Hiệp Sĩ Sainte Hermine

Chương 47

Tuy vậy, nỗi lo lắng nhất có thể vẫn chưa nằm trong phòng xử án ấy, nơi người ta đang quyết định số phận các phạm nhân. Joséphine, phu nhân Murat, và phu nhân Louis vốn còn rất xúc động trước cái chết của công tước Enghien và vụ tự tử đáng ngờ của tướng Pichegru giờ đây không khỏi não nề trước vụ hành quyết hai mươi mốt con người, số người gợi đến những kẻ xấu số vào ngày đẹp trời thời kỳ Kinh Hoàng.

 

Một cái lò mổ xử hai mươi mốt mạng người trên đại lộ Grève quả thực là một điều thật khủng khiếp. Câu nói của Fouché: "Không khí sặc mùi dao găm" lúc nào cũng ám ảnh Joséphine như lời đe doạ thường trực. Bà nghĩ đến mối thù hận mới lại sắp đẻ ra hai mươi con dao găm của kẻ thù cả mới lẫn cũ rình rập trước ngực chồng. Bà cũng là người bị hướng tới những giọt nước mắt của phu nhân Polignac là những giọt nước mắt đầu tiên rơi trên vạt áo choàng đế chế của bà. Joséphine chạy đến phòng làm việc của ngài Bonaparte để cầu xin lòng độ lượng của con người cao quý trẻ tuổi vốn coi đầu người là thứ rẻ tiền để cứu cái đầu của anh em mình.

Nhưng một khi Bonaparte đã từ chối thì không lời van xin hay nước mắt có thể lay chuyển.

 

Lúc nào phu nhân cũng quan tâm đến kẻ thù của ta thế? - Bonaparte nghiêm nghị nói - Người Bảo hoảng hay Cộng hoà, họ đều khó thay đổi như nhau, nếu ta tha thứ cho họ, họ lại tiếp tục chống lại, như thế phu nhân sẽ buộc tôi tạo thêm nhiều nạn nhân mới nữa đấy.

Than ôi! Càng ngày cộng với việc can ngăn Bonaparte hướng đến ước vọng đế chế, Jeséphine càng mất dần ảnh hưởng của mình. Bà đành sắp đặt cho phu nhân Polignac chờ trên lối đi của Napoléon. Phu nhân Polignac quỳ xuống xưng tên và xin ân xá cho chồng mình là Armand de Polignac.

- Armand de Polignac ư! - Bonaparte thốt lên - Người bạn học của tôi từ khi từ trường quân bị ư! Có thể là anh ta mưu phản chống lại tôi hay sao? Thưa phu nhân, họ là những thủ phạm cùng hành động với các ông hoàng thì sao giảm nhẹ được.

Phu nhân Polignac ra khỏi điện Tuileries cũng giống như Murat và vợ mình ra về khi đến xin ân xá cho hầu tước Rivière.

 

Murat là người có trái tim nhân hậu đã vô cùng ân hận về vai trò bất đắc dĩ mà mình đã đảm nhiệm trong vụ công tước Enghien. Ông muốn, như ông nói, là xoá đi vết nhơ mà Bonaparte đã vấy lên bộ quân phục của mình. Ân chuẩn cho hầu tước Rivière là kết quả nối tiếp với ân huệ bản cho ngài Polignac. Chính ngài Réal đích thân đến thông báo cho hầu tước Rivière ân huệ mình được hưởng. Tuy thế Réal không thể lôi kéo con người này đứng về phe của mình.

- Hoàng đánh giá rất cao về lòng trung thành và lòng can đảm nên sẵn sàng mở lượng khoa hồng cho ông. - Ngài Réal nói - Ngoài ra, ngài sẽ rất vui khi thấy ông phục vụ cho ngài và giữ lời hứa. Ông có muốn một trung đoàn không?

- Tôi rất vui sướng và tự hào được cầm quân chỉ huy quân đội Pháp - Hầu tước Rivière đáp - Nhưng tôi không thể chấp nhận phục vụ dưới một lá cờ khác được.

- Ban đầu ông có thể theo ngành ngoại giao cũng được. Ông có vui lòng làm đại sứ tại Đức không?

- Trước đây tôi đã được thay mặt nhà vua đến làm đại sứ tại vài nơi trên đất nước Đức. Khi làm việt đó tôi là kẻ thù của các vị. Giờ đây, các quốc gia ấy sẽ nghĩ gì về tôi khi tôi lại đi thương lượng vì lợi ích trái ngược với lợi ích tôi từng chiến đấu vì nó cho đến giờ phút này? Tôi sẽ mất hết danh dự nên tôi không thể chấp nhận.

- Nếu vậy ông hãy tham gia vào chính quyền? Ông có muốn làm tỉnh trưởng không?

- Tôi là dân binh nghiệp nên sẽ trở thành một tỉnh trưởng tồi.

- Thế ông muốn gì?

- Một điều cực kỳ đơn giản. Tôi đã bị kết án, tôi muốn chịu hình phạt của mình.

- Ông là người chính trực đấy - Ngài Réal cười khi đi ra - nếu tôi giúp được gì hãy nói với tôi nhé.

Sau đó, ngài Réal cho gọi Georges.

- Ông Georges, tôi sẽ xin ân xá cho ông đến hoàng đế. Chắc chắn ngài sẽ chấp nhận và điều này phụ thuộc vào ông, chỉ một lời hứa ông không làm phản nữa. Hãy chấp nhận phục vụ trong quân đội.

 

Nhưng Georges đã lắc đầu.

- Những người bạn của tôi đã theo tôi về Pháp, bây giờ đến lượt tôi cũng phải theo họ lên đoạn đầu đài chứ.

Tất cả những trái tim vĩ đại đều quan tâm đến tướng Georges, chính vì vậy nên sau khi có được ân huệ cho hầu tước Rivière, Murat lại tiếp tục nài nỉ xin cho Georges.

- Nếu như hệ hạ đã ân chuẩn cho anh em Polignac và những người khác thì tại sao lại không đại xá cho Georges? Ông ta là một con người có tính cách lớn. Nếu bệ hạ muốn ban mạng sống cho ông ta, thần sẽ nhận ông ta làm tuỳ tùng.

- Kỳ thực, ta cũng tin như vậy - Napoléon nói - Nhưng kẻ quỷ quyệt ấy còn muốn ta ân xá cho tất cả chiến hữu của hắn cơ. Điều này không thể được. Trong số đó có những kẻ mắc tội sát nhân ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Còn lại, ông muốn làm gì thì tuỳ. Việc của ông là sẽ làm sẽ phải làm tốt.

Quả nhiên Murat đến ngục giam Georges cùng các chiến hữu của ông ta. Ngày hôm sau sẽ là buổi hành hình. Murat thấy tất cả đang cầu nguyện, không ai quay đầu lại khi ông xuất hiện.

Về phần mình, Murat cũng chờ cho mọi người cầu nguyện xong mới nói riêng với Georges.

- Nhân danh Hoàng đế, tôi đến để dành cho ông một việc trong quân đội.

- Thưa ngài - Georges trả lời - Điều này người ta tặng cho tôi sáng nay và tôi đã từ chối.

- Tôi sẽ thêm vào những gì ngài Réal đã nói là ân xá tương tự cũng sẽ dành cho chiến hữu của ngài, những ai muốn phục vụ cho Hoàng đế sẵn sàng quên mình vì nghiệp lớn.

- Nếu vậy, cho phép tôi bàn bạc với các bạn hữu của mình vì đây không chỉ liên quan đến mình tôi - Georges đáp.

Rồi ông ta quay lại nhắc lại rõ ràng những gì ông Murat vừa thì thầm với mình, sau đó ông ta im lặng chờ đợi, không gắng tác động để họ đồng ý hay phản đối lời đề nghị.

Burban là người đầu tiên đứng dậy, ngả mũ và hô to:

- Đức vua vạn tuế.

Lập tức hơn chục giọng nói đồng thanh hô vang như vậy.

Thế là Georges quay lại nói với Murat:

- Ngài cũng thấy rồi đấy, chúng tôi chỉ có một suy nghĩ chung và một lời tung hô "Đức vua vạn tuế". Làm ơn hãy chuyển ý của chúng tôi đến người đã phái ngài đến đây.

Hôm sau, ngày 25 tháng Sáu năm 1804, chiếc xe đưa các phạm nhân ra pháp trường đã dừng lại dưới chân đoạn đầu đài.

 

Đã có một ngoại lệ hầu như là duy nhất trọng lịch sở hành quyết đẫm máu của ngành tư pháp, đó là dù Georges là thủ lĩnh cuộc mưu phản này ông ta vẫn bị xử trước tiên. Chắc đây là yêu cầu của ông ta vì sợ rằng nếu sống sót sau khi các bạn của ông ta đã chết, họ sẽ chết với ý nghĩ người ta dành cho ông ta chết sau cùng để nhờ có chịu ân xá cũng không phải xấu hổ với họ.

 

Có một sự việc bất ngờ khiến cho cảnh máu chảy đầu rơi trước bàn dân thiên hạ bị kéo dài. Số là Louis Ducorps, người số sáu và Lemercier, tử tội số bảy đến lượt lên máy chém trước Coster Saint-Victor. Nhưng họ nói có điều muốn khai nên được đưa đến chỗ thị trưởng Paris. Trong một tiếng rưỡi, họ khai lan man toàn những điều vô nghĩa và trong một tiếng rưỡi ấy, lưỡi dao của máy chém nằm im. Coster Saint-Victor, cái anh chàng lịch sự liền hỏi liệu có nhân sự chậm trễ này để mời một thợ cạo râu đến hay không "Vì - Anh ta nói với đao phủ - ông cũng thấy cả đám phụ nữ đến đây chỉ vì tôi, tôi biết gần hết họ, bốn ngày trước tôi đã yêu cầu mời thợ cạo đến nhà tù thế mà cả bốn ngày họ đều chối: bây giờ nhìn tôi xấu xí quá".

Lần này nữa, việc mời thợ cạo râu lại bị từ chối khiến quý ông đẹp trai đành ôm thất vọng trong lòng. Cuối cùng Ducorps và Lemener cũng đến, họ không đạt được sự ân xá nào và thế là cỗ máy tàn bạo lần lượt ngốn ngấu đến người cuối cùng.

 

Chuông đồng hồ trên Toà Thị chánh điểm hai giờ, đó cũng là thời điểm đánh dấu tất cả sức mạnh thật sự của Napoléon. Năm 1799, ông đã vượt qua những phản kháng chính trị bằng các lật đổ chế độ Đốc chính. Năm 1802, ông vượt qua phản kháng dân sự khi bãi bỏ viện dự luật. Năm 1804, ông đã chiến thắng sự kháng cự quân sự trong âm mưu làm phản do quân lưu vong liên kết với giới tướng lĩnh cộng hoà thực hiện, Pichegru, đối thủ duy nhất bị siết cổ, Moreau bị đi đày biệt xứ. Sau mười hai năm chiến đấu khủng bố, âm mưu lật đổ, các đảng phái liên tiếp thay đổi, kế vị lẫn nhau, đã kết thúc phong trào cách mạng: Nó dần dần được thành lập qua con người ông và thực tế trên đồng tiền năm 1804 đã mang dòng chữ: Nước Cộng hoà Pháp, Hoàng đế Napoléon.

 

Cũng chính tối hôm đó, tối ngày 25 tháng Sáu năm 1804, Fouché đến thăm vị tân Hoàng đế. Để thưởng cho những phục vụ tận tuỵ trong vụ việc mới đây, hoàng đế đã khôi phục cho ông ta chức cũ ở Bộ Cảnh sát. Trong buổi tối hôm ấy, khi nói chuyện với Napoléon bên cửa sổ, nhận thấy đã đến thời điểm thích hợp, Fouché nói:

- Tâu bệ hạ, chúng ta nên làm gì với chàng trai đáng thương đã chờ quyết định của Ngài suốt ba năm trong xà lim Abbaye?

- Chàng trai trẻ đáng thương nào?

- Bá tước Sainte-Hermine.

- Bá tước Sainte-Hermine à? Là ai thế?

- Là người đã cưới tiểu thư Sourdis và mất tích trong đêm ký giấy hôn ước đó.

- Anh chàng cướp xe ngựa chứ gì?

- Vâng.

- Anh ta chưa bị xử bắn sao?

- Chưa!

- Ta đã ra lệnh rồi cơ mà?

- Ngược lại, đây là động thái sai lầm nhất đấy ạ.

- Nếu thế thì…

- Thần cũng chờ giây phút này. Thực ra, ba năm tù cho một lỗi như thế theo thần có lẽ là hơi nặng.

- Được rồi, hãy cho anh ta làm lính bình thường trong quân đội.

- Anh ta được tự do chọn đội nào chứ? - Fouché hỏi.

- Cho hắn chọn - Bonaparte đáp - Nhưng đừng bao giờ mong trở thành sĩ quan.

- Tâu được thưa bệ hạ…Chính anh ta sẽ là cánh tay đắc lực cho ngài.