Kẻ Cướp Bến Bỏi

Chương II

Docsach24.com

ỗi nhớ

(Hữu sở tư)

Con nhà ai nho nhỏ

Hai đứa sóng đôi vừa đi vừa nói

Đã mấy người quên hẳn được tình

Ta cũng nhớ đến con ta

Nào lúc bám lấy mẹ kêu đói

Nào khi níu lấy ông học vái

Nay trước cửa nhà vắng đi một nửa

Thấy bay mà sinh lòng nhớ thương

Hóa dân (dịch nghĩa)

Chiêm bao thấy con gái đã mất

(mộng vong nữ)

Cha mẹ xa, mình thì đang ốm

Nhớ con mà vẫn phải nén đau thương

Bỗng nhiên trong giấc mơ lúc nửa đêm

Nhác trông thấy con mà nước mắt giàn giụa

Áo quần đã không đủ ấm, lại rách

Nét mặt buồn bã

(Con ạ) Nhà ta tuy nghèo nhưng dưa muối không thiếu

Dù có tân khổ thì con hãy cứ trở về.

Nguyễn văn Bách (dịch nghĩa)

Viết hôm tiếp được thư nhà

(Đắc gia thư, thị nhất tác)

Người ta sinh ra không phải là cỏ cây

Có buồn có vui vì có hiểu biết

Ai không có cái lụy gia đình

Nhìn xuống trông lên, nước mắt tràn thấm ngực

Dời ta trót lầm lỡ vì danh hờ

Hàng mười năm chìm đắm trong bút mực

Sau bao khó khăn thi mới đỗ

Tiều tụy không còn ra hồn người

Lần này gặp vận mà đi

Đã xét mình sửa hết mọi khiếm khuyết

Bỗng trận gió kinh khủng từ đâu đưa đến

Làm cho chim bay phải cụp cánh

Đời thịnh đâu có bỏ phí tài năng

Chỉ có mình lơ đãng, vụng về, tự rước lấy lỗi

Đương miệt mài nghĩ đền bù những điều sai trái

Buông màn chỉ cúi đầu im lặng

Chợt có khách từ quê nhà đến

Trông thấy ta chỉ những than thở

Báo tin rằng: “Ông có sự buồn

Bà chị đã qua đời rồi”

Vội vàng tay mở phong thư

Tinh thần bàng hoàng, rối loạn

Than ôi! Tình cốt nhục

Là khách phương xa, lại càng đau thương

Ta mới đi chưa được vài thảng

Mà đã bao nhiêu biến cố không ngờ

Nữa rồi ra ngày còn dài

Ai lại có thể không có sự may rủi

Nỗi buồn dằng dặc như trời đất

Thương cảm biết bao giờ cùng

Trời đã tối, một mình trầm ngâm

Ba lần trở ra, nhìn về phía Bắc thành.

Hoàng Tạo (dịch nghĩa)

Về đến nhà

(Để gia)

Mái tóc đã bơ phờ rồi mà mình vẫn không biết

Nay là lúc được về trông thấy làng xóm

Đây là điếm Cây Gạo, sương đã tan rồi

Kia là hổ Ngựa Trời, vầng ô đương lên chậm

Bạn hàng xóm thình lình gặp nhau, sủng sớt hỏi thăm

Mẹ già chợt trông thấy con, mừng mừng tủi tủi

Trước nay đã trải nhiều hoạn nạn, từ đây xin chừa

Đối với người nhà không dám nhắc đến chữ

“biệt ly” nữa.

Nguyễn Văn Tú (dịch nghĩa)

Các phường hội làm ăn ở Kẻ Chợ đều có quê gốc. Cả đến bọn nhuộm thâm, nhuộm nâu ở Đồng Lầm dưới Nam lên, trú lại bên kia hổ Ba Mau, thế mà đông dần thành một phường, con đường phía nam vào Kẻ Chợ rồi cũng thành tên ô Đồng Lầm.

Đất Kẻ Chợ là như vậy. Người tứ xứ đến ở thành phường phố, hàng chục, hàng trăm nhà vẫn giữ tên đất quê. Riêng hai chữ Kẻ Chợ thì lại khác. Thời vua Minh Mệnh đã lấy của trấn Sơn Tây và của Sơn Nam nhiều phủ huyện ghép vào Kẻ Chợ lập nên tỉnh Hà Nội, quan Tổng đốc đóng trong thành cũ, gọi là Bắc thành. Bấy giờ sang đời vua Tự Đức, cái tên tỉnh Hà Nội được đặt đã ngoài hai mươi năm. Nhưng chẳng mấy ai để ý, vẫn chưa quen, người qua lại cứ gọi đấy là Kẻ Chợ.

Trong Kẻ Chợ, các phường đều có đình miếu thờ vọng thành hoàng làng. Ấy là nói về những nhà thợ nghề đã ngụ một đời, vài đời ở đây. Không kể mỗi mùa mỗi vụ gặt hái xong, người các nơi ra đất thị thành kiếm cái ăn thì các đình, chùa, các đền miếu, am thờ đều là nơi trú chân quen thuộc của mỗi cánh, mỗi nghề.

Chỉ có thợ cối chẳng vùng nào chuyên. Đâu cũng có thợ cối và mỗi nhà hàng năm lại sửa sang lại cối, nhất là từ tháng mười sau tết cơm mới cho tới một chạp áp tết cả. Thợ cối cũng chẳng thành cánh. Thường thì hai ba người họp lại, đi rong. Ai quen thì hỏi mối các nhà đã làm, nhà nọ mách nhà kia. Rồi nằm đợi việc hay có việc rồi, cơm rượu chiều ở nhà chủ xong, ra nằm trọ đình cổ Lương. Cũng thành lệ, tìm thợ cối thì hỏi ông từ đình cổ Lương. Chẳng thế mà từ bao giờ đã có câu vè:

“Nên ra thì múa tứ linh. Không nên thì lại nằm đình cổ Lương”. Mình chẳng được nên gì thì cũng nằm đình cổ Lương. Thợ cối làm mỗi nhà vài ba hôm thì đã xong việc, không như thợ chữ, thợ khắc trọ ở đình cả tháng. Phó hai, phó nhỏ nhộn nhịp gạo nước thổi nấu lấy, chẳng giống thợ cối, thợ đấu chỉ tạm bợ một hai bữa thì ăn ghé bếp ông từ.

Đình Cổ Lương cũng như đình, đền các phường, lại như cái chợ tìm việc, hỏi việc. Năm nào, mùa nào cũng đã quen. Cái am, cái miếu phường nào hầu như đâu cũng thế. Một quán chè tươi, có cả rượu trắng dọn ở góc ngoài. Những chân tường, chân cột phía trong, các nồi cơm nghi ngút khói rơm, khói vỏ bào. Tùy hạng người, cái tam quan cũng chẳng khác cái chợ. Chợ Cầu Đông, chợ Ông Nước, chợ cửa Nam họp ban ngày, các cửa đình, tam quan là cái chợ đêm - chợ đêm chỉ rặt người ăn uống, người ngủ trọ. Đình Hàng Quạt, đình Hàng Hài, những người lên theo vụ, đẽo bản khắc in, nghề giấy, bàn xoay thợ tiện rồi người gánh hàng dầu, thúng than hoa, những bong bóng lợn đựng rượu, không ai biết ai, có người chỉ dựa tường ngủ ngồi ngoài cửa, không mất tiền cho các ông từ, ông tự.

Cõi với Trắt trọ ở đình cổ Lương đã được mấy đêm. Chỉ mình Cõi phó cối, Trắt đã ra bến Bà Móc đong dầu rồi quảy thùng dò dẫm đi các phố. Ngày ngày, mỗi người mỗi việc, người gánh dầu, người khoác vòng mây lên vai dạo các ngõ ngách, xẩm tối trở lại ngủ đình.

Cõi nói:

- Chẳng được một kẽm gãy. Đi rạc cả cẳng, không ma nào gọi thợ cối. Chưa đến tháng mười mà.

- Ừ nhỉ!

- Nhưng mà biết nhà đội Quang rồi.

- Tôi cũng đi qua mấy lần.

- Mới trên Sơn xuống mà dinh cơ đã oai lắm.

- Chuyện! Nhà quan, đâu chẳng đã sẵn.

Cõi bàn:

- Chú ở ngoài này xem xét ra sao đến khi tôi ra thì ta tính. Cạn túi rồi. Tôi phải về trữ lương ăn đem ra. Hôm đi không để ý, hai người ăn mà không kiếm ra đồng nào thì hỏng.

- Ừ nhỉ!

Ra bến đò sang Ghềnh, Cõi còn quay lại, dặn Trắt:

- Cứ thế, chú ạ.

Trắt cười:

- Được, được rồi.

Suốt ngày, Trắt gánh dầu qua các phố. Tối về nghỉ chân ở đinh Hàng Hòm. Kể ra, đình cổ Lương cũng vào những đình giữa phố xá, tiện đi lại, nhưng đêm ngày người nghỉ, người trọ nhiều đâm ra tạp. Bên đình Hàng Hòm tuy nhỏ mà thoáng hơn, lại yên tĩnh. Ở đình Cổ Lương cứ ghê ghê. Chẳng bận đến mình nhưng lỡ chẳng phải đầu cũng phải tai. Ở đấy, trong phường các phố Hàng Buồm, phố Hàng Bạc, Hàng Đào - những phố có hiệu buôn to, người Khách, người ở Trâu Khê lên mở cửa hàng, lại nghề đổi tiền đồng tiền kẽm. Hàng Đào thì mua lĩnh Kẻ Bưởi, the La, chồi Bùng, toàn những của một đống tiền, cái đám thợ ra làm, đám lái đeo đây đi bán, trong lưng ai mà chẳng sẵn của. Dễ bị cướp như chơi.

Không mấy khi trọ đình Hàng Bạc. Có bạc thì chắc mất toi, bằng như khố rách thì chẳng ai ngu mà rước lấy cái dại. Ngay ở đình cổ Lương, những lúc quá chén, có người cũng lè nhè:

- Cứ đong rượu đi, thiếu tiền thì chốc nữa sang chịt cổ vài thằng thợ bạc Trâu Khê.

- Phải, phải, bạc của nó cũng là bạc ăn cắp của chủ hiệu, của thiên giả địa.

- Hay là ra Hàng Đào lột cái váy lĩnh của con mẹ Kẻ Bưởi, bọn lái hàng tơ này hay về chợ sớm.

- Ha, ha!

Ở đình Hàng Hòm thì cánh trọ cũng ăn nói bặm trợn chẳng kém, nhưng đám lam lũ này chắc có kém ngang tàng. Quanh quẩn, mấy người khố đuôi lươn đi cắt cỏ voi ngựa bán chợ Hàng cỏ. Đến mùa vụ, người Cầu Nôm lên quét mực bản khắc. Dân làng Dũi làm ở Hàng Tiện. Người Giới Tế trọ ở Hàng Mành, uống rượu ngữ, cơm bát úp ăn với cà chan nước lã. Ngay bọn ở Hàng Đồng Giọt đập cái mâm đồng, cái âu trầu hay Hàng Hòm thì lỏng chỏng mấy chiếc tráp sơn then, cái hòm gỗ cánh gián nhợt như áo quan.

Đốt cả phố Hàng Tiện, Hàng Hòm cũng chỉ ra tro mấy thứ thổ tả ấy với cái bàn tiện. Còn người ngủ đường ngủ chợ có cái tràng, cái đục, cái con lăn, con cóc quăng đan mành mành thì vứt ra đấy, chó cũng chẳng buồn tha. Cho nên êm nhất là ngã vào đình Hàng Hòm, phải hơn bên đình Cổ Lương hay Hàng Bạc - chỉ có mấy chú phó cối cả năm ra Kẻ Chợ đôi buổi không biết mới chui vào những nơi ấy.

Người hai bên sông vào phường phố cũng là trợ thời không thành nghề như thợ bạc, thợ đồng giọt, mà là người ở đợ, làm mướn, người bán dầu thắp. Gánh đôi thùng tre ghép sơn cánh gián, đựng dầu trẩu, dầu sở tùy mùa dầu trên ngược về, đầu mẩu đòn gánh gác một sải dầu lạc. Áp tết mới nhiều người mua dầu lạc các nhà khá giả thì quanh năm thắp dầu lạc, nhà nghèo chỉ trữ hũ dầu lạc, đèn thờ những ngày giỗ chạp, tết nhất tim bấc đèn tinh khiết không bụi khói. Những người bán dầu không điêu toa pha phách đều có thể mua quanh năm. Các nhà lấy dầu quen, mua ngữ tháng bốn phiên tơ ngày một, ngày sáu. Trắt bán dầu ngắn vốn, lại đi có chừng, chỉ gặp khách mua hóng.

Ngày nào Trắt cũng đi. Thường thì ngại ở lang chạ, chiều đến nhiều khi sang sông về nhà, gà gáy lại vào. Nhưng bây giờ gánh dầu đi có ý khác, tối tối rúc ráy vào ghé lưng nhờ các cửa đình, cửa đền. Mỗi ngày, dạo khắp xó, nhưng thế nào cũng qua nhà đội Quang vài lần. Cổng đóng kín, trên vòm có chòi canh như dinh quan, người lính đứng to hó nhìn xuống. Trắt rảo bước đi thẳng, thế là chưa được cái gì khác, vẫn như thế.

Mấy hôm ấy, trời lại sụt sùi mưa. Đã sang tháng bảy, mưa ngâu sớm ướt sũng đất. Cả một vùng xám mờ như trời buông xuống những cái màn cửa nhuộm chàm che khuất chiếc bè gỗ, bè nứa, các ông lái đường ngược đương nằm hút thuốc phiện. Tự dưng, đến người cũng bực bội, bứt rứt. Chặp tối, Trắt đỗ gánh cuối phố Hàng Gai, vào mua nắm cơm muối vừng, ăn xong ra vại chiêu ngụm nước lã rồi xuống đình Hàng Hòm. Tối rồi mà còn vắng, mọi khi, vào giờ này, đám thợ tiện, thợ xén sách, thợ khắc ván các phường quanh quẩn đã tụ tập. Biết thế nào, vì trời mưa, vì nhiều việc phải làm đêm, hay đã hết lứ hàng, người ta về quê cả.

Trắt để ý, mà không quan tâm. Trắt đặt hai thùng dầu vào góc khuất trong lưng cột rồi ngồi xuống lấp sau bậc gạch, cho khỏi chói mắt, ngạt mũi vì bấc đèn dầu sở khét lẹt ở hàng nước phía ngoài tạt gió vào, khói tuôn cuồn cuộn.

Nhưng rồi cũng chẳng chợp mắt ngay được. Trắt vẩn vơ nhìn sang ngôi hàng nước dần dần đã có người đến xúm xít ngồi kín trên những nửa mặt cây vầu đặt quanh chõng hàng. Hàng nước chè tươi đình Hàng Hòm nước ngon đã được tiếng. Thấy bảo lão quán này kỹ tính. Chè tươi thì thửa chè đồi trong Chương Mỹ đem ra. Nước đun, mua nước giếng đất gánh tận chùa Bà Ngô cạnh Giám. Bát nước múc ra xanh óng, uống đến bỏng môi, nhưng đậm giọng, nhiều người đã nghiện chè tươi quán đình Hàng Hòm. Người uống quen là phải, bởi chưng cũng không phải lão quán chỉ bán nước chè xanh. Cái đóm nỏ, cái điếu cày lúc nào hút cũng giòn tanh tách thì chẳng kể, và cũng chẳng có là bao mấy thứ khác, nhưng sau lưng lão xếp một dãy vò rượu Kẻ Mơ. Cái Kẻ Mơ chính tông mới ngọt giọng làm sao. Uống suông cũng được vài chén, khách ngổ ngáo thì cứ vài hơi đã hết be.

Những khuôn mặt vuông vức nhấp nhoáng quanh ánh đèn, trông dữ như mặt thằng quỷ ở bên vạc dầu chỗ cảnh thiên đường địa ngục trên chùa. Họ đương rượu. Xem ra không phải mấy cánh thợ mọi khi. Có người vắt vẻo trên đầu mảnh vải thâm gấp đuôi khăn tai chó, như lái bè lái buôn trâu dưới bến lên hay ở trong cửa rừng ra.

Tường vách, kèo cột cửa đình nhem nhuốc ám khói bếp nấu nước, khói thuốc lào, hơi người, đã lâu năm két lại lẫn màu nâu sổng của những khách ngồi quanh, mọi thứ đều đen nhẻm như trong lòng chảo.

Những câu chuyện cũng lạ tai. Họ cãi nhau về cách bẫy chó, đánh chó, lừa chó.

- Quả mướp, quả nướng thui chín nục quăng ra, thằng chó tham ăn càng hăng càng chết. Thấy khói bốc tưởng miếng đớp được, ngoặp một cái, thế là hai cái hàm dính lại, rụng ngay hết răng. Chỉ còn nằm mọp, rên ư ử.

- Không xong. Có thù con chó thì làm vậy thôi. Chứ cũng không lọt vào nổi đâu.

- Sao không xong?

- Nó không há được mõm, thì nó cũng rên, cũng rú váng lên chứ. Thế là nó đánh trống ngũ liên báo cướp được rồi.

- Này bảo cho mà sáng mắt ra. Thằng kẻ trộm không đánh bả, không ném mướp nướng lừa chó bao giờ. Trò trẻ ranh!

- Mắt tao đã thấy mà.

- Cách vào này thì thần tình lắm. Có ghét con chó thì lúc ra, ném lại ít bả. Thế thôi.

- Ha! Ha!

- Tay này vẫn làm thế đấy.

Trắt đoán bọn này không đầu trộm thì đuôi cướp. Vào giữa phường sầm uất thì làm trộm, ra đầu ô vắng vẻ thì thành kẻ cướp. Tối đến, tù và, ốc, trống ngũ liên loạn xạ. Khắp các phố, những tiếng khiếp đảm hú vào các đầu hồi, các cây bương nứt ống, những ngọn cau tùm hum như có người ngồi rình trên ấy. Nơi nơi im thin thít đợi cơn hoạn nạn đến. Nhà phải người ném mồi lửa. Người bị chém sã vai... Tất cả nem nép trong bóng đêm, mưa ồ ạt rơi trong cơn giông, đêm nay cũng thế, trông ra trời đất thảm xịt như ai bịt mắt. Cái đèn dầu chẩu trước điếm canh đầu phường đứa nào đập vỡ đã tắt ngóm từ bao giờ để dễ bề khua khoắng. Trắt đoán bọn này tụ bạ rồi đi cướp, hay xé lẻ ra đi thón từng nhà. Bọn này đây. Trắt nghĩ ra một việc, việc khác, việc đương cần.

Trắt lò dò đến ngồi cạnh. Một người quát vào mặt Trắt:

- Thằng tuần phường Hàng Hòm à?

- Trói cổ thằng này, tội vạ đâu tao chịu.

- Không có thì chốc nữa nó cũng gông ta lại. Đem chọc tiết thằng này để tế cờ, anh em ơi!

Trắt vội nói to:

- Em là thằng bán dầu, các liền anh cứ hỏi ông chủ quán nước thì biết.

Một người trợn mắt hất hàm ý hỏi chủ quán. Nhưng ông lão không nói gì.

- Thằng bợm mắt lấm lét thế kia mà đi bán dầu a?

- Đêm nó đào tường khoét ngạch, ngày nó bán dầu.

- Không, nó là thằng tuần đi rình mò...

Trắt vào xách hai thùng dầu lại cho mọi người nhìn. Rồi kể lể:

- Nhà em ở bên kia sông, mấy hôm nay hàng họ ế ẩm quá. Ngủ đây cho gần, mai có buổi chợ cầu Đông.

- Ngày đi bán dầu, tối đi ăn trộm cũng thế. Nhập bọn với chúng tớ được.

- Em không có tài, chứ em cũng thèm.

- Tài tải tài tai, tài tai cái tai bị cắt ấy mà.

- Ngồi xuống đây làm một chén. Hay là mày uống chỗ dầu ế no say rồi.

Một con xọt xành bám trên hốc cột gõ mõ cành cạch. Con xọt xành kêu hay con mối chép miệng đớp muỗi, con dế tỉ tê rên rỉ thâu đêm, cũng thế - chẳng trông thấy con xọt xành đâu nhưng tiếng xọt xành lại thành câu ví von. Mọi người cười khục khục cùng bật một nhịp:

- Xọt xành là anh kẻ trộm! Xọt xành là anh thằng kẻ trộm!

- Thằng xọt xành nhầm nhà rồi. Chúng anh đây đi ăn trộm mà có đứa nào dám đến đây khiêng các hũ rượu của ông quán đi đâu!

Ông hàng nước cắm cúi bê hũ rượu chiết ra từng be, từng ống nứa rồi ra ngửa mặt cười khà. Đích thị! Đích thị! Mọi chuyện lại râm ran. Trắt đã rõ, đám kẻ trộm này chợt ngồi đây, chốc lại biến đi.

Một người nói:

- Này các đằng ấy, rượu vào rồi ra ngồi phơi sương, hơi người hả đi nhanh lắm. Mới đêm qua thôi, uống đến nửa đêm ở đây thì tớ đứng dậy, ra bãi tha ma nằm ngủ trên một cái mả, đến canh một thì các cụ dưới mồ lên vành mắt dựng tớ dậy, người chết đánh thức người sống. Tớ đi vào chui cổng chốt phường Hàng Đào đằng kia kìa rồi nậy cửa hiệu cái nhà có tiếng nanh ác ấy, tớ khuân một ôm lụa lĩnh như khiêng cây rơm trên lưng, vừa đi vừa thở phì phì, vẫn còn say, thế mà chẳng có một tiếng chó cắn. Chó đuổi theo chỉ ngửi ngửi, hơi người lẫn với hơi sương rồi mà.

- Bây giờ mới biết á? Cụ tổ nghề đã dạy sách ấy từ đời nam nứ kia! Cái rượu nó bốc hơi người đi, không phải cái xương cốt gì đâu.

Trắt tưởng tượng ra chốc nữa ở đây rồi họ phắt lên các nóc nhà, bờ tường, xuống ao chuôm, cả rừng chông trà, hàng chục ròi cổng chẳng là gì cả. Tiếng tù và, tiếng ngũ liên đêm nào cũng hốt hoảng thấp thỏm thì biết được trong thành, ngoài cửa ô nhộn nhạo trộm cướp thế nào.

Trắt mon men:

- Nghe các ông anh nói em sướng cả bụng.

- Sướng là làm sao?

- Sướng là cái nỗi những đứa nứt đố nổ vách lúc nào cũng bở vía, tóc gáy cứ rợn lên thế thì đến rụng trọc đầu mất.

- Ừ, nghe mày nịnh thế tớ cũng nở hai lỗ mũi đấy.

- Đàn anh cho em theo với.

Một người cười ha hả:

- Đội Quang mai về đấy. Rồi mày đi báo đội Quang chém chúng ông, đầu chúng ông là củ chuối để mày xách đi lĩnh thưởng a?

Trắt rụi mắt:

- Không, em nói thật.

Một người khác trầm ngâm:

- Nhưng mà chúng tao không phải kẻ trộm kẻ cướp đâu.

Trắt ngần ngừ.

- Nói thực, em theo học các ông anh.

- Học cái gì?

- Tay không mà đâu cũng vào lọt, như lúc nãy chư ông nói.

- Được rồi, tối nay tao uống mày chi tiền rồi tối mai tao cho đi theo.

- Vâng ạ.

Đến lúc Trắt gà gà mắt tựa vào tường thì các tay anh chị nọ tản mát đi lúc nào không biết. Trong tiếng mưa khuya, câu chuyện phảng phất như ngủ mê.

Hôm sau, Trắt lại quảy gánh dầu đi qua cổng nhà đội Quang có đến mấy lần. Nhà đội Quang ở gần đầu ô Chợ Dừa. Một dinh cơ của một quan lớn mới được bổ vào Kinh để lại. Đội Quang chuyển trên Sơn xuống, thấy cơ ngơi khang trang thì ông đội mới có công to cử vừa xin lên trên, vừa ở luôn. Thế lực đội Quang dấy lên, mỗi lúc một hống hách, quan dạng. Xa trông dưới những cây cau, mái nhà ngói bát vần, giàn trầu không xanh thẫm leo phủ bên bể nước mưa trước hiên. Ra ngoài phường, các dinh thự nhà quan đều xum xuê nhà cửa vườn tược thế.

Nhà đội Quang cũng dinh cơ; lại là nơi xét xử giam cầm người, không biết trên huyện hay Bắc thành cho mở công đường hay cái lệ đội Quang ở trên Sơn vẫn tự tiện vậy, bây giờ được lên chức lãnh binh lại càng ghê. Có đủ lệ bộ như công đường quan án đầu tỉnh. Lính gác, lính tuần, lại ông lục, thầy cai, thầy thừa - chẳng rõ có thật các chức tước ấy không, những người có việc kêu cầu, kiện cáo thường quen xưng hô đội lên chức thầy, chức quan lớn, người ta càng khiếp đảm vì ở nhà đội Quang xử tội rồi giết người được cả: đánh đòn, bỏ rọ trôi sông, đâm chết tươi, đem chôn. Trong các hàng quán ở đất Kẻ Chợ, tuy đội Quang mới về, cũng chẳng phải quan nhất quan nhì hàng tỉnh nhưng người ta đã thì thào về cái tính cục cho toi mạng người không ghê tay của quan lãnh mới được thăng.

Trắt nhìn hàng rào những cây vông hoa đỏ như tiết, mà ngẫm nghĩ về câu chuyện trộm cướp tối hôm qua ở đình Hàng Hòm. Trắt tưởng tượng có một đêm Trắt ra nằm bãi tha ma một hai trống canh, nhạt hết hơi người rồi Trắt vào leo qua cái hàng rào ô rô, leo khéo thế nào để các chòi canh trên tường không biết, cả đàn mấy chục con chó săn lùng sục suốt đêm quanh tường không đánh hơi ra. Trắt lọt vào tận buồng đội Quang. Bấy giờ mới phải tính thế nào đây, cắt đầu cả con vợ nó, hay chỉ một mình thằng chồng. Thôi, tội ai người nấy chịu.

Trắt đương nghĩ như thế, nhưng đến lúc cảm thấy một bên vai nặng trĩu cái đòn gánh và đôi lúc gió thổi dạt làn nước mưa xuống cái lòng nón sụp trên mặt, như cả vòm trời xám xịt ụp xuống. Mới lại nhớ đương quảy dầu và xưa nay chưa biết trèo leo, nạy cửa, vượt mái nhà như kẻ trộm, kẻ cướp, làm sao chui qua, trèo qua được cái bờ rào ô rô rậm rịt rối lại xoay xở thế nào những cơ ngũ chỗ ăn chỗ ở ra sao trong ngôi nhà ngói mênh mông thế kia.

Nghĩ thế, Trắt xịu mặt. Nhưng một lúc, Trắt lại hy vọng, không biết hy vọng gì. Trắt quay lại, qua cổng nhà đội Quang lần nữa. Chặp tối, Trắt trở lại đình Hàng Hòm, đòn gánh trên vai như đêm qua. Về đây, Trắt lại có ý mong và hy vọng rành rõ.

Nhưng đêm tạnh ráo mà đến khuya cũng chẳng thấy bóng dáng người nào tối hôm qua. Có mấy đám, bọn thợ cối ở Thượng Thanh lờ vờ ra, đi cả ngày chẳng ai gọi tối lại về tá túc đây. Rồi vẫn thợ tiện Hàng Hòm, Hàng Tiện, thợ khắc Hàng Gai. Những bọn này vùi đầu vào đám xóc đĩa trong góc tường, thỉnh thoảng ra làm bát nước, bát rượu lảm nhảm khấn cho khỏi cơn khát nước, rồi lại nhảo vào đỏ đen.

Trắt hỏi lão quán:

- Đám hôm qua chẳng thấy tăm hơi nhỉ?

- Dào ôi, đã sang cả bên kia sông lại xuống ô Đồng Lầm, đi như ngựa, có khi gần sáng mới mò về. Có khi vắng cả tháng.

- Các anh ấy đi dắt đất?

- Hình như bên kia sông, tận trên bến Bỏi. Đi ăn cướp mà lại được tiếng tướng cướp. Đã nghe tiếng tướng cướp bến Bỏi bao giờ chưa?

Mấy đêm nữa cũng không thấy người nào đến.

Trắt chịu khó chờ, dẫu biết chim trời cá nước, khó lòng còn có khi gặp. Có đêm lại rả rích mưa, Trắt vẫn mò về Hàng Hòm, rồi ngày lại ngày, quảy hai thùng dầu qua các phố. Như thường lệ, đi đường nhà đội Quang, Trắt nhẩn nha, thong thả đếm từng bước.

Đến những cây vông trong bờ rào ô rô - cái vườn rộng thênh thang như vườn nhà chùa, rồi tới hai cột trụ cổng vào, những búi cỏ ấu lầy lội bùn cát pha. Cũng chẳng lạ, lối này ra đường thập đạo, người qua lại, quân trảy chẳng lúc nào ngớt, nếu lâu lâu không mưa thì những cây muỗm, cây đề, cây gạo ngoài ngã ba, bụi đường nhuộm đỏ xuộm cả gốc cây, cả vòm lá.

Đằng sau, tiếng vó ngựa lộp cộp. Nhìn lại, không phải, một người tráng đội nón chóp, giơ cành tre dứ lên đầu bốn con trâu chen nhau định bồn, miệng quát “họ... họ...” dồn cho trâu chững lại. Bùn nhóp nhép vết chân trâu, thảo nào bờ cỏ ven đường nhàu nát, ngả rạp thế. Nhưng hôm nay không phải ngày chợ. Mà trâu bò các làng đem vào bán chợ cũng không qua ngả này. Đàn trâu này mẫm mạp, béo nây tròn khoáy mông, dáng trâu vỗ béo, trâu thịt, không phải trâu cày. Lại nhà quan nào có tiệc trong thành...

Bốn con trâu bị quát “họ” loanh quanh dồn lại trước cổng nhà quan đội Quang. Người tráng đánh trâu kéo cái ốc đeo bên vai, nghiêng cổ, phổng má thổi tí... u... tu... tí... u..., mấy tiếng ngắn. Lính trên chòi chạy xuống, cũng vừa lúc người trong sân cầm cái chìa khóa tất tả chạy ra. Hai người cùng rầm rầm cong lưng đẩy cái cổng sang đôi bên. Phía đường lát gạch men quanh khoảng sân rộng liền tới những tòa ngang, dãy dọc, nhà lính tráng, nhà cối xay cối giã với kẻ ăn người ở cạnh nhà bếp chầu vào ngôi nhà trên, cơ ngơi nhà quan đại thần cũng còn thua, rõ như thế. Vì mấy đời trước, vua chúa đã vào trong Kinh, đất Kẻ Chợ chỉ còn là nơi đô hội, dẫu cho có quan tổng đốc Hà Nội đấy nhưng lâu đài, thành quách mọi thứ đểu hoang lạnh và luật pháp thì tờ lệnh cũng bằng mảnh giẻ, quyền vua phép nước đều lụi bại chẳng ra thế nào. Đâu đâu cũng vỡ đê vỡ đường, đến con châu chấu, con chuột, con cào cào cũng nổi lên thành giặc tụ hội hàng vạn hàng triệu con về phá tan cánh đồng hàng tỉnh. May ra các quan võ còn có quyển chứ văn quan chỉ biết ngậm cái bút lông mèo không há được miệng chẳng ra ngô khoai gì. Bởi vậy, chỉ mới ông lãnh, ông đội ở đâu thì dinh cơ đã ra trò. Lại hung tợn quyền sinh quyền sát như đội Quang thì trong thành ngoài cõi đều một phép, trông thấy thì cúi đầu, đi qua cổng phải bước nhanh.

Đàn trâu thịt được đánh vào trong cổng. Thế là nhà quan sắp có tiệc. Người qua đường chợt thấy thì đoán vậy, nhà quan lãnh mới, tân quan, tân chức phiên nào cũng có tiệc. Khi thì đàn trâu mộng, cùng các gánh cá chắm, cá chuối vừa đánh dưới hồ ao hay sông Cái lên được lần lượt quảy theo. Trắt phải đỗ gánh dầu đợi mấy con trâu vùng vằng quăng quả chịu qua cổng đã. Nhưng Trắt cũng không vội. Mà lại ra ý lân la đứng lại. Trông thấy con cá, chẳng hiểu cơn cớ sao, Trắt lại nghĩ thằng đội Quang ở trong kia cũng bằng con cá nằm trên thớt - quanh quẩn xó nhà thì khác nào trên thớt chốc nữa ông thò tay vào, cầm con dao hạ xuống chặt khúc. Có lẽ sự sốt ruột đã khiến Trắt nghĩ ra thế, như thật. Chứ đã được lần nào nhìn vào, đã biết đội Quang mặt ngang mũi dọc ra sao. Ngay phía trong cổng vừa mở, mới thoạt thấy lần đầu. Bọn kẻ trộm ở đình Hàng Hòm nói đúng, phải có người dắt đất, phải thông thuộc đường trong ngõ ngoài như nhà mình rồi mới hòng. Vậy thì ta chưa ra đâu vào đâu. Trắt lại dùng dắng ngẩn ngơ.

Đàn trâu đã được xua khuất vào vườn sau. Trắt gánh dầu men sang bên cổng, không để ý người lính canh trên chòi đang chăm chăm nhìn xuống. Một tiếng gọi bên trong lanh lảnh:

- Hàng dầu, này hàng dầu!