Kẻ Cướp Bến Bỏi

Chương I

Docsach24.com

êm ngồi một mình

(Độc dạ) [1]

Một mảnh đất vừa ồn vừa thấp ở nơi thành thị

Một con người vừa già vừa ốm giữa trời đất

Đem thân ra đời đã thành người thừa

Náu vết hãy chịu lầm than vậy

Nhưng nạn rét nạn lụt cứ liên tiếp phát sinh

Huống chi dân đen bị tai nạn chưa được hồi phục

Không có một sách lược gì cho đời được thái bình

Thẹn mình là nhà nho mà tầm thường đến thế.

Vũ Khiêu (dịch nghĩa)

Trong lúc ốm

(Bệnh trung)

Là một anh đồ hủ, thân tàn mà chưa chết

Cố gượng mang bộ xương mỏi mòn còn phải nhờ người nâng hộ

Nép mình giữa trời đất, thương bàn tay cô đơn

Ngoảnh nhìn con đường mây khói, chí cả chưa được vùng vẫy

Biết bao giờ được về ở yên trong tổ như con chim én

Một ngày kia lại thẹn với đàn quạ đậu nơi vườn tốt tươi

Chú bé con không hiểu cái bệnh Duy Ma của ta

Cứ hỏi luôn rằng: vành đai lưng có gầy đi phần nào không.

Hoàng Trung Thông (dịch nghĩa)

Chải đầu

(Sơ đầu)

Một đời đã phụ cả năm xe sách

Trải mãi gió bụi, mái tóc càng thưa thêm

Tâm sự và tóc cần chi phải so sánh ngắn dài

Đến lúc đã rối bời thì cũng rối bời như nhau.

Xuân Trang (dịch nghĩa)

Chiều tà, say trở về

(Bạc vãn; Túy quy)

Say mềm, đi về không cần người đỡ

Cả một dải sông mịt mờ những khói cùng tre

Lầm rầm khẻ hỏi bông hoa sen

“Có đỏ được bằng mật rượu của ta không?”

Nguyễn văn Bách (dịch nghĩa)

Họa bài thơ thọ 70 tuổi của ông Kinh Doãn họ Nguyễn - Nguyễn Công Trứ

(Phục họa Kinh Doãn Nguyễn Công thất thập thọ, thứ vận)

Một mình ngồi chống tay vào cằm nhìn về núi phía nam

Xa tưởng đến hồi tiên sinh còn chưa già

Sự gặp gỡ của bậc anh hùng từ xưa vẫn khác thường

Những người tuổi cao đức cả (như tiên sinh) ngày nay thật hiếm

Mùi đời đã nếm đủ rồi rút cục vẫn cần đến rượu

Cấm ngặt hoa sương không cho bén vào râu

Nghe nói người muốn quay về ngọn núi Hồng

Có lẽ sáu mươi chín năm qua đều là sai cả.

Trúc Khê (dịch nghĩa)

*  *  *

Phải khi mùa hanh hao, gió bấc thổi đêm ngày liên hồi kỳ trận, trời đất mù mịt trên sông Cái, thoạt trông sang chẳng thấy Bà Móc, chợ Cầu Cháy đâu, cả đất Kẻ Chợ vùi vào làn cát đỏ rực. Song để ý kỹ, dần dần nhìn ra những cái nan, cái thúng, người với gồng gánh sang ngang và đôi chốc, một cái mảng, một chiếc thuyền đại tạt vào ăn bến chợ ông Nước, bọn người neo lái phải vừa chèo vừa hò ơi ới để lấy đường nước giữa làn cát mờ mờ táp vào mặt. Tưởng như gió cát triền miên, đò giang cách trở thế, chẳng mấy ai qua lại, thế nhưng mọi đồn thổi thì chỉ một nhát, bên này sông, bên kia sông đã dậy lên.

Cái tin ông giáo thụ Cao bị hại ở Kệ đưa về đến Dâu Chùa hầu như ai cũng biết. Dĩ nhiên bởi có người ở các xóm trong bãi dâu này bấy lâu đã đi theo ông. Ai cũng còn mong ngóng tin tức người khác nữa. Nhưng cái hung tin ông giáo thụ bị chém chết, lại nói rõ bị đội Quang đã khét tiếng ác ở Sơn Tây chém ngã ngựa giữa trận thì đích rồi. Có người làng khi vỡ trận chạy từ trên ấy về đã kể được mắt thấy rõ ràng.

Có một người bụng nóng như lửa đốt, ấy là cái nhà Cõi ở làng bên. Cõi đã cắp sách cắp tráp hầu thầy từ hồi ông giáo thụ còn ngồi bảo học ở làng nhà. Rồi thầy vào Kinh làm quan, chẳng biết phạm thượng phải tù tội thế nào, đến khi thầy về phủ Quốc làm giáo thụ, nhưng làng nước cứ gọi tôn lên chức huấn đạo. Thầy về làng ai cũng một điều thưa bẩm quan huấn. Thầy lại gọi Cõi lên theo.

*  *  *

Tháng ba ngày tám, rồi những khi chưa đến kỳ hạn tải dầu xuôi, Cõi lại lên phủ Quốc. Thôi thì cắp sách hay cắp tráp, mài mực hay cầm cờ, cầm súng vẫn một dạ vậy. Một ngày nên nghĩa, vả chăng, Cõi cũng được đứng hàng môn sinh, đồng môn học trò thầy. Hàng năm, đồng môn thuộc ngày kỵ hai cố sinh ra thầy, hay khi cơm mới và tết nhất, thầy ở nhà trong làng, thầy ra ngoài đình Ngang hay trên hồ Tây, Cõi cũng được dự. Gia cảnh thầy thanh bạch, nhưng một nhà có đông đủ học trò bố, học trò con, đồng môn đơn đồng môn kép, thật phúc đức hiếm thấy.

Ngày thầy Cao về phủ Quốc rồi nổi quân, Cõi theo ngay. Cái gánh dầu kiếm ăn độ nhật để nhà cho mụ Cõi. Ra đi, chỉ nói: “Này nhà nó, thầy nhắn việc nước như lửa cháy, ta phải đi đây”. Mụ vợ vùng vằng, lẩm bẩm: cháy thiên hạ chứ cháy đâu nhà mình mà mua việc. Chẳng biết Cõi có nghe tường câu than vãn ấy không, nhưng Cõi đã đi buột ra ngoài cổng rồi. Vợ Cõi gánh dầu đi bán các xóm, hết lại sang đong bên bến Bà Móc. Bần cùng mới phải lấy xỉ thế, chẳng được mấy lời lãi.

Thỉnh thoảng, đôi khi Cõi về, đi cất dầu trên phủ Lâm rồi nhờ bè mảng thả về. Khi đi khi ở, chẳng nói chẳng rằng, cứ lậm lụi thế, nhưng thực thương vợ vất vả, con cái lại muộn mằn. Người vợ cục tính, có hôm về, Cõi phải lụi hụi thổi cơm lấy. Cõi chịu nhịn vì Cõi biết mình cũng phũ tính, nó mà cằn nhằn, ỷ eo thì Cõi vật cổ, đòn nhừ tử ngay. Chuyến vừa rồi, Cõi về, đã mấy phiên hết dầu, mụ vợ ở lỳ nhà. Cõi cũng động lòng, lại tất tả lên ngược. Rồi xin chân đẩy bè gỗ, để ghé được cả chục thùng dầu chẩu. May mà lúc ấy Cõi nhớ ra, ngóc dậy, cố neo cái bè ghé được vào đậu bến chốc lát, không đến nỗi trôi thẳng. Chỉ vì mấy hôm Cõi lên cơn sốt rét, nằm run trong lều mảng. Rõ lạ, ở trên Kệ, cả tháng trong rừng, leo núi nhoăn nhoắt như con tườu, thế mà chỉ một phiên qua Hưng đã ngã nước. Vừa dứt cơn sốt, lại sốt ruột trên Kệ Sơn. Từ khi rút vào Mỹ Lương thì có cơ dừng chân lâu được. Nhưng mà rồi thế nào chứ, đâu lại chịu ru rú trong xó rừng. Chắc là thầy mong... Cũng vì cứ lo, cứ thao thức thế đâm ra tỉnh ngủ, may mà canh chừng nhớ được bến làng...

Nhưng mà, khi quá gian lao, người ta hay gắng sức, sau rồi mới thấy nhọc. Bước vào nhà, Cõi bíu tay lên cái cột hiên, hai đầu gối còn run. Con ma làm bệnh sốt rét, càng khỏe nó càng hành, tưởng lại quị. Rồi Cõi nằm liệt giường cả phiên chợ, mặt hốc hác bệch như mảnh giấy bản. Vừa mới ngóc đầu dậy được thì cái tin thầy Cao chết trận ập về. Cõi ngồi lên, tựa lưng vào vách. Cõi cứ ngồi như pho tượng, từ chiều cho đến nửa đêm.

Cõi còn nhức nhối hơn cả lúc đương cơn sốt. Mới tháng trước, Cõi về trong Kệ. Mấy năm đi hầu thầy khắp các trận, từ phủ Thanh Oai vào phủ Ứng Hòa, sang bên Quế Quyển, đến khi ngược lên phủ Quốc lượt nữa, chạm trán với quân lãnh binh Sơn Tây rồi mới lui vào Mỹ Lương. Thong thả, Cõi được thầy để về lo việc nhà ít ngày. Bấy lâu, thỉnh thoảng thầy vẫn cho thế. Thì Cõi lên ngay phủ Lâm lấy dầu về. Định ở nhà vài phiên đi bán đỡ mụ ấy. Thế mà bây giờ nghe thầy bị đụng ở Kệ, thầy đã chết ở Kệ, vậy là ra làm sao?

Cõi không thể tin. Vừa mới hôm nào ở Kệ với thầy kia mà. Đến hôm có người trưởng tràng lẻn đến bảo nhỏ:

- Mai đồng môn cúng năm mươi ngày thầy.

Cõi mới nửa tin nửa ngờ. Lừa một lúc mụ ấy đi đâu, Cõi chống cái đòn cán, buông cửa, đi đến đấy. Đám đồng môn cúng năm mươi ngày thầy làm kín ở một nhà ngoài đầu đồng. Bọn chức dịch mà biết thì phải mang vạ nên không mổ lợn, thịt trâu cúng và không ăn uống, mà chỉ thắp nén hương, những nén hương đen châm lên rồi cẩn thận quây cót cho khói tụ bay lên trời, trong xóm không ngửi thấy mùi hương cúng. Hầu khắp các học trò thầy đến. Người trưởng tràng quỳ lạy trước bàn thờ có bài vị thầy, gào hai tiếng: Ô hô! Ô hô! Rồi khóc rưng rức.

Bấy giờ Cõi mới ngờ ngợ thầy đã mất thật. Cõi về, nằm như bị sốt lại mất nửa buổi. Hôm sau, Cõi lử khử bảo vợ:

- Sớm mai, nhà mày cho tôi một nắm cơm.

- Người còn như con sên thế, đi đâu?

Cõi thở dài:

- Phải ra ngoài xem thế nào.

Mụ Cõi gắt:

- Xem xỏ cái gì?

- Chưa biết à?

- Làng này còn mấy đứa toi theo rồi. Rõ ở dưng chẳng lành...

- Ông vả vỡ mồm bây giờ!

Mọi khi, thế nào mụ cũng được ăn mấy cái đạp, quả thụi. Nhưng lúc ấy Cõi chỉ trợn mắt, chắc là mắt trắng nhả, trong nhà tối âm sâm, mụ không nhìn thấy.

Hôm sau, Cõi còn lẩy bẩy, cũng chưa đi được. Mụ ấy ở ngoài xóm về, cầm một nắm lá chuối khô lót chõng làm ổ, rồi nằm úp mặt, rên ư ử:

- Tôi... lây con ma rừng... Con ma ngã nước...

Chẳng biết thật hay vờ. Thế là mụ nằm một xó. Đến trưa, mụ trở dậy thổi niêu cơm rồi lại vào chõng nằm rên rỉ không ăn. Mụ hay giả cách, nhưng cũng có thể mụ bị lây con ma ngã nước Cõi đem trên ngược về.

Cõi nói:

- Tao đi đây.

Mụ khóc hu hu:

- Giời đất ơi, đi mà chết, người ta đi chết kia kìa.

Hôm sau, Cõi đi từ gà gáy. Cõi sang bên Sủi xem thế nào. Cõi tất tả đi. Một lúc, ngước nhìn, thấy đỏ xuộm. Không phải mặt trời đã mọc, mà lúc ấy mới tang tảng sáng. Đương mùa cày, không phải lửa đốt gốc rạ sưởi của trẻ chăn trâu bỏ trên cánh đồng còn âm ỉ đến sáng. Cháy, cháy rồi. Cháy làng, cháy cướp đốt làng. Cõi ba chân bốn cẳng chạy về phía ngọn lửa bốc trên lũy tre, càng đến gần càng rõ đương cháy ở Sủi.

Chợt nghĩ ra, có thể quân quan về đốt làng, tróc nã họ Cao. Cõi vừa lo vừa thấp thỏm, thở hồng hộc. Cơn sốt mới dứt, tưởng đứt hơi được. Nhưng một sức mạnh lạ lùng đẩy Cõi chạy băng băng.

Cõi đã lên đến trên một gò cao ven bờ đê. Đường vào làng trước mặt, Cõi đã thuộc làu mỗi quãng. Cõi đứng sững, bởi vì đúng, đương cháy to trong làng Sủi. Quân quan về giết người, đốt làng rồi. Cõi bủn rủn tay chân, toát mồ hôi lạnh. Không phải vì gió cũng không phải những cơn sốt làm bải hoải cả người, mà Cõi trông vào trong bóng mờ lũy tre, trong ấy tàn lửa vẫn bay đỏ hon hỏn từng mảng. Những mắt tre, mắt vầu nổ ran như pháo lệnh.

Tịnh không một bóng người. Bao nhiêu người đã chết vùi trong những đám cháy, có lẽ suốt cả ngày đêm qua. Cõi dậm chân than nôi cái mụ vợ đã cản, đáng lẽ Cõi về được Sủi từ hôm trước. Thế này là thầy Cao đã mất thật rồi. Người đi làm giặc, quan quân về triệt hạ làng. Khói những đám cháy bốc lên, tỏa ra làn mây đen vần vụ.

Chỉ nghe tiếng nổ, tiếng lửa lên thành gió phừn phựt. Cả buổi sáng, một màu lửa đỏ khé máu. Cõi cứ đứng ngay đơ như cái cột vách.

Trong con đường cổng đồng cuối xóm, thoáng một bóng lũi cũi ra. Chưa nom rõ là con chó, con trâu hay là người. Thoắt một cái, từ bóng nhập nhoạng, đã hiện lên trước mặt Cõi một thằng bé cởi trần, đóng cái khố một cả người xanh xám như ám khói, như trong bùn chui ra. Thình lình thấy người, thằng bé rụi xuống, chắp hai tay lên đỉnh cái đầu trọc vái khóc thút thít.

- Lạy quan nhớn, lạy quan nhớn...

Cõi xốc thằng bé dậy. Da dẻ nó lạnh như đất. Thằng bé chỉ trạc bảy, tám tuổi, đầu cạo trọc lông lốc, nắm tóc hoa roi dài đến vai - rõ cái hoa roi “tóc học trò” như Cõi ngày trước.

Cõi vỗ cái lưng trần thằng bé.

- Tao không phải quan nhớn, đừng sợ, đừng sợ.

- Thế... Thế... quan là...

- Tao đi chợ Sủi.

- Không có chợ Sủi đâu. Bác chạy đi, chạy đi. Các quan ra bây giờ thì chết hết.

Rồi thằng bé vùng khỏi tay Cõi, vọt đi. Không biết thế nào, Cõi đuổi theo thằng bé. Đến một quãng khuất bên kia đê, nhìn lại không còn bóng lửa cháy trong chân tre nữa. Cõi giữ vai thằng bé, thằng bé cũng đứng lại thở, mặt càng xanh mét.

- Đứng chơ vơ chỗ này cũng không được. Xuống dưới kia, chui vào cây rơm trong cánh đồng khô.

Hai người núp vào chân đống rạ ải giữa ruộng.

- Làm sao cháu lại phải chạy trốn thế này? Lính đốt tàng hả?

- Mấy hôm rồi, lính bắt người, hôm qua còn trói đi. Người già cũng phải đóng gông vào cổ. Bố cháu đẩy cháu vào ruột cây rơm, bảo ở yên trong ấy. Loa gọi cả xóm ra đình, cả trẻ con nữa. Rồi đi đốt nhà, ai cũng phải nhảo ra.

- Thế bố mẹ cháu đâu?

- Bố cháu mẹ cháu sợ loa quá, đi rồi, đi đâu cháu không biết. Bảo cháu cứ đợi đấy, chốc thì về đem theo. Đến lúc thấy lính vào đốt nhà, cháu sợ lính ra đốt cây rơm, cháu mở mắt thấy nhà cháu cháy, cháu chạy lên đây. Bác có gặp bố mẹ cháu không?

Cõi toan nói: “Có khi quan bắt rồi, giết cả rồi”, nhưng Cõi chỉ nhìn thằng bé, lặng im.

Thằng bé ho bụi rơm rồi nức nở. Cõi nói:

- Im, im để tao nghe thế nào rồi đi với tao.

Đến quá trưa, hai người ra khỏi đống rạ. Đường sá lạnh tanh. Mọi khi, hôm nào chẳng có ba buổi chợ, cả chợ trưa ở các đầu làng, trên đê, dưới bờ sông. Hai người lại chạy, đã xa lắm rồi, đã qua những bờ giếng dat bèo ong xanh om và vào bờ tre, thấy vẻ êm ả bình thường, the nhưng vẫn chẳng gặp người, không đâu có khói nóc bếp. Những làng tận bên này gần đường cái quan cũng lây cơn hoảng hốt, bỏ đi hết. Một chốc, văng vẳng tiếng nghé ngọ, con trâu nào có người dắt chạy đằng kia, con nghé bồn theo. Nhưng cũng không trông thấy ai. Rồi lại im như không.

Cõi không trở về làng. Cõi qua đò ngang bến Ghềnh sang Kẻ Chợ. Trong phường phố dường như không biết cảnh tao loạn đang xảy ra bên kia sông. Chẳng kể được người tứ xứ xuôi ngược đường đất đường sông ra các đầu ô, những quân trảy, ngựa chạy hỏa bài, lúc nào cũng tấp nập. Cõi bơ phờ, gày hom, đi với thằng bé lấm bùn đến tận mắt, đóng cái khố lồng dây bẹ chuối. Cũng chẳng ai để mắt tới.

Cõi vào quán nước chè tươi chợ ống Nước gần đền Bạch Mã. Ngồi một lát, đã nghe mọi chuyện. Thế ra bên này cũng đã biết, xôn xao nhất, quân quan đang đốt làng sủi, có cả quân ông lãnh trên Sơn xuống. Các người họ Cao bị đem đi chém hết rồi. Những đồn đại về trận làng Kệ trên Mỹ Lương vân rối như canh hẹ.

Làng Sủi bị triệt hạ, mắt đã trông thấy, mà những tin về thầy Cao bị hại thì thật trái ngược, song chuyện nào cũng rành rọt như thật. Những đồn đại mà Cõi chỉ muốn nghe đầu mối những chuyện nhẹ nhàng nhất, không có càng hay. Người kể: lúc thầy Cao cho trống lệnh thu quân, đội Quang đã lập mưu đánh tập hậu. Bất ngờ, quân gia đã về đến xóm Kệ ở sâu trong thung thì quân đội Quang đổ ra. Thầy Cao bị chém ngã ngựa. Đội Quang chặt đầu thầy, đem về phủ Quốc. Quan lãnh binh bắt nhiều người lên nhận mặt. Lại có người nói thầy bị bắn đằng lưng lúc quân hai bên giáp chiến dưới cánh đồng Yên Sơn. Thầy đang thúc quân ùa lên thì bị một tên nỏ thuốc độc xuyên đằng lưng sang ngực. Thế là quân đang tiến, không nghe tiếng trống trận, hậu quân nhốn nháo chạy dạt trước.

Lại nghe chuyện thầy Cao không chết đâu. Hai bên đánh nhau ở đầu rừng, quân thầy Cao núng thế, rút vào Kệ. Quân địch đuổi chặn. Thầy Cao luồn về xuôi. Quân nghĩa đã mấy lần xuống chợ Tư đánh Bặt, lại còn sang Yên Lạc, sang cả Quế Quyển nên thầy thông thạo đường. Một đêm quân nghỉ, thầy Cao biệt tăm, không ai biết. Chỉ thấy để giấy lại nói thầy đi tìm cứu viện. Bằng như không thấy thầy trở lại thì đừng đi tìm, ai quê đâu về đấy, chí thú làm ăn, đợi thời. Thầy không bao giờ phụ ơn các người bấy lâu theo thầy vì nghĩa cả. Thế thì chưa chắc thầy Cao đã mất. Tuy tin ấy cũng mong manh như mọi tin khác, nhưng Cõi bám lấy, ngỡ như thật. Thầy đã đi đâu, bây giờ ở đâu? Thực ra thì mấy lâu nay quân nghĩa các nơi chẳng còn được như xưa. Nhớ có lần rộn rịch xuất quân từ giữa cánh đồng vào chiếm huyện Thanh Oai. Tưởng như chẳng mấy lúc đại quân đã vượt Quán Quạ, Đại Định sang tận Lủ vào lấy cả phủ Hoài, huyện Thọ, hãm quân quan trong Kẻ Chợ hết đường xoay xở. Thế mà rồi chẳng còn gì. Mấy năm nay xem chừng không mấy nơi nhúc nhích... Chỉ thấy bọn đầu trâu mặt ngựa sạo sục trong phường ngoài trấn, đâu đâu dân tình cũng ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám ho he. Tuy nhiên xem kỹ ra thì tấm lòng hướng nghĩa mong mỏi đến đỏ con mắt vẫn nung nấu. Thầy ta giấu quân vào Kệ cũng là ngấm ngầm đợi các nơi lại ra quân...

Có người nói:

- Nhà đội Quang đã được thăng quan đổi xuống Kẻ Chợ, mấy hôm nay có tiệc to. Lính dắt về hàng chục con trâu mộng. Phen này thì quan đội lên quan lãnh đến nơi.

Có người buông một câu mát mẻ:

- Rồi lên cả quan tổng đốc, khao thăng quan chén cả thịt rồng rồi đi làm cỏ cả một huyện người cho mà xem.

Một người quẳng đồng kẽm trả tiền nước, nói như quát:

- Ừ, tao vừa đi qua cổng nhà đội Quang. Thấy trong vườn nhà nó khói thui trâu um lên. Ăn tiệc mừng công giết được một thằng thầy đổ, khác nào ăn thịt người. Con chó còn biết không ăn xương chó, quân này không bằng giống chó.

Rồi người ấy đi thẳng. Quán nước lại có bọn khác kéo đến, quanh bát nước, vẫn những chuyện ấy. Trong lòng Cõi lại bồn chồn. Tưởng như ở Mỹ Lương vừa qua, nếu có Cõi ở đấy thì biết đâu thầy chưa đến nỗi nào. Thật như vậy chứ. Đã bao phen thầy trò một đồng một cốt kẻ hô người ứng giữa mũi tên hòn đạn mà cứ như vào chỗ không người. Nhớ lần kéo ra phủ Quốc cũng thế, giữa ban ngày mà đến đỗi bọn đơm đó, đánh giậm dưới đồng sâu, trong khe rộc đến người tứ xứ lái buôn tay nải đi qua, nghe quan giáo thụ đã đưa quản về, tất cả kéo ra lạy mừng. Lương tiền các nơi bí mật tải về cả tháng ăn chưa cạn.

Thế mà chỉ một khoảnh khắc đã sa cơ. Làm thế nào mà Cõi về quê có dăm phiên chợ, nhưng khi lên ngược mấy hôm, lúc trở về lại lăn ra ốm. Bây giờ thì sao, Cõi vẫn phập phỏng chưa thể nghĩ là thầy không còn. Thầy còn sống. Phải rồi, vận nước đang như tơ vò thế này, thầy không thể khuất được.

Hy vọng chỉ le lói như ngọn đèn lụt bấc. Cái trận trên Kệ là có thật. Mà hôm nay qua Sủi, thấy lửa đốt làng lan ra tận chân tre, chỉ có mỗi một thằng bé chạy được ra, Cõi đã trông tận mắt. Thế là cái chết của thầy đã lụy đến cả làng, cả họ mạc. Thầy sống khôn chết thiêng, chúng con phải trả được thù này, lạy thầy. Có khi cũng bởi thầy run rủi, con lại nhặt được thằng bé có lẽ dòng máu họ Cao. Nhưng hỏi, nó cũng chẳng biết tên nó. Dẫu sao, đã cứu được thằng bé ở sủi, như nghĩa thầy trò ta vẫn đây.

Cõi và thằng bé theo bến Bà Móc xuống ven hồ Tây. Cái nhà ở đình Ngang cũng gần hồ, đã bán rồi. Vợ con thầy phải trở về làng, chuyến thầy lại vào Kinh. Nhưng Cõi nhớ bên vùng Giám có ngôi chùa Xiển. Sư bác chùa Xiển với thầy vốn tâm đắc, trước thầy thường lui tới, có khi cả tháng đàm đạo chưa dứt chuyện thời thế, chuyện quốc sự. Biết đâu thầy chẳng đã về ẩn ở đấy.

Chùa Xiển tọa lạc ngay giữa vườn, cạnh mấy miếng ruộng hậu. Cảnh chùa tiêu điều, mái lá cọ cột xoan đã xiêu vẹo. Chùa mà đến cái chuông cũng chả có. Mỗi năm, vào tháng hạ, nhà chùa phải khăn gói thúng mủng đi thập phương khuyên giáo cái ăn bù đắp cho qua tháng ngày. Bấy giờ đã sang cữ cuối xuân, trời còn u ám, suốt ngày mưa phùn nặng hạt rả rích như mưa ngâu, thầy trò nhà Cõi về đến chùa thì đã tối, người ướt rũ rượi cả. Cõi vừa ốm dậy, hai bả vai lại đau ê ẩm. Nhưng trông vào chùa thấy ánh lửa lui hui, mừng như đã thấy ấm hẳn.

Cõi khua gậy đánh tiếng từ cổng ngoài. Con chó nhà chùa sủa vang dưới cửa bếp. Có người ra mái hiên, đứng trong bậc cửa.

- Ai đấy?

- Con...

- Con là ai?

- Con ạ... Con người nhà thầy Cao...

- Thầy Cao nào? Cao nào? Nhà chùa kém đói lắm, chẳng quen biết ai đâu.

- Con là người nhà...

- Đừng có rỡn, buộc tội cho nhà chùa. Nhà chùa không quen ai cả.

Tiếng cánh cửa đóng ập lại. Nhưng Cõi đã bước tới trái bếp. Nhà sư xuống đằng ấy, nhận ra Cõi. Nhà sư thì thào:

- Cõi đấy a?

Chỉ được câu ấy, hai người nắm áo nhau, có tiếng nức. Rồi sư Thiện Tâm nói nhỏ: “Chú lên nhà hậu lạy sư tổ. Thảo nào mà lúc chặp tối chim khách, chim liếu điếu kêu râm ran ngoài bờ chuôm, thế mà nghiệm”. Nhà chùa còn vị sư già đã ngoài chín mươi. Nhiều lần đến, Cõi đã biết cụ còn minh mẫn, cũng thuộc mặt Cõi. Nhất là mấy năm trước đây, khi thầy Cao đã ra thiên hạ dấy quân, cứ quãng tiết tháng bảy lại sai Cõi lén quảy gạo về cúng chùa, năm nào cũng vậy, đã giữ lệ. Thầy lại còn gửi lời hẹn sư Thiện Tâm khi nào rỗi thầy về chơi, đánh cờ thế.

Nửa đêm, sư Thiện Tâm và Cõi vẫn thức. Ngoài kia, đôi chốc, một cơn gió dạt dào qua vườn chuối, nước đọng trên lưng lá rơi lộp bộp như mưa nặng hạt. Bấy giờ Cõi mới nói:

- Con xin hỏi thực, quan huấn con đã về chùa nhà chưa?

Sư thầy vẫn như nhìn đi đâu, nhưng câu hỏi lại có vẻ ngơ ngác, lạ lùng:

- Nhà người hỏi thế là thế nào?

- Không, con mong vậy, con hỏi vậy.

- Nhà chùa hỏi thử con thôi, những kẻ tà tâm mới hay vu oan giá họa. Con cũng biết đấy, mấy năm nay, quan huấn không về chùa. Mới đây, được tin người đã khuất núi rồi.

- Con cũng nghe người ta nói. Các quan tỉnh cho quân về đốt làng, giết người bên Sủi thì con đã thấy tận mắt, chỉ còn thằng bé này con đem đi được. Vì không trông thấy cho nên cứ ngợ, cứ mong.

Im lặng một lúc lâu. Tiếng dế rỉ ran, day dứt trong bóng khuya. Rồi tiếng sư Thiện Tâm như văng vẳng, nói lại:

- Quan huấn không về chùa.

Rồi lại nói:

- Cơ chừng thì hỏng mất rồi.

Câu chuyện hai người đàm đạo cho tới tan canh rồi ngoài sân đã tang tảng.

- Nhưng mà hỏng hay không, thành hay bại, con đã định như trình với sư thầy. Thầy con còn sống hay chẳng may thầy đã mất, con vẫn nghĩ vậy. Chúng con đã bàn rồi. Nợ máu thì chúng nó phải đền bằng máu. Chúng con phải trả được cái thù ấy. Con phải đi hỏi cho ra cái tội thằng đội Quang. Cõi tôi mà chết, đã có anh em khác, Cõi khác.

Tiếng giun dế về sáng râm ran từng đợt, rợn người. Khi Cõi đi, thằng bé còn ngủ thiếp. Sư Thiện Tâm cẩn thận mở cổng nhà hậu cho Cõi ra.

- Con gửi thằng bé lại nhà chùa. Cháu mà có cơ duyên, xin thầy cho cháu được xuống tóc. Nếu lâu vẫn không thấy con trở lại, thì nhà chùa biết thế là việc trả nghĩa thầy con chưa xong. Rồi nhà chùa kể cho cháu nghe nguồn cơn gia cảnh nhà cháu như thế, phải ghi lòng tạc dạ cái thù của cha ông.

Cõi ở chùa Xiển đi từ tờ mờ đất thì sang sông về đến nhà cũng xâm xẩm tối. Thầy Cao ngày trước ngồi bảo học nhiều làng trong vùng, mỗi làng có đến mấy lớp môn sinh ăn mày chữ cửa thầy. Có nhiều người đã thành đạt, nhưng cái số quan trường của thầy thì khốn khổ, giữa triều đình rồi mà vẫn còn phải hoạn nạn tù tội, chẳng khác gian nan vào sinh ra tử nơi trận mạc. Cho đến năm phải biếm về làm chân giáo thụ ngồi bảo học ở phủ Quốc, rồi thầy nổi quân, thì lúc ấy cũng là cái thế cùng. Chí lớn không còn thi thố được ở đâu thì phải nổ bùng như vậy, không thể khác. Bảo là bí quá, phẫn chí, bảo là vét hầu bao ném vào canh bạc cả cơ nghiệp, ai đàm tiếu thế nào cũng được. Chỉ có điều thế là chí tiến thủ đã có cơ hội vùng vẫy, trời đất có ta, còn ta. Nhưng từ năm “ông giáo thụ Cao làm giặc” nhiều người sợ. Nhỡ ai hỏi: có phải học trò thầy Cao, đã chân tay bủn rủn, chối đây đẩy, việc đồng môn đóng góp thì lánh mặt từ lâu rồi.

Cõi không được là con nhà, như ai. Chẳng qua điếu đóm hầu thầy, được võ vẽ dăm chữ. Không phải cứ lắm chữ mới là người tử tế. Ai cũng đến lúc có xoay vần mới biết lòng dạ thế nào. Cái tên là Cõi cũng không phải tên tự, tên sách ra sao. Bố mẹ Cõi cũng không ăn mày đâu được một chữ. Cái năm mẹ đi chợ sớm, đến cánh đồng Cõi thì đẻ rơi. Rồi đặt tên thằng bé là Cõi.

Cõi về đến cổng, thấy ngõ rấp cành rong. Chẳng thấy mụ vợ đâu. Mới khặc khừ thế mà giờ biến đến tận tối. Mụ này thất thường, chẳng biết thế nào, có khi ra đầm kéo vó tôm rồi nằm vạ vật ngay ở lều, mà đi chợ thì tha thẩn la liếm đến tan chợ, là người về sau cùng. Ôi thôi, thằng chồng chẳng có nổi của ăn của để, thì con vợ phải ăn mày ăn nhặt từng hạt cơm. Cõi nghĩ qua loa vậy thôi.

Cõi xuống xóm dưới, đến nhà Trắt, - một người đồng môn. Trắt cũng chỉ học thầy được dăm ba chữ, rồi phải khi nhà khó, Trắt đi bán dầu độ nhật, như Cõi. Nhưng Trắt cũng khác Cõi, từ khi thầy Cao “đi làm giặc”, Trắt không theo thầy.

Trắt tự nghĩ: thân phận hèn đớn, chẳng biết đâu những việc triều đình trên đầu trên cổ. Tên là Trắt, có phải con cái cháu chắt nhà ai đâu. Mẹ kể mẹ đi mót lúa về, đương ngồi cắn trắt thì trở dạ, mới đặt nó là thằng Trắt. Ông bà, cha mẹ lặn lội, mấy đời chỉ biết vai buông cái đòn gánh thùng dầu xuống lại vác cái cày lên. Nhưng mỗi khi gặp Cõi thì thầm chuyện thầy gặp gian truân rồi nổi tướng, Trắt cũng vừa ngậm ngùi, vừa lo.

Cõi đến thấy Trắt ở nhà. Có một mình Trắt, cũng dễ chuyện. Đoán có việc quan trọng, Trắt bảo để rủ thêm người nữa, chú này ít tuổi hơn Cõi và Trắt, bây giờ làm ruộng, nhưng cũng là học trò thầy khóa sau rốt, lúc thầy Cao về làng chờ trên gọi đi giáo thụ phủ Quốc.

Cõi nói:

- Thầy ta không thể chết chém như thế được. Nếu thật vậy thì phải đi giải cái oan cho thầy. Ba chúng ta đi tìm giết thằng đội Quang. Kỳ đem cho được cái áo máu, cái đầu, cái tai nó về đặt lên bàn thờ thầy. Các chú cùng anh ăn thề một lời...

Ba người cùng ứa nước mắt. Rồi bàn bạc thâu đêm.

- Thấy bảo đội Quang đã được đổi về dưới này, đợi sắp thăng quan to.

- Thế thì càng dễ.

- Ta sang Kẻ Chợ dò tình hình đã. Rồi tìm cách lẻn vào nhà nó. Việc mạo hiểm, nhưng không thế không xong. Lính tráng nó như rừng, đi một bước cũng gươm súng đằng trước đằng sau, xưa nay nhà quan nó vẫn thế, vừa cẩn mật lại làm oai.

- Ta đi dò la thử xem. Làm thằng bán dầu...

- Nhà quan cách người ta mua cả bè dầu thùng chứ ai đong gáo bán rong bán chợ. Nhưng mà có thể, trong nhà nó còn lính tráng, kẻ ăn người ở.

- Thợ mộc, thợ cối thì dễ ở nhà người ta được lâu. Mà làm gỗ với cái tay luyện đất cứt mối đắp cối, anh em ta cũng thạo cả. Lọt được vào nhà nó thì cũng bằng như sắp túm được sỏ nó đặt lên đĩa này rồi.

- Phải, làm đồ ngõa, đồ mộc còn có thời buổi, chứ đóng cối dễ tìm việc, nhà nào chẳng có cối xay, cối giã, nhất là những nhà đông người ăn như thế.

- Mai, cả ba chúng ta cùng ra Kẻ Chợ xem sao cái đã.

Cuối cái xóm khuất, cả ba người lúc to lúc nhỏ. Cạn chén rượu thì đập vỡ chén. Ai sai lời thì phải chịu chết tan nát như thế. Tưởng như lời thề độc đã buộc người ta keo sơn lại.

Vừa chợp mắt, đã sáng.

- Ta thổi cơm sớm ăn cho chắc dạ.

Người đồng môn nọ nói:

- Cho em về lấy cái khăn gói.

- Ù lên nhé!

Cơm chín đã lâu, rồi dần dà nắng lên lưng bụi tre. Những người đi lưới sớm ngoài sông đã vác giỏ cá về chợ mai. Đám trẻ kéo tôm trong đầm đã bỏ vó, nhảy xuống nước bơi đùa loạn xạ. Vẫn chưa thấy chú ấy trở lại. Trắt bảo để đi gọi. Nhưng Cõi xua tay:

- Ta ăn rồi còn đi. Nó vừa nói lời đã nuốt lời rồi, gọi làm gì!

Thế là có hai người thợ đóng cối sang Kẻ Chợ. Những khi tháng ba ngày tám rỗi rãi, đồng ruộng chẳng còn một hột việc, các vùng hai bên sông Cái thường khi vào kiếm miếng trong Kẻ Chợ vãn cả làng. Người xách người đeo cái bị đựng cái tràng, cái vồ, con dao gọt và quàng trên vai mấy vòng mây đã chẻ khoanh tròn như khua nón, thoạt trông cũng biết những bác thợ cối. Để làm hiệu thôi, chứ cái dăm cối còn phải gọt, phải đẽo gốc tre đực, còn cái đất cứt mối đùn để đắp mặt thớt thì đến nhà chủ ở, vừa làm vừa đi kiếm.

Chú thích :

[1] Những bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát (1808-1854) được dịch nghĩa in trong tiểu thuyết này đã trích ở Tuyển tập thơ văn Cao Bá Quát, in lần thứ ba, Nhà xuất bản Văn Học 1984.