ỤC LỤC
PHẦN I: SINH TRƯỞNG VÀ HỌC Ở BẮC (1912-34)
Chương IV: Những năm ở tiểu học
Chương V: Những năm ở trung học
Chương VI: Về Phương Khê học chữ Hán
Chương VII: Làng tôi thời đại nông nghiệp
Chương VIII: Từ khi bà ngoại tôi mất
Chương IX: Những năm ở đại học
PHẦN II: VÔ NAM LÀM VIỆC (1935-1955)
Chương X: Làm sở Thuỷ lợi Miền Tây
Chương XI: Đời công chức ở Sài Gòn
Chương XIV: Việt Nam từ đầu thế kỉ đến thế chiến thứ nhì
PHẦN III: TRONG CHIẾN TRANH VIỆT-PHÁP (1945-1954)
Chượng XVI: Tản cư về Tân Thạnh
Chương XVII: Các cuộc thương thuyết Việt-Pháp
Chương XVIII: Tôi qua Long Xuyên
Chương XIX: Pháp sa lầy và thua ở Bắc Việt
PHẦN IV: NAM BẮC CHIA HAI – CHIẾN TRANH VIỆT-MĨ (1954-1975)
PHẦN V: CHUYỆN LÀM VĂN HOÁ (1954-1975)
Chương XXV: Nhờ đâu tôi viết được nhiều?
Chương XXVI: Cách tôi làm việc
Chương XXVII: Hai chục năm làm việc tích cực
Chương XXVIII: Tôi tự nhận định tác phẩm của tôi
PHẦN VI: TỪ NGÀY GIẢI PHÓNG (1975-1980)
Chương XXXIII: Lại tiếp tục viết
Cuốn Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, bản của nhà Văn hoá in năm 1993 gồm:
- Lời nhà xuất bản.
- Vài nét về học giả Nguyễn Hiến Lê của Nguyễn Q. Thắng (Tôi tạm lược bỏ bài này).
- Lời nói đầu của tác giả.
- 33 chương (Nhà xuất bản tạm lược bỏ lại 6 chương XXI, XXII, XXIV, XXX, XXXI và XXXII), chia làm 6 phần.
- 3 phụ lục.
Trong khi gõ cuốn Hồi kí này, khi gặp những chỗ ngờ sai, tôi thường đối chiếu với cuốn Đời viết văn của tôi (Nxb Văn hoá – Thông tin, năm 2006, về sau gọi tắt là ĐVVCT), nếu sai tôi sẽ châm chước sửa lại mà phần lớn không chú thích để khỏi rườm. Ví dụ đoạn sau đây: “Trong bộ Đại cương Văn học sử Trung Quốc, chỉ có một số ít bài do tôi dịch, mà toàn là những bài dễ, còn hầu hết đều do một ông bác tôi dịch cho và kí tên là Vô danh. Như thơ cổ phong loại “từ” một thể thơ và loại thơ mới của Trung Hoa thì tôi có thể dịch được vì không bị trói buộc vào niêm luật” (tr.403). Câu cuối của đoạn trên, trong ĐVVCT in là: “Nhưng thơ cổ phong loại “từ” (một thể thơ) và loại thơ mới của Trung Hoa thì tôi có thể dịch được vì không bị trói buộc vào niêm luật” (tr.168), nên tôi châm chước sửa lại câu cuối đó thành: “Như thơ cổ phong loại “từ” (một thể thơ) và loại thơ mới của Trung Hoa thì tôi có thể dịch được vì không bị trói buộc vào niêm luật”.
Còn hai chữ “đệ tứ” trong câu “Nhóm đệ tứ Triều Sơn, Thế Húc, Tam Ích, Thiên Giang cũng viết ít bài phê bình có tư tưởng xã hội, sau in thành vài tập mỏng; Triều Sơn viết khá hơn cả, nhưng chết sớm” (tr.426), tôi vẫn giữ nguyên mặc dù trong ĐVVCT in là “đệ tử” (tr.199) vì tôi đoán “đệ tứ” ở đây có nghĩa là “Đệ tứ Quốc tế”, còn gọi là “Đệ tứ Cộng sản”.
Ở một số chỗ, tôi cũng phải chép đúng theo Hồi kí như câu sau đây trong đoạn nói về cuốn Sống đẹp, nguyên tác của Lâm Ngữ Đường: “Mấy năm sau tôi thấy ở nhà xuất bản Á Châu một bản Việt dịch hình như của Vũ Bằng…” (tr.466); nhưng tôi phải ghi thêm chú thích vì trong ĐVVCT lại cho biết tên bản Việt dịch là Lạc thú ở đời và người dịch lại là Trình Xuyên (tr.248).
Tôi cũng đưa vào chú thích một số đoạn có trong ĐVVCT nhưng không có trong Hồi kí. Ngoài ra tôi cũng chú thích vài chỗ khác biệt mà tôi không có điều kiện để kiểm tra xem cuốn nào in đúng, ví dụ như ngày mất của cụ Phương Sơn, bác ba của cụ Nguyễn Hiến Lê, trong Hồi kí ghi: “Đầu tháng giêng năm 1960, ngày 11 tháng chạp năm Kỉ Hợi, tôi ở Sài gòn được điện tín người qui tiên”, nhưng trong ĐVVCT lại ghi: “Đầu tháng giêng 1960 (12 tháng chạp năm Kỷ Hợi) người quy tiên…”.
Trong Hồi kí cũng có một số chỗ khác biệt với các tác phẩm của cụ đã viết trước cuốn Hồi kí. Ví dụ như trong cuốn Đế Thiên Đế Thích, cụ bảo rằng lúc đi thăm Siemreap cụ đã “…hỏi mua cuốn Guide Groslier mà không có, đành mượn của anh T.”; nhưng trong cuốn Hồi kí, cụ bảo lại bảo: “Tôi mang theo cuốn Guide Groslier rồi lên xe đò đi Nam Vang”.
Sau Hồi kí và ĐVVCT, cụ còn viết bộ Sử Trung Quốc. Trong Hồi kí, phần xét riêng các triết gia về chính trị thời Tiên Tần, cụ Nguyễn Hiến Lê sắp các triết gia làm ba phái: hữu vi, vô vi và cực hữu vi. Và theo cụ thì: “Phái vô vi chủ trương can thiệp rất ít (Lão tử) hoặc không can thiệp chút gì (Trang tử, Liệt tử) vào đời sống của dân, để mặc dân sống theo bản năng, trở về tính chất phác thời nguyên thuỷ, như vậy xã hội sẽ hết loạn”. Nhưng trong Sử Trung Quốc, cũng xét về tư tưởng chính trị, thì trong phái vô vi cụ chỉ kể đến Lão tử, Trang tử và Dương tử, còn Liệt tử thì cụ lại không nhắc đến.
Trên đây tôi chỉ nêu một vài chỗ khác biệt giữa Hồi kí và vài tác phẩm khác của cụ mà tôi được biết. Có chỗ tôi chú thích, có chỗ không vì nếu chú thích hết thì rườm quá.
Trong Hồi kí có quá nhiều sự kiện, đọc một hai lần khó mà nhớ hết, hiểu hết. Do vậy, để tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Hiến Lê, ngoài Hồi kí và ĐVVCT nhiều lần, ta còn phải đọc thêm các sách khác của cụ, các bài viết của các tác giả khác viết về cụ, các tài liệu liên quan đến các thông tin liên quan đến bộ Hồi kí này.
Cuối cùng, tôi xin được nói thêm là, cũng như đối với các tác phẩm mà tôi đã gõ trước đây, khi gõ tác phẩm này, tôi cũng được bác Vvn giải thích giúp các thắc mắc liên quan đến chữ Hán, mà một phần các lời giải đáp của bác Vvn được tôi ghi lại trong phần chú thích. Xin chân thành cảm ơn bác Vvn và xin chia sẻ cùng các bạn.
Ngày 7.12.2009
Goldfish