-Ông đừng giận. Hãy cầm tạm năm mươi xu này rồi sáng mai lại đến. Nếu như chúng tôi được lời nhiều về ông kia thì chúng tôi sẽ trả thêm ông tiền công dẫn khách.
Sau khi đóng cửa ấy, gã Di-gan như thản nhiên đến mở cái cửa trên có ngôi sao bằng gương bên cạnh tôi rồi nói:
- Xin mời quý khách vào nghe chúng tôi hát. Sẽ còn có nhiều giọng hay nữa.
Nói xong, gã mở toang cửa ra... Thưa các ông, lúc ấy không hiểu do một tiếng nói gì rất thân thuộc khích lệ mà tôi đưa chân không hay biết gì nữa. Lát sau tôi đã thấy mình ở giữa nhà. Gian phòng rộng rãi nhưng thấp, trần võng xuống. Mọi thứ ở đây đều xám xịt đen đủi và bao phủ một làn khói thuốc lá dày đặc, đến nỗi ngọn đèn trên trần cũng chỉ tỏa sáng mờ mờ. Bên dưới trong làn sương mờ đặc sệt ấy có rất nhiều người... và một đứa con gái Di-gan đang hát bằng cái giọng mà lúc nãy tôi đã nghe thấy. Lúc tôi bước vào, cô gái đang hát câu cuối cùng ngọt ngào, tha thiết và sau đấy giọng hát nhỏ dần rồi tan biến đi đâu mất... Cả gian phòng đều như chết lặng đi cùng với giọng hát của cô ta... Nhưng chỉ lát sau, tất cả mọi người như vùng dậy và tiếng vỗ tay vang lên như sấm. Đồng thời họ hét lên ầm ĩ. Bản thân tôi vẫn còn đang ngơ ngác: sao lắm người thế và sao khói cứ mỗi lúc tuôn ra dầy đặc thêm? Phải chăng đây chỉ là một ảo ảnh? Nhưng rồi tôi lại bắt gặp một vài nét mặt quen thuộc, những sĩ quan, những chủ trại nuôi ngựa, những thương gia giàu có và những vị quý tộc say mê ngựa. Và một cô gái Di-gan đang bước chân giữa những khách khứa ấy... Thật khó tả cô ta, bởi vì cô không có vẻ một con người, mà giống như một con rắn có mầu da sặc sỡ đang uốn lượn, đầu vươn lên cao, chỉ có cái đuôi chạm dưới đất, hai mắt đen láy đang bắn ra những tia lửa. Đúng là một con người kỳ dị. Cô ta bưng một chiếc khay để rất nhiều cốc sâm-banh bên rìa, còn ở giữa là một đống tiền. Không phải tiền thường mà là tiền vàng và đủ loại tiền giấy: mười rúp mầu xanh, năm rúp mầu tro, hai mươi lăm rúp mầu đỏ, chỉ còn thiếu có tờ một trăm rúp mầu trắng vẽ con thiên nga nữa thôi. Cô gái Di-gan bưng đến trước mặt ai, thì người ấy đỡ lấy cốc rượu uống một hơi cạn, trả cốc rượu lại lên khay, rồi tuỳ mức độ cuồng nhiệt quăng lên đấy hoặc tiền vàng hoặc tiền giấy. Cô gái hôn lên môi khách rồi cúi đầu tỏ vẻ cảm ơn. Cô gái đã mời khắp lượt dãy thứ nhất, bắt đầu sang dãy thứ hai, bởi vì khách ngồi theo lối vòng cung. Rồi hết dãy thứ hai cô ta định quay trở lại dãy thứ nhất, không hề mời tôi bởi vì tôi đứng cuối cùng ở phía sau. Nhưng lão Di-gan già đi sau cô ta bỗng hét lên:
- Gru-sơ-ca! - rồi đưa mắt về phía tôi. Cô gái Di-gan rướn cặp lông mày về phía lão già... Chao ôi, hàng lông mi của cô gái mới dài làm sao và đen nhánh, như thể bản thân chúng cũng có cuộc sống riêng, giống như những con chim nào đó đang vẫy cánh. Tôi thấy rõ khi nghe lão già ra lệnh, cô gái bực tức. Có lẽ cô không bao giờ bị ai sai phái điều gì, nhưng rồi cô vẫn thi hành mệnh lệnh. Cô lách đến gần tôi ở dãy cuối cùng và nói:
- Xin mời quý khách hãy cạn chén chúc sức khoẻ cho em!
Tôi không đáp được một đời nào. Cô ta đã khiến tôi biến thành pho tượng. Cô ta bưng cái khay, vừa mới đứng lại trước mặt tôi khẽ nghiêng người, và tôi nhìn thấy giữa hai mái tóc đen nhánh, một đường ngôi trắng như bạc chạy xuống dưới gáy. Tôi bỗng sững người lại và óc tôi như mụ đi, tôi không còn nghĩ được gì nữa. Tôi nhấc cốc rượu, và trong khi uống, tôi nhìn qua chiếc cốc vào khuôn mặt của cô gái Di-gan. Không còn biết da cô trắng hay đen nữa. Đồng thời tôi nhận thấy bên trong lớp da mỏng, giống như bên dưới lớp vỏ quả mận chín khi soi lên nàng, một mầu đỏ ửng và mạch máu trên thái dương mịn màng của cô khẽ đập... “Chà! - Tôi thầm nghĩ. – Đây mới đích thực là sắc đẹp, là sự hoàn mỹ của Tạo hoá. Thằng cha thôi miên đã nói đúng. Không thể so thứ này với vẻ đẹp của loài ngựa và thứ súc vật dùng để mua bán".
Tôi đã uống cạn và đặt cốc xuống khay, nhưng cô gái vẫn đứng nguyên đây, chờ xem tôi ban cho cô cái gì để cô có lý do hôn tôi. Tôi vội vã thọc tay vào túi nhưng trong túi tôi chỉ có những đồng hai hào, năm hào, nói chung là ít tiền lẻ để tiêu vặt. Ít quá, tôi nghĩ. Những đồng tiền hào ấy không xứng đáng với một cô gái đẹp như thế kia. Và tôi cũng xấu hổ với những người có mặt nữa. Thế rối các ông ạ, tôi nghe thấy tiếng ai nói với lão già Di-gan, giọng nói cũng khá to:
- Bác Va-xi-li, sao bác lại bắt cô Gru-sơ-ca tiếp rượu thằng cha quê mùa ấy. Bác khinh thường chúng tôi quá đấy.
Và lão già đáp:
- Thưa các ngài, chúng tôi trân trọng tất cả mọi vị khách vào đây và con gái tôi đã biết tục lệ của cha ông. Chuyện này không có gì đáng cho các ngài phải phiền lòng, bởi vì các ngài vẫn chưa biết được một người dân thường nhiều khi cũng biết đánh giá rất cao sắc đẹp và tài năng. Chúng tôi cũng như các ngài từng chứng kiến những trường hợp như thế.
Trong khi nghe những lời ấy, tôi thầm nghĩ.
“Quân khốn nạn! Các mi tưởng cứ giầu tiền là tâm hồn tinh tế đấy hẳn? Các mi tưởng các mi biết thưởng thức hơn ta ư? Món nợ ta sẽ trả ngài sĩ quan hoàng thân chủ của ta sau. Nhưng lúc này ta sẽ không chịu để các mi khinh thường ta vì thấy ta bủn xỉn và đánh giá thấp một sắc đẹp kỳ diệu như vậy".
Thế là tôi thọc bàn tay vào dưới lần áo sơ mi, lôi ra một tờ trắng vẽ hình thiên nga một trăm rúp, ném lên khay. Cô gái Di-gan chuyển chiếc khay sang một tay rồi tay kia lau sạch cặp môi bằng một chiếc khăn trắng như tuyết, áp lên môi tôi một cái hôn có sức tác động khủng khiếp như một giọt thuốc độc. Sau đấy cô đi ra.
Tôi vẫn còn đứng ở chỗ ấy nếu như lão già cha cô gái và một gã Di-gan khác không xốc nách tôi, dẫn lên đặt tôi ngồi vào hàng ghế trên cùng, bên cạnh ngài quận trưởng cảnh sát và những ngài quý tộc oai vệ khác.
Phải thú thật rằng tôi không thích gì ngồi đấy. Lúc này tôi rất muốn ra khỏi đây, nhưng đám Di-gan níu tôi lại, chúng cuống quít gọi cô gái:
- Gru-sơ-ca! Ra tiếp vị khách quý của chúng ta đi.
Nàng tiến lên và... Chao ơi, nếu như các ông được nhìn thấy cặp mắt. Chỉ cần chúng nhìn ông nào là ông ấy phát điên ngay lập tức.
- Chàng hãy ngồi vào chỗ này, - nàng nói. – Nếu như chàng không muốn làm phật lòng chúng em.
- Làm cô phật lòng ư? Không đời nào tôi lại thế. Tôi xin ngồi xuống ngay.
Cô gái lại hôn lên môi tôi lần nữa, và lần này tôi cũng lại cảm giác thấy đúng như lần trước: một giọt thuốc độc đã ngấm vào tận trái tim tôi.
Sau đấy cuộc vui tiếp tục, lại hát lại nhẩy, và một cô gái Di-gan khác bưng khay đến, lần lượt mời tất cả mọi người. Cô gái này cũng đẹp, nhưng không thể sánh được với Gru-sơ-ca. Thất vọng, tôi quăng một nắm tiền lẻ lên khay. Các vị khách cười khẩy, nhưng tôi bất chấp: mắt tôi chỉ chăm chú vào Gru-sơ-ca. Tôi đợi nghe nàng hát đơn ca nhưng không đạt mong ước! Nàng ngồi trong đám nghệ sĩ Di-gan và hát cùng với cả dàn đồng ca. Tôi chỉ nhìn thấy cái miệng xinh xắn với hai hàm răng trắng muốt mà không nghe thấy gì hết... thật không may! - Tôi tự nhủ. - Mình đến đây có một lúc, mất một trăm rúp mà lại chẳng được nghe nàng hát!". May thay không phải chỉ riêng tôi muốn nghe nàng hát đơn ca. Các vị khách khác, toàn tai to mặt lớn cả, cũng đồng thanh gào lên, lúc một bài ca vừa chấm dứt.
- Gru-sơ-ca! Gru-sơ-ca! "Con thuyền”! "Con thuyền"!
Đám Di-gan hắng giọng. Em trai của Gru-sơ-ca cầm lấy đàn ghi-ta và nàng bắt đầu hát. Các ông biết không... tiếng hát của nàng bao giờ cũng xúc động và làm chúng ta phải mủi lòng. Nhưng vì đã được nghe nàng hát lúc nãy, khi đứng ngoài cửa, nên lúc này nghe nàng hát lần nữa, tôi thấy tim mình như đứng lại. Không thể tả tôi sung sướng đến mức nào Lời hát ở đoạn đầu hơi thô và hơi cứng, đại loại như thế này: “Biển gào thét! Biển rên rỉ”. Nghe mà thấy như trước mắt mặt biển chao đảo, xô đẩy con thuyền. Rồi giọng hát chuyển dần, nói về một vì sao: “lấp lánh, thanh thản và tinh khiết, ngươi khiến lòng ta quên đi những khổ đau nơi trái đất". Rồi bài hát vút lên một cách bất ngờ. Đấy là kiểu hát của dân Di-gan: than khóc làm mủi lòng người nghe nhưng rồi đột nhiên chuyển tình cảm, như thể gây lại cho ta nỗi phấn chấn... Đến khi Gru-sơ-ca đã đẩy mặt biển và “con thuyền” lên cao, đám đồng ca bắt theo luôn:
Gia-la-la. Gia-la-la
Gia-la-la. Prin-ga-la
Gia-la-la. Prin-ga-la
Hai-đa sê-pu-rin-ga-li-a
Hây-hôp-hat, ta-ga-ra!
Hây-hôp-hat, ta-ga-ra!
Rồi Gru-sơ-ca lại bưng khay mời rượu, và tôi lại rút một tờ trắng vẽ thiên nga nữa... Mọi người ngoái cả lại nhìn, tức giận thấy tôi chơi trội hơn họ: nhất là khi phải cho tiền sau tôi họ rất hổ thẹn. Nhưng tôi thì không tiếc gì hết. Tôi có quyền biểu lộ tình cảm của tôi, tâm hồn của tôi và tôi đang làm công việc ấy. Mỗi bài hát của Gru-sơ-ca tôi lại thưởng một tờ trắng thiên nga. Tôi quăng tiền ra không tính toán gì hết. Mỗi khi người khác đề nghị Gru-sơ-ca, nàng từ chối: “Em mệt rồi". Riêng tôi, tôi chỉ cần ra hiệu cho lão Di-gan già là nàng lại hát tiếp luôn. Những bài hát tiếp nối nhau, mỗi bài một tha thiết hơn, và những tờ trăm rúp in hình con thiên nga cứ bay tới tấp lên chiếc khay. Cuối cùng, lúc trời bên ngoài đã rạng, tôi không biết cụ thể là mấy giờ, cô gái có vẻ mệt thực sự và nàng hát: “Hăy đi đi, hãy quay lưng lại, đôi mắt em không muốn nhìn thấy chàng nữa”. Và nàng đưa mắt liếc nhìn tôi với hàm ý. Lời bài hát thì như muốn đuổi tôi, nhưng cái nhìn thì lại nhu muốn hỏi: "Chàng có muốn tận hưởng trái tim thô thiển của em không và có muốn chịu toàn bộ mãnh lực của sắc đẹp em...". Tôi quăng thêm một tờ một trăm rúp nữa! Nàng lại hôn lên môi tôi, cái hôn như cắn và tôi thấy trong ánh mắt nàng một vẻ u buồn. Đúng vào cái giây phút đáng nguyền rủa ấy, dàn đồng ca gào lên:
Em thân yêu, thấy chăng!
Anh yêu em chừng nào!
Khách cũng hát theo, mắt nhìn Gru-sơ-ca. Tôi cũng nhìn nàng và gào lên: "Em thân yêu, thấy chăng!” Sau đấy đám Di-gan hô to: “Nhà hãy trôi đi, bếp hãy trôi đi, để chủ nhà không còn nơi nào ngả lưng" và thế là tất cả mọi người đứng dậy nhảy múa... Nam Di-gan cũng nhẩy, nữ Di-gan cũng nhẩy. cả các vị quý khách cũng nhẩy. Mọi người đều quay cuồng, quấn quýt với nhau như thể cái nhà không còn đứng yên một chỗ nữa thật. Đám con gái Di-gan chạy, các vị khách sang trọng đuổi theo chúng, rồi lại những thanh niên Di-gan vừa huýt sáo, những ông già Di-gan vừa reo hò cũng lại đuổi theo. Tôi để ý nhìn thấy không còn ai đứng nguyên chỗ cũ. Cả những vị khách to béo, nặng nề, tôi không thể ngờ có bao giờ họ lại chơi cái trò trẻ con ấy, cũng đứng dậy. Có ông do trịnh trọng quen, thấy cái trò này không được lịch sự, lúc đầu còn ngồi chắc vì vẫn ngượng, chỉ đưa mắt nhìn theo mọi người, hàng ria mép giật giật, dần dần vai cũng lắc lư, chân giậm theo nhịp, cuối cùng cũng đứng dậy đi theo, mặc dù không biết nhẩy. Ngài quận trưởng cảnh sát béo tròn như cái bao tải có hai cô con gái đều lấy chồng cũng cùng với hai cậu con rể chạy đến đứt hơi, thở hổn hển như con hải cẩu. Rồi một ông đại uý kỵ binh giầu có, dáng người vạm vỡ nhảy như điên, vượt qua họ. Hai tay chống háng, ông ta dậm chân xuống sàn theo nhịp, vây vo với mọi người. Khi gặp Gru-sơ-ca ông ta khoát rộng cánh tay, ném chiếc mũ xuống dưới chân nàng và gào to: “Cô em xinh đẹp hãy dẫm lên cái mũ ấy đi!” và nàng... Nàng nhẩy mới đẹp làm sao. Tôi dã được xem những vũ nữ nhảy múa ở rạp hát, nhưng họ giống như những con ngựa tầm thường của sĩ quan, chỉ đưa đẩy như diễu hành trước khán đài trong cuộc duyệt binh, không hề có rung cảm gì hết. Trong khi cô gái Di-gan này lướt chân nhẹ nhàng, duyên dáng, sang trọng như bà hoàng, vậy mà ta vẫn cảm thấy nghe được cả tiếng khớp xương chuyển động và tuỷ đang chảy trong cột sống của nàng. Đang nhảy bỗng nàng đứng dừng lại, cong người, uốn ngửa phía sau đến mức hàng lông mày chạm gót chân... Tuyệt diệu! Xem nàng nhảy múa, không ai không mê mẩn: tất cả đều lao đến gần nàng xúc động, mắt ai cũng đầm đìa. Một số người khác thì tươi lên trong nụ cười và thét lên:
"Nhẩy nữa đi, chúng tôi sẽ không tiếc gì hết!”
Và thế là lại tiền vàng, tiền giấy bay xuống dưới chân cô gái như mưa. Khắp gian phòng quay cuồng, mỗi lúc một nhộn nhạo hơn, riêng tôi vẫn ngồi yên, nhưng tôi bồn chồn, và tôi không biết có chịu đựng được lâu nữa không, bởi vì tôi không thể nhìn nàng dẫm chân lên chiếc mũ của đại uý kỵ binh... Trong khi nàng đặt bàn chân lên, máu tôi như sôi lên. Cuối cùng tôi nghĩ bụng: "Tại sao mình lại tự hành hạ mình thế này nhỉ? Mình cũng cứ thoải mái như mọi người đã sao?" Thế là tôi đứng phắt dậy, gạt ông đại uý ra, đứng trước mặt Gru-sơ-ca rồi khuỵu chân xuống nhẩy điệu dẫm chân... Và để nàng không đặt bàn chân lên chiếc mũ của viên đại uý nữa, tôi nghĩ ra một kế, các người bảo không tiếc gì. thì tôi cũng sẽ tỏ cho các người biết tôi không tiếc gì hết. Vừa nhẩy tôi vừa thọc tay vào trong áo sơ-mi, rút ra một tờ thiên nga, quăng xuống dưới chân nàng, hét: "Cô hãy dẫm lên con thiên nga kia đi!". Nàng lại không để ý thấy con thiên nga đắt tiền hơn chiếc mũ của ngài đại uý, vẫn nhìn theo viên đại uý. May thay lão già Di-gan nhìn thấy giậm chân ra hiệu cho con gái... Nàng hiểu và nhẩy theo tôi... nàng tiến lên nhưng cặp mắt nhìn xuống như phóng lửa xuống đất. Còn tôi vẫn nhẩy trước mặt nàng như điên, và mỗi lần chuyển động tác tôi lại quăng một tờ trăm rúp xuống chân nàng. Tôi mê nàng đến nỗi thầm nghĩ: "Phải chăng em là vị thánh đã sáng tạo nên cả thiên đường lẫn trần gian?". Nhưng tôi gào lên một cách trắng trợn; “Nhẩy tiếp nữa đi!" rồi lại quăng những tờ một trăm rúp xuống sàn. Lúc thọc tay vào trong lần áo sơ-mi, tôi chợt nhận thấy chỉ còn chừng một chục tờ... "Chà! Cho chúng bay đi theo quỷ ma hết!". Thế là tôi lôi cả ra, vò thành một nắm, quẳng xuống dưới chân cô gái đẹp, rồi cầm lấy chai sâm-banh trên bàn, đập vỡ cổ chai gào to:
- Cẩn thận cô em, khéo ướt đấy! - Rồi tôi tu một hơi hết cả chai rượu, bởi vì nhẩy từ nãy đến giờ khiến tôi khát ghê gớm.