Vậy là vừa học trường Tây, chữ Tây, cậu bé hiếu học côi cút kia đã tận dụng những mảnh nhỏ thời gian trong cuộc đời nghèo khó của mình để học chữ của Thánh hiền. Đây là chiếc cầu nối quan trọng dẫn Nguyễn Hiến Lê, cậu bé ham hiểu biết, trở thành Nguyễn Hiến Lê – học giả.
Không phải là người cách mạng, là nhà văn cách mạng, nhưng Nguyễn Hiến Lê cũng không phải là nhà văn của chế độ cũ, mặc dù ông sống giữ lòng xã hội ấy suốt mấy chục năm. Một lần nữa Nguyễn Hiến Lê lại ở giữa lằn ranh nhân cách và phi nhân cách. Có người cho rằng ông đi giữa hai làn đạn. Và một lần nữa ông đã tỏ ra bản lĩnh vững vàng trước sau ông vẫn giữ được nhân cách của mình.
Ngòi bút Nguyễn Hiến Lê, tâm hồn và con tim Nguyễn Hiến Lê ngay từ đầu đã thuộc về nhân dân, những người lao động, những ai cực khổ, bần hàn và bất hạnh. Niềm tự hào về dòng giống, tổ tiên và nỗi đau về dân tộc trước những cuộc ngoại xâm đã kéo Nguyễn Hiến Lê, một nhà văn luôn ý thức lánh xa những gì phù phiếm như chức tước, địa vị và sự giàu sang không lương thiện, xích gần với Cách mạng và tự coi mình là người của Cách mạng, bởi lẽ dễ hiểu, những điều Cách mạng đang làm cũng chính là những mơ ước của ông.
Dầu đứng ở những góc nhìn khác nhau, ai cũng dễ tìm thấy ở Nguyễn Hiến Lê một cái gì đó gần với tâm trạng của dân tộc mình, một cái gì đó thuộc nhân bản của con người cầu tiến luôn vươn tới mục đích cao thượng và hoàn mỹ. Rất nhiều thế hệ độc giả khác nhau đều kính phục sự nghiêm túc của học giả này. Tính nghiêm túc của Nguyễn Hiến Lê có được bởi nó bắt nguồn từ trí nhớ tuyệt vời của ông và cùng với trí nhớ là cách làm việc khoa học, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ, sự học hỏi và lối ghi chép hết sức cẩn thận. Nguyễn Hiến Lê luôn coi trọng tư liệu, bởi hơn ai hết ông hiểu sự khách quan của một tác phẩm là vô cùng quan trọng. Nó là chiếc cầu đầu tiên nối lòng trân trọng hay sự coi thường, khinh miệt của độc giả đối với người cầm bút. Ngay khi nói về mình, Nguyễn Hiến Lê cũng cố giữ tính nghiêm túc và khách quan, luôn luôn tự tách mình ra khỏi văn mạch chủ quan của chính mình.
Trên tinh thần tôn trọng một học giả nghiêm túc và được nhiều người mến mộ, kính nể ấy, Nhà xuất bản Văn học trân trọng giới thiệu cuốn Hồi kí của ông. Tuy là hồi ký một người, một nhà văn, nhưng qua đấy người đọc cảm nhận được xã hội Việt Nam xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược mà nét hào hùng lẫn những vệt máu và nước mắt vẫn còn thấm đẫm mới rợi trên từng trang sử của dân tộc chúng ta. Từng sự kiện, từng con người (từ nhà chính khách cho đến nhà văn…) đều được cách nhìn Nguyễn Hiến Lê soi rọi và đánh giá.
Tất nhiên, dù cố gắng khách quan, chúng tôi thiển nghĩ thật khó có thể thoát khỏi dấu ấn chủ quan. “Văn là người”, điều ấy có thể dẫn đến một số đánh giá của ông chưa được hợp lý theo quan niệm đương thời hoặc theo cách nhìn của một bộ phận, một số người nào đấy chăng?
Vì tác giả đã mất, Nhà xuất bản không nở cắt bỏ nhiều quá. Trong quá trình biên tập chúng tôi chỉ lược bớt phần rườm ra và cắt những chỗ không thể nào để lại được. Chúng tôi mong bạn đọc thông cảm.
Sự đóng góp của Nguyễn Hiến Lê trong nền văn học Việt
Nhà xuất bản rất mong sự đóng góp của độc giả trong nước cũng như ngoài nước để lần in sau chúng tôi rút được những kinh nghiệm tốt hơn.
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC