Không Có Ngày Mai

Chương 67

CĂN PHÒNG MỘT LẦN NỮA trở nên yên lặng. Những âm thanh của thành phố, tiếng của máy điều hòa. Sansom đứng dậy đi vệ sinh, Springfield trở lại vị trí cũ bên tủ ti vi. Trên tủ đặt các chai nước, trên cổ chai gắn những mảnh giấy ghi rằng
nếu uống nước sẽ bị tính phí tám đô la.

Sansom ra khỏi phòng tắm.

“Reagan muốn có tấm ảnh,” ông ta nói. “Phần vì ông ta là lão già đa cảm lập dị, phần vì ông ta là ông già đa nghi. Ông ta muốn kiểm tra xem chúng tôi
có tuân thủ mệnh lệnh của mình không. Theo như tôi nhớ, tôi đứng cạnh
bin Laden, trên mặt tôi là nụ cười khốn nạn nhất trong các kiểu khốn
nạn.”

Springfield nói, “Cùng với tôi phía bên kia.”

Sansom nói, “Bin Laden đã hạ gục Tháp Đôi. Hắn đã tấn công Lầu Năm Góc. Hắn là tay khủng bố ghê gớm nhất thế giới. Tên này là nhân vật dễ nhận ra, rất dễ nhận ra. Hắn thuộc loại hoàn toàn không thể nhầm lẫn được. Tấm ảnh
đó sẽ giết chết sự nghiệp chính trị của tôi. Tắt lịm luôn. Vĩnh viễn.”

Tôi hỏi, “Đó là lý do mẹ con nhà Hoth muốn có nó hả?”

Ông ta gật đầu. “Để al-Qaeda có thể làm mất mặt tôi, và mất mặt nước Mỹ cùng với tôi. Hoặc ngược lại.”

Tôi bước tới tủ ti vi lấy một chai nước. Xoáy nắp chai ra và uống một ngụm
dài. Tiền phòng được thanh toán bằng thẻ của Springfield, nghĩa là
Sansom trả. Và Sansom có thể chịu được khoản chi tám đô.

Rồi tôi mỉm cười, rất nhanh.

“Vì vậy mới có bức ảnh trong cuốn sách của ông,” tôi nói. “Và trên tường
trong văn phòng ông. Donald Rumsfeld cùng Saddam Hussein, ở Baghdad.”

“Đúng,” Sansom nói.

“Chỉ để đề phòng. Để cho thấy rằng có một người khác cũng đã làm chuyện
tương tự. Như con bài chủ, chỉ nằm lẫn kín đáo trong bụi rậm. Không ai
biết nó là bài chủ. Thậm chí không ai biết nó là một quân bài.”

“Đó không phải bài chủ,” Sansom nói “Thậm chí không hề. Nó như con bài bích kém giá trị. Bởi bin Laden còn tệ hơn Saddam. Và sau đó Rumsfeld không
tìm cách được bầu vào vị trí gì. Ông ta được bổ nhiệm vào mọi vị trí ông ta đảm nhiệm sau đó là nhờ bạn bè. Ông ta phải chịu thế. Chẳng có kẻ
điên nào đi bỏ phiếu cho ông ta cả.”

“Ông có bạn bè chứ?”

“Không nhiều lắm.”

“Chưa ai từng nói nhiều về bức ảnh của Rumsfeld.”

“Bởi ông ta không tranh cử. Nếu ông ta từng tham gia một chiến dịch tranh cử nào, nó sẽ là bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới.”

“Ông là người tử tế hơn Rumsfeld.”

“Anh không biết tôi đâu.”

“Phán đoán có cơ sở đấy.”


“Được rồi, có thể. Nhưng bin Laden tồi tệ hơn Saddam. Và hình ảnh đó là thuốc độc. Thậm chí nó chẳng cần lời chú thích. Tôi đứng đấy, cười như chó
con với gã đàn ông tàn bạo nhất thế giới. Người ta đã làm giả những bức
ảnh như vậy để quảng bá cho cuộc tấn công. Còn bức này là đồ thật.”

“Ông sẽ lấy lại được nó.”

“Khi nào?”

“Ông đang xử lý ra sao với các cáo buộc trọng tội?”

“Chậm.”

“Nhưng chắc?”

“Không chắc chắn lắm. Có cả tin tốt và tin xấu.”

“Hãy cho tôi biết tin xấu trước.”

“Rất ít khả năng FBI sẽ muốn hợp tác. Và chắc chắn Bộ Quốc phòng sẽ không như thế.”

“Ba gã đó à?”

“Họ đã thôi vụ này. Rõ ràng họ đã bị thương. Một người bị rách mũi, một bị
thương ở đầu. Nhưng họ đã bị thay thế. Bộ Quốc phòng vẫn nóng lòng muốn
theo.”

“Họ nên thấy biết ơn. Họ cần tất cả mọi sự hỗ trợ mà họ có thể nhận được.”

“Không phải như thế. Có những cuộc chiến giành lãnh địa buộc phải thắng.”

“Vậy tin tốt là gì?”

“Chúng tôi nghĩ rằng NYPD đã sẵn sàng tỏ ra thoải mái về vụ tàu điện ngầm.”

“Tuyệt,” tôi nói. “Như thế giống như bỏ một vé phạt đỗ xe sai cho Charles Manson.”

Sansom không nói gì.

Tôi hỏi ông ta, “Còn về Theresa Lee và Jacob Mark? Cả Docherty nữa thì thế nào?”

“Họ đã trở lại làm việc. Với văn bản của cơ quan liên bang tuyên dương họ
đã hỗ trợ Bộ An ninh Quốc gia thực hiện một vụ điều tra nhạy cảm.”

“Vậy là họ ổn còn tôi thì không?”

“Họ không tấn công ai cả. Họ không làm bất kỳ ai bị thương.”

“Ông sẽ làm gì với chiếc USB khi lấy lại được nó?”

“Tôi sẽ xem có đúng là nó không, rồi tôi đập nát nó ra, rồi đốt các mảnh,
nghiền tro thành bụi và cho vào tám toa lét khác nhau rồi xả nước.”

“Giả sử tôi yêu cầu ông không làm thế thì sao?”

“Tại sao ông làm như vậy?”

“Tôi sẽ nói với ông sau.”

Tùy theo quan điểm mỗi người, bây giờ là đầu buổi tối hoặc cuối buổi chiều. Do vừa ngủ dậy nên tôi coi đây là thời gian ăn sáng. Tôi gọi xuống bộ
phận phục vụ tại phòng yêu cầu mang lên một khay lớn. Chừng năm mươi đô
tính theo giá khách sạn Sheraton New York, cộng với thuế, tiền boa, các
loại phí. Sansom chẳng ngại chút nào. Ông ta ngồi trên ghế, người hướng
về phía trước, nhấp nhổm vì thất vọng và sốt ruột. Springfield thì thư
thái hơn nhiều. Cách đây một phần tư thế kỷ anh ta đã cùng chia sẻ
chuyến hành trình qua núi, cùng chia sẻ mối ô nhục. Đôi khi bạn bè của
chúng ta trở thành kẻ thù, và đôi khi kẻ thù trở thành bạn bè của chúng
ta. Song Springfield chẳng có gì phụ thuộc vào nó. Chẳng mục đích, chẳng kế hoạch, chẳng tham vọng nào. Và điều đó bộc lộ ra. Anh ta vẫn đúng
như con người của mình hồi ấy, chỉ là một người thực hiện công việc của
mình.

Tôi hỏi, “Lẽ ra các ông đã có thể giết hắn chứ?”

“Hắn có cận vệ,” Sansom đáp. “Như một vòng tròn bên trong. Sự trung thành ở
đó còn hơn cả sự cuồng tín. Hãy nghĩ về lính thủy quân lục chiến hay
người trong công đoàn xe tải Teamster rồi nhân lên một ngàn lần. Chúng
tôi bị tước vũ khí khi còn cách lều vài trăm mét. Chúng tôi không bao
giờ được có mặt bên hắn khi không có kẻ khác. Luôn luôn có người lảng
vảng xung quanh. Cộng thêm bọn trẻ con và vật nuôi. Chúng sống như ở kỳ
Đồ đá.”

“Hắn là thằng khốn cao gầy,” Springfield nói. “Hồi ấy tôi đã có thể vươn người ra bẻ gãy cái cổ nhẳng của hắn bất kỳ lúc nào tôi
muốn.”

“Hồi ấy ông muốn thế chứ?”

“Ông có thể cá là có.
Bởi tôi biết. Ngay từ lúc đầu. Có lẽ đúng ra tôi đã nên làm ngay khi đèn flash nháy. Như bẻ một thanh bánh mì trong nhà hàng Ý. Thế thì ảnh chụp sẽ đẹp hơn.”

Tôi nói, “Việc làm tự sát.”

“Nhưng sau này sẽ cứu được nhiều mạng người.”

Tôi gật đầu. “Cũng như thế nếu Rumsfeld đã thọc một con dao vào người Saddam.”

Tay nhân viên phục vụ mang bữa ăn của tôi lên, tôi bảo Sansom rời khỏi ghế
và tôi ăn tại bàn. Sansom lấy điện thoại di động gọi một cú và xác nhận
rằng từ thời điểm đó tôi được thoát khỏi các cáo buộc liên quan tới
những việc làm ở ga tàu điện ngầm. Đối với NYPD, tôi không còn là người
đáng quan tâm. Nhưng rồi ông ta thực hiện cuộc gọi thứ hai và bảo tôi
rằng ban hội thẩm vẫn ngả về bên FBI và những dấu hiệu có vẻ chẳng ổn
chút nào. Rồi Sansom gọi cú thứ ba và khẳng định rằng cánh bên Bộ Quốc
phòng chắc chắn sẽ không cho qua. Họ như con chó đang giữ xương. Tôi
đang gặp rắc rối đủ loại ở tầm liên bang. Cản trở công lý, tấn công và
ra đòn, làm người khác bị thương bằng một thứ vũ khí có thể gây chết
người.

“Hết chuyện,” Sansom nói. “Tôi sẽ phải trực tiếp đi gặp Bộ trưởng.”

“Hoặc Tổng thống,” tôi chêm vào.

“Tôi chẳng thể làm việc nào cả. Xét về bề nổi, Bộ Quốc phòng đang ráo riết
săn đuổi một nhóm al-Qaeda đang hoạt động. Trong bối cảnh hiện nay,
không thể lập luận bác bỏ việc ấy.”

Chính trị là một bãi mìn. Làm cũng chết, không làm cũng tiêu.

“Được rồi,” tôi nói. “Miễn là tôi biết hình thù của chiến trường.”

“Nói đúng ra thì đây không phải trận đánh của anh.”

“Jacob Mark sẽ thấy ổn hơn khi có một chút kết cục.”

“Anh làm việc này cho Jacob Mark à? Cánh nhân viên điều tra liên bang có thể dành cho ông ấy tất cả những kết cục ông ấy cần.”

“Ông nghĩ thế hả? Cánh điều tra liên bang chẳng đi tới đâu. Ông muốn chuyện này kéo dài bao lâu?”

“Vậy ông làm việc này cho Jacob Mark hay cho tôi?”

“Tôi làm cho bản thân tôi.”

“Ông chẳng có liên quan gì.”

“Tôi thích các thách thức.”

“Trên thế giới có đầy thách thức khác.”

“Chúng đã làm cho nó thành thách thức đối với cá nhân. Chúng đã gửi cho tôi đĩa DVD đó.”

“Đó là chiến thuật. Nếu anh phản ứng, chúng sẽ thắng.”

“Không, nếu tôi phản ứng, chúng sẽ thua.”

“Đây không phải Miền Tây hoang dã đâu.”

“Ông nói đúng. Đây là phương Tây hèn nhát. Chúng ta cần quay đồng hồ ngược lại.”

“Anh thậm chí biết bọn chúng đang ở đâu chứ?”

Springfield liếc nhìn tôi.

Tôi nói, “Tôi đang xem xét vài ý tưởng.”

“Anh vẫn có kênh liên lạc để mở chứ?”

“Từ lúc xem đĩa DVD tới giờ cô ta chưa gọi cho tôi.”

“Từ lúc cô ta cho anh vào bẫy, ý anh là thế đấy.”

“Nhưng tôi nghĩ cô ta sẽ gọi cho tôi lần nữa.”


“Tại sao?”

“Bởi cô ta muốn thế.”

“Có thể cô ta thắng. Chỉ đi một bước sai lầm, anh sẽ trở thành tù nhân của
cô ta. Rồi rốt cuộc anh sẽ phải nói cho cô ta điều cô ta muốn biết.”

Tôi hỏi: “Từ vụ mười một tháng Chín tới giờ ông đã bay bằng máy bay thương mại bao nhiêu lần?”

Ông ta đáp, “Vài trăm lần.”

“Và tôi cá rằng trong mọi lần, một phần nhỏ tâm trí ông đều hy vọng rằng
trên máy bay có bọn không tặc. Để ông có thể trông thấy chúng diễu hành
trên lối đi, để ông có thể bật dậy đánh cho chúng vãi ra quần. Hoặc để
ông chết trong lúc đang cố gắng làm việc ấy.”

Sansom cúi đầu, miệng trễ xuống hé một nụ cười ảo não. Điều đầu tiên tôi thấy ở ông ta trong suốt một thời gian dài.

“Anh nói đúng,” ông ta nói. “Lần nào cũng thế.”

“Tại sao vậy?”

“Tôi muốn bảo vệ máy bay.”

“Và ông muốn trút những cơn giận dữ của mình. Và trút bỏ sự căm hận của
mình. Tôi biết tôi cũng sẽ thế. Tôi thích tòa Tháp Đôi. Tôi thích kiểu
của thế giới trước kia. Ông biết đấy, là trước đây ấy. Tôi không có kỹ
năng chính trị. Tôi không phải nhà ngoại giao hay chiến lược gia. Tôi
biết những nhược điểm của mình, và tôi cũng biết những ưu điểm của mình. Thế nên tóm lại thì với một kẻ như tôi, cơ hội gặp một nhóm al-Qaeda
đang hoạt động rất giống như tất cả các ngày sinh nhật và lễ Giáng sinh
được gom vào một.”

“Anh thật điên. Đây không phải việc để làm một mình.”

“Còn cách nào khác nữa chứ?”

“Rốt cuộc Bộ An ninh Quốc gia sẽ tìm ra chúng. Rồi họ sẽ tập hợp lại thành
gì đó. NYPD, FBI, các đội SWAT, thiết bị, vài trăm người.”

“Một chiến dịch khổng lồ với vô số thành phần riêng rẽ.”

“Nhưng được lên kế hoạch cẩn thận.”

“Trước đây ông đã tham gia các chiến dịch như thế chứ?”

“Vài lần.”

“Với ông thì kết quả như thế nào?”

Sansom không trả lời.

Tôi nói, “Một mình luôn tốt hơn.”

“Có thể không,” Springfield nói. “Chúng tôi đã kiểm tra thuật toán máy tính của Bộ An ninh Quốc gia. Mẹ con nhà Hoth mang theo cả một lũ đông.”

“Bao nhiêu?”

“Mười chín gã đàn ông.”