Hiệp Sĩ Sainte Hermine

Chương 28

Như vậy, khi Bonaparte nhân cuộc tấn công này để buộc tội thủ phạm, những kẻ còn giấu mặt tức là ông muốn quy án cho một trăm ba mươi tên Jacobin, khi ông buộc tội oan cho họ vì lòng căm thù tức là ông đã phải nhớ lại cuộc bạo loạn trước đó do Aréna, Topino-Lebrun, Ceracchi và Demerville cầm đầu. Bốn thủ lĩnh này tuy đã bị bắt giam nhưng vẫn chưa được xét xử thì lại xảy ra vụ mưu sát.

Là người muốn công việc của mình phải thông suốt, ông cần thanh toán kẻ từng phạm tội, bản án trước đó phải được thực thi và những thủ phạm của ngày hôm qua phải được xét xử trong dư luận của vụ bạo loạn tiếp tục sau.

Về phần Fouché, khi ông ta đã chắc chắn có trong tay thủ phạm thật sự, nhờ báo cáo của nhân viên, ông ta vẫn đến xin ý kiến bắt giam và chờ xem Bonaparte có chỉ thị gì hay phải lưu ý gì không. Là người nắm giữ luật bắt bớ, là người đại diện của cuộc cách mạng mới diễn ra trên nước Pháp giữa những lời nguyền rủa mù quáng của dân chúng, ngài Tổng tài chỉ đáp gọn:

- Hãy lôi ra cho tôi tất cả những con mụ đàng điếm, những đứa con gái hư hỏng làm ô uế quanh điện Tuileries.

Quả thật, ông đã nhận ra rằng đám đàn bà và các xó xỉnh nhơ nhớp của chúng có mặt không chỉ trong hầu hết các cuộc bạo loạn mà trong tất cả các vụ án mạng. Chỉ có điều qua vài từ ngắn gọn với Fouché, ngài Tổng tài tỏ ý muốn đề cập đến vấn đề làm đẹp Paris hơn là sự an toàn cá nhân ông.

- Nhưng vì Chúa - Fouché thốt lên và sở dụng câu cửa miệng mỗi lần xin ai làm gì. - Ngài hãy nghĩ đến an toàn bản thân hơn nữa chứ?

Công dân Fouché - Bonaparte cười nói - Có phải thỉnh thoảng ông cũng tin vào Chúa không? Ông làm tôi ngạc nhiên đấy.

- Nếu tôi không tin vào Chúa - Fouché sốt sắng nói - Ngài bảo tôi phải tin vào quỷ chắc? Thế thì được thôi! Nhân danh quỷ dữ, vài ngày tới, tôi hy vọng sẽ gửi linh hồn bọn phiến loạn cho quỷ đói còn ngài, hãy nghĩ đến sự an toàn của mình đi!

Ngài Tổng tài đáp lại bằng giọng vô tư quen thuộc.

- Thế ông nghĩ lấy mạng tôi dễ lắm à? Tôi không có thói quen cố định nào cả, không có giờ giấc vạch trước, mọi hoạt động của tôi đều bất ngờ, tôi đi đâu hay đi về đều rất ngẫu hứng, về ăn uống cũng vậy, không có đồ ăn cố định, khi món này khi lại món khác ở xa ngoài tay với. Không có hệ thống nào hết, tất cả tuỳ vào sở thích của tôi và tôi làm chúng rất ngẫu hứng. Còn bây giờ, hỡi ông bạn thân mến, vì ông là người khôn khéo, vì lần này lại ông là người tìm ra thủ phạm, mười lăm ngày sau dịp chúng bỏ lỡ cơ hội giết tôi, ông hãy chuẩn bị để bảo vệ tôi, đó sẽ là nhiệm vụ của ông.

Vì Fouché không thể tin không có tính toán nào trong việc đó nên Bonaparte nói tiếp:

- Đừng cho rằng vẻ vô tư lự của tôi dựa trên sự cuồng tín mù quáng, càng không phải tôi quá tin vào năng lực cảnh sát các ông. Một âm mưu ám sát sắp được thực hiện, nếu không biết gì về các chi tiết thì cơ may thành công càng ít, không thể đoán mò cách thức thực hiện của chúng được. Vì nó quá mơ hồ cho tính lạc quan tuyệt đối hoá của tôi. Chỉ trong trường hợp khó khăn thật sự tôi mới tìm thấy sự anh minh sáng láng thôi, còn làm sao báo trước một kẻ rình mò nào đấy, một cú đâm trong hành lang Nhà hát lớn, một phát đạn từ cửa sổ nào đó hay một vụ nổ trong góc phố? Cần phải lo tính mọi lúc, mọi nơi, sợ hãi là vô ích? Nghi ngờ tất cả ở khắp nơi là không thể được! Không phải lúc nào tôi cũng cảm thấy nguy hiểm mà chạy cho kịp. Sự nguy hiểm ấy, tôi biết nhưng tôi quên nó đi và khi quên nó tôi tự vượt lên chính mình khỏi phải quay lại nghĩ đến nó nữa. Tôi có quyền có suy nghĩ của mình hoặc ít ra cũng bắt chúng dừng lại theo tình cảm và hành động của tôi; cái gì tôi đã xác định một khi ra khỏi khả năng của mình thì tôi không mảy may quan tâm nữa, tất cả những gì tôi yêu cầu ở ông đó là đừng lấy đi sự bình thản của tôi vì đó là sức mạnh của tôi.

Vì Fouché còn nằn nì yêu cầu ông chấp nhận vài dự phòng, Bonaparte nói:

- Thôi nào, ông hãy về đi, cứ bắt người mà ông cho là thủ phạm ấy, cứ lập cáo trạng, cứ treo cổ, bắn chết hay chặt đầu chúng, không phải vì chúng đã muốn giết tôi mà vì chúng là bọn vụng về, đã không giết được tôi lại còn làm chết mười hai dân thường và khiến sáu mươi người khác bị thương.

Fouché nhận rõ trong tình trạng tâm lý của Bonaparte như vậy hắn có làm gì cũng vô ích nên về nhà và gặp Thợ Nề đang chờ mình.

 

Chàng trai này, bằng sự nhanh nhạy, tự tin đã tìm được thủ phạm gây nổ, đó chính là ba tên Bảo hoàng đến Paris để ám sát ngài Tổng tài. Ba tên này bị cảnh sát tình nghi vì sau vụ nổ chúng bặt tăm. Nếu không sợ chắc chúng đã lộ diện rồi. Thợ Nề biết tên chúng là Limoelan, Saint-Régeant và Carbon.

Với Limoelan và Saint-Régeant, anh ta không tìm được dấu vết nào nhưng anh đã phát hiện trong khu phố Saint-Marcel có bà chị gái của Carbon đang sống cùng hai cô con gái. Thợ Nề hay là Linousin đến thuê một phòng cùng dãy rồi giam mình trong đó rên la cho đến đêm thứ ba ra vẻ kiệt sức, anh ta lết đến cửa nhà họ rung chuông rồi thả mình khuỵu xuống tường. Một trong số các cô con gái chạy ra và bắt gặp Limousin kiệt sức, gần như không nói nổi, cô hét lên:

- Ối mẹ ơi! Là ông hàng xóm đáng thương đã kêu rên suốt cả ngày.

Bà mẹ chạy ra xốc anh ta vào hỏi xem ba mẹ con họ, dù nghèo khổ có, thể giúp gì được cho anh không.

- Tôi chết đói mất - Limousin trả lời - Ba ngày qua tôi không ăn uống gì cả. Tôi cũng không dám xuống phố vì đầy cảnh sát chúng ở đó để rình bắt tôi, tôi chắc như vậy.

Bà chị Carbon cho anh uống một ly rượu vang, cho anh ăn một mẩu bánh mì. Anh ngấu nghiến như thể suốt ba ngày qua chưa ăn gì vậy. Sau đó, bà chị của Carbon sợ cảnh sát có thể ập đến vì họ là chị và cháu gái của Carbon nên hỏi anh đã làm gì.

Thế là Thợ Nề giả vờ nhượng bộ, giả vờ thú nhận mình do Gerges Cadoudal phái đến Paris để liên lạc với Saint-Régeant và Limoelan. Nhưng vừa đến Paris thì hôm sau xảy ra vụ tấn công trên phố Saint-Nicaise, anh không thể dò hỏi được ai về họ. Điều này thật không hay vì anh đang có cách chắc chắn đưa họ sang Anh.

Ba mẹ con ban đầu chưa tin ngay, nhưng họ vẫn cho anh bánh mì, một chai rượu vang và hứa sẽ mua cho anh thực phẩm chừng nào anh còn sống ở đấy nhưng với điều kiện anh phải đưa tiền vì họ cũng rất khó khăn.

Ngày thứ hai, anh khai thác được Carbon chính em trai bà chủ và đã náu tại đây đến tận ngày 7 Nivose.

Bà kể có một cô gái tên là Cicé, là người tâm phúc của Limoelan đến tìm Carbon đã dẫn anh vào một giáo đoàn với tư cách là một linh mục vì anh ta không có giấy phép trở về Pháp.

Anh ta đã trú ngụ một cách an toàn tại nhà chị gái. Người chị này lại rất biết ơn ngài Tổng tài về những gì ông vừa làm cho tôn giáo và ngày nào cũng cầu kinh cho ông sống mãi, bài kinh mà Carbon cũng tham dự.

Ngoài ra, người chị này cũng biết rõ cuộc tấn công bằng thuốc nổ. Bà chỉ cho Limousin mười hai hộp thuốc nổ dùng để nhồi vào thùng. Hộp thuốc cuối vẫn còn khoảng mười bốn livre.

Limousin nhận ra đó là loại thuốc của Anh chất lượng hảo hạng, cái hộp khác đã bị đập nát thành củi nhóm lò. Có hôm Limoelan đã bảo:

- Chị lấy nó đốt à, loại củi đắt tiền đấy!

Người phụ nữ còn chỉ cho Limousin hai chiếc áo khoác của Limoelan và Carbon. Không biết chiếc áo của Saint-Régeant ra sao.

Vấn đề chỉ còn tìm xem Carbon đang ở nhà thờ nào. Chính ba mẹ con họ cũng không biết địa chỉ, nhưng anh chàng Bảo hoàng giả mạo nài nỉ rằng anh phải trốn cùng Carbon nên họ mới hứa sẽ cho anh biết địa chỉ vào ngày hôm sau.

Quả thật như vậy, vì người chị quen biết cô Cicé nên đã chạy đến nhà cô ta hỏi mọi thông tin cần thiết.

Vì buổi lễ cầu cho ngài Tổng tài có rất đông người nên Thợ Nề vào nhà thờ cùng hai thày đội. Tại một góc điện thờ, anh thấy một thầy tu và đó chỉ có thể là Carbon Anh chờ cho nhà thờ vắng vẻ mới lại gần Carbon, bắt giữ anh ta lẹ đến mức anh này không thể chống cự, cũng không nghĩ mình bị lộ.

Sau khi bị bắt, Carbon khai hết, đó là hy vọng duy nhất của anh ta. Hắn cũng khai chỗ ở của Saint-Régeant. Tên này đang ngụ tại một ngôi nhà trên phố Bac. Khi Saint-Régeant bị bắt, biết đồng bọn đã khai, hắn không chống cự nữa mà khai toàn bộ sự thật như sau:

"Tất cả những gì cảnh sát Victor đã nói về việc mua ngựa, thuê xe tại nhà ông bán gạo, mua thùng, siết đai sắt đều là sự thật. Chúng tôi chỉ còn chờ ngày và cuối cùng đã chọn buổi tối ngài Tổng tài đến Nhà hát lớn xem vở La Création.

Chúng tôi biết ông ấy sẽ đi qua phố Saint-Nicaise, một trong những phố hẹp nhất nên đã quyết định đặt thuốc nổ ở đó. Chắc chắn tám giờ mười lăm xe của ông ấy sẽ đi qua do đó tám giờ tôi đã đẩy xe đến nơi, Carbon và Limoelan đứng canh ở hai cổng của điện Louvre để ra hiệu. Năm phút sau vẫn chưa thấy tín hiệu nào, tôi rời khỏi cái xe, thuê một cô bé nông dân giữ ngựa và đưa cho cô bé hai mươi tư xu, sau đó tôi đi ngược con phố lại gần điện Tuileries.

Đột nhiên tôi nghe giọng của Limoelan la lên "Hắn kia!" đồng thời có tiếng đoàn người ngựa đang lao đến. Tôi chạy lại xe vừa tự nhủ: "Lạy Chúa, nếu Bonaparte cần thiết cho sự bình yên của nước Pháp, người hãy chuyển vụ nổ sang đầu con" rồi tôi kêu lên với cô bé: "Chạy đi, chạy đi trốn ngay!". Tôi châm ngòi nối với thùng thuốc.

 

Đoàn người và ngựa đã đến chỗ tôi. Con ngựa của một người lính hất tôi ngã văng vào một ngôi nhà, tôi bật dậy và chạy về phía điện Louvre nhưng chỉ được vài bước. Điều cuối cùng tôi còn nhớ được là khi quay lại, tôi thấy sợi dây cháy sáng lẹt xẹt và bóng cô bé đứng cạnh cái xe, còn lại tôi không nhìn, không nghe, không cảm thấy gì hết.

Không hiểu tại sao tôi được chở đến cổng Louvre. Tôi bị mê man bao lâu? Tôi không biết, làn gió mát khiến tôi tỉnh dần, bấy giờ tôi nhận ra hết, nhớ lại tất cả nhưng có hai điều khiến tôi rất ngạc nhiên: thứ nhất là tôi vẫn còn sống và thứ hai, còn sống mà vẫn không bị bắt. Máu trào ra từ mũi và miệng, chắc người ta tưởng tôi cũng bị thương như các nạn nhân khác, như những người qua đường vô tội chứ không phải tác giả vụ nổ khủng khiếp ấy. Tôi vội vã chạy ra cầu, ném cái túi đựng áo xuống sông. Tôi không biết đi về đâu bởi lẽ tôi cứ nghĩ mình sẽ tan tác thành trăm mảnh nên thậm chí không tính đến chuyện kiếm chỗ ở trong trường hợp sống sót. Tôi gặp Limoelan ở nhà (chúng tôi trọ cùng nhau). Vừa thấy tôi tơi tả anh ấy đã vội đi tìm cha xứ và một bác sĩ. Vì cha cố là chủ của anh ấy, ông Picot de Closrivière còn vị bác sĩ còn trẻ là bạn của anh ấy. Chúng tôi biết kế hoạch đã thất bại.

"Tôi đã không muốn dùng dây dẫn mà - Limoelan nói - Giá như anh nhường chỗ ấy cho tôi như tôi yêu cầu thì tôi đã dùng củi đốt nó. Tôi biết mình sẽ tan tành xác pháo, nhưng tôi sẽ giết được Bonaparte”.

°°°

Trên đây là tất cả lời khai của Saint-Régeant và thật ra đó cũng là tất cả những điều người ta cần biết.

Hổ thẹn về sự thất bại của mình bởi lẽ điều kiện dành cho một kẻ mưu sát chính trị là được ăn cả ngã về không nên Limoelan không chỉ không quay về với Georges mà còn không đặt chân về Anh nữa. Kẻ sùng đạo cũng giống như người tự trọng, kẻ sùng đạo thì chỉ thấy ý Chúa trong mỗi hành động của mình còn kẻ tự trọng lại không muốn bị người khác chỉ trích, chính vì vậy mà anh ta lên tàu bỏ đi đảo Saint-Malo.

Người ta chỉ thông báo qua quýt là anh ta đã ra nước ngoài và rút khỏi thế giới, người cùng phe cũng không biết anh ta ra sao.

Nhưng Fouché lại không rời mắt khỏi người này và từ lâu ông ta vẫn chú ý đến một tu viện ở xa. Anh ta chỉ liên lạc với cô em gái, trên mỗi lá thư, vì sợ sẽ rơi vào tay quân Anh nên Limoelan để lại đôi dòng mà Desmarets, cảnh sát trưởng, đọc được như sau:

"Ôi những người Anh. Xin hãy để lá thư này qua… nó là của một người đàn ông phải chịu nhiều cơ cực vì chính mục đích của các vị".

 

Còn hai quân triều đình khác có dính dáng đến vụ này nhưng không được nhắc đến trong lời khai. Họ là Joyaut và Lahaye Saint-Hilaire. Họ đã trốn như Limoelan khi chính phủ có động thái nhằm vào quân Jacobin và đi thông báo cho Georges Cadoudal ở bên nước Anh rằng một âm mưu nữa lại vừa thất bại.

Saint-Régeant và Carbon bị kết án tử hình. Mặc dù đã thành khẩn khai báo và giúp cảnh sát bắt tòng phạm nhưng Carbon cũng không được hưởng khoan hồng. Khi người ta trình cáo trạng lên Bonaparte, ông tỏ ra đã hoàn toàn quên chuyện ấy và chỉ nói gọn:

- Vì bản án đã đưa ra rồi thì cứ thực hiện thôi, điều ấy liên quan gì đến tôi.

Ngày 21 tháng Tư, Carbon và Saint-Régeant bị đưa lên máy chém, nơi vẫn chưa khô máu của Aréna và ba tòng phạm của hắn.

Chúng tôi đã gắng công vô ích khi tìm một vài chi tiết về cái chết của hai người này nhưng có lẽ chính phủ muốn rằng không cần phải bận tâm đến cái chết của hai kẻ bất hạnh ấy. Bình luận về cái chết ấy, trên tờ Le Moniteur chỉ đăng một dòng. Ngày ấy giờ ấy Carbon và Saint-Régeant đã bị hành quyết.

Ngày hôm sau vụ xử án, Thợ Nề đi London với nhiệm vụ bí mật.