Ợ CHỒNG CHÚNG TÔI ĐANG ĐỐI xử với nhau như vậy thì người đàn ông đó xuất hiện. Tên hắn là Trúc. Hắn trở về Mốt-Cu và đến thăm tôi vào buổi sáng. Tôi ra tiếp hắn. Hồi xưa chúng tôi đã quen nhau, đã từng gọi nhau “anh anh, tôi tôi”. Hôm ấy hắn cũng cố làm ra vẻ thân mật, nhưng tôi nhất định giữ thái độ kiểu cách, gọi hắn bằng “ông” nên hắn phải chịu thua. Thoạt thấy hắn là tôi không có cảm tình liền. Nhưng lạ thay! Như định mệnh xui khiến, chẳng những tôi không ruồng rẫy, tránh xa hắn mà trái lại còn vồn vã mời hắn vào nhà. Tôi có thể tiếp chuyện hắn một cách lạnh nhạt, rồi từ giã hắn chẳng cần giới thiệu với nhà tôi. Còn gì đơn giản hơn thế? Nhưng không. Đằng này tôi lại cố ý nhắc đến chuyện âm nhạc, hỏi hắn còn chơi vĩ cầm hay đã bỏ như tin đồn. Hắn trả lời vẫn còn chơi, và còn chơi nhiều hơn trước nữa. Hắn nhắc đến cái thời tôi cũng đã chơi vĩ cầm. Tôi trả lời là tôi bỏ chơi rồi nhưng nhà tôi thì chơi khá lắm. Điều làm tôi ngạc nhiên là ngay ngày đầu, ngay giờ phút đầu gặp hắn, tôi đã có được một thái độ thích đáng, thái độ mà tôi cần phải giữ sau này. Trong thái độ đó đã có một vẻ gì căng thẳng. Tôi để ý từng lời nói, từng cử chỉ của hắn cũng như của tôi lúc tiếp xúc với hắn và cho việc đó là quan trọng.
Tôi giới thiệu hắn với nhà tôi. Lập tức, cuộc nói chuyện hướng sang âm nhạc. Hắn đề nghị chơi đàn chung với nhà tôi, mong hướng dẫn nàng thêm. Hồi bấy giờ, trông nhà tôi rất trang nhã, hấp dẫn, một vẻ đẹp ai nhìn thấy cũng phải xao xuyến tâm hồn. Rõ ràng là vừa thấy nàng, hắn đã bắt mắt liền. Hơn nữa, nàng rất mừng có được một người đàn chung vĩ cầm với mình. Nàng đã có ý định mướn một nhạc sĩ vĩ cầm đến kèm mình. Khuôn mặt nàng lộ rõ niềm hân hoan. Nhưng vừa nhìn tôi, nàng hiểu tâm trạng tôi ngay và nét mặt nàng biến đổi theo. Thế là cái trò gạt gẫm nhau bắt đầu. Tôi mỉm cười tỏ vẻ ưng ý. Hắn nhìn nhà tôi như tất cả những thằng đàn ông mất dạy nhìn những người đàn bà đẹp. Hắn làm ra vẻ quan tâm đến vấn đề mình đang nói. Nhưng thực ra hắn chỉ để ý tới nàng. Còn nhà tôi thì cố làm ra vẻ thản nhiên, mặc dù cái nụ cười giả dối của tôi, nàng quá quen thuộc, cộng thêm tia nhìn háo hức của hắn đang làm nàng hồi bộp, nôn nao. Lần đầu tiên, chúng nó gặp nhau tôi đã thấy đôi mắt nàng rực sáng. Và có lẽ vì tôi ghen nên mới làm phát sinh ra giữa chúng nó một luồng điện khiến hai đứa có những vẻ mặt, tia nhìn, nụ cười giống hệt nhau. Nàng đỏ mặt, hắn cũng đỏ mặt. Nàng cười, hắn cũng cười. Chúng tôi nói chuyện về âm nhạc, về thành phố Ba-Lê, về đủ thứ nhảm nhí. Rồi hắn đứng dậy xin kiếu về. Hắn đứng thẳng, mỉm cưới chiếc nón cầm nơi tay, hết nhìn nàng lại nhìn tôi, chờ xem phản ứng chúng tôi ra sao. Giây phút đó tôi còn nhớ mãi, bởi vì nếu lúc ấy, tôi không mời hắn, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra sau này. Nhưng tôi liếc hắn rồi liếc nàng, nói thầm trong bụng: “Chúng mày đừng tưởng tao ghen”. Rồi thầm nói với hắn: “Tao không sợ mày đâu”, Nghĩ vậy, tôi liền lên tiếng mời hắn chiều nào rảnh nhớ đem theo cây vĩ cầm tới để đàn chung với nhà tôi. Nàng nhìn tôi, ngạc nhiên, mặt hơi đỏ. Rồi hình như hoảng sợ, nàng bắt đầu từ chối, nại cớ mình chơi chưa được thông thạo lắm. Sự từ chối này khiến tôi bực mình, tôi nài nỉ hắn thêm. Tôi còn nhớ cái cảm giác đặc biệt của tôi khi nhìn phía sau chiếc đầu hắn thấy mái tóc đen rậm nổi bật trên chiếc gáy trắng lúc hắn quay lưng đi ra, dáng điệu tung tăng như một con chim. Sự có mặt của người đàn ông này làm tôi băn khoăn. Đó là điều tôi không thể tự dối mình được. Tôi nghĩ: “Gặp hắn nữa hay không là tùy mình. Nhưng không gặp hắn nữa có nghĩa là mình sợ hắn. Không, mình đâu có sợ hắn. Làm như vậy, nhục nhã lắm!” Vì vậy ra tới phòng ngoài, tôi nài nỉ mời hắn tới ngay chiều hôm đó, cố ý cho nhà tôi nghe thấy. Hắn nhận lời rồi đi luôn.
Chiều hôm đó, hắn mang đàn tới thiệt, và hai người cũng chơi thử. Nhưng phải mất một hồi lâu họ mới dàn xếp xong vì khó chọn được bản nhạc nào cả hai vừa ý. Riêng nhà tôi thì chỉ chơi được những bản đã tập dượt trước. Tôi rất thích âm nhạc và sốt sắng giúp họ sửa soạn các nhạc cụ. Tôi dựng cái giá để nhạc lên cho hắn, lật từng trang nhạc giúp hắn. Họ chơi một bản nhạc không lời và một tấu khúc của Mozart. Hai người chơi hay tuyệt. Hắn có giọng ca rất thanh thoát, thêm một cảm quan tế nhị, không phù hợp chút nào với tư cách của hắn.
Dĩ nhiên là hắn chơi hay hơn nhà tôi nhiều. Hắn vừa tìm cách dẫn dắt nàng vừa lễ phép khen nàng chơi khá. Cách đối xử như thế là tuyệt. Nhà tôi thì hình như chỉ chú tâm vào âm nhạc. Thái độ nàng rất giản dị và tự nhiên. Nhưng riêng tôi suốt buổi tối hôm đó, bề ngoài làm ra vẻ thích thú âm nhạc mà trong lòng, lửa ghen đã bùng cháy.
Ngay từ phút đầu, lúc hai đứa liếc nhau, tôi đã thấy ngay trong ánh mắt của chúng nó lóe hiện cái thú tính khiến chúng nó quên hết địa vị của mình trong xã hội. Đứa nọ hỏi: “Được không?” Đứa kia đáp: “Ồ! Được lắm!” Hắn không ngờ thấy nhà tôi, một phụ nữ Mốt-Cu, lại có được vẻ đẹp quyến rũ như thế, và hắn ưng bụng lắm. Hắn có đủ những thứ nhà tôi đang mong muốn mà. Khổ một nỗi là làm sao đẩy được thằng chồng khó thương này đi. Nếu tôi là con người đạo đức trong trắng thì làm sao hiểu được. Nhưng, như phần đông các người đàn ông khác, trước khi cưới vợ, chính tôi đã nhìn phụ nữ theo lối đó, nên mới thấy rõ được thâm ý hắn. Tôi đau khổ vì thấy rõ thái độ nàng đối với tôi chỉ toàn là một sự bực tức liên miên, trừ những lúc bị tình dục lôi cuốn. Còn hắn, với vẻ bên ngoài trang nhã, lịch thiệp, với tính cách mới mẻ của một kẻ vừa tới, với tài đàn ca sẵn có, cộng thêm sự gần gũi những lúc đàn chung và ảnh hưởng của tiếng đàn nhịp phách trên những tâm hồn đa cảm, với bằng ấy thứ trong tay, chắc chắn hắn có thể chinh phục, áp đảo, cuốn hút nàng, khiến nàng mê mẩn thần trí để rồi muốn làm gì nàng mà chẳng được.. Đó là một thực trạng tôi thấy rõ, một thực trạng làm tôi đau lòng vô kể. Tuy vậy, vẫn có một sức mạnh gì ngoài ý muốn bắt tôi phải tỏ ra lịch sự và dễ thương đối với hắn. Tôi làm vậy vì nhà tôi hoặc vì hắn để chứng tỏ rằng tôi không sợ hắn, hay tôi làm vậy để tự lừa dối mình, tôi cũng không biết nữa. Nhưng một điều tôi biết rõ là ngay từ đầu tôi đã không thể cư xử tự nhiên được với hắn. Để xua đuổi cái tư tưởng muốn giết hắn, tôi phải đối xử đàng hoàng với hắn. Trong lúc ăn, tôi đãi rượu hắn, tôi mê man ca tụng tài năng hắn, tới chuyện trò với hắn, trao đổi với hắn những nụ cười thật tươi, và mời hắn, chủ nhật sau đến dùng bữa và đàn chung với nhà tôi nữa. Tôi còn cho hắn hay tôi sẽ mời ít bạn thích âm nhạc đến thưởng thức tài nghệ hắn. Và buổi tối hôm đó đã chấm dứt đẹp đẽ.
Ông ta xúc động quá, đứng lên ngồi xuống, hắng giọng liên hồi. Sau cùng ông ta cố lấy giọng bình tĩnh kể tiếp:
- Lạ thật, sự có mặt của người đàn ông đó đã đặc biệt ảnh hưởng đến tôi. Hai ba hôm sau, vừa đi xem triển lãm về, vào tới phòng ngoài, tôi chợt thấy có gì đè nặng trên tim. Tôi không hiểu là chuyện gì. Hình như lúc đi qua phòng ngoài tôi có thấy vật gì nhắc tôi nhớ tới hắn. Về tới phòng riêng, tôi mới nhận ra điều đó. Tôi liền trở ra phòng ngoài coi lại cho chắc. Đúng như vậy mà, tôi không lầm, chính chiếc áo choàng của hắn. Một chiếc áo choàng kiểu mới. (Tôi đâu có ngờ tất cả những gì thuộc về hắn tôi đã quan sát cẩn thận) Tôi tự hỏi: còn ai vào đây nữa? Đích thị là hắn rồi. Tôi không đi lối phòng khách, nhưng rẽ qua phòng học các cháu. Con Lý đang ngồi đọc sách. Người vú em đang ngồi với thằng út, quay cái nắp gì trên mặt bàn. Cánh cửa phòng nhạc đóng, nhưng tôi nghe được tiếng đàn và tiếng thì thầm của hai người. Tôi lắng tai nghe, nhưng không nhận ra gì cả.
Rõ ràng là tiếng dương cầm đang được cố ý dạo to lên để át tiếng cưới nói, và có lẽ cả tiếng hôn của họ nữa... Trời ơi! Máu tôi sôi lên. Tim tôi bỗng thắt lại, ngừng mất mấy giây, rồi đập lại từng hồi loạn xạ. Cảm giác duy nhất lúc bấy giờ là tôi thấy tội nghiệp cho thân tôi. Tôi nghĩ: “Ngay trước mặt các con! Trước cả mặt người vú!” có lẽ lúc ấy vẻ mặt tôi trông thật đáng sợ vì con Lý cứ nhìn tôi chằm chằm. Tôi tự hỏi: “Làm sao bây giờ? Xông vào ư? Không thể được. Nhưng mình cũng không thể rút lui”. Người vú nhìn tôi ra vẻ hiểu. Tôi nói thầm: “Nhưng không thể nào không vào được.” vừa nói xong, tôi đẩy cửa mở toang ra. Hắn đang đàn dương cầm. Nàng đứng bên cạnh, đầu cúi trên bản nhạc còn mở trước mặt. Nàng là người đầu tiên thấy tôi. Không biết nàng sợ mà làm ra vẻ như không sợ hay nàng không sợ thật. Tôi chỉ biết là nàng đứng nguyên, không nhúc nhích, mãi sau mới thấy nàng hơi đỏ mặt, nói giọng không được tự nhiên cho lắm: “Anh về đúng lúc quá. Chúng tôi chưa quyết định được đến chủ nhật tới này phải chơi những bản nào.” Nguyên việc nàng dùng tiếng “chúng tôi” để chỉ nàng và hắn đủ làm tôi nổi giận. Tôi lẳng lặng chào hắn.
Lập tức hẳn nắm chặt tay tôi, cười gượng gạo, vẻ châm biếm, rồi bắt đầu phân trần là mình có đem đến mấy bản nhạc để thực tập cho chủ nhật tới, nhưng vẫn chưa đồng ý với nhau về những bản phải chơi: nhạc cổ điển khó một chút như tấu khúc của Beethoven soạn riêng cho vĩ cầm hay mấy bản ngắn hơn. Câu chuyện chỉ có vậy. Đơn giản quá, tự nhiên quá! Chả có gì đáng nói. Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy là không đúng và chúng nó đã đồng ý với nhau tìm cách lừa bịp tôi.
Một trong những điều khó nhất cho người có máu ghen ( trên đời này ai mà không ghen! ) là có những qui ước xã giao cho phép người đàn ông và người đàn bà tiếp xúc nhau, gần gũi nhau đến độ nguy hiểm. Bạn sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ nếu bạn lên tiếng cấm đoán nam nữ không được ôm nhau khiêu vũ trong các buổi dạ hội, bác sĩ không được khám nữ bệnh nhân, hay trai gái không được giúp nhau trau dồi nghệ thuật, nhất là âm nhạc, một thứ nghệ thuật cao quí nhất. Đôi nam nữ đang miệt mài dạy nhạc cho nhau. Điều này đòi hỏi hai người phải gần gũi nhau. Không có gì đáng trách cả. Chỉ có người chồng ghen tuông một cách phi lý mới thấy việc đó là không nên. Tuy nhiên, ai cũng thừa biết chính vì những cuộc theo đuổi nghệ thuật, nhất là âm nhạc này mà phần lớn những vụ ngoại tình đã xảy ra trong xã hội chúng ta. Hiển nhiên là tôi đã làm chúng nó bối rối khi chính tôi không giữ được bình tĩnh. Tôi đứng lặng một hồi lâu, nói không nên lời. Giống như một cái chai dộng ngược mà nước chảy vẫn không ra vì đầy ứ. Tôi muốn nhục mạ hắn, tống cổ hắn ra khỏi nhà, nhưng lại cảm thấy mình phải đối xử lịch sự với hắn. Và tôi đã làm thế. Tôi tỏ vẻ đồng ý với tất cả những điều hắn nói. Cũng vì cái cảm giác kỳ lạ nó bắt tôi càng buồn vì sự có mặt của hắn thì lại càng phải tỏ ra tử tế với hắn. Tôi nói cho hắn biết là tôi rất tin tưởng ở tài nghệ hắn và tôi cũng khuyên nhũ tôi tin tưởng hắn như vậy. Hắn ở lại thiệt lâu, đợi cho cái cảm giác khó chịu do sự xuất hiện bất thần của tôi gây ra qua đi rồi mới xin kiếu về, làm ra vẻ như đã ấn định xong những bài nhạc phải chơi cho chủ nhật tới. Thâm tâm tôi quá biết vấn đề âm nhạc chẳng nghĩa lý gì so với những chuyện thực sự làm chúng nó vui sướng.
Tôi đưa hắn ra tận cửa với một thái độ lịch sự đặc biệt, rồi ân cần xiết chặt tay hắn.