấy rằng bản án tử hình dành cho các bị cáo là quá nghiêm khắc, nhưng hình như mọi người đều đồng tình. Vì người ta cảm nhận được qua bản án rằng luật pháp đang đòi hỏi cho dù ở một nơi tận cùng xã hội như nhà giam đi nữa, cũng không thể là nơi dành cho sự phát triển của tội ác. Nhưng vẫn còn đó một câu hỏi: Điều gì đã khiến cho các bị cáo, những người đã nhiều lần phạm tội không sửa chữa, đang bị giam giữ để thi hành án, lại có điều kiện để phạm thêm tội mới, lại là tội ác lớn nhất, là tội giết người? Nếu không giải quyết được vấn đề này, thì liệu những bản án dành cho các “đại bàng” cho dù nghiêm khắc bao nhiêu đi nữa, sẽ có được bao nhiêu tác dụng?

Chú thích:

[1] Ngày 8/3/1996, TAND Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án. Sau đó, các bị cáo kháng cáo, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm, đã tuyên hủy án sơ thẩm do sai phạm tố tụng. Trong thời gian đó, tạm giam ở trại Chí Hòa, Hùng đã đánh nhau với phạm nhân tên Nh. ở cùng phòng giam. Ngày 7/ 8/1997, trong lúc Nh. đang nằm ngủ, Hùng đã dùng lưỡi lam rạch nhiều nhát vào mặt, đùi, tay... của Nh. Ngày 24/3/1998 TAND Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại vụ án, tuyên án tử hình đối với Nguyễn Đình Huy, Tạ Nguyên Hùng và án tù chung thân đối với Bùi Thanh Liêm.