12• Cách nhượng quyền thương mại bản thân
NHỮNG CHỈ DẪN VỀ VIỆC QUẢNG BÁ BẢN THÂN VÌ VUI VẺ VÀ LỢI NHUẬN.
“Tôi không phải là một doanh nhân;
tôi là một con người – doanh nghiệp.”
JAY-Z
(Doanh nhân Mỹ)
Trong quá trình phát triển của các mô hình kinh doanh, việc mua nhượng quyền thương mại dựa trên công ty của người khác luôn là một ý kiến tồi. Chiến dịch vận động mua nhượng quyền thương mại của chúng ta cơ bản hoạt động như thế này: Rút từ tài khoản tiền tiết kiệm
250.000 đôla, vay mượn các thành viên trong gia đình và tiêu hết giới hạn cho phép trong những chiếc thẻ tín dụng của bạn. Hãy thanh toán trước hầu hết số tiền đó cho một công ty sẽ hào phóng cho phép bạn làm việc cho nó. Hãy điều hành hoạt động kinh doanh chính xác theo cách họ bảo bạn, mà không cho phép bất cứ ngoại lệ nào. Mọi quyết định, từ việc thuê người thực hiện dịch vụ mà bạn yêu cầu cho tới việc thuê địa điểm mở cửa hàng của bạn, đều do công ty đó đưa ra. Họ thậm chí sẽ bảo cho bạn chiếc áo sơ mi màu nào bạn cần mặc trong “công việc kinh doanh của riêng bạn”.
Nếu kinh doanh thành công, bạn sẽ kiếm được trung bình 47.000 đôla một năm sau khi cần mẫn cày cuốc suốt ba năm làm việc 50 tiếng một tuần – bạn đã có thể dành thời gian đó để làm việc cho công ty của người khác với áp lực ít hơn nhiều. Trong kịch bản chiến thắng này, thành công cuối cùng của bạn sẽ không có nghĩa rằng bạn đã bắt đầu một công việc kinh doanh, mà là: Bạn sẽ phải mua cho bản thân một công việc.
Nếu kinh doanh thất bại, chuyện này xảy ra thường xuyên hơn so với điều mà hầu hết các công ty nhượng quyền thương mại muốn thừa nhận, công ty sẽ lấy lại cửa hàng và bán nó cho một người khác. Khi họ làm điều này, họ sẽ không coi thất bại của bạn như việc đóng một cửa hàng trong hệ thống của họ. Do đó, khi bạn nghe các số liệu thống kê ám chỉ rằng có một tỉ lệ phần trăm cao về những địa điểm nhượng quyền thương mại vẫn mở, bạn không biết ai đang điều hành chúng và ai nợ 250 ngàn đôla mà họ không thể trả lại.
Bạn thấy lời đề nghị đó thế nào? Chẳng mấy hay ho – đó chính là lý do tại sao việc mua lại cơ sở kinh doanh của người khác luôn không phải là cơ hội tốt như vẻ ngoài của nó. May thay, có một sự lựa chọn khác: xây dựng một hoạt động kinh doanh của riêng bạn, một thứ gì mà bạn có quyền sở hữu và kiểm soát toàn bộ.
Bạn chỉ là một con người… hoặc có thể là hai
Ai nói rằng bạn không thể có mặt ở nhiều hơn một nơi vào một thời điểm? Trên thực tế, có nhiều cách để phát triển một hoạt động kinh doanh nhờ sử dụng đòn bẩy. Nhượng quyền thương mại bản thân không chỉ có nghĩa là việc làm nhiều hơn; nó còn liên quan đến các kỹ năng, hoạt động và niềm đam mê của bạn để tạo ra lợi nhuận tốt hơn. Sự khác nhau giữa nhượng quyền thương mại bản thân và làm việc nhiều hơn chính là bạn sử dụng thời gian một cách có chiến lược. Chúng ta hãy cùng xem hai ví dụ sau.
Nathalie Lussier là một kỹ sư phần mềm đầy triển vọng. Sinh ra ở Quebec, cô tới làm việc ở Thung lũng Silicon và đang có cơ hội để tiếp nhận một vị trí lớn ở Phố Wall. Gia đình cô nói rằng đó là công việc mơ ước của cô… nhưng khi Nathalie suy nghĩ nhiều hơn về điều này, cô nhận thấy rằng đó là công việc mơ ước của người khác. Gạt bỏ lời mời, cô quay trở lại Canada và quyết định theo đuổi một ý tưởng khác.
Tải thêm ebook: Mê Đọc Sách
Nathalie có một câu chuyện thành công cá nhân về việc cải thiện sâu sắc sức khỏe của cô sau khi chuyển sang chế độ ăn thực phẩm sống. Việc chỉ ăn trái cây, rau và hạt ban đầu nghe có vẻ điên rồ, nhưng kết quả đã tự chúng nói lên tất cả: Trong tháng đầu tiên, cô giảm được gần 5kg và đột nhiên có năng lượng suốt cả ngày.
Khi nói chuyện này với bạn bè mình, bản thân Nathalie đã là một người truyền bá tự nhiên – không huênh hoang hay xét nét, mà đưa ra những lời khuyên và chiến lược mà mọi người có thể sử dụng để thực hiện những cải thiện thực tế cho dù họ chưa sẵn sàng chuyển sang một chế độ ăn như Nathalie đã thực hiện.
Sau khi chuyển tới Toronto, ý tưởng của cô là xây dựng một hoạt động kinh doanh nhỏ giúp đỡ những người khác thực hiện sự điều chỉnh với thực phẩm sống. Là một kỹ sư phần mềm, Nathalie đã tạo ra một cơ sở dữ liệu, cài đặt một ứng dụng và xây dựng trang web riêng. Xuất hiện đầu tiên là Raw Switch (Chuyển sang thực phẩm sống) trình bày chính xác khái niệm nhưng dường như hơi tẻ nhạt. Một hôm Nathalie nhận thấy cũng những chữ cái đó – và cũng cả trang web đó – có thể được viết thành Raw Foods Witch (Phù thủy về thực phẩm sống) dẫn tới một đề tài mới. Mặc quần áo kiểu phù thủy với một chiếc mũ đen nhọn để chụp hình, Nathalie đã thay đổi toàn bộ hoạt động kinh doanh. Cô tạo ra các chương trình, những sản phẩm sử dụng một lần và những buổi tư vấn cá nhân theo cùng cách mà chúng ta đã thấy những người khác làm trong suốt cuốn sách này. Raw Foods Witch đã phát triển thành một hoạt động kinh doanh thu về 60.000 đôla sau năm đầu tiên.
Có điều gì không đáng yêu nào? Chỉ đúng một điều: “Nhìn bên ngoài, tất cả những gì tôi nói chỉ là về thực phẩm sống. Không ai nhận thấy tôi đã làm tất cả các công việc lập trình và thực sự đã có được sự giao thoa giữa công nghệ và kinh doanh”, Nathalie đã nói với tôi như vậy tại một cửa hàng ăn chay ở Toronto.
Công việc thứ hai đến thật bất ngờ sau khi Nathalie bắt đầu nhận được các câu hỏi về công nghệ từ những khách hàng mua thực phẩm của cô, những người cũng đang tạo ra các hoạt động kinh doanh. Cô đã quyết định tạo một thương hiệu riêng về tư vấn công nghệ, điều hành dưới tên riêng của cô thay vì biệt danh cô đã sử dụng trong hoạt động kinh doanh kia. Raw Foods Witch vẫn là một thương hiệu có ảnh hưởng mạnh – bạn bè và các khách hàng đều cho biết rằng những người mua sắm khác đã chú ý tới cô trong cửa hàng tạp hóa khi họ thấy một giỏ hàng đầy trái – nhưng cô đã cấu trúc lại công việc kinh doanh đó để nó tự động. Công việc đó vẫn mang về mức thu nhập tốt, nhưng giờ đây Nathalie dành thời gian của mình để xây dựng công việc thứ hai. Nathalie đã nhượng quyền thương mại bản thân một cách hiệu quả.
Sau khi Nathalie thiết lập việc tư vấn công nghệ, cô đã phải quay lại công việc liên quan tới thực phẩm sống và tiến hành một số thay đổi. Công việc này luôn luôn bị lệ thuộc vào các buổi ra mắt sản phẩm mới, và vì sự tập trung của cô giờ đây là vào nơi khác, nên cô phải giảm bớt sự phụ thuộc trong khi bảo đảm rằng công việc vẫn tạo ra thu nhập thường xuyên hơn.
Bên kia biên giới và cách đó vài bang, Brooke Thomas đã sáng lập ra New Haven Rolfing, một cơ sở rèn luyện sức khỏe toàn diện. Trung tâm trị liệu này thu hút một nhóm khách hàng được xác định rõ ràng: Những người mắc các chứng đau xương và các cơ quan vận động ở khắp nơi. (Không ai tới gặp Brooke khi họ cảm thấy sung sức cả.) Khi họ tới New Haven Rolfing, nhiều người từng điều trị bằng cách khác mà không hiệu quả. Brooke chính là một bằng chứng cho cách điều trị cô đưa ra – cô đã hoàn toàn hết đau đớn nhờ Rolfing[1] sau 23 năm phải chung sống với những vấn đề liên quan tới một tổn thương bẩm sinh.
[1] Rolfing là một hình thức tập luyện nhằm mục đích tái tạo hệ thống cơ xương bằng cách làm việc trên những mạch căng nằm ở mô sâu. Tập Rolfing có thể giúp người tập xả bỏ các xúc cảm cũng như làm phân tán sự căng cơ bắp thường có.
Trước khi chuyển tới Connecticut, Brooke đã điều hành những hoạt động kinh doanh tương tự ở California và New York. Với mỗi lần di chuyển, cô lại học hỏi được nhiều hơn một chút về những gì cần làm và những gì cần tránh. Việc mở cùng một loại hình hoạt động kinh doanh ở những thành phố khác nhau quả là sáng suốt. Sau khi chuyển tới New Haven, cô đã có nhiều khách hàng chỉ trong vòng bốn tuần, và sau đó cô đã thuê một đối tác để quản lý những lịch hẹn bổ sung. Là một bà mẹ đơn thân với một đứa con nhỏ, Brooke làm việc bán thời gian nhưng vẫn kiếm được hơn 70.000 đôla mỗi năm từ mô hình này.
Thành công được lặp lại ở những thành phố khác nhau kéo theo việc biết thêm về các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác, và Brooke đã để ý thấy rằng một số nơi hiểu biết kinh doanh hơn những nơi khác. Nhờ sử dụng kinh nghiệm đời thực của mình, Brooke đã tạo ra Practice Abundance – một chương trình đào tạo cho những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác. Việc đưa ra một loạt bài giảng hỗ trợ và một diễn đàn cộng đồng đã khiến cho Practice Abundance trở thành một khóa học tập trung hoàn toàn vào những cách thức cải thiện tình hình kinh doanh. Theo lời của Brooke thì “người ta cho rằng mọi người đều muốn có một tấm bằng MBA (Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh), khi thực tế là hầu hết mọi người chỉ muốn điều hành doanh nghiệp của mình tốt hơn.” Brooke đã phân ra thành hai nhóm người: Những người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của cô và những người chăm sóc sức khỏe cho người khác nhưng có thể hưởng lợi từ lời khuyên kinh doanh không cần bằng MBA của cô.
• • •
Cả Nathalie và Brooke đã tìm ra cách để có được hai nhóm khách hàng khác nhau: một nhóm nòng cốt và một nhóm liên quan. Khi một doanh nghiệp phát triển và người chủ doanh nghiệp bắt đầu mong muốn về những dự án mới, anh ta/cô ta có hai giải pháp thiết yếu cho nhượng quyền thương mại do tự mình tạo ra:
Giải pháp 1: Có được nhiều khách hàng hơn với cùng thông điệp.
Giải pháp 2: Có được những khách hàng khác nhau với một thông điệp mới.
Giải pháp nào cũng hợp lý và cả hai đều có thể thực hiện được. Đối với giải pháp thứ nhất, nó có thể hữu ích cho việc nghĩ tới mô hình “trục và nan hoa” khi xây dựng một thương hiệu, nhất là trực tuyến. Trong mô hình này, trục là trang web chính của bạn: thường là một trang thương mại điện tử, nhưng nó cũng có thể là một blog, một diễn đàn cộng đồng hoặc một thứ gì khác. Trục là cơ sở chính với tất cả các nội dung được bạn hoặc đội ngũ làm việc của bạn tổ chức nên và rốt cuộc là nơi bạn hy vọng những khách tham quan mới, các khách hàng và khách hàng tiềm năng quan tâm.
Các nan hoa, còn được biết như những điểm bên ngoài, là tất cả những nơi khác mà bạn đầu tư thời gian cho chúng. Những nơi này có thể bao gồm các trang mạng xã hội, phần bình luận trên blog trên bạn hoặc của các blog khác, các sự kiện trong mạng kết nối hoặc những cuộc gặp gỡ thực sự hoặc một điều nào khác. Bạn có thể thấy mô hình này hoạt động như thế nào qua hình ảnh ở trang bên:
Mục đích của mỗi điểm bên ngoài là để hỗ trợ cho công việc của cơ sở chính, thường không phải cho chính nó. Sẽ có thể là một cái bẫy khi bạn dành quá nhiều thời gian cho bất cứ điểm bên ngoài nào, bởi vì khi mọi thứ thay đổi, một số điểm bên ngoài trở nên ít được biết tới theo thời gian. Bạn còn sở hữu nội dung và công việc bạn tạo ra ở cơ sở chính, trong khi hầu như những gì xảy ra ở một điểm bên ngoài lại được công ty khác “sở hữu”.
Tai họa và sự khôi phục:
ẤN BẢN “KẸT Ở MALI LẦN NỮA”
Là một nhiếp ảnh gia cộng tác toàn thời gian chủ yếu ở Accra, Ghana, Nyani Quarmyne không phải là người lạ lẫm với chuyện phiêu lưu. Ở Tây Phi, chỉ có vài luật là được tuân thủ rộng rãi, nhất là nếu luật đó liên quan tới bản quyền và sở hữu trí tuệ. Hầu hết thời gian, mọi thứ đều hoạt động bình thường – dù không phải luôn luôn như vậy. Đây là nội dung câu chuyện được Nyani kể lại:
Khi mới bước chân vào nghề, tôi đã chụp vài lần cho một hãng sáng tạo ở Ghana. Một thời gian ngắn sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại của họ hỏi xem tôi có thể thực hiện gấp một bộ ảnh cho một khách hàng mới đòi hỏi phải đi du lịch tới vài nước trong khu vực. Thời hạn thật sự khít khao; đó là kiểu công việc nhận điện thoại trong ngày và đi ngay buổi sáng, mà thậm chí chi tiết chính xác nơi chúng tôi sẽ tới còn bị thay đổi liên tục cho tới phút cuối. Vì trước đó đã từng chụp hình cho hãng này, nên họ đã xem và kí vào hợp đồng với tôi trước, còn tôi đã phạm sai lầm khi nghĩ rằng họ đã hiểu cách tôi làm việc cũng như cơ sở để tôi tiếp nhận công việc này. Vì vậy, trong lúc vội vã, tôi đã quên không mang theo hợp đồng làm việc trực tiếp, và rồi chúng tôi cùng đi.
Bộ ảnh được chụp thực sự tuyệt vời và tôi đã thực hiện những gì mình suy nghĩ để cho ra một số bức hình thật đẹp. Tất cả đều tốt đẹp cho tới khi chúng tôi đi trên một con đường nông thôn cách xa bất cứ thành phố hoặc sân bay nào. Trong khi chúng tôi đang cùng ngồi trên xe với nhau, khách hàng đã yêu cầu bản quyền của những tấm hình – không phải vấn đề về bản hợp đồng mà cho tới khi đó tôi vẫn lo canh cánh trong lòng – và đã đe dọa việc tôi bị giam giữ tại một biên giới vùng xa ở một quốc gia không ổn định chính trị trừ phi tôi trao những bức ảnh cho họ. Không muốn thử lòng hiếu khách của cảnh sát địa phương, tôi đã nhường họ và chịu mất một bức ảnh đẹp nhất mà tôi đã chụp được ngày hôm đó.
Tuy nhiên, tôi đã học được bài học của mình: Lần sau, điều đầu tiên phải chắc chắn là mang theo hợp đồng đã ký.
Quan hệ đối tác: Cách để 1 + 1 = 3
Một cách để nhượng quyền thương mại bản thân chính là phối hợp với một đối tác đáng tin cậy. Điều này không có nghĩa là bạn hợp nhất hoàn toàn hoạt động kinh doanh của mình với người đó; thực tế thì cách dễ nhất và phổ biến nhất để hợp tác cùng với một người nào đó chính là tạo ra một liên doanh. Trong trường hợp này, hai hoặc nhiều người hơn sẽ cùng hợp tác để thực hiện một dự án mới đơn lẻ. (Dự án “bán tống bán tháo hàng hóa” của Karol và Adam, được mô tả ở Chương 8, là một dự án liên doanh.)
Ở những trường hợp khác, một liên doanh hoàn toàn mới được thành lập và do các thành viên đồng sở hữu. Đó chính là những gì mà Patrick McCrann và Rich Strauss đã làm. Cả hai đều là những huấn luyện viên cao cấp và đã quyết định hợp tác để tạo ra Endurance Nation, một chương trình đào tạo và cộng đồng dành cho các vận động viên ba môn phối hợp. Họ phân chia trách nhiệm trên cơ sở sở trường của mỗi người. Patrick gọi điện chào đón tất cả những thành viên mới qua điện thoại còn Rich lên kế hoạch đào tạo trực tuyến cho những thành viên đó.
Dù một dự án có được cấu trúc như thế nào thì mục đích của quan hệ đối tác vẫn là để phát triển vượt xa hơn những gì mỗi người có thể tự mình tạo ra. Ralf Hildebrandt điều hành một hãng dịch vụ chuyên nghiệp quốc tế có trụ sở tại Stuttgart, Đức. Đây là cách anh giải thích lý do tại sao 1 + 1 có thể bằng 3: “Nguyên tắc chủ đạo của tôi chính là: một mối quan hệ đối tác thành công (hoặc bất cứ kiểu hợp tác nào) cần tạo ra được một hoạt động kinh doanh với lợi nhuận cao hơn ít nhất 33% so với tổng lợi nhuận mà hai cá nhân có thể đạt được theo cách riêng của họ.”
Ralf tiếp tục: “Mọi người thường có xu hướng nghĩ rằng việc phân bổ công việc cho một vài người khác chính là quan hệ đối tác. Nhưng đó chỉ là khoán lại việc mà thôi.
Mối quan hệ đối tác thực sự phải tạo ra được nhiều hơn chứ không chỉ một bản danh sách phân chia công việc.”
Được sự cho phép của Pamela Slim, một huấn luyện viên, tác giả đồng thời là một chuyên gia về các mối quan hệ hợp tác, tôi xin đưa ra đây bản danh sách ngắn gọn về những vấn đề cần được cân nhắc ngay từ khi bắt đầu bất cứ dự án liên doanh nào:
• Tiền sẽ được chia như thế nào? (Thường thì bạn có thể chia đều với tỷ lệ 50-50 hay 60-40 với phần cao hơn dành cho đối tác phải làm việc nhiều hơn hoặc 45-45 với 10% được giữ lại dành cho chi phí điều hành.)
• Trách nhiệm của mỗi bên tham gia là gì?
• Kiểu thông tin nào được chia sẻ giữa các bên?
• Dự án sẽ được gia nhập vào thị trường như thế nào?
• Bản thỏa thuận sẽ có giá trị trong bao lâu?
• Chúng ta sẽ thường xuyên thông tin với nhau để thảo luận về mối quan hệ đối tác này như thế nào?
Hãy xem thử Thỏa thuận Quan hệ đối tác một trang để có một cách đơn giản giúp đạt được một thỏa thuận cơ bản giữa hai bên.
Thỏa thuận Quan hệ đối tác một trang
Hãy giữ cho bản thỏa thuận thật đơn giản. Hãy nhớ rằng mối quan hệ này là phần quan trọng nhất; việc giữ cho nó bền vững và đáng tin cậy quan trọng hơn việc viết ra những mệnh đề đúng và ngôn ngữ hợp pháp. Đa phần những chủ thể của chúng ta cho biết rằng họ đang hợp tác kinh doanh với một số tiền lớn trên cơ sở lâu dài mà không cần bất cứ hợp đồng nào. Đây chính là điểm khởi đầu. Bạn nên nhờ bên thứ ba có đủ khả năng tư vấn cho mình nếu muốn xác định những nghĩa vụ của bạn rõ ràng hơn hoặc nếu thấy quan ngại về một số điều nào đó.
Các đối tác: [Đối tác 1] và [Đối tác 2]. Những đối tác này đồng ý hợp tác với thiện ý về một dự án mang lại lợi ích cho cả hai bên được biết đến với tên là [tên dự án].
Tổng quan: [Tóm tắt dự án, bao gồm cả những kết quả mà hai bên mong muốn đạt được].
Chia lợi nhuận: Thu nhập ròng của dự án này sẽ được chia theo cơ sở với [tỉ lệ phần trăm] % cho [Đối tác 1] và [tỉ lệ phần trăm] % cho [Đối tác 2]. Tất cả các chi phí thứ yếu đi kèm theo dự án sẽ được khấu trừ trước khi tính ra thu nhập ròng. Bất cứ chi phí cụ thể nào vượt quá [số tiền] đều cần có sự đồng ý của cả hai bên.
Thời gian có hiệu lực của Thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận: Thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận này sẽ tồn tại trong [khoảng thời gian], hết thời hạn đó, các bên sẽ quyết định xem có nên tiếp tục, dừng lại hoặc xem xét lại hay không.
Công bố và bán hàng: Dự án này sẽ được đưa ra để bán hàng trên [các trang web và bất cứ nguồn nào khác].
Hỗ trợ khách hàng: [Đối tác 1] sẽ chịu trách nhiệm về [các trách nhiệm]. [Đối tác 2] sẽ chịu trách nhiệm về [các trách nhiệm]. Phản hồi về dự án từ phía các khách hàng sẽ được chia sẻ cho cả hai bên tham gia.
Tiếp thị: Cả hai bên tham gia sẽ tích cực đưa dự án ra thị trường để bảo đảm sự thành công của dự án. Điều này sẽ bao gồm việc quảng bá trên [các trang web], thông qua cộng đồng trực tuyến và các mạng lưới trực tiếp của mỗi bên tham gia.
Thời hạn: Các bên tham gia đồng ý hoàn thành tất cả các nhiệm vụ liên quan đến dự án này để chuẩn bị cho buổi ra mắt vào [ngày].
Trận chiến thuê ngoài
Jamila Tazewell đã đi theo lối mòn sau khi tốt nghiệp trường nghệ thuật: Cô làm phục vụ bàn ăn ở thành phố New York trong khi đang mơ về một điều khác. May thay, việc chờ để dọn dẹp bàn ăn là việc chờ đợi duy nhất mà cô phải làm bởi trong lúc làm việc này cô đã hành động ngay để bắt đầu một công việc kinh doanh bằng cách làm ra “những chiếc túi xách lạ lùng” và những chiếc ví độc đáo. Cô bảo: “Tôi đã bị thuyết phục rằng sau một đêm tôi sẽ trở thành một ngôi sao chuyên làm đồ phụ kiện một cách kỳ diệu”, với giả định ban đầu là một nhà kinh doanh thời trang sẽ nhìn thấy các sản phẩm của cô và tỏ ý muốn phân phối chúng. Tuy nhiên, “sau này tôi đã nhận thấy mình có thể tự bán được những chiếc ví và túi xách của mình. Đó chính là khi tôi quyết định tiếp tục theo đuổi cơ hội này.”
Jamila đã tới Los Angeles để bán các sản phẩm phụ kiện của mình toàn thời gian mà không lệ thuộc vào việc hầu bàn để thanh toán các hóa đơn trong giai đoạn này. Công việc mang lại hiệu quả tích cực nhưng cũng chỉ vừa đủ: Cô phải tự mình làm mọi thứ, và công việc kinh doanh thì phải vật lộn để tìm được chỗ đứng cho mình. Cô vui mừng khi không còn phải phục vụ bàn, nhưng cũng như việc mua nhượng quyền thương mại của một người khác, Jamila cảm thấy giống như cô đã mua cho mình một công việc.
Trong ba năm, Jamila dễ dàng tạo ra một thay đổi. Cô thuê một cô thợ may địa phương để làm sản phẩm dưới sự giám sát của mình, một bước đi được cô mô tả là “thử thách nhưng cần thiết”. Sau đó, cô đưa sản phẩm tới cho một người khác để thực hiện việc in ấn và vận chuyển. Đây là một bước tiến lớn đòi hỏi “một quá trình thử và sai táo bạo, nhưng việc đưa được sản phẩm ra khỏi văn phòng của tôi quả thực là một sự giải phóng đáng kinh ngạc. Có cảm giác như đứa con của tôi cuối cùng đã đủ tuổi để đi tới trường nội trú hoặc một điều gì tương tự thế.”
Thú vị thay khi cách nhìn này lại không được chấp nhận rộng rãi. Một số chủ đề khác trong nghiên cứu cũng cho kết quả một làn sóng phản ứng tương tự. Rất nhiều thành viên trong nhóm của chúng tôi đã nói về việc tự mình cố gắng vươn lên và những kế hoạch kinh doanh hạn chế theo cùng một cách, và sự kết nối giữa tự do và giá trị là đề tài chính cho hầu hết mọi người. Nhưng có một chủ đề mà kết quả mang lại là một làn sóng những quan điểm khác nhau. Đó là việc thuê các nhà thầu hay “những trợ lý ảo”, còn được biết như thuê ngoài. Với chủ đề này, phản ứng của người được phỏng vấn trải rộng từ “yêu thích” tới “ghét bỏ” cho đến “thật phức tạp”.
Mọi câu chuyện như câu chuyện của Jamila đều nói đến việc mối quan hệ đối tác sẽ dẫn tới tự do. Tuy nhiên, tôi cũng đã được nghe một câu chuyện ngược lại từ một người đã trở nên hạnh phúc hơn nhiều khi cân nhắc kỹ việc tự mình điều hành hoạt động kinh doanh mà không cần tới thuê ngoài hoặc thuê thêm người. Chúng ta hãy cùng xem xét một vài ví dụ của những nhóm khác nhau này.
TRƯỜNG HỢP 1: ỦNG HỘ THUÊ NGOÀI
Nhóm ủng hộ thuê ngoài được đại diện bởi những lời bày tỏ sau từ các chủ doanh nghiệp nhìn nhận việc thoát khỏi các nhiệm vụ và trách nhiệm giống như một quyết định để được tự do:
Việc thuê nhân viên là thách thức lớn nhất của tôi trên cương vị một chủ doanh nghiệp. Tôi đã chần chừ trong nhiều năm và đã để mất 10.000 đôla mỗi năm bởi e sợ phát triển. Cuối cùng tôi nhận thấy rằng mình bị ngập đầu trong công việc. Tôi đã không thể tạo ra nhiều tiền hơn nữa trừ phi đưa thêm người vào trong đội làm việc của mình. Từ khi thay đổi cơ cấu, tôi đã có thể chấp nhận tất cả các đơn đặt hàng mà mình từng phải từ chối. Tôi không còn bị “nợ” quá nhiều đơn hàng và có thể đầu tư thời gian hơn nữa vào việc phát triển hoạt động kinh doanh theo những hướng đi khác. Có phải tôi muốn tự mình làm được tất cả không? Tôi đã từng thế bởi không thích lãnh đạo hoặc bị lãnh đạo. Tôi không thích cảm giác thấy mình như sếp. Nhưng giờ đây tôi thấy hạnh phúc hơn nhiều khi mình là một phần của một đội làm việc. Tôi là hoa tiêu của doanh nghiệp mình, và đội làm việc của tôi ở đó là để làm cho công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn trong khi cũng đang đáp ứng được những mục đích riêng của họ. – Megan Hunt (đọc thêm về Megan ở Chương 3)
Mục đích của tôi là luôn luôn không có nhân viên để tránh chi phí, các vấn đề pháp luật phức tạp nảy sinh và sự thiếu linh động. Tuy nhiên, việc điều hành nhà kho hoàn toàn được thuê ngoài – tất cả các nhân viên nhận hàng, lưu kho, xử lý, lọc hàng, đóng hàng và chuyển hàng được quản lý bởi các đối tác vận chuyển của chúng tôi; chúng tôi chỉ việc gửi tới đó các đơn đặt hàng. Chúng tôi sử dụng các cộng tác viên kinh doanh, những người chỉ được trả tiền hoa hồng. Chúng tôi sử dụng các trợ lý ảo để trả lời điện thoại khi không có mặt. – Jonathan Pincas (đọc thêm về Jonathan ở Chương 14)
Chúng tôi đã thuê một nhà in bên ngoài để thực hiện việc in ấn những tấm bản đồ của mình và đó là quyết định tốt nhất chúng tôi từng làm. Hoạt động kinh doanh của chúng tôi chắc chắn sẽ không tồn tại nếu chúng tôi cứ cố tự mình in những tấm bản đồ đó. Khi nhu cầu tăng lên, các nhà in hoàn toàn đủ sức đáp ứng. Chúng tôi sẽ không bao giờ có thể in được một số lượng lớn bản đồ trong khi vẫn đang duy trì các công việc toàn thời gian của mình và hướng tới một hoạt động kinh doanh đang phát triển. Chúng tôi cũng thấy hạnh phúc khi công việc kinh doanh của mình có thể hỗ trợ công việc của những người thợ thủ công khác. – Jen Adrion và Omar Noory (đọc thêm về Jen và Omar ở Chương 6)
Những trích dẫn này cũng mang tính đại diện cho quan điểm của những người ủng hộ việc thuê ngoài bởi nó giúp các chủ doanh nghiệp được tự do hơn và cho phép một doanh nghiệp mở rộng phạm vi mà không cần chủ doanh nghiệp phải tự mình làm tất cả mọi việc.
TRƯỜNG HỢP 2: PHẢN ĐỐI THUÊ NGOÀI
Nhóm chống lại việc thuê ngoài có thể được đại diện bởi những lời bày tỏ sau của các chủ doanh nghiệp tin tưởng rằng việc mở rộng sẽ khó khăn, có thể gặp rắc rối hoặc hạn chế sự tự do mà họ đã có được thông qua công việc kinh doanh đó:
Tôi đang ở thời điểm cần tìm cách phát triển khả năng của mình nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhưng tôi trăn trở với những lo lắng về danh tiếng ở chỗ tôi sẽ phải giao việc đặt vé cho các nhân viên hoặc các nhà thầu. Tôi đã được mời hợp tác nhưng từ chối bởi vì tôi có những quan ngại về chất lượng của đối tác hoặc vì đối tác đó muốn một khoản hoa hồng giới thiệu. Tôi có thể dễ dàng tăng mức giá của mình và đáp ứng khoản hoa hồng đó, nhưng tôi biết mình sẽ không thấy vui vẻ khi làm việc ít hơn. Và do đó tôi đã không phát triển hơn nữa, nhưng tôi cảm thấy thoải mái với điều đó vào lúc này. – Gary Leff (đọc thêm về Gary ở Chương 3)
Tôi thực sự không thích làm việc với các nhà thầu, nhân viên hoặc trợ lý. Hoạt động kinh doanh của tôi thành công ở một quy mô nhỏ. Tôi có thể thu gọn toàn bộ công việc kinh doanh của tôi vào một chiếc ba lô và mang theo nó đến bất cứ nơi nào tôi tới – không văn phòng, không đồ dùng văn phòng, không đội ngũ nhân viên hành chính. Giữ cho chi phí hành chính bằng không là đã hạ thấp được rủi ro và sinh lợi nhuận cao. – Adam Westbrook (Adam điều hành hoạt động kinh doanh các dịch vụ thiết kế ở Anh.)
Tôi chú trọng vào việc giữ cho công ty nhỏ gọn. Tôi là nhân viên duy nhất và tôi làm việc ở ngay nhà mình. Chúng tôi từng sở hữu một địa điểm kinh doanh bán lẻ phải trả tiền thuê nhà, tiền bảo hiểm và lương cho 12 nhân viên. Những ngày đó qua rồi. Nói một cách đơn giản là tôi không thích việc phải trả lương cho người khác nữa. – Jaden Hair (đọc thêm về Jaden ở Chương 2)
Việc giám sát các nhà thầu thực hiện công việc từ xa cũng làm tốn thời gian và công sức chẳng kém gì so với việc tôi tự mình làm hết mọi việc. – Andy Dunn (đọc thêm về Andy ở Chương 11)
Phương châm của tôi: Không bao giờ có sếp và không bao giờ là sếp. Từ khi 22 tuổi, đó đã là quan điểm làm việc mà tôi luôn cố gắng để làm theo. Tôi có một kế toán, bởi vì việc nghiền ngẫm các con số là điểm yếu lớn nhất của tôi. Mặt khác, tôi là công ty một người. Tôi có thể luôn luôn bảo đảm công việc riêng của mình và hoạt động hoàn toàn độc lập. – Brandy Agerbeck (đọc thêm về Brandy ở Chương 7)
Cũng như phe ủng hộ việc thuê ngoài, những trích dẫn này mang tính đại diện cho nhiều người khác. Lee Williams-Demming đã nói rằng hoạt động kinh doanh nhập khẩu của cô trước đây từng có năm nhân viên và hàng trăm nhà cung cấp ở nước ngoài. Giờ đây nó chỉ có một nhân viên và một mạng lưới cung cấp nhỏ hơn. Cô ấy đã viết trong một bức thư điện tử rằng: “Hãy tin tôi, chúng tôi tốt hơn hẳn theo mọi hướng với một đội làm việc nhỏ hơn nhiều.”
• • •
Trên thực tế, mỗi người sẽ phù hợp với một kiểu làm việc khác nhau. Cá nhân tôi thiên về nhóm phản đối thuê ngoài. Khi điều hành hoạt động kinh doanh của mình, tôi chọn cách giữ một đội làm việc rất nhỏ và luôn hạn chế việc thuê ngoài. Luận cứ quan trọng về việc thuê ngoài chính là thuê ngoài cho phép bạn “làm được nhiều hơn những gì bạn yêu thích” trong khi phân công những công việc mà bạn không muốn làm cho người khác trên cương vị một chủ doanh nghiệp. Nhưng thuê ngoài có thể tạo ra những vấn đề lớn hơn, và bạn có thể xây dựng doanh nghiệp của bạn theo cách mà ngay từ đầu đã có rất ít những nhiệm vụ mà bạn không thích cần được thực hiện.
Không dưới một lần tôi được nghe những đồng nghiệp của mình nói rằng họ đang có một trợ lý ảo rất tuyệt vời và họ rất vui được giới thiệu với tôi. Và rồi, chỉ vài tuần hoặc vài tháng sau, tôi lại nghe thấy họ đang tìm kiếm một người trợ lý mới. Tôi hỏi họ: “Điều gì đã xảy ra vậy?” Và câu trả lời là: “Vâng, lúc đầu… những người trợ lý ảo này thật tuyệt vời. Nhưng sau đó quy trình bị phá vỡ, những chuyện nhảm nhí nảy sinh và chúng tôi đành phải chia tay nhau.”
Đây là câu chuyện luôn diễn ra, được kể theo nhiều cách nhưng vẫn chung một kết quả cuối cùng. Có những mong đợi cụ thể, nhưng đa phần những người có khả năng làm việc trên cương vị là một trợ lý ảo cuối cùng thường quyết định rằng tốt hơn họ nên điều hành công việc riêng của mình. Nếu bạn phải dành thời gian của mình để giải quyết các vấn đề do đội làm việc được tạo ra để hỗ trợ bạn gây nên, thì đội làm việc đó đã không thực sự cải thiện được cuộc sống của bạn. Trong khi đó, rõ ràng rằng những người khác dứt khoát đã được hưởng lợi từ việc khai thác làn sóng “có những người khác làm việc thay bạn.”
Với những quan điểm khác nhau như vậy, làm sao bạn biết nên đi theo con đường nào? May thay điều đó không quá phức tạp. Câu trả lời cho câu hỏi về việc liệu thuê ngoài có phải là một lựa chọn tốt với bạn hay không phụ thuộc vào hai điều: (1) hoạt động kinh doanh cụ thể và (2) tính cách của người sở hữu doanh nghiệp.
Đa số các vấn đề mà mọi người trải nghiệm với việc thuê ngoài (theo cả hai khía cạnh) có thể tránh được nhờ hiểu biết thật rõ ràng về trách nhiệm của một nhà thầu hoặc người trợ lý. Ví dụ, ở một công việc kinh doanh mà hoạt động chủ yếu là những công việc lặp đi lặp lại, tương đối đơn giản thì thuê ngoài có thể là một giải pháp tốt.
Tuy nhiên, một công việc kinh doanh phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ khách hàng thì thuê ngoài không thể là một lựa chọn tốt.
Tính cách riêng của bạn cũng là một vấn đề, bởi vì nếu bạn đang xây dựng một hoạt động kinh doanh tự do, thì bạn chắc chắn sẽ mong muốn tìm ra được giải pháp phù hợp nhất với cách nhìn về tự do của mình. Đối với một số người, điều này liên quan tới việc đi du lịch thế giới với chi phí thấp, và số tiền kiếm được từ công việc kinh doanh đó chủ yếu sẽ để hỗ trợ cho chính người chủ sở hữu. Những người khác muốn ngồi một chỗ và xây dựng một đội làm việc, tạo ra một hoạt động kinh doanh sẽ sống lâu hơn chính họ. Cuối cùng, câu trả lời hay nhất cho câu hỏi về việc thuê ngoài cũng giống như nhiều câu trả lời khác: Hãy làm những gì có ý nghĩa với bạn, không phải vì một ai khác.
Trao đổi hàng hóa, trợ giúp từ gia đình và dọn dẹp nhà cửa
Trước khi chúng ta đi tiếp, hãy cùng nhìn vào một vài hình thức khác của việc có được sự giúp đỡ. “Toàn bộ công việc kinh doanh của tôi là một sản phẩm của những lần trao đổi vô cùng có lợi”, đó là chia sẻ của Brooke Snow, người đã trao đổi những bài học nhạc lấy những bài học chụp ảnh trước khi tự mình dạy chụp ảnh. Cô cũng đã trao đổi để có được sự giúp đỡ trong việc thiết kế trang web, dựng phim và hỗ trợ công nghệ. Cô nói: “Những trao đổi này đã tiết kiệm cho tôi được 10.000 đôla và không chỉ biến đổi công việc mà còn biến đổi cả cuộc sống của tôi theo nhiều cách khác nhau. Công việc đó đã cho phép tôi hoàn toàn thoát khỏi nợ nần với khoản đầu tư tài chính ít, phí điều hành thấp và một mức lợi nhuận cao.”
Một số người kể cho tôi nghe họ đã thuê các thành viên gia đình làm việc cho mình. Cứ sau mỗi mốc 1.000 đôla trong hoạt động kinh doanh đồ dùng văn phòng của Eleanor Mayrhofer, cô lại làm một bữa tối đặc biệt dành cho chồng mình, người giúp cô về kế toán và lập trình. Nathalie Lussier thì cho rằng việc thuê một người dọn dẹp nhà cửa đã tạo nên sự khác biệt lớn về hiệu suất của cô. Cô đã viết thế này: “Mặc dù điều đó dường như không quan trọng, song lại là điểm mấu chốt giúp nhận ra việc không cố gắng tự mình làm mọi thứ trong mọi lúc quan trọng đến thế nào.” Jonathan Pincas lại muốn lưu ý thêm về việc thuê ngoài, rằng mẹ anh nhận thư hai lần một tuần ở Anh và sau đó scan thư lại để gửi tiếp đi ở dạng thư điện tử.
Kiểm tra sổ sách kinh doanh
Dù có được cấu trúc như thế nào, một công việc kinh doanh tốt vẫn cần được chăm sóc và cải thiện liên tục. Ngay khi dự án của bạn phát triển, hãy dành thời gian để ý vào từng khía cạnh của nó, đặc biệt là bất cứ hoạt động truyền thông công cộng nào mà các khách hàng thường xem xét trong khi đưa ra quyết định mua sắm. Hãy trả lời những câu hỏi này và suy nghĩ về cách thức cải thiện hoạt động kinh doanh của bạn. Mục đích là để (1) sửa những vấn đề nhỏ và (2) nhận biết những hành động nhỏ có thể tạo ra những kết quả đáng kể qua thời gian mà bạn có thể thực hiện ngay.
“BẠN KIẾM TIỀN Ở ĐÂU?”
Khi một doanh nghiệp ra đời và đi vào hoạt động, nó sẽ rất dễ bị mắc vào rất nhiều kiểu bẫy mà ở đó mọi việc bạn làm đều chẳng liên quan gì đến việc kiếm tiền. Giải pháp thật đơn giản: Hãy tập trung vào tiền. Trong việc kiểm tra sổ sách, bạn sẽ mong muốn tập trung xem tiền từ đâu đến và xác định bạn có thể làm gì để giữ cho tiền về với mình. Đôi khi những cơ hội mới tự xuất hiện; đôi khi bạn lại có thể dễ dàng chỉnh sửa một điều gì đó để mở ra một cơ hội khác. Nếu bạn có một loạt các dự án, sản phẩm hoặc hành động, thì việc tập trung nỗ lực của bạn cho những lựa chọn hiệu quả hơn luôn luôn tốt hơn việc cố gắng cứu vãn những việc ít hiệu quả. Hầu hết mọi người đều làm ngược lại, nhưng nếu mục đích của bạn là để cho mọi thứ ở mức trung bình thì đó chính là điều tốt nhất bạn sẽ nhận được.
“THÔNG ĐIỆP CỦA BẠN TỐT ĐẾN ĐÂU?”
Các tài liệu tiếp thị bạn sử dụng, dù là trực tuyến hay trực tiếp, có thể sẽ liên quan tới việc sử dụng một số từ ngữ, được biết đến như bản sao. Hãy quay trở lại từ đầu và đọc bản sao thật cẩn thận. Hãy xem lại từng trang của tài liệu bán hàng thật chậm rãi và sau đó đọc to nó lên. Tài liệu vẫn thể hiện được thông điệp mà bạn muốn chứ? Thông tin nào nên được lựa chọn hoặc xem lại?
“CÁC MỨC GIÁ CỦA BẠN ĐÃ HỢP LÝ CHƯA?”
Lần cuối cùng bạn tăng giá là khi nào? Bạn có thể có một đợt bán giảm giá hoặc thỉnh thoảng giảm giá một số mã hàng, nhưng giống như tất cả các doanh nghiệp, bạn cũng nên lập kế hoạch cho việc tăng giá trên cơ sở định kỳ. Hãy luôn luôn nhớ rằng việc cố gắng để có một cái giá có thể làm hài lòng tất cả “mọi người” là một cái bẫy chết người trong kinh doanh. Vì các chủ doanh nghiệp sống hay chết là nhờ vào hệ thống
thị trường tự do, hãy quyết định xem giá bạn đưa ra có công bằng hay không thông qua việc đưa ra một câu hỏi khác: Mọi người có đang mua những gì bạn bán? Nếu câu trả lời là có, bạn đang đi đúng hướng. Nếu câu trả lời là không, bạn gặp vấn đề rồi.
“BẠN TIẾP THỊ TỚI NHỮNG KHÁCH HÀNG HIỆN CÓ NHƯ THẾ NÀO?”
Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là tiếp cận tới được những khách hàng hiện có và tìm cách để đáp ứng được nhiều hơn nữa các nhu cầu của họ. Bạn nên kiểm tra quá trình hậu mua sắm thật cẩn thận. Điều gì xảy ra sau khi một người nào đó đã mua hàng? Mọi thứ đã được gửi tới đúng chỗ chưa? Những thông tin cần thiết đã được gửi đến hòm thư điện tử hay qua đường bưu điện tới khách hàng của bạn chưa? Nếu bạn bán cả dịch vụ tư vấn, các khách hàng có biết chính xác cách lên lịch theo chương trình của bạn sau khi thực hiện thanh toán không? Bạn càng làm cho tất cả những điều này trở nên dễ dàng càng tốt.
“BẠN CÓ THEO DÕI, GIÁM SÁT HOẶC KIỂM TRA ĐẦY ĐỦ KHÔNG?”
Vấn đề chính của việc kiểm tra là bạn sẽ không biết điều gì sắp diễn ra cho tới khi thực hiện nó. Đó chính là lý do tại sao bạn cần kiểm tra! Một lần tôi đã cài một lời chào bán hàng gia tăng mà theo đó các khách hàng có thể nhận được phiếu quà tặng trị giá 50 đôla nếu mua hàng trị giá 25 đôla. Tôi đã nghĩ đây là một lời chào hàng cực kỳ hấp dẫn, nhưng các khách hàng của tôi đã không nghĩ vậy; nó chỉ được chấp nhận một trong 20 lần (5%). Việc bán hàng gia tăng có thể có tác động tốt hơn thế nhiều, thế nên tôi đã gỡ bỏ lời chào hàng đó.
“NHỮNG CƠ HỘI LỚN BỊ BÕ LỠ NẰM Ở ĐÂU?”
Việc có một cơ hội lớn không có nghĩa bạn nên theo đuổi nó. Tôi từ bỏ nhiều thứ bởi vì chúng không phù hợp với chiến lược tổng thể của tôi. Tuy nhiên, thật tốt để biết mình đang bỏ lỡ điều gì cho dù bạn đang cố ý bỏ lỡ nó. Hãy giữ cho “danh sách các khả năng” của bạn được cập nhật tới mức bạn có thể theo sát khi có nhiều thời gian hơn hoặc nếu bạn cần nhiều tiền hơn.
Ở Murfreesboro, Tennessee, Erica Cosminsky là chuyên viên quản trị nhân sự cho một dây chuyền bào chế dược phẩm và là mẹ của đứa con hai tuổi, Riley. Làm việc nhiều giờ liên tục suốt cả ngày, Erica đã chuyển việc chăm sóc Riley sang cho bố của cậu bé, còn Erica nhận trách nhiệm này vào ngày cuối tuần. Khi Erica bất ngờ bị mất việc, cú sốc dần dần nguôi ngoai – cô đã nghĩ về việc thành lập một công ty dịch vụ nhưng chưa bao giờ có thời gian.
Mục đích của công ty này là cung cấp dịch vụ ghi biên bản quy mô nhỏ, gõ lại nội dung của các hội nghị trao đổi qua điện thoại, phỏng vấn và họp hành cho những doanh nghiệp khác. Ban đầu Erica đã có ý tưởng cung cấp dịch vụ theo thời gian thực, chú ý tới những hội nghị trực tiếp, gõ máy tính như bay và chuyển các nội dung trước cuối ngày. Cô thực sự giỏi trong những công việc kiểu này, nhưng có hai vấn đề: Công việc ở hội nghị trực tiếp thì hiếm và nó cản trở nhu cầu chăm sóc con cái của cô. Erica đã lo lắng về việc cạnh tranh dưới hình thức một dịch vụ ghi biên bản cơ bản vì nhiều công ty khác đã thực hiện vai trò đó. Ghi biên bản trực tiếp không phải là yếu tố khác biệt tốt nhất, nhưng Erica đã tìm ra cách khác: thêm định dạng cơ bản và sự bài trí đẹp mắt cho các biên bản mà cô chuyển giao. Hầu hết các đối thủ đã từ chối thực hiện bất cứ thiết kế nào như vậy, họ chỉ thực hiện đúng công việc của mình là ghi biên bản. Đa phần các khách hàng của Erica là những doanh nhân đơn lẻ hoặc những doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ khác, và không phải ai cũng tiếp cận được với một nhà thiết kế đồ họa hoặc người dàn trang có thể tiếp nhận công việc này sau khi nhận được biên bản. Sự khác biệt đã phát huy tác dụng; trong vòng ba tháng thực hiện công việc này, Erica đã không còn phải cố duy trì công việc và sẵn sàng để mở rộng đội làm việc.
Thế rồi cô đưa ra một quyết định quan trọng khác: không thuê nhân viên mà chỉ thuê các nhà thầu. Nhờ xây dựng đội làm việc trên cơ sở chỉ thuê nhà thầu, cô đã trở nên linh hoạt hơn trong việc tăng hoặc giảm số người ghi biên bản, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường. Điều này thật quan trọng do cách thức hoạt động của nghề này: Từ tháng 11 tới tháng 5 trong một chu kỳ mới đây, cô cần 17 người ghi biên bản để phục vụ cho 180 khách hàng, cộng thêm một trợ lý ảo để theo dõi mọi người. Nhưng vào mùa hè, rất ít doanh nghiệp cần thuê người ghi biên bản, vì vậy nhóm ghi biên bản rút lại còn 4 người. (Tất cả các nhà thầu đều hiểu rằng công việc này có tính chu kỳ và các dự án tương lai không được chắc chắn.)
Những ngày này, Erica quản lý công việc và không phải tự mình ghi bất cứ biên bản thực sự nào. Cô đã tạo ra một cơ cấu linh hoạt cho phép mình đáp ứng được thị trường mà không cảm thấy bị bế tắc hoặc quá tải do phải tự mình làm tất cả mọi việc. Hoạt động kinh doanh đã trải qua thời điểm cam go vào mùa thu năm 2009, khi con gái của Erica bị mắc cúm nặng, đòi hỏi Erica phải dành hầu hết thời gian để chăm sóc con liên tục trong ba tuần. Cô tâm sự rằng lúc đó thật khó giải quyết công việc ở mức độ cá nhân, nhưng may thay đội làm việc đã hỗ trợ cô và hầu hết các khách hàng thậm chí đã không nhận ra là cô vắng mặt. Riley đã bình phục và Erica quay trở lại làm việc, để lại những hóa đơn trả chậm nhưng may mắn là thu nhập thực tế không bị trả chậm. Mô hình về việc xây dựng đội làm việc thông qua các nhà thầu đã hoạt động hiệu quả.
Các chương trình hội viên: Cái tốt, cái xấu và cái tẻ nhạt
Bạn có thể đã quen thuộc với các chương trình hội viên, những chương trình mà theo đó thương nhân kết hợp với đối tác để đưa tới doanh thu và lưu lượng khách lớn hơn, thưởng cho các hội viên bằng một khoản tiền trích lãi. Mặc dù một vài doanh nghiệp khác đã thử nghiệm mô hình này sớm hơn, song Amazon.com đã bắt đầu xu thế xây dựng mối quan hệ đối tác “đồng minh” chủ đạo đầu tiên vào năm 1996, mời chính các khách hàng của mình tham gia như những đối tác chia sẻ lợi nhuận.
Từ sau đó, hầu hết các nhà bán lẻ lớn đều triển khai một số kiểu chương trình hội viên như vậy, và cả các công ty kinh doanh quy mô nhỏ ở tất cả các lĩnh vực cũng thế. Bạn có thể bắt đầu chương trình hội viên của riêng bạn một cách rất dễ dàng (một bản hướng dẫn khởi nghiệp bốn bước có sẵn miễn phí tại 100startup.com), và đây có thể là một cách dễ dàng để nhượng quyền thương mại chính bạn. Hãy làm ngay, và hàng trăm hội viên sẽ háo
hức xếp hàng để quảng bá công việc của bạn. Tuy nhiên, hãy làm tốt hơn, và bạn sẽ tạo ra một mối quan hệ đối tác thực sự, mối quan hệ có thể mang đến cho bạn nguồn thu nhập ổn định qua thời gian cho dù có chuyện gì xảy ra với việc kinh doanh của bạn hoặc nền kinh tế nói chung.
Chương trình hội viên hoạt động như thế này:
Có hai vấn đề lớn với hầu hết các chương trình hội viên. Thứ nhất, các thương nhân thường trả những khoản hoa hồng rất nhỏ, để lại chút ít cho hội viên ban đầu đã giới thiệu họ, và thứ hai, các hội viên thường làm không hơn gì là nhắm mắt nhắm mũi gửi thông tin cho những người mà họ định giới thiệu. Vấn đề lớn tạo ra cơ hội lớn, vì vậy một thương nhân giỏi có thể đưa ra một chương trình tốt hơn bằng cách trả các khoản hoa hồng cao hơn nhiều để bắt đầu nhưng đồng thời cũng mong chờ nhiều hơn từ hội viên. Trong nhiều năm, tôi đã trả một khoản hoa hồng 51% cho các hội viên trong hoạt động kinh doanh của tôi theo nguyên tắc họ nên kiếm được nhiều tiền hơn tôi vì đang quảng bá công việc của tôi. Đồng thời tôi cũng làm cho họ hiểu rõ rằng họ sẽ cần làm nhiều hơn là chỉ nhấp chuột vào một đường liên kết ở một nơi nào đó. Nếu muốn thành công, họ sẽ cần tạo sự kết nối thân thiết hơn giữa những độc giả của họ với công việc của tôi. Họ có thể làm điều đó bằng cách tự sử dụng sản phẩm, viết các bài phê bình và đưa ra một số kiểu thưởng cho những người mà họ giới thiệu. Nếu bạn cơ cấu chương trình hội viên của bạn theo một kiểu tương tự, bạn sẽ thu hút được các đối tác chất lượng hơn.
• • •
Các mối quan hệ đối tác hay thuê ngoài có thể là một cách thức tốt để xây dựng một số hoạt động kinh doanh, nhưng việc phụ thuộc vào một người nào khác không phải lúc nào cũng hiệu quả như dự tính. Hãy cùng xem xét trường hợp một doanh nghiệp quy mô (rất) nhỏ đã không được hưởng lợi được từ việc thuê ngoài.
Sự thăng trầm của Dịch vụ Dọn rác Copley
Spencer và Hannah Copley, 12 và 10 tuổi, sống cùng với cha mẹ trên boong một con tàu y tế ở Tây Phi. Cùng thời điểm, 400 người lớn khác (với một số trẻ em) cũng sống trên con tàu đó, đã mất sáu tháng để đưa các bác sỹ phẫu thuật và đội ngũ nhân viên y tế tới các nước như Sierra Leone và Liberia.
Sống trên một con tàu ở Tây Phi có một số thách thức. Những gì có thể là các mối bận tâm nhỏ nhặt ở nhà đã nhanh chóng trở thành các vấn đề phát sinh thực sự trên một con tàu cũ được đưa tới một đất nước nghèo đói. Liên quan tới câu chuyện của chúng ta, mọi người đều có trách nhiệm vứt rác, nhưng không phải lúc nào cũng là một nhiệm vụ dễ dàng. Một thùng rác lớn được đặt ngay ở đuôi tàu, phải đi bộ một đoạn xa dưới ánh mặt trời nóng bức. Thường thì thùng rác luôn đầy, và mọi người phải giữ lại rác trong những khoang nhỏ bé của họ cho tới khi có thể sử dụng thùng rác trở lại, thỉnh thoảng phải mất mấy ngày sau. Một doanh nhân xuất hiện, Spencer – 12 tuổi đã nảy ra một ý tưởng: Điều gì sẽ xảy ra nếu bắt đầu một dịch vụ thu gom rác? Giá thu gom thật rẻ. Chỉ 1 đôla một tuần, bạn có thể để rác của mình ở hành lang vào các ngày thứ Ba và thứ Sáu, và đội thu gom rác gồm Spencer và Hannah sẽ có trách nhiệm mang chúng vứt ra ngoài thùng rác. Spencer đã làm một áp phích quảng cáo lời chào hàng này và gắn nó trên bảng tin ở quán ăn nhanh.
Lời chào hàng phát huy hiệu quả ngay lập tức: 10 khách hàng đã đăng ký ngay, và vài tuần sau có thêm 15 khách hàng khác.
Có một cơ sở khách hàng chắc chắn, Spencer và Hannal đã đảm bảo để khách hàng thường xuyên nhận được những thông tin cập nhật. Khi thùng rác bị quá tải, các khách hàng sẽ nhận được một thông báo: “Chúng tôi lấy làm tiếc thông báo với quý vị rằng Dịch vụ Rọn rác Copley sẽ không thu rác vào thứ Sáu này. Chúng tôi sẽ thực hiện việc thu gom thay thế vào Chủ nhật. Chúc quý vị một ngày tuyệt vời!” Một lần khác, một túi rác thủng đã gây ra khó khăn cho Hannah 10 tuổi, vì vậy thông báo cho khách hàng được đưa ra với tiêu đề “Những điều quan trọng cần biết về rác thải của bạn”[2].
[2] Tôi từng là một khách hàng của Dịch vụ Dọn rác Copley, và một tuần tôi đã xao nhãng thanh toán tiền phí của mình. Một thông báo lịch sự đã được đính ở cửa phòng tôi: “Có phải quý vị đã quên một điều gì đó?” Tôi thấy rất xấu hổ và đã thanh toán thêm cả khoản 50 xu tiền phí nộp muộn.
Spencer và Hannal đã tạo được thu nhập ổn định 25 đôla một tuần, một khoản thù lao đáng kể trước tuổi 13 và khoản thù lao này đã được sử dụng theo ba cách: 10% được trích ra như một khoản tiền từ thiện đóng cho một trại trẻ mồ côi mà Spencer và Hannal vẫn tới thăm vào những ngày cuối tuần, 40% được giữ lại như một quỹ tiết kiệm bỏ ống khi cả hai quay trở về nhà ở bang Washington.
50% còn lại được dành cho những mua sắm tùy ý, thường là các video trò chơi được bán ở thị trường thứ cấp địa phương và các thanh kẹo Snickers ở quán ăn nhanh.
Hoạt động kinh doanh này gặp phải một chướng ngại khi Spencer và Hannah, cùng với cha mẹ các em, quay về nhà ở bang Wasihington trong một kỳ nghỉ phép ba tháng. Hai em đã không muốn để mất cơ sở khách hàng của mình trong lúc vắng mặt, vì vậy cả hai đã quyết định chuyển công việc đó sang cho hai đứa trẻ khác cũng đang sống trên tàu. Tiếc thay, ban quản lý mới không mẫn cán với công việc như Spencer và Hannah. Dịch vụ trở nên không liên tục: Một số ngày rác không được thu gom hết mà không có một thông báo hoặc lời giải thích nào. Nhiều khách hàng đã quyết định không tham gia đăng ký hàng tuần và chuyển sang tự đổ rác. Với những khách hàng còn lại, việc thu hóa đơn và doanh thu cũng bị suy giảm do những sơ suất về quản lý. Không có một nhà quản lý tích cực như Spencer và không có một Thỏa thuận Quan hệ đối tác một trang, hoạt động kinh doanh đó đã trở nên tồi tệ vô cùng khi những người sáng lập ra nó vắng mặt.
• • •
Ai nói bạn chỉ là một người? Bạn có thể thuê một đội quân trợ lý ảo để thực hiện việc bỏ thầu của mình. Bạn có thể thận trọng theo đuổi những mối quan hệ đối tác với mục đích có 1 + 1 = 3 hoặc nhiều hơn nữa. Bạn có thể phát triển hoạt động kinh doanh bằng cách có được nhiều khách hàng tiềm năng hơn với cùng một thông điệp, hoặc giống như Nathalie Lussier (với Raw Foods Witch), bạn có thể vươn tới cả một đám đông khác trong khi vẫn duy trì được công việc kinh doanh đang hoạt động của mình.
Chỉ cần đừng mở một cửa hàng bánh với tên của một người khác trên bảng hiệu đã là một cách tốt hơn để nhượng quyền thương mại bản thân bạn.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
• Nhờ thúc đẩy các kỹ năng và các mối liên hệ, bạn có thể xuất hiện ở nhiều hơn một nơi vào cùng một thời điểm. Các chiến lược để làm được điều này bao gồm thuê ngoài, chiêu mộ hội viên và các mối quan hệ đối tác.
• Hãy sử dụng mô hình kết nối từ trung tâm tới chi nhánh cho việc duy trì một trụ sở trực tuyến trong khi đang sử dụng những điểm bên ngoài khác để đa dạng hóa bản thân bạn.
• Khi nói tới thuê ngoài, hãy quyết định xem điều gì là tốt nhất cho bản thân bạn. Quyết định này sẽ phụ thuộc vào hai điều: kiểu hoạt động kinh doanh bạn đang xây dựng và tính cách của bạn.
• Các mối quan hệ đối tác được chọn lựa cẩn thận có thể thành đòn bẩy; chỉ cần bảo đảm đó là những gì bạn muốn thực hiện. Hãy sử dụng Thỏa thuận Quan hệ đối tác một trang cho những thỏa thuận đơn giản.