Hiệp Sĩ Sainte Hermine

Chương 29

Khi sự tồn tại của một con người có ảnh hưởng tột đỉnh đối với quyền lợi, danh dự và số phận của một quốc gia, khi mọi tư tưởng tập trung vào sự thành công hay thất bại của một vận mệnh tối thượng, thì dù là bạn hay thù người ta đều phải đối mặt với nhau để nhận ra những gì mà họ được, mất từ lòng tận trung, từ lòng thù hận mà họ đã dành cho con người đầy thành đạt đó. Đó là thời điểm của những điềm báo, những dự đoán. Ngay cả các giấc mơ cũng có những ảnh hưởng thầm kín và mọi người đều sẵn sàng bước vào một xứ sở tương lai lạ lẫm. Thế là, có người, hoặc do sự nhút nhát bẩm sinh, hoặc do cái nhìn luôn bi quan nên luôn luôn trong tình trạng báo động trong những dự cảm phi lý hoặc lúc nào cũng phấp phỏng về mối hiểm hoạ tưởng tượng: Ngược lại, những người khác lại nhìn thế giới theo quan điểm của mình nghĩa là mọi việc đều dễ dàng, suông sẻ và đầy sự mù quáng của César hay Bonaparte đến mục đích mà họ muốn, không hề bận tâm đến những nguy hiểm ẩn náu trong khi một thế lực khác thế lực đã sụp đổ, giờ lại đang vùng dậy chống lại con người thiên tài này. Chúng xả sự giận dữ qua những lời cầu nguyện ám muội, những bài đả kích đe doạ kèm theo những lời hứa chết chóc.

 

Giữa những bộn bề lo toan của thời điểm tồi tệ và ngay cả giữa chính những lo lắng ấy đôi khi cũng nảy ra ý định ám muội, những suy nghĩ yếu và tối tăm. Đó là một định mệnh mà có lẽ người ta chỉ thoát khỏi nó bằng cái chết của chính kẻ tạo ra nó.

Tình cảnh đó cũng giống như César khi ông muốn xưng vua, là hoàn cảnh của Henri Đệ tứ khi quyết định theo đuổi vụ Marie de Médicis và Concino Concini và cũng là của Bonaparte sau cuộc bạo động ngày 18 Brumaire, bập bềnh giữa Auguste và Washington.

Và như vậy con người thiên định đó như đã được ngã giá, con người đó tận tuỵ phục vụ cho sự yên ổn của nền Cộng hoà, và chính con người đó sẵn sàng hứng chịu mũi dao của Brutus hay nhát chém của Ravaillac để lật đổ các chướng ngại vật đang ngăn cản tham vọng, hy vọng của ông.

Và kỳ thực tất cả những năm đầu của chế độ Tổng tài chỉ là một chuỗi những mưu toan chống lại ngài Tổng tài. Đó là kẻ thù từ cuộc bạo loạn ngày 13 Vendémiaire, ngày 18 Fructidor, ngày 18 Brumaire, quân triều đình, quân Cộng hoà, đồng đảng Jéhu, dân Vendée và quân Bảo hoàng tấn công ban đêm, trong rừng, trên đường cái quan, trong các quán cà phê, trong các phòng kịch.

Bị kích động sau ngày Saint-Cloud, chuỗi ngày hoạt động chính trị của Bonaparte lúc nào cũng đặt ở tình trạng báo động, báo động do lá thư của Louis XVIII triều đình và quân Cộng hoà tức quân Trắng và quân Xanh là hai đảng phái chính trị thật sự còn tồn tại trên đất Pháp đều rộ lên những tiếng gào thét trả thù và giết chóc.

"Làm sao mà các ông muốn tôi không mưu phản cho được? - Aréna đã nói như thế trước các quan toà - Tất cả mọi người đều mưu phản vào một giờ nào đó. Người ta mưu phản trên các con phố, trong phòng khách, ngã tư hay ngay trên những quảng trường công cộng”.

"Không khó săn mùi dao găm!" Chính Fouché cũng nói như vậy để miêu tả những kẻ phiến loạn ấy đồng thời cố gắng kéo Bonaparte đồng tình với mình về tình hình nguy hiểm của ngài Tổng tài.

Tất cả chúng ta đều đã biết các chi tiết trong cuộc chiến tranh kinh hoàng ở miền Vendée và Bretagne, một cuộc phản loạn của miền rừng chống lại thành phố qua đó đã gắn với các tên tuổi như La Roche Jacquelein, nhà Bonchamps, nhà Elbée, nhà Charette và Lescure.

Chúng ta hẳn còn nhớ các chi tiết về cuộc mưu phản của quân Jéhu, tấn công ngay giữa đường cái để rồi Valensolles, Jahiat, Rihier và Sainte-Hermine ngã gục trước mắt chúng ta, đó là chúng tôi còn chưa nói đến các vụ trên phố mà Metge, Veycer và Chevalier đã bị Uỷ ban quân sự kết án và xử bắn.

Tôi cũng đã kể vài dòng về vụ mưu phản Nhà hát do Topino-Lebrun, Demerville, Ceracchi và Aréna cầm đầu.

Sau đó là vụ đặt bom trên phố Saint-Nicaise, cuộc mưu phản do Limoelan, Carbon và Saint-Régeant thực hiện.

Và chúng ta sẽ lại sắp thấy dưới đây mưu đồ phản loạn của Pichegru, Cadoudal và Moreau.

 

Nhất là khi người ta thấy mọi chuyện bắt đầu được củng cố như hiệp ước hoà bình Lunéville với nước Áo, kéo theo hoà ước Amiens với nước Anh, khi người ta thấy François Đệ nhất, người đại diện cho phản ứng chính trị châu Âu, lại được khôi phục dưới con mắt của dân chúng Italie; khi người ta lại thấy vua Georges Đệ tam nước Anh đành chịu để ba bông huệ nước Pháp trên huy hiệu vua Henri Đệ ngũ; khi người ta lại thấy Ferdinand de Naples đóng cửa cảng với nước Anh; khi người ta thấy Bonaparte nghiêm túc đến Tuileries cùng vợ của mình với danh hiệu chỉ còn dưới tước hiệu nữ hoàng và thậm chí còn vượt xa các công chúa, khi Joséphine có bốn tì nữ đi kèm và bốn cận vệ cung điện, khi người ta thấy bà tiếp khách trong các phòng sang trọng gồm đủ những bộ trưởng, ngoại giao đoàn, các quan khách nước ngoài đức cao vọng trọng; khi trước cả bộ trưởng Bộ ngoại giao bà tiếp các đại sứ từ các quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu mà hoà bình kéo họ đến Paris; khi người ta thấy cửa phòng làm việc của ngài Tổng tài mở ra, ông chỉ nhấc mũ trong khi các đại sứ quyền lực nhất đều phải nghiêng mình cúi chào ông; khi người ta thấy buổi lễ kỷ niệm ngày 18 Brumaire trở thành buổi lễ kỷ niệm Hoà bình; khi người ta thấy hai nghị viện đã đặt ngoài can thiệp của Giáo hoàng đại sứ của Chúa, và khi ông đối xử với giáo chủ như với các đại sứ từ các vương triều trên mặt đất khác; khi người ta thấy các nhà thờ lại mở cửa, lại vang bài Te Deum ở nhà thờ Đức Bà; khi người ta thấy Chateaubriand, người trước đây thấy Chúa bị đi đầy khỏi nước Pháp dưới bóng những cánh rừng nguyên sinh châu Mỹ và trong thác Niagara, lại xuất hiện "Thiên tài của Đạo Cơ đốc" ngay chính ở thủ đô này, nơi mà cách đây năm năm, ông thừa nhận và ăn mừng với Robespierre, thực thể tối cao và ra sắc luật thờ cúng vị thần Lý trí; khi người ta thấy Roma chịu thương lượng với phe Cách mạng và đức Giáo hoàng đưa tay ra ký hiệp ước gạt bỏ mình ra khỏi các tỉnh lỵ; cuối cùng, khi người ta thấy kẻ chiến thắng các trận Montebello, Rivoli, các Kim Tự Tháp, Marengo mang lại lợi ích cho hai viện lập pháp, hoà bình trên mặt đất bằng hiệp ước Lunéville, hoà bình trên biển với hiệp ước Amiens, trên không với Concordat (bãi bỏ tất cả các hành vi bài đạo) một đạo luật tuyệt vời, khi người ta thấy nó thì người ta tiếp nhận chế độ Tổng tài như một vương miện! Khi người ta thấy nước Anh không còn gì để hy vọng người ta lại có thể hy vọng rằng nhà độc tài này sẽ khôn ngoan trong tương lại cũng như đã từng vĩ đại trọng quá khứ, sẽ hội đủ những điểm đối lập mà Chúa không bao giờ tụ hội nhưng đức tính ấy trong một con người, sức mạnh của một thiên tài của các thủ lĩnh vĩ đại, sự nhẫn nại làm nên vận mệnh và vinh quang của các nhà sáng lập đếch, khi người ta có thể hy vọng rằng người đàn ông này, sau khi đưa nước Pháp trở nên hùng mạnh, sau khi lấp đầy vinh quang cho nó, sau khi đưa nó thành quốc gia đồng đầu, ông sẽ chuẩn bị cho nó quyền tự do và thái bình, nước Anh sẽ kinh ngạc nhận ra Pháp sẽ là quốc gia chặn mình trong cuộc chạy đua mới với Washington.

Nhưng trước hết đã có ruột cơ hội bất ngờ giúp ngài Tổng tài mang đến sự kinh ngạc và nghi ngại hơn nữa cho châu Âu. Được vua Tây Ban Nha giúp đỡ trong cuộc chiến chống Bồ Đào Nha, ông đã hứa cho hoàng tử Parme làm quốc vương xứ Etrurie.( Xứ Ý)

Hoà ước Lunéville đã thừa nhận lời hứa đó hoàng tử Parme, được chỉ định trị vì miền Toscane, vừa đến biên giới dải Pyrénées và chờ mệnh lệnh của ngài Tổng tài Bonaparte rất muốn cho họ xem nước Pháp, cho họ qua Paris trước khi họ đến Toscane chiếm lại ngai vàng xứ Florence của họ. Tất cả những người phản đối đều cười nhạo tư tưởng của ngài Tổng tài, họ cho rằng ông bây giờ cứ tưởng mình muốn gì được nấy. Thực ra ông rất thích cảnh ấy vừa cổ xưa lại xứng với những ngày vinh quang ở Rome, một ông vua do nền Cộng hoà phong tước. Ông thích chứng tỏ rằng mình không sợ gì hết ngay cả khi có sự xuất hiện nhà Bourbon trên đất Pháp. Phải thừa nhận rằng vinh quang của ông đã đặt ông lên tầm cao trội hẳn so với tất tả các dòng tộc trước đây, ông không chiếm ngai vàng của họ mà chỉ lấy vị trí của họ mà thôi.

 

Đây cũng là cơ hội lớn đầu tiên giúp ông chứng minh Paris đã lành khỏi tất cả những vết thương trong giai đoạn cách mạng, một chế độ Tổng tài cũng cho thấy sự giàu sang mà ít vua chúa nào cùng thời có thể sánh kịp. Chiến tranh làm nước Pháp lụi tàn nhưng nó đã lại vực dậy và giàu có.

 

Bonaparte gọi hai đồng minh đến. Cả ba thảo luận rất lâu về buổi lễ diễn ra trong sự chứng kiến của vua và hoàng hậu Etrurie. Họ đã thoả thuận trước hết họ sẽ giữ bí mật và sẽ đón tiếp ông bà hoàng với tư cách là vợ chồng bá tước Livourne. Với danh hiệu này, họ sẽ được đối xử giống như Sa hoàng Paul nước Nga và Joseph Đệ nhị dưới thời vua Louis XVI. Mệnh lệnh đã được ban ra trên khắp đường phố, đến các chính quyền dân sự và quân sự các tỉnh. Trong khi nước Pháp, tự hào được phong vua và sung sướng hơn nữa vì trong nước mình không ai làm vua, để hai vợ chồng hoàng tộc đi qua và vỗ tay hoan nghênh họ thì cả châu Âu ngỡ ngàng nhìn nước Pháp.

Trong nhà hát kịch Bordeaux, người theo triều đình tận dụng sự có mặt của hai người trẻ tuổi để thử phản ứng công chúng hô to: "Đức vua vạn tuế!" Thì lập tức tiếng la hét ầm ầm từ khắp khán phòng đáp lại "Đả đảo các ông vua!"

Hai hoàng thân trẻ đến Paris vào tháng Sáu, họ sẽ ở lại sáu tuần. Người ta nhận thấy Bonaparte, dù ở cương vị Tổng tài, tức là chỉ một vị quan chấp chính đương thời của nền Cộng hoà nhưng lại đại diện cho cả nước Pháp. Trước một con người đầy uy lực như vậy tất cả những ân sủng dành cho giới Bảo hoàng hầu như không còn nữa. Ngay cả hai vợ chồng hoàng thân trẻ tuổi này cũng chủ động đến thăm ông.

Ông sẽ thăm lại họ vào ngày hôm sau.

Chính nhà hát lớn là nơi ngài Tổng tài giới thiệu khách của mình với công chúng Paris. Nhưng đến ngày ấn định, Bonaparte, hoặc có tính toán hoặc bị mệt thật đã không xuất hiện được. Cambacères thay ông dẫn ông hoàng con đến nới. Bước vào lô dành cho ngài Tổng tài, ông nắm tay Bá tước Livourne và giới thiệu với mọi người trong tiếng nồng nhiệt hoan hô có thể là thật lòng.

Sự vắng mặt của ngài Tổng tài khiến người ta đưa ra không biết cơ man nào là giả thiết và cũng biểu lộ những dự đoán mà bình thường có khi không bao giờ ông được nghe. Những người cùng phe với ông thì cho rằng ông không muốn giới thiệu nhà Bourbon trên đất Pháp, quân triều đình lại khẳng định đó là cách chuẩn bị tư tưởng cho việc khôi phục lại nền quân chủ đã thất thế, số ít quân Cộng hoà còn sót lại sau vụ đẫm máu lại đoán rằng ông muốn nước Pháp quen với sự thiết lập lại nền quân chủ.

Các bộ trưởng ai cũng theo gương ngài Tổng tài, đặc biệt là Talleyrand, người có "gu" quý tộc lớn đến mức muốn lập lại hoàn toàn chế độ cũ mà theo cách nói văn vẻ thì ông là một bản mẫu hoàn hảo. Ông Talleyrand mở một buổi tiệc linh đình tại lâu đài Neuilly để chào đón hoàng tử và tất cả giới thượng lưu Paris đều đổ xô đến. Quả thực, rất nhiều người đã đến nhà vị Bộ trưởng Bộ ngoại giao này chứ không đến điện Tuileries.

 

Một điều ngạc nhiên đang chờ hai ông bà hoàng vốn còn chưa biết thủ đô tương lai của họ là gì. Giữa ánh sáng lung linh, thành phố Florence hiện ra với những nét đặc trưng nhất như bãi biển Vecchio. Tất cả các nhân vật đều mặc quần áo kiểu Italie, nhảy múa, hát ca trên bãi biển ấy, một đoàn thiếu nữ xinh đẹp đại diện cho các cô gái trẻ đến trao hoa cho tân quốc vương và trao vương miện chiến thắng cho ngài Tổng tài.

Nghe nói buổi lễ tốn mất một triệu của ông Talleyrand, nhưng đó là điều mà không ai ngoài ông có thể làm và nó đã nối được chính phủ với những người đồng thuận với chế độ cũ chỉ bằng một buổi dạ hội mà ông đã có dự định từ hai năm, bởi vì có rất nhiều người vẫn luyến tiếc chế độ cũ ấy vì những thứ họ đã mất, họ hy vọng có thể lấy lại trong nền quân chủ mới.

Cuối cùng, hai vợ chồng bá tước Livourne được bá tước Azara, đại sứ Tây Ban Nha, đưa đến La Malmaison Ngài Tổng tài tiếp ông vua con trong ngôi nhà quân cơ của mình, nhưng ông hoàng này chưa thấy buổi lễ nào như thế, chưa từng thấy các dải thêu và cầu vai nào như thế, nên sung sướng lao vào vòng tay của Tổng tài.

Đến đây thì cũng cần phái nói rằng ông hoàng con đáng thương là một kẻ ngốc hay cũng gần như vậy. Tạo hoá ban cho anh ta một trái tim hoàn hảo nhưng lại từ chối ban cho một bộ óc thông minh.

Thực ra thì nền giáo dục các tu sĩ mà anh ta được hưởng bằng cách nâng cao vai trò của con tim, chỉ càng có tác dụng phá huỷ chút loé sáng của trí tuệ mà thôi.

Louis de Parme để dành toàn bộ thời gian anh ta lưu lại Pháp ở lại La Malmaison. Phu nhân Bonaparte dẫn hoàng hậu trẻ đi xem tất cả các phòng và vì ngài Tổng tài chỉ ra khỏi phòng làm việc vào bữa tối nên các sĩ quan tuỳ tùng của ông buộc phải tháp tùng ông vua, vui chơi cùng anh ta.

"Thực ra - Công tước Rovigo, một trong số những tuỳ tùng của ngài Tổng tài cho biết - phải rất kiên nhẫn mới nghe hết những thứ trẻ con nằm trong đầu anh chàng đó. Nhưng vì chúng tôi biết cách nên đã chọn được những đồ chơi thích hợp mà thông thường người ta vẫn đặt vào tay trẻ con. Từ đó, ông ta không chán nữa.

Chúng tôi khó hiểu trước sự vô dụng của ông ta, chúng tôi phát chán khi thấy một chàng trai cao lớn, đẹp đẽ, người mang sứ mệnh điều khiển người khác lại run lên khi thấy một con ngựa và không dám trèo lên cưỡi. Suốt ngày giết thời gian với trò trốn tìm, nhảy lên vai chúng tôi và tất cả những gì ông ta biết là những bài cầu nguyện, đọc lời ban phước trước món canh hay ban ân trước tách cà phê.

Thế mà đó lại là bàn tay sẽ được giao phó vận mệnh cả một dân tộc khi ông ta đi nhậm chức ở quốc gia của mình, ngài Tổng tài đã nói với chúng tôi sau buổi tiệc tiễn đưa: "Rome có thể được yên ổn, người này sẽ không vượt được Rubicon đâu.

Chúa đã ban ơn cho con dân của Người khi gọi ông vua đó về bên mình chỉ sau một năm cai trị.

Nhưng châu Âu lại không thấy sự vô dụng của ông hoàng con đó họ chỉ thấy việc thành lập một vương triều mới mà thôi.

Và cả châu Âu đã tự hỏi sao lại có dân tộc nào kỳ lạ như dân tộc Pháp, họ chặt đầu các ông vua của họ nhưng lại phong vương cho các dân tộc khác.