Kẻ Cướp Bến Bỏi

Chương V

Docsach24.com

goài vườn chùa Xiển, thửa ruộng hậu làm màu cuối tháng ba đương vào vụ cà. Những luống cà bát được vun gốc, lên xanh mơn mởn, chỉ tháng sau đã ra hoa. Cái rét năm nay hết muộn, năm ngoái nhuận tháng tám bây giờ đã chớm sang tháng hạ mà có hôm còn rơi rớt gió bấc, mưa dây mưa dợ mờ mờ bóng cây gạo cổ thụ ngoài kia. Thế mà nụ gạo đã chi chít sớm. Nay mai, hoa cà tím ngát dưới ruộng, hoa gạo đỏ khé ngã ba đường, hàng đàn sáo đá, bồ các lại về ríu ran suốt ngày.

Chú tiểu Từ Tâm thoăn thoắt xới đất, vun gốc cà. Một chốc dừng tay, chống cán cuốc bướm, nhìn ra lúi húi. Không phải trẻ trâu, có lẽ người đi đường vào nghỉ chân. Nhưng ngã ba đường tận ngoài chân tre, tạt vào xa thế. Cũng chẳng phải khách chùa, hôm nay chưa đến rằm. Nghĩ đoán thế, rồi lại cúi xuống, nhấc cái bướm, mải miết làm. Nhưng lâu lâu ngước mắt ra, vẫn thấy người ngồi đấy. Một lúc, khi đứng lên, mới trông rõ ra một cụ già râu tóc bạc trắng, hai bên nách chống hai chiếc nạng tre, nhích từng bước khó nhọc, ông cụ đi vào chùa.

Từ Tâm ghếch cái cuốc bướm lên luống cà, bước ra xem ai. Tới trước mặt, ông lão thẳng người lên, run run tay nạng, gọi:

- Ôi, con.

- Bố! Bố về chùa!

Rồi Từ Tâm bước lại, ôm hai vai ông lão. Ông lão vẫn xúc động, cả cái nạng cũng loạng choạng. Từ Tâm cúi xuống, xốc ông lão lên lưng. Từ Tâm cõng ông lão vào chùa. Vừa đi, vừa khóc thút thít.

- Sao lại nên nông nỗi này? Bố chẳng nhắn người gọi con.

Ông lão nép mặt vào vai chú tiểu, không nói. Mấy gian chùa vắng lặng. Cái trái nhà hậu đã đổ, những chiếc cột tre được bó lại, để làm củi. Nền đất chỗ ấy trổng cây mộc. Chỉ có mùi hoa mộc thơm ngan ngát nhưng cũng chỉ làm bớt cái hiu quạnh nhà chùa.

Ông lão hỏi:

- Sư ông con đâu?

- Thầy con về đã bốn năm nay rồi.

- Bây giờ chỉ có mình con?

- Vâng.

Ông lão rơm rớm nước mắt. Trước kia, bác cả Bỏi hay nói như mắng: “Vãi nước mắt ra thì còn làm được trò trống gì!” nhưng mà rồi những năm về sau này không giữ được nước mắt nữa. Tuổi tác và bao nhiêu thương đau chổng chất, con người như sập xuống, giống hai cái bàn chân chỉ còn thõng ra thế, có khi tự dưng nước mắt cũng ứa ra.

Ông lão ngước nhìn quanh, nói như nhắc lại:

- Thế là còn có một mình con.

Ngôi chùa, mái tranh, tường đất, hoang tàn. Ông hộ pháp văn đã đổ, chỉ còn cái bệ đất, trên đặt bát bình hương, vẫn được quét tước sạch sẽ, khách đến lễ thì cắm hương, khách có tâm, làng xóm bốn bên quanh chùa tuy nghèo khó, nhưng những ngày có việc thì đèn nhang cũng bày ra đầy đủ. Vậy mà công của không bao nhiêu, đành chịu chùa làng tiêu điều, ông hộ pháp võ bên kia, thanh long đao cũng gãy tụt cả cái chuôi cắp. Ban ngày mà những đàn dơi bay ra bay vào hốc cột như mắc cửi. Bệ thờ Đức Ông thường thì quanh năm được đèn hương nay đã tàn lạnh cả. Cũng là trên đất Kẻ Chợ, ngoài kia dập dìu bề bộn sang hèn, có mấy bước vào trong này mà nhà chùa bần bách tang thương quá.

- Bấy lâu bố ở đâu?

- Bố ở vạn ngoài sông Cái.

- Chân bố đau thế, sao kiếm được ăn...

- Bà con hàng vạn đỡ đần chu tất lắm, chẳng thiếu đâu, bố ở đến hết đời vẫn no đủ, nhưng mà ngày đêm chỉ nhúc nhích trên cái nan, cái thúng bơi quanh quẩn buồn quá.

- Bố về ở với con.

- Bố cũng định về bàn với con xem thế nào. Bây giờ chỉ còn có hai bố con. Cái hôm con thoát được trong làng ra...

Nói đến đấy, ông lão lại nghẹn ngào. Hai người ngồi im một lúc lâu. Như cùng nhớ lại buổi sáng đỏ máu ấy. Từ Tâm chẳng biết gì. Từ Tâm chỉ mang máng không rõ bố mẹ đã chết chém hay chết cháy. Cho đến lúc bố Cõi dắt đi. Đã nhiều ngẫm nghĩ, càng lớn càng nung nấu nhưng chưa bao giờ hỏi ai cho biết được câu chuyện thương tâm đến thế nào. Bố Cõi thì biền biệt. Từ Tâm không nhớ cả tên họ, không biết mình có tên hay không, về chùa, đến năm được xuống tóc, thầy đặt tên nhà chùa cho. Thầy Thiện Tâm chỉ biết việc chùa. Thầy kể thầy đã được ở chùa và đã xuống tóc từ khi còn bé hơn Từ Tâm. Cũng có khi hỏi, thầy chỉ nói: “Xưa thế nào, thầy nhãng hết chuyện ngoài thế gian rồi con ạ”.

Đêm hôm ấy, bữa cơm ngô với chuối bung nghệ rồi hai bố con ngồi mãi. Trời se lạnh, ngoài kia lại mưa, mưa dầm thành giọt, chốc chốc những giọt mưa rơi xuống bập bùng lưng tàu lá chuối. Buồn rứt ruột.

- Lần trước về, chân bố còn vững như mọi người ta.

- Cái già, mỗi năm mỗi tuổi, chẳng thể biết!

Đĩa dầu bấc hiu hiu, lúc chợt sáng, lúc nhòa đi. Từ Tâm ngồi xếp bằng như niệm Phật. Ông già nằm ghếch đầu lên cái gối gỗ. Chừng như đã khuya, nhà ai ở phường ngoài Giám, tiếng gà đã eo óc gáy mỗi lúc một sôi dần lên.

Từ Tâm nhìn bố:

- Bố ơi, con hỏi bố câu này.

- Câu gì thế?

- Con định hỏi bố từ lâu.

- Con cứ hỏi.

- Lạy bố, bố có phải là quan huấn Cao?

Ông già ngồi dậy, chằm chằm ngó Từ Tâm, rồi nói:

- Bố không phải là quan huấn Cao. Bố là học trò quan huấn.

Rồi bố Cõi quay mặt, chắp tay lạy vào vách hai lạy cung kính, như chuyển lên thầy cái lạy chào của người trẻ tuổi biết trọng thầy.

Ông già và nhà sư còn rủ rỉ chuyện có đến sáng bạch. Cha mẹ sinh ra ta, thầy cho ta được chữ. Ông lão Cõi chẳng có nổi mấy hạt chữ. Đã mồ Cõi, nhà lại khó quá. Mài mực, viết phóng, nhai chữ ê a, khi người trưởng tràng bảo nhận mặt chữ, trông thấy thầy cầm cái roi mây lại nhấc cái bút son, đã run. Nhưng mà nhớ không thể quên, nhớ thầy nhớ anh em đồng môn ngày ngày nằm, ngồi xúm xít quanh thầy. Những chuyện đồng môn nghe kể như cổ tích đã bao đời. Ngày mùa, đến nhà thầy cày bừa, tát nước, làm cỏ, gặt hái, góp giỗ chạp, tết nhất. Nhỡ mà thầy mất, đồng môn đi lại, trông nom lo liệu việc nhà thầy, thầy đã khuất, còn cô, thì đồng môn như con cái trong nhà.

Chẳng được chữ nghĩa là bao, nhưng cứ nhất nhất nghe anh cả trưởng tràng. Người trưởng tràng cũng ví như con trưởng nhà thầy mà thầy đã cắt đặt ra mỗi khóa, mỗi nơi thầy ngồi bảo học. Người trưởng tràng được sự phó thác và cái hãnh diện hồ dễ ai đã được. Thầy ngồi đọc sách tựa tráp trên phản, trưởng tràng lo buổi học. Cũng là người đi học, nhưng lại là người thay thầy bảo ban, thưởng phạt. Dẫu cho mỗi người thay một phận, có không được học thầy nữa, mà người trưởng tràng vẫn trưởng tràng cả đời.

Những chuyện xưa một ngày nên nghĩa ấy đã nhập tâm vào môn sinh bài học chữ hiếu. Đạo thờ thầy, phàm đã là người biết ngậm cái bút lông thì ai cũng thuộc làm lòng từ lúc mới được đến cho thầy khai tâm. Như Cõi, như Trắt cũng chỉ ăn mày thầy được đôi ba chữ thế mà theo thầy, chỉ biết có thầy. Đã cắp sách đến, trên đầu chỉ biết có thầy.

Cái năm thầy về giáo thụ trên phủ Quốc rồi mưu dấy binh cùng các nhà lang cun Đinh Công Mỹ, lang đá Bạch Công Chân, đất Mỹ Lương thầy cho người về gọi quân thì Cõi, thì bao nhiêu đồng môn nữa đã gác cày cuốc. Cõi bỏ gánh dầu, đồ lề thợ mộc, đóng cối, khăn gói cơm đùm cơm nắm lên theo thầy. Bây giờ nhớ lại mấy năm xông pha vào sống ra chết, kể đã hiên ngang chọc trời, khuấy nước một phương. Lắm gian nan, nhưng cũng nhiều khi đã nắm trong tay được thiên hạ. Cái lần đưa quân về đánh chiếm phủ Thanh Oan, phủ Ứng Hòa, án ngữ một dải đồng chiêm bọc quanh cả Kẻ Chợ vào đến chân dãy núi chùa Hương trong phủ Mỹ Đức. Đến khi chẳng dè đại quân ra Đồng Dương ngoài Thanh Oai bị thất trận, bèn vượt núi tạt sang Quế Quyển bên Hà Nam định theo sông Châu vào đồng bằng phủ Lý Nhân, nhưng cũng không qua được. Lại trỏ lên phủ Quốc, thì lần này chiếm được phủ lỵ. Người Kinh, người Mường, người Mán từ trong Mỹ Lương ra Ba Trại quanh xuống đến các vùng ngoài chốt Nghệ dưới Sơn Tây, làng làng mổ trâu làm tiệc linh đình mừng quân tướng. Thừa thắng, luồn sang Tam Đảo, đánh xuống đốt thành Tam Dương ra đống tro tàn. Đương giữa tưng bừng đến khi trở lại, thì Quốc Oai đã bị quân quan Tổng đốc trên Lâm Thao tràn ngập xuống rồi. Thầy cho rút quân vào thủ hiểm trong Mỹ Lương, vùng rừng núi cát cứ của nhà lang Bạch Công Chân. Định chỉnh đốn, nghỉ ngơi ít lâu ở nơi sơn cước khuất nẻo cho nên Cõi đã được về làng lo việc nhà vào dịp ấy. Thế nào mà quan triều đình đã mạo hiểm vào tận Kệ Sơn. Thầy ta ngộ nạn giữa trận ở đấy.

Cái hôm năm mươi ngày thầy, người trưởng tràng đứng ô hô thầy rồi lạy phục xuống, tất cả môn sinh và khóa trưởng ấy cùng ôm tay lên miệng, ô hô, ô hô khóc dòng. Có rửa được thù này mới là báo đáp được công ơn thầy. Từ ấy tới giờ, người trưởng tràng đi đâu. Những trưởng tràng của thầy ở các nơi đâu rồi. Vì thầy, ai còn ai đã chết, ai đã bỏ mình thảm thương như Trắt, ai giữ được tấm lòng như xưa, ai đã muối mặt đành tâm quên cả, ai phải chịu đau đớn như Cõi. Bao giờ đồng môn lại tụ hội ngày giỗ thầy, bác trưởng tràng khấn thầy được an giấc dưới suối vàng hay chúng con phải tạ tội với thầy. Nào những ai còn, ai mất?

Đêm ấy, bác Cõi kể đầu cuối ngọn ngành với cậu bé làng sủi sống sót.

Vừa sáng, sư Từ Tâm cầm cái cuốc bước ra vun gốc luống cà, nhưng vẫn hôi hổi trong đầu những câu chuyện của bố Cõi. Có lúc nhà sư buông cuốc, cúi mặt, nghĩ đến bàn tay chai khẳng khiu như cái que khô của bố Cõi, mà thấy thật bồi hồi.

Cả ngày, sư Từ Tâm mải miết ngoài ruộng cà. Trời đã có khi mưa cơn mưa trận, phải vun vội cho đất kịp mát. Nụ cà đã chúm chím tím mờ từng dải. Đôi chốc, chống cái cuốc bướm thẫn thờ nhìn vào gian bên chùa chỗ cánh liếp thủng lỗ, mở hé. Bố Cõi ngồi trong ấy, cắm cúi đan lát, chốc chốc cái đuôi lạt thoăn thoắt vút lên. Người già chẳng ngơi tay lúc nào.

Sư Từ Tâm vẫn đăm chiêu tư lự. Chưa bao giờ người trẻ tuổi ấy được nghe biết như vậy. Bấy lâu một lòng kính yêu, ơn nghĩa người đã cứu mình. Bây giờ,... hai bàn chân mất gân chúc thõng xuống, như người tù ngồi xó trong ngục, cái gông kéo trĩu cổ nhưng câu chuyện bố kể xót như xát muối mà nghe tiếng nói lại như một người vẫn đương ngùn ngụt chí rửa thù. Đến lúc với cầm cái nạng mới lê bàn chân đứng dậy, ông lão rầu rĩ thở dài: “Biết đâu đến phải nước này. Bố chết không nhắm được mắt con ạ”.

Một hôm, sư Từ Tâm nói với bố:

- Con xin thưa...

- Bố ơi! Bố để con đi, con xin đi báo thù cho cụ huấn. Bao giờ bố yếu, con mà báo được thù thì bố yếu đến đâu bố cũng được nhắm mắt như ngủ. Bố cho con đi...

- Được! Được!

- Bố chỉ đường cho con lên Sơn Tây.

- Con hãy về bến Bỏi đã. Hỏi thăm, bây giờ là cụ Cả Bỏi. Con lạy cụ, con nói con là con bố Cõi.

Sư Từ Tâm đi khuất đã lâu, bác Cõi đứng bên cái cổng rong ngoài chùa trông ra. Đã sang đầu hè, cây gạo ngã ba đường đương cữ nở hoa đỏ ối. Dưới ruộng, những luống cà bát hôm nào sư Từ Tâm mới xới, bây giờ quả cà trắng toát, to bằng cái bát chậu, đã hái muối xổi được. Những cây gạo xa xa ven đường thấp thoáng rực rỡ. Như một niềm mong mỏi.

Từ đấy, ông lão ở lại trông nom chùa Xiển. Ngư làng gọi là ông sãi, ông sãi chùa Xiển. Ông sãi có tật chân, nhưng khéo tay như thợ mộc, cột kèo được bào đẽo nhẵn nhụi, cảnh chùa có phong quang hơn. hỏi thăm thầy Từ Tâm, ông sãi nói xưa rày nhà chùa vẫn phải đi khuyên giáo, ăn mày thập phương. Lâu lâu không thấy về, khách đến lễ cũng không tò mò nữa. Đương thời buổi tao loạn, kẻ gian người ngay lẫn lộn, thầy đi việc nhà chùa hay việc quốc sự, biết nào mà tọc mạch.

 

HẾT