Mười một giờ trưa ngày rằm tháng chạp năm Giáp Tuất (19-1-1935) mẹ tôi, em trai và một người em họ tôi đưa ra ga Hàng Cỏ để đáp xe lửa vô
Hôm đó trời u ám, mưa phùn lất phất. Buồn vô hạn. Ở sân ga mẹ tôi chỉ dặn tôi vào
Anh Đỗ văn Hách cũng được bổ vào cùng một sở với tôi và cùng đi một chuyến xe. Toa xe lửa hạng ba của chúng tôi vắng, chỉ có hai anh em tôi và một người cháu gái của anh Hách bồng con nhỏ, tiễn anh tới Nam Định. Chúng tôi chào hỏi nhau ít câu, rồi để họ nói chuyện với nhau, tôi ngồi riêng ra, nhìn cánh đồng bằng phẳng, chưa trồng gì, còn trơ chân rạ, với làng xóm, bụi tre, cây đa, vài mái đình chùa ở xa xa mà nhớ lại lần cải táng cha tôi từ ngoại ô Hà Nội về Phương Khê, hồi tháng tám âm lịch bốn tháng trước.
Mẹ tôi đã tính toán từ trước, đợi tôi thi đậu rồi mới cải táng, nhân dịp đó bảo các anh con bác tôi làm cỗ cúng tổ tiên và mời mấy người thân trong họ, mấy bà lí, bà chánh trạc tuổi mẹ tôi ở trong làng và một làng bên tới dự. Mẹ tôi lại biết tôi không khéo ăn nói, nên nhờ một người em cháu cô cháu cậu với tôi, con cả chú Ba Đỗ, lớn tuổi mà có vẻ nho nhã, đứng ra tiếp khách thay tôi.
Hôm đó thật vui. Mẹ tôi và mấy anh em tôi đi từ làng Thịnh Hào rất sớm, xách một cái bồ nhỏ trong chứa hài cốt cha tôi, ra ô Câu Giấy đón xe hàng đi Sơn Tây. Gió thu hây hẩy, hai bên đường ruộng lúa mơn mởn, chúng tôi vừa đi vừa ăn cốm Vòng dẻo, thơm, ngọt. Không có món điểm tâm nào thanh bằng thứ đó. Xế trưa tới Phương Khê, sắp hài cốt vô một tiểu sành rồi chôn trong một thửa ruộng của nhà, trên đồng đỗ, nhìn ra bờ đê, chôn xong xây gạch bốn bên liền. Công việc chuẩn bị kĩ từ trước, khoảng ba bốn giờ chiều đã xong, rồi về nhà thờ làm lễ, tiếp khách khứa. Tôi thấy hôm đó mẹ tôi rất vui, rộng rãi với mọi người. Người thật khéo xử, ghét cái danh hảo, cho nên tôi thi đậu mà người không khao vọng, mà chỉ nhân việc cất mộ cha tôi, trình với vong linh tổ tiên, và họ hàng, làng mạc bên chồng rằng người đã ở vậy nuôi con trên mười năm và con người đã thành tài.
Ngồi trên xe lửa, ôn lại từng ngôn ngữ, cử chỉ của người hôm đó tôi càng phục: người không được học mà tính toán việc gì cũng chu đáo, xử sự đàng hoàng, khiêm tốn, mềm mỏng mà tự trọng, bà con bên chồng không ai không kính.
Rồi tôi lại nghĩ sau khi tôi đi, cảnh nhà còn buồn hơn nữa. Cả ba em tôi đều không có nghề gì, em trai tôi lại lông bông, không biết mẹ tôi sẽ tính sao. Tôi định vào làm trong
HÀ NỘI - SÀI GÒN – LONG XUYÊN
Xe tới Thanh Hóa thì tối, nên tôi không được thấy phong cảnh miền bắc Trung phần. Từ Tourane khí hậu khác hẳn: trời nắng ấm, trong trẻo, không ảm đạm như ở Bắc, chúng tôi lên xe ca (car) vì khúc này chưa có đường xe lửa. Trong cuốn Tương lai ở trong tay ta, tôi đã ghi cảm tưởng và nỗi lòng tôi như sau:
“Hồi đó, một ngày gần Tết, một ông bạn đồng song và tôi ngồi chiếc xe “ca” vượt cảnh núi trùng trùng điệp điệp trên quốc lộ Số 1 để vào Sài Gòn nhận việc, vì con đường xe lửa “xuyên Đông Dương” chưa hoàn thành. Qua những rừng dừa ở Tam Quan, ở Sông Cầu, rồi leo ngọn Đèo Cả, nhìn xuống biển khơi một màu ngọc thạch, tôi thấy trong lòng nổi lên một khúc nhạc tựa như khúc Xuân tình. Dưới con mắt tôi, cái gì cũng mới: từ trời biển, núi sông đến cô bạn đồng hành cười luôn miệng và giọng líu lo như tiếng chim, nhất thiết đều khác hẳn với quê hương chúng tôi mà tươi sáng quá chừng! Lòng tôi cũng mới: từ nay bắt đầu bước vào đời, được bay bổng như những con hải âu lấp loáng ở ngoài Nam Hải kia, được tự do tạo cuộc đời theo ý muốn của mình. Nhớ lại tuổi thiếu niên bị câu thúc và thiếu thốn, tôi có cảm tưởng rằng chiếc xe ca mỗi giờ mỗi phút đưa tôi xa cái thời đó cũng như xa cảnh mưa phùn ảm đạm ở Bắc Việt mà chúng tôi mới từ biệt ngày rưỡi trước.
“Nghĩ tới tương lai, tôi không hề lo lắng (...) mà trước mặt chỉ thấy hăng hái và hi vọng, tràn trề hi vọng. Có ít nhất là ba chục năm để sống, sẽ gặp những thời thế mới, hoàn cảnh mới, sẽ kiếm được tiền, học hỏi thêm, và sẽ hoạt động để đóng một vai trò nào đây. Có gì thú cho bằng, kích thích cho bằng nữa? Tôi nghĩ thầm: ở trường ra ai cũng như ai, đều sắp hàng ở cái vạch trắng đánh dấu mức khởi hành của cuộc đua, thử xem sau này ai tới trước và tới đâu? Chiếc xe ca vẫn lăn đều đều trên đường tráng nhựa, một bên là dãy Trường Sơn, một bên là biển cả, gió khơi lộng vào tóc, hương rừng ùa vào phổi.
Đó là tâm trạng của tôi hồi đó như vậy”.
Tới Nha Trang chúng tôi bỏ xe hơi lên xe lửa. Tám giờ sáng hôm sau đến Sài Gòn. Một anh bạn học, Lê Trọng Minh, đợi chúng tôi ở sân ga, đưa chúng tôi về Đa Kao. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là ga Sài Gòn nhỏ quả, kém xa ga Hàng Cỏ; mà Sài Gòn rất tươi sáng, náo nhiệt: ánh vàng tưng bừng trên cành, trên những ngọn sao, dầu, cao vút, thẳng như cây cột, khiến tôi nhớ phố Lò Sũ ở Hà Nội; đường phố nhộn nhịp người qua lại, phụ nữ hầu hết bận áo cụt[1], chưa quen mắt nên tôi thấy chướng.
Nghỉ ở Đa Kao một chút - mấy từ này tôi nghe lạ quá, như không phải tiếng Việt - rồi tôi qua Khánh Hội ở trọ nhà một người em họ tên là Quýnh làm thư kí tại ngân hàng Đông Dương. Giờ đó trời đã nóng như đầu hè ở Bắc. Hôm sau lại sở nhận việc, chúng tôi được biết chỉ ở Sài Gòn hơn mười bữa rồi ăn Tết xong, xuống làm ở Long Xuyên. Tôi liền viết thư cho mẹ tôi hay và báo tin cho bác Ba tôi ở Tân Thạnh rằng ba mươi Tết tôi sẽ xuống thăm người.
Ở Sài Gòn non nửa tháng đó, tôi đã bắt đầu ngán “Hòn ngọc Viễn Đông”. “Đủ mọi giống người hỗn tạp, đa số là con buôn; nóng, bụi và ồn; muốn kiếm một chỗ thanh tĩnh có chút di tích dể ôn lại dĩ vãng thì không biết kiếm ở đâu, và suốt ngày thâu đêm, chỉ thấy người ta ăn uống, đánh tứ sắc và ca vọng cổ”.
Sáng sớm 30 Tết, chú Quýnh và tôi lại chợ Bến Thành lên xe đò[2] để đi Mĩ Luông. Trên đường tôi để ý nhận thấy miền
Đường dài quá, trên trăm rưỡi cây số, qua mấy thị xã, mấy chợ quê rồi mà vẫn chưa tới nơi, tôi sốt ruột. Khoảng 12 giờ trưa xe mới ngừng ở chợ Mĩ Luông và chú Quýnh và tôi xuống đò qua làng Tân Thạnh ở bờ bên kia sông Tiền Giang. Đi bộ một quảng nữa, gặp một người anh con bác tôi, anh Việt Châu đi đón.
BÁC BA TÔI VÀ LÀNG TÂN THẠNH
Tới nhà, bác Ba tôi nắm chặt tay tôi, mừng biết bao. Đã mấy năm nay bác cháu anh em chỉ biết nhau trong bức thư chứ đâu đã biết mặt. Cả nhà xúm lại chung quanh chúng tôi.
Bác trai tôi cũng thấp người, da trắng như cha tôi, có phần đẫy hơn; trán cao, mặt vuông, miệng rộng - nghe nói hồi trẻ môi son nữa - tướng phương phi, phúc hậu, tính tình nghiêm hơn bác Hai, nhưng có phần khoan hơn cha tôi. Bác gái tôi cũng thấp, trắng trẻo, ra vẻ nhàn hạ phong lưu, không cực khổ, tháo vát như mẹ tôi, tính tình thành thật, dễ dãi, rộng rãi.
Trong cuốn Đông Kinh nghĩa thục tôi đã chép khá kĩ về bác Ba tôi, đây chỉ xin tóm tắt vài nét chính. Học giỏi, có tài văn thơ, thi Hương thử một lần rồi bỏ, gia nhập Đông Kinh nghĩa thục, cưới con gái (cô Năm) cụ cử Lương Văn Can, thục trưởng, cả hai vợ chồng đều dạy giúp nghĩa thục. Hiệu là Phương Sơn, bạn đồng chí trong nghĩa thục gọi là Tiểu Phương để phân biệt với bác Cả tôi là Đại Phương, chơi thân với cụ Đỗ Chân Thiết (Đỗ Cơ Quang), thân phụ Đỗ Bàng và Đỗ Thị Tâm, nhưng chí hướng mỗi người một khác, bác tôi ôn hòa hơn.
Nghĩa thục bị đóng cửa thì bác gái trước và con trai mới vài tuổi đều chết, bác tôi bỏ Hà Nội, lẻn vào Sài Gòn, định ở Nam ít tháng để liên lạc với các đồng chí rồi sẽ qua Xiêm, không ngờ tàu vô Vũng Tàu thì hay tin đêm trước Phan Xích Long công phá Khám Lớn Sài Gòn (1913), mật thám canh gác rất ngặt, bác tôi lại phải lẻn vào một miền hẻo lánh ở ven Đồng Tháp Mười[3]. Ở đó, người tiếp xúc được với vài đồng chí cũ và mới, liên lạc được với cụ Lương Văn Can đang bị an trí ở Nam Vang, nhưng thấy thời cơ chưa thuận tiện, người tạm trú tại nhà một người có Nho học và có uy tín trong làng Tân Thạnh để dạy học, được người trong miền kính mến. Rồi người cưới vợ, được người quen chỉ cách cho, xin khẩn một khu ruộng - thời đó Đồng Tháp còn hoang vu - thành một điền chủ hạng trung, có độ hai trăm héc-ta, chỉ một nửa là làm lúa sạ được. Vốn tri túc, người không khuếch trương thêm, tiêu khiển với mấy chậu cảnh, với việc dạy học và làm thuốc giúp bà con trong vùng. Danh tiếng lan xa, đa số các nhà giàu sang ở Long Xuyên, Sa Đéc đều nhờ người trị bệnh. Tóm lại, người là một ẩn sĩ phong lưu, nhà cầm quyền Pháp ở Long Xuyên có lần muốn mua chuộc người bằng lợi lộc, người từ chối; họ thấy người không bạo động, nên để yên. Chính người đã lấy số Tử vi cho tôi khi mới sanh. Năm đó (1935) người 53 tuổi, còn mạnh lắm.
Làng Tân Thạnh ở giữa miền Hồng-Cao (Hồng Ngự - Cao Lãnh) mà tôi đã tả trong bài Tựa cuốn Nguyễn Quang Diêu của Nguyễn Văn Hầu, nổi tiếng là đất văn học và cách mạng trong vùng. Văn học thì xưa có một số nhà Nho, học trò cụ Tú Thường[4] ở Cái Vừng; khi tôi tới, mấy nhà Nho đó còn sống, con cháu họ đã theo Tây học, có người qua Pháp đỗ kĩ sư điện, hoặc cử nhân văn chương; đặc biệt là có một người xuất thân trường nữ học Gia Long, thiếu nữ đầu tiên trong tỉnh năm 1928 có bằng Cao đẳng tiểu học. Cách mạng thì phái cổ có cụ Hồ Nhật Tân hướng ứng phong trào Đông kinh nghĩa thục, phái mới có bốn năm người kháng Pháp, theo đảng Cộng Sản. Làng lại giàu có: đầu thế chiến thứ nhất chỉ có những nhà lá rải rác trên bờ rạch Đốc Vàng thượng[5], sau nhà là lau sậy; phương tiện giao thông chỉ có ghe, xuồng, từ làng ra tỉnh lị Long Xuyên mất một ngày, lên Sài Gòn mất một tuần; vậy mà chưa đầy hai chục năm sau, dân chúng đã khai phá sâu vào được mấy cây số suốt hai bên bờ rạch, cất được mấy ngôi nhà đúc và vô số nhà sàn mái ngói, phương tiện giao thông đã có ca-nô. Nhiều điền chủ có ba trăm héc-ta ruộng hoặc hơn.
Nhà bác tôi chỉ là một nhà sàn mái ngói vào bực trung trong làng, trước có sân rộng trồng hoa nhìn ra rạch Đốc Vàng thượng, một bên là vườn xoài, sau lưng là một hàng tre. Nhà rộng 9 thước, gồm hai lớp: lớp ngoài sâu độ tám thước, lớp trong độ sáu thước. Bên hông nhà là một lẫm cũng bằng cây, khá lớn, vừa để chứa lúa vừa để chất các đồ làm ruộng.
Hôm đầu, ngồi xe mệt mà không được nghỉ, phải hầu chuyện bác tôi và nói chuyện với hai người con trai lớn của bác: anh Xuân Tăng đương học ban tú tài ở Cần Thơ, và anh Xuân Thiếp đậu bằng tiểu học rồi ở nhà học chữ Nho, theo nghề Đông y[6].
Tối đó bác tôi đưa tôi và chú Quýnh đi chào mấy vị lớn tuổi và có danh vọng trong họ bác gái tôi: một bà cụ con một vị Cai tổng đã khuất, mà thời trước Cai tổng miền này có uy quyền ngang với phủ huyện; dân trong tổng còn sợ hơn sợ chủ quận vì chủ quận ở xa; một vị Hương Cả (cũng như Tiên chỉ ở Bắc) có học Nho, vào hạng khá giàu. Sáng hôm sau, mùng một, bác tôi đưa chúng tôi đi thăm cảnh trong làng rồi xuống chợ Tân Phú trên rạch Đốc Vàng hạ, vào thăm ông Phủ Nghĩa (phủ hàm), người giàu nhất nhì tỉnh Long xuyên. Ông năm đó khoảng bảy chục tuổi mà còn mạnh, tướng mạo phương phi. Bác tôi tuy không thích làm giàu nhưng trọng những người tay trắng làm nên như ông (miễn là không làm giàu một cách tàn nhẫn, tí tiện), khen ông là giỏi tính toán, khéo cư xử, không khoe giàu, biết xét người. Ông cũng có biệt nhãn với bác tôi vì tư cách, học thức.
Ông phủ hồi nhỏ nghèo, không được học, nhưng thông minh, cần kiệm, cố gây một số vốn rồi xin khẩn đất hoang, gặp thời, làm đâu trúng đấy, mấy chục năm sau có khoảng ngàn mẫu ruộng, dinh cơ ở Tân Phú gồm một nhà lầu nền đúc, nhiều nhà một tầng cũng nền đúc, mấy cái lẫm lúa, vài nhà máy xay lúa, tất cả choán một khu rộng trên bờ rạch Đốc Vàng hạ. Trước nhà luôn luôn có mấy chiếc ghe lúa đậu, xuồng và ca-nô chật bến. Ông cất cho làng một ngôi chợ gần dinh cơ của ông và nhiều dãy phố cho mướn ở chợ Mĩ Luông. Có ba người con trai, đều vào hạng biết làm ăn, chứ không phá của vì ông biết dạy con; một người làm cai tổng, một người làm hội đồng tỉnh. Dân trong miền không oán ghét gia đình đó vì họ không cướp bóc, hà hiếp ai.
Coi dinh cơ của họ đồ sộ, người ăn kẻ làm tấp nập, từ trên nhà tới dưới bến, trông cũng vui mắt, nhưng tôi không thích mà thích một nhà sàn có hoa cỏ, cây cao bóng mát hơn.
Chiều mùng hai tôi phải từ biệt bác tôi để qua Chợ Mới, ngủ tại nhà một người anh họ, anh Thiệm, ở Phương Khê vào đây làm ăn từ mấy năm trước, có một sạp bán vải ở chợ. Sáng sớm mồng ba tôi với anh Thiệm đi đò đạp qua Long Xuyên. Đò là một chiếc ghe dài chở được ba bốn chục người và nhiều hàng hóa, nhưng không có chèo mà có một xa quạt ở phía sau do bốn người đạp. Đò đi rất chậm, lại ghé nhiều nơi đón khách, nhờ vậy tôi được coi phong cảnh hai bên bờ rạch Ông Chưởng (Chưởng binh Lễ tức Nguyễn Hữu Cảnh 1650-1700). Miền này phong phú, nhà cửa san sát, hầu hết là nhà sàn mái ngói, một số là nhà nền đúc. Nhà nào cũng có vườn trồng xoài, mận… đẹp nhất là mai vàng.
°
Mười một giờ trưa mới tới Long Xuyên, gặp anh Thái và anh Hách ở Nha Trang vào, ba chúng tôi cùng học một lớp, nay cùng làm một sở. Lại gặp một hai thầy họa đồ (Opérateur) giúp việc cho chúng tôi nữa. Mướn phòng ngủ rồi rủ nhau đi coi thị xã. Thành phố nhỏ mà buồn, đi độ một giờ là hết. Chia làm hai khu vực: khu thương mãi ở phía
CÔNG VIỆC CỦA CHÚNG TÔI
Sáng hôm sau chúng tôi lại sở Trường tiền (Công chánh) lãnh việc rồi dọn đồ đạc, máy móc xuống ghe (mỗi người trong ba anh em tôi được một chiếc ghe, loại ghe hầu dài ba bốn thước, rộng trên một thước), chèo xuống Ô Môn (cách Long Xuyên khoảng bốn chục cây số trên đường đi Cần Thơ) để tối đó bắt đầu làm việc.
Công việc của chúng tôi là đo mực đất cao thấp (nivellement) ở miền Tây, từ Châu Đốc, Long Xuyên qua Rạch Giá, xuống Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; từ mực đất đó mà đo xuống mực nước kinh rạch để tính ra đường nước chảy, khi thảo những kế hoạch thủy lợi.
Ba anh em tôi mỗi người chỉ huy một đội, đi đo một miền. Chúng tôi đo theo các đường lộ và bờ kinh, rạch. Công việc phải làm ban đêm, có hai kíp thay phiên nhau, một kíp từ sáu giờ chiều tới nửa đêm, một kíp từ nửa đêm tới sáu giờ sáng. Mới đầu dùng đèn điện, bất tiện, sau dùng đèn khí đá (Acétylène). Tôi cho việc làm đêm đó là một sáng kiến không có lợi của các kĩ sư Pháp sở tôi.
Mỗi đêm chúng tôi đo được từ ba đến bốn cây số, đo tới đâu, ghe dời chỗ theo tới đó, cứ như vậy tiến hoài, có khi phải trở lại hai ba lần một con đường cũ.
Vào mùa mưa thì cực vô cùng, nhất là ở những miền còn hoang như Chắc Băng - Cạnh Đền, miệt thứ[7], U Minh (Rạch Giá) hoặc Thới Bình (Cà Mau), kinh Gãy (Đồng Tháp Mười)... Vì đất sình lầy, trơn, đâu đâu cũng có đỉa, muỗi, vắt; có khi phải vạch lau sậy mà đi trong đêm tối.
Nhưng mùa nắng mà đi do dọc theo những lộ và rạch miền Sa Đéc, Cần Thơ thì tuyệt thú; không sao quên được ánh trăng vằng vặc trên rạch Cái Răng, Bình Thủy, không khí mát mẻ, hiu hiu gió, thoang thoảng hương sao, hương bưởi, hương mù u…, và tiếng đàn kìm não nùng văng vẳng gảy bản vọng cổ. Miền này quả là nhiều trăng, nước, hương và nhạc.
Một thú nữa là được dời chỗ hoài, mỗi ngày ăn chợ một nơi, hôm trước ở Long Xuyên thì hôm sau đã tới Tầm Bót. Làm xong “ca” sau, sáu giờ sáng, thì chợ đã họp đông rồi, tôi lại mua những thức ăn đặc biệt miền Nam như bánh ú, bánh da lợn, bánh bò, dà châu quẩy[8] (bánh củ cải chiên), bánh cam với ít trái cây tùy mùa: soài, xa pô ti, mảng cầu Xiêm... để ăn điểm tâm (tôi không thích hủ tiếu, cà phê; phở Bắc không có).
NGƯỜI
Tôi làm quen được với nhiều người. Tới tỉnh nào cũng gặp được những bạn đồng sự, họ thường lớn tuổi, giàu có; người nào cũng mỗi năm thu lúa ruộng được ngàn giạ là ít, theo giá thời đó như vậy là họ có thêm mỗi tháng khoảng 100 đồng, bằng lương của họ; ngoài ra họ còn những nguồn lợi khác. Họ hiếu khách, đối với bọn trẻ chúng tôi rất rộng rãi, lái xe hơi đưa đi chơi, tiệc tùng liên miên ở tửu lâu: như vậy đỡ bận cho vợ con mà lại tự do hơn.
Rồi tới các điền chủ hạng “bự” (giàu lớn) mà già, dinh cơ đồ sộ hơn ông phủ Nghĩa ở Đốc Vàng (Long Xuyên) nhiều, thì tôi “viễn chi”; nhưng các con họ, các công tử, các “cậu” đã đi học ở Sài Gòn hay Hà Nội hay bên Pháp ít năm, chẳng được bằng cấp gì, về nhà coi ruộng cho cha, gặp chúng tôi mừng lắm vì có người để “nói chuyện”. Đa số sống lêu bêu suốt ngày không làm một việc gì, bày ra ăn uống rồi đàn ca, coi đá gà, đá cá, kiếm gái, hút xách... Đời họ sao buồn thế! Tôi gặp một lần cho biết thôi, không trở lại.
Một hạng người mà tôi tò mò muốn biết hơn: hạng cư sĩ. Thời 1933-1938, phong trào tôn giáo ở
Tôi vào thăm một nhà cách mạng, cụ Võ Hoành, trong Nam gọi là cụ cử Võ, bạn của bác Ba tôi ở Đông Kinh nghĩa thục, lúc đó đang bị an trí ở Sa Đéc. Tôi đã chép cuộc tiếp xúc với cụ trong phụ lục cuốn Đông Kinh nghĩa thục.
Tôi đã thấy đời sống của những nông dân cất vội một cái chòi mỗi chiều chừng ba thước trên một bờ kinh để “làm” một khoảnh đất mới, thất bại thì dỡ nhà, chở nồi niêu, chén bát, đồ đạc với con heo xuống một chiếc xuồng ba lá chèo đi kiếm đất khác. Đời họ rất vất vả nhưng không bao giờ đói vì có cá, tôm, rùa đem đổi lấy gạo được. Cá Đồng Tháp nhiều vô kể, chỉ thua cá Biển Hồ (Cao Miên), mà Đồng Tháp chính là một biển hồ thứ nhì thông với biển hồ thứ nhất bằng sông Cửu Long và sông Tonlé Sap.
Tôi đã có lần được một bạn rủ đi nghe một cuộc đàn ca trên bờ rạch Bình Thủy. Một căn nhà lá nhỏ cất trên một khu đất vừa mới phát, còn gốc lau sậy. Ngoài sân phơi nhiều quần áo của hạng phụ nữ sang mà trong nhà đồ đạc rất sơ sài: một cái bàn con, vài cái ghế, một bộ ván trải chiếu. Trên vách treo một cây đàn kìm. Năm sáu cành sậy xuyên qua vách lá hở, đâm tua tủa vào một góc phòng. Người chồng trẻ, dáng dấp một thư sinh, bận bộ bà ba lụa đen, đun nước pha trà Thiết Quan Âm tiếp chúng tôi. Vợ bận áo dài, nhỏ nhắn, nước da trắng mịn, vẻ mặt thanh tú, dịu dàng, hỏi thăm chúng tôi vài câu, rồi anh bạn tôi lên dây cây đàn kìm, gảy khúc Phụng cầu hoàng, nàng cất tiếng họa theo. Ngón đàn của anh mùi, mà giọng nàng thanh, ấm. Nàng ngước cặp mắt long lanh lên ca, cặp mắt bồ câu tuyệt đẹp, hai bàn tay búp măng đặt lên dùi, móng tay hồng hồng; lúc này tôi mới thấy nét mặt nàng phảng phất buồn. Bạn tôi vừa đàn vừa đăm đăm nhìn nàng và mỗi khi xuống một nhịp nào, giọng đàn, giọng ca thật hòa hợp nhau, thì hai người cùng mỉm cười ngó nhau và người chồng ngồi bên cũng mỉm cười. Sự hân hoan tương đắc đó, chỉ hạng nghệ sĩ mới cảm được. Tôi tự thấy lúc đó là người ngoại cuộc, mà chính họ cũng chẳng để ý gì đến tôi.
Đàn được vài bản, bạn tôi treo đàn trả lại chỗ cũ, rồi từ biệt chủ nhân ra về. Vợ chồng đó là một cặp nghệ sĩ, mê nhau rồi bỏ nhà ra đi, sống cuộc đời giang hồ; vì có tài mà lại đứng đắn, lễ độ, nên được nhiều người mến, thương tình giúp đỡ; và họ biết giữ tư cách của họ. Người vợ sau bị giặc Pháp giết, người chồng theo kháng chiến. Truyện họ tôi đã kể rõ trong tập Con đường thiên lí[9].
Tôi đã vào những nhà sàn ba gian lợp ngói hay lá thấp lè tè, tối om om và thấy nhà nào căn đẹp nhất cũng dành cho việc thờ phụng tổ tiên mà những đồ quí nhất cũng là đồ thờ; bên cạnh bàn thờ, tôi lại thường thấy treo hình các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Chủ nhân để búi tóc, bận bà ba đen, luôn luôn nhã nhận tiếp tôi, và khi thấy tôi chăm chú nhìn các đôi câu đối, đoán rằng tôi biết chút ít chữ Hán thì không e dè gì cả, đọc cho tôi nghe thơ văn của các nhà cách mạng hoặc hỏi tôi truyện Mã Chí Ni, Gia Lí Ba Đích (tức Mazzini và Garibaldi, hai nhà yêu nước người Ý) trong bộ Ẩm Băng thất của Lương Khải Siêu. Các nhà Nho đó rất nghiêm khắc trong việc dạy con, rất trọng cổ tục, được dân làng kính nể. Và tôi cho rằng sinh lực miền Nam này dào dạt ở thôn quê, trên bờ những con rạch mát rượi bóng dừa, trên những cánh đồng bát ngát bông sen và bông súng, trong những căn nhà sàn vách ván này, chứ không phải trong thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, trên đường Catinat hay Tổng đốc Phương[10].
CẢNH
Hai năm lênh đênh trên sông rạch, tôi được biết gần khắp miền Tây, mấy năm sau nhờ đi kinh lí khi bằng xe hơi, khi bằng tàu thủy của sở, tôi lại biết thêm được ít nhiều về miền Đông nữa và tôi nhận thấy Nam Việt không bằng phẳng, đơn điệu, buồn tẻ như ta tưởng lầm khi nhìn bản đồ in trong các sách địa lí. Nó chỉ rộng bằng nửa Bắc Việt mà có rất nhiều miền khác nhau về địa hình, phong cảnh, phong tục, lối sống, nhìn bề ngoài không nhận ra dược.
Miền Tây, từ vịnh Thái Lan vô, có đất Hà Tiên, quê hương của thi sĩ Đông Hồ, mà chính thi sĩ đã giới thiệu với chúng ta như sau, trong cuốn Văn học Hà Tiên:
“Ở đó kì thú thay, như gồm hầu đủ hết.
Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hóa. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, có một ít Nha Trang, Long Hải.
Ở đây không có một cảnh nào to lớn, đầy đủ; ở đây chỉ nhỏ nhắn, xinh xinh, mà cảnh nào cũng có”.
Hồi xưa nó là một tiểu vũ trụ biệt lập, rất hợp cho kẻ nào có chí vẫy vùng, muốn nghênh ngang một cõi như Mạc Cửu.
Tiến vô trong - về phía Đông - xa xa vài chục cây số, xưa là cánh đồng lầy, ta gặp dãy núi Thất Sơn dài 30 cây số, rộng 17 cây số mà Nguyễn Văn Hầu đã tả trong cuốn Nửa tháng trong miền Thất Sơn. Một khu núi đá có đất, ngọn cao nhất 716 thước, cây cối xanh tốt, leo lên ta gặp những hang, động của các tu sĩ sống cô liêu, làm bạn với chồn, khỉ, hàng tháng không xuống tới chân núi; không tiếp xúc với ai, họ âm thầm, lầm lì sống với một bình nước mưa hay nước suối, một nhúm gạo, vài trái cây rừng. Lâu lâu ta gặp một người, ta nhìn kĩ mới nhận ra là phụ nữ, vì họ búi tóc, bận một bộ bà ba vải đen, đi chân không, vai đeo một cái đãy, ngực bó lại cho khỏi lộ[11]; họ mạnh dạn bước như đàn ông, chỉ trong nét mặt là để lộ một chút nữ tính mà người tính mắt mới thấy. Ta có cảm tưởng họ đăng sơn để đem một tin tức cho sư phụ. Miền này xưa kia có nhiều nhà chân tu ái quốc, đệ tử của Phật Thầy Tây An trong phái Bửu Sơn kì hương, một số ở làng Ba Chúc, một làng có rất nhiều chùa nền đá, tường gạch mà mái lá; đàn ông, đàn bà ăn mặc y như nhau, rất trọng hiếu, nghĩa.
Dưới chân núi, khắp trong vùng này có nhiều ông “đạo” kì cục: ông thì nằm suốt năm, người ta gọi là Đạo Nằm; ông thì chỉ ăn ớt, gọi là Đạo Ớt; ông thì nói gì cũng chỉ “ừ”, gọi là Đạo Ừ... ông nào cũng có một số nông dân chất phác theo, cung phụng đủ thứ.
Núi cuối cùng là núi Sam, lẻ loi, khá cao, nhưng ít cây cối, cách thị xã Châu Đốc năm cây số. Năm nào lụt lớn, cả miền bị ngập, thì núi Sam nổi lên như một hòn giữa biển, và tối đến, lưng núi lốm đốm những ngọn đèn đỏ, khiến ta nhớ cảnh Hương Cảng in trong các tập quảng cáo du lịch.
Xuôi dòng sông Hậu, tới Long Xuyên. Cả miền này năm nào cũng ngập nước một hai tháng, xưa chỉ trồng lúa sạ; nhà toàn là nhà sàn. Cá tôm rất nhiều, nhất là cá linh, ngon như cá mòi, có nơi ăn không hết, làm nước mắm cũng không hết, phải dùng làm phân bón. Nửa thế kỉ trước, mùa nước rút, có những rạch lúc nhúc cá linh, người ta chỉ việc xuống xúc cơ man cá.
Xuôi xuống nữa tới Cần Thơ, Sóc Trăng, vựa lúa của miền Tây mà cũng là của Nam Kì. Mùa nước lớn miền này không bị ngập, đất tốt, dân đông, vườn tược xum xuê, trái cây nhiều, đời sống rất dễ dàng, vui vẻ, đúng với câu “gạo trắng, nước trong”. Tuy cùng một miền mà Sóc Trăng có nhiều người Việt gốc Miên, cho nên phong tục và phong cảnh hơi khác. Thỉnh thoảng ta gặp những chùa Miên ở trên một giồng trồng toàn sao.
Giáp Cần Thơ, phía tây là Rạch Giá với cảnh rừng bần ở bờ biển, rừng tràm ở U Minh. Dân U Minh sống bằng nghề “ăn” ong, đốn tràm, bầy chim (xưa còn bắt sấu nữa), trồng khóm, lúa. Không biết những “sân chim” nay còn không?
Phía nam Sóc Trăng là Bạc Liêu, miền nước mặn. Một cánh đồng lúa bát ngát, bờ biển có ruộng muối, vườn nhãn. Miền này có nhiều điền chủ lớn, như hội đồng Trần Trinh Trạch; và nổi tiếng vì một hạng công tử tiêu tiền của cha mẹ như rác, ngông tới nổi ngồi trong rạp hát, đốt một tấm giấy xăng (100 đồng thời trước 1930) cho bạn tìm một tấm giấy năm đồng! Cảnh Bạc Liêu thật tẻ: bằng phẳng quá, trơ trọi quá; đường xe hơi và con kinh chạy theo sát nó thẳng tắp và chói lòa ánh nắng; đường thì nhiều cát mà kinh thì nhiều cá chốt.
Cuối cùng là Cà Mau với những rừng đước âm u, những rạch nước đỏ như nước trà đậm, do lá cây mục. Sản phẩm chỉ có cá, tôm, cua và than đước.
Đó là phía sông Hậu. Phía sông Tiền, hữu ngạn là miền của Phật giáo Hoà Hảo, ở quận Tân Châu[12], tín đồ mặc toàn đồ đen, đàn ông để tóc xõa xuống vai; tả ngạn là cánh đồng Tháp Mười rộng ba chục cây số, lên tới biên giới Miên, dài năm sáu chục cây số, từ Hồng Ngự tới Tân An, mới khai thác được một dải năm mười cây số từ bờ sông Tiền vào, còn thì hầu hết là cỏ lát, từ phi cơ nhìn xuống chỉ thấy một tấm thảm xanh đậm với những đường ngang, đường dọc lấp lánh như bạc, tức những con kinh đào thông ra sông Tiền. Đời sống ở đây khác hẳn ở Cần Thơ, Sa Đéc. Dân tứ xứ tụ làm ăn, người nghèo chỉ có một cái xuồng, lựa được miếng đất nào thì tấp vào, cất tạm cái chòi bằng lá rồi bắt đầu khai phá, khá thì ở lâu, không khá thì dời đi nơi khác. Miền này có thể gọi là miền “Far West” (cực Tây) của Nam Kì.
Chỉ một miền Tây mà gồm bấy nhiêu khu vực khác nhau xa như vậy. Miền Đông cũng rất thay đổi, nhưng tôi chỉ đi ngang qua, không ở lâu. Cảnh Biên Hòa gợi cho tôi nhớ cảnh quê Bắc: cũng ít sông rạch, nhiều đường đất; trên đường thỉnh thoảng gặp những chiếc xe bò và một người gánh đồ như ở Bắc; làng xóm không trải ra theo các bờ rạch mà tụ lại, có hàng rào. Thủ Dầu Một có nhiều vườn cao su tối tăm, lạnh lẽo, khiến tôi nhớ cuốn Bão rừng của Nguyễn Văn Xuân và thương cảnh dân Bắc vào dây kiếm ăn mà họ bảo là “đi Tân thế giới”.
Rồi có cánh núi Tây Ninh, núi Bà Rá với những thánh thất Cao Đài (kiến trúc tựa như nhà thờ Notre Dame de Paris), những tín đồ mặc toàn đồ trắng, khác hẳn với Hoà Hảo; có cảnh biển Phước Hải, Long Hải, Gò Công. Tôi quên chưa kể những tỉnh Mĩ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, mỗi tỉnh có một vẻ riêng, có thế coi như một miền nhỏ được.
Phong tục những nơi có nhiều người Việt gốc Miên như Xà Tón (Tri Tôn) khác xa phong tục nơi có người Chà Và gốc Mã Lai như ở Châu Giang - ngang Châu Đốc - mà ngay những người Việt gốc Hoa cũng mỗi nơi một khác: Bạc Liêu có nhiều người Triều Châu, Chợ Lớn có nhiều người Quảng Đông, ngôn ngữ khác nhau mà cách ăn uống cũng khác nhau.
Nam Việt quả thực là nhiều vẻ, có đi nhiều mới biết được, và có ở lâu mới thấy thích.
Nhưng xét chung thì Nam Việt đẹp nhờ trăng và nước. Ở đây nhiều sông rạch hơn Hàng Châu, gần xích đạo hơn Hàng Châu và Venise, mà càng gần xích đạo thì trăng càng tỏ. Thi sĩ Trung Hoa thích cảnh trăng ẩn sau đám mây, nửa mờ nửa tỏ; tôi cho rằng trăng vằng vặc trên dòng nước mới đẹp.
Trăng ở đây tỏ nhất vào giữa tháng giêng và tháng hai âm lịch. Vào những khoảng đó, nếu làm việc ở miệt vườn như Long Xuyên, Cần Thơ, mà lại nhằm ngày rằm, làng nào cũng cúng đình thì thế nào tôi cũng dạo trên bờ rạch để ngắm cảnh.
Dưới rạch thỉnh thoảng có một hai chiếc tam bản hoặc ghe hầu lặng lẽ xuôi dòng đưa các ông già bà cả đi lễ đình, có thiếu nữ theo hầu. Trên đường đất theo bờ rạch, nam thanh nữ tú dập dìu chơi xuân, lúc ẩn lúc hiện dưới bóng rặng dừa, rặng xoài hay bằng lăng. Trong gió mát thoang thoảng hương xoài, hương mù u. Và chỗ nào cũng nghe thấy tiếng đàn kìm từ trong nhà sàn bên đường đưa ra các điệu Vọng cổ. Tây Thi, Tứ Đại Oán... cứ tiếng đàn ở sau lưng nhỏ lần thì đã văng vẳng tiếng đàn ở phía trước. Trời trong, nước trong. Trăng nhấp nhô trên mặt nước, lấp lánh trên đường cát, nhảy múa trên tàu dừa, chảy trên tóc, trên vai thiếu nữ. Trong lòng tôi thấy rạo rực và tôi hiểu được tại sao người Trung Hoa đã cho Lí Bạch chết vì muốn ôm trăng trên dòng nước. Trong sân đình đông nghẹt người. Các bà già và thiếu nữ đi xem kết quả của cuộc thi nữ công - thực ra chỉ là thi bánh mứt - còn bọn trai làng thì cốt ngắm các cô dự thi. Mười một giờ khuya buổi lễ mới vãn, trăng lúc này mới thật đẹp. Tôi đi một mình xuôi ra ngoài vàm, nghe tiếng lá xào xạc trong cảnh tĩnh mịch, tiếng nước bập bềnh vỗ vào bờ. Trong một bụi chuối cách dường vài chục thước có những cặp tình tự với nhau. Xa xa vẳng lên một khúc Xuân tình.
ĐỌC SÁCH, VIẾT HỒI KÍ
Làm việc ban đêm ở ngoài trời, chúng tôi được tự do, tự chủ, không bị viên phó kĩ sư Pháp dòm ngó một cách khó chịu như ở bàn giấy.
Lại có rất nhiều thì giờ rảnh. Nếu làm kíp đầu hôm thì hôm sau không biết làm gì cho hết ngày. Ở gần một châu thành, có thể dạo phố, vào một tiệm sách xem có báo, sách mới không, hay ghé thăm một người quen, rủ nhau đi coi cảnh chùa, thánh thất Cao Đài, chụp hình... Nhưng ở giữa đồng, gập hồi mưa gió liên tiếp cả tuần thì buồn ơi là buồn! Phải nằm co trong chiếc ghe hầu, cửa đóng kín mít, đậu trên những kính Xa No, Phụng Hiệp, xa chợ, xa bạn, xa nhà!
Những lúc đó phải kiếm cái gì để đọc, đọc bậy bạ, hỗn độn: Ngày nay, Phổ thông bán nguyệt san, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn – chỉ có tiểu thuyết Lê Văn Trương, các thầy họa đồ trong bọn tôi rầt mê, là tôi đọc không nổi – phóng sự của Maurice Decobra, truyện trinh thám của Conan Doyle, La Sonate à Kreutzer của Tolstoi của một anh bạn ở Bạc Liêu cho mượn, các sách Phật học, Thông thiên học… Vẫn không sao hết được bảy tám giờ một ngày. Lại chỉ có cách học chữ Hán như năm 1934 là phương thuốc thần hiệu hơn hết.
Bác tôi đưa cho tôi bộ Mạnh Tử, một bộ Ẩm Băng Thất của Lương Khải Siêu. Ẩm Băng Thất là một trong những bút hiệu của Lương, có nghĩa là ông phải uống nước đá (băng) nếu không thì lòng ông cuồng nhiệt về việc cứu nước cứu dân, nóng quá không chịu nổi.
Không có tự vị Hán Việt để tra, còn tự vị Hán như Từ Nguyên, Từ Hải cũng chưa mua được, cho nên gặp chữ nào, câu nào không hiểu, tôi gom lại, chép gởi về bác tôi nhờ người giảng. Cách đó bất tiện cho cả hai bác cháu, nhưng cứ mót từng chút như vậy, lần lần cũng biết thêm mà vỡ nghĩa.
Hồi đi đo ở Cần Thơ, thấy một Hoa kiều ngồi lề đường bán bộ Văn tâm điêu long[13] mà tôi muốn biết từ hồi học với bác Hai tôi ở Phương Khê, tôi mua liền, về ghe lật ra coi, đọc không nổi. Bộ đó của Lưu Hiệp (thế kỉ thứ VI) viết theo thể biền ngẫu, là bộ phê bình văn học đầu tiên của Trung Hoa.
Tôi thường kiếm những bộ có dịch ra Bạch thoại và chú thích kĩ như bộ Cổ văn quan chỉ[14](tuyển những bài cổ văn hay nhất từ thời Chiến Quốc đến đời Minh), vì chỗ nào đọc cổ văn không hiểu thì tôi coi bản Bạch thoại. Một hôm, vào đụt mưa trong một tiệm tạp hoá ở Bạc Liêu, tôi mua được bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim để lẫn lộn với các đèn cầy: bộ đó cũng có lợi cho tôi vì tác giả khi trích dẫn, chép cả nguyên văn chữ Hán rồi phiên âm và dịch.
Học chữ Hán cũng vẫn không hết thì giờ, tôi xoay ra viết hồi kí, nhật kí. Viết hồi kí để cho vơi lòng nhớ quê, nhớ gió bấc mưa phùn, nhớ mặt nước xanh rêu của Hồ Gươm, nhớ con đê thăm thẳm của sông Nhị, nhớ người thân còn sống và đã khuất. Cầm bút lúc nào là tâm hồn tôi rung động nhè nhẹ lúc ấy, như được nghe một bản nhạc êm đềm, bản nhạc của cố hương và dĩ vãng.
Viết hồi kí để ôn lại cái vui đã qua thì viết nhật kí để ghi lại cái vui hiện tại: cái vui những đêm trăng rạo rực, thả thuyền trên rạch Cái Răng hay Bình Thuỷ mà nghe tiếng đàn tranh, đàn nguyệt văng vẳng bất tuyệt trên bờ; cái vui nhìn mặt trời đỏ như than hồng, lớn như chiếc mân, từ từ hạ xuống cánh đồng mênh mông phẳng lì, mờ mờ khói toả ở Bạc Liêu hay Rạch Giá; rồi những cảnh âm u trong rừng đước, rừng vẹt ở Cà Mau, cảnh phồn thịnh, vườn tược xum xuê Cần Thơ, Sa Đéc…
Tôi cứ nhớ đâu chép đó, viết bừa đi, chẳng cần bố cục, cũng chẳng sửa, viết có khi quên giờ giấc, đặt cây bút xuống nhìn lên bờ thì làng xóm đã lờ mờ sau làn sương mỏng.
Viết xong tôi không coi lại, cất đi, có dịp về Tân Thạnh sẽ đưa bác tôi coi. Mỗi tháng trung bình tôi viết cho bác tôi một bức thư, cũng để kể những việc hàng ngày: cảm tưởng sau khi đi thăm ai, khi vào một thánh thất, nghe người giữ thánh thất gọi tôi bằng “anh”, tức coi tôi như người đồng đạo; hoặc khi vào một chùa ở Rạch Giá thấy một vị hoà thượng thản nhiên ngồi như Phật trên toà cho Phật tử sụp xuống lạy, bên cạnh là một bàn đầy những trái ngon nhất, quí nhất với bức tượng bán thân bằng thạch cao của Napoléon I. Bác tôi thường khen là viết hay, khuyến khích tôi.
Quả là cái may cho tôi được bổ vào làm việc ở Nam Việt, tại miền Hậu Giang gần làng bác tôi. Nếu không có cuộc đoàn tụ giữa bác cháu đó thì đời tôi tất khác hẳn.
Tóm lại, hai năm đo đường ở Hậu Giang là những năm vui nhất trong đời tôi, mà cũng có ích nhất: vui vì thấy những cảnh mới, gặp được bạn mới, nhất là được ở gần bác; có ích vì nhãn quan, kiến thức được mở mang. Và cũng vì thế để dành được một số tiền: lương của tôi kể cả phụ cấp được khoảng tám chục đồng (80 đồng), tiêu chưa tới ba chục, còn dư được năm chục.
[1] Ý nói áo bà ba. Trong Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, cụ Nguyễn Hiến Lê bảo: “…cách ăn mặc của phụ nữ ở đây (tức Sài Gòn) cũng không được nhã: áo dài thì ngắn quá, mầu thì lòe loẹt quá, ra đường thì nhiều cô chỉ mặc áo bà ba, không quen mắt như tôi, thấy trơ trẽn lắm”. (Goldfish).
[2] Cách tạo từ này đặc biệt của miền
[3] Ẩn sĩ tôi tả trong cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười – Chương IX – chính là bác Ba tôi.
[4] Tức cụ Tú Trần Hữu Thường. (Goldfish).
[5] Tức Đốc Binh Vàng, người có công dẹp giặc Xiêm và Miên với Chưởng binh Lễ năm 1937, có đề thờ ở làng Tân Thạnh. Coi Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (Theo một số liệu mới phát hiện gần đây thì niên đại này chưa chính xác lắm (BT).
[6] Tức Nguyễn Xuân Tăng hiệu là Tân Phương và Nguyễn Xuân Thiếp hiệu là Việt Châu. (Goldfish).
[7] Miền này ở Rạch Giá, đào nhiều kinh song song nhau để khai phá, mỗi kinh gọi bằng một con số: kinh thứ 7, kinh thứ 8… do đó có tên là miệt thứ.
[8] Theo Wikipedia thì: “món 油炸鬼 (Phiên âm Hán Việt: Du tạc quỷ, tiếng Việt đọc theo giọng Quảng Châu thành giò cháo quẩy hoặc dầu cháo quẩy) có nghĩa là quỷ sứ bị rán bằng dầu. Theo truyền thuyết Trung Quốc thì cái tên này bắt nguồn từ câu chuyện Nhạc Phi bị vợ chồng Tần Cối và Vương thị hãm hại. Để nguyền rủa hai vợ chồng Tần Cối, người Trung Quốc làm một món ăn gồm hai viên bột dài giống hình người được rán kỹ trong dầu, tượng trưng cho hình tượng vợ chồng Tần Cối là hai quỷ sứ bị rán trong vạc dầu ở địa ngục”. (http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A9y). (Goldfish).
[9] Nxb Long An, 1990 (BT).
[10] Nay là đường Đồng Khởi và Châu Văn Liêm (BT).
[11] Sáu bảy chục năm trước thiếu nữ nào ở
[12] Nay thuộc huyện Phú Tân tỉnh An Giang, làng Hoà Hảo thuộc quận mới này.
[13] Văn là văn chương, tâm là lòng, điêu là chạm, long là rồng. Sở dĩ gọi là văn tâm vì có câu: “Ta hồ! Văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ”. Nghĩa là: Than ôi! Cái việc văn chương, một tấc lòng mà để ngàn năm. (Theo bài Tựa bộ Đại cương Văn học sử Trung Quốc của NHL). (Goldfish).
[14] Quan chỉ có nghĩa là coi (quan) bộ đó rồi thì có thể ngừng (chỉ), không coi cổ văn nào khác nữa vì bao nhiêu tinh tuý của cổ văn ở cả trong đó rồi (theo ĐVVCT, trang 31). (Goldfish).