- Người nhà cụ Ất, cụ Ất đình Ngang ấy mà.
- Đi mua thuốc đau bụng bà lang Bính chứ gì!
- Vâng ạ, đau bụng máu lên cơn lại hết thuốc.
- Không nhớ đi đêm phải mang đuốc à?
- Vội quá. Bác cầm mấy đồng uống nước cho tôi đi.
- Đứa nào kia? Đứng lại.
- Tôi đi gọi bà mụ, nàng dâu nhà ông hương Đinh vỡ ối, đẻ đến nơi rồi.
- Được.
- Thằng này sao đi lỉnh kỉnh thế. Tên gì?
- Mỗ Ất, mỗ Giáp, mỗ con chó. Hỏi lắm thế.
- Tiên sư mày, đi đâu?
- Ông đi tìm rượu.
- Đi đêm phải có đèn đóm!
- Đéo có.
- Nhớ kiếm vài xó đem về điếm.
- Đéo đem!
- Ông gông cổ mày!
- Hà... hà...!
Chẳng ra phép tắc, chẳng ra ỡm ờ. Lơ mơ thế mà vẫn có người yếu bóng vía bị đóng gông ngồi điếm đến sáng vì tội đi đêm không có đuốc. Người nhà phải đem mấy tiền ra chuộc không thì cứ ngồi đấy. Thế mà lúc nào cũng có người vào ra. Ấy là chẳng kể những kẻ không ai biết tông tích, chui chỗ nào cũng lọt, như con chuột rũi. Nhưng không phải ai cũng mưu mẹo được thế. Phố xá đêm ngày cứ nghìn nghịt, trong làng kéo đến Kẻ Chợ mỗi vụ càng nhiều hơn chỉ vì đói, vì rỗi việc, vì có nghề thì đổ ra nơi đô hội kiếm miếng. Lâu nay, Cõi đã thế, đi bán dầu, đi thợ ngõa, thợ mộc, Cõi biết! Cái ngày còn chưa thạo, đêm hôm bị tuần trong phường bắt nạt, phải dạt ra đầu ô, như Cõi vừa thấy lắm đóm đuốc trước mặt. Ở những nơi nửa phường xóm, nửa đồng không mông quạnh này, đến cả trăm kẻ cướp tụ tập cũng chẳng ai biết đâu, huống chi những cái đuốc lập lòe ma trơi hay người đi lủi thủi. Bởi thế, ở các cổng tỉnh còn bộn bề hơn trong phường. Bất giác, Cõi thở dài. Những năm gần đây càng lắm người ra tỉnh. Mất mùa, vỡ đê liên miên, người ta đi tha phương.
Cõi về đến chùa Xiển thì đã tối mịt. Vừa thấp thoáng lũy tre, ao bèo, con trâu nghênh sừng lẳng lặng qua, rồi đuốc đóm chấp chới, bây giờ thanh vắng, cứ ang áng nhớ đường mà đi. Tiếng mõ thỉnh kinh, niệm Phật đều đều như nước giọt gianh. Mùa hoa mộc rưng rưng ngan ngát, thơm thanh khiết. Hai cái cột xoan cổng tán đã xiêu, chỉ một trận mưa rào mùa hạ tới thì đổ cả. Cái liếp cành rong đã hạ xuống, nhưng cũng tuông một mảnh, cả người lọt vào được. Nhưng mà chặp tối không ngửi mùi khói bếp, không tiếng gọi lợn, không tiếng cãi nhau chửi rủa léo xéo. Con người đã vào cõi khác, u tịch trầm ngâm không như cái nhộn nhạo thường ngày ngoài trần gian.
Gian giữa chùa, trong ánh đèn dầu trám lung lay đỏ bẻm, chú tiểu đương tụng kinh. Mỗi lần thỉnh cái chuông nhỏ trước mặt bằng bàn tay úp, cái đầu trọc tròn xoe cúi rạp, đến khi ngửng lên, tay mõ lại đều đều, tiếng niệm Phật rì rầm thăm thẳm. Cõi đã nhận ra chú tiểu là thằng bé trong Sủi chạy ra năm ấy. Bây giờ nó đã lớn. Có còn nhớ làng bị đốt, cha mẹ chết cháy hay chết chém, mày còn nhớ không? Cõi cứ đứng yên ngó khe cửa, không bước vào, không muốn động đến giờ giấc của nhà chùa. Và Cõi cũng đương chìm đắm trong cái thư thái này. Nhưng lòng Cõi thì không yên. Cõi cứ nhớ hôm nao thằng bé trần trụi như cục bùn lăn trong đống lửa ra.
Một lúc, một hồi chuông lanh lảnh ngân nga rồi vắng lặng, chú tiểu đứng dậy. Trong tĩnh mịch như thế, hồ như cảm có hơi hướng gì lạ. Chú tiểu quay ra, mở then cửa, giơ bát nến khói đen cuộn lên. Chú tiểu đã nhìn thấy người ngồi ghé bậu cửa đứng dậy.
Cõi nói khẽ:
- Nhà chùa có còn nhớ tôi không?
- A bác, lạy bác, con... Con quên làm sao...
Hai người vào nhà hậu. Sư tổ chùa Xiển đã về nước Phật lâu rồi. Mấy năm nay, sư ông Thiện Tâm lại hay ốm đau, mọi việc chùa, cơm nước, kinh kệ, khách thập phương lễ bái rồi vào hạ đi khuyên giáo, cả việc đồng bãi lấy ngọc thực nuôi thân nhất nhất đều một tay tiểu Từ Tâm gánh vác lần hồi.
Nhà chùa chỉ có sào ruộng hậu vừa cày cấy vừa vườn tược, thầy trò quanh năm quần nâu áo vá. Ấy vậy nhưng sư ông Thiện Tâm vẫn thường nói: thầy ngẫm ra phúc đức cửa từ bi không bao giờ thiếu, thầy đã theo hầu sư tổ được hơn sáu mươi năm đến khi sư tổ khuất núi, bây giờ Phật phù hộ độ trì, có con về...
Bên giường sư Thiện Tâm, chú tiểu Từ Tâm quỳ xuống trước mặt Cõi:
- Lạy bác, bác cho con gọi bác là bố, là mẹ, bác là bố mẹ con, bác nhận cho con.
Cõi mủi lòng, nâng tiểu Từ Tâm đứng dậy. Lại nghĩ đến cái làng Sủi đương cháy.
Tối hôm ấy, sư ông Thiện Tâm hỏi Cõi:
- Những lo toan của bác được đến thế nào rồi?
Cõi chắp hai tay vái sư ông.
- Sư ông có lòng thương hỏi đến. Gian truân lắm, nhà chùa ạ.
Sư ông Thiện Tâm không hỏi thêm, mà nói sang chuyện lúc nãy:
- Bấy lâu nhờ cơ duyên mà bác cho tiểu Từ Tâm về chùa tôi, cái may thật không kể xiết. Thế mới biết đất Phật ở đâu thì có hương khói đấy, không bao giờ suy vi được.
- Công đức thầy dựng nên, đời này mới có đời kia, đời đời thế vậy.
Đêm ấy, ở gian nhà hậu trông ra vườn sau, Cõi kể cho tiểu Từ Tâm nghe lúc ban ngày vừa về qua làng, thắp nén hương cúng thầy với oan hồn cả làng. Tiểu Từ Tâm nói:
- Ở chùa năm nào vào hè ra hè, sư ông cũng dạy con cúng cháo giải oan cho chúng sinh, con lại khấn về làng, con vảy cháo về phía bờ sông.
Trận mưa đầu mùa rào rào trong đêm, như cả nghìn vạn người ai oán khóc. Nhưng Cõi không nói một lời về cái đau đớn khủng khiếp những ngày qua. Cõi nghĩ dầu sao nó cũng còn là đứa trẻ, lại đã lênh đênh mồ côi thế này, chẳng nên cho nó khổ ải thêm nữa.
Tiểu Từ Tâm hỏi bác Cõi:
- Bao giờ bố lại đi?
- Mai.
- Hay là bố ở đây. Thầy con dạo này yếu lắm không biết thế nào. Mai bố lại đi đâu?
Cõi ngồi lên, như lắng tai đợi dứt mưa. Rồi nói:
- Đi việc ấy. Bao giờ xong thì mới yên được.
Từ Tâm lặng im. Đứa trẻ mười mấy tuổi đầu, nhưng những khốn đốn đã trải thì óc đã cả nghĩ chẳng khác người có tuổi. Dẫu chẳng rõ việc gì nhưng Từ Tâm hiểu câu nói ngắn ngủi mà buồn, mà quả quyết ấy có ý nghĩa đến như thế nào.
Hôm sau, Cõi đi sớm. Sư ông Thiện Tâm chống gậy ra tận cổng ngoài.
- Biết khi trở lại có còn gặp nhau không?
Cõi chắp tay vái nhà sư.
- Nhà chùa cho lộc cứu vớt tiểu Từ Tâm, không bao giờ con quên được, thì dẫu rồi đây thế nào cũng là như ta còn gặp nhau, sư ông ạ.
Sư ông Thiện Tâm không nén được nước mắt lã chã trên khuôn mặt úa võ vàng.
Chỉ mới mấy ngày ở Kẻ Chợ mà dường như đằng đẵng. Căn do chỉ vì thằng lãnh Quang đã chạy chết về Sơn Tây rồi. Mọi việc phải tính lại cả. Chi bằng hãy lên Bỏi cái đã.
Buổi trưa, Cõi sang đến bến. Cõi đã thuộc nơi vạn trú những giờ giấc các nan thuyền qua lại. Bến Bỏi đã là làng nhà, khác nào nơi chôn rau cắt rốn. Mà Cõi còn trông vào đây, trong khi phương nào cũng bơ vơ rồi.
Bác cả Bỏi với một lũ tay lưới cởi trần phơi cá trong những cái nia đại đặt trên mái khoang. Nghề này học được dưới đường bể, tháng sau đã sẵn cá ướp bán cho phường buôn các chợ ven sông để các nhà khó mua về trữ, phải khi mưa dầm gió bấc, ăn cá sông muối khô còn nạc hơn cá mắm bể, mà khéo tay còn làm nước mắm ăn Tết, chẳng kém mắm cáy. Bác Cả rõ ra một nhà chài lão luyện nghề, cả đời đứng chèo chống, hai vai nở lực lưỡng hơn vế chân. Chẳng một vẻ nào là tướng cướp. Cũng hay ở đời, biết bao kẻ như hầm hố cắm chông, nhưng lại có người như bác Cả mà lắm người sợ, người phục. Bọn quan nha các huyện và ở Kẻ Chợ tảng lờ làm như không biết kẻ cướp bến Bỏi, tướng cướp bến Bỏi, nhưng trong dân gian thì lũ lượt tìm đến vái lạy, kêu cầu như trước bàn thờ Đức Ông và những ông hộ pháp thiện ác giữ cửa chùa.
Bác Cả trông lên bờ, thấy Cõi:
- Đã về đấy a? Công cốc chứ gì!
- Chẳng được một hạt việc. Chán quá.
- Việc gì mà chán! Phải nghĩ nó lại cút ngay về Sơn Tây, thế là nó khiếp chúng mày, khiếp cái gan chúng mày. Về đây nghỉ đã, rồi lại tính, ngày rộng tháng dài mà.
Cái bến đò ngang sang Bỏi những buổi chợ vẫn tấp nập.
Vào mùa cạn, các bè luồng, bè gỗ, bè vỏ dó, bè củ nâu, gỗ, bè sơn thùng gỗ mò trên ngược về đậu dài dằng dặc đến tận bến Bà Móc, chợ ống Nước dưới Kẻ Chợ trên bến dưới thuyền vui như hội.
Đến bữa chặp tối, Cõi mới biết chuyện vừa rối Cõi đi, ai nấy đều sốt ruột. Bác Cả đã nhắn xuống dưới Kẻ Chợ. Trong đám nhốn nháo đêm hôm ở đình Hàng Hòm vẫn có người bến Bỏi, cả lão quán nước cứ giả bộ ngơ ngơ ăn nói lửng lơ thế, đã đủ biết, mà không ai thấy Cõi đâu.
Cõi vái bác Cả:
- Bác cũng là người đẻ ra con, bác thương con.
Bác Cả quát:
- Ô hay, làm thằng đàn ông không được lúc nào cũng vái lạy, lúc nào cũng vãi nước mắt ra. Bây giờ mày muốn sao?
- Con phải lên Sơn.
- Được rồi. Hôm nào ngược, tao sắm cho cái nan tre đực. Nhưng mấy bữa rày được nắng, hãy ở nhà phơi cho xong vụ cá này.
- Dạ.
Việc nhà chài, có vụ có mùa vất vả chẳng khác những nặng nhọc cổ cày vai bừa đồng ruộng.
Suốt ngày dãi nắng, đến tối sáng trăng, thuyền dỡ mái khoang, mâm cơm dọn ra như ở giữa sân gạch thoáng mát hây hẩy gió. Đương vui chuyện, bác Cả hỏi Cõi:
- Mày tằng tịu với con vợ thải của thằng lãnh Quang?
- Không, oan cho con.
Bác Cả cười:
- Tao hỏi cợt thế thôi. Chứ thằng người đã có phen những con nặc nô ấn vào cửa Âm Phủ rồi thì phải biết kệch quân chó má chứ.
Cõi chỉ biết cúi mặt, ực một ngụm vào họng như tiếng trả lời câu nói điếng người. Cái gì bác cũng biết, như từ trong bụng người ta đi ra, bác thánh quá.
Hôm sau, Cõi lại ra anh thuyền chài. Lúc thì ve vé chiếc nan đi dăng lưới, trưa nắng, cởi trần, truyền mái khoang bưng nong nia phơi cá. Chẳng khác mọi người xung quanh, mọi công việc ngày ngày. Không gì sốt ruột hơn chờ đợi, vừa nấn ná lại vừa nhấp nhỏm. Mà không dám hỏi. Tính bác Cả thế, chỉ nói như ra lệnh. Chuyện rắc rối, khó khăn đến thế nào cũng hỏi một câu, nói một câu. Rồi lại như dạo nào, Cõi dông dài đi bỏ lưới, đi cắm câu, lại có đêm vác thang theo anh em đi ăn cướp. Lắm lúc, cáu bực vu vơ, nằm khàn trong bụi lau, trông lên bờ, thấy xa xa những cây xoan cuối mùa, cành trụi đen, đàn cò trắng bay qua, không biết về tận đâu, như trêu ngươi thằng nằm xó. Nghe sóng óc ách rồi ngủ quên lúc nào.
Bác Cả lay Cõi.
- Tao đã chọn được cái nan tre cật nhẹ lắm. Sắm lưỡi câu, lưới lửng, lưới chũm đủ phòng khi. Cả đồ nghề thợ mộc. Ở dưới nước thì sống nhờ con tôm con cá, lên bờ có cái tràng, cái đục, cái thùng dầu. Thế nào thì cũng không chỉ ở Sơn một ngày. Đi đâu cũng phải cẩn thận cắm cái nan một chỗ. Nan là cái nhà, cái cần câu cơm, chỗ nào cũng kiếm được, cá ăn cá bán, thế là mọi thứ xong. Bây giờ mày đi hôm nào cũng được.
Bác Cả chu đáo, trước sau, định hỏi thì thấy đã đủ, lại không hỏi. Trong bụng mừng khấp khởi, hôm sau, Cõi lên lò rèn trên bến làm cái lưỡi cuốc, đánh hai con dao - bấy giờ chưa bận rộn thời vụ gặt hái, bố con nhà phó lò chỉ phòm phọp kéo bễ, động búa nửa buổi đã xong tất. Cõi xách con dao mới ra rệ sông, thẳng cánh phạt một lúc, đã ngả quang mấy bụi chuối dại Được rồi, những con dao đem lên Sơn làm cỏ cả nhà chúng nó được, phen này thì mày chạy đằng trời.
Tinh mơ, sương đọng ngọn lau lộp độp rơi xuống nan như mưa nặng hạt. Những cái thuyền đi cá sớm đã vun vút ra, mặt sông vẫn mịt mù hơi nước và những con gà ngỡ chưa sáng còn gáy ran quanh mạn lái.
Đêm qua, Cõi đã đến chào bác Cả. Bác cả Bỏi nhìn Cõi giây lâu rồi “ừ” một tiếng, nét mặt tươi dịu, bộ râu rung rung. Tiếng “ừ” bằng lòng như bảo: được rồi, mày cố làm nên việc.
Mọi thứ lỉnh kỉnh đã xếp cả lên nan, mà nửa đêm qua Cõi vẩn vơ không chợp mắt. Nhớ cái hôm bỗng dưng bác Cả hỏi có giăng gió cái con vợ thải nhà lãnh Quang không. Rồi biết bác Cả nói chơi, thế mà khiến bây giờ Cõi áy náy. Nhà chị Tư đáng thương kia bị nó ghét bỏ thì Cõi chỉ nghe Trắt kể, nhưng cái ả đương dở dại dở điên đây, có thể nó dám cầm dao chém con dê già lắm. Giọng cay đắng, tròng mắt đỏ đọc, có thể. Thêm một tay hạ thủ được con chó. Hay là cho ả đi theo, biết đâu mà nên việc. Huống chi, ả lại thông thuộc đường đất cái dinh cơ nhà nó trên Sơn.
Nhưng ý nghĩ về người đàn bà ấy cũng chỉ loáng thoáng chập chờn từng lúc. Cái đau giết người mà con mụ đồng chiêm gây ra khiến Cõi không thể nào để tâm hơn về cái hạng đàn bà bây giờ. Dẫu cho là chưa tình nghĩa một đời, thì đã ngần ấy năm trời ăn nằm với nhau, mà nỡ nào nó lật mặt không biết gớm tay, nó cầm con dao đâm chết tươi cái đứa mới đêm trước ngủ với nó, mà tội nợ, mà oán thù truyền kiếp nào cho cam.
Nghĩ thế, Cõi bàng hoàng, Cõi không còn tơ tưởng đến chuyện có thể đem cái người đàn bà tội nợ kia lên Sơn. Thế mà băn khoăn, mà bồn chồn, không dứt nghĩ được, chốc lại ngồi, cái nõ điếu lại kêu giòn tanh tách. Đến lúc nghe những con vạc đi ăn đêm về lác đác qua kêu trong sương ngang đầu, biết đã tang tảng sáng. Cõi vớ cái điếu cày vẽ một điếu hút cho tỉnh hẳn ngủ.
Chiếc nan của Cõi đã ra ngoài bụi lau, nhấp nhô giữa dòng nước cuồn cuộn đỏ. Hai tay hai mảnh ván, cái bàn vả chém nước như con cá bơi. Từ đây lên Sơn Tây, đồng đất chỉ quá nửa buổi. Nhưng chẳng biết đường sông mà lại ngược nước thì mấy ngày. Gặp nước tĩnh thì cho nan vào men bờ, thả vài quãng lưới, nhấc lên con măng, con chép có khi gặp con chắm đói, lôi băng cả nan đi một quãng. Hôm trở trời, đêm câu cắm trong bờ chỉ được con rắn mòng. Sáng sớm chợ mai, chiểu đến chợ hôm, chỗ nào thấy người lố nhố ra bãi thì biết gặp bến, gặp làng, đấy có chợ. Nhưng chợ ven sông bao giờ cũng có thoảng có thì chốc lát. Cõi đẩy nan vội vào bán cá, đổi cá lấy gói muối, đong đấu gạo rồi bẻ củi, đẵn ống nứa, xuống nan đun nấu, làm cơm. Tối tối, vào trú bụi sậy, núp chỗ bờ hoắm bớt sóng, hôm sau lại đi. Ngồi mũi, hai tay như vây con cá, cái nan chổng đuôi mải miết ngược nước.
Cũng một dòng sông Cái, nhưng càng lên, mỗi lúc một khác dưới kia, làng mạc và bãi ngô, bãi dâu đôi khi nhô ra mép cát, mùa nước cả, các nhà phải khuân dọn chạy lụt vào trong đồng cao. Trên này, suốt ngày trông không thấy một mái nhà, hai bên sông bát ngát lau sậy, hoa lau trắng mờ, lúc nào cũng như sương chiều. Hôm qua, thấy một bến cát đỏ, ghé vào hóa ra có tảng đá ong trỗi lên. Rồi đến quãng lác đác bờ tre, tường đá ong xếp, không phải vách đất. Những cây cải dại như dóng ngô, không ai hái, đã xù xì như gốc chuối cụt. Thế mà những đàn bướm vàng, bướm trắng vỡ tổ ở đâu ra. Mùa rồi, dưới bến Bỏi, bướm ra nhiều Nhưng bây giờ đã tàn các loài hoa, bướm đã vãn rồi vắng hẳn. Trong khi bướm ở trên này vẫn ra nhiều như hoa cải vàng nở trôi trên dòng sông. Đàn bướm rống cánh như nhung như gấm giỡn theo bè nứa vào bến, như những cái bè chở đàn bướm từ trên ngược xuôi về làm đẹp tận Kẻ Chợ. Đàn bướm vàng phấp phới mặt nước bỗng bay cất cao lên bờ lác đác mái nhà, lá cọ, tường đá tổ ong đỏ hắt. Chắc gần tới thành Sơn. Nhẩm tính, không nhớ được nan ngược đã mấy ngày, sắp đến Sơn Tây, đàn bướm rực rỡ như đón rước, chắc là điềm lành. Lúc chia tay với sư Thiện Tâm lại nhớ lời dặn của bác Cả, đến đây thì được những đàn bươm bướm vàng nô nức múa chào. Tự dưng, Cõi thấy vững tâm. Trông ra sông, bướm tới tấp bay, như đàn bướm vàng đã theo nan từ Kẻ Chợ lên.
Chẳng mấy lâu, Cõi ghé hỏi thăm biết đã đến Phù Sa, trông lên thấy bờ cỏ cao như con đê vào đường cái quan. Bến tỉnh có khác, đò ngang sang Phú Nhi trở người về chợ Nghệ ngày nào cũng có chợ. Gồng gánh qua lại tíu tít, mép nước đậu san sát những bè gỗ, bè nứa lá đợi xuôi Kẻ Chợ. Trên đường, ngựa quan hay ngựa lính hỏa bài phi rầm rập, bụi đỏ lầm.
Đã xế chiều, nan của Cõi ghé vào giữa đám bè cây luồng, lá cọ đậu cao lừng lững như những tòa nhà dập dềnh mặt sóng. Những người kiếm ăn sống nước, nay đây mai đó, ai cũng như đã sẵn quen biết. Cõi sang bè được kéo vào ngồi ăn uống rồi ngả xuống chiếu xóc đĩa. Toàn những người nghề chở bè, kéo bè - các chủ bè thì từ chặp tối đã rủ nhau vào tỉnh chè chén, đú đởn hàng thịt chó, thịt trâu thui trong phường Đông Tác đầu chốt Nghệ, nghe nói ở những nơi ăn chơi ấy có hát phường chèo, hát nhà trò. Những người chở bè thuê chưa bao giờ lên đấy mà cũng chẳng để ý. Các mụ bán quán, gái hàng cơm với chè rượu, bài bạc cả đêm trên bè thế này cũng đã đủ mê tơi. Chẳng biết Cõi là thằng nào, ở bè hay ở thuyền, nhưng thấy có giỏ cá, có ống rượu, lại có gạo góp thổi cơm, thế là chụm đầu một mâm ngay được. Trong câu chuyện Cõi dò hỏi bọn khố rách chở các bè này, dẫu đã thuộc nhẵn bến Phù Sa, lại thường có khi xuống các bến dưới kia, nhưng vẫn không hề bước chân lên phường phố đất Sơn Tây, đất Kẻ Chợ, nên cũng không biết gì. Chẳng qua cầm cái cày hay độn vai đẩy cái sào ngược nước cũng thế, người lên khỏi cánh ruộng xuống con nước cũng là moi móc đi kiếm cái ăn cho vợ con ở nhà mà thôi.
Chẳng mấy lâu, Cõi đã thuộc bến, lại có hôm lên chợ Nghệ ngồi quán như một chủ bè qua lại Sơn Tây, đã lẫn với tay chơi sõi.
Cõi cắm nan trong bụi lau, buộc chắc cho sóng to cũng không tuột được. Rồi lên chợ Nghệ, - chợ quê, chợ núi mà người đi chợ đỏng như kiến cỏ. Chỉ la cà một thôi trong chợ đã biết mọi sự về dinh cơ lãnh Quang. Ông lãnh không ở chỗ cũ. Ông đã lên quan chánh lãnh binh, ông sai lính và đốc thợ trong làng ra làm dinh cơ mới, còn bề thế hơn tòa nhà dưới Kẻ Chợ - ấy người nọ nghe người kia, chưa chắc ai đã nhìn thấy cái nhà ông ở dưới Kẻ Chợ. Bây giờ dinh cơ mới ở đường vào cửa Hậu, mỗi chòi canh cổng một bọn lính gác, cha chả là oai, nhà ông đội thăng lên ông lãnh oai nghiêm khác nào dinh quan tổng đốc dưới Kẻ Chợ, trên Lâm Thao. Mà sẵn lính tráng trong tay, các ông quan võ hét ra lửa, quyền sinh quyền sát gấp mấy ông quan văn ngồi trên cao.
Đi với những gồng gánh các nơi đổ về chợ, Cõi đã ra cửa Hậu, qua cổng nhà lãnh Quang. Cũng hệt cái nhà dưới Kẻ Chợ. Thế thì càng dễ, nhưng bây giờ thì sao, hãy cốt lọt được vào đã. Đồ nghề mộc xem ra dễ kiếm việc nhưng khó xử. Nghễu nghện vác chiếc rìu đi hỏi việc, ai biết được nó là thợ mộc hay là kẻ trộm, kẻ cướp. Cái đinh, cái búa thật lộ liễu, dễ bị nghi. Mà cái nghề làm mộc thì trên này vứt đi. Không thấy ở đâu bóng dáng chiếc hòm thợ mộc. Đất đường rừng không như dưới Kẻ Chợ, đóng cối, làm nhà, thì làng xóm giúp một tay chẳng cần đến mặt anh thợ nhọ. Nhưng thấy người bán dầu ngồi cả dãy ngoài chợ. Thế thì lại đi bán dầu.
Lại làm thằng bán dầu. Dầu sở, dầu trẩu, dầu lạc, dầu thắp cũng là nghề thực của Cõi xưa nay. Có điều là phải ngừa trước. Đây chẳng phải là Kẻ Chợ, không ai quen, nhưng Cõi đã từng vào nhà lãnh Quang, nhiều đứa có thể đã chạm trán Cõi, ngộ nó mà nhận ra thì khốn. Cái này khó nghĩ nhất đây.
Cõi lại xuống nan. Càng thấy bác Cả cho Cõi đi nan lên thì thật giỏi, bác đã bảo “nó là cái nhà” của mình, ở nhà thì không phải nhờ vả, không lộ tung tích.
Cõi nằm nghĩ suốt ba đêm.
Rồi Cõi điềm nhiên lấy con dao xẻo ra từng miếng má, lại đâm nham nhở vào trán cho chảy máu lõa lợi. Cõi cắn răng, nằm sốt li bì mấy hôm. Cho đến khi hai bên má, trên trán đã thành sẹo, Cõi cắt mớ tóc để lòa xòa như người mới ốm dậy, rụng cả tóc, đầu loi thoi cạo dở. Chòm râu quai nón trổ ra, rậm rịt lấp nửa mặt. Cõi đã thành ông lão dị dạng, mặt rỗ về vệt, bước đi lom khom không còn ra dáng người cầy cuốc khỏe mạnh nhanh nhẹn xưa kia.
Hôm ấy, sắm sửa quyết định. Hai cái thùng vầu ghép, một bên đựng dầu trẩu, đèo ngoài ống dầu lạc, một thùng không, trong để con dao bầu, dao phay. Bộ quần áo nâu da bò, bạc như mo nang, Cõi xé thủng thêm một bên gối cho thật tơi tả, thất thểu. Định dạo qua cổng, có cơ hội vào được thì hay, bằng không thì đến tối, quẳng thùng dầu đâu, rồi chui rặng ô rô. Đất lạ, nhưng Cõi không lúng túng, bỡ ngỡ như cái lần vào dinh lãnh Quang dưới Kẻ Chợ. Bây giờ Cõi đã từng là quân cướp bến Bỏi, bơi lội như con dái cá, leo tường chẳng khác nhái bén, khóa nào cũng móc được, mở êm ru.
Cõi đi qua mấy lần, đã để ý vẫn cái bờ rào ô rô kín mít ngoài cùng, rồi đến tường đá ong. Bên trong, một vòng hào đầy nước bọc quanh, ở giữa, cũng tòa nhà bát vần hàng chục gian, hai phía nhà ngang, nơi kho đụn, xay giã, nơi bếp núc, nơi lính tráng ở. Gian nào cũng hàng hiên chạy dài. Đằng trước, cái sân gạch mới, cả trăm người ngồi đứng được. Trên hè, lại chiếc sập gụ chân quỳ, ngày ngày có việc quan lãnh Quang ra ngồi đấy, vẫn như mọi khi ở dưới Kẻ Chợ. Đằng sau nhà, một khoảng vườn cây cối lẫn tre pheo. Có khi lại cũng là nơi treo các rọ tù trên cây. Cái thằng Diêm Vương này ác tuyệt trần đời, không làm nhà ngục, chỉ bỏ rọ người treo lên cây, mặc mưa nắng, khi nào chật quá, hết chỗ buộc rọ thì lại đem vứt trôi sông cho chết bớt đi. Cõi định đến xế trưa đi qua cổng một lần nữa. Rồi náu vào cái gò mối sau bụi tre, đợi nhập nhọạng tối, xé bờ rào ô rô vào sau vườn. Bơi qua hào rồi leo lên cây nằm phơi mình đến khi sương xuống nhạt hết hơi, người như đống cỏ khô, những con chó và cả đàn ngỗng thính người cũng không thể đánh hơi được. Những việc này đã thuộc như nghe bài thầy giảng.
Cõi lên chợ Nghệ. Thường ngày, chợ Nghệ quá buổi đã vắng người làng xa. Nhưng ngày mai phiên, các vùng xung quanh, từ Cần Kiệm ra đến Bún, đến Gạch, người đã về chợ từ trưa hôm trước, đem của rừng, những củ nâu, mật ong, các thứ lá thuốc, rễ cây thuốc hái trong núi và những chiếc bu nhốt con trăn, con khỉ, đôi khi người Mường, người Mán trên Ba Trại xuống, khiêng đi chợ cả cái cũi con hổ, con gấu bẫy được. Thành thử lại có cả cái chợ Nghệ con con họp từ trưa hôm trước chuyên tay bán đổi vai. Bên hào thành trước cổng chợ có các hàng cơm, quán trọ tươm tất đủ cả.
Cõi ngồi ngất ngư vài chén với bánh đậu Nghệ nướng vàng óng, chấm muối. Trông ra, ánh nắng đã xuống chấm ngọn tre. Cõi đứng dậy, thong thả quảy đôi thùng đi. Đã đành xưa kia cũng đã quen trận mạc theo thầy kéo quân qua hầu khắp đất Sơn Tây, nhưng đêm nay thì thế nào? Lạy thầy, thầy sống khôn chết thiêng...
Nắng đã xế ngang lưng bờ tre, vàng rợn như sau cơn mưa có cầu vồng mọc lên trong bụi cây. Cõi quảy đôi thùng, nhẹ nhàng bước. Tiếng tù và vừa dứt, người lính trên chòi cổng xuống đẩy hai cánh cổng mở hoác. Có đồ nhà bếp về. Mấy người lính ở trong sân ra, như đã thành lệ, thấy người nhộn nhạo thì canh chừng rồi cùng lính canh đẩy hai cánh cổng lim nặng như tấm phản, khép vào cho thầy đề khóa lại.
Lúc ấy mấy người đánh hai con trâu mộng cùng với một gánh hai bu gà Mía ngon thịt có tiếng. Mấy hôm rồi, đã lân la hỏi chuyện bọn lính lệ, quân gia nhà lãnh Quang ở hàng quán chợ Nghệ, biết được các thói nó ở các buồng vợ và cả những khi lãnh Quang vào chân núi Ba Vì săn nai, lại các dịp nó lên tỉnh trên Lâm Thao. Vừa oai vừa cẩn mật, thôi thì tuần tráng canh đường, đứng đường, tổng lý các làng ven cũng phải vất vả ra túc trực. Quân đi một đoàn, có đến mấy người cùng cưỡi ngựa, đội nón dứa chóp bạc, quần chổi nâu, đeo gươm giống hệt ông chánh lãnh binh. Muốn ám hại cũng khó biết người nào là nó. Từ khi mấy lần chết hụt dưới Kẻ Chợ, lại trở về Sơn, càng phòng bị ráo riết. Cõi đã trông thấy mấy con trâu thịt béo tròn, những bu gà Mía, lại tiệc tùng đến nơi, cái tật ham mê chè chén thì nó không giữ gìn được, của ngon vật lạ quảy vào kìn kìn thế kia, chắc là lãnh Quang đương có nhà.
Cõi lững thững qua, mặt ngước thẳng, nhưng mắt nhìn xéo vào cổng. Đôi trâu mộng nữa vào rồi, những người nhà người lính tíu tít ra mở cổng, lại sắp đóng cổng nhộn nhịp. Người gác trên chòi canh vẫy cái tay thước, nói chõ xuống:
- Các ông đừng khóa cổng vội!
Rồi gọi ra đường:
- Thằng già kia, vào đây.
Cõi quay lại không thấy ai. Nhìn lên cổng, hỏi to:
- Thầy cai gọi tôi?
- Vào đây.
Cõi vẫn cái đòn gánh trên vai, đứng ngoài cổng. Người gác trên chòi đã xồng xộc xuống:
- Vào hẳn trong này. Các ông đóng cổng lại.
Cả mấy người đóng cổng xong xúm lại, như sự lạ. Cõi vẫn điểm nhiên nhìn mọi người, toan hỏi: “Các ông mua dầu?”. Nhưng người gác nọ đã sừng sộ:
- Mày quảy cái gì?
- Tôi đi bán dầu.
- Bán dầu à? Thế thì vào hẳn đây, bỏ cái gánh xuống.
Cõi đặt hai chiếc thùng ngay ngắn sang bên - ý tứ, cẩn thận, rồi đứng khoanh tay. Người lính thình lình nện một tay thước vào bả vai Cõi.
Cõi kêu:
- Tôi đi bán dầu mà!
- Không giàu với có gì cả. Ông hỏi, thật mày bán dầu a?
Cõi lật nắp thùng, mặt dầu chẩu vàng sẫm, lại lấy ống dầu lạc xuống mở nút ra.
- Dầu chẩu, dầu lạc, ông mua...
Giữa lúc ấy, cả lũ lính kêu lên:
- Bỏ mẹ mày rồi!
Lập tức Cõi bị dằn ngã ngật xuống. Người lính rút sợi dây mây trên mái cổng, trói ghì cả hai tay hai chân. Cõi kềnh ra như con lợn sắp đem chọc tiết.
- Ối giời ôi, tôi làm gì mà các ông trói tôi?
- Nằm đấy rồi thì mày biết.
- Cắn rơm cắn cỏ lạy các ông.
Người lính nói dõng dạc như hiểu thị:
- Quan đã có lệnh cấm ngặt những đứa bán dầu qua cổng nhà quan. Mày không biết thì mày chết. Ông chỉ có việc trói cổ mày lại. Rồi quan cho đánh mày một trăm roi, bấy giờ mày mới rõ mày có còn sống không!
- Quả tình con không biết. Con ở trong Bương Cấn ra. Lần sau con xin chừa.
- Rồi thì mày chừa, được rồi, còn sống thì còn chừa, nhưng mày đã thuộc chưa, thuộc cái lệ vào cửa quan phải có quà đấm mõm, đấm mõm chúng tao đây này. Mày có bao nhiêu tiền?
- Không...
Người lính cúi xuống nắn hầu bao tức khắc. Trong thắt lưng lão già chỉ có một xâu tiền kẽm.
Người lính định đút vào ngực áo. Một người lính đứng cạnh cười hể hề:
- Ông vừa bảo đấm mõm chúng tao kia mà. Chia ra.
- Mỗi người một hai kẽm cũng là lấy may.
Đưa mỗi người mấy đồng kẽm, hết cả xâu tiền, người lính như bực mình, chưa thôi, lại lần lần moi ra được toàn những thứ kỳ quái. Đằng lưng nó, ép vào cái bẹ chuối lòi ra một con dao sắc. Hèn nào, lúc quật cái tay thước vào bả vai nghe keng một tiếng. Đến lúc đá cái thùng, một bên dầu đổ tung tóe, một thùng kia văng ra cuộn thừng đay, con dao phay, một dao bầu. Hai con dao mới đánh sáng loáng, sắc ngọt. Làm sao, thằng bán dầu lại đem những con dao này đi đâu?
- A cái lão kẻ Bương, kẻ Cấn này, đi cướp đường hả?
- Tôi làm đồ tể, mổ lợn, mổ trâu, kiếm thêm ấy mà. Ông cai tha cho tôi, tôi biếu cả cái hầu bao.
Người lính quát như át đi:
- Mày chưa thịt được đám nào a? Cái hầu bao chó không thèm nhá.
- Oan tôi quá. Tôi già cả rồi, trộm cướp gì tôi.
- Tao không biết. Rồi quan ra chặt chân thằng bán dầu.
- Tôi có vào nhà quan bán dầu đâu.
- Đi qua cổng cũng phải tội, lệnh quan thế!
Rồi những người lính đang kể lể gì ấy. Không, họ nói chuyện với nhau.
- Cái nghiệp tổ tông nhà quan lãnh này cứ phải đánh thằng bán dầu.
- Chắc ngày xưa bố quan lãnh chứ, bố quan bị thằng bán dầu nhét cứt vào mồm nên đến bây giờ còn thù.
- Cũng vô phúc cái lão Bương Cấn này.
Rồi mấy người lính cầm chìa khóa đi vào. Còn lại người canh cổng. Cõi nói:
- Ông cai tha cho tôi.
- Còn tiền không?
- Chẳng còn đồng nào. Hay là ông cai cầm mấy con dao về.
- Những thằng vừa đứng đây đã vào báo quan rồi, tao chẳng dại, mày trông thấy chúng nó đi vào đấy. Bắt được thằng bán dầu, tao có thưởng. Vào báo quan thì chúng nó cũng có thưởng. Hê... hê...
- Ông cai tha cho con.
- Bố tao sống lại cũng không cứu nổi mày. Tao tha mày để tao thế mạng à?
Nhưng đến tận tối mịt cũng không thấy quan ra. Suốt đêm, Cõi bị trói nằm co quắp dưới đất. Vừa muỗi đốt, rĩn cắn, vừa đau nhức các vết trói, cứ lử lả như người ốm liệt. Thế là lại gặp cái chẳng may rồi. Mấy lần đổi gác, người lính khác đến lại lần túi áo, cạp quần, không thấy gì, lại đạp Cõi một cái lăn chúi mặt xuống.
Gà gáy, nghe phía trong nhà rộn rịch. Tiếng lợn kêu, tiếng trâu lồng, chắc có tiệc hôm nay. Vừa sáng, Cõi đã phải dựng dậy, được cởi dây trói chân. Hai người lính xách cái thùng đựng mấy con dao, tay cầm sợi thừng trói tay, ấn cổ Cõi đi vào trong sân.
Cõi như quen như lạ. Sân rộng, gạch đỏ tía, hệt cái sân làm tội người ở nhà lãnh Quang dưới Kẻ Chợ. Chỉ khác quanh sân viền đá ong bước gai chân như dẫm vào vỏ gấc và cái tường cũng xếp đá ong vàng như đất thó.
Rồi trên sân lại như in những đao búa bày trong cửa quan để đánh đấm hành hạ người: cái cùm, cái gỏng, thanh mã tấu, cây đao, cây thiết lĩnh, thùng lùng, chiếc hèo song, cái tay thước. Trên sập trải chiếu hoa đã bày sẵn chiếc mâm đồng vàng chóe và một chồng gối da xếp, cái gối gỗ mít giống như tạc cảnh ở dinh dưới Kẻ Chợ. Cõi đã thấy trợn, nhưng lại nhớ mặt mũi mình bây giờ đã đổi khác. Cõi bình tĩnh.
Trong dinh hôm nay có tiệc. Hai bên nhà ngang đã tấp nập người làm ra vào, tiếng chày giã nem chạo, khói thui trâu phía vườn tạt mù mịt lên. May ra, nhà người ta đương bận rộn linh đình thế này, có khi còn được đem nhốt chuồng trâu hay bỏ rọ cũng nên. Cõi mơ màng.
Nhưng không, lãnh Quang đã ra xử sớm, định làm gọn trước khi khách khứa đến. Chặp tối hôm qua, thấy báo bắt được thằng bán dầu hay thằng kẻ cướp, lãnh Quang đã định ra xem ngay. Từ khi lên Sơn, lãnh Quang cấm tiệt đứa nào bán dầu đi qua cổng. Mà có ra đường gặp thằng bán dầu, lãnh Quang lôi ngay lại, nọc ra giữa đường, cho lính đánh một trăm hèo. Cả tỉnh Sơn không ai dám bán dầu rong, chỉ ngồi thành dãy ở chợ. Quan lãnh như lên cơn điên, lại như cái hèm, cho nên người thiên hạ cũng như trong quân gia mới đặt ra những sự tích quỷ quái rằng bố lãnh Quang bị thằng bán dầu... mẹ lãnh Quang bị thằng bán dầu... Cả nhà lãnh Quang bị... ở đất sơn cước này bắt cướp, chém cướp thì hàng ngày. Nhưng chỉ nghe đến thằng bán dầu, có thằng bán dầu lãnh Quang đã sởn gai ốc rồi cho đi tróc ngay, đánh ngay. Thế mà vẫn còn có đứa dám quảy thùng bán dầu qua cổng à? Nhưng đêm qua, đang bữa đến lúc say rồi ríu chân lại, các ả nõn nường ra dìu vào buồng. Đến nửa đêm tỉnh giấc lãnh Quang nhớ ngay. Quá khuya mất rồi.
Cõi thấy lãnh Quang thũng thĩnh ra. Vẫn chân bước vòng kiềng, tấm áo the năm thân chuội mộc râu ria lòng thòng quết xuống. Sáng sớm, mặt đã đỏ lựng, đỏ rượu hay đỏ cơn cáu kỉnh, bực bội không biết. Đang đi lãnh Quang sững lại, một tay chống mạng sườn, mắt chăm chăm nhìn thằng tù già râu tóc rối bù lom khom dưới thềm, hai tay bị sợi dây mây thít lại đã hằn tím. Lại ngắm đến tròn nứt kẽ mắt cái thùng dầu với ba con dao sắc được bày ra bên thềm hè.
Một ông lục áo the thâm dài, chít khăn lượt đứng nghe lãnh Quang rỉ tai rồi bước ra quát:
- Thằng già kia, ngẩng mặt lên.
Cõi ngước cái mặt râu tóc xồm xoàm, lồi lõm những mảng sẹo. Lãnh Quang bỗng hét váng:
- Thằng bán dầu giả câm dưới Kẻ Chợ. Thằng bán dầu giả câm, đích nó rồi. Nó đem cả dao vào mà đứa nào dám để nó suốt đêm trong nhà. Đứa nào, tội chúng mày tội chết thôi. Trói thằng bán dầu lại, trói ngay lại.
Cõi bị xô ngã vập mặt xuống. Hai cẳng chân bị quấn dây mây lên đến tận cổ, cả người cứng đơ như cái cột nhà. Cõi như khúc gỗ nhưng không một lời năn nỉ, van xin như tối hôm qua với bọn lính trạm gác ngoài cổng.
Lãnh Quang rít:
- Thằng này biết bay đấy. Cắt gân chân nó đi. Cắt ngay!
Mấy người lính xúm lại. Hai vũng máu tươi đầm đìa tứa ra sau gót chân Cõi. Nhưng Cõi không cựa quậy, không rên rỉ, Cõi yên lặng như người ngủ mở trợn mắt.
Lãnh Quang lên sập, nhưng quên ngồi, cứ đứng lênh khênh.
- Mày có tỉnh không, nghe tao hỏi đây. Mày tìm lên tận đây giết tao. Tao biết. Tao với mày có thù đã mấy đời? Đằng nào thì mày cũng chết. Tao chưa cắt lưỡi mày, tao còn để cho cái lưỡi mày nói cho hả cái vong linh, có khi tao cho sống đấy.
Cõi nằm ngửa mặt, hốt nhiên nước mắt ứa dòng dòng sang hai bên thái dương. Cõi hét to:
- Bẩm quan nhớn, con xin nói.
- Tao cho nói.
Cõi nói thong thả, nước mắt càng chảy xối ra.
- Bẩm quan, thầy con chẳng may chết ở Mỹ Lương. Thằng đội Quang giết thầy con. Con đi cắt cho được cái đầu thằng đội Quang đem về để đồng môn chúng con giỗ thầy con năm nay.
Mỗi tiếng Cõi nói, lãnh Quang giật bắn lên. Đến câu sau cùng “giỗ thầy con năm nay” thì như sét đánh, lãnh Quang bủn rủn ngã đổ xuống, hai mắt ngược xếch lên, cứng hàm lại. Bọn gia nhân rối rít, tất bật vực lãnh Quang vào. Tiếng chân rầm rập phía trong ấy. Đám lính trong sân chĩa sẵn ngọn giáo quanh Cõi đợi lệnh đâm xuống, lại như sợ Cõi vùng dựng đứng, cầm con dao bầu đuổi theo lãnh Quang.
Một tiếng nói vọng ra.
- Dẹp hết! Dẹp hết! Để hôm khác xử.
Cái rọ mới đựng người được vác ra treo lắc lư trên một cành cây cuối vườn. Đám thui trâu đã bỏ dở, chạy hết bạt cả đi đâu, không còn một sợi khói. Cõi sóng sượt trong rọ, nhắm nghiền mắt, thở òng ọc, ngất đi. Hai bên gót chân máu vẫn nhỏ xuống từng giọt.
Cổng dinh lãnh Quang đóng im ỉm. Cây gỗ dõi cổng chèn ngang, cả cái khóa đuôi chuột khóa trái. Ai gọi, lính canh trên chòi cổng chỉ giương mắt nhìn không trả lời, không xuống mở cổng. Thế là tan đám cỗ.
Đêm đến, chỉ có sự im lặng và bóng tối. Trên nhà, trong trại lính, bên nhà ngang tiếng con dơi bay qua. Buổi tuần đêm đã bắt đầu, nhưng không nghe trống. Rồi từng canh, chỉ có tiếng mõ các chòi lác đác đối đáp quanh bờ tường, ngoài hào nước. Cứ thế cho đến sáng, một hồi mõ tan canh. Mấy hôm liền, cổng cài dõi ngang, không một người ra vào. Và đêm canh nếu ai để ý thấy liền cả phiên chợ Nghệ, không nghe tù và thổi, không cả tiếng trống vào canh, tan canh. Ông lãnh Quang ngã ngất hôm ấy không chết, nhưng không trở mình, cấm khẩu, không nói được. Nghe thoảng tiếng tù và, tiếng trống, cả người lại run rùng rùng như lên cơn chó dại cắn. Không ai dám đánh trống, thổi tù và nữa.
Một đêm kia trong bóng tối giun dế nỉ non không dứt nghe ra ai oán triền miên. Chẳng cơn cớ gì người ta cũng đoán được lại sắp đến mùa mưa dầm gió bấc, dầm dề, lạnh lẽo.
Vào khoảng trống canh hai, một bóng người hiện ra, leo thoăn thoắt lên cây dướng cuối vườn, chỗ treo cái rọ nhốt Cõi. Hai cẳng chân Cõi sưng như hai bắp chuối. Đã mấy ngày không một hạt cơm, một giọt nước. Trong kia, lãnh Quang đã cấm khẩu, liệt giường. Không ai có thù oán với thằng bán dầu, cái việc đem xử thằng bán dầu chẳng còn quan nào ngó ngàng tới nữa. Có lẽ quan nha coi như trong sổ sách không có việc ấy. Thằng tù sống hay chết, cũng quên.
Nhưng Cõi không chết, Cõi nằm đau mà vẫn tỉnh, chỉ không nhúc nhích, động đậy được. Cái bóng bò đến, cành cây dướng hơi rung, Cõi biết ngay. Rồi cái rọ được hạ từ từ xuống đất. Cõi nghe tiếng thì thào:
- Đã cởi cho hết các rọ tù chưa?
- Chẳng còn cái nào! Chúng nó khuân nhau đi từ đời tám hoánh. Ta ra thôi.
Một người hỏi vào rọ:
- Cõi hả? Còn sống không?
- Tôi vẫn còn.
- Vịn tay, ra đây.
- Nó cắt gân chân tôi rồi, không đi được.
Có hai cánh tay xốc Cõi lên. Cõi đã nằm trên lưng cái bóng, mấy cái bóng. Những người ấy không lội qua hào, mà trèo lên một thân tre, cây tre trĩu sang bờ bên kia. Đã ra đến chỗ tường tổ ong. Trên bờ tường, hai con mối người cõng Cõi trườn đi rồi luồn xuống chui qua rặng ô rô ra ngoài.
Cái nan cắm trong bụi lau bến Phù Sa, sương đêm còn mù mịt. Cõi lại đau ngất đi, không biết chiếc nan đương thuận dòng xuôi vùn vụt. Một lúc, mấy giọt sương lạnh rỏ xuống mặt, Cõi vẫn nhắm mắt, nhưng chợt tỉnh.
- Cho tôi xin hớp nước.
Cõi oàm oạp uống nước. Nghe óc ách hai bên, Cõi biết đương trên thuyền giữa dòng.
Cõi thều thào hỏi:
- Thằng lãnh Quang chết chưa?
- Không biết.
- Đi đâu bây giờ?
- Ta về Bỏi.
Cõi lại thiêm thiếp, nhưng không phải lại ngất đi mà những tiếng “về Bỏi” đã cho Cõi thấy cái sống rồi. Ngoài kia, làn sóng nhối tưởng như đỏ lừng, chiếc nan thấp thoáng băng băng như cái lá tre.
Chặp tối, đã về đến bến Bỏi. Mấy người xuống bờ cát cõng Cõi lên. Cõi mở mắt, đã thấy bác Cả ngồi đăm đăm trên sạp thuyền. Cõi ứa nước mắt.
- Bác lại cứu con.
- Ừ, con đã về. Còn cái mạng, thế là còn người.
- Nó cắt gân hai chân con rồi. Những con dao đánh ở lò rèn trên bãi, thế là vô dụng. Con thua nó rồi.
- Không, còn người là được. Cho khỏe lại đã, mọi việc ta lại tính sau.
Bác Cả Bỏi nói thế, rồi quay mặt đi. Nhìn Cõi nằm, hai bàn chân vả xuống, bác Cả rơi nuớc mắt. Nhưng bác không muốn để ai trông thấy bác khóc.
Buổi sớm đã sang thu, trời cứ tang tảng từ gà gáy mà mãi chẳng sáng. Những con vạc tưởng đã tan sương lả tả bay về, từng tiếng kêu rời rạc rơi xuống đầu thuyền. Đàn cá trôi, cá tiến đêm ngủ trong hốc đất cũng ngỡ trời đã sáng theo nhau lượn ra giữa dòng. Đến khi, trong chốc lát, mặt nước thở hơi lên, trời lại mù mịt sương phủ như mới tan canh, thế là những cá đàn rối loạn, cuống quýt.
Bấy giờ, các thuyền mới ra sông. Người gõ mạn nan dồn cá, bủa lưới cá tạc tứ tung tránh tiếng gõ, mắc lưới lao xao, người đứng ngoài mũi hất vào khoang những mẻ cá nặng lấp lánh. Có một con vạc ăn đêm về muộn đỗ trú vào bụi lau. Trời đã sáng hẳn, những thuyền cá cũng đã đầy mẻ, thong dong về. Mỗi mùa chỉ có vài buổi nhẹ nhàng mà được nặng cá thế.
Nhưng hôm ấy, sáng hẳn cũng chẳng một con cá nào ra giữa dòng. Chiếc nan xuôi bờ rồi sang ngang, lại dọc về, mảnh tre gõ mạn liên hồi, không một mống cá dồn đến. Mà sớm nay tang tảng từ sớm, rồi lại âm u, đáng lẽ cá phải ra như chấu. Cái gì thế?
Sương muộn, cá đã ra sông sớm hay lại có con giải, con thuồng luồng vào chặn chén hết cá từ nửa đêm rồi. Có hôm, nan Cõi đi nhổ cần cắm cá sớm vẫn còn gặp con giải đói tìm mồi. Những con giải, con thuồng luồng ở sông lớn lập lờ như con trăn dưới nước, dài rộng bằng mấy cánh phản. Có hôm, con giải bơi luồn dưới nan, bóng nó tỏa đen xẫm như nghiên mực, một chốc mới lượn qua hết. Con giải hay lùng cá gà gáy, lúc sắp hết đêm mà trời chưa rạng. Như người ta khỏe mạnh thì ngồi trên nan xỉa xuống một mũi đinh ba, rồi thả thừng cho con giải cứ kéo thuyền đi. Đến lúc đuối sức, con giải, con thuồng luồng bị mũi ngạnh đinh ba cắm vào sườn vào sọ còn cố lồng lộn, đôi khi hất lật cả nan. Thì người nhà thuyền xuống nước bơi đứng, thong thả dường như thờ ơ kéo dần cái thừng lôi con giải lên thẳng bãi cát. Con giải, con thuồng luồng lọc xương nấu cao tốt như cao hổ, còn thịt xả ra vác vào các chợ bán được tiền bằng con lợn ỷ thờ. Nhưng nan của Cõi thì chịu, Cõi hèn sức mất rồi. Con giải mà nổi cơn vật vã đánh sóng lật nan thì Cõi chỉ có chết chìm. Hai bàn chân mất gân oải gót xuống, không khiến được. Thằng người hỏng cái chân mà kiếm ăn ở sông nước, biết tính sao?
Cõi cho nan đậu nép vào bờ cho đến sáng hẳn đi. Tự dưng, thấy sóng dồn dập vờn đến. Quả nhiên, từ trong hốc đất bên bờ lở, một con giải đương lững lững ra như một cây gỗ đen nháy lao ngang sắp đội cái nan của Cõi lên. Cõi mím môi, bíu hai tay vào thành cố giữ khỏi bị lật úp.
Con giải ấy từ đêm đã xục hết cá trong các hốc bên bờ rồi thảnh thơi bơi ra. Cõi nhìn theo hút con giải nguồn đi tận giữa sông. Bất giác, Cõi rười rượi buồn vẩn vơ. Con giải, con thuồng luồng tung hoành thế, con người như ta thì nên thế nào?
Cõi chỉ biết có sông nước. Ngước lên lại thấy sông nước mênh mông. Kể gì khi nước cả, mà vào những ngày gió bấc thổi kiệt nước, dòng sông vẫn một màu đỏ lừ lên hai ven cát và những quãng bên lở bên bồi. Khi chiều đến rào rạt ánh vàng hoàng hôn thì hầu như sông nước rực xẫm cả trời đất. Tối đến, sông Cái thở lên bao phủ cả vùng Kẻ Chợ đến sáng tan sương, cảnh vật bựng rựng như người dậy muộn vẫn còn ngái ngủ, ấy là vì trong đêm hơi thở dòng sông đọng lại một màn sương dày mãi mới rạng sáng được.
Cõi đắm chìm trong màn sương bao phủ ấy.
Thế rồi lại một ngày mới, trên sông tíu tít những thuyền, những nan, những tiếng gõ quây cá từ tinh mơ. Cõi nhìn ra mặt nước man mác sáng dần ra.