Hồng Lâu Mộng

Hồi thứ hai mươi sáu

Sau ba mươi ngày tĩnh dưỡng, Bảo Ngọc không những người đã khỏe, mà vết thương trên mặt cũng khỏi hẳn, lại về ở vườn Đại Quan.
Gần đây, khi Bảo Ngọc ốm, Giả Vân đem người nhà đến trông nom, ngày đêm ở luôn đấy. Hồng Ngọc cùng bọn a hoàn cũng đến ở đấy trông nom Bảo Ngọc. Hai bên ngày ngày trông thấy nhau, lâu dần thành quen. Hồng Ngọc thấy Giả Vân tay cầm cái khăn lụa giống hệt khăn của mình đánh mất ngày trước, muốn hỏi nhưng sợ không tiện. Từ ngày hòa thượng và đạo sĩ đến, không cần nhiều đàn ông hầu nữ, Giả Vân lại đi trồng cây. Việc này Hồng Ngọc muốn bỏ khuây đi, nhưng không sao bỏ nổi, muốn hỏi lại sợ người ngờ vực. Đương lúc dùng dằng suy nghĩ, tâm trí bàng hoàng, bỗng nghe ngoài cửa sổ có người hỏi: “Chị Hồng có ở nhà không?”

Hồng Ngọc nghe hỏi, đứng trong cửa sổ trông ra, té ra Giai Huệ, một a hoàn nhỏ cùng

trong nhà này, liền trả lời: “Có nhà, em vào đây”. Giai Huệ chạy vào, ngồi ngay lên giường, cười nói:

– Thực may quá! Em đang ở trong nhà rửa đồ đạc, thì cậu Bảo sai đưa chè sang cho cô Lâm, chị Hoa giao cho em mang đi. May gặp lúc cụ cũng sai người đưa tiền sang cho cô Lâm, và đang chia cho các chị bên ấy. Thấy em đến, cô Lâm bốc hai nắm cho em, không biết bao nhiêu, chị giữ hộ em.
Nó giở khăn lụa, đổ tiền ra. Hồng Ngọc đếm rành rọt số tiền, rồi cất đi. Giai Huệ hỏi:
– Mấy hôm nay trong bụng chị thế nào? Cứ như ý em, chị nên về nhà ở vài ngày, mời thầy lang đến xem, uống vài thang thuốc thì khỏi đấy.
Hồng Ngọc nói:

– Em nói gì thế? Chị vẫn khỏe, về nhà làm gì?

– Em nghĩ ra rồi, cô Lâm thường ốm yếu, hay uống thuốc, chị nên xin thuốc của cô ấy mà uống cũng được.
– Em nói nhảm! Thuốc có phải là của uống bừa được đâu?

– Chị nghĩ như vậy không phải là cách lâu dài, cứ lười uống thuốc sau này sẽ nguy

đấy!

Sợ gì? Thà chết sớm đi cho rảnh.

Đang yên lành sao lại nói những câu ấy?

Em biết đâu tâm sự của chị!

Chẳng trách được, chỗ này khó ở lắm. Hôm nọ cụ bảo, mấy ngày cậu Bảo ốm, người hầu đều vất vả cả. Bây giờ cậu ấy đã khỏi, đi lễ tạ các nơi rồi, nên thưởng tiền cho các người phục dịch. Như em còn bé, không được thưởng, cũng chẳng oán trách gì. Còn chị sao lại không được liệt vào hạng thưởng? Em chẳng phục tí nào. Như chị Tập Nhân dù được thưởng cả mười phần cũng đáng, chẳng nên tức bực làm gì. Nói thẳng ra, ai bì được với chị ấy? Chưa nói ngày thường chị ấy hết lòng phục dịch cậu Bảo, mà nếu chẳng phục dịch, cũng không bỏ được chị ấy. Đáng tức là bọn Tình Văn, Ỷ Hà lại được liệt vào hạng thưởng phần thứ nhất, chỉ vì chúng nó có vai có vế, nên mọi người đều tâng bốc chúng nó lên. Chị tính thế có đáng tức không?

Việc gì mà phải tức. Tục ngữ nói “Rạp dù làm dài đến nghìn dặm, cũng không có tiệc nào là tiệc không tàn”. Có ai ăn đời ở đời với nhau mãi đâu? Chẳng qua độ dăm ba năm, mỗi người đi mỗi ngả, còn ai nhìn ngó đến ai nữa?
Mấy câu này làm cho Giai Huệ lòng rất cảm động, mắt đỏ ngầu lên, nhưng vô cớ mà khóc cũng không tiện, nó đành phải gượng cười nói:
Chị nói rất phải. Thế mả hôm nọ cậu Bảo còn bảo: nào là thu xếp buồng ở, nào là may quần áo mới, như là câu chuyện còn đầm ấm lâu dài hàng mấy trăm năm nữa! Hồng Ngọc nghe xong cười nhạt, đương muốn nói nữa, thì một a hoàn chưa để tóc(1) chạy lại, tay cầm các mẩu hoa và hai tờ giấy, nói:
Chị vẽ kiểu hoa này vào giấy giúp em.

Nói xong nó vứt cho Hồng Ngọc, rồi quay người chạy đi ngay. Hồng Ngọc gọi với, hỏi:
Ai bảo mày mang đến đây? Chưa nói đã chạy! Ai nướng bánh chờ mày, mà mày vội vàng thế! Mày sợ bánh nguội đi chăng?
A hoàn nhỏ ở ngoài cửa sổ nói với một câu:

Chị Ỷ Hà bảo mang đến cho chị đấy.

Nó lúng búng nói những gì rồi rảo cẳng chạy đi ngay.

Hồng Ngọc bực mình, ném mẩu hoa vào một chỗ, rồi mở ngăn kéo tìm bút. Tìm mãi, chỉ thấy toàn những bút cùn, liền nói:
Có cái bút mới hôm trước vứt đâu mất rồi? Sao nghĩ mãi không ra? – Vừa nói, Hồng Ngọc vừa để ý ngẫm nghĩ, rồi cười nói: – Phải rồi, chiều hôm nọ Oanh Nhi mang về. Rồi bảo Giai Huệ:
Em đi lấy hộ chị nhé.

Chị Hoa còn đương chờ em đi lấy cái hòm cho chị ấy, thôi chị đi mà lấy vậy.

Chị ấy chờ em mà từ lúc nãy đến giờ em vẫn còn ngồi nói chuyện lau láu đấy à? Nếu chị không bảo em đi, làm gì có chuyện chị Hoa chờ em? Con ranh này hư lắm!
Nói xong, Hồng Ngọc đi ngay ra viện Di Hồng, đến thẳng phòng Bảo Thoa. Vừa đến cạnh đình Thấm Phương, thấy vú Lý của Bảo Ngọc đi đến. Hồng Ngọc đứng lại cười nói:
Vú Lý! Vú ở đâu đến đây? Sao lại đến chỗ này?

Này xem, bỗng dưng vô cớ lại vẩn vơ nghĩ đến cậu Vân, cậu “Vũ” nào đó, bắt tao phải đi tìm ngay. Ngày mai mà trên nhà biết, thì còn ra gì nữa?
Hồng Ngọc cười nói:

Vậy vú cũng theo lời cậu ấy mà đi gọi người ta sao?

Không theo lời thì làm thế nào?

Nếu người ấy biết điều đừng đến là phải.

Nó không phải là đứa ngốc, việc gì nó chẳng đến?

Nếu người ấy đến thật, thì vú đừng nên cùng đi với người ta; để mặc một mình hắn ta lại đây xem sao!
Tao đến bảo hắn thôi, chứ hơi đâu cùng đi với hắn! Tao về sai một đứa a hoàn nhỏ hay một bà già nào đưa hắn đến là đủ rồi.
Nói xong, chống gậy đi ngay.

Hồng Ngọc nghe nói đứng ngẩn ra một lúc, chạy vội đi lấy bút.

Một chốc, một a hoàn nhỏ chạy đến, trông thấy Hồng Ngọc đứng đấy, liền hỏi:

Chị Lâm đứng đây làm gì thế?

Hồng Ngọc ngẩng lên, thấy a hoàn nhỏ tên là Trụy Nhi, liền hỏi:

Mày đi đâu đấy?

Tôi đưa cậu Vân đến đây. Nói xong, nó chạy đi ngay.

Hồng Ngọc vừa mới đi đến trước cầu Phong Yêu, thấy Trụy Nhi dẫn Giả Vân đến. Giả Vân vừa đi vừa đưa mắt nhìn Hồng Ngọc. Hồng Ngọc giả làm bộ nói chuyện với Trụy Nhi, nhưng mắt vẫn liếc nhìn Giả Vân. Bốn mắt thình lình gặp nhau, Hồng Ngọc đỏ mặt lên, né mình vào một chỗ, rồi đi đến Hành Vu uyển.
Bấy giờ Giả Vân theo Trụy Nhi đi quanh co đến viện Di Hồng. Trụy Nhi vào trình trước, rồi mới dẫn Giả Vân vào. Giả Vân nhìn lên, thấy trong sân lơ thơ có mấy ngọn núi đá, trên trồng chuối, có hai con hạc đứng rỉa cánh ở dưới gốc cây thông. Trên thềm treo mấy cái lồng đẹp, trong có nhiều thứ chim lạ, xung quanh có năm gian nhà nhỏ, cánh cửa chạm các thứ hoa mới đẹp, trên treo một cái biển có bốn chữ lớn: “Di hồng khoái lục”. Hắn nghĩ bụng: “Vì có bốn chữ này, thảo nào mới gọi là “viện Di Hồng”. Đương nghĩ thì phía trong bức lụa che cửa sổ có tiếng cười nói: “Mời vào. Hai ba tháng nay ta quên bẵng cháu!” Giả Vân nghe đúng là tiếng Bảo Ngọc, vội vàng chạy vào, ngẩng đầu nhìn thấy vàng ngọc, tranh ảnh chói lọi rực rỡ, nhưng không thấy Bảo Ngọc ở đâu. Ngoảnh lại thấy bên trái có một cái giá gương, một đôi a hoàn độ mười lăm, mười sáu tuổi ở đằng sau gương đi ra nói: “Mời cậu Hai vào ngồi chơi nhà trong”.

Giả Vân vội vã đáp lời, mắt không dám nhìn thẳng, đến gần một cái tủ che bằng lụa biếc, có cái giường nhỏ vẽ sơn, trên giăng cái màn màu đỏ thêu hoa vàng. Bảo Ngọc mặc quần áo thường, chân đi giày, ngồi tựa trên giường xem sách. Thấy Giả Vân vào, Bảo Ngọc bỏ sách xuống cười đứng dậy. Giả Vân vội chạy lại hỏi thăm sức khỏe. Bảo Ngọc mời ngồi trên ghế, cười hỏi:

Tháng trước gặp cháu, ta hẹn đến thư phòng chơi, nhưng bận việc luôn, thành ra quên mất.
Giả Vân cười nói:

Thật là không may cho cháu, lại gặp lúc chú khó ở, bây giờ chú đã khỏe hẳn chưa?

Khỏe lắm rồi. Chú nghe nói mấy hôm đó cháu cũng vất vả lắm!

– Phận sự cháu đáng phải vất vả, nay chú được khỏe, thực phúc cho cả nhà ta.

Một a hoàn bưng nước trà lại mời uống. Giả Vân mồm nói chuyện với Bảo Ngọc, mắt cứ lấm lét nhìn trộm a hoàn. Người này dáng dong dỏng cao, mặt trái xoan, mặc cái áo màu hồng nhạt, vai khoác khăn lụa xanh, quần nhiễu trắng. Chẳng phải ai xa lạ, mà chính là Tập Nhân. Khi Bảo Ngọc ốm, Giả Vân đến ở đây phục dịch luôn mấy ngày, nên đã nhớ được một nửa tên những người ở trong nhà. Hắn cũng biết Tập Nhân được coi thân hơn so với tất cả những người hầu trong buồng Bảo Ngọc. Nay thấy chị ta pha trà đưa lên mời, lại có Bảo Ngọc ngồi bên cạnh, hắn liền đứng dậy cười nói:

Sao chị lại pha nước cho tôi uống? Tôi đến nhà chú không phải là khách, để tôi rót lấy cũng được.
Bảo Ngọc nói:

Cháu cứ ngồi yên đấy. Bọn a hoàn ở đây chỉ cốt có việc ấy thôi.

Tuy chú nói thế, nhưng đối với các chị ở trong nhà chú đây, khi nào cháu dám vô lễ? Nói xong hắn ngồi xuống uống nước.
Bảo Ngọc cùng Giả Vân nói mấy câu chuyện phiếm, nào con hát nhà ai hát hay, vườn hoa nhà ai đẹp, a hoàn nhà ai lịch sự, tiệc tùng nhà ai linh đình, nhà ai có của báu, nhà ai có vật lạ. Giả Vân chỉ lựa lời nói xuôi chiều mà thôi. Nói chuyện một lúc, thấy Bảo Ngọc có vẻ uể oải, hắn liền xin về. Bảo Ngọc giữ lại qua loa một tí rồi nói:
Hôm nào rỗi cháu cứ đến chơi.

Rồi lại sai a hoàn là Trụy Nhì đưa ra.

Giả Vân đi ra khỏi viện Di Hồng, thấy xung quanh không có ai, liền đi thong thả, tiếng nhỏ tiếng to, hỏi chuyện Trụy Nhi:
Em bao nhiêu tuổi? Tên họ là gì? Cha mẹ em làm gì? Em ở nhà chú Bảo được mấy năm rồi? Một tháng được bao nhiêu tiền lương? Trong nhà chú Bảo có tất cả bao nhiêu a hoàn?
Trụy Nhi cứ theo từng câu hỏi một trả lời. Giả Vân lại hỏi:

Người vừa nói chuyện với em có phải là Tiểu Hồng không?

Đúng tên chị ấy là Tiểu Hồng đấy. Cậu hỏi làm gì?

Vừa rồi nghe chị ấy hỏi em chiếc khăn lụa nào đó. Ta có nhặt được một chiếc.

Mấy lần chị ấy hỏi em có trông thấy chiếc khăn lụa không. Em không có hơi đâu mà nghĩ đến chuyện ấy. Hôm nay chị ấy lại hỏi, lại bảo em cố tìm được, chị ấy sẽ tạ ơn. Vừa rồi, chị ấy nói ở trước cửa Hành Vu Uyển, cậu cũng nghe thấy đấy. Không phải em nói dối cậu đâu. Cậu ơi, cậu đã nhặt được thì cho lại em, để xem chị ấy tạ ơn em thế nào.

Nguyên tháng trước Giả Vân đến đây trồng cây, có nhặt được chiếc khăn lụa, biết là người trong vườn này đánh rơi, nhưng không rõ của ai. Nay nghe Hồng Ngọc hỏi Trụy Nhi, Giả Vân biết là khăn của cô ta, trong lòng xiết bao mừng rỡ. Bây giờ lại thấy Trụy Nhi hỏi xin, Giả Vân nghĩ ngay một kế, liền rút cái khăn ở trong tay áo ra đưa cho Trụy Nhi và bảo:

Tôi cho em, nếu em được tạ ơn thì không nên giấu tôi.

Trụy Nhi vâng lời, cầm lấy khăn, đưa Giả Vân ra, rối về tìm Hồng Ngọc.

Sau khi tiễn Giả Vân về, Bảo Ngọc có vẻ mỏi mệt, lơ mơ nằm nghiêng trên giường.

Tập Nhân chạy lại, ngồi bên cạnh giường, lay Bảo Ngọc nói:

Lại chực ngủ đấy à? Nếu buồn, cậu đi ra ngoài chơi có hơn không? Bảo Ngọc cầm lấy tay Tập Nhân cười nói:
Tôi muốn đi chơi, nhưng không thể xa em được.

Dậy đi thôi.

Đi chơi chỗ nào bây giờ? Buồn lắm!

Cậu cứ đi ra ngoài chơi tự khắc vui, chứ cứ nghĩ những chuyện vụn vặt càng thêm buồn thôi.
Bảo Ngọc buồn rầu, đành phải nghe lời Tập Nhân, ra khỏi cửa phòng, đứng trên hành lang ngắm chim một lúc, rồi ra ngoài sân. Đến khe Thấm Phương, xem đàn cá vàng. Lại thấy sườn núi bên kia có hai con hươu nhỏ chạy rất nhanh, Bảo Ngọc không thể hiểu ra sao. Đương lúc thơ thẩn, thấy Giả Lan ở đằng sau, tay cầm cái cung nhỏ chạy đến. Trông thấy Bảo Ngọc, Giả Lan đứng lại, cười nói:

Thế ra chú ở nhà, cháu cứ tưởng chú đi chơi rồi.

Mày lại nghịch dại rồi. Tự nhiên vô cớ bắn nó làm gì?

Hôm nay cháu không học, ngồi rỗi biết làm gì? Vì thế cháu tập bắn cung.

– Coi chừng đấy, có ngã gãy răng, đến lúc ấy mới kinh.

Bảo Ngọc nói xong, luôn chân đi đến trước cửa một ngôi nhà, thấy đuôi phượng ve vẩy, sáo rồng vi vu(2). Ngước mắt nhìn lên, đó là quán Tiêu Tương. Tiện bước chạy vào, trông thấy rèm tương rủ xuống, tiếng người vắng tanh. Đến trước cửa sổ, thấy ở trong màn the thoảng ra một mùi hương êm dịu. Bảo Ngọc ghé mắt sát vào cửa sổ nhìn, nghe tiếng thở dài khe khẽ và hát câu: Suốt ngày mê mẩn bồi hồi, tình riêng chán ngắt…(3). Bảo Ngọc nghe xong, tự nhiên trong lòng rạo rực, nhìn kỹ thì Đại Ngọc đương nằm ngả lưng trên giường. Bảo Ngọc ở ngoài cửa sổ cười nói:

Sao lại hát câu ấy? Rồi vén rèm đi vào.

Đại Ngọc biết mình vô ý, tự nhiên mặt đỏ bừng lên, liền lấy tay áo che, rồi quay vào phía trong giả cách ngủ. Bảo Ngọc đến định lay gọi Đại Ngọc, thấy bà vú và hai bà già chạy đến nói:
Cô tôi đương ngủ, chốc nữa tỉnh dậy cậu hãy đến.

Vừa nói xong thì Đại Ngọc quay mình lại ngồi dậy cười nói:

– Nào ai ngủ?

Thế mà chúng tôi tưởng cô đã ngủ rồi. Và gọi Tử Quyên:
Cô dậy rồi, đi lên hầu.

Đại Ngọc ngồi trên giường, giơ tay sửa lại tóc, rồi cười hỏi Bảo Ngọc:

– Người ta đương ngủ, anh đến đây làm gì?

Bảo Ngọc thấy Đại Ngọc mắt hơi lim dim, mặt hơi đỏ, tâm thần tự nhiên xiêu xiêu, ngồi ngả trên cái ghế tựa cười nói:
Vừa rồi cô nói gì thế?

Tôi có nói gì đâu?

Tôi lại cho cô một cái “búng”(4) bây giờ! Tôi nghe hết cả rồi.

Hai người đương nói chuyện thì Tử Quyên đến, Bảo Ngọc cười nói:

Mang thứ trà ngon của nhà chị ra đây pha cho tôi uống. Tử Quyên nói:

Nhà chúng tôi đây làm gì có trà ngon, muốn uống trà ngon thì chờ chị Tập Nhân đến.
Đại Ngọc nói:

Mặc kệ anh ấy, em hãy đi múc nước cho tôi đã.

Cậu ấy là khách, nên pha nước cho cậu ấy uống trước đã rồi hãy đi múc nước. Nói xong đi pha nước, Bảo Ngọc cười nói:
Chị a hoàn này tốt đây! “Nếu tôi được cùng tiểu thư đa tình sum vầy phượng loan, quyết chẳng để chị trải nện quạt màn”(5).
Đại Ngọc nổi ngay cơn giận lên, cúi gằm mặt xuống hỏi:

Anh Hai, anh nói gì thế?

Tôi có nói gì đâu!

Đại Ngọc liền khóc nói:

Bây giờ anh lại giở trò, đi ra ngoài học những câu đầu đường xó chợ, rồi đem về lặp lại cho tôi nghe. Anh xem những tiểu thuyết nhảm nhí, rồi đem tôi ra làm trò cười. Tôi là một cái đồ chơi giải buồn cho các người à!
Vừa khóc vừa nhảy xuống giường, chực chạy ra ngoài. Bảo Ngọc sợ quá, vội cản lại nói:
Em ơi, anh lỡ lời đáng chết, xin em đừng mách ai. Nếu anh còn dám nói câu ấy nữa, mồm sẽ lên đinh râu và sẽ thối lưỡi.
Giữa lúc ấy, Tập Nhân chạy đến nói:

Ông gọi cậu đấy, về mặc quần áo ngay đi.

Bảo Ngọc nghe nói, như sét đánh bên tai, không nghĩ gì đến việc khác nữa, cắm đầu cắm cổ chạy về thay quần áo.
Ra khỏi vườn, thấy Bồi Dính chực ở cửa ngoài, Bảo Ngọc hỏi:

Ông gọi tao có việc gì, mày có biết không? Bồi Dính nói:
Cậu đi mau lên, đến đó sẽ biết.

Vừa nói vừa giục Bảo Ngọc.

Đi qua buồng khách, trong bụng Bảo Ngọc vẫn nghi ngờ, bỗng nghe thấy bên góc

tường có tiếng cười khanh khách, ngoảnh lại thấy Tiết Bàn vỗ tay nhảy xổ lại cười nói:

– Nếu không nói là dượng gọi thì khi nào anh lại chịu ra ngay.

Bồi Dính cũng cười, rồi quì xuống. Bảo Ngọc đứng ngẩn người một lúc, mới biết là

Tiết Bàn đánh lừa mình. Tiết Bàn vội vái chào nhận lỗi và nói:

Xin đừng quở phạt thằng bé này. Việc này là do tôi nhờ nó đi đấy. Bảo Ngọc đành chịu, không biết làm thế nào, chỉ cười hỏi:
Anh đánh lừa tôi cũng được, nhưng việc gì phải mượn tiếng cha tôi? Tôi sẽ đến mách dì, để người xử cho việc này, liệu có nên không?
Tiết Bàn vội nói:

Vì tôi muốn anh đến mau, nên quên hẳn những câu kiêng kỵ, sau này anh muốn đánh lừa tôi, cũng lại mượn tiếng cha tôi, thế là xong chuyện.
Ối chà, nói câu ấy lại càng đáng chết nữa!

Giống phản chủ này còn quì mãi làm gì đây? Bồi Dính vội đứng dậy lạy tạ.
Tiết Bàn nói;

Nếu không phải việc cần, tôi không dám làm phiền anh như thế. Chỉ vì ngày mai, mồng ba tháng năm, là ngày sinh của tôi, không biết lão Trình Nhật Hưng ở hàng bán đồ cổ tìm đâu được những ngó sen tươi vừa to vừa dài, lại trắng muốt; những quả dưa hấu rất to; một con cá tươi rất dài và con lợn Xiêm đã được xông hương cây bách là của nước Xiêm La đem đến cống(6). Anh xem, bốn thứ này đã dễ tìm đâu cho ra? Cá và lợn tuy là món quí, chỉ khó tìm thôi, còn ngó sen và dưa hấu, không biết họ làm thế nào mà có được! Trước hết tôi đem dâng mẹ tôi, rồi cho đem biếu bà và dì, bác. Còn để lại một ít, nếu tôi ăn một mình sợ tổn phúc. Nghĩ đi nghĩ lại, ngoài tôi ra chỉ có anh là đáng ăn thôi. Vì thế, tôi đặc biệt đến mời anh. May sao lại có một phường hát mới đến, chúng ta cùng chơi vui một hôm, anh nghĩ thế nào?

Hai người vừa nói vừa đi vào thư phòng, thấy bọn Thiềm Quang, Trình Nhật Hưng, Hồ Tư Lai, Đan Sính Nhân và phường hát đều đã ở đấy rồi. Thấy Bảo Ngọc vào, mọi người đứng dậy chào hỏi một lượt. Uống nước trà xong, Tiết Bàn sai bày tiệc rượu. Bọn hầu trai vội vàng đi bày tiệc rồi mọi người vào ngồi.

Bảo Ngọc trông thấy dưa hấu và ngó sen đều là của lạ, cười nói với Tiết Bàn:

Tôi chưa có gì mừng anh mà lại đến quấy thế à?

Thế ngày mai anh định mang thứ gì đến mừng?

Tôi chẳng mang cái gì cả. Nói đến tiền bạc hay đồ ăn đồ mặc, thì toàn không phải là của tôi. Chỉ có một tờ giấy viết chữ hay là một bức vẽ mới đúng là của tôi đáng đem đến mừng.
Anh nói đến bức vẽ, tôi lại nhớ tới hôm nọ ở một nhà kia, có bức vẽ xuân cung rất đẹp, trên có viết nhiều chữ, nhưng tôi không xem kỹ, chỉ thấy chỗ lạc khoản hình như chữ canh hoàng gì ấy, trông đẹp quá chừng.
Bảo Ngọc nghe xong, trong bụng ngờ ngợ, liền nói:

Những bức vẽ xưa nay tôi đều đã được xem qua, chẳng có nhà danh họa nào tên là Canh Hoàng cả.
Nghĩ một lúc, phì cười lên, sai người lấy bút viết hai chữ vào lòng bàn tay rồi hỏi Tiết Bàn:
Anh chắc hai chữ ấy là canh hoàng đấy chứ?

Sao lại không chắc?

Có phải hai chữ này không? Thực ra hai chữ này không khác chữ canh hoàng là mấy.
Mọi người xem thì ra hai chữ Đường Dần(7), đều cười nói:

Chắc là hai chữ này rồi, lúc đó cậu Tiết có lẽ mắt hoa nên không thấy rõ, cũng chưa biết chừng.
Tiết Bàn nghĩ thấy cụt hứng, cười nói:

Nào ai biết nó là “đường” hay là “kẹo”.

Đương nói chuyện thì đứa hầu nhỏ vào trình: “Cậu Phùng lại chơi”. Bảo Ngọc biết ngay là Phùng Tử Anh, con quan Thần Vũ tướng quân Phùng Đường. Bọn Tiết Bàn bảo mời vào. Nói chưa dứt lời, đã thấy Phùng Tử Anh tươi cười bước vào. Mọi người vội đứng dậy mời ngồi. Phùng Tử Anh nói:

Tốt lắm! Chả cần phải đi đâu nữa, cứ ở nhà vui thú với nhau là được. Bảo Ngọc, Tiết Bàn đều cười, nói:

Lâu lắm không gặp được anh. Bác nhà có được mạnh khỏe không? Tử Anh đáp:
Cha tôi vẫn khỏe mạnh, chỉ có mẹ tôi gần đây bị phong hàn, có nhọc vài hôm. Tiết Bàn thấy trên mặt Tử Anh có vết thương hơi tím, cười hỏi:
Lại đánh nhau với ai mà có vết thương trên mặt?

Từ khi đánh con ông đô úy họ Cừu bị thương, tôi đã hối hận và nhớ mãi việc ấy, không dám nóng nẩy, thì còn đánh nhau với ai? Vết thương ở trên mặt là tại hôm nọ tôi đi săn ở núi Thiết Võng, bị con chim ưng đập cánh trúng đấy.
Bảo Ngọc hỏi:

Bao giờ thế?

Đi từ hôm hai mươi tám tháng ba đến hôm qua mới về.

Thảo nào hôm mồng ba mồng tư vừa rồi tôi đến dự tiệc nhà anh Thẩm không thấy anh. Tôi định hỏi, nhưng lại quên mất. Anh đi một mình hay cả bác cũng đi?
Vì cha tôi đi, tôi không thể từ chối được, nên phải cùng đi Chứ tôi có phải hóa rồ đâu. ở nhà mấy anh em cùng nhau uống rượu nghe hát, chẳng vui hơn sao, tội gì mà lại chuốc lấy sự bực tức vất vả vào người. Chuyến đi này trong sự không may lại gặp sự rất may.
Bọn Tiết Bàn thấy hắn uống nước rồi, đều nói: “Xin mời vào tiệc, có chuyện gì sẽ nói sau”. Tử Anh nghe xong đứng dậy nói:
Cứ lẽ ra, tôi phải ở lại hầu rượu các anh là đúng, nhưng hiện giờ có việc rất cần, tôi phải đi, xong đó quay về trình cha tôi ngay, thực không thể ở lại được.
Tiết Bàn, Bảo Ngọc khi nào chịu nghe, cố sống cố chết giữ lại không cho đi. Tử Anh cười nói:
Lạ quá, chúng ta sống với nhau trong bấy nhiêu năm, khi nào lại có cái đối xử với nhau như thế? Thực tôi không thể theo lời được. Nếu nhất định giữ tôi, xin mang cốc lớn ra đây tôi uống hết hai cốc là được.
Mọi người nghe nói, đành thôi không nài nữa. Tiết Bàn cầm chai, Bảo Ngọc cầm cốc, rót đầy hai cốc to. Tử Anh đứng dậy uống một hơi hết. Bảo Ngọc nói:
Anh hãy nói hết cái chuyện “không may lại gặp may” cho chúng tôi nghe đã, rồi mới

được đi.

Tử Anh cười nói:

Bây giờ không thể nào nói hết được. Cũng vì việc ấy, tôi muốn sửa một bữa tiệc, mời các anh đến chơi nói chuyện và còn có việc nhờ đến các anh nữa.
Nói xong, chắp tay chào rồi đi. Tiết Bàn nói:
Càng nói càng làm cho người ta sốt ruột lên, không thể nhịn được! Bao giờ anh mới nói rõ cho người ta đỡ mong.
Tử Anh nói:

Lâu thì mười ngày, chóng thì tám ngày nữa.

Vừa nói vừa chạy ra ngoài cửa, cưỡi ngựa đi.

Mọi người trở về, theo thứ tự ngồi lại uống rượn, một lúc mới tan tiệc.

Bảo Ngọc về trong vườn, Tập Nhân ở nhà đương băn khoăn không biết Bảo Ngọc sang hầu Giả Chính, lành dữ ra sao. Bỗng thấy Bảo Ngọc về, say lướt khướt, hỏi duyên cớ, Bảo Ngọc kể hết đầu đuôi. Tập Nhân nói:

Người ta đương sốt lòng sốt ruột chờ đợi. Cậu cứ mải vui, chẳng nghĩ gì cả. Cậu cũng nên sai người về báo tin mới phải!
Bảo Ngọc nói:

Tôi vẫn định cho người về báo tin, nhưng gặp anh Phùng Tử Anh đến, nên trót quên mất.
Nói xong thấy Bảo Thoa chạy đến cười nói:

Anh ăn trước những thứ gì ngon lạ ở bên nhà tôi đấy?

Nhà chị có thứ gì ngon lạ, tất nhiên là để dành cho chúng tôi trước. Bảo Thoa lắc đầu cười nói:
Hôm qua anh tôi mời riêng tôi, tôi không ăn, bảo để dành lại biếu người khác. Tôi tự nghĩ mình kém phúc, không đáng ăn những thứ ấy.
Nói xong a hoàn pha nước uống, rồi nói chuyện phiếm.

Đại Ngọc nghe nói Giả Chính gọi Bảo Ngọc, suốt ngày không thấy về, trong bụng cũng áy náy lo thay cho cậu ta. Sau bữa cơm chiều, nghe nói Bảo Ngọc đã về, Đại

Ngọc định đến hỏi xem có xảy việc gì không? Đang lững thững đi, thấy Bảo Thoa cũng đi vào vườn. Đại Ngọc liền chạy theo sau. Vừa đến cầu Thấm Phương, thấy các giống thủy cầm(8) đương tắm trong ao, không nhận ra được giống gì, toàn những màu sắc lóng lánh, trông đẹp lạ thường. Đại Ngọc đứng dừng lại xem một lúc rồi đi đến viện Di Hồng, thì cửa đã đóng, Đại Ngọc liền gõ cửa.

Không ngờ Tình Văn và Bích Ngân đương cãi nhau. Thấy Bảo Thoa đến, Tình Văn liền giận lây cả cô ta, lủng bủng nói ở trong nhà: “Lúc bận cũng như lúc rỗi, cứ đến ngồi lì ra đấy, làm cho người ta mãi nửa đêm gà gáy cũng chưa được đi ngủ”. Chợt lại nghe có tiếng người gõ cửa, Tình Văn lại càng cáu lên, chẳng hỏi là ai, nói ngay: – Ngủ cả rồi, ngày mai hãy đến.

Đại Ngọc xưa nay vẫn biết thói quen của đám a hoàn hay mải chơi, có lẽ chúng nó không nhận được tiếng của mình, cho là đứa a hoàn nào gọi, nên không mở cửa. Vì thế lại gọi to:

Tôi đây! Sao không mở cửa ngay? Tình Văn vẫn không nghe rõ, lại gắt lên:

Chị là ai cũng mặc kệ, cậu Bảo đã dặn tôi nhất thiết không để người nào vào!

Đại Ngọc nghe nói, đứng ở ngoài cửa tức lắm, định quát to nhưng lại nén giận, tự nghĩ: “Tuy nhà cậu cũng như nhà mình, nhưng mình vẫn là khách. Bây giờ bố mẹ chết rồi, không có chỗ nương tựa, mình phải đến ở nhờ đây, có giận cũng vô ích”. Đại Ngọc nghĩ vậy, nước mắt chảy xuống ròng ròng, về không tiện, đứng cũng không tiện. Đương lúc phân vân, nghe ở trong nhà có tiếng cười nói, lắng tai mãi thì ra tiếng Bảo Ngọc và Bảo Thoa. Đại Ngọc càng giận, nghĩ quanh nghĩ quẩn, sực nhớ tới việc sáng hôm nay: “Có lẽ vì anh ấy giận ta, cho là ta đi mách anh ấy. Nhưng khi nào ta lại mách! Anh ấy không chịu nghe ngóng kỹ, lại giận ta đến nỗi này à! Hôm nay không cho ta vào, liệu ngày mai không gặp mặt được sao?” Càng nghĩ càng đau xót, thôi thì mặc kệ rêu xanh sương lạnh, đường hoa gió lùa, một mình thơ thẩn, đứng dưới bóng cây bên góc tường, rầu rầu thổn thức, nức nở nghẹn ngào!

Đại Ngọc vẫn sẵn dáng điệu tuyệt vời, nhan sắc hiếm có. Ngờ đâu trận khóc này làm chim chóc đương đậu trên cành liễu, khóm hoa gần đấy, cũng xào xạc bay xa, không nỡ nghe những tiếng khóc than ai oán. Thực là:

Hoa choáng hồn lên buồn tẻ bấy;

Chim bừng mắt dậy ngẩn ngơ đâu!

Vậy có bài ca rằng:

Cô Tần tài sắc tuyệt vời,

Một mình hiu quạnh ra ngoài buồng thêu.

Giọng than chưa ngớt nghẹn ngào,

Hoa tơi bời rụng, chim xào xạc bay.

Đại Ngọc đương lúc than khóc, chợt nghe thấy kẹt một tiếng, cánh cửa mở, có một

người đi ra.

———————————

(1). Đời Thanh con gái còn nhỏ thì cạo quanh đầu, chỉ để chỏm giữa. Đến khi lớn mới để tóc.
(2). Đuôi phượng là hình dung lá trúc, sáo rồng là hình dung tiếng gió thổi qua lá trúc.

(3). Câu ớ Tây Sương Ký.

(4). Ngày xưa người Trung Quốc trai gái đùa nhau, thường lấy ngón tay cái và ngón tay giữa nhíp lại, xát nhau cho bựt ra thành tiếng.
(5). Mượn lời trong truyện Tây Sương, Trương Sinh nói với Tiểu Hồng là đầy tớ của Thôi Oanh Oanh.
(6). Sự thực chỗ này chưa rõ, xin dịch đúng nguyên văn, đợi nghiên cứu sau.

(7). Tên một nhà danh họa đời Minh, cũng hơi gíống như chữ “canh hoàng”. Tiết Bàn vì dốt nên đọc sai.
(8). Thủy cầm: như các giống vịt, ngỗng, le, cốc v.v… thích ở dưới nước.