Mức độ gây chú ý của truyền thông khi đập vào trong mắt người ta là rất lớn. Và trong cùng một chuyện, nếu nhìn dưới nhiều góc độ thì sẽ cho ra những đáp án khác nhau.
Về phương diện này, Trưởng phòng Mã có kinh nghiệm hơn chúng tôi.
Đối với Phòng Di dời mà nói, thôn Sáu Công Nông và các khu dân cư Công Nông khác đều nằm trong diện khó giải tỏa. Đây không phải là khu ổ chuột, điều kiện sống tệ hại đến mức không giải tỏa thì không được. Cũng vì thế nên mức đền bù mà cư dân ở đây mong muốn phần lớn không chỉ là một căn nhà có diện tích lớn hơn, mà họ còn yêu cầu các điều kiện khác nữa, ví dụ như hoàn cảnh xung quanh, ví trí địa lý, cho đến có trường học hay không…
Thực ra thì nguyện vọng di dời của thôn Sáu Công Nông rất mạnh mẽ.
Tổ bên cạnh có đụng phải mấy hộ chết sống gì cũng không chịu dọn đi, Phòng Di dời và ủy ban khu dân cư phải lao tâm khổ trí thay phiên nhau làm công tác tư tưởng cho họ.
Loại mâu thuẫn này nói không rõ là đúng hay sai.
Thành phố muốn kiến thiết, muốn quy hoạch thì phải sửa đổi các công trình cũ. Nhưng thiết kế của thành phố trong hiện thực không đơn giản như một cú click chuột trong game, cũng không phải lúc nào chính phủ đưa ra mệnh lệnh cho một khu vực nào đó một khoảng thời gian kiến thiết, khi hết khoảng thời gian đó thì có thể hoàn thành được.
Nhóm chúng tôi viết báo cáo trong văn phòng, năm người cùng ngồi lại chỉnh sửa, giới hạn trong ba ngàn chữ trở lại, cho ra một bản đơn giản hơn, rồi tôi thay nhóm đi báo cáo với Trưởng phòng Mã.
Trưởng phòng Mã đọc sơ qua, hỏi tôi một vài chi tiết rồi nói: “Đã thương lượng đâu đó với đài truyền hình rồi. Người bên chúng ta tiếp nhận phỏng vấn là sếp của các cậu. Đến lúc đó, nội dung của tiết mục xoay quanh đề tài ‘trẻ em ít gần cha mẹ’.”
Lúc đó e là Từ Cương cũng không phải xa cha mẹ gì. Mà thời đó chắc cũng chưa có khái niệm này.
Trong phần giới thiệu tiết mục của đài truyền hình cũng không dùng cụm từ này. Nhưng chắc có lẽ cũng sẽ xoay quanh chủ đề quan tâm đến việc trẻ em ít được gần cha mẹ.
Một đứa trẻ xa cách với cha mẹ đã thành gia lập nghiệp cùng với bức tường ngăn cách với cha mẹ và anh em ruột thịt, chất chứa mười mấy năm trời, cuối cùng dẫn đến bi kịch.
Đề tài này mới mẻ và sâu sắc hơn rất nhiều so với đề tài người cao tuổi rối rắm về vấn đề di dời giải tỏa.
Trưởng phòng Mã đọc kĩ một lát rồi khen ngợi sự nhạy bén và tinh tế của tôi, rồi bảo tôi trở về phòng làm việc.
Tôi thì chẳng có ý kiến gì với chuyện có nhận lời phỏng vấn hay không.
Tôi trở lại thông báo cho đám Tí Còi, họ đều cảm thấy không nhận phỏng vấn là tốt nhất. Dù gì chúng tôi cũng không phải là vai chính hay vai đặc biệt gì, nên có thể miễn được thì miễn đi. Vả lại chúng tôi cũng không rành mấy cái đó.
Tôi gọi điện thông báo cho Chủ nhiệm Mao. Bên chỗ Chủ nhiệm Mao cũng đã nhận được điện thoại, dì ấy quyết định sẽ đến đài truyền hình, đạo diễn đài bên đó cũng đã thông báo một vài nội dung phỏng vấn.
Tốc độ làm việc của đài truyền hình cực kì nhanh, ngay ngày hôm sau đã đến tiến hành quay phim phỏng vấn.
Họ chọn phòng làm việc của Sếp Già làm bối cảnh, sau khi phỏng vấn Sếp Già xong thì còn phải quay vài phân cảnh của Phòng Di dời.
Năm người chúng tôi cũng trốn không thoát, làm bộ làm tịch ngồi quanh bàn họp thảo luận vấn đề với Sếp Già.
Người bên đài truyền hình cũng không cần ở chỗ chúng tôi thời gian quá dài làm gì, nên đã dọn dẹp rồi rời đi.
Nhóm chúng tôi hai ngày nay không cần đến thôn Sáu Công Nông và cũng là tổ duy nhất không đến khu vực giải tỏa mình đảm nhận, vì thế trở nên khá lẻ loi trong cái đơn vị to đùng này.
Công tác bỏ phiếu ở thôn Sáu Công Nông tạm dừng trong hai ngày, nhưng chúng tôi vẫn còn những công việc khác cần làm. Có một số người có quyền tài sản không còn sống ở thôn Sáu Công Nông nữa và mãi vẫn chưa đến bỏ phiếu, thế nên chúng tôi phải gọi điện liên hệ từng người một.
Tối đến về nhà, tôi nhìn thấy em gái đang sắp xếp quần áo.
Tôi hỏi ngạc nhiên hỏi: “Sao em thu dọn đồ đạc sớm thế?”
“Ngày mai em xuất phát rồi, còn sớm gì ạ?” Nhỏ em càng ngạc nhiên hơn, nhìn tôi.
“Không phải muốn đi xem thần tượng sao?”
“Vâng. Phim trường bên đó có thể có rất nhiều thứ để chơi. Tụi em cũng đã đặt phòng ở khách sạn bên đó rồi.” Em gái nhìn tôi như một gã nhà quê.
Tôi chỉ có thể nhún vai.
Mấy ngày hôm nay xảy ra nhiều chuyện quá, cho nên tôi quên mất kế hoạch em gái nói.
Hôm sau trước khi đi làm, tôi đưa em gái đến trạm tàu điện ngầm. Đã vào kỳ nghỉ hè nhưng em gái vẫn chọn chen chúc vào giờ cao điểm để đi chơi, tinh thần này quả rất đáng khen.
Sau khi đến đơn vị, tôi cùng đám Tí Còi đi thôn Sáu Công Nông.
Thôn Sáu Công Nông vẫn như ngày nào.
Chủ nhiệm Mao thấy chúng tôi thì sụt sùi than thở rất nhiều.
Trước đó dì ấy rõ ràng không biết gì về chuyện của Từ Cương. Phóng viên đến phỏng vấn, dì ấy cũng chỉ nói ảnh hưởng của mình với nhà họ Từ. Vì tôn trọng người đã chết, nên dì ấy không hề tỏ vẻ mỉa mai châm chọc Từ Quang Tông, chỉ mô tả một cách bình dị đời sống của ông ta. Người tên Tiểu Diêu kia cũng tranh thủ kéo được một cảnh quay, trình bày không một chút nể nang. Đương nhiên người nói không nể nang cũng không chỉ có mình Tiểu Diêu. Phóng viên còn phỏng vấn những cư dân lâu năm khác nữa.
Liên quan đến tuổi thơ của Từ Cương, cho nên phóng viên có thể sẽ khai thác từ chỗ những người khác. Tôi đoán là thân thuộc trong nhà họ Từ, những người như bác hai gì đó.
Về cái chết của vợ chồng Từ Thiết thì phía cảnh sát vẫn đang điều tra. Vì họ không phải chết ở thôn Sáu Công Nông, nên dù trong khu dân cư cũng có lời ong tiếng ve, nhưng không nghiêm trọng lắm.
Có một bà lão và một ông lão đã về hưu còn rất đồng tình với chúng tôi.
Chủ yếu là vì Quách Ngọc Khiết rất nhiệt tình, còn Trần Hiểu Khâu lại xinh đẹp giỏi giang, nên rất được các cụ già yêu thích.
“Các cậu không phải là bị cấp trên trách phạt chứ? Chuyện này đâu phải lỗi của các cậu đâu.” Tiểu Diêu hỏi năm chúng tôi, vì chúng tôi mà cảm thấy bất bình. Dì ấy cho rằng hai ngày nay chúng tôi không đến, là vì chúng tôi bị cấp trên trách phạt.
Tôi giải thích một chút.
Nghe đến chuyện phối hợp phỏng vấn thì dì ấy mới không nói tiếp nữa.
Vì chuyện của Từ Cương mà người đến bỏ phiếu đã giảm đi rất nhiều, người đến tư vấn cũng giảm.
Tôi nhìn tỉ suất bỏ phiếu hiện tại mà đau cả đầu.
Còn căn nhà của nhà họ Từ, Sếp Già nói là ông ấy đã liên lạc với vợ con của Từ Cương rồi. Bây giờ không phải là lúc thích hợp, đợi cho tâm lý nhà người ta bình ổn trở lại rồi hãy tính.
Cho dù có bỏ qua nhà họ Từ, thì tỉ suất bỏ phiếu cũng vẫn rất tệ.
Đối với những người có quyền tài sản không chủ động đưa ra chọn lựa thì chúng tôi phải đến gõ cửa từng nhà một. Tôi nhìn danh sách rồi thống kê lại số lượng, để sau này dễ phân công công tác.
Trưa hôm nay chúng tôi ăn cơm hộp, tôi thấy em gái đăng khá nhiều hình lên mạng xã hội.
Tí Còi liếc mắt nhìn ké: “Em của anh đi chơi à? Con gái đi ra ngoài phải chú ý an toàn đó.”
“Ừ. Tụi nó đến phim trường chơi. Bên đó cũng ổn.” Tôi trả lời.
“Phim trường ở bên này ấy hả?”
“Ừ, vừa đi tham quan vừa gặp thần tượng.”
“Có ngôi sao đến quay phim ư?” Quách Ngọc Khiết tò mò.
“Ừ, nhưng tên gì thì bỗng tôi quên mất…” Tôi không nhớ, nhưng lướt trang cá nhân của nhỏ em một chút thì rất nhanh tôi đã tìm được video.
Có rất nhiều cô gái trẻ đang vây quanh, chen lấn chật ních.
Giọng nói trong video là giọng nói càu nhàu của em gái: “Người đâu mà lắm thế, chẳng nhìn thấy phía trước là gì cả.”
Nó giơ cao điện thoại, chỉ thấy một đống đầu người, màu tóc khác nhau, kiểu tóc càng khác hơn.
Kĩ năng quay của em gái đúng là chả ra làm sao, màn hình rung lắc như điên.
Đoạn video đến đây là hết.
Trong đoạn video tự động trình chiếu tiếp theo, đám đông trước đó im như thóc đột nhiên thay đổi, trên tay mỗi người đều giơ lên banner lớn nhỏ đủ kiểu. Tấm biển nhiều màu sắc còn rực rỡ chói mắt hơn cả đầu tóc và trang phục của bọn họ.
Đám đông hò hét điên cuồng.
Nhỏ em nhấc cao điện thoại, không quay đầu nữa mà là quay được toàn tay với những tấm banner.
Qua những khe hở đó có thể nhìn thấy một chiếc xe đang chạy ngang qua.
Tiếng la hét trở nên càng to hơn, trong đó nổi bật hơn cả là những tiếng hô hào đồng loạt của đám đông, họ cùng kêu chung một cái tên: Nam Thiên.