Hành trình của sói

Chương 1 -1

Lời dẫn truyện

Một chuyên án đấu tranh dù thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hay các lĩnh vực khác bao giờ cũng hình thành dựa trên những dự kiện khách quan lẫn chủ quan theo những quy định chung để các cơ quan bảo vệ luật pháp xác định, như vậy đã đủ yếu tố thành lập một ban chuyên án. Về nguyên tắc thì chuyên án đó phải có đặc điểm và diễn tiến theo những quy trình nhất định, có đối tượng chính, đối tượng phụ trong chuyên án, mục đích đấu tranh của chuyên án và khả năng kết thúc án sẽ đạt được những mục tiêu gì... Tuy nhiên cần hiểu, dù là mục đích, ý nghĩa và hướng đến giải pháp như thế nào, đều phải tuân theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Thượng tôn pháp luật tức hành lang pháp lý làm một chuyên án phải rõ ràng, cụ thể, chi tiết và luôn hướng tới các quyền bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi công dân mà các cơ quan bảo vệ pháp luật không được vi phạm. Chuyên án “cá độ 99” được thành lập cũng theo tiêu chí ấy.

CHƯƠNG 1

1

Sân bay trung tâm thành phố Garden Grove bang California tấp nập người qua lại. Người, đủ loại người, đủ quốc tịch màu sắc tất bật đi đến nhìn hoa cả mắt. Người đông nghìn nghịt trong các phòng chờ quốc tế lẫn nội địa. Lâu lâu chiếc loa phóng thanh lại vất vả lên tiếng báo cho hành khách biết chuyến bay của mình. Mỗi gương mặt đều mang một tâm trạng khác nhau, buồn vui khó nói. Tuy thế tựu chung vẫn là sự bồn chồn hiện rõ trên gương mặt ánh mắt của từng người đi, đến và tiễn. Ngoài kia, khuất sau những khu nhà chọc trời thì cứ dăm phút thì lại nhô ra những cánh máy bay lên hạ xuống, cũng đủ màu sắc, biểu tượng của nhiều quốc gia.

Ra đến sân bay, ông trùm phát hiện passport bỏ quên ở nhà thằng con rể. Tất nhiên sẽ không bao giờ có chuyện bị bỏ rơi ở lại nước Mỹ vì chỉ cần trình bày với nhân viên của hãng hàng không đã đăng ký, sẽ được thu xếp trên một chuyện bay kế tiếp ngay, nhưng điều đó đã làm ông trùm bực mình vì trễ giờ hẹn với bên nhà. Lão phải về gấp vì có một số chuyện cần giải quyết. Liếc nhìn đồng hồ, ước lượng thời gian, thằng con rể nói: “Thôi, ba chịu khó ngồi chờ một chút. May mà mình ra sớm, con chạy về chắc kịp”.

Giữ bí mật chuyến về để khỏi mất công bạn bè chiến hữu tiễn đưa, nên từ hôm qua ông trùm dsadx chào hết mọi người. Trước đó lão còn tổ chức một bữa cơm thân mật tại nhà con rể để gặp gỡ chiến hữu, thống nhất lần chót về việc cần làm bên này và việc về Việt Nam ông trùm sẽ cho triển khai ngay. Người bạn già vốn là một nữ ca sĩ nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975, tối qua đã thân tình nói với lão: “Ông Năm à, tuổi tác đang xồng xộc đến đấy. Tôi nghĩ đã đến lúc ông giao việc lại cho bọn trẻ làm, nên nghỉ ngơi hưởng phúc là vừa. Qua bên này với anh em bạn bè”. “Qua bằng cách nào?”,ông trùm hỏi đùa. Người bạn thật tình: “Với tiền của ông thì muốn gì chẳng được. Còn nếu muốn tôi sẽ bảo lãnh ông trùm qua đây”. “Bà sao?”, nhìn cái nhướng mắt của ông trùm, người bạn cười, “chúng ta sẽ là vợ chồng”. Một ý kiến ngộ nghĩnh nhưng thực tế, mọi nguời ngồi xung quanh bàn tiệc vỗ tay cười, ông trùm cũng cười và gật gù.

Gần sáng ông trùm mới ngủ được, lão thao thức mãi. Cũng chẳng có gì bịn rịn cả, đã mấy lần đến Mỹ, nên chuyện đi về đâu có gì là lạ với lão nữa. Tuy nhiên, lần này không hiểu sao những lời nói của người bạn làm cho ông suy nghĩ. Đã đến lúc rút lui chưa nhỉ, lão trằn trọc mãi với ý nghĩ ấy. Kể ra với số của cải kiếm được sau bao nhiêu năm nay, dư sức sống đến đời con cháu. Thế nhưng lão vẫn còn rất nhiều dự định và toan tính mà lão chưa thực hiện được.

Chưa kể việc tạo dựng thanh thế cho mấy đứa con trai, con rể kế vị trên chốn giang hồ nên ông trùm cảm thấy chưa yên tâm. Chúng nó còn “non” lắm, ngựa non háu đá, làm nhiều chuyện vẫn chưa tính toán suy nghĩ kỹ. Ông trùm lo rằng nếu mình rút lui thì đế chế bao nhiêu năm nay mình gầy dựng sẽ sụp đổ mau chóng. Thứ nhất, uy tín chốn giang hồ của chúng chưa cao nên khó thu phục được các băng nhóm giang hồ. Thứ hai, đến nay các mối quan hệ với bạn bè của lão, nhất là các cơ quan nhà nước, luật pháp và công an, chúng vẫn chưa gầy dựng đủ độ uy tín. Thứ ba, tầm nhìn xa trông rộng tính toán của chúng vẫn chưa sâu, chưa bao quát nên việc điều khiển băng nhóm hoạt động sẽ khó khăn. Ông trùm tự nhủ, thật ra cũng đến lúc phải rút lui thôi, nhưng sẽ rút lui từ từ và giữ vị trí cố vấn cho con cháu. Ngay sau chuyến về này, lão thầm suy tính, cần phải bắt tay vào việc này là vừa. Thật ra sau lần đi học tập cải tạo về, sau mấy năm gầy tạo thanh thế băng nhóm thì ông trùm đã nghĩ đến chuyện trao dần cơ nghiệp băng nhóm trong nước cho thằng con út và thằng con rể quản lý, còn lão sẽ tìm cách vươn tầm ra quốc tế. Đến nay chưa thể xoa tay thỏa mãn tất cả, nhưng chí ít, cơ nghiệp băng nhóm của ông trùm nhìn vượng lắm. Đang trên đà đi lên thấy rõ.

Lần này qua Mỹ, việc quan trọng nhất là ông trùm tìm trường học cho thằng cháu ngoại đầu tiên của mình. Một thằng bé thông minh sáng dạ được ông trùm hết mực yêu quý, kỳ vọng vào nó. Không nói ra nhưng thâm tâm ông trùm vẫn tự nhủ, cả nhà đều là dân xã hội đen, đâm chém trong giới giang hồ, đa phần là thất học và mang nhiều ân oán, vì thế cũng cần phải đào tạo một đứa ăn học đàng hoàng. Đấy cũng là ý nghĩ của bà trùm nên hai vợ chồng quyết định đưa đứa cháu ngoại đầu qua Mỹ học, mặc dù cha mẹ nó còn do dự. Với nó, qua Mỹ có nhiều thuận lơi, về chi phí học hành thì khỏi lo, ông trùm bao tất, chưa kể vợ chồng một đứa con gái ông trùm cũng ở bên ấy lo nuôi ăn học. Ngoài ra, ông trùm đã bí mật chuyển một số tiền lớn qua Mỹ để mua một căn nhà, gọi là phòng xa và cũng có chỗ đi về dù nhà của vợ chồng đứa con bên này cũng rất rộng rãi.

Hôm trước, bà bạn già ca sĩ khi nghe ông trùm tâm sự chuyện gia đình, cười và giậm giậm chân lên chỗ đang ngồi nói.

- Ông Năm biết không, hơn ba mươi năm trước nơi này là một mãnh đất hoang bỏ trống, chính những người Việt di tản đầu tiên đã đến đây tạo dựng nên một khu thị tứ sầm uất mà sau này Hội đồng thành Westminster vào năm 1988 chính thức đặt tên là Little Sài Gòn, tức “Sài Gòn nhỏ” bây giờ. Người Việt ở đây chiếm khoảng 15% trên tổng số dân tại đây nhưng lại đóng góp nhiều nhất cho kinh tế địa phương. Nhiều người Việt đến đây, cữ ngỡ là đang ở Việt Nam.

Ông trùm gật đầu, đấy là lý do phải bàn với thằng con rể về việc chọn trường đại học Califonia tại Irvine gần quận Cam cũng là nơi có khu Little Sài Gòn cho cháu ngoại học. Mặc dù vợ chồng đứa con gái muốn gửi cháu đến trường cao đẳng Boston của thành Boston bang Massachusetts học công nghệ vi tính để sau này vào học viện công nghệ Massachusetts (MIT) nổi tiếng. Nhưng ông trùm từ chối mà chọn nơi này vì có nhiều người Việt sinh sống làm ăn thì thằng cháu không bị bỡ ngỡ và mất gốc. Nghe vậy, bà bạn nheo mắt.

- Ông bạn già của tôi quả là lo xa quá. Thế hệ người Việt ra đi năm 1975 và thập niên 80, 90 đến nay vẫn còn mang đầy tâm trạng hậm hực và bất mãn với chế độ trong nước, còn bọn trẻ sinh sau năm 1975, 1980 tại Mỹ, nay đối với chúng là công ăn việc làm, là làm sao sống hòa nhập được giữa môi trường Mỹ. Thế nên bây giờ, nhiều người Việt già thế hệ chúng tôi ngoài chuyện chống cộng, còn lo chuyện mất gốc con cháu mình nữa đấy.

- Tôi cũng lo vậy – Ông trùm thở dài thừa nhận rồi nói – Nhưng tôi vẫn muốn cháu tôi được ăn học tại Mỹ. Hy vọng cuộc đời sau này của nó sẽ khá hơn cha ông nó.

Lần đầu tiên trong đời lão thấy mình yếu đuối đa cảm khi dặn dò thằng cháu trai đủ thứ chuyện trước khi về nước, mặc dù nó đang ở nhà bác ruột nó. Nào là chuyện ăn mặc quần áo ra sao, thuốc men thế nào, có cần kem giữ ẩm không... Ông nói nhiều đến nỗi thằng cháu phát ngán phải thốt lên, ngoại ơi sao ngoại giống má và bà ngoại quá. Ông trùm phì cười, gõ đầu thằng cháu. Không thương nó sao được, nó sinh ra vào thời điểm gia đình ông trùm túng thiếu nhất. Lúc ấy ông trùm làm công nhân bốc vác ngoài cảng Sài Gòn, vợ chồng thằng rể buôn bán vặt dưới chân cầu Calmette, không đủ tiền mua lon sữa cho con. Nghĩ đời mình gian khổ nhiều rồi, nay con cháu có hưởng thụ chút cũng không sao. Tuy vậy, ông trùm lo nó học hành bên này sẽ bị Mỹ hóa giống mấy thằng nhóc Việt kiều mũi tẹt về Việt Nam giả giọng lớ lớ, nói gì cũng xì xồ chêm dăm ba câu tiếng Anh, đi đâu cũng bịt mũi ra vẻ Việt kiều thì ông trùm chán vô cùng. Nghe ông trùm nói, bà già cười rũ ra vì thấy lão vui tính quá.

Hôm nay nó đòi ra sân bay tiễn ông ngoại về nước. Ngồi trong xe, ông trùm cứ nắm chặt tay cháu khư khư như sợ nó tan biến đi mất. Luôn miệng căn dặn, nhớ đừng ham chơi, giữ gìn sức khỏe, ăn uống cho đầy đủ và cần gì cứ điện thoại về Việt Nam cho ông bà. Sự ủy mị của ông trùm làm cho thằng con rể Việt kềiu cũng ngạc nhiên bởi không ngờ một cn người khét tiếng máu lạnh, trùm giang hồ mà khối kẻ nghe tên ăn không ngon ngủ không yen, lại có những giây phút mềm lòng đến như vậy.

Chiếc ô tô của thằng rể vừa khuất sau khúc quanh, hai ông cháu lững thững tiến vào một quán cà phê ngay khu vực phòng chờ. Trong khi ông trùm nhâm nhi ly nước thì thằng cháu đã tranh thủ tót đến bên chiếc máy game bắn đì đùng. Bất ngờ có tiếng chuông điện thoại di động, nhìn số ông trùm cau mày. Số máy của Mỹ, lạ thật, không biết giờ này còn ai gọi nữa. Một giọng nói từ phía bên kia vang lên xin được gặp và báo đã gặp con rể ông trùm rồi. Ông trùm nhăn mặt như ăn phải dấm chua, quả là cách đây mấy hôm thằng con rể nói có một tổ chức hội đoàn nào đấy xin gặp ông trùm. Lão gạt phắt và nói với rể, nếu cần thì cho bọn họ mấy trăm USD gọi là giúp đỡ. Thằng rể lắc đầu quầy quậy, bọn này không phải là bọn cò mồi kiếm tiền từ thiện mà là… Là gì? Thằng rể nhún vai. Trong cuộc đời một thằng xã hội đen đâm chém như ông trùm, lão chẳng lạ gì song sắt nhà tù của cả hai chế độ. Lão luôn biết mình là đối tượng luôn bị săn đuổi diệt trừ, tuy nhiên lão không thấy điều đó làm phiền toái. Mình là dân giang hồ xã hội đen, họ có tiêu diệt cũng có lý, bởi đây là một cuộc chơi mà ai khôn ngoan thì sẽ thắng. Lão chấp nhận cuộc chơi khắc nghiệt này như một sự thật hiển nhiên. Lão thừa hiểu rằng nếu không khôn khéo ắt sẽ là những bản án, là song sắt nhà tù, thậm chí dựa cột như chơi. Tuy nhiên lão không lấy điều đó để chống đối thể chế theo lối làm chính trị, đây là điều tối kỵ của lão. Lão thừa biết, suy cho cùng mình chẳng là cái gì so với chính trị và bọn làm chính trị là một lũ lừa đảo mưu mô, xảo quyệt, không thể tin được. Không nên hùa với chúng mà hãy tránh xa. Chuyện chính trị là chuyện của người khác, mình là dân giang hồ xã hội đen. Thế nên lão không bao giờ tham gia vào trò chính trị và cấm tiệt con cháu, đệ tử trong băng nhóm, tuyệt đối không được dính vào chuyện chính trị. Có ăn có chơi thì chấp nhận, nhưng là chuyện giang hồ chứ không phải là chính trị. Ông trùm tuyên bố như vậy và cũng không dưới mấy lần có kẻ này người kia mon men đến bàn chuyện đều bị ông trùm từ chối. Qua Mỹ, Úc… cũng từng có dăm kẻ như vậy nhưng ông trùm đều lắc đầu. Thế nên vừa nghe thằng rể nói, ông trùm đã nhăn mặt, thằng rể vả lả:

- Ba à, bọn này có thế lực lắm. Con đã từ chối rồi nhưng không được.

- Ai bảo mày từ chối – Ông trùm cau có – Mà là tao từ chối.

- Con biết… nhưng mà… - Nhìn vẻ không tự nhiên của thằng con rể, ông trùm nghi hoặc, hay là nó có nhúng tay vào vụ này?

Nghe lão hỏi, thằng rể vội vàng thề sống thề chết là không có chuyện đó, chẳng qua thằng bạn thân của nó giữ vai vế trong tổ chức này nói quá, nó nể mà nhận lời bố trí cuộc gặp. Lão gầm lên tuôn ra một loạt mỹ từ thô tục lên đầu thằng rể, nhưng cuối cùng lão cũng chấp nhận cuộc gặp về thằng rể hứa rồi. Cũng cần bảo vệ uy tín cho nó làm ăn tại Mỹ mà cũng tức là của lão nữa.

Hai thằng cô hồn chính trị xuất hiện nhanh như bóng ma, hình như chung đã ẩn đâu sẵn, chỉ cần ông trùm đồng ý là xuất hiện liền.

Ăn mặc đúng kiểu cách, nhìn như hai con rối, ông trùm nhận xét và vẻ mặt tỏ ra không hào hứng. Mặc kệ, hai gã đàn ông tự kéo ghế ngồi trước mặt. Thằng trạc tuổi gần bốn mươi lên tiếng trước, hắn thao thao bất tuyệt toàn những lời lẽ giống như sao lại của mấy tờ báo chống cộng in bằng tiếng Việt, không bán mà chủ yếu sống bằng tiền quảng cáo, sáng sáng quẳng vào nhà biếu không.

Ông trùm ngao ngán lắng nghe, không phản ứng gì. Sau một hồi tràng giang đại hải, gã ta đi vào ý chính: mời ông trùm tham gia giữ một vai trò quan trọng khi tổ chức của gã dự định đặt chân vào Việt Nam trong thời gian gần đây.

Khi gã vừa dứt lời thì ông trùm gằn giọng trả lời ngay bằng một câu tiếng Anh rất chuẩn:

- Never (không bao giờ).

Lời từ chối cộc lốc tựa như một viên đường ép được ép thẳng vào ly cà phê trước mặt khách, bắn tóe nước lên. Hình như đó lại là ý nghĩ của người đang ngồi đây. Gã đàn ông trẻ ngồi phía trái có khuôn mặt vuông vức điển trai nhưng lạnh băng với cặp mắt kính đen ngòm theo kiểu maphia của Hollywood vẫn thường thấy trên phim, che gần kín mặt và mấy thớ thịt trê mặt gã ta hơi rung rung lên khi bị lời từ chối cụt ngủn của ông trùm bật ra, hắn hơi nghiêng nghiêng người như muốn tránh nước cà phê bắn vào. Công phu tu luyện yếu. Trái lai, gã đàn ông đứng tuổi ngồi bên phải lại toét miệng cười tươi hơn hớn như bắt được vàng. Gã ta cười nhưng khuôn mặt lẫn các thớ thịt vẫn không động đậy, chỉ là hai khóe rảnh miệng nhếch toe ra như muốn cho biết gã đang cười. Hai tay của gã dài ngoằng, gân guốc nổi rõ từng đường gân xanh cho thấy đây là một kẻ có “nghề”, đang mân mê xoay nhẹ tách cà phê.

- Kìa… ông Năm, đây chỉ mới là lời đề nghị, mong ông…

Gã ta câm bặt khi thấy ông trùm nhún vai, ngửa cổ, thờ ơ nhìn lên trần nhà ngắm nghía những hàng chữ điện tử đang chạy trên màn hinh ti vi mấy trăm inches nhấp nháy báo hiệu những chuyến bay đến – đi.

- Ngoại ơi – Đứa cháu trai đang ngồi chơi game trước màn hình vi tính quay lại lên tiếng góp ý, dù không hiểu nội dung của buổi nói chuyện là gì – Trong tiếng Anh từ chối phải nói là… xin lỗi, cám ơn, tôi không thể… đừng nói như ngoại, người ta cho rằng mình không lịch sự.

Chẳng rõ thằng bé nói đùa hay nói thật.

Hai gã đàn ông đứng bật thẳng dậy nhanh như cổ máy, gã trẻ quay lưng đi thẳng, không một lời chào, gã đứng tuổi lịch sự đưa tay ra bắt. Ông trùm ngồi trên ghế uể oải chìa bàn tay mềm xèo hờ hững nắm bàn tay của gã ta như phải phép lịch sự cần làm. Thế nhưng cái siết tay khá chặt của gã như một đòn ngầm thử thách buộc ông trùm phải nhìn lên và mắt lóe sáng. Khó nói màu mắt ấy là màu gì nhưng nó rờn rợn đầy vẻ chết chóc, làm gã đàn ông thấy ớn lạnh vội rụt tay lại ngay, mồ hôi vã ra trán.

Gã cười ngượng nghịu lắp bắp:

- Ông Năm, tôi tin rằng chúng ta sẽ còn gặp nhau.

Thằng này muốn đê dọa mình sao, ông nhếch mép cười lạt. Nếu không vì lời nói trước của thằng con rể thì lão đã cho bọn này một bài học nhớ đời vì tội dám hỗn láo với bề trên. Ba cái thằng làm chính trị salon cò mồi, chỉ giỏi chửi đổng, khua môi múa mép và ép quyên tiền của đồng hương hơn là tình yêu nước thật sự, lão lạ gì bọn này. Một cái phẩy tay của ông trùm thì bạn bè của lão bên này sẽ trị bọn chúng đến nơi đến chốn ngay, nhưng thôi…

- Nếu các ông có về Việt Nam thì tôi tin rằng chúng ta sẽ gặp nhau.

- Nhật định… nhất định là vậy.

Quay gót giày cái vèo y như nghệ sĩ xiếc đang biểu diễn, gã tay sải những bước dài nhanh chóng lẩn vào đám đông người nhốn nháo qua lại. Ông trùm từ từ đứng dậy chấp tay trước bụng trầm ngâm nhìn theo, dù sao cũng cần phải kiểm tra thông tin về bọn này mới được, lão hỏi kỹ thằng rể xem bọn này thật sự là ai. Đúng là một lũ chó chết trời ơi, ông trùm thầm rủa trong đầu. Giờ bay đến rồi mà còn bị bọn này phá đám, thật là… chó chết thật.

Ngoài kia những tiếng rít máy bay ồn ào lên xuống tấp nập.

Đi lại phía sau lưng thằng cháu, nheo mắt nhìn vào màn hình game, chẳng mấy chốc ông trùm như bị hoa mắt bởi những tiếng la hét, đấm đá nhảy nhót trong máy. Ông trùm thở dài, thiếu gì trò chơi, không hiểu sao lại cứ thích ba cái trò đấm đá bạo lực này để làm gì chứ. Vuốt tóc cháu, ông trùm lẩm bẩm, đừng có ham chơi quá mà học hành không được nghe con. Thằng cháu cười khì, sao ngoại ngày càng giống bà.

(chương 1 còn tiếp)