Ngô Hoàng Anh Khoa, sinh năm 1981, là con trai đầu của chị. Chị còn ba đứa con nữa, nhỏ nhất 3 tuổi. Một mình phải nuôi bốn con nhỏ, lại phải nuôi chồng trong trại giam. Chồng chị bị kêu án 8 năm tù. Theo lời chị thì chồng mới ra làm ăn đã bị bắt, tiền bạc bị tịch thu hết, mà còn để lại nợ nần. Ngày nào cũng có người tới đòi nợ. Túng quẫn không sao kể xiết. Chị không có việc làm ổn định, ai kêu gì làm nấy: may vá, thêu thùa, giặt đồ mướn cũng được.... Thằng Khoa cũng phải đi phụ rửa chén ở quán cơm để kiếm cái ăn hàng ngày. Được cái nó học giỏi, mấy năm liền được khen tặng danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ, danh hiệu hoc sinh tiên tiến. Vào cái ngày u ám ấy - 31/8/1996, thằng bé chuẩn bị bước vào lớp 10.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) đọc cáo trạng: Ngày 31/8/1996, để có tiền đóng tiền học phí, Ngô Hoàng Anh Khoa đã nảy sinh ý định cướp xe đạp và đồng hồ của N.K.A (sinh năm 1984). Trả lời thấm vấn của tòa, Khoa khai sáng đó vô trường, cô giáo viết thông báo trên bảng đóng học phí, khoảng ba, bốn trăm ngàn gì đó, Khoa không nhớ rõ. Khoa chở A. tới cầu Rạch Lùn, ấp Bình Quới, Linh Đông, Thủ Đức. Lợi dụng lúc vắng người qua lại, Khoa dùng tay siết cổ A. và xô xuống chân cầu đế cướp xe đạp và đồng hồ. Cùng lúc, thấy A. bơi ra giữa rạch, do sợ A. về nhà mách lại sự việc, Khoa nhảy xuống rạch bơi theo A., dùng hai tay dìm đầu A. xuống nước ba lần và hăm dọa A. không được nói cho ai biết. Lúc này A. nói em có giữ tiền quỹ lớp, để cho Khoa mượn. Thấy vậy, Khoa đồng ý và đạp xe chở A. về nhà để lấy tiền. Sau đó, gia đình A. tố cáo, và Khoa bị công an bắt giữ.
Vị hội thẩm nhân dân hỏi “Bị cáo có hỏi xin tiền mẹ để đóng học phí không?”. Khoa nói “Có, con nói mẹ không đóng tiền không được thi, nhưng mẹ nói thi thì thi cũng phải từ từ chứ đào đâu ra tiền?”. Vị hội thẩm lại nói “Bị cáo có thể nói cha mẹ đi vay mượn, mấy trăm ngàn không phải là số tiền lớn lắm”. Vị thẩm phán thì nói bị cáo mới vừa khai sáng hôm đó vô trường mới thấy trên bảng thông báo học phí, xong dụ A. đi cướp xe luôn kia mà? Chứ có khai xin tiền mẹ lúc nào đâu!
Tôi hỏi chị Trinh - mẹ Khoa về câu thẩm vấn của vị thẩm phán, chị nói “Nó quên đó cô!”. Khoa đang bị lao phổi nặng, ra tòa, người cứ rũ xuống, một tay luôn ôm bụng, thở mệt nhọc. Đến nỗi vị đại diện VKSND đã cho phép nó ngồi khi ông luận tội. Tinh thần không thể nào minh mẫn được trong một cơ thể như vậy. Chị Trinh nói tiếp: “Nó xin em trước đó mấy ngày. À không, ngay trước hôm xảy ra vụ việc, vì hôm trước em mới đi thăm ông xã em. Hai vợ chồng cãi nhau một trận. Ổng trách em không thăm nuôi ổng, em nói không có tiền, sẵn bực mình, nó hỏi xin tiền, em không cho, em đánh nó...” Tôi không hiểu, hỏi chị: “Nó hỏi xin tiền học phí chứ làm gì bậy đâu, chị không có thì thôi, sao lại đánh?”. Người mẹ vò như muốn nát vạt áo, nước mắt rơi lã chã: “Túng quẫn quá, chị biết, em không còn suy nghĩ gì được nữa. Em vớ lấy cây chổi, đánh nó, vừa đánh vừa nhảy loi choi như người điên, chửi nó...” “Chị nói gì với Khoa vậy?” - Tôi hỏi tiếp, không phải vì tò mò, mà vì tôi muốn hiểu nhiều chừng nào hay chừng ấy hoàn cảnh mà thằng bé bị cáo kia đã phải chịu đựng. Người mẹ nói: “Em la hét, nói hết cha tới con, tối ngày đòi tiền, tao đào đâu ra tiền hả?”.
Mỗi lần kể là một lần nước mắt người mẹ tuôn xuống: “Tội nghiệp nó, nó đang sức ăn. Vậy mà nó ăn nhiều em cũng la. Thì chị tính chạy được có mấy ngàn, mua được ít thức ăn, mà cho cả nhà...”. “Nó đang tuổi 14, 15, lứa tuổi có những suy nghĩ ngang bướng lắm. Túng quẫn quá, em hay la lắm. Mấy lần em la nó, mưa thật lớn nhưng nó cứ ngồi im dưới trời mưa, kêu cách gì cũng không vô...”. “Chị hỏi mấy người hàng xóm quanh đây thử coi không biết hôm đó cái gì xui khiến nó chứ nó hiền lắm, chẳng bao giờ đi chơi đâu xa, suốt ngày chỉ bắn bi với mấy đứa nhỏ trong xóm...”
Những người tham gia tố tụng tranh luận về chuyện Khoa có phạm tội giết người hay không. Đại diện VKSND nói đã đủ cơ sở. Vị thẩm phán nói bị cáo mới có tí tuổi đầu, mặt còn búng ra sữa mà đã nhúng tay vào tội ác như thế, thể hiện hành vi muốn giết A. đến cùng. Còn luật sư - ông Trịnh Đình Ban, bào chữa miễn phí cho bị cáo qua sự giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố - nói Khoa chỉ có ý định cướp chứ không có ý muốn giết A., và sau đó đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Khoa đã khóc, và nói với A. rằng không muốn làm hại A., chỉ vì cần tiền. Suốt phiên tòa, tôi không thể rời mắt khỏi thân người nhỏ xíu, oằn xuống vì cơn đau, và gương mặt đúng là búng ra sữa của bị cáo. Đây chính là kẻ đã kẹp cổ, đẩy bé A. xuống rạch, sau đó còn bơi theo dìm đầu em đó ư? (Nếu như A. không biết bơi thì không biết hậu quả sẽ như thế nào). Tôi không muốn tin. Lúc Hội đồng xét xử vào hội ý, tôi hỏi bé A. “Anh Khoa có khóc không?”.
A. xác nhận: “Anh Khoa kêu con nằm xuống để làm hô hấp nhân tạo, nhưng con sợ, không chịu. Con xin ảnh thả cho con đi, con móc túi đưa ảnh ba ngàn rưỡi. Ảnh khóc nói vì ảnh cần tiền, chứ không muốn làm hại con đâu”.
Tòa tuyên án Khoa bốn năm tù về tội giết người, một năm tù về tội cướp, tổng cộng năm năm, đây là một mức án mà theo chủ tọa Hội đồng xét xử là đã được giảm nhẹ đáng kể (bởi vì VKSND truy tố bị cáo tội giết người ở khoản 2, điều 101 Bộ Luật Hình sự, nhưng tòa đã chuyển qua xét xử ở khoản 1, là khoản có khung hình phạt nặng hơn, với mức án từ 12 năm đến tử hình).
Tôi không biết mức án đó là thỏa đáng đối với bị cáo hay quá nghiêm khắc. Cũng như nhiều người khác, mắt tôi đang hoa lên hình ảnh một đứa bé bị đói ăn, một cậu bé ngồi im lìm dưới cơn mưa, một học sinh giỏi bị mẹ đánh tới tấp bằng chổi khi hỏi xin tiền đóng học phí... Trong đơn ngày 16/9/1996 gởi Phòng cảnh sát Thành phố, PC 16 xin bảo lãnh tại ngoại cho Khoa, các ông Trần Bá Hiếu, Huỳnh văn Tốt, Nguyễn văn Giữu, tổ trưởng tổ hội đồng nhân dân, phó ban an ninh và cảnh sát khu vực ấp Linh Tây, viết: “Chúng tôi tha thiết kính xin Ban lãnh đạo, Phòng cảnh sát cho phép chúng tôi được bảo lãnh cho em Khoa được tại ngoại để tiếp tục được đi học (niên học mới đã trễ hơn một tuần) và phụ giúp gia đình...”.
Luật sư trước khi bắt đầu bài bào chữa của mình đã mong Hội đồng xét xử quan tâm chi tiết bị cáo đã ngưng hành động nửa chừng, để cứu tuổi thơ của bị cáo. Em học sinh - gã bị cáo này đã không có tuổi thơ trong một hoàn cảnh gia đình quá khốn khó. 15 tuổi, ngồi tù 5 năm, em phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình, đúng thôi, nhưng điều đó cũng có nghĩa là tuổi thơ đã vĩnh viển rời bỏ em, và tôi chỉ sợ là em không chịu đựng nổi căn bệnh ngặt nghèo của cả thể xác lẫn tinh thần. Biết trách ai bây giờ?
Trong khi bị giải ra về, Khoa cứ quay lại tìm kiếm. Em hỏi tôi “Mẹ con đâu rồi cô?”. Ôi em vẫn còn là một đứa trẻ.
Chú thích:
[1] Phiên tòa sơ thẩm được tiến hành vào ngày 15/12/1997. Sau đó, ngày 20/4/1998, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm, đã giảm án cho Ngô Hoàng Anh Khoa xuống còn ba năm tù.