Hiệp sỹ Lagadere

Chương 8

Trước khi Lagardère xuất hiện trước tòa, Gonzague đã có đủ thời gian để đến trước Philippe d’Orléans biện hộ cho vụ việc của mình. Quả tình, sau tất cả những chuyện này, quan Nhiếp chính Pháp quốc muốn xem xét sự việc rõ ràng hơn.

Gonzague, như mọi bận, tìm mọi cách gian ngoan quỷ quyệt để đánh lừa quan Nhiếp chính.

Chính ông ta đã bảo vệ Nevers dưới dãy hào Caylus. Chính là trong vòng tay ông ta công tước đã nói trước khi chết: "Hãy làm chồng của vợ ta để cho con gái ta có một người cha". Chính hầu tước de Caylus là kẻ sát nhân, bằng cách mua tay kiếm của Lagardère. Và cuối cùng, chính Lagardère là kẻ phản trắc, kẻ đã mưu toan sử dụng con bài Aurore và dona Cruz. Và Gonzague kết luận:

- Tóm lại tôi xin lưu ý ngài ba sự kiện này:

Lagardère đang ở trong bàn tay công lý của ngài; hai cô gái đã được ở bên vương phi; tôi có các trang giấy xé ra từ cuốn sổ lưu ở nhà thờ riêng của dòng họ Caylus. Ngài là người đứng đầu Nhà nước. Với các yếu tố này, việc khám phá trở nên quá dễ dàng, khiến cho tôi không thể không tự hào mà nói rằng: "Chính ta đã làm sáng tỏ những chuyện tối tăm này".

Và quan Nhiếp chính thì chấm dứt cuộc gặp bằng câu:

- Thật vậy, sự thật sẽ được khám phá, chính ta sẽ chủ trì tòa án gia đình tối nay.

*

Việc thiết lập các "phòng nồng cháy" đã có từ thời Francois II. Quyết định của các tòa án đặc biệt này là những quyết định tối cao và được thi hành trong vòng hai mươi tư giờ.

Bốn giờ rưỡi, hiệp sĩ Henri de Lagardère xuất hiện trước "phòng nồng cháy" của ngục Châtelet.

Bản luận tội kết án chàng tội lừa lọc trẻ con và tội sát nhân. Nhân chứng đương nhiên có hoàng thân và vương phi de Gonzague. Lời khai của họ trái ngược nhau đến nỗi, thông thường tòa án vẫn ra quyết định dựa trên những dấu hiệu nhỏ nhất thì nay hoãn lại đến một giờ chiều để nhận thêm các thông tin đầy đủ hơn. Tòa sẽ phải nghe ba nhân chứng mới là các vị Peyrolles, Cocardasse và Passepoil.

Người ta đã chuẩn bị tất cả để đưa Lagardère tới ngục Bastilles, nơi diễn ra các vụ hành quyết ban đêm. Việc hoãn lại phiên tòa đã khiến người ta phải tìm cho chàng một ngục thất gần phòng xử án, để chàng ở ngay trong tầm tay các quan tòa. Ngục thất đó nằm ở tầng bốn Tháp Mới.

Khi Lagardère bị tống vào xà lim thì trời đã sáng. Chàng đã không ít lần làm lính canh ở Châtelet trước khi gia nhập đội kỵ binh nhẹ. Vì thế mà chàng thông thạo nơi này. Dưới xà lim của chàng hẳn phải có hai ngục tối khác. Người ta đã để lại cho chàng các đinh thúc ngựa. Chàng tháo một chiếc và dùng đinh cài ở cái khóa đâm vào cánh tay. Thế là chàng đã có mực. Một góc mù soa dùng làm giấy, một cọng rơm biến thành bút. Với những dụng cụ như thế, người ta viết rất chậm và không rõ nét nhưng cuối cùng cũng vẫn viết được. Lagardère cứ thế viết dăm ba chữ; rồi vẫn dùng chiếc đinh cài, chàng bậy được một viên gạch lát xà lim. Chàng đã không nhầm. Hai ngục tối ở bên dưới xà lim chàng. Trong ngục tối thứ nhất, hầu tước Chaverny bé nhỏ vẫn còn say, nằm ngủ như một con người hạnh phúc.

Trong ngục tối thứ hai, Cocardasse và Passepoil nằm trên đệm rơm, đang triết lý và nói khá nhiều điều hay ho.

Chaverny cũng nghĩ ngợi, nhưng theo một cách khác. Chàng nằm lăn trên đệm rơm, quần áo lôi thôi, tóc tai bù xù.

Một cái gói ném qua lỗ và rơi trúng vào má trái Chaverny, chàng ta liền nhảy bật dậy và lấy hai tay ôm cằm.

- A! Sao vậy, - chàng ta lẩm bẩm và lấy tay giụi mắt, - ta không thể thức dậy được sao! Ta mơ, hẳn thế rồi.

Lúc ấy một giọng từ trên cao nói với chàng:

- Ngài đã nhận được cái gói chưa?

- Khá lắm! - Chaverny nói, - gã gù trốn ở đâu đây, thằng đểu này hẳn là đã chơi ta một vố độc ác gì rồi. Nhưng cái phòng kiểu quái gì thế này!...

Chàng ngẩng đầu lên và ra sức hét:.- Ta đã nhìn thấy cái lỗ của ngươi, tên gù đáng nguyền rủa! Ta sẽ trả miếng ngươi chuyện này. Hãy đi bảo với họ mở cửa cho ta.

- Tôi không nghe được ngài, - giọng đó nói, - ngài cách cái lỗ quá xa, nhưng tôi thì nhìn được và đã nhận ra ngài. Ngài Chaverny, mặc dù ngài cùng hội cùng thuyền với những quân khốn nạn, nhưng ngài vẫn là một người quân tử, tôi biết lắm. Vì thế mà tôi đã ngăn không để ngài bị sát hại đêm qua.

Chàng hầu tước bé nhỏ mở to mắt.

- Tôi là hiệp sĩ Lagardère, - bấy giờ giọng đó mới xác nhận.

- A! - Chàng hầu tước thốt lên kinh ngạc, -đây là một người có thể tự hào là đã sống ra trò.

- Ngài có biết mình đang ở đâu không? -Giọng đó hỏi.

Chaverny lắc mạnh đầu tỏ ý không biết.

- Ngài đang ở trong ngục Châtelet, tầng ba Tháp Mới.

Chaverny xông tới cái lỗ châu mai chiếu ánh sáng lờ mờ vào xà lim, và hai tay chàng bỗng buông thõng xuống. Giọng nói lại tiếp tục:

- Hẳn là ngài bị bắt sáng nay tại dinh mình theo tinh thần một chiếu tống giam...

- Chiếu tống giam mà người anh họ vô cùng thân thiết và trung hậu của tôi đã xin được! -Chà ng hầu tước nhỏ bé gào lên, - tôi ngỡ như nhớ lại được cái cảm giác khó chịu của tôi hôm qua trước những trò bỉ ổi nào đó...

- Ngài có nhớ, - giọng nói đó hỏi, - là mình đã thi đấu rượu vang với gã gù?

Chaverny làm một cử chỉ thừa nhận.

- Chính tôi đã đóng vai gã gù, - giọng đó lại nói.

- Ngài? - Chàng hầu tước nhỏ bé thốt lên, - hiệp sĩ Lagardère!

Người đó không nghe được gì và lại tiếp tục:

- Khi ngài gục ngã, Gonzague đã ra lệnh thủ tiêu ngài. Ngài đã làm phiền ông ta. ông ta e sợ tính trung thực vẫn còn lại nơi ngài. Tôi đã lệnh cho hai gã giết mướn được giao việc đó làm ngược lại.

- Cám ơn! - Chaverny nói. - Tất cả chuyện đó có phần khó tin... thêm một lý do để đặt lòng tin vào đó.

- Cái mà tôi ném cho ngài là một bức thư, - giọng nói đó tiếp tục, - tôi đã viết mấy chữ.bằng máu của mình. Ngài có cách nào đưa bức thư đó tới vương phi de Gonzague không?

Chaverny làm điệu bộ trả lời:

- Không thể!

Giọng nói tiếp tục:

- Trong mọi khả năng, tôi sẽ bị hành quyết tối nay. Vậy nên chúng ta phải khẩn trương. Nếu như ngài không có ai để trao bức thư đó thì hãy làm như tôi đã từng làm: trổ thủng sàn phòng giam của ngài và chúng ta sẽ thử vận may ở tầng dưới.

- Bọn họ ở trên kia nhảy nhót điệu gì thế?

- Cocardasse ở tầng dưới nói.

- Có thể là một kẻ bất hạnh bị người ta treo cổ và đang giãy giụa, - Passepoil đáp, sáng hôm nay gã có những ý nghĩ đen tối.

Vừa lúc đó có một tiếng đập mạnh, tiếp theo là tiếng vỡ răng rắc và một mảng trần rơi xuống.

Những tảng vôi vừa rơi giữa hai người bạn của chúng ta làm cho bụi bốc lên mù mịt.

- Hai vị ở dưới ấy hả? - Chaverny hỏi.

- Như ngài thấy đấy, thưa ngài hầu tước, -Cocardasse đáp. - Nhưng thật phí của giời, tại sao lại có sự thiệt hại này.

- Hãy chất rơm dưới cái lỗ, để tôi nhảy xuống.

Gần như ngay sau đấy, dưới sàn nhà lại có tiếng vỡ răng rắc thứ hai. Hai anh hào nhắm mắt lại, và mặc dù cố sức giữ chúng vẫn va vào nhau do sức nặng của chàng hầu tước bé nhỏ khi rơi lên những cánh tay dang ra của chúng. Cả ba người lăn lộn trên sàn, tối tăm mặt mũi vì cơn hồng thủy vôi vữa theo Chaverny trút xuống.

Chaverny là người đầu tiên dậy được. Chàng rũ mạnh người và phá lên cười.

Có tiếng chân trong hành lang. Trong chớp mắt, lớp vôi vữa liền được tống vào một xó, đằng sau đống rơm được đặt lại về vị trí. Một tiếng chìa khóa rít lên trong ổ.

- Tôi trốn đâu đây? - Chaverny hỏi, tuy luống cuống nhưng vẫn còn cười được.

Bên ngoài, những chốt cửa nặng nề tháo ra nghe loảng xoảng. Cocardasse nhanh chóng lột áo chẽn ra. Passepoil cũng vội làm theo. Nửa người dưới rơm, nửa người dưới những chiếc áo chẽn, Chaverny nằm trốn được chăng hay chớ.

Hai gã giết mướn chỉ mặc độc áo sơ mi, đứng giữ miếng trước mặt nhau và giả vờ như đang đánh nhau.

Cánh cửa nặng nề xoay trên bản lề. Hai người, một người giữ khóa và một cai ngục, đứng.tránh ra để cho một nhân vật thứ ba đi vào, người đó mặc một bộ triều phục sang trọng.

- Các vị chớ có đi xa, - ông ta vừa nói vừa đẩy cánh cửa lại đằng sau mình.

Đó là ngài Peyrolles trông bóng lộn trong bộ trang phục cầu kỳ. Hai anh hào của chúng ta nhận ra y ngay tắp lự, và vẫn tiếp tục xông vào nhau mà không buồn để ý đến y.

Hai anh hào của chúng ta phải ra làm nhân chứng trước "phòng nồng cháy". Hoàng thân de Gonzague đâu thèm bận tâm đến việc này. Đã có Peyrolles lo hứa hẹn với chúng những lời đề nghị lóa mắt khiến cho lương tâm chúng không thể nào giữ vững được: một nghìn đồng pixton trả cho mỗi đứa ngay một lúc, những đồng tiền vàng kêu lanh canh và được thanh toán trước, thậm chí không cần phải kết tội Lagardère mà chỉ cần nói rằng chúng không có mặt quanh vùng Caylus vào cái đêm xảy ra vụ giết người.

Việc thỏa thuận diễn ra rất chóng vánh.

Trong lúc ẩu đả, Cocardasse và Passepoil xáp lại gần y và buộc y lùi vào giữa xà lim. Peyrolles phá lên cười nhạo hai gã khi thấy chúng quay sang y vẻ đe dọa và chặn cửa lại. Y định nắm lấy đốc kiếm nhưng nó đã bị một bàn tay khác nắm giữ. Bàn tay đó, trắng trẻo và mang đăng ten gấp nếp, là của hầu tước de Chaverny. Chàng ta đã kịp thời ra khỏi chỗ nấp của mình và đứng đằng sau Peyrolles. Thanh kiếm bỗng tuột khỏi tay y. Chaverny túm lấy cổ áo y và chĩa mũi kiếm vào họng y.

Peyrolles tức sùi bọt mép, nhưng y câm lặng.

Cocardasse và Passepoil lấy cravat trói gô y lại.

- Giờ thì làm gì? - Cocardasse hỏi chàng hầu tước.

- Giờ thì, - chàng ta đáp, - cậu nấp bên phải cánh cửa, còn cậu này nấp bên trái. Khi hai tên gác ngục vào thì dùng tay chẹt họng chúng.

Hai gã giết mướn vội đứng dán vào tường, một gã bên phải, gã kia bên trái. Chaverny chĩa mũi kiếm vào dưới cằm Peyrolles và bắt y kêu cứu.

Peyrolles kêu lên. Lập tức hai tên gác ngục xông vào ngục tối. Passepoil xử lý tên mang chìa khóa.

Cocardasse lo liệu tên kia. Cả hai tên ú ớ một lát rồi im bặt, gần như bị xiết đến tắc thở. Chaverny khóa cửa ngục tối lại, lấy từ túi tên giữ chìa khóa ra một cuộn dây và trói tay cả hai tên lại.

Ba người ra khỏi ngục tối sau khi đã khóa trái cửa ngục lại, không quên cả cài then. Ngài Peyrolles và hai tên gác ngục ở lại đấy, bị trói và bịt chặt miệng. Trong khi ấy ba tù nhân của.chúng ta băng qua dãy hành lang đầu tiên mà không gặp phiền toái gì: hành lang trống vắng. Ngoài sân và các ngách đầy những người.

Chaverny, mũ phớt sụp sát mắt, đi qua trước nhất.

Người gác cổng nhấc mũ lên, miệng lầu bầu.

Cocardasse và Passepoil đi qua sân không gặp trở ngại gì. Trong phòng lính gác, Chaverny xử sự như một kẻ tò mò đi thăm nhà tù.

Cửa ngách vẫn mở. Cocardasse và Passepoil không chế ngự được nỗi bồn chồn, nhảy vọt qua ngưỡng cửa.

- Bắt lấy chúng! Bắt lấy chúng! - Chaverny hét.

Người coi cửa xông ra và bị Cocardasse cầm cả chùm chìa khóa đập vào giữa mặt khiến cho anh ta ngã tối tăm mặt mũi. Hai anh hào của chúng ta liền chạy biến mất hút.

Cỗ xe đưa ngài Peyrolles đến vẫn đang đậu ngoài cổng. Chaverny nhận ra chế phục của Gon-zague; chàng nhảy lên bậc thang và tiếp tục hét toáng lên:

- Bắt lấy chúng, đồ chết giẫm! Các người không thấy chúng bỏ trốn sao? Chỉ khi người ta có mưu đồ xấu xa thì mới phải bỏ trốn. Bắt lấy chúng!

Và trong lúc mọi người còn đang nhốn nháo, chàng nhoài người sang phía cửa bên và ra lệnh:

- Tới dinh công tước, anh bạn! Và nhanh lên!

Trong nhà nguyện của vương phi đang có người, rất đông là đằng khác, mặc dù khi ấy mới sớm tinh mơ. Trước hết là một cô gái trẻ đang ngủ. Đứng bên cô là nữ hầu phòng thứ nhất của vương phi, chị Madeleine Giraud tốt bụng, hai tay chắp lại và nước mắt lưng tròng. Madeleine Giraud vừa mới thú nhận với vương phi de Gon-zague rằng lời cảnh báo lạ lùng tìm thấy trong cuốn sách ở trang Miserere: "Hãy bảo vệ con bà" và nhắc tới, sau hai mươi năm, câu châm ngôn của Nevers: Có ta đây, là do chính Madeleine đặt vào đấy với sự tiếp tay của gã gù. Thay vì nhiếc mắng chị ta, vương phi ôm lấy chị. Madeleine sung sướng như chính con mình được tìm ra. Vương phi ngồi ở đầu phòng kia. Còn có hai người phụ nữ nữa và một cậu bé. Một trong hai người phụ nữ là bà Francoise Berrichon, còn cậu bé cứ lấy tay vặn đi vặn lại chiếc mũ không vành với một vẻ tinh nghịch và ngượng ngùng thì được kêu bằng cái tên Jean-Marie. Người phụ nữ kia đứng hơi tách riêng ra. Bạn đọc có thể nhận ra đằng sau tấm khăn choàng khuôn mặt dạn dĩ và duyên dáng của dona Cruz. Trên khuôn mặt láu lỉnh ấy, lúc này hiện rõ vẻ xúc động sâu xa..- Con trai bà, - vương phi nói, - đã đưa lá thư này đến cho ta ở lâu đài Caylus?

- Vâng, thưa lệnh bà, chính nó đấy ạ. Và Chúa biết rõ rằng, suốt đời nó luôn nhớ đến buổi tối hôm ấy.

Berrichon bị bọn lính đánh thuê bắt và đã trốn thoát nhờ ơn Chúa. Đó là lần đầu tiên anh ta thấy hiệp sĩ Lagardère mà họ rất hay nói tới.

- Phải, - vương phi thì thầm vẻ mơ mộng, -anh ta rất đẹp.

- Và dũng mãnh nữa! - Bà Francoise hăng lên nói theo. - Như là sư tử ấy!

- Berrichon, đứa con trai tội nghiệp của tôi, đã kể lại với chúng tôi thế đấy, - người đàn bà tốt bụng nói tiếp, - rằng Nevers và cái anh chàng Lagardère ấy đã hẹn để đánh nhau, rằng là cái anh chàng Lagardère ấy đã bảo vệ Nevers trong suốt nửa giờ chống lại hơn hai mươi tên vô lại, nói vô phép lệnh bà vương phi chứ, trang bị cứ là đến tận răng.

Aurore de Caylus khẽ thở dài.

- Thời gian là thời gian, - bà Francoise nói.

- Chúng ta rồi sẽ chết cả. Không cần phải đau khổ vì những gì đã xảy ra. Thế rồi, khi hiệp sĩ Lagardère tìm đến nơi đây, ấy thế mà cũng đã năm hay sáu năm rồi chứ không à, để hỏi tôi có muốn hầu hạ tiểu thư vị công tước đã quá cố, tôi đáp vâng ngay. Vì sao ư? Bởi vì Berrichon con trai tôi đã nói cho tôi biết sự việc đã xảy ra như thế nào. Trong lúc hấp hối công tước đã gọi hiệp sĩ bằng tên riêng và nói: "Người anh em của ta! Người anh em của ta!" Vương phi áp tay lên ngực.

- Và ngài còn nói, - Francoise tiếp tục, -" Người anh em hãy là cha con gái ta và hãy trả thù cho ta". Berrichon không bao giờ nói dối, thưa lệnh bà. Vả lại, nó nói dối để làm gì mới được chứ? Chúng tôi, cháu Jean-Marie và tôi, đã đi Mađrit, thủ đô của Tây Ban Nha. A! Có thế chứ! Tôi đã trào nước mắt khi nhìn thấy đứa trẻ tội nghiệp. Thật thế đấy! Cháu nó trông giống hệt ông chủ trẻ tuổi của chúng tôi! Nhưng chớ có nói hở! Cứ là phải câm miệng.

- Hãy cho ta biết các chi tiết. Con gái ta sống ẩn dật à? - Vương phi hỏi.

- Cô đơn, lúc nào cũng cô đơn, tiểu thư cô đơn lắm, vì tiểu thư rất buồn về điều đó.

- Thôi được, bác tốt lắm, - vương phi ngắt lời, - ta cám ơn bác, bác đi đi. Từ giờ trở đi, bác và cháu bác, hai người sẽ là thành viên của nhà ta..- Quỳ xuống! - Francoise Berrichon quát bảo Jean-Marie và ấn mạnh cậu bé xuống.

Vương phi dừng sự sốt sắng bày tỏ lòng biết ơn của họ lại, và theo một hiệu lệnh của bà, Madeleine Giraud đưa bà lão và đứa cháu nối dõi của bà đi. Dona Cruz tiến về phía cửa.

- Cháu đi đâu thế, Flor? - Vương phi hỏi.

Dona Cruz cứ ngỡ mình nghe nhầm. Vương phi nhắc lại:

- Không phải con ta gọi cháu như thế sao?

Lại đây Flor, ta muốn ôm hôn cháu.

Và vì cô gái không dám vâng lời ngay, vương phi đứng dậy ôm cô vào lòng. Dona Cruz cảm thấy mặt bà đẫm lệ.