Gót sắt

Chương XIX

Docsach24.com

m phải thay đổi hẳn đi kia", Ernest viết cho tôi thế. "Em phải thôi không còn là em nữa. Em phải thành một người đàn bà khác. Không phải chỉ khác ở bộ quần áo bên ngoài, mà khác hẳn từ bên trong. Em phải đổi khác hẳn đi, đến nỗi chính anh cũng không nhận ra em nữa kia. Khác từ giọng nói, cử chỉ, kiểu cách, dáng dấp, bước đi, tất cả".

Tôi phục tùng mệnh lệnh ấy. Mỗi ngày tôi bỏ ra hàng giờ để tập chôn hẳn Avis Everhard xuống dưới thân hình của một người đàn bà khác mà tôi không thể gọi là "tôi" khác. Chỉ có cách tập luyện kiên trì mới có thể đạt được những kết quả ấy. Cứ riêng về một chi tiết là cách uốn giọng thôi, tôi cũng đã phải tập liên miên cho đến khi giọng nói của con người mới trong tôi trở thành bất di bất dịch và bất cứ lúc nào cũng bật ra như cái máy. Tôi bắt buộc phải đóng vai trò của tôi như một cái máy. Phải đóng thạo đến nỗi chính mình lại có thể đánh lừa cả mình nữa kia. Cũng giống như học một ngôn ngữ mới ấy: học tiếng Pháp chẳng hạn. Thoạt đầu, nói tiếng Pháp là một hành vi có ý thức, một vấn đề ý chí. Người sinh viên nghĩ bằng tiếng Anh rồi chuyển sang tiếng Pháp, hoặc đọc bằng tiếng Pháp nhưng lại chuyển sang tiếng Anh trước khi mình hiểu được nghĩa. Về sau, khi đã có cơ sở vững chắc và đã nhạy như một cái máy, người sinh viên đọc, viết và nghĩ bằng tiếng Pháp, không cần phải nhờ đến tiếng Anh nữa.

Việc cải trang của chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi phải tập cho đến khi đóng trò y như thật; cho đến khi muốn trở lại nguyên hình con người cũ, lại phải đem hết ý chí tập luyện một cách chăm chú. Cố nhiên, lúc đầu chỉ toàn là kinh nghiệm mò mẫm. Chúng tôi đang tạo ra một nghệ thuật mới và có nhiều điều chúng tôi cần khám phá. Nhưng công tác cứ thế đi lên: các vốn thủ đoạn và mưu mẹo đang được tích luỹ. Cái vốn đó đã trở thành một thứ sách giáo khoa được chuyền tay từ người này sang người khác, đã trở thành một bộ môn trong giáo trình của trường huấn luyện cách mạng 1.

Vào hồi này, ba tôi bỗng dưng biến mất. Thư từ của cụ trước vẫn đến tay tôi đều đặn, nay không đến nữa. Người ta không thấy cụ ở nhà chúng tôi, tại phố Pell nữa. Các đồng chí chúng tôi tìm cụ khắp nơi. Thông qua cơ quan mật vụ của chúng tôi, chúng tôi sục sạo tất cả các nhà tù trong nước. Nhưng cụ đã mất tích hoàn toàn, chừng như lòng đất đã mở ra để nuốt chửng cụ đi, và cho đến hôm nay, không ai phát hiện ra một dấu vết gì về sự kết thúc của cụ 2.

Tôi qua sáu tháng trời cô độc trong hầm bí mật, nhưng những tháng đó tôi không đến nỗi ăn dưng ngồi rồi. Tổ chức của chúng tôi tiến triển rất mau, và công việc lúc nào cũng chất thành núi chờ chúng tôi giải quyết. Ernest cùng với các lãnh tụ khác trong tù quyết định những công việc phải làm, và chúng tôi ở bên ngoài chỉ việc đem chấp hành. Phải tổ chức công tác tuyên truyền miệng; phải tổ chức hệ thống tình báo có đủ các chi nhánh; phải lập những cơ quan in bí mật; phải đặt đường xe lửa ngầm nghĩa là hệ thống liên lạc giữa trăm nghìn những nơi trú ngụ ẩn của chúng tôi; phải lập những nơi trú ẩn mới ở những vùng cần thiết để cho sợi dây xích mà chúng tôi giăng trên khắp đất nước không thiếu một mắt nào.

Cho nên, như tôi đã nói, việc không bao giờ hết. Sáu tháng sau, có hai đồng chí đến, và tôi không còn cô độc nữa. Đó là hai thiếu nữ, hai tâm hồn dũng cảm, yêu tự do một cách say đắm: chị Lora Peterson, mất tích năm 1922 và chị Kate Bierce về sau lấy đồng chí Du Bois, và hiện nay vẫn cùng chúng tôi ngước mắt nhìn lên vầng mặt trời của ngày mai, nó báo hiệu một thời đại mới.

Hai người thiếu nữ đến với một vẻ bàng hoàng người ta vẫn thường có khi thần kinh bị căng thẳng, khi gặp nguy hiểm hay gặp cái chết bất thần.

Trong đám thuỷ thủ của chiếc tàu đánh cá chở họ vượt vịnh San Pablo, có một tên mật thám. Nó làm tay sai cho cái Gót sắt, nhưng đã đánh lộn sòng được vào hàng ngũ cách mạng và đã đi sâu vào những bí mật của tổ chức chúng tôi. Không còn nghi ngờ gì nữa: nó đang lùng tung tích của chúng tôi, vì từ lâu chúng tôi đã được biết rằng việc tôi bỗng dưng biến mất đã gây một mối lo ngại lớn cho cơ quan mật vụ của tập đoàn thiểu số thống trị. May thay, như các sự việc sau này chứng tỏ, tên mật thám vẫn chưa phổ biến những khám phá của nó cho ai cả. Chắc nó hoãn lại chưa báo cáo là để đợi công việc tiến hành đâu vào đấy, đến khi tìm được nơi ẩn của tôi và bắt được tôi sẽ hay. Nhưng những tài liệu điều tra của nó đã chết theo nó.

Sau khi hai thiếu nữ ở sông Petaluma lên bộ và lấy ngựa đi, tên mật thám đã bịa ra một lí do để trốn khỏi tàu. Nhưng dọc đường đi lên núi Sonoma, Carlson để cho hai thiếu nữ dắt ngựa của anh đi trước còn anh thì đi chận quay trở lại. Anh đã bắt đầu nghi. Anh bắt tên mật thám. Câu chuyện về sau xảy ra như thế nào, Carlson đã cho chúng tôi một ý niệm rõ ràng.

- Tôi giải quyết luôn thằng ấy, - Carlson kể lại bằng một giọng mộc mạc. - Tôi giải quyết luôn, - anh nhắc lại; và lúc đó một tia sáng thầm lặng đốt cháy đôi mắt anh, còn hai bàn tay sần sùi vì lao động của anh thì xoè ra bóp vào thay cho lời giải thích. - Nó không kêu được một tiếng. Tôi giấu nó đi một nơi rồi. Đêm nay tôi sẽ quay lại đào một cái hố thật sâu để chôn nó.

Hồi đó, tôi thường ngạc nhiên vì sự lột xác của tôi. Có lúc tôi hầu như không tin được rằng xưa kia mình vẫn sống một cuộc đời phẳng lặng, thanh bình trong một thành phố đại học, lại có lúc tôi hầu như không tin được rằng mình đã thành một người cách mạng, dày dạn với những cảnh gian lao chết chóc. Trong hai điều này, nhất định phải có một điều phi lí. Một cái là thật, một cái là mơ, nhưng biết cái nào là cái nào? Cuộc đời cách mạng ẩn náu dưới hang sâu của tôi hiện nay là một cơn ác mộng chăng? Hay là giữa lúc đi làm cách mạng, tôi chợt mơ thấy rằng có một kiếp trước mình đã từng sống ở Berkeley và ngoài những bữa tiệc trà, những cuộc khiêu vũ, những cuộc họp mặt tranh luận của giới thượng lưu, những giảng đường của trường Đại học ra, mình không hề biết thế nào là một cuộc đời sóng gió? Nhưng rồi tôi lại cho rằng những băn khoăn riêng của tôi là của những ai đang tập hợp dưới lá cờ đỏ đấu tranh cho tình huynh đệ giữa những con người.

Tôi thường nhớ lại những nhân vật gặp trong cuộc đời trước của tôi. Kể cũng lạ, trong cuộc đời mới này, thỉnh thoảng tôi lại thấy họ hiện ra, rồi lại biến đi. Tôi nhớ đến đức Giám mục Morehouse. Sau khi tổ chức của chúng tôi đã phát triển, chúng tôi tìm kiếm mãi Người mà không thấy. Người bị chuyển hết viện điều dưỡng này sang viện điều dưỡng khác. Chúng tôi bám được dấu của Người từ ờ nhà thương điên Napa sang đến nhà thương điên Stockton và từ đó sang nhà thương điên khác ở thung lũng Santa Clara, gọi là nhà thương Agnews, rồi hết, không còn dấu vết gì nữa. Người không có giấy khai tử. Có lẽ Người đã trốn được bằng cách này hay cách khác. Tôi không ngờ lại được thấy Người một lần nữa trong một tình cảnh rất thê thảm, thấy thoáng một cái thôi, giữa cơn lốc tàn sát để đè bẹp Công xã Chicago.

Còn anh Jackson bị mất một cánh tay ở nhà máy sợi Sierra và đã khiến cho tôi bỏ đi làm cách mạng, tôi không gặp lại anh bao giờ, nhưng tất cả chúng tôi đều biết những việc anh làm trước khi chết. Anh tuyệt nhiên không đi theo cách mạng. Chua xót về số phận, căm uất vì bất công, anh trở thành một kẻ vô chính phủ. Không phải một kẻ vô chính phủ về mặt triết học đâu, mà là một con vật điên cuồng vì cừu hận và ý muốn phục thù. Anh đã trả được thù cho bản thân anh. Một đêm, giữa lúc mọi người đang ngủ say, anh lọt qua chỗ bọn gác cửa và giật bom làm nổ tung toà lâu đài của lão Pertonwaithe. Không một mống nào chạy thoát, kể cả bọn gác. Khi bị tống giam chờ ngày xét xử, anh thắt cổ chết ở trong chăn.

Số phận của bác sĩ Hammerfield và bác sĩ Ballingford khác hẳn số phận của Jackson. Hai vị vẫn ăn cây nào rào cây ấy. Hai vị được Nhà thờ thưởng rất hậu và sống bình chân như vại trong những toà lâu đài nguy nga. Cả hai vị đều là những người biện hộ cho tập đoàn thiểu số thống trị. Cả hai đều béo hú lên. Một hôm Ernest bảo "Bác sĩ Hammerfield đã thành công trong việc cải biên cái thuyết siêu hình học của ngài, để đem lại một lời phê chuẩn của Chúa cho cái Gót sắt, đồng thời để gây một phong trào tôn thờ cái đẹp rộng rãi và để đem cái loài có xương sống và mờ mờ như thể hơi mà Haeckel đã miêu tả thu lại thành một quái tượng vô hình. Sự khác nhau giữa bác sĩ Hammerfield và bác sĩ Ballingford là ngài sau đã làm cho đấng Thượng đế của tập đoàn thiểu số thống trị thành ra mờ mờ hơn nữa và ít có xương sống hơn".

Peter Donnelly, viên đốc công "vàng" ở nhà máy dệt Sierra mà tôi đã tìm gặp khi đi điều tra trường hợp của Jackson, đã làm cho tất cả chúng tôi ngạc nhiên. Năm 1918, tôi có mặt trong một cuộc hội nghị của tổ chức San Francisco đỏ. So với tất cả những Đội chiến đấu của chúng tôi thì đó là đội ghê gớm nhất và thẳng tay nhất. Thật ra nó không phải là một bộ phận của tổ chức chúng tôi. Đội viên của nó là những kẻ cuồng tín, điên khùng. Chúng tôi không dám khuyến khích một tinh thần như thế. Vả lại, tuy họ không thuộc chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn giữ quan hệ tốt với họ. Tôi đến với họ tối hôm đó là để thể hiện một nhiệm vụ có tầm quan trọng sống còn. Một mình ở giữa hai chục người, chi có tôi là không đeo mặt nạ. Thương nghị xong xuôi, tôi được một người trong bọn họ dẫn đi. Đến một chỗ tối, người dẫn đường đánh một que diêm, cầm sát vào mặt và bỏ mặt nạ ra. Tôi đứng sững ra nhìn những nét mặt cháy rực nhiệt tình của Peter Donnelly. Rồi que diêm tắt. - Tôi cũng chỉ muốn chị biết đây chính là tôi thôi, - hắn nói trong đêm tối. - Chị có nhớ lão giám đốc Dallas không? Tôi gật đầu hồi tưởng lại bộ mặt cáo già của viên giám đốc nhà máy dệt Sierra.

- Tôi khử nó trước, rồi thì tôi gia nhập tổ chức Đỏ, - Donnelly nói bằng một giọng kiêu hãnh. - Nhưng làm thế nào mà anh lại ở đây? - tôi hỏi. - Thế còn vợ con anh?

- Chết rồi, - hắn ta đáp. - Chính là vì thế. Không, - hắn ta nói tiếp rất mau. - Không phải do trả thù cho vợ con tôi đâu. Vợ con tôi đều chết êm ả trên giường. Chết bệnh mà, chị hiểu không? Thì đá cũng có khi đổ mồ hôi chứ! Còn mồ ma vợ con tôi, vợ con tôi đã trói tay tôi lại. Bây giờ vợ con chết rồi thì tôi phải trả thù cho cái kiếp người tàn tạ của tôi. Có một thời tôi đã từng là Peter Donnelly, viên đốc công "vàng". Bây giờ tôi là số 27 của đội San Francisco đỏ. Ta đi thôi, tôi sẽ dẫn chị ra khỏi nơi này.

Về sau tôi được nghe nói thêm về hắn. Hắn đã nói sự thật theo kiểu của hắn, khi hắn bảo rằng vợ con hắn đã chết cả. Thật ra một đứa con hắn còn sống, tên là Timothy, nhưng hắn coi như đã chết rồi, vì nó đi làm tay sai cho cái Gót sắt trong đạo quân đánh thuê 3. Mỗi đội viên Đội San Francisco đỏ thề thực hiện được mười hai vụ xử tử trong một năm. Nếu thất bại thì phải chịu hình phạt chết. Đội viên nào không đạt được con số đã quy định đều phải tự tử. Các vụ xử tử không phải là tiến hành gặp chăng hay chớ. Bọn người điên cuồng này hội họp luôn và tuyên bố hàng loạt bản án đối với những tên hung hăng nhất trong bọn thiểu số thống trị và tay sai. Sau đó việc xử tội được phân công theo cách rút thăm.

Thật ra, đêm hôm đó tôi đến gặp họ cũng vì một vụ xử án như vậy. Một đồng chí của chúng tôi từ nhiều năm đã tìm cách giữ một chức thư kí trong cơ quan mật vụ địa phương của cái Gót sắt. Đồng chí bị Đội San Francisco đỏ tuyên bố xử tử. Cố nhiên anh đồng chí đó không có mặt trong lúc xử, và cố nhiên những người xử anh không biết rằng anh là người của chúng tôi. Sứ mạng của chúng tôi là chứng thúc nhận dạng cũng như sự trung thành của anh. Tất sẽ có người hỏi vì sao chúng tôi biết được việc này. Cũng dễ cắt nghĩa thôi. Một nhân viên mật vụ của chúng tôi là đội viên Đội San Francisco đỏ. Chúng tôi cần để mắt tới cả bạn lẫn thù. Cái nhóm người điên cuồng này cũng khá quan trọng, không chú ý đến không được.

Nhưng ta hãy trở lại Peter Donnelly và con trai. Donnelly hoạt động rất tốt cho đến năm sau, khi hắn thấy trong tập bản án hắn phải thi hành có tên con trai của hắn là Timothy Donnelly. Thế là tình gia đình trước kia vốn đã hết sức nặng trong con người hắn lúc này thức dậy. Để cứu con trai, hắn đã phản bội đồng chí. Hắn đã bị chặn tay lại một phần nào, nhưng mười hai đội viên Đội San Francisco đỏ cũng đã bị xử tử và đội đó gần như tiêu diệt. Để trừng trị lại, những người sống sót đã kết liễu đời hắn cho bõ với tội phản bội của hắn.

Thằng Timothy Donnelly cũng chẳng sống được lâu hơn. Những đội viên San Francisco đỏ thề xử tử nó bằng được. Bọn thiểu số thống trị tìm hết cách để cứu nó. Nó được đổi đi lung tung khắp nước, hết nơi này sang nơi khác. Ba đội viên đỏ đã bỏ mạng để săn nó mà cũng không được. Đội San Francisco đỏ hồi đó chỉ gồm toàn nam giới. Cuối cùng họ phải nhờ đến tay một người đàn bà, một nữ đồng chí của chúng tôi. Người đó không phải ai khác, mà là Anna Roylston. Nội bộ chúng tôi cấm không cho chị nhận, nhưng chị thường vẫn có những ý thích riêng và coi thường kỉ luật. Vả lại chị rất có tài và rất dễ thương cho nên chúng tôi chưa bao giờ kỷ luật chị bằng cách nào được. Chị thật là một loại riêng biệt, khác hẳn những mẫu mực bình thường của người cách mạng.

Mặc dầu chúng tôi không cho phép chị làm như vậy, chị vẫn cứ làm. Lúc đó Anna Roylston là một người đàn bà rất đẹp. Chị chỉ cần vẫy tay một cái là chinh phục được một đàn ông. Chị đã từng làm tan nát chừng hai chục trái tim trong những đồng chí trẻ của chúng tôi và chiếm được chừng hai chục trái tim khác để đưa họ vào tổ chức. Thế mà chị vẫn nhất quyết không chịu lấy chồng. Chị rất yêu trẻ con, nhưng cho rằng có con thì không phục vụ được sự nghiệp. Mà chị thì đã quyết hiến mình cho sự nghiệp.

Đối với Anna Roylston, chinh phục Timothy Donnelly là chuyện rất dễ. Lương tâm chị cũng không cắn rứt chị, vì đúng vào lúc đó xảy ra vụ thảm sát Nashville. Đội quân đánh thuê, do Timothy Donnelly chỉ huy, đã tàn sát tám trăm công nhân dệt của thành phố đó. Nhưng chị không giết Donnelly. Chị bắt nó trao cho Đội San Francisco đỏ. Việc này xảy ra mới hồi năm ngoái, và bây giờ chị đã được đặt tên lại. Những người cách mạng ở khắp nơi gọi chị là "Nàng trinh nữ đỏ"[ 4].

Đại tá Ingram và đại tá Van Gilbert, hai nhân vật này về sau đối với tôi còn quen thuộc hơn nữa. Tôi gặp họ luôn. Đại tá Ingram leo lên khá cao trong tập đoàn thiểu số thống trị, và làm tới chức đại sứ ở Đức. Y bị vô sản ở cả hai nước ghét cay ghét đắng. Tôi gặp y ở Berlin. Với tư cách một điệp viên quốc tế do cái Gót sắt phái đến, tôi đã được y tiếp và đã được giúp đỡ nhiều. Nhân đây, tôi cũng xin nói rằng với vai trò "hai mang" của tôi, tôi đã hoàn thành được một số việc trọng đại cho Cách mạng.

Đại tá Van Gilbert trở nên khét tiếng. Người ta gọi y là Van Gilbert "răng nhe như răng chó". Y giữ một vai trò quan trọng trong việc thảo bộ luật mới sau công xã Chicago. Nhưng trước đó, do chỗ y làm quan toà xử án, y đã được một cái án tử hình vì sự tàn ác quỷ quyệt của y. Tôi ở trong số những người xử và tuyên án. Anna Roylston thi hành bản án.

Lại còn một hình ảnh nữa từ trong cuộc đời cũ hiện ra. Đó là Joseph Hurd, viên luật sư của Jackson. Trong tất cả mọi người, tôi ít chờ đợi gặp hắn ta hơn cả. Thật là một cuộc gặp mặt lạ lùng. Một đêm đã khuya, hai năm sau Công xã Chicago, Ernest và tôi đến nơi ẩn náu ở cảng Benton. Nơi ẩn náu này ở Michigan, bên bờ hồ đối diện với Chicago. Chúng tôi đến đúng lúc kết thúc vụ án xử một tên mật thám. Bản án tử hình vừa tuyên bố xong và người ta đem tên mật thám đi. Cảnh tượng lúc chúng tôi đến là như vậy. Một lúc sau, thằng khốn nạn vùng tay khỏi người áp tải, phủ phục dưới chân tôi, ôm chặt lấy hai đầu gối tôi và cuống cuồng xin tha tội chết. Lúc nó ngẩng cái mặt nhợt nhạt lên nhìn tôi, tôi mới nhận ra Joseph Hurd. Tôi đã mục kích nhiều cảnh ghê rợn, nhưng chưa bao giờ thần kinh tôi lại rão cả ra như lúc tôi thấy thằng cha ấy nói như điên cuồng để bào chữa cho mình được sống. Nó điên cuồng bám lấy cái sống. Trông đến là thảm. Nó nhất định níu tôi lại, mặc dầu có đến mười hai đồng chí giằng nó ra. Nó bị kéo đi xềnh xệch, vừa đi vừa rú lên nghe rất thống thiết. Nó vừa đi khỏi thì tôi ngã quay ra và nằm ngất trên sàn nhà. Nhìn những người dũng cảm chết bao giờ cũng dễ dàng hơn là nghe một đứa hèn nhát ăn mày cái sống [5].

Chú thích:

 Thời kì đó, cải trang trở thành một nghệ thuật thực sự. Những người cách mạng tổ chức nhữngtrường dạy đóng kịch trong tất cả các nơi ẩn náu bí mật. Họ coi khinh những dụng cụ của các diễn viên sân khấu như tóc giả, râu giả, lông mày giả. Trò chơi của cách mạng là chơi với cái sống và chơi với cái chết. Những dụng cụ duy nhất là những cái bẫy để đánh lừa quân thù. Cải trang phải triệt để, phải từ bên trong mà ra, phải là một bộ phận khăng khít của mình, phải là cái bản chất thứ hai của mình. Người ta kể lại "Nàng trinh nữ đỏ" là trong số những người thành thạo nhất về nghệ thuật đó. Ta có thể khẳng định rằng chính là nhờ nghệ thuật đó mà chị đã hoạt động được lâu và gây được nhiều thành tích như thế.

 Những vụ mất tích như vậy đã trở thành một nỗi kinh hoàng của thời đại. Trong các bài hát và các truyện, người ta thấy nhan nhản những đề tài về mất tích. Đó là hậu quả tất nhiên của cuộc chiến tranh ngầm, nó diễn ra khốc liệt trong suốt ba thế kỉ đó. Hiện tượng đó gần như phổ biến trong hàng ngũ của bọn thiểu số thống trị và các đẳng cấp lao động cũng như trong hàng ngũ cách mạng. Đàn ông, đàn bà, thậm chí cả trẻ con bỗng dưng biến mất, không được lấy một lời cảnh báo, mà cũng không để lại một dấu vết gì, và cuộc đời của họ kết thúc trong bức màn bí ẩn.

 Ngoài những đẳng cấp lao động ra, còn xuất hiện một đẳng cấp khác, đẳng cấp quân sự. Một đạo quân thường trực gồm những binh lính nhà nghề được tổ chức, do những sĩ quan xuất thân từ giai cấp thiểu số thống trị chi huy, gọi tên là đội Mercenaries (dịch sang tiếng Việt là Đạo quân đánh thuê - ND). Tổ chức này thay thế tổ chức dân vệ đã tỏ ra không thể thực hiện được dưới chế độ mới. Ngoài cơ quan mật vụ thường của cái Gót sắt, sau này còn thành lập một cơ quan mật vụ của Đạo quân đánh thuê, nó là một khâu xích nối liền cảnh sát với quân đội.

 Mãi sau khi cuộc khởi nghĩa thứ hai bị đè bẹp, Đội San Francisco đỏ mới lại phát triển. Nó phát triển được hai thế hệ. Về sau, một tên mật thám của cái Gót sắt chui được vào làm đội viên, nắm được mọi bí mật của đội và làm cho đội bị tiêu diệt hoàn toàn. Việc này xảy ra vào năm 2002 thuộc công nguyên. Những đội viên của Đội bị xử tử từng người một, người nọ cách người kia ba tuần, và xác họ bị đem bêu ở khu lao động tại San Francisco.

 Nơi ẩn náu ở bến Benton là một cái mộ xây, cửa ra vào được bố trí khéo léo trong một cái giếng. Nơi này được giữ gìn rất cẩn thận. Ngày nay khách tham quan có thể đi khắp các ngõ ngách và đến một cái hội trường. Không còn nghi ngờ gì nữa, cảnh tượng mà Avis Everhard tả ở đây đã diễn ra trong hội trường này. Xa hơn nữa là nghĩa trang gồm những dãy hành lang khúc khuỷu đào ngay vào đá rắn. Hai bên hành lanh là những cái hang xếp thành tầng như tổ ong, trong đó những nhà cách mạng yên nghỉ, vẫn y nguyên như hồi các đồng chí của họ đã mai táng họ từ bao nhiêu thế kỉ.