Hồng Ngọc

Chương 14

Tôi hạ cánh êm ái lên chính chiếc váy của mình, nhưng không sao đứng dậy nổi, chân cẳng mềm oặt như bị rút hết xương. Người tôi run lẩy bẩy, răng va cầm cập như gõ trống.

“Đứng dậy nào!” Gideon chìa tay cho tôi. Hắn đã giắt lại thanh kiếm vào thắt lưng. Tôi choáng váng nhận ra trên đó có vết máu. “Đi nào, Gwendolyn! Người ta nhìn kìa.”

Trời đã tối sập, nhưng tôi và hắn lại hạ cánh xuống ngay dưới một cột đèn đường, ở một nơi nào đó trong công viên. Một người đeo tai nghe chạy qua nhìn chúng tôi với ánh mắt lạ lùng.

“Không phải tôi đã dặn em ngồi yên trong xe sao!” Thấy tôi không phản ứng gì, Gideon nắm tay kéo tôi đứng lên. Mặt hắn trắng bệch không một giọt máu. “Thật quá nhẹ dạ và… quá… nguy hiểm… và…” hắn hắng giọng nhìn tôi. “…Quỷ tha ma bắt, khá là can đảm.”

“Tôi cứ nghĩ phải cảm thấy gì đó nếu đâm phải xương sườn,” răng tôi đánh lập cập. “Tôi không nghĩ cảm giác đó lại như… khi người ta cắt bánh gato. Sao tên đó không có xương?”

“Chắc chắn nó có xương sườn,” Gideon nói. “Em đã may mắn đâm vào đâu đó ở giữa hai xương.”

“Hắn sẽ chết?”

Gideon nhún vai. “Nếu đó là một cú đâm ngọt thì không. Nhưng khó mà so sánh nghệ thuật giải phẫu ở thế kỷ 18 với hôm nay.”

Nếu đó là một cú đâm ngọt? Nghĩa là sao?

Làm sao một cú đâm lại có thể ngọt được?

Tôi đã làm gì? Có lẽ tôi vừa giết chết một người!

Nhắc lại chuyện đó, tôi gần như quỵ xuống đất lần nữa. Nhưng Gideon giữ chặt lấy tôi. “Đi thôi, chúng ta phải quay lại Temple. Những người khác chắc đang lo lắm.”

Có vẻ như hắn biết rất rõ chúng tôi đang ở đâu trong công viên, bởi hắn phăm phăm kéo tôi ra đường, vượt qua hai người phụ nữ dắt chó đi dạo và tò mò quan sát chúng tôi.

“Em làm ơn đừng có đánh răng cầm cập nữa được không? Nghe rùng rợn quá,” Gideon nói.

“Tôi là một kẻ sát nhân,” tôi nói.

“Em chưa bao giờ nghe tới tự vệ chính đáng sao? Em đã tự bảo vệ mình. Hay đúng hơn là bảo vệ tôi.”

Hắn nhếch mép cười với tôi, cách đây chỉ độ một tiếng thôi, tôi thề là hắn sẽ không bao giờ thừa nhận một điều như thế.

Và hắn cũng không thể thừa nhận.

“Tuy là điều đó không hề cần thiết…,” hắn nói.

“Lại còn không cần thiết! Tay anh bị sao kìa? Chảy máu kìa!”

“Không sao đâu. Bác sĩ White sẽ lo chuyện này.”

Chúng tôi im lặng đi bên nhau một hồi lâu. Không khí buổi tối mát lạnh dễ chịu khiến nhịp tim tôi dần dần dịu xuống và răng cũng ngừng va lập cập.

“Tôi muốn đứng tim khi nhìn thấy em,” rồi Gideon lên tiếng. Hắn buông tay tôi ra. Có vẻ hắn tin tôi đã tự đi được.

“Sao anh không có súng lục?” tôi gắt. “Tên kia có súng!”

“Nó thậm chí có hai khẩu,” Gideon bảo.

“Vậy sao hắn không dùng?”

“Dùng rồi còn gì. Hắn bắn chết gã Wilbour tội nghiệp còn phát đạn từ khẩu thứ hai chỉ chệch tôi có một ly.”

“Nhưng sao hắn không bắn phát nữa.”

“Vì mỗi khẩu chỉ có một viên đạn, ngốc ạ,” Gideon nói. “Hồi đó chưa phát mình ra kiểu súng lục tiện lợi mà em thường thấy trong phim James Bond.”

“Nhưng giờ thì có rồi! Sao anh lại mang theo thanh kiếm ngớ ngẩn về quá khứ, thay vì một khẩu súng tử tế?”

“Tôi đâu phải sát thủ chuyên nghiệp,” Gideon đáp.

“Nhưng mà… ý tôi là, chẳng phải đó là một lợi thế khi người ta từ tương lai tới hay sao? Ồ, chúng ta đã tới đây rồi!” Chúng tôi tới trước cửa tòa nhà Apsley ở góc công viên Hyde. Người đi dạo buổi tối, dân chạy thể dục và dắt chó đi dạo tò mò nhìn hai đứa.

“Chúng ta bắt taxi tới Temple,” Gideon bảo.

“Anh có tiền không?”

“Tất nhiên là không!”

“Nhưng tôi có di động,” tôi moi nó từ ngực áo ra.

“À, chiếc hộp thần bằng bạc! Ban nãy tôi đã nghĩ thế! Con bé ngu…đưa đây xem nào!”

“Này! Nó là của tôi mà!”

“Ừ, thì sao? Em biết số điện thoại chắc?”

Gideon đã nhấn số.

“Xin lỗi một chút, cô bé.” Một bà già kéo tay áo tôi. “Ta muốn hỏi cháu chuyện này. Cháu từ nhà hát ra hả?”

“À, ừm, dạ vâng ạ,” tôi đáp.

“Đấy, ta biết ngay mà.” Bà già cố giữ con chó đang giằng dây kéo để bám theo một con khác cách đó vài mét. “Trang phục y như thật, chỉ có các nghệ sĩ làm phục trang sân khấu mới làm được. Cháu biết không, hồi còn trẻ, ta cũng hay may vá lắm…Polly! Đừng kéo thế!”

“Họ sẽ tới đón ngay,” Gideon trả điện thoại lại cho tôi. “Ta đi tới góc phố Piccadilly trước.”

“Vở của các cháu diễn ở đâu?” bà già hỏi.

“À, thế này cụ ạ, rất tiếc là tối nay đã là buổi diễn cuối cùng,” tôi nói.

“Ôi, tiếc quá.”

“Vâng, cháu cũng tiếc.”

Gideon kéo tôi đi tiếp.

“Tạm biệt cụ.”

“Tôi không hiểu nổi làm thế nào đám người kia lại tìm được chúng ta. Và ai đã ra lệnh cho gã Wilbour chở chúng ta tới công viên Hyde. Làm gì có thời gian để chuẩn bị cuộc mai phục này?” Gideon vừa đi vừa lẩm bẩm một mình. Ra phố, hai đứa tôi còn được chiêm ngưỡng nhiều hơn trong công viên.

“Anh đang nói chuyện với tôi?”

“Có ai đó đã biết được chúng ta sẽ có mặt ở đấy. Nhưng biết được từ đâu? Và làm sao lại có thể biết?”

“Wilbour… một mắt của hắn…” Đột nhiên tôi thấy buồn nôn kinh khủng.

“Em làm gì đấy?”

Tôi lợm giọng nhưng không nôn ra được gì.

“Gwendolyn, chúng ta còn phải tới chỗ kia! Em hít sâu một chút là sẽ qua thôi.”

Tôi dừng chân lại. Giọt nước cuối cùng đã làm tràn ly.

“Sẽ qua?” Mặc dù chỉ muốn gào lên nhưng tôi vẫn cố nói từng từ thật chậm và rõ. “Cả việc tôi vừa giết người cũng sẽ qua? Cả việc cuộc đời tôi đột nhiên lộn tùng phèo cũng sẽ qua? Rồi còn chuyện một thằng cha chơi vĩ cầm tinh tướng, chân đi tất lụa, tóc dài thượt, chẳng làm gì ngoài việc luôn mồm ra lệnh bắt tôi làm này làm nọ, ngay cả khi tôi vừa cứu cái mạng thảm hại của hắn, cũng sẽ qua chứ? Nếu định hỏi thì tôi nói cho anh biết, tôi có thừa lý do để thấy buồn nôn đây! Và nếu anh muốn biết. Chính anh cũng làm tôi phát buồn nôn!”

Hừm, câu cuối có lẽ tôi gào lên hơi to, nhưng cũng chỉ hơi hơi thôi. Đột nhiên tôi thấy người nhẹ nhõm làm sao, sau khi nói ra được hết. Lần đầu tiên trong ngày tôi thực sự cảm thấy được giải phóng, và bỗng dưng cũng hết buồn nôn luôn.

Gideon nhìn tôi trân trối đến mức tôi đã có thể bật cười, nếu tâm trạng tôi lúc này không tuyệt vọng đến thế. Chà chà, rốt cuộc thì cả hắn cũng có lúc không thốt nổi nên lời!

“Giờ tôi muốn về nhà,” tôi định làm tròn cảm giác đắc thắng của mình một cách đầy kiêu hãnh.

Tiếc là tôi không làm nổi, bởi ý nghĩ về gia đình đột nhiên khiến môi tôi run rẩy và nước mắt ngập trên bờ mi.

Chết tiệt, chết tiệt, chết tiệt!

“Thôi mà,” Gideon nói.

Giọng hắn dịu dàng đến khó tin, vượt quá khả năng kiềm chế của tôi. Những giọt nước mắt lăn tròn xuống má tôi trước khi tôi kịp ngăn lại.

“Kìa, Gwendolyn, tha lỗi cho tôi.” Đột nhiên Gideon bước lại gần, ôm vai và kéo tôi vào lòng. “Tôi thật ngu xuẩn đã quên mất chuyện này là như thế nào đối với em,” hắn thì thầm bên tai tôi. “Trong khi tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác ngớ ngẩn khi lần đầu tiên quay về quá khứ. Dẫu đã học đấu kiếm. Chưa nói gì đến những giờ vĩ cầm…”

Tay hắn vuốt nhẹ lên tóc tôi.

Tôi càng nức nở to hơn.

“Đừng khóc,” hắn yếu ớt nói. “Tất cả rồi sẽ ổn.”

Nhưng không có gì ổn cả. Mọi thứ đều thật kinh khủng. Cuộc rượt bắt điên cuồng đêm qua, khi tôi bị cho là kẻ cắp, ánh mắt kinh rợn của Rakoczy, bá tước với giọng nói băng giá và bàn tay siết cổ, cuối cùng là gã Wilbour tội nghiệp và kẻ bị tôi đâm kiếm trúng lưng. Và tệ nhất là tôi không thể nói ra ý mình trước mặt Gideon mà không khỏi bật khóc và khiến hắn phải vỗ về an ủi!

Tôi vùng thoát khỏi vòng tay hắn.

Trời ạ, lòng tự trọng của tôi ở đâu kia chứ? Tôi ngượng ngùng đưa tay gạt nước mắt trên mặt.

“Khăn?” Hắn mỉm cười rút từ trong túi ra một chiếc khăn tay màu vàng chanh viền đăng ten. “Tiếc là thời Rococo vẫn chưa có khăn giấy. Nhưng tôi tặng em.”

Tôi toan đưa tay ra lấy thì một chiếc Limousine đen đỗ xịch kế bên.

Ông George đợi bọn tôi trong xe, cái đầu hói lấm tấm mồ hôi. Trông thấy ông, những ý nghĩ đang xoáy lộn không ngừng trong đầu tôi chợt lắng xuống, chỉ còn cảm giác mệt khôn tả.

“Chúng ta lo muốn chết,” ông George nói. “Ôi lạy Chúa tôi, Gideon, tay cháu làm sao thế? Máu đang chảy kìa! Còn Gwendolyn trông bơ phờ thế! Con bé bị thương à?”

“Chỉ kiệt sức thôi,” Gideon nói nhanh. “Chúng ta đưa cô ấy về nhà.”

“Như thế không được. Phải khám cả hai đứa và băng bó vết thương của cháu đã.”

“Máu đã cầm từ lâu, mỗi một vết xước thôi, thật mà ông George. Gwendolyn muốn về nhà.”

“Nhưng có thể con bé chưa phân nhánh hồi khứ đủ. Mai con bé còn phải tới trường và…”

Giọng Gideon lại cao ngạo như cũ, nhưng lần này không phải nói với tôi.

“Ông George. Cô ấy đã vượt ba tiếng đồng hồ, thế là quá đủ cho mười tám tiếng tới.”

“Có thể vậy,” ông George nói. “Nhưng điều này trái với quy đinh, ngoài ra thì chúng ta cũng muốn biết, liệu…”

“Ông George!”

Ông George đành chịu thua, quay người gõ lên ô cửa ngăn với buồng lái. Tấm kính rì rì hạ xuống.

“Anh rẽ phải vào đường Berkeley,” ông ấy bảo. “Chúng ta đi vòng một đoạn nhỏ. Số 81 Bourdon Place.”

Tôi thở phào khi xe rẽ vào đường Berkeley. Tôi được về nhà. Với mẹ.

Ông George nghiêm nghị quan sát tôi. Ánh mắt đầy thương cảm như ông ấy chưa từng nhìn thấy thứ gì thảm hại hơn. “Trời đất quỷ thần ơi, chuyện gì đã xảy ra thế?”

Vẫn cảm giác mệt mỏi rã rời.

“Xe của bọn cháu bị ba tên lạ mặt tấn công trong công viên Hyde,” Gideon nói. “Người đánh xe bị bắn chết.”

“Lạy Chúa tôi,” ông George nói. “Tuy không hiểu, nhưng ta thấy hình như có lý.”

“Cái gì có lý?”

“Trong Biên niên sử có ghi: Ngày 14 tháng Chín năm 1782, người ta tìm thấy môn sinh đệ nhị James Wilbour chết trong công viên Hyde. Nửa mặt bị đạn xé. Không tìm được ai đã gây ra chuyện này.”

“Giờ thì chúng ta đã biết,” Gideon bực dọc. “Nghĩa là cháu biết mặt nhưng không biết tên hung thủ.”

“Còn cháu thì đã giết hắn,” tôi lạnh lùng nói.

“Cái gì?”

“Cô ấy đã cầm kiếm của Wilbour đâm vào lưng tên tấn công,” Gideon nói. “Chạy lấy đà hẳn hỏi. Nhưng chúng cháu không rõ, liệu hắn có chết không.”

Đôi mắt xanh của George tròn xoe. “Con bé đã làm gì?”

“Hai chọi một mà ông,” tôi lẩm bẩm. “Chẳng lẽ cháu lại giương mắt nhìn.”

“Thực ra là ba chọi một,” Gideon chỉnh lại. “Tôi đã hạ được một tên. Mà tôi đã bảo em ngồi yên trong xe, dù có chuyện gì xảy ra cơ mà.”

“Trông anh có vẻ không cầm cự được lâu nữa,” tôi không nhìn hắn.

Gideon im lặng.

Ông George hết nhìn tôi lại nhìn hắn rồi lắc đầu. “Thật là bê bối! Mẹ cháu sẽ giết chúng ta mất, Gwendolyn! Chuyện này lẽ ra không hề nguy hiểm chút nào. Chỉ đi gặp và nói chuyện với bá tước, ở ngay trong cùng một ngôi nhà, không chút rủi ro nào. Lẽ ra cháu không thể gặp nguy hiểm. Thay vào đó, hai đứa lại đi hết cả nửa thành phố và còn bị bọn cướp tấn công… Gideon, trời đất quỷ thần! Không biết trong đầu cháu nghĩ gì?”

“Lẽ ra mọi chuyện đều cực suôn sẻ, nếu không có kẻ phản bội chúng ta.” Giọng Gideon phẫn nộ. “Hẳn có ai đó đã biết được cuộc viếng thăm này, một người có khả năng thuyết phục Wilbour chở chúng cháu tới điểm hẹn trong công viên.”

“Nhưng ai lại muốn giết bọn cháu? Và ai có thể biết cụ thể giờ giấc tới thăm hôm nay? Chuyện này thật vô lý.” Ông George cắn môi. “Ô, tới nơi rồi.”

Tôi ngước lên nhìn. Đúng là nhà tôi, tất cả các ô cửa sổ đều sáng rực. Mẹ đang đợi tôi. Cả cái giường cũng đợi.

“Cảm ơn em,” Gideon nói.

Tôi quay lại. “Vì cái gì?”

“Có thể… có thể tôi cũng không cầm cự được bao lâu nữa thật.” Nụ cười gượng gạo thoáng hiện trên khuôn mặt hắn. “Tôi nghĩ đúng là em đã cứu cái mạng thảm hại của tôi.”

Ồ. Tôi không biết nên nói gì. Tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là nhìn hắn và nhận thấy cái môi dưới chết tiệt lại bắt đầu run run.

Gideon rút vội chiếc khăn tay viền đăng ten, và lần này tôi cầm lấy. “Tốt nhất là em dùng nó lau mặt đi, không thì mẹ em lại tưởng là em đã khóc,” hắn bảo.

Lẽ ra hắn định chọc cười tôi, nhưng trong khoảnh khắc này, đó là điều bất khả. Nhưng ít nhất hắn cũng giúp tôi không bù lu bù loa lên lần nữa.

Người lái xe mở cửa, ông George bước xuống. “Để ta đưa con bé tới cửa, Gideon, chỉ một phút thôi.”

“Chúc ngủ ngon,” tôi lúng búng.

“Chúc em ngủ ngon,” Gideon mỉm cười. “Mai gặp lại.” Gwen! Chị Gwenny!” Caroline lay tôi. “Nếu không dậy thì chị sẽ đi học muộn mất.”

Tôi miễn cưỡng kéo chăn lên trùm đầu. Tôi không muốn dậy, dù còn ngái ngủ tôi cũng biết, chỉ cần rời bỏ tình trạng nửa mê nửa tỉnh ấm áp này là những hồi ức kinh khủng chờ sẵn sẽ ập đến.

“Chị Gwenny, trời ơi! Bảy giờ mười lăm rồi!”

Tôi tuyệt vọng nhắm nghiền mắt. Quá muộn. Những hồi ức đã ùa về như… như… vua Attila tấn công… tấn công giặc Vandals?

Tôi dốt đặc môn Sử. Những sự kiện trong hai ngày vừa rồi lần lượt diễu qua trước mắt tôi như một cuốn phim màu.

13.1

Nhưng tôi không nhớ nổi đã bò lên giường ra sao, chỉ mang máng về cảnh ông Bernhard tối qua ra mở cửa.

“Chào cô Gwendolyn. Chào ngài George!”

“Chào ông Bernhard. Tôi đưa Gwendolyn về sớm hơn một chút so với dự định. Ông làm ơn gửi lời chào của tôi tới quý bà Arista.”

“Tất nhiên rồi, thưa ngài. Tạm biệt ngài.” Nét mặt ông Bernhard vẫn bất động như thường lệ, khi ông khép cửa lại sau lưng ông George.

“Váy đẹp quá, cô Gwendolyn,” ông ấy bảo. “Cuối thế kỷ 18?”

“Cháu nghĩ thế.” Tôi mệt đến nỗi có thể lăn quay ra ngủ trên thảm. Chưa bao giờ tôi lại vui mừng khi nghĩ tới cái giường đến thế. Tôi chỉ sợ trên đường lên tầng ba có thể sẽ chạm mặt bác Glende, Charlotte hoặc quý bà Arista – những người sẽ lại trách mắng, mỉa mai hoặc xoáy vào hỏi han.

“Tiếc là mọi người đã ăn tối mà không có cô. Nhưng ta đã để dành một phần cho cô trong bếp.”

“Ồ, ông thật tốt bụng, ông Bernhard, nhưng cháu…”

“Cô muốn đi ngủ hả,” một nụ cười bé xíu hiện lên trên mặt ông Bernhard. “Vậy thì ta đề nghị cô sẽ về thẳng phòng ngủ, những người khác đang trong phòng nhạc, nếu nhón chân đi khẽ như mèo thì họ sẽ không nghe thấy tiếng cô. Ta sẽ nhắn là cô đã về và đưa đồ ăn để mẹ cô cầm lên.”

Tôi không còn đủ sức để ngạc nhiên vì sự quan tâm chăm sóc của ông ấy, chỉ kịp lẩm bẩm “Cảm ơn ông Bernhard” rồi trèo lên cầu thang. Tôi còn nhớ loáng thoáng một chút về bữa ăn và cuộc trò chuyện với mẹ, bởi tới lúc đó tôi đã gà gật ngủ. Chắc chắn tôi đã không thể nhai được gì. Nhưng có lẽ bữa tối là món súp thì phải.

“Ôi, đẹp thế!” Caroline phát hiện ra chiếc váy độn đăng ten đang vắt trên ghế. “Chị mang theo nó từ quá khứ à?”

“Không. Chị mặc cái này từ trước đó.” Tôi nhỏm dậy. “Mẹ kể cho hai đứa nghe chuyện kỳ quặc xảy ra chưa?”

Caroline gật đầu. “Mẹ cũng không phải kể gì nhiều. Bác Glenda gào to đến nỗi có lẽ cả hàng xóm giờ cũng biết. Bác ấy làm như mẹ là kẻ lừa đảo đê tiện đã lấy trộm gien vượt thời gian của chị Charlotte đáng thương.”

“Còn Charlotte?”

“Chị ấy về phòng và không thèm ra, dù bác Glenda đã van xin năn nỉ đến gãy lưỡi. Bác Glenda thét lên rằng chỉ tại mẹ mà giờ cuộc đời của chị Charlotte hỏng bét. Bà ngoại khuyên bác nên uống thuốc an thần, nếu không bà sẽ buộc phải gọi bác sĩ. Còn bà Maddy thỉnh thoảng lại nói chen vào chuyện con đại bàng, viên hồng ngọc, cây thanh lương trà và tháp đồng hồ.”

“Hẳn phải kinh khủng lắm,” tôi bảo.

“Cực kỳ gay cần,” Caroline nói. “Em và anh Nick thì thích việc chị mang gien chứ không phải chị Charlotte. Em tin là chị làm mọi thứ tốt như chị Charlotte, dù bác Glenda bảo óc chỉ chỉ lớn bằng hạt đậu và lại còn hậu đậu nữa. Bác ấy thật xấu tính.” Con bé vuốt lớp vải lóng lánh của chiếc áo chẽn. “Chị có thể mặc cái này cho em xem sau khi tan trường được không?”

“Tất nhiên,” tôi nói. “Nếu muốn thì em cứ thử.”

Caroline cười khúc khích. “Cái này quá rộng đối với em Gwenny! Giờ thì chị phải dậy thật rồi đấy, nếu không sẽ mất bữa sáng.”

Mãi tới khi đứng dưới vòi hoa sen tôi mới tỉnh hẳn, và trong lúc gội đầu, ý nghĩ của tôi đã lại quẩn quanh chuyện tối qua, đúng hơn là quanh nửa tiếng đồng hồ (theo cảm giác) khi tôi nước mắt nước mũi giàn giụa trong vòng tay Gideon.

Tôi còn nhớ hắn đã ôm và vuốt tóc tôi ra sao. Khi đó, tôi phẫn nộ đến mức chẳng còn nghĩ tới việc hai đứa đột nhiên gần gũi nhau thế nào. Nhưng chính vì thế mà bây giờ tôi lại càng xấu hổ hơn. Nhất là vì hắn quả thực rất đáng yêu, khác hẳn mọi khi (cho dù chỉ để tỏ lòng thương hại), trong khi tôi đã quyết tâm ghét hắn cho tới cuối đời.

“Chị Gwenny!” Caroline gõ cửa phòng tắm. “Xong chưa? Chị định mọc rễ trong đó sao?”

Con bé nói đúng. Tôi không thể ở mãi trong này. Tôi phải đi ra – lao vào cuộc đời kỳ dị mà tôi đột nhiên mới có. Tôi tắt nước nóng, để nước lạnh như băng xối lên người cho tới khi giọt mệt mỏi cuối cùng bị đẩy ra khỏi cơ thể. Bộ đồng phục để quên ở phòng may của Madame Rossini, hai chiếc sơ mi thì nằm trong đống quần áo bẩn, nên tôi đành mặc tạm bộ đồng phục cũ đã hơi ngắn: chiếc sơ mi chật căng phần ngực còn váy thì thiếu hẳn mất một đoạn. Thôi kệ. Đôi giày màu xanh đậm cũng đã để ở Temple, đành đi giày lười màu đen vậy. Thực ra trường cấm điều này nhưng chắc thầy hiệu trưởng Gilles cũng chẳng nhằm đúng hôm nay để tới lớp tôi kiểm tra giày học sinh.

Không còn thời gian sấy tóc, tôi dùng khăn lau khô như có thể rồi chải qua một lượt. Mái tóc ướt duỗi thẳng trên vai, không còn chút bóng dáng của những lọn mềm mại mà bàn tay phù thủy của Madame Rossini hôm qua đã tạo nên.

Tôi ngắm mình trong gương hồi lâu. Trông không có vẻ được ngủ đẫy giấc, nhưng vẫn khá hơn tôi nghĩ. Tôi dùng kem chống nhăn của mẹ bôi lên trán và má. Phòng còn hơn chống, mẹ thường bảo thế.

Lẽ ra tôi định bỏ bữa sáng, nhưng sớm muộn gì tôi cũng phải đối diện với bác Glenda và Charlotte, vậy thì làm luôn cho xong.

Vừa xuống tầng trệt, còn chưa vào tới phòng ăn, tôi đã nghe thấy tiếng mọi người nói chuyện.

“Con chim lớn là biểu tượng của điều rủi,” tiếng mà Maddy. Lạ chưa! Bình thường bà chẳng bao giờ thức dậy trước mười giờ, bà là người rất thích ngủ nướng và coi bữa sáng là bữa ăn vô dụng nhất trong ngày. “Ta ước gì có người chịu nghe lời ta.”

“Đúng vậy, Maddy! Nên hiểu lời tiên tri của cô thế nào đây? Cả nhà đã phải nghe điều này đến chục lần rồi,” tiếng quý bà Arista.

“Chính xác,” bác Glenda nói. “Nếu còn phải nghe chữ quả trứng ngọc xanh lần nữa thì tôi sẽ phát điên lên mất.”

“Chào cả nhà,” tôi nói.

Lặng thinh. Tất cả nhìn tôi chằm chằm như nhìn con cừu Dolly được nhân bản vô tính.

“Chào buổi sáng, cháu của ta,” rồi quý bà Arista nói. “Ta hy vọng cháu ngủ ngon.”

“Vâng, cháu ngủ rất ngon. Hôm qua cháu mệt quá.”

“Mọi thứ nhất định hơi quá sức với cháu,” bác Glenda khinh khỉnh.

Đúng thế thật. Tôi ngồi phịch xuống ghế đối diện Charlotte. Cô nàng dường như chưa đụng tới miếng bánh mì, nhìn tôi như thể từ giờ trở đi ăn mất hẳn ngon.

Ít ra còn có mẹ và Nick mỉm cười đồng cảm, Caroline thì đẩy sang cho tôi bát bỏng ngô trộn sữa. Ở cuối bàn, bà Maddy vẫy tôi trong chiếc áo choàng buổi sáng màu hồng nhạt. “Thiên thần của ta! Ta thật vui khi trông thấy cháu! Cuối cùng cháu đã đem ánh sáng vào cái đống hỗn loạn này. Tối qua, chẳng ai hiểu được đầu cua tai nheo gì giữa những tiếng gào thét đinh tai. Bác Glenda của cháu còn bới móc câu chuyện cũ mèm hồi Lucy trốn cùng cậu gì bảnh trai nhà Villers ấy. Ta chưa bao giờ hiểu được vì sao cứ phải làm ầm lên việc Grace cho chúng trú mấy ngày. Lẽ ra phải cho qua đi. Nhưng không, cứ lấp rác đi thì lại có người đến bới ra ngửi.”

Caroline cười rúc rích. Rõ ràng đang tưởng tượng hình ảnh bác Glenda bới rác ra ngửi.

“Đây không phải là phim ti vi dài tập, cô Maddy,” bác Glenda cáu bẳn.

“May mà không phải,” bà Maddy bảo. “Nếu đây là chương trình truyền hình thật thì ta đã nhầm cốt truyện từ lâu.”

“Thực ra rất đơn giản,” Charlotte lạnh lùng nói. “Tất cả đều nghĩ cháu mang gien, nhưng trên thực tế thì đó là Gwendolyn.” Cô nàng đẩy đĩa đứng lên. “Cứ để em ấy tự tìm cách ứng phó với chuyện này.”

“Charlotte, đợi đã!” Nhưng bác Glenda không ngăn được Charlotte biến mất khỏi phòng ăn. Trước khi chạy theo, bác còn kịp ném về phía mẹ cái nhìn nảy lửa. “Cô nên tự biết ngượng, Grace!”

“Bác ấy ác thật đấy,” Nick nói.

Quý bà Arista thở dài não nuột.

Mẹ cũng thở dài. “Giờ mẹ phải đi làm. Gwendolyn, mẹ đã thống nhất với ông George là ông ấy tới trường đón con hôm nay. Con sẽ phân nhánh hồi khứ về năm 1956, trong một căn hầm an toàn, nơi con có thể yên tĩnh làm bài về nhà.”

“Kinh thật!” Nick thốt lên.

Tôi cũng nghĩ hệt như thế.

“Sau đó cháu sẽ về nhà ngay,” quý bà Arista nói thêm.

“Đến lúc đó thì cũng hết ngày,” tôi nói. Chẳng lẽ cuộc sống của tôi từ giờ sẽ thế này sao? Tan học là phải tới Temple để phân nhánh hồi khứ, ngồi lơ ngơ làm bài tập trong một căn hầm chán ngắt, rồi cuối cùng về nhà ăn tối? Đúng là ác mộng!

Bà Maddy lầu bầu rủa khẽ vì tay áo bà quẹt phải mứt ngọt phết trên bánh mì. “Vào giờ này lẽ ra người ta còn ngủ trên giường, tôi đã bảo rồi.”

“Đúng thế,” Nick nói.

Mẹ hôn tạm biệt nó, Caroline và tôi như mọi sáng, rồi đặt tay lên vai tôi nhẹ nhàng nói: “Nếu tình cờ gặp ông ngoại, nhớ hôn ông hộ mẹ.”

Quý bà Arista hơi giật mình khi nghe những lời này. Bà im lặng nhấp ly trà rồi nhìn đồng hồ: “Các cháu nhanh lên, nếu còn định đi học đúng giờ.”

“Sau này nhất định tớ sẽ mở văn phòng thám tử,” Leslie bảo. Bọn tôi vừa trốn tiết Địa của cô Couter và cùng rúc vào nhà vệ sinh nữ. Leslie ngồi trên nắp bồn cầu, tập hồ sơ dày cộp kê trên gối. Tôi tựa lưng vào cánh cửa chi chít những vết bút bi hay bút dạ: Jenny yêu Adam, Malcolm là thằng khốn nạn, Đời thật chó mà. Đại khái thế.

“Tính mày mò khám phá bí mật luôn sẵn trong máu tớ,” Leslie bảo. “Có thể tớ sẽ còn theo ngành Sử, chuyên sâu về truyền thuyết và chữ cổ. Rồi sau đó tớ sẽ làm những chuyện giống như Tom Hanks trong Sakileg. Đương nhiên trông tớ sẽ bảnh hơn nhiều, và tớ sẽ thuê một trợ lý cực oách.”

“Được đấy,” tôi bảo. “Chắc sẽ gay cấn lắm. Trong khi đó thì tớ hàng ngảy phải ngơ ngáo trong một căn hầm không cửa sổ ở tận năm 1956 cho đến cuối đời.”

“Chỉ ba tiếng mỗi ngày thôi,” Leslie bảo. Nó luôn được tôi cập nhật thông tin nóng hổi, và có vẻ như còn nắm toàn bộ những móc nối liên quan phức tạp kia nhanh và khá hơn tôi. Nó lắng nghe từng tí, cả chuyện về ba người đàn ông trong công viên và bài than vãn cắn rứt lương tâm của tôi. “Thà cậu tự vệ như thế còn hơn để bản thân bị cắt như bánh gato,” là lời bình của nó. Kỳ lạ là điều này giúp tôi nhiều hơn tất cả những lời đảm bảo của ông George hay Gideon.

“Cậu hãy nhìn theo hướng tích cực,” giờ nó bảo. “Nếu làm bài tập trong một căn hầm thì ít ra cậu sẽ không chạm mặt lão bá tước rùng rợn có khả năng di giao cách cảm kia.”

Di giao cách cảm là từ Leslie tìm ra để chỉ khả năng bóp cổ của bá tước dù đứng cách xa tôi. Nó nghĩ, nhờ khả năng di giao cách cảm người ta cũng có thể giao tiếp được với nhau mà không cần mở miệng nói, và hứa sẽ tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề này ngay chiều nay.

Cả ngày hôm qua và cho đến tận nửa đêm, Leslie bận rộn tìm hiểu về bá tước Saint Germain cùng những thứ linh tinh khác mà tôi kể lại. Nó từ chối lời cảm ơn nhiệt thành của tôi và bảo rằng chuyện này đối với nó cực kỳ thú vị.

“Thế này nhé: bá tước Saint Germain là một nhân vật lịch sử tương đối mờ ám, thậm chí ngày sinh của ông ta cũng không rõ. Xuất xứ của ông cũng ẩn chứa nhiều câu đố,” khuôn mặt Leslie ửng đỏ hăng say. “Dường như ông ta không bị lão hóa, người thì cho đó là phép thuật, kẻ lại đồn là nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý.”

“Ông ta già rồi”, tôi nói. “Có thể trông ông ta trẻ lâu, nhưng nhất định cũng đã già rồi.”

“À, thế thì chuyện này xem như đã được phản biện,” Leslie bảo. “Đây hẳn phải là một nhân vật đặc biệt lôi cuốn, bởi ông ta xuất hiện trong vô số tiểu thuyết, một số mật hội coi ông ta như thủ lĩnh tinh thần hay người hướng đạo, bất kể chữ đó có nghĩa gì. Ông ta là thành viên của nhiều hội bí mật khác nhau, có mặt trong Hội Tam điểm, Viện Hàn lâm Thần học và một vài hội nữa. Ông ta còn là một nhạc sĩ kiệt xuất, chơi vĩ cầm và soạn nhạc, nói thông thạo cả tá ngoại ngữ và còn có thể - cậu nghe cho rõ nhé – vượt thời gian. Ông ta cũng khẳng định đã có mặt trong nhiều sự kiện khác nhau mà lẽ ra đây là điều không tưởng.”

“Chà, thì ông ta vẫn làm được đấy thôi.”

“Ừ. Không thể tưởng tượng nổi. Ngoài ra thì ông ta còn nghiên cứu thuật giả kim. Ở Đức, ông ta có hẳn một tháp luyện giả kim để thử nghiệm những gì chẳng biết nữa.”

“Thuật giả kim – có liên quan tới viên ngọc của các nhà thông thái?”

“Chính xác. Và liên quan tới phép thuật. Viên ngọc của các nhà thông thái đối với mỗi người đều có một ý nghĩa khác nhau. Người thì chỉ muốn sản xuất ra vàng nhân tạo, việc này đẻ ra đủ hệ quả kỳ quái. Vua chúa và giới quý tộc đều rất quan tâm đến những người tự xưng là nhà giả kim, bởi tất nhiên ai nấy đều tham vàng. Trong khi thí nghiệm sản xuất vàng người ta còn tìm ra được các thứ khác, ví dụ như sứ, chỉ có điều, phần lớn các thí nghiệm đều chẳng mang lại lợi ích gì, bởi vậy một số nhà giả kim đã bị gán tội dị giáo và lừa đảo, bị tống vào ngục hoặc thậm chí còn bị chém đầu.”

“Cho chết,” tôi bảo. “Lẽ ra họ nên tập trung nghe giảng hơn trong giờ Hóa.”

“Nhưng thực ra các nhà giả kim không mấy quan tâm đến vàng. Có thể nói đây chỉ là tấm bình phong mạo danh cho những thí nghiệm của họ. Viên ngọc của các nhà thông thái thực ra là biểu tượng cho sự bất tử. Các nhà giả kim tin rằng nếu dùng đúng nguyên liệu như mắt rùa, máu trinh nữ, lông đuôi mèo đen, xin lỗi, tớ đùa đấy, và thực thi đúng quá trình phản ứng hóa học thì cuối cùng sẽ tạo ra được một loại thuốc trường sinh bất tử. Các môn đồ của bá tước Saint Germain cho rằng ông ta có công thức này nên bất tử. Tuy một số nguồn nói ông đã qua đời năm 1784 ở Đức, nhưng cũng có nguồn khác dẫn lời tường thuật chuyện từng gặp ông ta nhiều năm sau đó, hoàn toàn khỏe mạnh.”

“Hừm,” tôi nói. “Tớ không nghĩ là ông ta bất tử. Nhưng có thể ông ta muốn trở nên bất tử? Có thể đây chính là bí mật nằm sau bí mật. Là điều sẽ xảy ra khi hội được khắc nhập…”

“Cũng có thể. Nhưng đây chỉ là một mặt của tấm huy chương được những đệ tử cuồng tín của thuyết âm mưu tung ra, nhắm lái cách nguồn tin theo hướng có lợi cho mình. Các nhà quan sát có đầu óc phản biện thì cho rằng, phần lớn những truyền thuyết xoay quanh bá tước Saint Germain xuất phát từ trí tưởng tượng của đám fan cuồng và tài dàn dựng khéo léo của chính ông ta.” Leslie kể vanh cách mọi chuyện với vẻ hứng thú chân thành, khiến tôi không nhìn được cười.

“Cậu đến hỏi thầy Whitman xem có được viết một bài về chủ đề này không,” tôi đề nghị. “Mớ thông tin cậu tìm được có khi đủ viết thành cả quyển sách cũng nên.”

“Tớ không nghĩ thầy Sóc thực sự biết coi trọng công sức của tớ,” Leslie bảo. “Nói cho cùng thì thấy ấy cũng là fan của bá tước Saint Germain – là cận vệ thì đương nhiên phải thế. Theo tớ, đây rõ ràng là kẻ thủ ác trong câu chuyện này, ý tớ muốn nói bá tước Saint Germain, không phải thầy Sóc. Ông ta đã hăm dọa và bóp cổ cậu. Còn mẹ cậu cũng dặn phải đề phòng ông ta. Như vậy mẹ cậu biết nhiều hơn mình tưởng. Và thực ra mẹ cậu chỉ có thể biết được từ chị Lucy.”

“Tớ nghĩ là tất cả mọi người đều biết nhiều hơn họ thú nhận,” tôi thở dài. “Ít nhất là biết nhiều hơn bọn tớ. Thậm chí cả cậu!”

Leslie bật cười. “Cứ coi như tớ là phần não cất bên ngoài của cậu. Vị bá tước này luôn giấu kín những chi tiết về xuất xứ của mình. Tên và tước hiệu thì chắc chắn là bịa. Có thể ông ta là con ngoài giá thú của Maria Anna von Habsburg, vợ góa Carlos đệ nhị, vua Tây Ban Nha. Nhiều người bị nghi có thể là cha ông ta. Một luận cứ khác cho ông ta là con trai một lãnh chúa Transylvania, được vị công tước cuối cùng của dòng họ Medici ở Ý nuôi lớn. Dù thế nào chăng nữa – chẳng có gì được minh chứng rõ ràng, vì vậy ai cũng loay hoay trong bóng tối. Nhưng giờ thì bọn mình đã có một giả thuyết mới.”

“Bọn mình?”

Leslie ngán ngẩm. “Chứ còn ai vào đây! Bây giờ bọn mình đã biết cha hoặc mẹ ông ta chắc chắn phải xuất thân từ gia đình Villiers.”

“Chứng cứ đâu ra?”

“Ôi, Gwen! Chính cậu vừa bảo người vượt thời gian đầu tiên mang họ Villiers, vậy nên lão bá tước kia phải là thành viên chính thức hoặc không chính thức của dòng họ này, cậu hiểu quá đi chứ? Nếu không thì hậu duệ của ông ấy không thể mang tên này.”

“À, ừ,” tôi vẫn lưỡng lự. Tôi chưa hiểu vụ thừa kế này lắm. “Nhưng tớ thấy luận cứ về vùng Translyvania cũng có lý. Chẳng phải ngẫu nhiên gã Rakoczy xuất thân ở đó.”

“Tớ sẽ tiếp tục tìm hiểu,” Leslie hứa. “Chú ý!” Cửa phòng vệ sinh bật mở, có ai đó xông vào. Cô ta – bọn tôi cho đó là một cô nàng – vào buồng vệ sinh ngay sát vách đi tiểu. Hai đứa im thin thít đợi tới khi người này đi ra.

“Còn không thèm rửa tay,” Leslie nói. “Tởm. May mà tớ không biết đó là ai.”

“Hết khăn giấy rồi,” tôi nói. Dần dần chân tôi tê dại. “Theo cậu thì bọn mình có gặp rắc rối không? Hẳn cô Couter sẽ nhận thấy bọn mình vắng mặt. Mà nếu không thì kiểu gì cũng có đứa mách lẻo.”

“Đối với cô Couter thì đứa nào chả giống đứa nào, cô không để ý đâu. Từ năm lớp Năm tới giờ cô luôn gọi tớ là Lilly và nhầm cậu với Cynthia. Nhầm đúng với con bé ấy! Không, không, chuyện này thật sự quan trọng hơn học Địa. Cậu cần phải được chuẩn bị tối ưu như có thể. Càng hiểu nhiều về đối thủ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.”

“Nếu biết được ai là đối thủ của tớ.”

“Cậu không thể tin bất cứ ai,” Leslie nói hệt như mẹ. “Nếu là phim thì vào đoạn kết, kẻ thủ ác bao giờ cũng là người ít bị ngờ tới nhất. Nhưng vì đây không phải phim nên tớ đoán đó chính là người đã bóp cổ cậu.”

“Nhưng ai cử đám người vận đồ đen rượt theo bọn tớ trong công viên Hyde? Bá tước thì không bao giờ! Ông ta cần Gideon để tìm được những người vượt thời gian khác và lấy máu của họ để khắc nhập hội.”

“Ừ, đúng thế.” Leslie cắn môi tư lự. “Nhưng có thể trong bộ phim này còn có nhiều kẻ thủ ác khác nữa. Lucy và Paul cũng có thể trong diện đó, chả gì thì họ cũng là người lấy cắp chiếc đồng hồ. Thế còn người vận đồ đen ở nhà số 18?”

Tôi nhún vai. “Sáng nay hắn vẫn đứng đó như mọi khi. Sao, cậu cho là sắp tới hắn cũng tuốt kiếm?”

“Không, tớ chỉ cho rằng hắn là một cận vệ vơ vẩn đứng canh ở đó cho đủ lệ bộ.” Leslie lại chăm chú nghiên cứu tập hồ sơ. “Ngoài ra thì tớ không tìm được gì thêm về Đội cận vệ, có vẻ như đây là một hội kín cực kỳ bí mật. Nhưng một số tên tuổi mà cậu nhắc tới như Churchill, Wellington, Newton… có thể tìm thấy ở Hội Tam điểm. Vậy có thể giả định rằng ít ra hai hội này cũng có liên quan với nhau. Về cậu nhóc Robert bị chết đuối thì tớ không tìm thấy gì trên mạng, nhưng trong thư viện có thể xem được tất cả các số báo Times và báo Observer bốn mươi năm qua. Tớ chắc sẽ tìm được gì ở đó. Gì nữa nhỉ? À, thanh lương trà, ngọc lam và quạ… thì thế này: đương nhiên người ta có thể phán đoán đủ kiểu, nhưng trong mấy vụ tâm linh này thì hiểu ra sao chả được, vậy nên không thể khẳng định chắc chắn điều gì. Bọn mình phải tập trung vào các dữ liệu thực tế thay vì những thứ linh tinh. Cậu cần tìm ra nhiều thông tin hơn nữa. Đặc biệt về Lucy và Paul, cũng như vì sao họ lại lấy cắp đồng hồ. Có vẻ như họ biết được điều gì đó mà những người khác không biết, hoặc không muốn biết, hoặc có quan điểm hoàn toàn khác.”

Cửa lại mở. Những tiếng bước chân lần này chắc nịch nặng nề. Chúng hướng thẳng tới cửa buồng bọn tôi.

“Leslie Hay, Gwendolyn Shepherd! Hai em ra khỏi đấy và quay về lớp ngay lập tức cho tôi!”

Leslie và tôi trố mắt nhìn nhau, câm như hến. Rồi Leslie nói: “Thầy biết đây là nhà vệ sinh nữ, phải không thầy Whitman?”

“Tôi chỉ đếm đến ba thôi,” thầy Whitman nói. “Một…”

Tới “ba” thì bọn tôi mở cửa ra.

“Tôi sẽ ghi vào sổ kỷ luật.” Thầy Whitman nhìn bọn tôi chăm chú như một con sóc nghiêm khắc. “Tôi rất thất vọng vì hai em. Đặc biệt là em, Gwendolyn. Giờ đây em giữ vị trí của chị họ em, nhưng điều đó không có nghĩa là em muốn làm gì thì làm. Charlotte chưa bao giờ bỏ bê việc học hành.”

“Vâng, thưa thầy Whitman,” tôi nói. Vẻ nghiêm khắc ra lệnh này không giống thầy chút nào. Thường thì thầy luôn lịch thiệp và cùng lắm là buông lời mỉa mai.

“Giờ thì quay về lớp ngay.”

“Làm sao thầy biết bọn em ở trong này?” Leslie hỏi.

Thầy Whitman không trả lời. Thầy với tay về phía tập hồ sơ của Leslie. “Tôi sẽ giữ cái này cho tới khi giải quyết xong mọi chuyện!”

“Ối, không được,” Leslie áp tập hồ sơ vào ngực.

“Em đưa ngay đây, Leslie!”

“Nhưng em cần nó… cho tiết học!”

“Tôi chỉ đếm đến ba thôi…”

Tới “hai” thì Leslie nghiến răng tòi ra tập hồ sơ. Hai đứa ngượng muốn chết, khi bị thầy Whitman đẩy vào lớp. Có vẻ như cô Couter để bụng việc bọn tôi đào tẩu, vì cô lờ tịt hai đứa cho đến hết tiết.

“Hai cậu trốn đi hút thuốc hả?” Gordon tò mò muốn biết.

“Không, đồ ngốc,” Leslie cấm cảu. “Bọn này chỉ muốn được yên tĩnh nói chuyện với nhau một chút.”

“Trốn học chỉ vì muốn nói chuyện?” Gordon vỗ tay lên trán. “Thật đúng là đồ đàn bà!”

“Giờ thì thầy Whitman đã xem được tập hồ sơ của cậu,” tôi bảo Leslie. “Thế là thầy ấy biết, và Đội cận vệ cũng biết là tớ đã kể hết với cậu. Chắc chắn đây là một điều cấm.”

“Ừ, tất nhiên bị cấm,” Leslie bảo. “Có thể họ sẽ cử một người vận đồ đen đến khử tớ, vì tớ biết những chuyện không ai được phép biết…” Triển vọng này dường như khiến nó khoái trá.

“Và nếu chuyện đó xảy ra thật?”

“Nếu vậy thì… đằng nào chiều nay tớ cũng đi kiếm cho cậu lọ xịt hơi cay, thì tớ mua luôn cho tớ.” Leslie vỗ vai tôi. “Đi thôi! Mình chả việc gì phải sợ ai cả.”

“Không, không, tất nhiên là không.” Tôi ghen tị với Leslie vì tinh thần lạc quan sắt đá của nó. Nó luôn nhìn thấy mặt tích cực ở mọi thứ. Nếu quả thực có mặt tích cực.

**********************

Từ ba đến sáu giờ chiều, Lucy và Paul có mặt ở văn phòng để phân nhánh hồi khứ. Chúng tôi trò chuyện về việc tái tạo và tu sửa khu phố, và về sự thật khó tin rằng Notting Hill ở thời của họ lại là khu có giá nhất (họ dùng chữ “sành điệu”).

Ngoài ra họ còn đem cho tôi danh sách quán quân Wimbledon kể từ năm 1950. Tôi đã hứa sẽ đưa số tiền thắng cá cược vào quỹ khuyến học cho con cháu. Ngoài ra tôi dự tính mua một hoặc hai lô bất động sản xập xệ ở Notting Hill.

Ai mà biết được.

Trích Biên biên sử Đội cận vệ

Ngày 14 tháng Tám năm 1949

Tường thuật bởi: Lucas Montrose, môn sinh đệ tam