Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Chương XI

XUÂN NHẬT TẦM PHƯƠNG

 

Vì làm việc quanh quẩn ở miền Tây, nên mỗi năm tôi có dịp về Tân Thạnh thăm bác tôi ít nhất là hai lần, mỗi lần độ hai ngày, không kể lần Tết lâu hơn, được ba bốn ngày. Lần nào mới tới nhà, bác tôi cũng hỏi ngay ở chơi được mấy hôm. Thời giờ ngắn quá, hai bác cháu nói chuyện gần như trọn ngày mà vẫn chưa thỏa: chuyện tổ tiên, quê hương, chuyện tương lai, chuyện cách mạng, văn chương, phong tục miền Nam... Nhưng lần nào bác cũng bỏ ra một buổi dắt tôi đi thăm một vài điền chủ quen trong làng.

 

Có lần người giới thiệu cho tôi một thầy giáo già ở Cái Sơn, ngoài châu thành Long Xuyên và một cô giáo trẻ dạy trường Nữ Long Xuyên, cô Nguyễn Thị Liệp[1], chính thiếu nữ đầu tiên trong tỉnh đậu bằng Cao đẳng tiểu học mà tôi đã nói ở trên. Khi nào đi làm ở gần châu thành Long Xuyên, tôi cũng ghé lại thăm cô, hoặc nhờ giúp một vài việc như mướn giùm cho tôi cho một chiếc ghe. Thân phụ cô, ông Nguyễn Đình Huỳnh, là một nhà Nho làm đông y, có một số ruộng, vào hạng hơi phong lưu; thân mẫu cô, bà Ngô Thị Lựu, là vợ thứ, ông cha ở Huế vô cũng là nhà Nho. Cô mới được ba tuổi thì mồ côi cha, ở với người anh cả cùng cha khác mẹ; bà mẹ cũng vì cảnh con chồng đối xử không đẹp, khẳng khái dắt cô qua Long Xuyên ở nhờ một người em - y như cảnh bà ngoại tôi vậy - và vừa may thuê vá mướn, vừa làm thuốc tễ đem bán ở các chợ trong miền để nuôi con ăn học.

 

Cô học khá mà lại nhỏ tuổi nhất trong trường, nên được bà hiệu trưởng, người Pháp, giúp đỡ cho, chỉ cách thức thì vô trường nữ trung học Gia Long ở Sài Gòn. Cô may mắn thi đậu: khóa đó là khóa thứ tư của trường, chỉ có mười mấy nữ sinh. Được học bổng, ở nội trú, nhưng mỗi tháng mẹ cũng cấp thêm cho ba đồng. Bốn năm thi ra, đậu, được bổ về dạy lớp ba (élémentaire) trường nữ Long Xuyên, tức trường cũ của cô.

 

Lương hồi đó, năm 1928, sáu chục đồng một tháng, thêm phụ cấp sư phạm hai chục đồng nữa, mà đi chợ mỗi ngày chỉ mất có một cắc cho ba bốn người ăn. Tính rất cần kiệm, giản dị, mặc toàn đồ vải. Tiền lương đưa mẹ hết, mẹ may cho cái gì thì mặc cái đó. Trong làng, trong họ ai cũng khen bà mẹ có đức và cô con có hiếu. Cô có tình họ hàng gần với bác gái tôi. Mới tiếp xúc lần đầu, tôi thấy nét mặt cô dễ coi nhờ có chút duyên thầm; mà tính tình cũng rất dễ thương vì tự nhiên, giản dị, nhũn nhặn, thành thực.

 

Khoảng cuối năm 1935 bác tôi bảo tôi: “Thím tư - tức mẹ tôi - nghĩ cháu đã lớn tuổi rồi, muốn nhờ bác thay thím kiếm một nơi nào cho cháu”. Tôi thấy còn sớm quá, mới ra làm chưa được một năm, nên chỉ “dạ” rồi thôi. Ít tháng sau, nhân dịp về chơi nhà, bác tôi dắt tôi đi thăm một ông Hội đồng tỉnh, vào hạng điền chủ lớn thứ nhì trong làng, có độ ba trăm héc ta ruộng, ba bốn người con gái mà người lớn nhất đã gả cho một giáo sư tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội. Nhà đó hiền lương, có nền nếp, con gái người nào cũng giỏi nữ công, nhưng học may lắm thì hết tiểu học. Chỗ đó xứng đáng, nếu bác tôi hỏi thì được liền, nhưng thấy tôi không sốt sắng, nên bỏ qua.

 

Sau đó ít lâu, một người bạn tôi mới quen ở Rạch Giá, cũng do bác tôi giới thiệu, đưa tôi đi coi mặt một thiếu nữ, con một ông phủ ở Giồng Giềng[2] nhân một bữa tiệc buổi tối. Chỗ này sang trọng nhưng quan liêu. Đi coi về, tôi viết thư cho bác tôi, giọng hơi dí dỏm, bảo “trong ánh đèn măng sông (manchon) chỉ thấy một làn xanh xanh rực rỡ và thơm phức xẹt qua như một vì sao đổi ngôi”.

 

Bác tôi hiểu ý, và có lẽ vì lấy số tử vi cho tôi, thấy cung thê của tôi có các văn tinh xương, khúc, hóa khoa, đoán rằng vợ phải là người có học, nên lại giới thiệu cho tôi một chỗ khác: một cô giáo mới ở trường Gia Long ra, tên là H., dạy trường Nữ Long Xuyên. Nhà cô chỉ đủ ăn, cha người Trung (hay Bắc), làm Đông y. Bác tôi bảo tôi nhờ cô Liệp giới thiệu cho.

 

Cô mỉm cười nhận lời liền, sai đứa cháu đem một bức thư hỏi ý cô bạn trước rồi rất nhặm lẹ, bận thêm chiếc áo dài thâm, đưa tôi đi. Hai nhà chỉ cách nhau vài trăm thước, cô đi song song với tôi, mỗi người một lề đường, cách nhau cả mặt đường. Cô H. trắng trẻo, nhỏ nhắn, thanh tú, có vẻ thông minh và hiền từ, tôi không có gì để chê cả. Nhưng khi kể lại cuộc “Xuân nhật tầm phương” đó với bác, tôi lại muốn hỏi cô Liệp, xin ý kiến bác. Chắc bác tôi hơi ngạc nhiên, hồi âm cho tôi, bảo “dì Năm - cô Liệp thứ năm - về đức hạnh thì đáng quí, nhưng nhà nghèo và lớn tuổi hơn cháu”. Như vậy là bác tôi để tôi tự ý quyết định.

 

Độ một tháng sau tôi lại thăm cô Liệp, trước khi ra về, trao cô một bức thư cầu hôn. Cô không trả lời thẳng cho tôi mà viết thư cho bác tôi, đại ý rằng: cô cảm động về bức thư của tôi, nhưng nhà chỉ có một mẹ và một con, nên muốn được ở vậy phụng dưỡng mẹ và xin “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kì”.

 

Tính tôi khẳng khái, cô đã nói vậy thì tôi cũng không nói thêm nữa. Nhưng từ đó chúng tôi vẫn thỉnh thoảng thư từ với nhau và có dịp, tôi vẫn ghé nhà cô. Bà thân cô rất ít nói, có vẻ nghiêm khắc, nhưng cũng coi tôi như các bạn đồng sự của cô ở Long Xuyên. Sau cô mới cho hay rằng cô ngại tôi còn mẹ già ở Bắc, nếu mẹ tôi muốn cho tôi về làm việc ngoài đó thì khó xử cho cả hai bên: cô không thể bỏ mẹ mà theo tôi ra ngoài đó, tôi cũng không thể bỏ mẹ mà ở với cô trong này. Giá cô nói thẳng như vậy từ trước thì việc đó dễ giải quyết: mẹ tôi đã muốn tôi ở hẳn trong Nam, mà từ đời sống đến tính tình, mẹ tôi đều hợp với bà thân của cô, người sẽ vui vẻ chứ không thấy trở ngại gì cả.

 

Phương Đông ta có chuyện ông Tơ bà Nguyệt, chuyện duyên nợ ba sinh, không biết các dân tộc khác có không, nhưng tôi tin chắc rằng không dân tộc nào không tin rằng hôn nhân là chuyện may rủi, bất ngờ như có tiền định. Lần đó, đối với tôi là rủi; bây giờ ngẫm lại thì cơ hồ lại là may; dù may dù rủi thì theo các nhà lí số cũng là tiền định rồi, rất hợp với số tử vi của tôi.

 

Từ đó tôi không nghĩ đến việc tìm vợ nữa, cứ thủng thẳng có cơ hội rồi sẽ tính. Bác tôi thâm ý muốn cho tôi làm rể một điền chủ lương thiện, vào hạng trung phú, để khi về hưu có được vài chục héc ta ruộng, chứ liêm khiết như nếp nhà tôi, gánh gia đình lại nặng, chỉ trông vào số lương thì không sao khá được. Nhưng thấy tôi lơ là với mấy điền chủ đã giới thiệu, bác tôi từ đó để mặc tôi.

 

HỌ TRỊNH - LỄ CƯỚI

 

Mùa thu năm 1936, tôi đi đo ở vùng Bạc Liêu, nhiều nhất là trên đường Bạc Liêu xuống Cà Mau, mấy lần đi ngang qua Giá Rai, một quận cách Bạc Liêu chừng 30 cây số, rất buồn, dưới kinh là nước mặn và cá chốt, trên bờ mươi tiệm Triều Châu nối nhau thành một dãy phố duy nhất dài độ hai trăm thước, sau lưng toàn là ruộng lúa. Có nhiều điền chủ giàu, nhưng đa số ở trong làng Long Điền xa xa, hoặc trên đường Bạc Liêu - Cà Mau.

 

Ở Giá Rai có một tiểu khu của sở Thủy lợi do một ông đốc công già gốc Bắc chỉ huy, ông Trịnh Đình Huyến. Ông ở trường Công chánh Hà Nội ra trước tôi non hai chục năm, tính tình ngay thẳng, vui vẻ, hiền lương, được các bạn trong sở quí trọng.

 

Ông thuộc giới sang trọng, có tiếng tăm ở Hà Nội: nhà có bốn anh em, ông là cả, tới người em trai thứ cũng ở sở Công chánh ra như ông; người em trai kế đó là luật sư Trịnh Đình Thảo, có tiếng ở Sài Gòn, đậu tiến sĩ luật ở Pháp về; người em gái út gả cho một luật sư nữa, có cử nhân luật ở Hà Nội. Bà vợ là em ruột của ông Vũ Văn An, người Việt đầu tiên được bằng cấp kĩ sư Hóa học ở Paris, ngành nhuộm, có một cửa hàng tơ lụa nhập cảng lớn ở Hà Nội.

 

Nhà bảy tám người con, nên mặc dầu bà khéo làm ăn mà cũng phải tiết kiệm mới đủ. Nhưng lối sống vẫn là lối của giới sang trọng ngoài Bắc, khác lối sống của tôi.

 

Mới gặp tôi vài lần, ông bà có lòng mến tôi rồi, và bà nhờ người đánh tiếng muốn gả trưởng nữ là cô Trịnh Thị Tuệ cho tôi. Tôi quí tính tình của ông, lại được biết cô Tuệ học giỏi, sớm đậu tiểu học, học tới năm thứ ba Cao đẳng tiểu học rồi thôi, về giúp việc nhà, nữ công khéo, biết săn sóc các em, được cả nhà mến, các em nể, nghe lời, nên tôi có ý muốn nhận lời, viết thư hỏi bác tô rồi thưa với mẹ tôi.

 

Lễ cưới định vào hồi lễ Phục sinh năm sau - 1937. Rất đơn giản. Mẹ tôi ở Hà Nội vào, cưới xong, ở chơi Giá Rai một hai ngày, rồi cùng với vợ chồng tôi về Tân Thạnh làm lễ tổ tiên. Ít bữa sau, vợ chồng tôi lên Sài Gòn trước, để tìm nhà, mua sắm đồ đạc; mẹ tôi ở lại Tân Thạnh chơi với hai bác tôi, sẽ lên sau.

 

Lần đó là lần đầu tiên mẹ tôi vào Nam, có lẽ vui nhất là được nhắc lại chuyện cũ với bác tôi, sau trên hai chục năm xa cách. Nhà cửa thu xếp xong, tôi mời mẹ tôi lên. Người ở chơi ít ngày rồi về Hà Nội.

 

ĐỔI VỀ SÀI GÒN - MẸ TÔI VÔ THĂM CHÁU NỘI

 

Tôi cưới vợ đúng vào lúc làm xong hai năm tập sự, được vào chính ngạch và đổi về Sài Gòn làm ở phòng giấy. Từ đây chấm dứt đời sống tự do giữa thiên nhiên, cây cỏ, mây nước mà bước vào cuộc đời “sáng vác ô đi, tối vác về”.

 

Chúng tôi thuê nhà ở Khánh Hội, cách sở độ một cây số, trong một khu yên tĩnh. Nhà tôi siêng năng coi sóc việc nhà, biết tiết kiệm vừa phải, mỗi tháng cũng để dành được chút ít. Tôi ít giao du, lâu lâu chúng tôi đi thăm bà con như ông Trịnh Đình Thảo, ông Nguyễn Khắc Tín, em dị bào của mẹ tôi, làm việc tại Phủ Toàn quyền và vài bạn học của tôi.

 

Lại chỉ đọc sách để tiêu khiển. Tôi vào Chợ Lớn mua một cuốn tự điển Bạch thoại, vài bộ truyện Tàu: Tam Quốc chí, Thủy hử… (bằng chữ Hán), một tập Văn tuyển của Hồ Thích... Mỗi năm nhà tôi về thăm gia đình ở Giá Rai vài lần và cùng với tôi về Tân Thạnh một lần.

 

Năm 1938 (âm lịch ngày 11 tháng hai năm Mậu Dần[3], giờ Thân)[4], nhà tôi sanh con trai (sanh hơi khó), đặt tên là Nguyễn Nhật Đức. Nó rất dễ thương, trắng trẻo, tương đối mạnh, có vẻ lanh lợi, hiền lành. Cả gia đình ngoại đều cưng nó. Nhà tôi săn sóc nó rất kĩ: ăn ngủ đều có giờ, nửa đêm dậy cho nó tiểu; nó đau yếu lặt vặt thì chỉ giữ cho nó khỏi lạnh, giảm bú đi, cho uống nhiều nước ấm, chứ ít cho uống thuốc. Nấu nước rồi lọc kĩ bằng bông gòn rồi mới cho no uống. Không bồng bế nó suốt ngày như nhiều gia đình khác, không ru nó, cứ tới giờ đặt nó vô chiếc giường xinh xinh của nó, mặc cho nó ngủ. Nhờ vậy nó không quấy, nhèo nhẹo như đa số trẻ khác. Ngủ đẫy giấc thì nó tỉnh dậy, quẫy chân, đập tay, “e, e” vài tiếng để gọi, chúng tôi chạy lại nhìn cặp mắt đen lánh, mấy sợi tóc lơ thơ của nó, mắng nó: “chó con”, nó toét miệng ra cười, đưa tay đòi bồng ra khỏi giường.

 

Tôi khen nhà tôi giỏi nuôi con và tin rằng trẻ mà khỏe mạnh, khéo nuôi thì đa số đều dễ thương cả. Nó nhõng nhẽo hoặc bướng bỉnh, hỗn láo là tại cha mẹ. Khi nó đã bắt đầu hiểu biết một chút (một, hai tuổi) chúng tôi cho nó tự do trong những giới hạn nào đó, hễ nó vượt khỏi giới hạn thì ôn tồn chặn lại, giảng cho nó hiểu tại sao. Rồi tùy sự phát triển tinh thần, tâm lí của nó, mở rộng lần lần giới hạn ra, cho hợp với nhu cầu của nó. Phải tốn công theo dõi nó trong những bước đầu, sau nó thành nếp, mà trở thành yêu tự do, mà biết tự chủ. Chúng tôi dạy con theo nguyên tắc đó. Con tôi chưa chắc biết rằng nó được hướng phúc của cha mẹ.

 

Khi nó phúc đầy tuổi tôi, mẹ tôi vô thăm nó, mang cho nó một hộp bánh. Lần này người vui hơn lần trước. Nó chưa biết nói, mới biết ngồi. Nó không bụ sữa mà cũng không gầy, bụng lép xẹp, vui vẻ suốt ngày. Tôi không bao giờ quên cảnh bà cháu ngồi trên giường, bà têm trầu, nhai bỏm bẻm, nhìn cháu ở trước mặt, ngồi tròn như con ốc, mân mê đồ chơi. Một lần tôi đi xóm về, gần tới nhà, thấy mẹ tôi đứng ở cửa, tôi bồng nó đưa lên cao, nó đưa hai tay ngã mình ra trước đòi bà bế, mẹ tôi thích lắm. Lần đó mẹ tôi ở chơi độ một tuần, về Tân Thạnh thăm hai bác tôi bốn năm ngày rồi lại về Bắc để buôn bán.

 

Trong tập Làm con nên nhớ (Lá Bối – 1970) tôi viết:

 

“Má tôi ít học nhưng có tình thương con thì là có lương tri, mà có lương tri thì còn hơn là có học: người đã để tôi tự ý định đoạt lấy cuộc đời của tôi, không can thiệp vào sự lựa nghề, lập gia đình của tôi. Hồi trẻ tôi cho vậy là tự nhiên; phải tới ngày nay, hai thứ tóc rồi, tôi mới hiểu rằng người đã hi sinh cho tôi. Không hi sinh mà tôi là con trưởng, lại để sống xa người tới hai ngàn cây số! Không hi sinh mà nhà tôi trước sau làm dâu không đây một tháng! Không hi sinh mà người phải đi về bốn ngàn cây số để bồng cháu nội trong tay có bảy ngày!

 

“Nhưng giả sử hồi đó người có “can thiệp” vào đời sống của tôi thì bây giờ tôi cũng hiểu được rằng người không phải là ích kỉ. Người chỉ tìm hạnh phúc cho con người theo quan niệm của người, thế thôi (...). Khi quan niệm của cha mẹ không hợp với ý muốn của ta thì ta bảo rằng cha mẹ không sáng suốt. Lạ thật! Chỉ tại “nước chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược” như tục ngữ nói”.

 

Ông Đông Hồ khi đọc câu cuối đó rớt nước mắt. Chính tôi khi viết nó (1970) cũng rớt nước mắt. Tôi viết nó khi mẹ tôi đã mất 25 năm, cha tôi mất đúng 45 năm rồi! Muốn tỏ lòng với cha mẹ thì cha mẹ đã không còn.

 

CON TÔI HỌC VẦN QUỐC NGỮ

 

Nhà tôi nuôi con rất kĩ mà dạy con cũng rất kĩ.

 

Khi nó được độ ba chục tháng, nhà tôi mua cho nó một hộp vần Quốc ngữ của nhà Mai Lĩnh, trong chứa độ hai chục miếng gỗ vuông, mỗi chiều bốn năm phân, dày nửa phân, hai mặt dán giấy màu in các chữ cái với một hình loài vật, trái cây, đồ dùng, ví dụ chữ Đ thì vẽ cái đu, chữ Ô thì vẽ cái ô (dù), chữ G thì vẽ con gà… Nó dùng những miếng gỗ đó để cất nhà mà đồng thời để học chữ cái. Khi nó thuộc mặt chữ rồi, chúng tôi dạy nó đánh vần. Buổi tối nằm chơi với nó trên giường, hoặc trên ghế bố, dưới gốc cây trước nhà, chúng tôi nói b-a-ba, b-á-bá, b-ơ-bơ… nó đọc theo; hết vần xuôi tới vần ngược: a-n-an, a-i-ai, a-c-ac… (đó là lối dạy thời trước); chỉ ít tuần nó quen miệng, ghép vần được gần hết. Trong thời gian đó chúng tôi cho nó tập viết chữ bằng phần trên bảng đen, công việc đó dễ, vì nó đã thuộc mặt chữ từ trước. Quen tay rồi mới cho nó viết bằng bút chì trên giấy.

 

Chúng tôi lại mua cho nó một bàn toán nhỏ (cho con nít chơi) cho nó tập đếm.

 

Vừa chơi vừa học như vậy trong mươi tháng, khi nó đúng bốn mươi tháng thì nó đã viết, đọc được chữ Quốc ngữ, làm toán cộng, toán trừ được 2 số, và ít lâu sau thuộc bảng cửu chương.

 

Nó thích coi hình máy bay và xe hơi trong bộ Larousse Universel, nhưng chưa học vần Tây nên chưa biết tra, chỉ tìm được số trang thôi. Một hôm tôi thấy một miếng giấy trên đó nó viết:

 

Mục lục

 

máy bay...[5]

 

xe hơi...[6]

 

Tôi mỉm cười, hỏi:

 

- Mục lục là gì?

 

Nó đáp: Con không biết.

 

Tôi xoa đầu nó, nghĩ bụng: “thằng này học được”.

 

Nó thấy tôi tra mục lục một cuốn Quốc văn để lựa bài cho nó đọc nên nó làm theo, lập bảng mục lục để dễ tìm những trang có hình máy bay, xe hơi. Tôi mua sách báo nhi đồng cho nó đọc. Rồi xin cho nó vô lớp vỡ lòng tiếng Pháp của trường Bà Phước tại nhà thờ Tân Định, rất gần nhà tôi vì lúc đó chúng tôi đã dời nhà lại đường Monceau (Huỳnh Tịnh Của).

 

“Buổi sáng hôm đó, nhà tôi và tôi dắt nó tới trường, nó đi giữa, mỗi đứa chúng tôi nắm một tay còn cập sách thì tôi cầm. Trường nằm dưới bóng một hàng sao cao vút đưa lên nền trời xanh dịu. Khi nó rời chúng tôi để vào lớp thì nó òa lên khóc một chút. Lúc ấy tôi thấy mặn mặn ở cuống họng. Cảnh hai mươi mấy năm trước, ngày cha tôi đưa tôi vào học trường Yên Phụ lại diễn ra: đến giờ ra chơi, chúng tôi cũng đợi cháu ở góc sân; đến giờ về lại đợi cháu ở cửa và cháu cũng lại hỏi:

 

– Ba má đợi con có lâu không?

 

Chúng tôi cũng hỏi lại:

 

- Ngồi trong lớp con có ngoan không? Bà Phước có hỏi gì con không?...”.

 

Tôi cho rằng trẻ thời đó cho học vỡ lòng bằng tiếng Việt, khi nó biết đọc biết viết rồi, cho học tiếng Pháp, có lợi hơn là học toàn tiếng Pháp từ hồi vỡ lòng, vì trong hai, ba năm đầu học tiếng Pháp, chưa đọc được sách Pháp, nó có thể đọc sách Việt, mở mang trí óc hơn, và hết ban tiểu học Pháp, nó có thế thi cả bằng Tiểu học Việt được.

 

Năm sau tôi xin cho con tôi vào lớp tư (Préparatoire) ở trường Tân Định, cách nhà tôi vài chục thước. Nó theo nổi, mặc dầu không đủ tuổi. Nhưng chưa học hết nửa niên khóa thì nó phải tản cư với má nó về nhà một người em rể của nhà tôi ở Long Điền, quận Giá Rai. Lúc đó ông nhạc tôi đã đổi ra Tuy Hoà, không ở Giá Rai nữa.

 

°


[1] Về sau “cô” làm hiệu trưởng, nên nhiều người gọi là cô (hoặc bà) Đốc. (Goldfish).

 

[2] Tức Giồng Riềng. (Goldfish)

[3] Tết Mậu Dần, mẹ tôi ở Vĩnh Yên mua một chục huệ cúng, giò nào cũng nở hết tới ngọn.

[4] Tức ngày 12-3-1938. (Goldfish).

[5] Số trang.

[6] Trong bài Tựa cuốn Thế hệ ngày mai.