Khúc quanh của dòng sông

Chương 15

Trước đây chưa bao giờ tôi đi máy bay. Tôi còn nhớ lơ mơ điều Indar từng nói trước đây về chuyện đi máy bay, hình như anh đã nói, máy bay giúp anh điều chỉnh sự nhớ nhà của anh. Tôi bắt đầu hiểu anh định nói gì.

Hôm nay tôi đang ở châu Phi, sáng hôm sau tôi đã đến châu Âu rồi. Còn hơn là chuyến đi nhanh. Tôi giống như đang ở cùng một lúc hai nơi. Tôi thức dậy ở London với một chút châu Phi trên người – chẳng hạn chiếc vé taxi sân bay, do một nhân viên mà tôi quen đưa cho, giữa một đám đông, giữa một toà nhà khác, giữa một khí hậu khác. Cả hai nơi đều thực, cả hai nơi đều không thực. Bạn có thể lấy cái này chọi lại cái kia, và bạn sẽ không có cảm giác đang có một quyết định cuối cùng, như là chuyến đi cuối cùng vĩ đại. Chuyến đi đó, theo cách nào đó, là cái đang xảy đến với tôi, dù tôi chỉ có một chiếc vé tham quan, thị thực, và tôi phải trở về sau sáu tuần nữa.

Châu Âu mà chiếc máy bay đưa tôi đến không phải châu Âu tôi từng biết. Khi tôi còn nhỏ, châu Âu thống trị thế giới của tôi. Nó đánh bật người A rập ở châu Phi và điều khiển toàn bộ cái bên trong của châu lục. Nó điều khỉên bờ biển và tất cả các vùng đất của Ấn Độ dương mà chúng tôi vẫn làm ăn, nó cung cấp hàng hóa cho chúng tôi. Chúng tôi biết chúng tôi là ai và từ đâu đến. Nhưng chính châu Âu đã cho chúng tôi những cái tem bưu thiếp giúp chúng tôi khám phá ra vẻ đẹp của chính bản thân. Nó cũng cho chúng tôi một ngôn ngữ mới.

Châu Âu không  còn cai quản nữa. Nhưng nó vẫn còn cung cấp cho chúng tôi theo hàng trăm cách với ngôn ngữ của nó và vẫn không ngừng cung cấp những thứ hàng hoá tuyệt diệu cho chúng tôi, những thứ hàng năm ở vùng cây bụi của châu Phi vẫn chấn chỉnh ý tưởng của chúng tôi về bản thân mình, cho chúng tôi biết sự hiện đại và phát triển của mình đang ở đâu, và làm chúng tôi ý thức về một châu Âu khác – châu Âu của những thành phố khổng lồ, những nhà kho khổng lồ, những toà nhà khổng lồ, những trường đại học khổng lồ. Chỉ những người được ưu tiên hoặc được thiên phú mới đến được châu Âu đó. Đó là châu Âu mà Indar đã đến để học ở trường đại học của mình. Đó là cái châu Âu mà ai đó như Shoba thường nhắc đến khi cô nói đến chuyện đi du lịch.

Nhưng châu Âu mà tôi đến – và biết từ cái khung cảnh tôi rơi vào – không phải là châu Âu cũ cũng không phải châu Âu mới. Nó là cái gì đó say sưa, lấp lóa và đầy cấm đoán. Đó là châu Âu nơi Indar, sau khi ở ngôi trường lừng danh, đã chịu đựng và cố đạt tới một giải pháp cho vi.trí của mình trong thế giới, nơi Nazruddin và gia đình ông đang trốn tránh, nơi hàng trăm nghìn người như tôi từ khắp nơi trên thế giới như tôi, đang tự buộc mình đến, làm việc và sống.

Về châu Âu này tôi không thể dựng lên một bức tranh tinh thần nào. Nhưng bức tranh London vẫn ở nguyên chỗ đó, không có bí ẩn gì cả. Hiệu ứng do những quầy hàng, trạm điện thoại, ki ốt và những cửa hàng bán hàng khô buồn tẻ gây ra – do những người như tôi điều hành – trên thực tế là hiệu ứng của chính những người dồn đến đây. Họ buôn bán giữa London như là đang buôn bán giữa châu Phi vậy. Hàng hoá trao đổi ở một khoảng cách ngắn hơn, nhưng mối quan hệ của thương gia với hàng hoá thì vẫn thế. Trên các đường phố London tôi thấy những người cũng giống như tôi đó, như thể đang ở cách xa. Tôi thấy những người trẻ tuổi, bán những bao thuốc lá vào nửa đêm, như thể bị cầm tù torng ki ốt của mình, giống như những con búp bê trên sân khấu múa rối. Họ bị đè bẹp trong cuộc sống của một thành phố khổng lồ nơi họ đã đến sống, và tôi tự hỏi về tính vô mục đích của cuộc sống nhọc nhằn và chuyến đi khó nhọc của họ.

Châu Phi dành cho những người rời bỏ nó những ảo tưởng mới hay ho làm sao! Tại châu Phi tôi từng nghĩ đến bản năng và khả năng làm việc của mình, ngay cả trong những điều kiện khác thường và sáng tạo. Tôi đã đối lập nó với sự thờ ơ và việc rời khỏi cái làng châu Phi. Nhưng giờ đây ở London rồi, đã ở trong sự tất bật này rồi, tôi lại thấy cái cảm giác nổi loạn xâm chiếm lấy mình, mạnh hơn bất kỳ lúc nào khác trong tuổi thơ. Thêm vào đó là một sự cảm thông với cuộc nổi loạn mà Indar từng nói với tôi, cuộc nổi loạn anh đã khám phá khi đi dọc bờ sông ở London và quyết định vứt bỏ ý nghĩ của mình về quê nhà và lòng thương yêu tổ tiên, sự thờ cúng không suy nghĩ những con người vĩ đại, sự suy sụp đã đến cùng với sự cầu nguyện và những ý nghĩ đó, và để dúi anh vào một thế giới lớn hơn, khó nhọc hơn. Đó là cách duy nhất tôi có thể sống ở đây và tôi phải sống ở đây.

Tôi đã trải qua cuộc nổi loạn của mình, ở châu Phi. Tôi đã mang nó đi xa đến hết mức có thể được. Và tôi đã đến London để khuây khoả và cứu rỗi, bám vào cái còn lại của cuộc sống được sắp xếp của chúng tôi.

Nazruddin không ngạc nhiên với cuộc đính hôn của tôi với cô con gái Kareisha của ông. Tôi chán nản nhận ra, ông vẫn luôn tin tưởng về lòng thành thực mà nhiều năm trước ông từng nhìn thấy trên tay tôi. Kareisha cũng không ngạc nhiên. Quả thật, người duy nhất hơi ngạc nhiên lại là chính tôi, kẻ đã kinh ngạc vì bước ngoặt của cuộc đời lại diễn ra nhẹ nhàng đến thế.

Đính hôn xong thì tôi cũng sắp phải rời khỏi London. Nhưng điều đó lại được coi như là một sự bắt đầu. và quả thật dễ chịu, trong cái thành phố to lớn lạ lùng này, sau chuyến đi nhanh đến thế, được Kareisha ôm ấp, được cô gọi tôi bằng tên, được cô dẫn đi khắp London, cô – người hiểu biết (Uganda và Canada sau lưng), tôi – người nguyên thuỷ (cư xử hệt như thế).

Cô là một dược sĩ. Điều này là do Nazruddin sắp đặt. với kinh nghiệm về đổi thay và những xáo động bất ngờ, rất lâu trước đó ông đã không còn tin quyền lực của tài sản và công việc buôn bán có thể bảo vệ con người ta, và ông đã hướng con cái vào việc chiếm lĩnh những kỹ năng có thể thực hành được ở mọi nơi. Có vẻ như công việc đó mang lại cho Kareisha sự thanh thản, điều rất đối với với một người phụ nữ ba mươi tuổi từ cộng đồng của chúng tôi, hoặc nó có thể là toàn bộ cuộc sống gia đình của cô, với tấm gương Nazruddin, người vẫn rất chắc chắn với những kinh nghiệm của mình và luôn tìm kiếm những dấu hiệu mới. Nhưng tôi ngày càng cảm thấy rằng ở một mức độ nào đó trong những hành trình trước đây của Kareisha hẳn từng phải có gì đó lãng mạn. Một lúc nào đó ý nghĩ này đã làm tôi không chịu nổi. Giờ đây tôi không còn để ý nữa. Người đàn ông hẳn phải khá lắm. Vì anh ta đã bỏ Kareisha theo cách đàn ông. Điều này là mới mẻ với tôi, kinh nghiệm về đàn bà của tôi khá hạn chế. Tôi đắm chìm trong sự trìu mến của Kareisha, và vào vai người đàn ông của mình một chút. Thật là êm ái dịu dàng.

Đóng vai tôi vào thời gian đó – có hàng đống vai. Vì tôi vẫn ở khách sạn (không xa căn hộ của họ lắm), tại đó tôi đối mặt với nỗi cô đơn của mình, một người đàn ông khác trong tôi. Tôi căm ghét cái phòng khách sạn đó. Nó làm tôi cảm thấy mình không ở đâu hết cả. Nó gợi lại những nỗi lo lắng cũ trong tôi và thêm vào những lo lắng mới, về London, về cái thế giới rộng lớn hơn nhiều mà tôi phải tự tìm kiếm con đường cho mình. Tôi có thể bắt đầu từ đâu đây? Khi tôi bật tivi lên, chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Cần phải nhận thức được sự khác lạ to lớn bên ngoài, và tự hỏi làm sao những người trên màn hình đó lại được nhấc ra từ đám đông. Và trong óc tôi luôn ám ảnh ý muốn được "trở về", được đi một chiếc máy bay khác, hoặc chí ít là không phải ở đây. Mọi quyết định và sự hài lòng của ngày và đầu buổi tối thường xuyên bị tôi đình lại vào buổi đêm.

Indar đã nói về những người như tôi, rằng khi chúng tôi đến một thành phố lớn chúng tôi nhắm mắt vào, chúng tôi chỉ còn quan tâm đến việc tỏ ra là mình không ngạc nhiên gì hết cả. Tôi cũng hơi giống như thế, thậm chí cả với Kareisha, người dẫn tôi đi các nơi. Tôi có thể nói rằng tôi ở London nhưng tôi không thực sự biết mình đang ở đâu. Tôi không có cách nào nắm bắt được thành phố này. Tôi chỉ biết rằng tôi đang ở trên phố Gloucester. Khách sạn của tôi ở đó, căn hộ của Nazruddin ở đó. Tôi đi khắp nơi bằng xe điện ngầm, chui vào trong lòng đất t.ai một địa điểm, chui lên từ một chỗ khác, không thể nào gắn nơi này với nơi kia, và đôi lúc tự phức tạp hóa những hành trình ngắn.

Đường phố duy nhất tôi biết rõ là Gloucester Road. Nếu đi bộ theo một hướng tôi sẽ đến nhiều toà nhà và đại lộ hơn, và sẽ bị lạc. Nếu đi về hướng kia tôi sẽ đi qua rất nhiều chỗ ăn của khách du lịch, một vài nhà hàng A rập,  và tới công viên. Tại đó có một đại lộ rộng, dốc trong công viên với bọn trẻ con đi patin. Trên đầu dốc có một cái ao lớn, một bên bờ lát đá. Trông nó thật nhân tạo, nhưng nó đầy những con chim, thiên nga thật và nhiều loại vịt, và tôi luôn thấy lạ, rằng những con chim đó không hề nghĩ chúng đang ở đây. Những con chim nhân tạo, giống như những thứ cellular dễ thương của tuổi thơ tôi, không thể ra khỏi chỗ đó. Đằng xa, xung quanh, trên những cái cây là những toà nhà. Tại đó bạn thực sự biết về thành phố như là cái gì đó do con người làm ra, chứ không phải là cái gì đó tự mọc lên và chỉ đơn giản là ở đó. Indar cũng đã nói về điều này, anh nói đúng. Thật dễ dàng cho những người như chúng tôi, những người nghĩ rằng các thành phố khổng lồ như thể này mọc lên từ thiên nhiên. Nó hoà giải chúng tôi với những thành phố tồi tàn của mình. Chúng tôi đi đến kết luận rằng nơi này là một cái gì đó và nơi kia là một cái khác.

Trong công viên, vào những buổi chiều đẹp trời, người ta đến thả diều, và đôi khi những người A rập từ các sứ quán đến chơi đá bóng dưới các tán cây. Luôn có nhiều người Arập ở đó, những người da mịn, thực sự là A rập, không phải nửa A rập, nửa châu Phi như tại bờ biển của chúng tôi, một trong số những quầy báo bên ngoài bến Gloucester Road đầy báo và tạp chí A rập. không phải tất cả người A rập đều giàu có và sạch sẽ. Đôi khi tôi thấy những nhóm nhỏ người Arập nghèo khổ trong trang phục cáu bẩn đi lại trên thảm cỏ trong công viên, trên hè phố hay những đường phố bên cạnh. Tôi nghĩ hịo là những người hầu và điều đó đối với tôi thật là đáng hổ thẹn. Nhưng rồi một hôm tôi trông thấy một quý bà Arập cùng với người nô lệ của mình.

Tôi chú ý ngay đến người đi cùng với người đàn bà. Anh ta đội chiếc mũ nhỏ màu trắng và cái tạp dề nhẵn cũng màu trắng, thông báo thân phận của anh ta với mọi người và anh ta đang xách trên tay hai túi đi chợ to toàn đồ hàng khô từ siêu thị Waitrose trên đường Gloucester. Anh ta đi đều bước, cách chủ khoảng mười bước chân, bà chủ to béo theo lối của đàn bà Arập, với những vệt tô xanh trên khuôn mặt nhợt nhạt dưới chiếc khăn trùm đen mỏng tang. Bà ta có vẻ tự hài lòng với bản thân lắm, bạn có thể thấy rằng ở London và đi mua sắm đúng kiểu thời thượng với người hầu ở siêu thị Waitrose đã làm bà ta phấn khích. Thoáng qua bà ta nghĩ tôi là người Arập và bà ta nhìn tôi qua làn khăn voan mỏngtang, điều đó có nghĩa là để nhận lại từ phía tôi một cái nhìn ngưỡng mộ.

Còn người đi cùng đang xách đồ là một thanh niên gầy, da nhẵn, và tôi có thể nói anh ta sinh ra trong nhà chủ. Anh ta có những câu nói trống rỗng, khúm núm mà những người nô lệ sinh ra trong nhà chủ như tôi còn nhớ, vẫn thích nói khi họ ở chỗ đông người với chủ và đang làm một công việc đơn giản nào đó. Người đi cùng này đang làm bộ như những túi đồ hàng khô Waitrose là cái gì đó nặng nề lắm, nhưng đó chỉ là một trò diễn, để thu hút sự chú ý đến anh ta và quý bà anh ta đang phục vụ. Anh ta cũng lầm tưởng tôi là một người Arập và khi tôi đi ngang qua anh ta liền tung ra một lời than về món đồ nặng và nhìn tôi với sự tìm kiếm mong mỏi, như một con rối muốn được diễn kịch nhưng bị buộc phải hiểu đây không phải là lúc diễn trò.

Tôi đang đi đến chỗ Waitrose để mua chai rượu làm quà cho Nazruddin. Ông vẫn chưa mất đi thú uống rượu và ăn đồ ngon. Ông hạnh phúc được làm người hướng dẫn tôi trong những vấn đề đó, và quả thật, sau nhiều năm uống thứ đồ uống Bồ Đào Nha ở châu Phi, những thứ rượu trắng hoặc đỏ vớ vẩn thì những thứ rượu ở London là cả một sự phấn khích hàng ngày đối với tôi. Bữa tối ở căn hộ (và trước máy tivi, mỗi tối ông xem vài tiếng đồng hồ) tôi nói với Nazruddin về người nô lệ mặc đồ trắng. Ông nói, ông không ngạc nhiên về điều đó, đó là một nét mới của cuộc sống tại Gloucester Road, vài tuần trước ông đã trông thấy một người hầu bẩn thỉu da nâu.

Nazruddin nói "Ngày xưa người ta gây khó dễ ghê lắm nếu bắt được anh gửi vài người hầu đến xứ Arập bằng đường biển. Giờ thì những người này có hộ chiếu, thị thực giống như mọi người khác, và đi di cư như mọi người khác, chẳng ai phàn nàn hết cả.

"Bác khá mê tín về người Arâp. Họ sinh ra chúng ta và cho chúng ta một nửa thế giới tôn giáo của chúng ta, nhưng bác không thể không nghĩ rằng khi rời khỏi Arập họ đã gây ra những chuyện thật khủng khiếp ở khắp nời. Anh chỉ cần nghĩ chúng ta từ đâu đến thôi. Ba Tư, Ân Độ, châu Phi. Hãy nghĩ về việc đã diễn ra ở đó. Giờ đây là châu Âu. Họ bơm dầu vào và hút tiền ra. Bơm dầu vào để giúp toàn  bộ hệ thống vận hành, rút tiền ra để gửi đi tiêu xài. Họ cần châu Âu. Họ muốn có hàng hoá và các tài sản và cùng lúc họ mùi ncó một nơi an toàn với tiền của mình. Những đật nước của họ thì thật khủng khiếp. Nhưng họ đã phá tán hết tiền. Họ sẽ giết hết những con ngỗng đẻ trứng vàng đó.

"Và họ cũng không phải là duy nhất. Trên cả thế giới này tiền đang bay. Người ta nạo sạch cái thế giới này, sạch như người châu Phi cạo sân của mình ấy, và bây giờ thì người ta muốn chạy khỏi những nơi khủng khiếp, nơi họ đã kiếm ra tiền, và tìm một đất nước tươi đẹp an toàn. Cả một đống người, người Đại Hàn, Philippine, người từ Hồng Kông, Đài Loan, Nam Phi, người Italia, Hy Lạp, Nam Mỹ, Achentina, Colombia, Venezuela, Bolivia, cả một đống người da đen đổ dồn đến những nơi mà anh chưa bao giờ nghe thấy đâu, người Trung Quốc từ mọi nơi. Tất cả họ đều đang chạy cuống cuồng. Họ bị lửa thúc vào đít. Anh không được nghĩ chỉ có người châu Phi đang chạy cuống đâu.

"Ngày nay, kể từ khi Thuỵ Sĩ đóng cửa, hầu hết họ sang Mỹ và Canada. Tại đó đã có người chờ sẵn để làm thủ tục. Tại đó họ gặp các chuyên gia. Những người Nam Mỹ chờ đợi người Nam Mỹ, người châu Á chờ người châu Á, người Hy Lạp chờ người Hy Lạp. Và nó nta đưa họ đến chỗ những người làm thủ tục. Taị Toronto, Vancouver, California. Chẳng hạn ở Miami có một trung tâm rất lớn.

"Bác biết về điều đó trước khi đến Canada. Bác đã không mua một ngôi biệt thự một triệu đô la ở California hoặc một vườn cam ở miền Trung Mỹ hoặc một đầm lầy ở Florida. Anh có biết thay vào đó bác làm gì không? Anh không tin nổi đâu. Bác mua một giếng dầu, một phần thôi. Đó là một nhà địa chất học. Advani giới thiệu bọn bác với nhau. Họ nói họ muốn mười người bọn bác thành lập một công ty dầu mỏ tư nhân. Họ muốn có được một trăm nghìn đô la, mỗi người bỏ vào dó mười nghìn. Tiền vốn pháp định, dù sao cũng cao hơn thế, và có thoả thuận rằng nếu bọn bác tìm được dầu nhà địa chất sè bán phần còn lại của các cổ phiếu theo lãi suất danh nghĩa. Như thế là hợp lý. Đó là phần của ông ta, công việc của ông ta.

"Mọi chuyện đều hợp lệ, đất thì ở đó. Tại Canada anh có thể thoải mái đi đâu đó khoanh đất. Anh có thể thuê một đội nhân viên, và không tốn tiền nhiều lắm đâu. Ba mươi nghìn cho một chuyến, phụ thuộc vào c anh muốn đào ở đâu. Và người ta không có cái loại luật tài sản đất đai mà anh phải chịu tại nơi anh sống. Bác đã kiểm tra lại toàn bộ. Đó là một sự liều lĩnh, nhưng bác nghĩ đó chỉ là sự liều lĩnh của một mình nhà địa chất mà thôi. Bác bỏ vào đó mười nghìn. Và chờ đợi. Bọn bác vớ được dầu. Suốt đêm, rồi, mười nghìn của bác biến ra hai trăm nghìn – chà, cứ cho là một trăm nghìn thôi. Nhưng với bọn bác, một công ty tư nhân, lãi chỉ là lãi trên giấy mà thôi. Bọn bác chỉ có thể bán lại cho nhau, và không ai trong bọn bác nhìn thấy tiền cả.

"Nhà địa chất học thực hiện các lệnh mua và mua lại toàn bộ cổ phiếu của công ty bằng cái giá bèo bọt. Thế rồi ông ta chiếm quyền kiểm sóat công ty – nhưng tất cả những cái đó đều có trong thoả thuận. Rồi ông ta mua một công ty mỏ sắp phá sản. Bọn bác băn khoăn về điều đó, nhưng giờ đây bọn bác không hỏi về sự thông thái của ông ta nữa. Rồi ông ta biến đi tới một hòn đảo nhỏ. Ông ta đã kết nối hai công ty lại theo cách sao cho một triệu đô la tiền vay cho công ty của bọn bác để tìm dầu tự động chuyển sang công ty riêng của ông ta. Ông ta bỏ bọn bác lại với nợ nần. Trò cổ xưa nhất trong sách, và chín trong số bọn bác đứng đờ ra nhìn trong khi điềU đó xảy ra như thể bọn bác đang nhìn một kẻ đào hố trên đường. Thêm vào sự nhục nhã đó, bọn bác thấy rồi lúc đầu ông ta không có đến mười nghìn. Ông ta đã làm tất cả điều đó với tiền của bọn bác. Bây giờ bác cho rằng ông ta đang đi đi lại lại giữa thiên đường và mặt đất để chuyển một triệu đô la của mình vào an toàn. Dù thế nào đi nữa, đó là cách bác đã làm được cái không thể, biến mười nghìn thành món nợ một trăm nghìn.

"Lúc đó thật ra nợ chưa phải trả. Dầu còn ở đó. Thậm chí bác rút được mười nghìn của mình về. Điều rắc rô;i với những người như bác, chạy khắp thế giới để cât giấu tiền, là bọn bác chỉ làm tốt công việc tại chỗ của mình. Vẫn như vậy mà dầu mỏ chỉ là một phi vụ. Rồi sau đó điều hành một rạp chiếu phim, một rạp dành cho người nhập cư. Anh có biết loại rạp đó không? Có nghĩa là chiếu phim cho tất cả các nhóm dân tộc ở một địa điểm. Có rất nhiều sắc tộc nơi bác từng ở, nhưng bác cho rằng mình có ý tưởng đó chỉ bởi vì có một cái rạp đang được rao bán, và có vẻ như nó khá đẹp, ở ngay trung tâm thành phố.

"Moị việc đều trôi chảy khi bác đến tận chỗ rạp hát, nhưng khi việc mua bán xong xuôi, bác nhận ra rằng mọi thứ trên màn ảnh cứ lờ mờ thế nào ấy. Thoạt tiên bác nghĩ mắt mình có vấn đề. Rồi bác nhận ra rồi người bán cho bác chỗ này đã đổi dụng cụ. Bác đến gặp ông ta và nói "Ông không thể làm thế được", ông ta nói "Ông là ai? Tôi không biết ông". Thế đấy. Thế là bọn bác quẳng những máy chiếu  cũ đi, nâng cấp chỗ ngồi và tiếp tục chiếu phim. Công việc không được tốt lắm. Một rạp chiếu phim cho người nhập cư ở trung tâm không phải là một ý tưởng hay lắm. Chẳng qua là họ phải làm việc nhiều quá. Họ chỉ muốn nhanh nhanh về nhà. Những phim hay là phim Ấn độ. Có rất nhiều người Hy lạp tới xem. Người Hy lạp thích xem phim Ân độ. Anh biết điều đó không? Dù sao bác cũng qua được mùa hè. Mùa lạnh tới. Nhưng không có hệ thống sưởi. Hoặc cái ở đó đã bị dỡ mang đi.

"Bác lại đến chỗ người đàn ông kia. Bác nói "Ông bán cho tôi cái rạp chiếu phim như của nợ ấy". Ông ta nói "Ông là ai?" Bác nói "Gia đình tôi từng là thương nhân buôn bán khắp Ấn độ dương hàng thế kỷ nay, dưới bất kỳ loại chính phủ nào. Có một lý do tại sao chúng tôi tồn tại lâu được như thế. Chúng tôi kiếm lời khó khăn, nhưng chúng tôi thực hiện đầy đủ những gì đã cam kết. Tất cả các hợp đồng của chúng tôi đều bằng miệng,nhưng chúng tôi luôn thực hiện những gì chúng tôi đã hứa. Không phải bởi vì chúng tôi là thánh thần gì. Chỉ vì tất cả đều tồi tệ nếu khác đi". Ông ta nói "Ông có thể quay về Ấn độ dương".

"Khi rời khỏi chỗ ông ta bác bước đi rất nhanh. Trên đường bác bị ngã và bị dập mắt cá. Bác coi đó là một điềm báo. Vận may của bác đã đi mất rồi. Bác biết chắc điều đó. Bác không cảm thấy mình có thể ở lại đất nước này nữa. Bác cảm thấy nơi này như một trò chơi khăm. Họ nghĩ họ là người phương Tây, nhưng thực ra họ đang chạy đến chỗ họ tìm sự an toàn. Họ giống như những người ở rất xa, sống nhờ vào đất đai và trí tuệ người khác, và đó là tất cả những gì họ có thể làm. Đó là lý do tại sao họ lại buôn tẻ và ngu ngốc đến thế. Bác nghĩ bác có thể chết nếu phải ở lại cùng họ.

"khi đến Anh toàn  bộ linh cảm của bác hướng vào ngành năng lượng. Một đất nước nhỏ, đường bộ và đường sắt rất tốt, năng lượng, công nghiệp phát triển. Bác nghĩ rằng nếu anh có địa điểm, cơ sở vật chất, và thuê nhân cônng châu Á, anh không thể thua lỗ được. Người châu Âu chán ngán với máy móc và nhà máy rồi. Người châu Á thích chúng, họ bí mật thích máy móc hơn cuộc sống gia đình của mình. Nhưng sau khi đến Canada bác đã bớt nóng nảy rồi. Bác nghĩ mình phải làm thế nào cho an toàn. Bác nghĩ bác có thể kiếm được tiền. Đó là lý do tại sao bác đến Gloucester Road.

"Đó là một torng những trung tâm kinh doanh du lịch ở London, anh cũng biết rồi đấy. London đang tự tiêu huỷ mình trong việc kinh doanh du lịch - ở đây anh có thể thấy điều đó. Hàng trăm ngôi nhà, hàng nghìn căn hộ đã được biến thành khách sạn, nhà nghỉ và hàng ăn cho khách du lịch. Chỗ ở ngày càng hiếm đi. Bác nghĩ bác không thể thua được. Bác mua sáu căn hộ ở một chung cư. Bác mua đúng lúc đang sốt nhà. Giá giờ đã giảm mất hai nhăm phần trăm, và lãi suất đã tăng lên đến hai mươi, thậm chí hai mươi tư phần trăm. Anh có nhớ vụ bê bối ở bờ biển khi người nhà Indar cho vay tiền với lãi suất mười và mười hai phần trăm không? Bác cảm thấy mình không còn hiểu nỏi tiền nữa. Và người Arập thì ở ngay ngoài đường kia.

"Bác phải cho chịu tiền thuê nhà. Và khi đã cho chịu rồi thì anh lại hấp dẫn những người lạ. Đấy là một món đỗ lưu niệm của bác. Thẻ cá cược của một cửa hàng đánh cược ở Gloucester Road. Bác vẫn nhớ một cô gái đến từ phía bắc. Cô nhập vào đám người Arập. Cô trở thành người Arập, nhóm người nghèo khổ từ Algeria đến. Cô ta có thói vứt rác ra ngoài cửa. Người Algeria hay đánh cược ngựa. Chính vì thế họ có những lúc lên bổng xuống trầm.

"Họ thắng, và họ lại thua. Họ không thể trả được tiền nhà. Bác giảm tiền xuống. Họ vẫn không trả nổi. Có những phàn nàn về rác và những cuộc cãi cọ, và người Algeria đó có thói quen đái vào thang máy khi ở trong đó. Bác yêu cầu họ dọn đi. Họ từ chối và luật pháp đứng về phía họ. một hôm, khi họ đi khỏi bác bèn thay khóa mới. Khi quay về họ gọi cảnh sát và cảnh sát mở cửa cho họ. Để ngăn bác làm điều đó một lần nữa, họ lắp khóa của họ vào. Hồi đó, trên cánh cửa này, lỗ khóa và những vòng tròn trông giống như hàng nút áo sơ mi. Bác bỏ cuộc.

"Tất cả các loại hoá đơn thanh toán đều không được trả tiền. Một buổi sáng bác lên và gõ cửa. Phòng đầy tiếng thì thầm, nhưng cửa vẫn không mở. Thang máy ngay cạnh cửa căn hộ. Bác mở cửa thang máy và đóng lại. Họ nghĩ bác đã đi và để chắc chắn họ mở cửa ra để nhìn. Bác thò chân chặn cửa và bước vào. Căn hộ nhỏ đầy những người Arập nghèo khổ mặc đồ lót xấu xí. Họ nằm la liệt khắp nơi. Cô gái không ở cùng với họ. Họ đã tống cô ta, hoặc cô ta đã bỏ đi. Cứ thế khoảng hai tháng, khi bác trả hai mươi phần trăm lãi và những thứ tiền khác,.bác phải cung cấp một chỗ trú ngụ miễn phí cho một tá người Arập rách rưới này. Họ là một loại người rất lạ. Một trong số họ có tóc đỏ rực. Họ làm gì ở London này? Anh có nghĩ được là họ làm gì không? Họ sống được bằng cách nào? Có quá nhiều những người như họ.

"Một cô gái khác làm bác cháy túi. Cô ta đến từ Đông Âu. Tị nạn? Nhưng cô ta là đàn bà. Cô ta phải tiêu một ít tiền để in những tấm card. Trong ảnh cô ta thò mỗi cái cổ lên khỏi mặt nước, bác không biết tại sao cô ta nghĩ cô ta có thể in hình đó lên card của mình. Trong ảnh cô ta giơ tay lên, để lộ một khoảng ngực. Còn tại đây cô ta đội chiếc mũ quả dưa màu đen rất to và đôi giày da màu đen và thò ra ở một góc. "Erika. Người mẫu – Diễn viên – Ca sĩ – Vũ nữ. Tóc đỏ. Mắt xanh xám. Chuyên môn: Mẫu – mốt – Đồ trang sức – giày dép-Tay-Chân-Răng-Tóc. 5'9'', 32-25-33". Tất cả những cái đó chẳng ai muốn mua cả. Rồi cô ta có bầu, chịu một hoá đơn điện thoại 1200 bảng – một nghìn hai trăm bảng – và một đêm cô ta trốn đi, để lại những tấm card có hình của cô ta. Một đống lớn. Bác không thể chịu đựng được tất cả những cái đó. Bác cảm thấy mình phải giữ lại một cái vì cô ta.

"Điều gì đã xảy đến với những người đó? Họ đi đâu bây giờ? Họ sống thế nào bây giờ? Họ có về nhà không? Họ có nhà để về không? Anh đã nói nhiều, Salim ạ, về những cô gái từ Đông Phi đến những kiốt bán thuốc lá, bán thuốc lá vào những giờ khuya khoắt ban đêm. Điều đó làm anh thấy chán nản. Anh nói họ không có tương lai và rằng họ thậm chí không biết mình là ai. Bác tự hỏi liệu đó lại chẳng phải là vận may của họ. Họ cho rằng làm những việc đó rất nhàm chán, họ làm. Những người mà bác nói tới cũng có những dự định và họ biết họ đã lạc lối ở London. Bác cho rằng hẳn là phải khủng khiếp với họ lắm khi họ phải quay về nhà. Nơi này đầy những người như họ. Họ đến trung tâm bởi vì đó là tất cả những gì họ biết và bởi vì họ nghĩ đó là giải pháp khôn ngoan, và thử làm điều gì đó. anh không thể kết án họ. Họ đang làm điều mà họ thấy những người vĩ đại đang làm.

"Nơi này rộng lớn và luôn luôn bận rộn, anh phải bỏ thời gian để xem từng cái nhỏ nhặt diễn ra. Nó chỉ đơn giản là vẫn tiếp tục vận động. Nhiều người đã bị thổi bay. Không có tiền mới, không có tiền thật, và điều đó làm cho mọi người trở nên tuyệt vọng hơn. Chúng ta đến đây vào một thời điểm sai lầm. Nhưng đừng để ý đến điều đó. Chúng ta cũng đến sai thời điểm ở mọi chỗ khác thôi. Ngày xưa khi chúng ta ở châu Phi xem những catalog, đặt hàng và nhìn tàu thuỷ dỡ hàng dưới bến, bác không cho rằng mình nghĩ nó giống như châu Âu, hoặc những cái hộ chiếu Anh bác đã lấy làm cái để bảo vệ những người châu Phi hiện đang mang chúng ta đến đây, và rằng những người Arập đó lại ở ngoài đường phố"

Đó là Nazruddin. Kareisha nói "Em hy vọng anh biết anh đã nghe chuyện của một người hạnh phúc." Cô không cần nói với tôi.

Nazruddin nói đúng. Ông đã biến Gloucester Road thành nhà ông. Khung cảnh châu Âu thật lạ lùng, nhưng nhìn Nazruddin thì thấy cứ như là ông vẫn luôn ở đây từ trước. Ông sắp bước sang tuổi sáu mươi, nhưng trông ông không có vẻ già đi. Ông vẫn mặc những bộ đồ theo kiểu cũ, và những ve áo rộng (với những mẩu phồng lên) mà tôi đã quen là mốt lâu lắm rồi. Tôi không nghĩ ông nghi ngờ tính đúng đắn của công việc kinh doanh của mình. Điều đẽ nặng lên ông (và làm ông nói về chuyện vận may đã rời khỏi ông ) là sự bất động của ông. Nhưng ông đã tìm thấy nơi nghỉ ngơi hoàn hảo của mình. Đó là một địa điểm giữa bến xe điện ngầm và công viên, trên đường Gloucester.

Ông mua báo ở một cửa hiệu, và đọc nó khi uống cà phê buổi sáng trong quán cà phê nhỏ cũng có những bức tranh cổ bằng màu nước để bán, dạo quanh công viên một vòng, đi mua sắm cho mười ngày trong nhiều cửa hàng lương thực khác nhau. Đôi khi ông tự cho mình cái thói xa xỉ là ly trà hoặc một thứ đồ uống trong cái buồng to, cổ lỗ của khách sạn tường đỏ gần trạm xe điện ngầm. Đôi khi ông đến "phòng nhảy" của người Arập hoặc Ba Tư. Và đêm thì trong căn hộ có tivi. Những người ở Gloucester Road rất cởi mở, luôn nồng nhiệt với những người ở mọi lứa tuổi. Đó là một nơi thật thân thiện, đầy không khí hội hè, và những ngày của Nazruddin đầy những gặp gỡ và quan sát mới. Ông nói đó là phố đẹp nhất trên thế giới, ông có ý định ở lại đó lâu nhất có thể được.

Lại thêm một lần nữa ông lựa chọn đúng. Đó luôn là biệt tài của ông. Vào lúc tôi thấy lo lắng tìm kiếm trong thế giới mà ông đã tìm được. Tấm gương Nazruddin, hay cách mà tôi ngầm diễn giải từ đó, dù sao cũng giúp để định hướng cuộc đời tôi. Giờ đây ở London, dù ít khi tôi thấy ông ở trạng thái tinh thần thoải mái, khả năng này của ông làm tôi cảm thấy nặng nề. Nó làm tôi c một sau tất cả những năm đó tôi chưa hề đạt được đến tầm của ông, và không bao giờ có thể hết cả, rằng cuộc đời thật luôn luôn không được thoả mãn. Tôi phải đi về căn phòng khách sạn của mình trong một sự hấp hối của cô đơn và sợ hãi.

Đôi khi đang lơ mơ ngủ tôi choàng tỉnh giấc vì một hình ảnh nào đó về cái thị trấn châu Phi của chúng tôi vừa chợt đến – cực kỳ thật (và cái máy bay có thể đưa tôi về vào ngày mai), nhưng những liên tưởng khiến nó giống như một giấc mơ. Rồi tôi nhớ đến sự bừng tỉnh của mình, về nhu cầu của con người chỉ để sống, về ảo tưởng về nỗi đau. Tôi lấy London đối chọi lại châu Phi cho đến khi cả hai trở nên không thực, và tôi lại có thể ngủ tiếp. Sau đó một lúc tôi phải viện đến sự bừng tỉnh, tâm trạng của buổi sáng châu Phi này.Nó ở đó, bên cạnh tôi, cái viễn cảnh của hành tinh, của những con người lạc lối trong không gian và thời gian, nhưng thật khủng khiếp, bận rộn đến không còn hướng đi nào.

Chính trong trạng thái dửng dưng và vô trách nhiệm – giống như những người ở Gloucester Road mà Nazruddin đã kể - mà tôi đã đính hôn với Kareisha.

Một hôm, khi tôi sắp rời khỏi London, Kareisha hỏi "Anh có gặp Indar không? Anh có đi gặp anh ấy không?"

Indar! Tên của anh thường đến trong những cuộc nói chuyện của chúng tôi, nhưng tôi không biết anh đang ở London.

Kareisha nói "Đúng là thế đấy. Em không khuyên anh đến thăm. Có lẽ anh ấy đang gặp khó khăn và nóng nảy, và không vui vẻ lắm. Anh ấy vẫn thế kể từ khi công việc của anh ấy bị ngừng lại".

"Công việc bị ngừng lại à?"

"Cách đây khoảng hai năm".

"Nhưng anh ấy biết  sẽ như thế mà. Anh ấy nói như là anh ấy biết trước vậy. Các giảng viên, trường đại học, chương trình trao đổi ở châu Phi – anh ấy biết sự phấn khích không thể kéo dài, rằng không một chính quyền địa phương nào thực sự quan tâm đến người khác. Nhưng anh ấy nghĩ anh ấy có kế hoạch của mình. Anh ấy nói anh ấy có thể tự khám phá mình theo nhiều cách khác nhau".

Kareisha nói "Mọi cái khác đi khi thời điểm đến. Anh ấy quan tâm nhiều đến công việc hơn là anh ấy tỏ ra. Tất nhiên, có nhiều điều anh ấy  có thể làm. Nhưng anh ấy quyết không chịu làm. Anh ấy có công việc ở một trường đại học, tất nhiên ở bên Mỹ. Anh ấy có những mối quan hệ. Anh ấy có thể viết bài cho báo. Giờ đây, khi gặp anh ấy chúng em không nói về chuyện đó nữa. Nazruddin nói là Indar sẽ trở thành trợ giảng. vấn đề rắc rối là anh ấy đã đầu tư quá nhiều vào cái công việc đó của anh ta. Và sau khi nó bị ngừng, anh ấy trở nên căm ghét nước Mỹ. Căm ghét chính mình nữa.

"Anh biết Indar mà. Anh biết rằng khi còn trẻ điều quan trọng nhất với anh ấy là gia đình anh ấy rất giàu có. Anh còn nhớ ngôi nhà chúng ta từng sống không. Khi sống ở trong một ngôi nhà như thế, em cho là anh sẽ nghĩ đến mười hay mười hai hay hai mươi lần một ngày rằng anh rất giàu, hoặc anh giãu hơn tất cả những người khác. Và anh nhớ anh đã luôn sống như thế. Không nói đến chuyện tiền, nhưng nó luôn ở đó. Anh có thể nói rằng anh ấy cảm thấy rằng tiền đã làm anh ấy trở nên đáng kính. Mọi người giầu có đều như thế cả, em nghĩ vậy. Và đó là ý niệm về bản thân mình mà Indar chưa bao giờ mất đi cả. Công việc của anh ấy không mang lại cho anh ấy tiền bạc, nhưng lại làm cho anh ấy trở nên cao quý. Nó lại nâng anh ấy lên trên những người khác và làm anh ấy tương đương với những kẻ quan trọng khác ở châu Phi, trở thành khách của chính phủ ở chỗ này, chỗ kia, gặp gỡ các bộ trưởng và Tổng thống  nước ngoài. Thế nên thật thảm hoạ khi cái công việc đó bị ngừng lại, khi người Mỹ quyết định ở đó không có gì cho họ hết.

"Indar đến Mỹ, đến New York. Theo phong cách của bản thân, anh ấy đã ở khách sạn đắt tiền. Anh ấy gặp những người Mỹ của mình. Họ đều rất đẹp. Nhưng anh ấy không thích hướng mà họ đẩy anh ấy vào. Anh ấy cảm thấy họ đang đẩy anh ấy vào những điều nhỏ bé hơn và anh vờ như không nhận ra. Em không biết Indar trông chờ gì ở những người này. Không, có lẽ em biết. Anh ấy hy vọng được biến thành một người trong số họ, tiếp tục như cũ. Anh ấy nghĩ điều đó là trách nhiệm của mình. Anh ấy đã tiêu rất nhiều tiền, và tiền đã hết. Rồi đến khi, rất không như anh ấy mong muốn, anh ấy phải chuỷên đến những khách sạn rẻ hơn. Anh ấy không muốn làm điều đó bởi vì anh ấy nghĩ rằng chỉ nhìn vào những khách sạn rẻ tiền hơn cũng đã là chấp nhận rằng không sớm thì muộn nó sẽ dành cho mình. Anh ấy kinh hoàng khi phải ở những khách sạn rẻ tiền hơn. Tại New York mọi người tuột dốc nhanh lắm, anh ấy nói.

"Có một người đàn ông đặc biệt mà anh ấy thường giao du. Anh ấy đã gặp người đó ở London ngay từ lúc đầu và họ đã trở thành bạn. Không luôn như vậy  đâu. Thoạt đầu anh ấy từng nghĩ người đàn ông thật điên rồ và thật nóng tính với anh ấy. Điều này thường làm Indar bối rối, bởi vì chính người này đã cứu anh ấy thoát khỏi sự nhùng nhằng anh ấy dính phải hồi đầu ở London. Người đàn ông này đã đem sự tự tin trở lại cho Indar rồi làm anh ấy nghĩ tốt về châu Phi và về chính bản thân anh ấy. Chính người đàn ông đó đã khiến Indar có những ý nghĩ tốt đẹp. Indar ngày càng phụ thuộc vào người đó. Anh ấy nghĩ anh ấy là ngang hàng, và anh có thể biết như thế có nghĩa là thế nào.

"Họ thường gặp nhau ở New York. Ăn trưa, uống rượu, gặp gỡ ở văn phòng. Nhưng không có gì xảy ra cả. luôn luôn chỉ là trở về khách sạn, và chờ đợi.Indar ngày càng xuống thấp hơn. Một tối người đàn ông mời Indar đến nhà ông ăn tối. Đó là một toà nhà rất đắt tiền. Indar đưa tên ở tầng dưới và đi thang máy lên. Người coi thang máy chờ đợi và nhìn theo cho đến khi cửa căn hộ mở ra và Indar bước vào. Khi bước vào, Indar cảm thấy kinh ngạc.

"Anh vẫn nghĩ con người đó ngang hàng với anh, là bạn của anh. Anh ấy cởi mở với người đàn ông đó. Giờ đây anh ấy phát hiện người đàn ông cực kỳ giàu có. Anh ấy chưa từng ở trong một căn phòng nào sang trọng hơn thế. Anh hoặc em có thể thấy điều này là hấp dẫn, tiền ấy, Indar hoang mang. Chỉ ở đó, trong căn hộ giàu sang với những đồ vật và tranh đắt tiền. Indar mới hiểu rằng trong khi anh cởi mở với người đàn ông và nói mọi điều dù là nhỏ nhặt nhất làm anh lo lắng thì anh chỉ nhận về cho mình rất ít ỏi. Người đàn ông này cao quý hơn, hơn rất nhiều. Còn hơn cả Indar có thể chịu đựng. Anh cảm thấy anh đã bị lừa và bị chế giễu. Anh ngày càng phụ thuộc vào người đàn ông đó. Anh ấy gắn những ý nghĩ của mình theo thước đo của ông ta, anh tìm ở ông ta chỗ dựa tinh thần. Anh ấy nghĩ người đàn ông đó gần như chính là bản thân anh. Anh cảm thấy mình bị dắt mũi bao nhiêu năm trời, và bị bóc lột theo cách tồi tệ nhất. Toàn bộ sự lạc quan đó làm anh đau đớn, sau khi anh đã mất nhiều đến thế. Tất cả những ý tưởng xây dựng châu Phi ở căn hộ này hết cả, hoặc trong bữa tiệc tối này. Không có nguy hiểm, không có mất mát. Cuộc sống riêng tư, cuộc sống với bạn bè, khá là khác với cuộc sống bên ngoài. Em không biết Indar dự định gì.

"Trong bữa tối ấy anh ấy tập trung quan sát một người phụ nữ trẻ. Cô ấy là vợ một nhà báo rất già đã viết nhiều sách kiếm được nhiều tiền một thời. Indar ghét cô ta. Tại sao cô ta lại lấy người đàn ông đó? Trò đùa là ở đâu? Bởi vì có vẻ như là cô ta và người đàn ông mà cô ta có công chuyện làm ăn là trung tâm của bữa tối. Họ không bí mật lắm, và ông già kia cũng tỏ ra không biết. Ông ấy chỉ nói một chút về chính sách của nước Pháp những năm 1930, vẫn giữ mình ở trung tâm mọi vấn đề, nói về những người quan trọng ông ấy gặp và những điều người ta nói riêng với ông. Không ai mảy may chú ý đến ông ta, nhưng ông ta không hề quan tâm.

"Ông ta vẫn là một người nổi tiếng. Indar nghĩ rằng nhiều về điều đó. Anh ấy cố đặt mình vào địa vị ông già, để căm ghét hơn những người khác. Rồi ông già nhận ra Indar là ai, và bắt đầu nói về Ấn độ ngày xưa và cuộc gặp của ông ta với Gandhi tại một cái lều trát bùn lừng danh nào đó. Anh biết đấy, Gandhi và Nehru không phải là chủ đề ưa thích của Indar. Đêm đó anh ấy quyết định không giao tiếp với ai, và đã rất ác nghiệt với ông già, ác nghiệt hơn bất kỳ ai trước đó.

"Thế là đến cuối bữa ăn Indar trở nên rất nghiêm trang. Anh ấy nghĩ về những khách sạn rẻ tiền anh ấy phải sống, khi đang đi xuống thang máy anh ấy cảm thấy sợ hãi kinh khủng. Anh ấy nghĩ mình đã đi quá đà. Nhưng anh ấy tự cho mình đúng, và do đó anh ấy bình tĩnh lại. Anh ấy chỉ có một ý nghĩ đơn giản rằng đã đến lúc, đi khỏi nơi này và về nhà.

"Đó là những chuyện xảy ra với Indar. Thời gian trôi đi và cũng đến thời điểm Indar nhận ra rằng anh ấy nên quay trở vê` nhà. Trong đầu anh ấy có thể co 'một ngôi làng mơ ước nào đó. Anh ấy biết mình được học hành để làm những việc quan trọng hơn, nhưng anh ấy không muốn làm chúng. Anh ấy tin là anh ấy thoả mãn khi được nói là anh có thể làm tốt hơn. Giờ đây chúng ta đã bỏ rơi anh ấy. Anh ấy không muốn lại mạo hiểm một cái gì đó nữa. Ý nghĩ về hy sinh là an toàn hơn, và anh ấy thích hành động. Nhưng tự anh sẽ thấy, khi anh quay trở về".

 

Khi nói về Indar, Kareisha làm tôi xúc động hơn là cô tưởng. Ý tưởng trở về nhà, bỏ đi, ý tưởng về nơi khác -  tôi đã sống với những dạng thức khác nhau đó trong nhiều năm. Tại châu Phi nó vẫn luôn như thế đối với tôi. Tại London, trong phòng khách sạn của mình, tôi đã cho phép nó chiếm lĩnh mình vài đêm. Đó là một sự lừa dối. Giờ đây tôi đã biết nó chỉ làm con người ta suy yếu và tiêu diệt người ta.

Sự bừng tỉnh này, tính thống nhất của kinh nghiệm và ảo tưởng của sự đau đớn, là một phần của cùng một cách cảm giác đó. Chúng tôi cảm thấy rơi vào trong đó – những người giống như Indar và tôi – bởi vì nó là nền tảng của cách sống cũ của chúng tôi. Nhưng tôi đã vứt bỏ lối sống đó – và vừa kịp lúc. Dù có những người con gái ở các kiốt bán thuốc lá, kiểu sống đó không còn tồn tại nữa, ở London cũng như ở châu Phi. Có thể có cái gì đó không trở lại, không có gì trở lại hết cả. Chúng ta đã trở nên cái mà thế giới bên ngoài biến chúng ta trở thành" chúng ta phải sống trong thế giới như là nó đang tồn tại. Hồi trẻ hơn Indar khôn ngoan hơj. Sử dụng máy bay, dẫm lên quá khứ, như Indar từng nói anh dẫm lên quá khứ. Thoát khỏi ý nghĩ về quá khứ đó, biến những cảnh mất mát giống như trong mơ thành thường ngày.

Đó là tâm trạng của tôi khi rời khỏi London và Kareisha, để quay trở lại châu Phi, hiện thực hoá nhiều nhất có thể được các ý tưởng. Và để làm lại một sự bắt đầu mới ở một nơi khác.

Tôi đến Brussels vào một buổi chiều muộn. Chuyến bay đến châu Phi sẽ cất cánh lúc nửa đêm. Tôi lại cảm thấy sự thú vị của chuyến bay, London biến mất, châu Phi sắp đến, còn giờ là Brussels. Tôi ăn tối và sau đó đến quán bar, một nơi  có đàn bà. Toàn bộ sự phấn khích nằm ở ý tưởng địa điểm hơn là chính bản thân địa điểm. Những gì diễn ra sau đó rất ngắn ngủi, không nghĩa lý gì và khá yên tâm. Nó không làm giảm bớt  giá trị của cái mà tôi đã có ở châu Phi. Không có ảo tưởng nào hết cả, nó đúng là như thế. Và nó đã làm mất đi sự nghi ngờ đặc biệt tôi cảm thấy về cuộc đính hôn của mình với Kareisha, người mà tôi thậm chí còn chưa hôn lần nào.

Người đàn bà, khoả thân, không quần áo, đứng trước một tấm gương dài và nhìn ngắm mình. Đôi chân to, bụng tròn ung ủng, ngực độn lên. Cô ta nói "Em tập yoga với một nhóm bạn. Chúng em có một giáo viên, anh có tập yoga không?"

"Anh chơi squash"

Cô không mảy may để ý. "Thầy giáo của chúng em nói rằng thứ nước tâm linh của người đàn ông có thể chế ngự người đàn bà. Thầy giáo của chúng em nói rằng sau cuộc gặp gỡ nguy hiểm người đàn bà có thể trở lại là mình bằng cách đập mạnh hai bàn tay hoặc thở ra một hơi thật sâu. Anh khuyên em nên chọn cách nào?"

"Vỗ tay đi"

Cô đứng đối diện với tôi như thể cô đang đứng đối diện với giáo viên tập yoga của mình, đứng thẳng lên, hơi nhắm mắt, vòng tay ra sau, và đập mạnh hai tay vào nhau. Trong tiếng động, vang lên trong căn phòng nhỏ rất nhiều đồ đạc, cô ta mở mắt ra, vẻ ngạc nhiên, mỉm cười như thể đã đùa cợt, và nói "Đi nào!" Khi đi ra ngoài phố, tôi hít thở một hơi dài, và đi thẳng đến sân bay để đón chuyến bay vào lúc nửa đêm.