Gót sắt

Chương XX

Docsach24.com

hưng trong lúc ôn lại cuộc đời cũ, tôi đã chạy sang cả cuộc đời mới. Cuộc tổng giải thoát các đồng chí chúng tôi ra khỏi nhà tù mãi sang năm 1915 mới thực hiện được. Việc này tuy phức tạp nhưng đã tiến hành trót lọt. Đó là một thành tích vang dội, nó đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều trong công tác. Vẻn vẹn trong có một đêm, năm mươi mốt nghị sĩ của chúng tôi và cộng thêm vào đó, trên ba trăm cán bộ lãnh đạo khác đã được chúng tôi cứu ra khỏi hai mươi nhà giam, nhà tù quân sự và pháo đài từ Cuba đến California. Không một trường hợp nào thất bại. Không những ai nấy đều trốn thoát, mà còn về được nơi ẩn náu đã quy định. Chỉ có một đồng chí chúng tôi không đón ra là Arthur Simpson, đã chết ở Cabanas sau nhiều trận tra tấn ác liệt.

Mười tám tháng trời tiếp theo đó có lẽ là thời kỳ sung sướng nhất đời tôi ở bên Ernest. Suốt thời gian ấy, chúng tôi không lúc nào xa nhau. Về sau, khi trở về sống lại với mọi người, chúng tôi phải xa nhau luôn. Lúc này, ngồi chờ ngọn lửa của cuộc khởi nghĩa ngày mai, tôi nóng lòng sốt ruột như thế nào thì đêm hôm đó tôi nóng lòng sốt ruột chờ Ernest như thế. Bao nhiêu lâu rồi không được thấy mặt anh, tôi phát điên cả người, chỉ sợ kế hoạch của chúng tôi có chỗ nào sai sót, hoặc có sự va vấp nào xảy ra, khiến cho anh vẫn bị giữ nguyên ở nhà tù ngoài đảo. Mỗi giờ đi qua tưởng như hàng thế kỉ. Tôi chỉ có một mình. Biedenbach và ba người thanh niên đến ở cùng với tôi trong hầm bí mật đều đã đi lên núi. Họ võ trang cẩn thận và chuẩn bị đối phó với mọi tình hình. Bây giờ tôi còn hình dung thấy tất cả những nơi ẩn trú của chúng tôi trên khắp nước đều vắng tanh,vắng ngắt, vì các đồng chí của chúng tôi đều đã bỏ đi ra ngoài cả.

Đúng lúc bầu trời sầm lại báo hiệu sắp rạng đông, tôi nghe thấy mật hiệu từ bên trên gọi xuống và lập tức đáp lại. Trong bóng tối tôi suýt ôm chầm lấy Biedenbach, vì anh xuống trước, nhưng chỉ một lúc sau, tôi đã ở trong tay Ernest. Tôi đã thay đổi hoàn toàn thật. Lúc đó tôi mới nhận thấy rằng tôi phải cố gắng đem hết ý chí ra mới có thể trở lại làm Avis Everhard ngày xưa với những điệu bộ, cái cười, cách nói và giọng nói như ngày xưa. Tôi phải cố gắng rất nhiều mới giữ được những hình tích cũ; con người mới mà tôi đã tạo ra cho mình nhạy như một cái máy, đến nỗi tôi không thể tự cho phép mình quên một phút nào cả. Khi vào trong căn phòng nhỏ, tôi nhìn rõ khuôn mặt của Ernest dưới ánh đèn. Nước da anh có xanh đi vì ở lâu trong tù. Nhưng ngoài ra anh không thay đổi gì, ít ra thì cũng không thay đổi lắm. Anh vẫn là người chồng yêu quý và người hùng của tôi. Tuy vậy, các nét mặt của anh cũng có phần dài ra, trông hơi khắc khổ. Anh có nghiêm nghị hơn trước một chút thì phải, nhưng khoé mắt anh vẫn giữ được vẻ tươi cười ngày xưa. Anh gầy đi mất mười cân, nhưng thân thể rất cường tráng. Suốt thời gian ở tù, anh không lúc nào ngừng tập, thành ra bắp thịt anh rắn như sắt. Thật ra, anh khoẻ hơn là khi vào tù. Mấy tiếng đồng hồ sau, anh mới ngả lưng đi nằm. Tôi vuốt ve cho anh ngủ. còn mình thì không ngủ. Tôi sung sướng quá, vả lại, tôi có phải vất vả vì vượt ngục và vì cưỡi trên lưng ngựa đâu!

Trong lúc Ernest ngủ, tôi thay quần áo, làm lại tóc cho khác đi và trở thành con người mới, nhanh như cái máy. Rồi khi Biedenbach và các đồng chí khác dậy, họ giúp tôi làm một cuộc âm mưu nhỏ. Mọi việc đã đâu vào đấy và chúng tôi đang ở trong cái hầm nhỏ dùng làm nhà bếp và phòng ăn thì Ernest mở cửa vào. Biedenbach liền gọi tôi bằng tên Mary. Tôi quay lại trả lời anh. Rồi tôi nhìn chằm chằm vào Ernest, giống như một đồng chí trẻ lần đầu tiên được thấy một người anh hùng nổi danh của cách mạng. Nhưng Ernest chỉ thoáng nhìn tôi, và anh đưa mắt tìm kiếm quanh phòng một cách sốt ruột. Một lúc sau, các đồng chí giới thiệu với anh tôi là Mary Holmes.

Để đánh lừa anh thêm, chúng tôi dọn một cái ghế không. Thấy Ernest càng có vẻ lúng túng và sốt ruột, tôi thú vị quá, nhưng muốn kêu ầm lên. Cuối cùng anh không chịu được nữa. - Thế nhà tôi đâu nhỉ? - Anh đột nhiên hỏi. - Chị ấy còn ngủ, - tôi đáp.

Đó là lúc quan trọng nhất. Nhưng giọng nói của tôi là giọng nói người lạ, anh không nhận ra một dấu vết quen thuộc nào gọi là có. Bữa ăn tiếp tục. Tôi nói rất nhiều, nói say sưa, y hệt một người vẫn quen sùng bái các vị anh hùng. Mà hiển nhiên anh là người anh hùng của tôi. Sự say sưa và lòng thán phục của tôi lên đến cực điểm, và trong lúc bất chợt tôi quàng tay lên cổ anh và hôn vào môi anh. Anh giơ tay đẩy tôi ra, nhìn bốn chung quanh, vừa bực tức vừa phân vân. Bốn đồng chí nam giới phá lên cười và giải thích cho anh nghe. Lúc đầu anh còn không tin. Anh nhìn tôi rất cặn kẽ, bắt đầu hơi hơi tin, rồi lại lắc đầu không tin nữa, mãi đến khi tôi trở lại làm Avis Everhard và nói thầm vào tai anh những điều bí mật mà ngoài anh và Avis Everhard ra không ai biết, khi đó anh mới chịu công nhận tôi đúng là vợ anh thật. Về sau cũng trong ngày hôm đó, khi anh ôm tôi vào lòng, anh tỏ ra rất bối rối và bảo rằng anh có cảm giác như mình là người đa thê. - Em là Avis của anh, - anh nói. - Nhưng đồng thời em lại là một người khác. Em là hai người đàn bà chứ không phải là một, vì thế cho nên đối với anh, em cũng như cả một bầy cung phi của các vua chúa phương đông. Nếu nước Mỹ đối với chúng ta nóng quá không ở được thì anh đã có đủ tư cách để xin làm công dân nước Thổ Nhĩ Kỳ[1].

Từ đó cuộc đời của tôi ở nơi trú ẩn đã tràn đầy hạnh phúc. Kể ra thì chúng tôi làm việc có vất vả, làm việc suốt ngày, nhưng chúng tôi được làm việc với nhau. Chúng tôi được sống bên nhau suốt mười tám tháng trời quý báu. Chúng tôi cũng không sống lẻ loi vì lúc nào cũng có các lãnh tụ và các đồng chí đi đi về về. Tôi được nghe những giọng nói không quen thuộc của các chiến sĩ đang lăn lộn đấu tranh trong vòng bí mật kể lại những nỗ lực phi thường trên khắp chiến tuyến. Đời chúng tôi có nhiều chuyện rất ngộ, rất vui. Chúng tôi không phải chỉ là những người đang âm thầm mưu đồ sự nghiệp; chúng tôi chịu đựng nhọc nhằn, đau khổ, người này ngã xuống thì người khác tiến lên, lúc nào cũng như đùa với cái chết, ấy thế mà chúng tôi vẫn có thì giờ để cười và để yêu. Trong hàng ngũ chúng tôi, có những nghệ sĩ, những nhà bác học, những học giả, những nhạc sĩ và những nhà thơ; và dưới hang chúng tôi ở, văn hoá còn cao hơn là ở những toà lâu đài hay những thành phố kì công của bọn thiểu số thống trị. Thật ra, nhiều đồng chí chúng tôi đã từng làm việc nhọc nhằn để tô điểm cho những toà lâu đài và những thành phố kỳ công đó [2].

Không phải chúng tôi chỉ ru rú trong hầm bí mật. Thỉnh thoảng cũng có đêm chúng tôi phi ngựa trên núi để tập dượt. Những khi ấy chính tôi cưỡi luôn ngựa của lão Wickson. Giá lão ta mà biết ngựa của lão đã cho bao nhiêu người cách mạng cưỡi lên lưng nhỉ! Chúng tôi còn đi cắm trại ở những nơi kín đáo mà chỉ mình chúng tôi biết. Chúng tôi đi từ lúc trời chưa sáng, ở đó suốt ngày, đến tối mịt mới về. Chúng tôi dùng cả kem và bơ của lão Wickson 3 ; và Ernest không phải chỉ bắn cút và thỏ của lão Wickson về ăn, thỉnh thoảng anh còn làm cả con hoẵng con của lão ta nữa.

Thật thế, đây là một nơi trú ẩn an toàn. Tôi đã bảo nó chỉ bị lộ có một lần thôi. Đến đây thì tôi phải nói rõ điều bí mật về vụ con trai lão Wickson mất tích. Bây giờ anh đó chết rồi, cho nên tôi có thể nói tha hồ. Dưới hang chúng tôi có một chỗ mặt trời vẫn chiếu xuống, mỗi ngày được mấy giờ, nhưng rất kín, ở trên nhìn xuống không thấy được. Chúng tôi chở cát dưới sông lên để giải xuống đó. Thành thử ở đó vừa khô ráo lại vừa ấm áp, ra tắm nắng rất tốt. Một hôm vào buổi chiều, tôi nằm ở đó và đang thiu thiu ngủ, tay cầm cuốn thơ của Mendenhall117. Tôi cảm thấy dễ chịu quá, yên tĩnh quá, và những bài thơ trữ tình hừng hực lửa kia cũng không xúc động nổi tôi nữa. Chợt một tảng đất rơi vào chân tôi, và tôi giật mình tỉnh dậy. Rồi tôi nghe thấy có tiếng người từ ở trên leo xuống. Tiếp đó một thanh niên tụt xuống hết cái vách hang bị lở và đứng bên dưới chân tôi. Đó là Philip Wickson, mặc dầu hồi đó tôi chưa biết anh. Anh điềm tĩnh nhìn tôi và khẽ huýt một tiếng sáo tỏ vẻ ngạc nhiên. Rồi anh ngả mũ ra cầm tay, nói: - Kìa, xin lỗi chị. Tôi không dè lại gặp người ở đây.

Tôi không được bình tĩnh như thế. Vì chưa có kinh nghiệm cho nên tôi chưa biết cách ứng phó khi gặp những trường hợp nguy hiểm. Về sau, khi đã thành một điệp viên quốc tế, chắc chắn tôi không còn vụng về như thế nữa. Nhưng lúc đó thì tôi vội vàng nhỏm dậy và thét lên một tiếng để báo động. - Sao chị lại hét lên thế? - Anh ta hỏi và nhìn tôi ngơ ngác. Trông cũng biết, lúc xuống hang, anh không ngờ lại có chúng tôi ở dưới này. Tôi nhận ra điều đó và thấy nhẹ cả người. - Thế anh cho là tôi hét lên để làm gì? - Tôi hỏi vặn lại. Hồi đó tôi đến là vụng, thật thế.

- Tôi cũng chẳng biết nữa, - anh lắc đầu trả lời. - Ít nhất thì chị cũng còn bè bạn ở đây. Dẫu sao chị cũng phải cắt nghĩa cho tôi nghe. Tôi không thích cái kiểu này. Chị đang xâm phạm vào tài sản của người khác. Đây là đất đai của cha tôi, và... Nhưng lúc đó, Biedenbach, vốn là người lễ độ ôn tồn, đứng sau anh khẽ nói: - Giơ tay lên, thưa ông trẻ.

Con trai lão Wickson trước hết giơ tay lên, rồi quay lại nhìn đồng chí Biedenbach đang lăm lăm cầm khẩu tiểu liên "ba mươi-ba mươi" chĩa vào anh ta. Wickson vẫn thản nhiên như không.

- Ồ, ồ, thì ra một ổ cách mạng. Đúng là một tổ ong bầu vẽ, giỏi quá đi mất. Nhưng này, các người sẽ không ở đây lâu được đâu. Tôi có thể nói cho các người biết như thế.

- Chắc chắn ông trẻ sẽ còn được ở đây lâu để xét lại điều ông trẻ vừa tuyên bố, - Biedenbach trả lời lạnh như tiền. - Bây giờ thì mời ông trẻ đi vào bên trong hang với tôi. 117 Trong tất cả các nền văn học và những tài liệu thời đó còn truyền lại đến bây giờ, người ta luôn nhắc

nhở đến thơ ca của Rudolph Mendenhall, chắc chắn phải là một thiên tài vĩ đại. Tuy nhiên, ngoài những vần thơ của anh nói về những chuyện hoang đường và ma quái do tác giả khác trích dẫn, tác phẩm của anh cho đến thời đại chúng ta không còn lại gì, Anh bị cái Gót sắt hành hình năm 1928 thuộc công nguyên.

- Vào trong ấy à? - Người thanh niên tỏ vẻ rất ngạc nhiên. - Các người có hầm mộ ở đây hay sao? Tôi cũng đã nghe nói như vậy. - Thì mời ông trẻ cứ vào mà xem, - Biedenbach trả lời ngọt xớt. - Nhưng như thế là bất hợp pháp, - người thanh niên phản đối.

- Vâng, nhưng đó là theo luật của các ngài, - anh nhân viên khủng bố đáp lại hóm hỉnh. - Còn theo luật của chúng tôi thì đó lại là hợp pháp vô cùng, xin ông trẻ cứ tin như vậy. Ông trẻ cần phải nhớ điều này, là ông trẻ đang ở một thế giới khác, chứ không phải cái thế giới áp bức tàn bạo mà ông trẻ đã từng sống. - Điểm này là có thể thảo luận được, - Wickson lẩm bẩm. - Vâng, thì mời ông trẻ ở lại đây với chúng tôi và thảo luận.

Anh thanh niên cười đi theo người đã bắt mình vào trong nhà. Anh ta bị đưa vào nhốt ở hầm trong. Chúng tôi để một đồng chí trẻ tuổi đứng canh, còn chúng tôi thì đi vào bếp thảo luận.

Biedenbach, nước mắt chạy quanh, chủ trương phải thủ tiêu Wickson. Và anh nhẹ cả người khi nghe chúng tôi biểu quyết bác lời đề nghị khủng khiếp của anh. Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng không thể nghĩ đến chuyện cho cái tên thiểu số thống trị còn ít tuổi này ra khỏi nơi đây. - Để tôi trình bày với các đồng chí một cách giải quyết, - Ernest nói. - Chúng ta sẽ giữ hắn ở đây để giáo dục. - Vậy thì tôi yêu cầu để cho tôi được giải thích cho hắn rõ về pháp luật học, - Biedenbach kêu lên.

Chúng tôi cười rộ và đi tới một quyết nghị. Chúng tôi sẽ giữ Philip Wickson làm tù binh và giáo dục anh ta bằng đạo đức học và xã hội học của chúng tôi. Nhưng trong thời gian chờ đợi, có một việc cần phải làm ngay, xoá bỏ hết dấu vết của tên thiểu số thống trị trẻ tuổi. Có những dấu vết do Wickson để lại khi tụt xuống cái vách hang bị lở. Việc đó được trao cho Biedenbach. Đồng chí này bu lu vào một sợi dây chão, đem hết tinh anh của mình ra làm việc hết cả một buổi chiều cho đến khi không còn một dấu vết nào nữa mới thôi. Tất cả những dấu vết từ miệng hang lên đến hết khe núi, anh cũng xoá bỏ đi như vậy. Rồi lúc sâm sẩm tối, John Carlson đến bắt Wickson đưa cho đôi giày.

Anh chàng thanh niên không chịu đưa mà còn định chống cự để giữ lấy giày. Ernest liền cho anh ta nếm sức mạnh người công nhân bịt móng ngựa nằm trong quả đấm của anh. Về sau, Carlson cho biết rằng đôi giày quá nhỏ, anh bị phồng và xây xát hết cả hai bàn chân. Nhưng anh đã dùng đôi giày đó làm được một việc rất cừ. Từ miệng hang anh đi ngược lên. Đến chỗ có dấu chân Wickson, anh bận giày của hắn ta vào rồi đi về phía tay trái. Anh đi hàng cây số, vòng qua mấy đồi, trèo lên các mô đất, len lỏi xuống các khe núi rồi cuối cùng làm mất dấu vết trên một dòng sông nhỏ. Đến đây anh lột giày ra lội ở dưới sông một khúc cho khỏi có dấu chân và cuối cùng lấy giày của mình ra đi vào. Một tuần sau, Wickson mới được trả lại giày.

Đêm hôm đó một đàn chó săn lồng đi tìm, và trong hang trú ẩn, chúng tôi không sao nhắm được mắt. Ngày hôm sau, nhiều lần đàn chó sục xuống tận khe núi, sủa ầm lên, chạy xô về phía bên trái theo những vết chân mà Carlson đã tạo ra cho chúng và tiếng sủa mất dần trong các khe núi ở trên cao. Trong suốt thời gian ấy, các đồng chí chúng tôi chờ sẵn ở trong hang, tay cầm võ khí. Chúng tôi có súng lục và súng trường tự động, chưa kể sáu khẩu súng thô sơ do Biedenbach chế tạo. Không ai tưởng tượng được bọn người đi cứu Wickson sẽ được một chầu ngạc nhiên như thế nào, nếu họ mò xuống nơi ẩn của chúng tôi. Tôi đã nói thật về sự mất tích của Philip Wickson, trước kia đã từng là một tên thiểu số thống trị, về sau thì trở thành đồng chí cách mạng. Vì cuối cùng, chúng tôi đã cảm hoá được anh. Đầu óc anh còn trong trắng và dễ nhào nặn và bản chất anh là người có đạo đức. Nhiều tháng sau, chúng tôi cho anh cưỡi một con ngựa của cha anh để vượt núi Sonoma và đến bờ sông Petaluma. Rồi chúng tôi đưa anh lên một chiếc tàu đánh cá. Chúng tôi đưa anh đi từng chặng theo đường dây bí mật tới nơi trú ẩn ở Carmel, đi một cách khá dễ dàng.

Anh ở lại đó tám tháng. Sau thòi gian ấy, anh nhất định không muốn rời bỏ chúng tôi, vì hai lí do. Một là anh đã yêu Anna Roylston, hai là anh đã thành người của chúng tôi rồi. Mãi về sau, khi nhận rõ mối tình của mình chỉ là mối tình thất vọng, anh mới chịu làm theo ý muốn chúng tôi, trở về với cha. Bề ngoài thì anh là một tên thiểu số thống trị cho tới lúc chết nhưng thật ra anh là một tay trong hết sức quý báu của chúng tôi. Rất nhiều lần cái Gót sắt phải lúng túng vì những kế hoạch và những hoạt động của nó để chống lại chúng tôi bị thất bại. Giá nó mà biết có bao nhiêu người trong hàng ngũ của nó làm tay trong cho chúng tôi thì nó cũng thừa hiểu. Anh thanh niên Wickson nhất mực trung thành với sự nghiệp, không một lúc nào ngả nghiêng. Ngay việc anh chết cũng là do tận tâm làm nhiệm vụ. Trong cơn bão táp lớn năm 1927, giữa lúc tham gia cuộc hội nghị các lãnh tụ của chúng tôi, anh bị viêm phổi và đã từ trần 4[].

Chú thích:

 Thời đó, tục đa thê vẫn còn thịnh hành ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 Avis Everhard nói như vậy không phải huênh hoang khoác lác đâu. Bông hoa của giới nghệ thuật và giới trí thức là những người cách mạng. Trừ một số nhỏ nhạc sĩ và ca sĩ, trừ một số nhỏ trong bọn thiểu số thống trị, tất cả những nhà sáng tạo lớn của thời kì đó mà tên tuổi còn lại với chúng ta đều là những nhà cách mạng.

 Mãi đến tận thời kì này, kem và bơ vẫn còn làm bằng sữa bò theo những phương pháp thô sơ. Việc chế tạo thực phẩm trong các phòng thí nghiệm khoa học lúc đó chưa bắt đầu.

 Trường hợp của người thanh niên này không phải là duy nhất. Nhiều thanh niên xuất thân trong giới thiểu sô thống trị, do lòng yêu chân lí hoặc do giàu tưởng tượng, đã bị sự vinh quang của cách mạng cám dỗ và hiến đời mình cho cách mạng một cách cao quý và lãng mạn. Con cái bọn quý phái Nga trước đây cũng giống như họ, cũng đã từng đóng vai trò tương tự trong cuộc cách mạng trường kì của nước Nga.