Hành trình của sói

Chương 1 -2

Đất nước giải phóng đã được 25 năm. Một khoảng thời gian không dài, thậm chí chỉ là một chấm nhỏ trong tiến trình lịch sử nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt, nhưng với một đời người là một khoảng thời gian dài, chiếm đến một phần tư cuộc đời.

Sau những hồ hởi của chiến thắng 30.4 giành được độc lập tự do cho Tổ quốc, đất nước bắt đầu bước vào muôn vàn khó khăn về kinh tế, đời sống xã hội, với sự bao vây cấm vận, chống phá của các thế lực thù địch trong ngoài nước. Cuộc sống nhân dân ngày càng sa sút bởi những chính sách kinh tế mang tính tập trung quan liêu bao cấp, ngày càng lộ rõ sự bất cập của nó trong quản lý. Một ước mơ cháy bỏng của các nhà lãnh đạo lúc đó là làm sao cho người dân có đủ ngày hai bữa cơm ăn no mà cũng không được, cơm phải độn bo bo, khoai mì, bắp… bưng bát cơm mà rưng rưng lệ. Phải ngửa tay xin viện trợ của các bè bạn năm châu, nuốt vào lòng bao nỗi ê chề là nỗi khổ nhục của những nhà lãnh đạo đất nước. Đã thế chiến tranh biên giới Tây Nam lại bùng nổ với sự khiêu khích sâm lấn của quân Khmer đỏ, những kẻ mà một thời từng là đồng chí. Những kẻ ùa vào chiếm thủ đô Phnom Pênh nhờ chiến thắng 30.4 của Việt Nam thì nay lại quay sang phản bội lại những đồng chí của mình, chưa kể tiếng súng biên giới phía Bắc rền vang cùng với lời nói của phía bên kia, dạy cho Việt Nam một bài học. Máu lại đổ, nước mắt lại tuôn, giấc mơ hòa bình bỗng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Bằng tất cả trái tim và khối óc, những nhà lãnh đạo đất nước đã tìm mọi cách để chèo chống con thuyền dân tộc vượt qua cơn bão táp cực kỳ nguy hiểm ấy, chính là dựa vào sức mạnh của lòng dân muôn người như một. Dân tộc Việt Nam vốn là vậy, mỗi khi đất nước lâm nguy thì tinh thần đoàn kết dân tộc bao giờ cũng gắn kết muôn người như một, tạo nên sức mạnh kỳ diệu, bên bỉ vượt qua biết bao sóng gió gian nan. Lịch sử cha ông ngàn năm cho đến lịch sử hiện đại đã chứng minh điều đó.

Bước sang thời kỳ đổi mới, con thuyền đất nước một lần nữa lại chông chênh trước những cơn bão táp cuồn cuộn khi khối Đông Âu cùng quan điểm tư tưởng, bỗng chốc tan rã nhanh chóng như bọt bèo sau cơn mưa. Sự phá hoại của kẻ thù bên ngoài hay sức mạnh của nội tại có vấn đề, sẽ còn nhiều bài học cần nghiên cứu đúc kết, để rút ra kinh nghiệm từ ấy. Lòng tin bị lung lay xói mòn, những kẻ hèn nhát phản bội vốn ẩn sâu đâu đó nay bỗng lòi ra bộ mặt hèn nhát, phản bội và nhảy cẩng lên như lũ rồ để ra rả đòi quyền tự do dân chủ. Hơn lúc nào hết, mọi người đều hiểu rằng, sự toàn vẹn của đất nước với một khối đoàn kết muôn người như một và cuộc sống ấm nó hạnh phúc cho người dân luôn là điều cần thiết nhất. Một câu khẩu hiệu mà có một thời gian dài có thể bị đánh giá là về quan điểm, hiểu sai về tư tưởng nay bỗng chốc trở thành điểm đúng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Chỉ cần chính sách, cơ chế vận hành đúng theo quy luật và biết phát huy sức mạnh tiềm tàng ở dân thì nước sẽ đi lên. Nói và viết điều đó xem chừng rất đơn giản nhưng đó là cả một sự chuyển mình lớn dậy trải qua biết bao vật vả đau thương, thậm chí phải trả giá rất đắt, nhưng ít nhất, đến nay nước Việt Nam chưa bị chia năm xẻ bảy đổ máu vì đánh nhau triền miên để thành những quốc gia nho nhỏ như nước Nam Tư cũ, không đến nỗi mỗi sáng mai thức giấc lại thấy một chính phủ mới ra đời với những lời tuyên bố đầy mị dân như nước Đông Âu nào đó và cũng chưa đến nỗi nay đang là bạn bè thì mai sẽ bị tố cáo đấy là cộng tác viên của cơ quan an ninh, trong những chiến dịch tuyên truyền bẩn thỉu nhằm hạ uy tín nhau trước một mùa bầu cử. Nghiệt ngã chăng khi biết rằng chính trị luôn là trò lừa đảo với những thủ đoạn hèn hạ lưu manh nhưng lại luôn được che đậy dưới những mỹ từ cao cả tốt đẹp lừa người cả tin ngây thơ.

Dân trong nghề thể thao vẫn thường nói đùa, dân giàu nước mạnh thì thể thao mới phát triển. Phải, sự thật vốn là vậy. Một thời gian dài thể thao vốn được coi là một trò xa xỉ, ăn chưa đủ no lấy gì mà đá bóng với đã banh, đấy là một lời phát biểu của một vị lãnh đạo, ông nói chẳng sai bởi thực tế đất nước thời điểm ấy là vậy chứ chẳng phải ông ghét bỏ gì ngành thể thao. Bước vào thời điểm đối mới năm 1986, đất nước thay da đổi thịt từng ngày, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Từ một nước phải đi vay, đi xin thì nay đất nước đã xuất khẩu được gạo và có thể gọi là một trong những cường quốc xuất khẩu gạo. Cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, nhu cầu hưởng thụ của người dân được nâng cao thì dĩ nhiên thể thao cũng phát triển, đó là quy luật, nhất là môn thể thao vua bóng đá, môn thể thao của con tim. Một trái bóng tròn lăn trên sân cỏ làm thổn thức hàng triệu, hàng triệu con người, không phân biệt màu da, chính kiến hay tuổi tác, tất cả quy vào một niềm say mê, bóng đá. Lâu nay bóng đá Việt Nam chỉ tồn tại quanh quẩn trong mấy đội bóng giữa quân đội các nước XHCN cũ với nhau, tất cả chỉ có vậy. Sau năm 1986, cũng chẳng còn đội nào như vậy để mà đá và bóng đá Việt Nam bắt đầu vươn mình ra khu vực mà trước hết là trong khối các nước Đông Nam Á, vươn mình một cách yếu ớt run rẩy như đứa trẻ sơ sinh thiếu sữa, thôi thì cũng phải chờ vài thế hệ nữa ăn đủ bơ sữa thì xem ra mới đủ chiều cao và sức lực để chạy trên sân cỏ trành giành trái bóng với thiên hạ. Nhưng dù sao bóng đá nước nhà cũng đã phát triển với đối bóng ngành này công ty kia, câu lạc bộ A, B hay C gì đó. Cũng tốt rồi.

Anh cũng là một tín đồ trung thành của môn túc cầu giáo này. Và… o… rồ… i, s… ú… t… ồ…. ồ… những tiếng gào thét. Mỗi lần đến mùa World Cup, bao giờ vợ anh cũng rên rỉ nhức đầu, nhường buồng riêng cùng cái ti vi của vợ chồng cho hai cha con còn hai mẹ con sang phòng khác ngủ. Mì gói là món thưởng thức thường xuyên của hai cha con mỗi khi thức khuya xem bóng đá và vì xót ruột nên thể nào nửa khuya vợ anh cũng phải lọ mọ dậy đi đun nước làm đồ ăn hoặc nấu cháo cho hai người, mặc cho anh không đồng ý. Rồi thỉnh thoảng vợ anh cũng nhắc khéo về việc giữ gìn sức khỏe cho thằng con trai đi học, anh đi làm. Anh cũng biết, nhưng quả thật không thể nào cưỡng lại nhịp tim đập rần rật trong lòng ngực vì trái bóng, và nếu phải đi ngủ thì cũng ấm ức ngủ không yên, con trai anh cũng vậy.

Xo… ả… ng. Rầm.

Tiếp theo là những tiếng chửi thề lẫn la hét ầm ĩ của bà tư. Bóng đá nè, cá độ nè… đó, xem nhà còn cái gì đập nốt đi, bán nốt đi. Rầm… rầm… xem chừng hai vợ chồng già lại sắp đánh nhau đến nơi, anh lắc đầu ngao ngán. Vợ làm nghề buôn bán vặt, chồng làm nghề đẩy xe ba gác và một bầy con đông đúc. Thường thì nhà này cũng đầm ấm, sáng nào Tư “xe thồ” cũng để vợ trên chiếc ba gác cùng mớ hàng, chạy ra chợ trước khi đi rước khách. Chiều nào khi tan chợ về bà cũng có mua thêm xị rượu gọi là thưởng công chồng. Hạnh phúc vậy nên lũ con sòn sòn ra đời như bầy heo con, cũng may sau này nhờ phường động viên vợ đi triệt sản nên mới ngăn bớt đà sinh đẻ vô tội vạ của họ. Nghèo, đương nhiên nghèo là cái chắc, tuy nhiên cũng chưa đến nỗi bần cùng lê lết, sống tạm được, nhất là sau này mấy đứa con lớn bắt đầu ra đời kiếm việc làm thêm phụ cha mẹ. Trong các thú vui bậy bạ của đàn ông đáng để xã hội lên án như trai gái – rượu chè – cờ bạc… thì Tư “xe thồ” dính vô khoản cờ bạc. Cũng chẳng xì phé ngồi sòng gì, biết thân biết phận mình nghèo có tiền bao nhiêu mà ngồi sòng, ghé đít cũng chẳng dám, đến cái món tổ tôm con nít chơi vào dịp tết Tư “xe thồ” cũng từ, tuy nhiên lại rất khoái cá độ bóng đá. Hồi đầu chỉ là độ dăm ba chai bia loại “lên cơn” Thủ Đức rẻ hều, gọi là kiếm cớ cá độ để nhậu cho vui. Lần hồi “lên chân”, hôm nào kiếm tiền kha khá chút đỉnh thì nâng tiền cá độ lên chút chút, cũng gọi cho có miếng mồi bắt mắt để nhậu có chất lượng. Chuyện vui vẻ ai cũng cho là bình thường. Sau cái lần ham chở hàng cho khách, đẩy xe lên cầu đuối sức bị gục ngất ở chân cầu Khánh Hội, nằm bệnh viện cả tháng trời, lất vất tưởng chết, sức khỏe của ông Tư “xe thồ” từ đó xuống hẳn, chạy vài vòng xe là hoa mắt, thở dốc ngay, vì vậy vợ và mấy thằng con trai lớn ngăn không cho đi đạp xe thồ nữa, dù sao cũng gần sáu mươi rồi, sợ có gì vợ con hối hận không kịp, vả lại bây giờ Tư “xe thồ” cũng lên chức ông rồi, thôi thì ở nhà trông cháu, phụ việc nhà giúp con dâu bán vặt đầu hẻm. Thế là ông Tư “xe thồ” đành suốt ngày quanh quẩn trong nhà, cuồng chân cuồng tay rất buồn nên hay ra quán cà phê của bà Tư “ú” đầu hèm ngồi xem ti vi ké. Nhà cũng có ti vi, tội cái nó không lớn inches bằng cái ti vi mà ngoài quán, nhưng quan trọng hơn là ngoài đó có “không khí”, cái thứ không khí hò hét cuồng nhiệt trong bóng đá đã lắm, có khác nào “rượu ngon phải có bạn hiền mới ngon”. Mà quán bà Tư “ú” là một trong những tụ điểm chuyên cho dân chơi cá độ bóng đá. Ai cá với ai mặc, cá bao nhiêu cũng mặc, thắng thua bao nhiêu cũng mặc, nhưng một khi cá độ ở quán bà Tư “ú” thì người thắng sau đó cho bà ta phần trăm tiền gọi là trà thuốc xem ti vi tại quán, số tiền phần trăm cũng dao động lên xuống bất thường, đa phần là phụ thuộc vào lòng “hảo tâm” của kẻ thắng và tiền cá độ thắng đậm được là bao nhiêu, nhưng lâu nay đã thành luật bất thành văn, phải chia cho chủ quán chút ít. Chuyện rồi cũng đến tai công an phường, khu phố đã từng nhắc nhở, phường đã mời Tư “ú” lên răn đe, nhắc nhở. Bà ta vâng dạ ngoan ngoãn ngọt xớt. Rồi chứng nào tật nấy, dăm hôm là Tư “ú” lại lén cho mọi người xem ti vi cá độ, lòng tham lam mờ con mắt mụ rồi. Đôi lúc còn xảy ra vài trận ẩu đả tại quán mụ Tư “ú” vì thắng thua chung chi không đều. Phường đã xác nhận quán cà phê này là tụ điểm tệ nạn cần giải quyết dứt điểm và trong kỳ họp HĐND (Hội Đồng Nhân Dân) phường vừa rồi, ý kiến chất vấn phê phán UBND (Ủy Ban Nhân Dân) và công an phường rất gay gắt vì thiếu cương quyết trong xử lý. Trong thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban, Đảng ủy và công an phường đã họp thống nhất, nếu công an bắt quả tang mụ Tư “ú” còn cho tổ chức cá độ lần nữa, tang chứng đầy đủ thì báo lên công an quận xử lý theo luật hình sự, còn nhẹ thì nhân đó dẹp luôn cái quán này. Đấy là thông tin hôm rồi của Trưởng công an phường nhân dịp ghé qua nhà chào anh và tiện thể báo cáo luôn.

Cũng chẳng biết nên coi công Tư “xe thồ” là một “nạn nhân” hay là kẻ tích cực tham gia ba cái trò cá độ hư đốn này ở quán mụ Tư “ú”. Khi xưa chạy xe còn có đồng ra đồng vô, nay ngồi bó gối ở nhà, vợ cũng cho tiền xài, chỉ là dăm ba đồng bạc cắc lẽ gọi là có, thành thử nhiều lúc cũng túng. Hồi đầu thậm chí Tư “xe thồ” thậm chí còn tham gia ghi mấy phơi đề cho đường dây đánh đề, sau này anh biết nhắc nhở và đe khéo, ông Tư “xe thồ” rất nể anh, phần nữa vì vợ con cũng nhắc, đấy là phạm pháp, nên ông ta bỏ. Còn chuyện cá độ đá banh thì ông Tư lý luận, tiền của tui, tui bỏ ra gọi là kiếm thêm xị đế nhậu chơi, có gì mà phạm pháp. Năm bảy ngàn cá qua cá lại giữa mấy thằng bạn nhậu, kiếm mồi chứ có gì đâu. Có lẽ cũng chỉ đến thế thôi, nhà nghèo, tiền đâu gọi là cá độ lớn, gọi là chân chạy lăng xăng ké nhóm này một chút, phụ nhóm kia một chút, thêm màu mè hò hét khan, khen cầu thủ này của đội AC Milan một chút, cầu thủ kia của đội Liverpool vồ địch giải Champions League, hay Hồng Sơn đội quân đội, Lê Huỳnh Đức đội công an, chân ai ngon hơn… để kẻ thắng thương dúi cho ít đồng mà mụ Tư “ú” lại không lấy tiền trà nước… cũng là một thú vui của kẻ rảnh việc, chẳng ai trách. Tuy nhiên không phải không có lúc hứng chí, máu ăn thua nổi lên, vậy là vét sạch, bao nhiêu tiền gom góp có trong túi, ông Tư “xe thồ” cũng cá chơi một trận cho đã, thắng thì rất hể hả, nhậu tưng bừng, mua quà cho cháu ngoại thoải mái, nhưng mà thua… lại ầm ĩ nhà cửa. Nhìn vợ chồng già cấu xé nhau, mấy đứa con phát chán không thèm can, chúng bế con vợ chồng dắt nhau bỏ đi chơi mặc cho hai người chửi nhau chán chê đến khuya chúng mới mò về.

- Có chuyện gì vậy anh Tư…

Nghe anh hỏi vọng qua, ông Tư “xe thồ” như được thể, từ trong nhà đi ra, mặt đỏ gay, vung chân múa tay.

- Tôi nói xem chú có thấy tức không chứ, lượt về muốn trụ hạng… thì…. – Ông Tư “xe thồ” rên rỉ, kể lại trận bóng vừa rồi với những quả “về ngược” của một đội bóng làm người hâm mộ tức ói máu, không ai bảo ai đều khẳng định là có bán độ, móc ngoặc bên trong giữa hai đội này nhằm dìu nhau trụ hạng trong đợt giải vô địch quốc gia năm nay là cái chắc.

Anh thở dài, mấy hôm nay kẹt dự hội nghị ngoài Hà Nội nên anh không được xem giải vô địch quốc gia, bữa đực bữa cái, nhưng thông tin loáng thoáng về việc mua bán độ trong giải thì anh biết. Mà cũng chẳng lấy gì gọi là bí mật cả, dỡ bất kỳ trang thể thao nào của các báo cũng thấy đầy những lời phân tích, mổ xẻ, phê phán bóng đá. Chưa kể còn là lời bình luận trên ti vi, thái độ phẫn khích của người hâm mộ trên sân, họ đang bị lừa.

- Thôi, chú đừng có nghe thằng cha này nói nữa – Vợ ông Tư “xe thồ” lạch bạch chạy từ trong nhà đi ra, nói chen vào – Hơi đâu mà chú nghe thằng chả nói. Già rồi mà còn ham hú cá độ, để thua rồi về nhà kiếm chuyện với vợ con…

- Bà… - Ông Tư “xe thồ” quay lại vặc vợ.

- Thôi… thôi… tôi xin anh chị - Anh xua tay – Lớn tuổi rồi, cháu nội cháu ngoại tùm lum, đừng làm quá hàng xóm chê cười, con cháu xấu mặt…

Bao giờ can ngăn hai vợ chồng già anh đều bắt đầu bằng câu nói đó. Và bao giờ họ cũng vâng dạ ngon ơ, để dăm hôm lại có chuyện, thật ra sau này, hôm nào thấy lớn chuyện quá anh mới ra mặt can ngăn còn không kệ, để coi như họ xả stress vậy.

Nhìn hai vợ chồng già hầm hừ quay vô căn nhà lá thấp lè tè, bé xíu, còn may là đất rộng nên cơi thêm mấy gian bên cạnh cho mấy đứa con ở sau khi lập gia đình. Nghèo vẫn hoàn nghèo, anh thở dài.

Hừm, nói thế nhưng với tư cách một fan hâm mộ bóng đá, nghĩ nhiều lúc anh cũng tức thật. Đá như thế thì làm sao mà dư luận không đặt vấn đề có tiêu cực xảy ra sờ sờ trước mặt mọi người. Chuyện ông Tư “xe thồ” cá thua độ bóng đá là chuyện nhỏ, còn chuyện tiêu cực trong thể thao ngày càng trắng trợn như thế này thì không thể chấp nhận được. Liên đoàn bóng đá quốc gia kể cũng lạ, gần như nhiệm kỳ nào cũng bị dư luận đặt vấn đề về năng lực quản lý trong cung cách điều hành cũng như người ta nhận thấy rõ sự bất lực của Liên đoàn bóng đá và, mặc cho dư luận la ó, uy tín xuống thấp thảm hại nhưng Liên đoàn vẫn bình chân như vại. Vào mỗi màu giải, cũng lập ban này bệ kia, lên báo đài trả lời về quyết tâm chống tiêu cực trong bóng đá, chơi đẹp trong thể thao… Đâu vẫn hoàn đấy. Là một cán bộ công an phụ trách mảng công việc liên quan đến thể thao, không phải anh không nhận được nhiều báo cáo về vấn đề tiêu cực trong thể thao. Với trách nhiệm công việc được giao, anh cũng chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ tiến hành làm rõ một số vù việc, kết hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác hoàn thành hồ sơ chuyển qua tòa xét xử. Cũng đã xử được mấy vụ, đưa mấy tên trùm cá độ và một số cầu thủ bị biến chất ra tòa xét xử, thế nhưng xem ra không ăn thua, vấn đề tiêu cực trong thể thao, đặc biệt là trong bóng đá dường như ngấm sâu trở thành vấn nạn có chiều hướng phát triển như không thể giải quyết được. Không lẽ chúng ta bất lực, trong vài cuộc họp gần đây, đã có vị lãnh đạo đặt vấn đề hỏi như vậy với ngành công an. Theo anh, chúng ta không bất lực, nhưng muốn làm trong sạch trong thể thao, đặc biệt là trong bóng đá, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng thể của bộ máy nhà nước cùng với lòng quyết tâm cao của nhiều đơn vị trong ngoài lực lượng công an, nhiều ngành, nhiều cấp cùng tham gia chống tiêu cực và đặc biệt ngay trong các đội bóng đến từng cầu thủ cần đề cao việc giáo dục phẩm chất đạo đức thì mới có thể làm được.