- Mình chơi gì hả chị Hạ?
- Làm ong hút mật!
- Mật ngọt và ngon lắm! Em thích chơi làm ong!
- Được rồi, chị cho Vy làm ong, nhưng mà nói nhỏ thôi. Không thôi, không được làm ong đó!
Đến bụi hoa bông bụt tây, con chị nói:
- Ngắt cái hoa này há, xé mấy cái cuống hoa này ra, rồi hút vào cái chỗ này. Vy hút đi!
Con nhỏ em nghe lời chị, chồm đầu tới, chu miệng hút vào nơi cái đuôi hoa mà chị nó đưa trước mặt. Vừa hút vừa cảm nhận hương vị, đôi mắt con nhỏ em đưa qua lại, môi chụm từng chặp vào cái đuôi hoa thưởng thức. Hút hết nước ngọt trong nụ hoa, con nhỏ em reo lên:
- Ngọt ghê chị ơi! Nước ngọt ghê đi! Hèn chi em thấy mấy con ong hay bám mấy nụ hoa này. Mình phải hút mật trước mấy con ong này mới được.
Con nhỏ chị nhìn em mỉm cười. Nó hãnh diện vì nó đã làm cho con nhỏ em vui sau những ngày mẹ chúng bỏ chúng đi buôn bán cho cô Bảy Mỹ. Nó nói:
- Ừ Vy tự làm ong đi! Em tự kiếm mật mà hút. Hút tha hồ!
Con em thò tay ngắt một búp hoa bụt vừa líu lo:
- Vậy thì em bứt cái hoa này, rồi xé mấy cái cuống xanh này, rồi hút nước ngọt phải không chị Hạ?
- Ừ, nhưng phải nói là hút mật chứ không phải là hút nước ngọt!
- Hút mật! Phải nói là ong đi hút mật! Mình là ong hút mật. Con em hồn nhiên nói ríu rít.
Con chị gắt:
- Nói nhỏ nhỏ thôi! Không thôi, không được chơi ong làm mật nữa bây giờ.
Con em khựng lại, tròn mắt ngơ ngác nhìn chị, rồi như chợt hiểu ra điều gì nó lấm lét ngó ngôi nhà lớn và tiếp tục rón rén tìm những nụ hoa. Con chị nhìn em lắc đầu. Mỗi lần em nó chơi trò chơi có ăn uống, thì con nhỏ này thường ngờ nghệch quên đi những gì đúng sai.
Hai chị em chơi trò làm ong hút mật thật khá lâu con nhỏ chị mới nhận ra rằng những nụ hoa bụt Tây đỏ thắm mà nó thường tưởng tượng là những chiếc đèn nhỏ đã biến mất cả. Tệ hại hơn, trên mặt đất xung quanh bụi lá xanh không còn hoa là muôn ngàn cánh hoa đỏ nằm rải rác mất trật tự. Hình dung được tai ương sẽ đến, con chị vội vàng gọi em:
- Vy ơi, làm ong như vậy đủ rồi! Đừng chơi nữa! Chạy về nhà mau lên!
Con em mải mê tìm những búp hoa còn sót lại trong cái khóm cây xanh, nhất định không nghe lời chị. Nó bám mắt vào các búp hoa cuối cùng cho đến khi bà bác Cả gái xuất hiện trên hiên nhà lớn.
- Tụi bây làm gì đó?
Vừa thấy bà bác Cả gái, con chị đã ba chân bốn cẳng chạy về góc bếp của nhà nó để tìm chỗ nấp. Con em không nghĩ trò chơi chị bày là một việc làm tày trời, cũng không nghe chị gọi, đứng yên chịu trận với bà. Hơn nữa, tiếng la của bà quá lớn đến độ nó chỉ biết đứng ì một chỗ và nhìn bà một cách sợ sệt và van lơn.
Cuộn tròn người trong bếp, con chị vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Nó lẩm bẩm một mình trách con nhỏ em không chịu nhanh chân rời cái chỗ tai bay vạ gió. Tim đập thình thịch, mặt nhăn nhó, hai con mắt láo liên qua mấy cái kẽ hở, nó hồi hộp theo dõi tình trạng của em. Cố công thể nào, vẫn không thể thấy con em bị bà bác Cả trị ra sao, nó đành cố gắng lắng nghe những gì xảy ra ngoài vườn cây. Tiếng la hét của bà bác Cả và tiếng khóc tức tưởi của con nhỏ em càng lúc càng lớn đã làm cho nó càng lúc càng hồi hộp. Tuy nhiên, càng nghe bao tiếng la khóc, nó càng ngồi ì trong bếp chứ không dám thò đầu ra hay chạy đến bênh vực cho con em.
Thời gian trôi qua lâu lắm mà con chị vẫn chưa thấy em về. Lúc ấy, tiếng la hét và cằn nhằn của bà bác gái và tiếng khóc của con em đã ngớt dần nhưng con em vẫn như bóng chim tăm cá. Con chị sợ điều gì xảy ra cho em, định chạy ra khỏi bếp để tìm; nhưng rồi nghĩ đến cơn giận của bà bác gái, nó lại bỏ ý định ngay. Một lát sau, tiếng chân đi nhè nhẹ trên sân lá và tiếng khóc thút thít của con em mỗi lúc một gần. Con chị đứng lên, định chạy ra đón em nhưng tiếng kể lể của bác Cả gái và tiếng nói của cô Út loáng thoáng gần chỗ nó ẩn náu làm nó sợ hãi. Ngồi xụp xuống chỗ cũ, nó ghì người sát vào mảnh ván của nhà bếp, dán mắt vào khe hở, rồi quan sát từng bước chân của con em.
Con em đang ngập ngừng bước lên tam cấp, vừa loay hoay mở cửa nhà, vừa thút thít:
- Sao chị bỏ em! Sao bỏ em?
Con chị gọi nhỏ.
- Vy! Vy! Đừng khóc nữa!Lại đây! Lại đây!
Con em đang khóc thút thít, nghe tiếng chị, quay lại, khóc òa. Con chị hoảng hốt khoát tay lia lịa, nói lắp bắp:
- Đừng... đừng khóc nữa! Bác gái biết chỗ mình trốn bây giờ. Vô đây!
Con em nghe lời chị không vào nhà mà tiến tới góc bếp nơi chị núp. Nó vừa tấm tức khóc, vừa ngồi xuống sát vào người con chị. Con chị đang rối rít gắt con em đừng khóc, chợt nín bặt khi nhìn mặt con em lèm nhèm nước mắt nước mũi. Nó lặng yên nuốt từng tiếng khóc ri rỉ của con em. Cảm thấy có tội vì đã bỏ em chịu trận một mình, con chị kéo em ngồi sát người nó hơn. Hai đứa nhỏ ngồi trong xó mãi cho đến khi không còn nghe những tiếng cằn nhằn, la lối nữa mới chui ra.
Chiều đến, khu vườn vắng bóng người, con chị lục áo quần, rồi rủ em đi tắm. Hai đứa đến giếng mà vẫn hồi hp nhìn vào trong ngôi nhà lớn. Đặt mấy b đồ trên cái bơm nước rỉ sét, con chị lấy gàu xách nước. Một tay nắm lấy dây gàu, một tay ném cái gàu nhựa xuống giếng, nó giựt mạnh đầu dây cho miệng gàu ấn xuống mặt nước trong veo bên dưới. Nước tràn vào cái gàu chỉ độ một phần ba, nó đã vội kéo mạnh lên rồi hai tay thoăn thắt thu dần cái dây lên. Khi cái gàu lên khỏi miệng giếng nó nắm lấy cái quai đổ nước vào cái thau lớn màu xanh lá cây bạc màu. Nước đầy thau, con chị ra lệnh:
- Cởi đồ ra tắm lẹ lên đi Vy!
Nghe giọng thúc hối của chị, con em hiểu điều con này yêu cầu cấp bách và cần thiết lắm nên lật đật cởi áo và tut quần thật nhanh. Xối cho em ca nước thứ hai, con chị khám phá ra sự lạ. Nó hỏi:
- Sao Vy có cái này?
Nghe chị hỏi con em ngạc nhiên, dáo dác nhìn xuống hai chân. Chợt thấy những vết tím bầm trên bắp vế, nó bật khóc nức nở:
- Bác gái béo em.
Con chị sững sờ một lúc rồi ôm chặt con em lại:
- Nín đi! Nín đi Vy! Khóc to, bác gái nghe, ra béo nữa cho bây giờ!
Con em hết hồn, im bặt một lúc rồi tiếp tục thút thít khóc. Con chị chết lặng theo từng tiếng khóc của của em. Nó tự trách là đã không kêu con em chạy trốn chung nên con em mới bị chịu trận một mình. Trân trân nhìn những vết bầm tím, nó tưởng tượng bàn tay của bà bác gái ngoắy vào đùi của em mà thấy oán ghét bà bác Cả vô cùng. Xối nước không ngừng vào những vết bầm, nó muốn những giòng nước kia có thể làm trôi đi, làm nhạt đi và xóa đi những vết bầm tím bầm trên làn da non của con em. Lau khô người và mặc quần áo xong, hai chị em vào nhà ngồi im lặng. Chúng chờ đợi tiếng kêu bất chợt nào đó của cô Út hay chị Cựu để được nhận những món ăn thừa hoặc là đón nhận cơn đói hành hoành trước khi chìm trong giấc ngủ bên nhau.
Tối hôm ấy, cái bóng đèn dầu bị bám đầy muội khói đen không thể làm cho căn phòng tối đen sáng sủa thêm hơn, nên hai đứa nhỏ đã chấp nhận ngồi im trong tối khi màn đêm buông xuống, để nghe muỗi vo ve và ngắm những ngọn đèn điện xa xa. Buồn rầu trong bóng tối một lúc, con chị gợi ý trò mới:
- Tối nay chắc mình không có cơm đâu. Mình đọc sách trong giường nghe Vy?
Con em im lặng. Nó hiểu là những buổi chiều khi cô Út không đem cơm ra cho chúng ăn, chúng có thể vào cái sân gạch đi lẩn quẩn để gọi cho bà nội và các cô là chúng chưa được ăn cơm và cho chúng những chén cơm thừa. Chiều hôm ấy không phải là buổi chiều thích hợp cho chúng có dịp lảng vảng trong sân gạch trước bếp nhà nội và bác Cả nên cả hai ngấm ngầm từ bỏ cái thói này. Con em hỏi:
- Mình đâu có đèn điện đâu mà đọc sách trong giường hả chị? Để đèn dầu trong giường cháy mùng làm sao?
Con chị lắc đầu:
- Chị đâu có dùng đèn dầu, chị dùng đèn sáp chứ!
Mò mẫm đến “phòng thờ”, con chị tìm những mẫu nến ngắn, còn thừa mà mẹ chúng đặt một góc bên cạnh quả bồng. Châm lửa đốt sáng ngọn nến, nó bảo con em tìm sách và truyện hình mà mẹ chúng mua cho khi bà còn đi buôn bán, rồi lần vào buồng ngủ chun vào mùng. Sau khi đặt những cuốn truyện ở giữa kẽ mùng và hai cái gối trên đầu giường, con chị nhỉu những giọt sáp nóng trên mặt chiếu giữa chỗ nằm của hai đứa, rồi cắm chặt cứng khúc nến đang cháy vào. Chọn xong cuốn truyện vừa ý, hai đứa đặt lưng xuống nằm song song hai bên ngọn nến, đâu gáy sách vào nhau, im lặng lật lật mở mở từng trang. Hết cuốn truyện hình, con em ngáp dài nhắc chị:
- Đèn sáp cháy hết rồi kìa. Chị thay cây đèn sáp khác mau đi chớ cháy chiếu đó! Em không đọc nữa, em ngủ đây!
Con chị nghe lời em; nó châm khúc nến khác lên chỗ ngọn nến sắp lụi tắt. Lần này, nó nằm trong tư thế thoải mái hơn bởi vì con em đã xoay người vào trong và chừa cho nó cả một khoảng rộng. Nghiêng người một bên, vòng cánh tay phải quanh cây nến và dựng cuốn sách thẳng ngay sau ngọn lửa, nó ung dung xem hình và đọc những câu hỏi đáp trong các bong bóng đối thoại. Hết cuốn sách hình, nó vói trên đầu lấy cuốn truyện cổ tích đầy chữ để đọc tiếp. Nó không ngại đọc những cuốn truyện không hình và chi chít chữ, cũng không ngại đọc đi đọc lại những cuốn sách cũ nhiều lần bởi vì nó luôn luôn có những cảm giác nhẹ nhàng và thích thú sau khi đọc hết câu truyện. Những nhân vật lương thiện trong truyện thường có một kết thúc tuyệt đẹp và hạnh phúc khiến nó tin tưởng và hy vọng sẽ được may mắn như họ nếu như nó sống tốt như những nhân vật chính diện ấy.
Tiếng ngáy khò khò của con em và những giòng chữ nhảy múa đàng sau ánh lửa của ngọn nến khiến đôi mắt con chị từ từ sụp xuống. Bàn tay phải của nó dần dần ập cuốn sách đang mở xuống mặt chiếu và ngọn nến gần đó tiếp tục thiêu đốt sáp ngắn dần cho đến khi nó cháy lan trên mặt chiếu. Lửa từ từ cháy lan một khoảng trên mặt chiếu mà hai đứa vẫn nằm yên lặng ngáy khò khò. Chúng ngủ say cho đến khi ngọn lửa cháy táp đến cánh tay phải của con chị và làm nóng lưng của con em, cả hai bừng dậy, hoảng hốt la to:
- Cháy! Cháy!
- Chết rồi! Cháy chiếu rồi! Cháy tay chị nữa!
Bàng hoàng trước ánh lửa cháy bùng, con em ập đại chiếc gối đang ôm vào. Ngọn lửa ngoan cố tiếp tục liếm vào cuốn sách gần đó. Con chị lật đật phụ em lấy thêm gối dập mạnh vào cho đến khi đóm lửa tắt ngúm. Hoàn hồn sau khi thoát được cơn hiểm họa, hai đứa nhỏ chun ra khỏi mùng. Con chị lật đật đến bàn thờ của ba nó, giương cánh tay phải trước ngọn đèn dầu xem xét. Lớp da mỏng gần cùi chỏ cho đến nửa phần bên dưới của cánh tay phải bị cháy đến ửng đỏ như muốn lòi những sợi gân máu và thớ thịt bên trong. Ngướng cổ nhìn theo hướng cánh tay đưa cao của chị, con em thất đảm khóc la bai bải:
- Trời ơi! Chị bị cháy lòi thịt rồi! Tay chị bị thủng rồi! Hu hu... hu... hu.
Những tiếng la khóc của con em giật thót tim con chị. Chúng đưa con chị trở lại thực tế trong lúc tâm trí của nó bị hoàn toàn khống chế bởi cảnh cháy kinh hoàng và cánh tay bị cháy phỏng. Nó lúng túng chưa biết xử sự như thế nào, con em đã xô cửa ra vào chạy ra khu vườn đêm, la khóc ầm ĩ:
- Hu...hu...hu... cô Sáu ơi! Bà nội ơi! Mau ra cứu chị con! Chị Hạ con bị cháy rồi! Bị cháy tay gần chết rồi!
Tiếng khóc la của nó làm kinh đảm những con chim ăn đêm. Chúng kêu lên oang oác và vụt bay ra khỏi các lùm cây. Từ trong góc nhà kho của bà nội, con Kiki xổ chồm ra sủa inh ỏi như muốn giúp nó đánh thức tất cả mọi người trong ngôi nhà lớn, nhà cô Sáu, và nhà bếp thức dậy.
Cô Sáu mở bật cửa nhà cô và chị Cựu mở cửa nhà bếp hớt hơ hớt hãi, hỏi dồn:
- Chuyện chi rứa Vy?
- Chuyện chi rứa?
Con em tức tưởi vừa khóc, vừa nói:
- Chị con bị cháy tay gần chết rồi!
Bà nội, và cô Út lục đục mở cửa sau của ngôi nhà lớn, dáo dác hỏi:
- Chi rứa? Chi rứa?
Cô Sáu như bị sét đánh ngang tai, trả lời thay cho con em:
-Tụi hắn đốt chi ngoài nớ mờ con Hạ cháy tay!
Bà nội rụng rời:
- Mần răng mà như rứa?
Cô Út cằn nhằn:
- Hai đứa ni phá như giặc, ban ngày phá chưa đủ, đêm còn đốt phá!
Bà nội gắt:
- Im coi nờ! Nói chi mờ nói nhiều rứa! Để tau hỏi hắn mần răng tụi hắn bị cháy?
Con em thút thít:
- Tụi con đốt đèn sáp đọc truyện nên chị Hạ bị cháy tay.
Bà nội hốt hoảng:
- Tụi mi chạy mau ra ngoài nớ coi hắn ra mần răng rồi! Mau lên đi nờ!
Nắm tay con em bước theo hai cô Sáu, cô Út, và chị Cựu, bà nội an ủi nó:
- Để tau nói hai cô lo cho chị mi, đừng khóc nữa!
Những tiếng nói văng vẳng và những bóng người lố nhố hướng về phía căn nhà nhỏ làm con chị càng lúc càng lo sợ. Chiều hôm nay nó đã trốn thoát chuyện tàn phá một bụi hoa nhưng bấy giờ chắc chắn là nó không thể trốn khỏi cái tội đốt giường, đốt tay. Bồn chồn lo sợ với cảnh bị phạt trong tưởng tượng, nó quay đầu khắp nơi để tìm một chỗ trốn. Trong khi nó không tìm ra một chỗ ẩn nấp kín đáo trong căn nhà quá nhỏ, cơn nhức nhối hoành hành dữ dội trên cánh tay bị bỏng. Vô vọng với tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nó đứng yên một chỗ cho đến khi đối diện với tất cả mọi người trước mặt.
Cô Sáu lo lắng hỏi:
- Tay mi cháy ở mô đưa cho tau coi coi nờ?
Con chị lặng lẽ chìa cánh tay bỏng. Cô Út rọi chiếc đèn dầu lấy từ bàn thờ ông bố sát vào tay nó. Và cô Sáu chép miệng:
- Ngủ chi mờ cháy đến như ri không biết rứa!
Bà nội giục rối rít:
- Mau tìm nước mắm chế cho hắn. Nước mắm trị phỏng đó!
Cô Sáu y lời nội bảo. Sau khi kêu con chị đứng ngoài bậc thềm tam cấp, và bắt nó chìa tay ra sân, cô trút khoảng nửa chai nước mắm trên vết bỏng
Con chị la ơi ới:
- Rát quá đi! Nhức quá cô ơi!
- Rát như rứa mới mau lành. Chỉ có nước mắm mới trị được phỏng thôi. Cô Sáu nói.
Con chị ôm cánh tay, khom lưng ngồi trên bậc tam cấp, vừa khóc vừa la:
- Đau quá đi! Rát quá đi!
Chị Cựu an ủi:
- Ráng chịu đau một tí để mau lành!
Cô Út đe:
- La đi! Mi cứ la to khóc lớn đi cho bà Cả biết. Lúc nớ đừng trách răng mờ bị chửi!
Con chị ngưng bặt la khóc mà thay bằng than vãn:
- Nước mắm hôi quá đi! Thúi quá đi!
Cô Sáu nói với chị Cựu:
- Mi ra nhúng khăn lau xung quanh chỗ phỏng cho hắn dùm cho tau để tau coi tụi hắn đốt mùng màn ra răng.
Chị Cựu vừa gật đầu ưng thuận, con em đã nhanh chân đi lấy khăn lau mặt trao cho chị Cựu ngay. Chen giữa cô Út và bà nội trước cửa ra vào, con em vừa quan sát cách chữa vết bỏng của chị Cựu vừa xem phản ứng của con chị. Nó nghiêng đầu hỏi:
- Nước mắm làm chị lành chỗ phỏng chưa?
Chăm chú nhìn những ngón tay di chuyển nhẹ nhàng của chị Cựu, con chị lắc đầu, nói với con em:
- Nước mắm này làm lở tay chị thêm thì có!
Cô Sáu đang ở “buồng ngủ” nói vọng ra la nó:
- Răng mờ lở? Không có chi trị phỏng hay bằng nườc mắm mô nhưng phải chờ từ từ mới lành được. Nước mắm phải là thuốc tiên mô mà đòi lành cho ngay tức thời!
Bà nội nhìn chăm chăm vào vết bỏng trên cánh tay phải của con chị, nói chậm rãi:
- Để hai đứa ni ngủ một mình như rứa không được mô Sáu nờ! Từ bữa ni sắp lên, bắt hai đứa hắn ngủ trong nhà con, không cho tụi hắn ở trong nhà ni nữa.
Con chị lập lại câu thuộc lòng:
- Con chỉ muốn ở nhà của con. Con chỉ muốn ở trong nhà có bàn thờ của ba con.
Cô Út nạt to:
- Để mần chi? Để mần cháy nhà nữa hử?
Con chị hết hồn, im thin thít.
Cô Sáu vừa giũ chiếu, vừa phân trần:
- Con đi bán cả ngày mạ nờ! Tụi hắn ở nhà với con Út có được mô!
Bà nội nói:
- Rứa thì ban ngày cho tụi hắn ở trong nhà ni sau khi tụi hắn đi học về, còn ban đêm sau khi thắp hương cho anh Đạm xong, con khóa cửa lại, bắt tụi hắn vào ngủ trong nhà con.
Nhìn vẻ mặt ưng thuận trong sự im lặng của cô Sáu, bà nội nói tiếp:
- Ráng lo cho tụi hắn đến khi mạ tụi hắn về. Con Bảy đang cần hắn giúp bán hàng nên chưa báo cho hắn về với con hắn được. Ráng vài ngày nữa hắn về với con hắn thôi!
Ba người lớn yên lặng nghe bà nội, không nói gì, cũng không hỏi gì. Hai đứa nhỏ cũng yên lặng và cúi đầu.
Bà nội suy nghĩ một lúc, nói thêm:
- Con Sáu lâu ni thường đan áo len, có nhiều len vụn, lục cho mạ xin vài ba cuộn. Còn con Cựu khi mô rảnh chuốt cho mệ hai đôi que đan bằng đũa tre để mệ chỉ cho tụi ni cách đan khăn len. Đan ba xí ba tú chi cũng được, buổi chiều đi học về không mần chi thì ngồi đan cho tau coi, rứa thì hết phá thê!
Những người lớn im lặng và hai con nhỏ hiểu rằng chúng sắp sửa bước vào sự quản thúc chặt chẽ.
Chị Cựu nói:
-Tạm thời bi chừ để con ngủ với hai đứa cho đến sáng. Ngày mai hai đứa đi học về rồi tính theo cách của mệ.
Cô Út hỏi:
-Tay hắn bị phỏng như ri mần răng đi học được?
Con chị đứng lên đi vào nhà:
- Ngày mai con đi học được. Con giấu vết phỏng trong tay áo cô giáo không thấy đâu. Với lại, không ai xin phép cô giáo cho con nghỉ học, con không muốn nghỉ đâu!