Cách đây... 12 năm, người đàn ông này phạm tội. Trên đường về nhà, ngang qua dốc cầu chữ Y, thấy có một đám thanh niên đang ngồi nhậu, anh ta ghé vào. Tối hôm đó, đám thanh niên - do C., K. chủ mưu - chui vào mùng một phụ nữ bạn của C. Người tù kể “C. kêu em chặn chưn, N. chặn hai tay...”. Cuộc hiếp dâm xảy ra. Người phụ nữ kêu cứu. Cả bọn bị bắt, C., K. ba năm tù, N. án treo. Riêng gã thanh niên tên H. chạy thoát. Anh ta sang Thủ Đức, sống nhờ nhà người chị ruột. Lúc đó, anh ta 22 tuổi.
Ngày ngày, anh ta phụ chị buôn bán. Gần nhà có hàng bún xào, gỏi cuốn của một cô gái. “Ghẹo qua ghẹo lại, không ngờ dính thiệt” - Người tù kể. Anh ta cưới vợ năm 23 tuổi. Hiện nay, họ có hai con, một trai, một gái. Đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi, đều được học hành đàng hoàng, có lẽ sẽ không mù chữ như cha. Trong lúc tôi nói chuyện với người tù, vợ anh ta ngồi ở băng ghế đối diện, gương mặt gầy, đen nhẻm, cởi mở, mắt ánh lên những nụ cười tươi. Chị bị tật câm điếc. “Rồi làm sao anh nói chuyện với chị?” - tôi hỏi. Người tù nói: “Lúc đầu cũng khó. Nhưng quen rồi thì nhìn miệng biết bả nói gì. Em nói những câu đơn giản, bả nghe được. Ngược lại, bả nói những câu đơn giản, em cũng hiểu được. Thí dụ như bả nói ‘Anh đi chạy xe, chiều 4, 5 giờ nhớ về coi nhà, em mắc đi công chuyện’. Mấy đứa nhỏ nghe bả dễ hiểu hơn em”, vợ buôn bán, chồng đạp xích lô. Hai vợ chồng kiếm tiền cũng đủ sống. Một ngày kiếm “căn bản” ba chục ngàn đồng, xài gói ghém tiền chợ mười lăm ngàn, bỏ ống heo năm, sáu ngàn, tới tháng đóng tiền học cho con. Khi anh ta ở tù, vợ không đi thăm được, mắc lo buôn bán, mẹ thì bệnh, chỉ có cô em gái đi thăm nuôi. Ở trong tù thấy thương bà xã. “Từ ngày bị tù tới giờ, ngày nào em cũng cúng quảy, van vái được ra. Mắc cỡ quá, khủng hoảng quá...
Tuổi trẻ, thiếu suy nghĩ...”.
Trong khi nói chuyện với tôi, người tù nhắc đi nhắc lại câu nói ấy, ít nhất cũng phải năm lần. Tôi hỏi sao anh không ra đầu thú, anh ta nói mình không biết chữ, không mua báo nên không biết những người kia bị bắt. Vợ thì câm, muốn kể cũng không kể được. Và anh cũng sợ, vả lại “Em nghĩ, vụ án đã quá lâu rồi, em cũng an tâm làm ăn, không quậy phá gì. Ở xóm, em như đứa con nít, chưa mích lòng một người nào!”.
Trong một lần giận bà xã, anh ta dắt đứa con trai về nhà mẹ ở quận 8. (Thật ra, trước đây anh ta cũng đi đi, về về). Vừa chạy xe về, mệt quá, đang ngồi nghĩ thì công an tới, hỏi phải anh tên H không? Rồi mời lên phường làm việc. Và nghe dọc lênh truy nã.
“Mừng quá trời! Sợ quá trời!” - người tù thốt lên. Mừng cho ngày hôm nay, và sợ cho chuyện ngày trước. Anh tự nói về mình: Tuổi thanh niên, háo thắng, suy nghĩ không kịp. Không giữ được lý trí con người. Mang tội này mắc cỡ vô cùng. Và nhắc: “Phải chi hôm đó em đi đường kia về là được rồi!”. Năm nay, H. 34 tuổi. Anh nói mình không dám vi phạm gì nữa, không nhậu nhẹt, hành hung, oánh lộn, oánh lạo, lối xóm thương, tổ trưởng cũng thương. Tôi hỏi anh “nghe nói những người chạy xích lô nhậu dữ lắm?”. Anh nói xích lô cũng nhiều loại, tùy người, những người không vợ, con thì còn nhậu... Rồi anh còn nói: “Một năm qua ở tù, sợ quá. Nào giờ chưa tù tội, từ giờ tới khi nằm xuống, không bao giờ dám làm điều gì phạm tội nữa!”.
H.V.H. phạm tội hiếp dâm. Có gì khác nhau không giữa H.V.H của năm 1984 và H.V.H năm 1996? Khác chứ! Một gã thanh niên 22 tuổi, lang thang, khác nhiều với một người đàn ông đã có vợ, hai con, chí thú làm ăn. May cho H., vì hành vi phạm tội xảy ra vào năm 1984, khi xử án, Hội đồng xét xử đã áp dụng Luật Hình sự thời điểm ấy, nên mức án chỉ có một năm tù. Nếu so với điều luật mới bây giờ, mức án có thể từ 5 năm tới 15 năm. Lẽ ra gã thanh niên bồng bột, vô công rỗi nghề kia phải ngồi tù vì hành vi của gã, nhưng 12 năm sau, người đàn ông đã ở tù thay cho gã.
Điều này có vẻ “thiếu công bằng”, nhưng ngẫm lại không phải là không có ích. Gã thanh niên đã lẩn trốn, bản án tù không có ý nghĩa gì với gã, nhưng lại có tác dụng với người đàn ông: Anh ta đã lớn lên nhiều.
Chú thích:
[1] Phiên tòa ngày 22/11/1996, TAND Thành phố Hồ Chí Minh.