Gót sắt

Chương V

Docsach24.com

rnest có mặt ở nhà tôi luôn. Anh đến không phải chỉ vì ba tôi, cũng không phải chỉ vì những bữa tiệc tranh luận. Ngay hồi ấy tôi đã tự hào là do mình một phần cho nên anh mới hay lui tới. Chẳng bao lâu, tôi thấy ức đoán của tôi là đúng. Bởi vì không có ai yêu mà lại như Ernest Everhard bao giờ. Những lúc hoàn cảnh cho phép, anh nhìn tôi chằm chằm và xiết tay tôi ngày càng chặt hơn. Câu hỏi lộ ra trong khoé mắt anh từ lúc ban đầu đối với tôi ngày càng như một mệnh lệnh.

Lần đầu gặp anh, tôi có ấn tượng không tốt. Rồi tôi bị anh hút lại gần. Rồi tôi ghét cay ghét đắng anh khi đả kích giai cấp tôi và tôi. Sau đó nhận thấy anh không hề nói không cho giai cấp tôi và tất cả những lời phũ phàng chua xót anh đã thốt ra đều xứng đáng cả, tôi lại càng gần anh hơn nữa. Anh thành nhà tiên tri của tôi. Anh giúp tôi giật bỏ cái mặt nạ của xã hội, cho tôi nhìn thấy những sự thật ghê tởm không ai có thể chối cãi được.

Như tôi đã nói, chưa bao giờ có ai yêu mà lại như anh. Một thiếu nữ sống ở thành phố và đã học đến năm hai mươi tư tuổi nhất định phải có kinh nghiệm về tình yêu. Tôi đã từng có nhiều người theo đuổi, từ những sinh viên trẻ măng đến những giáo sư đã bạc đầu, cả những nhà điền kinh và những nhà bóng tròn nổi tiếng nữa. Nhưng không ai tỏ tình với tôi như Ernest. Anh ôm tôi vào lòng lúc nào, tôi không biết nữa. Môi anh đặt lên môi tôi trước khi tôi kịp phản đối hay kháng cự. Trước sự sôi nổi của anh, cái phong cách chững chạc hình thức của những thanh niên khác thành ra lố bịch. Anh tấn công mãnh liệt quá, tôi không sao cưỡng lại được. Anh chẳng đề nghị gì cả. Anh ôm lấy tôi hôn và coi như thế là chúng tôi thành vợ chồng. Chúng tôi cũng không có gì phải thảo luận với nhau. Mãi về sau, chúng tôi chỉ bàn nhau đến ngày nào thì cưới.

Thật là có một không hai. Thật là khó tin. Ấy thế mà cũng như sự thử thách của chân lý mà anh nêu ra, cái đó vẫn vận dụng được. Tôi phó thác đời tôi cho nó. Và sự tin tưởng của tôi đặt cũng đúng chỗ thôi. Tuy nhiên, khi mới yêu nhau, cứ nghĩ đến cái cung cách anh tỏ tình yêu sôi nổi quá, mạnh mẽ quá như thế, tôi vẫn sợ. Nhưng cái sợ của tôi thật là vô căn cứ. Chưa một người phụ nữ nào lại có được một người chồng dịu dàng, ngọt ngào như thế. Cái dịu dàng hoà với cái dữ dội trong con người anh, cũng như cái ngượng nghịu và cái tự do phóng túng cùng hiện ra trên những dáng bộ của anh. Cái vẻ ngượng nghịu của anh, anh không giấu được, nhưng trông đến dễ thương. Cách cư xử của anh trong phòng khách nhà tôi làm cho tôi nhớ đến một chú bò thận trọng, khôn ngoan trong một cửa hàng bán đồ sứ![40] Trong tiềm thức vẫn có lúc tôi còn nghi hoặc, không rõ mình đã hoàn toàn yêu anh thật chưa; và đến lúc này sự nghi ngờ của tôi mới biến đi hẳn. Tối hôm đó thật là tuyệt. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở Câu lạc bộ những người hiếu học. Ernest đã vào tận sào huyệt đọ gươm với các ông chủ. Hồi ấy Câu lạc bộ những người hiếu học là câu lạc bộ thượng lưu vào bậc nhất bên bờ Thái Bình Dương. Câu lạc bộ này do cô Brentwood, một cô gái nhà giàu ghê gớm, lập nên. Đối với cô, nó vừa là chồng, vừa là gia đình, vừa là nơi tiêu khiển. Hội viên gồm những tay giàu có nhất trong xã hội, những khối óc thông minh nhất trong giới nhà giàu. Để cho nó đượm màu tri thức, câu lạc bộ còn kết nạp thêm một số học giả nổi tiếng nữa.

Câu lạc bộ không có trụ sở nhất định. Mỗi tháng một kỳ, nó họp tại nhà riêng một hội viên để nghe một bài diễn giảng. Diễn giả thường vẫn được trả tiền. Nếu một nhà hoá học ở New York khám phá ra một điều gì mới lạ về radium chẳng hạn, câu lạc bộ thường chịu những chi phí đi đường cho ông ta đi suốt lục địa và đãi ông ta một món tiền hết sức hậu hĩ để đền bù vào chỗ thì giờ ông ta mất. Đối với những nhà thám hiểm ở Bắc cực hay Nam cực về và những tài năng mới xuất hiện trong văn học nghệ thuật cũng vậy. Người ngoài không ai được bước chân vào câu lạc bộ, vì họ chủ trương không để một cuộc tranh luận nào lọt lên mặt báo. Cho nên những chính khách lớn – cũng có nhiều dịp họ đến – có thể tha hồ nói những điều họ nghĩ trong óc.

Lúc này, tôi giở lại bức thư đã nhàu Ernest viết cho tôi hai mươi năm về trước. Tôi chép ra đây một đoạn:

“Ba em là hội viên Câu lạc bộ những người hiếu học, cho nên em có thể đến đấy được. Vậy thứ Ba tới, em nên đến. Trong những cuộc gặp gỡ trước em lay không chuyển các ông chủ bà chủ. Nếu em tới anh sẽ lay hộ em. Anh sẽ làm cho các ông chủ bà chủ rống lên như một bầy thú dữ. Trước, em chỉ hỏi về đạo đức của họ thôi. Hỏi họ về đạo đức thì bao giờ họ cũng lên mặt hơn người. Nhưng anh sẽ doạ cướp túi tiền của họ. Cái bản chất nguyên thủy của họ lúc ấy mới rung chuyển đến tận gốc. Em mà đến được thì sẽ thấy một lũ người rừng bận quần áo dạ hội gầm lên và nhe răng ra để bảo vệ một cái xương. Anh hứa trước là em sẽ thấy họ rống lên như một bầy thú; em sẽ thấy rõ tâm can của họ, thật không khác gì một bầy thú.

“Họ mời anh cốt để đập anh một trận tơi bời. Sáng kiến đó là của mụ Brentwood. Lúc mời anh mụ đã vụng về để lộ thâm ý của mụ ra.

Trước, đã có lần mụ làm cho họ được một trận cười no nê như thế. Họ đang khoái kiếm ra mấy anh cải lương hiền lành, dễ tin. Mụ Brentwood tưởng anh cũng hiền như một chú mèo con và cũng ngốc như một chị bò cái người ta nuôi trong nhà. Anh nói thật nhé, chính anh đã cho mụ ta có ấn tượng như vậy. Mụ ta mới đầu còn thử mãi, nhưng cuối cùng mụ ta cho anh là vô hại. Anh sẽ được một món bẫm: hai trăm năm mươi đô-la. Đảng viên Đảng cấp tiến ra tranh ghế thống đốc cũng chỉ mất ngần ấy tiền. Anh cũng sẽ phải mặc quần áo dạ hội. Họ bắt buộc anh phải mặc. Trong đời chưa bao giờ anh thắng bộ như vậy. Có lẽ anh sẽ thuê một bộ. Nhưng anh sẽ còn làm hơn thế nữa kia để chơi lại cho họ một vố”.

Trong số những nơi thường họp, tối hôm ấy, câu lạc bộ chọn nhà ông bà Pertonwaithe. Người ta kê thêm ghế trong phòng khách lớn, và tất cả có tới hai trăm “người hiếu học” ngồi nghe Ernest. Họ đúng là những ông hoàng trị vì xã hội. Tôi ngồi buồn tính nhẩm số tiền họ có, xoàng cũng được hàng trăm triệu đô-la. Họ không phải là những nhà giàu ăn không ngồi rồi đâu. Họ là những tay kinh doanh tham gia hết sức tích cực vào mọi mặt sinh hoạt công nghiệp và chính trị.

Chúng tôi đang ngồi thì cô Brentwood dẫn Ernest vào. Cả phòng xôn xao. Anh bận quần áo dạ hội, vai rộng, đầu cất lên hãnh diện, trông oai như một vị hoàng tử. Nhưng khi cử động, anh vẫn có cái dáng ngượng nghịu thường ngày. Tôi nghĩ, cứ riêng cái vẻ ngượng nghịu hay hay kia cũng khiến tôi có thể yêu được anh rồi. Tôi nhìn anh và biết rằng anh cũng đang thích chí lắm. Tôi cảm thấy mạch anh đập trong tay tôi, như khi anh xiết chặt tay tôi. Tôi cảm thấy môi anh như áp vào môi tôi. Tôi kiêu hãnh quá, những muốn đứng dậy nói to lên cho mọi người nghe tiếng: “Ernest là của tôi. Anh đã từng ôm tôi vào lòng anh, và trừ muôn ngàn những ý nghĩ cao cả của anh ra, chỉ có tôi, chỉ có mình tôi chiếm đoạt tâm trí anh!” Đến đầu phòng đằng kia, cô Brentwood giới thiệu anh với đại tá Van Gilbert và tôi biết là đại tá sẽ chủ toạ buổi họp. Đại tá Van Gilbert là một luật sư nổi tiếng chuyên cãi cho các công ty độc quyền. Không những thế, ông giàu không để đâu hết của. Số tiền thù lao nhỏ nhất mà ông ta chịu nhận là mười vạn đô-la. Ông là bậc thầy trong giới luật. Luật pháp trong tay ông cũng chỉ như một con rối cho ông giật. Ông nhào nặn luật pháp như người ta nặn đất thó, và ông có thể vặn vẹo, bóp méo luật pháp tuỳ theo ý ông. Nhìn bề ngoài và nghe cách biện luận của ông thì tưởng như ông là người cổ, nhưng thực ra trí tưởng tượng, kiến thức và thủ đoạn của ông rất mới, mới không kém gì những đạo luật mới nhất mà Nhà nước ban hành. Ông bắt đầu nổi tiếng từ khi thủ tiêu được tờ di chúc của Shardwell [41]. Riêng việc ấy ông được thù lao năm mươi vạn đô-la. Từ đó, ông lên vun vút như tên lửa. Ông thường được gọi là nhà luật sư lớn nhất trong nước – cố nhiên là luật sư của các công ty độc quyền. Không ai là không liệt ông vào hàng ba luật sư đại tài của Hoa Kỳ.

Ông bắt đầu nói mấy câu rất lịch sự nhưng cũng rất mỉa mai để giới thiệu Ernest. Ông châm biếm hết sức kín đáo. Ông gọi Ernest là nhà cải lương xã hội, thành viên của giai cấp công nhân và cử toạ đều tủm tỉm cười. Tôi nghe thấy thế giận lắm, đưa mắt nhìn Ernest. Anh không có vẻ gì là tức vì những câu xỏ xiên tinh vi ấy. Tệ hơn nữa, hình như anh không biết họ xỏ xiên mình. Anh ngồi ngây như phỗng, trông đến là ngớ ngẩn. Tôi thoáng nghĩ: hay là anh sợ thế lực của họ, sợ óc thông minh của họ. Nhưng tôi mỉm cười ngay. Anh lừa thế nào được tôi! Ấy thế mà anh lừa được người khác, cũng như anh đã lừa cô Brentwood. Cô ngồi ở một cái ghế trên hàng đầu, chốc chốc lại quay sang cười với các bạn, tỏ ý tán thưởng những lời xỏ ngọt của diễn giả.

Đại tá Van Gilbert hết lời, Ernest đứng dậy bắt đầu nói. Anh nói lý nhí, nhát gừng, giọng khiêm tốn, vẻ bối rối hiện trên mặt. Anh nói về xuất thân của anh trong giai cấp công nhân, hoàn cảnh sống nghèo hèn cơ cực của anh, trong đó xương thịt cũng như tâm hồn con người đều bị đoạ đày, đói khát. Anh miêu tả những khát vọng là lý tưởng của anh trong tuổi thiếu thời, quan điểm của anh về cái thiên đường mà những người thuộc giai cấp trên đang sống.

- Hồi đó, tôi cho là bên trên đầu tôi chỉ có những tâm hồn vị tha, những tư tưởng trong sạch và cao quý, một đời sống trí tuệ hết sức phong phú. Tôi nghĩ như thế vì tôi đọc tiểu thuyết của “Tủ sách bờ biển” [42], trong đó trừ những hạng trai tứ chiếng gái giang hồ ra, còn tất cả các ông, các bà, các cô, các cậu đều nghĩ những ý nghĩ tốt đẹp, nói những lời lẽ tốt đẹp và hành động như những nhà nghĩa hiệp. Tóm lại cũng như tôi thừa nhận có mặt trời mọc, hồi ấy tôi thừa nhận rằng trên đầu tôi chỉ toàn những cái hay, cái đẹp, cái cao quý, toàn là những cái nó đem lại cho con người thể diện và nhân phẩm, toàn là những cái nó làm cho cuộc đời đáng sống, toàn là những cái nó đền bù cho những nỗi vất vả, cơ cực của con người.

Anh tiếp tục kể đến cuộc đời anh trong nhà máy, thời kỳ anh học nghề đóng móng ngựa và sự gặp gỡ với những đảng viên xã hội. Anh bảo trong số những người này anh thấy những khối óc thông minh tuyệt vời, những trí tuệ sắc sảo, những nhà tu hành bị sa thải bởi vì đạo của họ rộng hơn tất cả các hội thánh thờ con bò vàng và những giáo sư đại học bị sa thải vì không chịu làm đầy tớ cho giai cấp thống trị. Anh bảo những đảng viên xã hội là những người cách mạng đấu tranh để lật đổ cái xã hội bất hợp lý ngày nay và để xây dựng cái xã hội hợp lý ngày mai. Anh còn nói nhiều nữa, viết ra thì dài quá; nhưng tôi sẽ không bao giờ quên anh đã tả lại quãng đời anh sống giữa những người cách mạng như thế nào. Cái điệu nhát gừng của anh mất hẳn. Giọng anh mạnh hẳn lên và đầy tự tin; nó cũng cháy bừng bừng như bản thân anh, như những tư tưởng mà anh trình bày thao thao bất tuyệt. Anh bảo:

- Sống giữa những người cách mạng này, tôi cũng thấy lòng tin nồng nhiệt vào con người, lòng yêu lý tưởng chói lọi, lòng vị tha cao quý, sự quên mình và sự hi sinh không bờ bến; tóm lại tất cả những gì tốt đẹp nhất, sâu xa nhất của tâm hồn. Cuộc sống ở đây thật là trong sạch và hoạt động. Tôi tiếp xúc với những tâm hồn lớn, họ coi xương thịt và trí óc con người quý hơn đô-la. Đối với họ, tiếng kêu rên thoi thóp của những trẻ em chết đói trong những khu nhà lụp xụp còn có nhiều ý nghĩa hơn cái xa hoa phù phiếm của những kẻ chuyên tìm cách khuếch trương thương mại và làm bá chủ hoàn cầu. Chung quanh tôi chỉ toàn những người theo đuổi những mục đích cao cả và cố gắng một cách anh dũng. Ngày của tôi sáng như mặt trời, đêm của tôi sáng như sao. Đêm của tôi trong và mát như sương, ngày của tôi bừng bừng như lửa. Trước mắt tôi luôn luôn cháy rực hình ảnh của đức Chúa hy sinh, hình ảnh con người đầy nhiệt huyết bị dìm trong bể khổ, con người cần phải cứu vớt, cần phải giải thoát.

Cũng như những lần trước, tôi thấy nét mặt anh thay đổi hẳn. Ngọn lửa thiêng liêng cháy trong người anh bốc ra, sáng ngời vầng trán. Mắt anh còn ngời lên hơn nữa và toàn thân anh như rực rỡ hào quang. Những người khác, họ không nhìn thấy thế. Tôi biết, đó là những giọt lệ vui sướng và yêu đương đã làm mờ mắt tôi đi. Dẫu sao, ông Wickson ngồi đằng sau tôi không bị kích động như tôi. Tôi nghe thấy ông nói mỉa anh một câu rất to: “Thật là không tưởng!” [43] Ernest vẫn nói tiếp. Anh kể cho mọi người biết anh đã tự mình nâng cao mình lên như thế nào, cho đến khi anh tiếp xúc với những người thuộc giai cấp trên và chen vai thích cánh với những người có địa vị cao trong xã hội. Thế là bao nhiêu ảo tưởng của anh đều tan vỡ hết cả, và anh tả lại nỗi thất vọng của anh bằng những lời lẽ không đẹp lòng cử toạ một chút nào. Bản chất tầm thường của họ đã làm cho anh sửng sốt. Anh biết rõ cuộc đời của họ chẳng có gì tốt đẹp, mỹ miều. Anh phát kinh người lên vì thấy họ ích kỷ quá. Anh càng sửng sốt hơn nữa vì họ không có sinh [43].Con người thời đại ấy là nô lệ của danh từ. Họ nô lệ một cách hèn hạ, chúng ta không thể nào quan niệm được. Danh từ còn có một ma lực lớn hơn cả phép phù thủy. Đầu óc họ hỗn độn, rối như bòng bong, đến nỗi họ chỉ cần phát biểu một tiếng là có thể phủ nhận những kết luận của cả một đời nghiên cứu và tư tưởng nghiêm túc. Tiếng đó là “không tưởng”. Chỉ cần thốt lên tiếng đó là có thể kết tội được bất cứ một kế hoạch lành mạnh nào nhằm cải thiện hoặc cải tạo kinh tế. Rất nhiều người say sưa với những tiếng như “đồng tiền lương thiện”, “được một món bẫm”. Đặt ra những tiếng đó được coi như làm việc thiên tài.

hoạt trí tuệ. Anh so sánh với giới cách mạng và không chịu được cái ngu xuẩn của giai cấp chủ nhân. Và lúc đó anh mới thấy mặc dầu họ xây những nhà thờ lộng lẫy và trả lương rất hậu cho những thầy tu đi giảng đạo, các ông chủ bà chủ đều duy vật một cách thô bỉ. Họ mở mồm là nói đến cái lý tưởng tầm thường và cái đạo đức tầm thường của họ, thế nhưng cái chìa khoá trong đời sống vật chất của họ vẫn là vật chất. Họ không có một nền đạo đức thật, chẳng hạn như nền đạo đức mà ngày xưa đức Chúa đã giảng cho loài người, nhưng ngày nay chẳng còn ai giảng nữa. Anh bảo:

- Tôi đã gặp những kẻ miệng tuyên bố chống chiến tranh và cầu nguyện Thần hoà bình, nhưng vẫn ấn súng vào tay bọn du côn [44] để bắn vào những người bãi công trong nhà máy của họ. Tôi đã gặp những người công phẫn trước cái tàn bạo của những trận đấu quyền ăn giải, nhưng họ nhúng tay vào những vụ gian lận thực phẩm và giết chết hàng ngàn, hàng vạn trẻ sơ sinh.

“Ông này dáng người thanh nhã, mặt mày quý phái, làm giám đốc bù nhìn, làm công cụ cho các công ty tư bản chuyên cướp bóc một cách bí mật đàn bà goá và trẻ mồ côi. Ông kia chuyên sưu tầm sách hay, sách đẹp và đỡ đầu cho văn học, nhưng vẫn đấm mõm cho một tên trùm du côn mặt sắt đen sì trong thành phố để khỏi bị nó lật tẩy. Ông chủ báo nọ chuyên đăng quảng cáo cho các loại thuốc có môn bài [45] đã gọi tôi là một tên mị dân khốn nạn vì tôi thách ông đăng sự thật về những thứ thuốc mà ông quảng cáo. Vị này nói về cái hay, cái đẹp của chủ nghĩa duy tâm và tự tâm của Thượng đế, vừa mới phản lại bè bạn trong một chuyến kinh doanh kiếm lời. Vị kia làm cột trụ cho nhà thờ và ủng hộ rất nhiều cho các cơ quan truyền giáo ra nước ngoài, đã bắt phụ nữ trong xưởng mình làm mười tiếng một ngày, trả cho họ một đồng lương chết đói và do đó đã trực tiếp khuyến khích nạn mãi dâm. Vị nọ cúng tiền để mở mang trường đại học và xây những thánh đường lộng lẫy, đã phản bội lời thề của mình trước toà án vì những chuyện tiền nong. Có ông trùm đường sắt đã bao nhiêu lần hứa hẹn giảm giá, lần nào cũng nuốt phăng cả cái danh dự người công dân, người thượng lưu lẫn người công giáo của mình. Vị nguyên lão nghị viên này là một công cụ, một kẻ nô lệ, một con rối nhỏ trong tay một tên trùm kinh doanh chính trị bất nhân, vô học [46]; vị thống đốc kia và vị chánh án nọ cũng vậy, cả ba vị đều có giấy đi xe lửa không mất tiền; và tất cả cái bộ máy kinh doanh chính trị, tên trùm bộ máy đó và công ty xe lửa cấp giấy phép đi không mất tiền kia đều thuộc quyền sở hữu một nhà tư bản mặt mày bóng loáng những mỡ.

“Thế đấy. Tôi tưởng lạc vào cõi thiên đường, nhưng tôi đã thấy mình giữa cái sa mạc hoang vu của chủ nghĩa con buôn. Tôi chẳng tìm thấy cái gì khác ngoài sự ngu si dốt nát, trừ trong lĩnh vực kinh doanh. Tôi chẳng thấy gì là trong sạch, là cao cả, là sinh động, mặc dù tôi thấy nhiều kẻ còn sinh và còn động sờ sờ ra đấy với tất cả cái thối tha của chúng. Tất cả tôi chỉ thấy ích kỷ và nhẫn tâm một cách kỳ quái, duy vật một cách thô bỉ, tham lam và quá ư thực tiễn”.

Ernest còn nói cho họ nghe rất nhiều về họ và về sự thất vọng của anh. Về mặt trí tuệ, họ làm cho anh phát ngấy; về mặt đạo đức và tinh thần, họ làm cho anh phát tởm; thành ra anh rất vui mừng trở lại với những người cách mạng của anh, những con người trong sạch, cao cả và sinh động, hoàn toàn khác các nhà tư bản.

- Và bây giờ, để tôi nói cho các ngài nghe về cuộc cách mạng đó, – anh tiếp.

Nhưng trước hết, tôi phải nói rằng những lời công kích kịch liệt của anh không hề khiến họ nao núng. Tôi nhìn ra bốn xung quanh thấy họ vẫn lên mặt cao hơn những lời kết tội của anh. Tôi nhớ lại câu anh nói với tôi: công kích họ về mặt đạo đức không ăn thua gì hết. Nhưng dẫu sao tôi thấy cái ngôn ngữ táo tợn của anh đã bắt đầu tác động đến cô Brentwood. Cô tỏ vẻ bối rối, lo sợ.

Thoạt đầu Ernest nói về đạo quân cách mạng. Anh cho những con số về sức mạnh của đội quân này, theo kết qua bầu cử ở các nước. Cử toạ bắt đầu xao xuyến. Sự chăm chú hiện rõ trên nét mặt họ và tôi nhận thấy môi họ đều bị mím lại. Những lời khiêu chiến của anh thế là đã có tác dụng. Anh nói về tổ chức quốc tế của những người theo chủ nghĩa xã hội. Tổ chức đó gắn chặt một triệu rưởi người xã chủ nghĩa Hoa Kỳ với hai mươi ba triệu rưởi người xã hội chủ nghĩa khác trên thế giới. Anh bảo:

- Một đội quân cách mạng như thế, gồm hai mươi nhăm triệu người, là một lực lượng làm cho bọn cầm quyền và các giai cấp cầm quyền phải chùn tay và không thể coi thường. Đạo quân đó thét lớn lên rằng: “Quyết không nhân nhượng. Bay có gì, chúng tao sẽ lấy hết! Chúng tao sẽ lấy sạch sành sanh, lấy không từ một thứ gì. Chúng tao sẽ giằng khỏi tay bay chính quyền và vận mệnh nhân loại. Tay chúng tao đây! Tay chúng tao rất mạnh. Chúng tao sẽ lấy về chính phủ của bay, lâu đài của bay, cuộc đời an nhàn sung sướng của bay, và ngày ấy bay sẽ phải tự tay kiếm lấy miếng bánh nhét vào miệng bay cũng như người nông dân ngoài đồng hay người thư ký đói khát gầy còm trong thành phố. Tay chúng tao đây! Tay chúng tao là những bàn tay rất mạnh!” Anh vừa nói vừa đưa bộ vai tuyệt đẹp và đôi tay khổng lồ của anh ra. Hai bàn tay thợ rèn của anh quắp lại như móng con đại bàng. Anh như hiện thân của giới lao động nắm chính quyền, hai tay giơ ra để bóp nát những kẻ đang ngồi nghe anh nói. Tôi cũng thấy họ cũng hơi chùn trước cái hình ảnh cụ thể, dũng mãnh và hăm doạ đó của cách mạng. Nghĩa là bọn đàn bà thì chùn; họ hoảng hốt ra mặt. Nhưng bọn đàn ông không thế. Họ là những nhà giàu hoạt động chứ không phải là những nhà giàu ăn lương ngồi rồi. Họ là những người chiến đấu. Một tiếng như gầm gừ từ trong họng họ phát ra, rung lên trong không khí và rồi im bặt. Đó là tiếng mở đầu cho tiếng chó hú, tôi đã phải nghe nhiều lần trong buổi tối hôm ấy. Đó là biểu hiện của con vật trong con người, biểu hiện của cái bản năng nguyên thủy. Họ cũng không biết họ đã thốt ra tiếng kêu ấy nữa. Đó là tiếng hú của cả bầy, cả bầy thốt ra và cả bầy kêu không biết. Lúc đó, tôi nhìn rõ bộ mặt rắn đanh của họ và những làn chớp chiến đấu loé ra trong mắt họ. Và tôi nhận ra rằng không khi nào họ để cái quyền làm bá chủ thế giới của họ bị giằng khỏi tay họ một cách dễ dàng.

Ernest tiếp tục tấn công. Anh cắt nghĩa sở dĩ có một triệu rưỡi người cách mạng ở Hoa Kỳ là do giai cấp tư bản đã quản lý xã hội hỏng. Anh phác ra điều kiện sinh hoạt kinh tế của con người nguyên thủy và của các dân tộc dã man thời nay, và vạch rõ rằng họ không có công cụ máy móc gì cả mà chỉ trông vào hiệu suất tự nhiên của mỗi người. Rồi vạch rõ sự phát triển của máy móc và tổ chức xã hội đến giai đoạn hiện tại, khiến cho khả năng sản xuất của con người văn minh cao gấp hơn nghìn lần khả năng sản xuất của con người nguyên thủy. Anh bảo:

- Năm người có thể sản xuất ra bánh mì cho một nghìn người. Một người có thể sản xuất ra vải cho hai trăm năm mươi người, hàng len cho ba trăm người, và giày dép cho một nghìn người. Ta có thể kết luận rằng nếu quản lý xã hội tốt thì con người văn minh sẽ sung sướng hơn con người tiền sử rất nhiều. Nhưng nó có được như vậy thật không? Để ta xem. Ở Hoa Kỳ hiện nay có mười lăm triệu người sống trong cảnh nghèo khổ [47], tôi muốn nói họ ăn uống thiếu thốn, nhà ở tồi tàn không có những điều kiện tối thiểu để giữ lấy sức lao động bình thường. Ở Hoa Kỳ hiện nay, mặc dầu tất cả những cái mà người ta gọi là luật lao động, có ba triệu trẻ con làm lao công [48]. Trong vòng mười hai năm, như vậy là con số đó đã tăng gấp đôi. Và nhân đây, tôi xin hỏi các ngài cai quản xã hội, vì sao các ngài không công bố những con số kiểm tra nhân khẩu năm 1910? Tôi sẽ trả lời hộ các ngài: vì các ngài sợ! Những con số về sự cùng khốn sẽ thổi bùng một cuộc cách mạng hiện nay đang âm ỉ.

“Nhưng ta hãy trở lại những lời buộc tội của tôi. Con người văn minh khả năng sản xuất gấp một nghìn lần con người nguyên thủy, vậy tại sao ngày nay ở Hoa Kỳ lại có mười lăm triệu người không có chỗ ở tử tế, không được ăn uống tử tế? Vậy tại sao ngày nay ở Hoa Kỳ có ba triệu trẻ con làm lao công? Tôi buộc tội các ngài thật đấy! Giai cấp tư bản quản lý xã hội hỏng. Đứng trước thực trạng con người văn minh sống cực khổ hơn con người nguyên thủy mặc dù khả năng sản xuất của nó cao hơn gấp một nghìn lần, không thế có kết luận nào khác là giai cấp tư bản đã quản lý hỏng; là các ngài đã quản lý rất hỏng; thưa các ông chủ, là do lòng ích kỷ của các ngài, do tội ác các ngài gây nên, các ngài đã quản lý hỏng. Tối hôm nay các ngài không thể trả lời tận mặt tôi điều này. Tất cả giai cấp các ngài cũng thế thôi, nó không thể trả lời một triệu rưởi người cách mạng ở Hoa Kỳ về điểm này được. Tôi thách các ngài trả lời đấy. Hơn thế nữa, tôi còn dám quả quyết rằng tôi nói xong các ngài sẽ không trả lời. Về điểm này, các ngài sẽ câm như hến, mặc dầu miệng các ngài sẵn sàng ba hoa về bất cứ một điều gì khác.

“Các ngài thất bại trong công việc quản lý của các ngài. Các ngài đã biến văn minh thành lò sát sinh. Các ngài vừa tham lam, vừa mù quáng. Các ngài đã dám ngang nhiên và đến tận bây giờ vẫn còn ngang nhiên đứng giữa cơ quan luật pháp tuyên bố rằng không thể kiếm ra tiền lời nếu không bắt trẻ nhỏ, thậm chí nếu không bắt trẻ sơ sinh lao động. Các ngài đừng vội tin ngay lời tôi nói, nhưng tội các ngài quả đã khắc thành bia, đã chép thành sách. Các ngài đã ru ngủ lương tâm các ngài bằng những lời dông dài về lý tưởng và đạo đức. Các ngài béo mập lên vì uy quyền, của cải. Các ngài say sưa vì thắng lợi. Nhưng các ngài không khác gì ong đực ăn bám trong các tổ ong. Một ngày kia bầy ong thợ làm ra mật sẽ xông đến kết thúc cuộc đời no nê béo tốt của các ngài. Một triệu rưởi người thuộc giai cấp công nhân tuyên bố rằng họ sắp tập hợp nốt những lực lượng còn lại của họ để giành lấy quyền cai trị xã hội ở trong tay các ngài. Thưa các ông chủ, các bà chủ, cách mạng tức là như thế. Các ông chủ, bà chủ giỏi thì cứ ngăn nó lại”.

Giọng nói của Ernest còn vang lên một lúc lâu trong gian phòng rộng lớn. Rồi lại có tiếng như gầm gừ từ trong cổ họng các thính giả phát ra cũng như tôi vừa nghe ban nãy, và chừng mười hai người đứng dậy la lớn lên để lưu ý đại tá Van Gilbert. Tôi thấy hai vai cô Brentwood rung rung, vặn vẹo, tưởng cô đang cười Ernest, tôi cáu quá. Nhưng tôi nhận ra ngay không phải cô cười, mà cô đang bị một cơn hỗn loạn thần kinh. Cô hoảng hồn lên vì việc cô làm: Cô đã ấn vào giữa cái “Câu lạc bộ Những người hiếu học” thần thánh của cô một trái bom nổ chậm.

Đại tá Van Gilbert không chú ý đến mười mấy người đang đỏ mày say mặt đòi phát biểu ý kiến. Chính ông cũng đang tức điên lên. Ông đứng phắt dậy xua hai tay, nói lắp bắp không ra tiếng. Nhưng chỉ một lúc sau, ông lại tuôn ra một tràng dài. Song đó không phải là những lời lẽ đĩnh đạc của vị luật sư mười vạn đô-la, không phải cái hùng biện khoa trương lỗi thời của ông nữa. Ông hét lên:

- Tầm bậy! Tầm bậy! Trong đời tôi, tôi chưa thấy ai nói năng tầm bậy đến như thế. Này ông bạn trẻ tuổi! Ông đừng tưởng ông nói có điều gì mới đâu! Tất cả những điều ông nói, tôi học ở trường đại học từ trước khi ông ra đời kia! Cái thuyết xã hội chủ nghĩa của ông Jean Jacques Rousseau đề xướng ra đã gần hai thế kỷ nay rồi. Quay về với ruộng đất! Thật là thoái hoá, thật là hủ lậu! Khoa sinh vật học của chúng tôi dạy rằng đó là một điều phi lý. Cổ nhân nói rất đúng, dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng. Hôm nay ông đã chứng minh điều đó với cái mớ lý luận điên rồ của ông. Tầm bậy! Tầm bậy! Trong đời tôi chưa bao giờ tôi phát lợm giọng lên vì những lời lẽ tầm bậy quá đáng thế. Lợm giọng vì những câu suy diễn nông nổi, vì cách lập luận trẻ con của ông!

Đại tá Van Gilbert tỏ vẻ rất khinh bỉ và bệ vệ ngồi xuống. Tất cả cử toạ tán thành. Bọn đàn bà kêu lên the thé và bọn đàn ông lại lầm rầm lầm rầm trong cổ họng. Một nửa trong số mười hai người đòi phát biểu ý kiến nhao lên nói một lúc. Thật là rầm rầm như cái chợ. Chưa bao giờ những bức tường đồ sộ ở nhà bà Pertonwaithe lại chứng kiến một cảnh tượng như thế. Một bọn ăn bận quần áo dạ hội đang gầm lên, đang rống lên kia, lại là những vị thống lĩnh nền công nghiệp, những vị chủ soái của xã hội, những vị thường ngày rất điềm đạm, lạnh lùng. Quả là Ernest đã làm cho họ sôi lên sùng sục khi anh giơ cánh tay ra đe doạ túi tiền của họ, cánh tay mà họ coi như cánh tay của một triệu rưởi người cách mạng.

Nhưng bất kỳ tình thế nào, Ernest cũng không bao giờ mất bình tĩnh. Trước khi đại tá Van Gilbert ngồi đàng hoàng xuống ghế, anh đã đứng dậy xô ra phía trước. Anh quát:

- Một người một chứ!

Tiếng nói của anh từ lồng ngực dội ra, át cả cử toạ đang trong cơn sóng gió. Khí thế của anh làm cho họ phải im lặng.

- Một người một chứ! – Lần này anh nói nhẹ nhàng hơn. – Để tôi trả lời đại tá Van Gilbert đã. Rồi hãy đến những người khác. Nhưng nhớ một người một thôi. Đừng có làm loạn lên! Đây không phải là sân đá bóng. – Anh quay sang phía đại tá Van Gilbert nói tiếp. – Còn ngài, ngài đã trả lời được những câu tôi nói đâu, hoàn toàn chưa trả lời một tí nào. Ngài mới chỉ đưa ra mấy lời khẳng định độc đoán, hùng hổ, về khả năng trí tuệ của tôi. Lối ăn nói của ngài có lẽ dùng trong việc kinh doanh thì tốt, nhưng dùng với tôi thì không thể được! Tôi không phải là anh công nhân ngả mũ cầm tay đến xin ngài tăng lương hay xin ngài đảm bảo an toàn lao động. Đối với tôi thì ngài chớ ăn nói hàm hồ. Ngài hãy giữ thái độ như thế đối với những kẻ ăn lương của ngài kia. Họ sẽ không dám cãi lại ngài vì ngài nắm trong tay miếng cơm, manh áo cuộc đời của họ.

“Còn về cái thuyết quay về với thiên nhiên ngài bảo ngài đã học ở trường đại học, tôi xin phép nói thẳng ra rằng từ đó ngài không học thêm được cái gì nữa. Cũng như tính vi phân không có liên quan gì với kinh thánh, chủ nghĩa xã hội không có liên quan gì đến trạng thái thiên nhiên hết. Tôi đã bảo là ngoài việc kinh doanh ra thì giai cấp của ngài rất ngu. Thưa ngài, chính ngài là một ví dụ rực rỡ chứng minh cho lời tôi nói”.

Thấy nhà luật sư mười vạn đô-la của mình bị trị một trận ghê gớm như thế, cô Brentwood không sao chịu nổi. Cơn hỗn loạn thần kinh của cô càng nặng hơn. Cô khóc dở mếu dở và được dìu ra ngoài. Thật cũng may cho cô, vì sau đó tình hình còn căng thẳng hơn thế nữa.

- Xin ngài chớ vội tin lời tôi nói, – Ernest tiếp, sau khi bị ngắt lời. – Chính những nhà học giả của các ngài sẽ đồng thanh chứng minh rằng các ngài là ngu. Chính những người đã được các ngài thuê để cung cấp kiến thức cho các ngài sẽ vạch cho ngài biết là ngài nhầm. Ngài hãy đến hỏi viên trợ lý xã hội học tầm thường nhất của các ngài xem thuyết quay về với thiên nhiên của Rousseau với chủ nghĩa xã hội khác nhau như thế nào. Ngài hãy hỏi những nhà kinh tế học và những nhà xã hội học tư sản chính thống lớn nhất của các ngài; ngài hãy tra cứu sách giáo khoa nói về vấn đề đó hiện đang xếp đống trong những thư viện mà các ngài trợ cấp; tất cả đều sẽ trả lời rằng thuyết quay về với thiên nhiên và chủ nghĩa xã hội không có điểm nào phù hợp với nhau hết. Trái lại họ sẽ đồng thanh khẳng định rằng thuyết quay về với thiên nhiên và chủ nghĩa xã hội hoàn toàn đối lập với nhau. Tôi nhắc lại, các ngài đừng vội tin lời tôi nói làm gì! Sự ngu xuẩn của các ngài đều có ghi rành rành trong sách, trong chính những cuốn sách của các ngài mà các ngài không thèm đọc ấy. Và về mặt ngu xuẩn thì ngài cũng chỉ là một tiêu biểu cho giai cấp của ngài mà thôi.

“Thưa ngài đại tá Van Gilbert, ngài giỏi luật pháp, giỏi kinh doanh. Ngài giỏi khoa hầu hạ các công ty tư bản và làm cho tiền lời của họ tăng lên bằng cách bóp méo luật pháp. Tốt lắm. Ngài thật đáng mặt vĩ nhân. Ngài hãy trung thành với nghề nghiệp của ngài. Ngài là một luật sư đại tài! Nhưng ngài là một nhà sử học rất tồi, về sinh vật học thì ngài là người đương thời của Pliny [49]!

Đại tá Van Gilbert cựa quậy hoài trên ghế. Trong phòng im phăng phắc. Cử toạ ngồi ngây ra với nhau. Chưa bao giờ họ thấy vị đại tá Van Gilbert bị xỉ vả tàn tệ như thế. Thật không ai ngờ, không thể ngờ được. Vị đại tá Van Gilbert, con người làm bạt vía các quan chánh án mỗi khi ngài đứng dậy cãi ở toà. Nhưng Ernest không nhân nhượng với kẻ thù.

- Tôi nói thế không phải có ý chê trách gì ngài đâu. Mỗi người có một nghề. Có điều là ngài nên làm nghề của ngài, để mặc tôi làm nghề của tôi. Ngài đã chuyên môn hoá rồi. Khi nào nói về hiểu biết luật pháp, về trốn tránh luật pháp và nặn ra pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho các công ty tư bản ăn cướp, tôi xin gục đầu xuống sát đất để bái phục ngài. Nhưng đến môn xã hội học, đến nghề của tôi, thì cũng xin ngài nên gục đầu xuống sát đất, dưới chân tôi. Ngài nên nhớ cho như thế. Đồng thời xin ngài nhớ cho rằng cái môn luật pháp của ngài giỏi lắm cũng chỉ bền được một ngày, làm ngài không đủ sức nghiên cứu những môn học có giá trị được quá một ngày. Cho nên những lời khẳng định độc đoán và những lời suy diễn vội vàng của ngài về các vấn đề sử học, xã hội học đều không xứng với chỗ hơi thở ngài mất đi để phát biểu những lời đó.

Ernest nghỉ một lát và chăm chú nhìn đại tá Van Gilbert đang tím mặt lại vì tức giận, ngực hổn hển, người vặn vẹo trên ghế, hai bàn tay trắng trẻo hết nắm vào lại xoè ra. Rồi anh nói tiếp.

- Nhưng hình như ngài vẫn còn hơi để nói thì phải. Được, tôi sẽ để cho ngài dùng nốt chỗ hơi ấy. Tôi buộc tội giai cấp ngài. Ngài hãy chỉ cho tôi xem lời buộc tội của tôi sai ở chỗ nào. Tôi đã vạch cho người thấy nỗi khốn khổ của con người hiện đại. Ba triệu trẻ con làm nô lệ ở Hoa Kỳ, không có chúng lao động thì giai cấp các ngài đừng hòng kiếm ra tiền lời, và mười lăm triệu người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhà ở. Tôi đã chỉ rõ khả năng sản xuất của con người hiện đại, do tổ chức xã hội và sử dụng máy móc, đã cao hơn khả năng sản xuất của con người nguyên thủy gấp một nghìn lần. Và tôi khẳng định rằng, do hai sự kiện trên không thể có kết luận nào khác là giai cấp tư bản đã quản lý hỏng. Lời buộc tội của tôi là như thế. Tôi thách ngài trả lời. Không, tôi còn đi xa hơn thế nữa kia. Tôi quyết đoán rằng các ngài sẽ không trả lời. Ngài có giỏi thì đem nốt chỗ hơi thở còn lại của ngài ra đập tan lời quyết đoán của tôi đi. Ngài bảo tôi là nói năng tầm bậy. Ngài hãy chỉ cho tôi biết tầm bậy ở chỗ nào, thưa đại tá Van Gilbert? Ngài hãy trả lời đi! Trả lời những điều mà tôi và một trăm năm mươi vạn đồng chí của tôi buộc tội giai cấp ngài và ngài đi!

Đại tá Van Gilbert quên mất rằng ông đang chủ toạ và theo phép lịch sự thì ông phải nhường người khác nói, vì họ đang làm ồn ồn cả phòng. Ông đứng phắt dậy, khua chân múa tay, vứt bỏ cả cái khoa hùng biện lẫn cái vẻ điềm đạm thường ngày của ông đi đâu mất. Ông mạt sát Ernest là miệng còn hơi sữa, là mị dân. Ông không tiếc lời công kích giai cấp công nhân, gọi giai cấp công nhân là những đồ bỏ đi, những phường vô tích sự. Sau khi ông đã tuôn ra một tràng dài những lời thô bỉ, Ernest đáp:

- Trong giới luật, ngài quả là người khó giữ cho khỏi đi chệch vấn đề nhất, tôi chưa bao giờ gặp phải. Việc tôi ít tuổi không liên quan gì đến những điều tôi vừa nói hết, việc giai cấp công nhân vô tích sự cũng vậy.

Tôi buộc tội giai cấp tư bản đã quản lý xã hội không tốt. Ngài không trả lời. Ngài không dám trả lời. Vì sao vậy? Có phải vì ngài trả lời không được không? Ngài là người biện hộ cho tất cả các cử toạ này. Tất cả mọi người ở đây, trừ tôi ra, đều dán mắt vào miệng ngài. Họ chờ ngài trả lời thay cho họ vì họ không trả lời được. Còn tôi, như tôi đã nói từ trước, tôi biết rằng không những ngài không trả lời, mà ngài còn không dám trả lời.

- Thật quá lắm, không thể nào tha thứ được nữa! – Đại tá Van Gilbert quát ầm lên. – Ông có định chửi chúng tôi thì ông bảo!

- Ngài không trả lời, đó mới là không tha thứ được. – Ernest nghiêm nghị đáp. – Về mặt trí tuệ, không ai có thể bị ai chửi được cả. Chửi, về bản chất của nó, là một điều hoàn toàn cảm tính. Ngài hãy lấy lại bình tĩnh. Tôi đứng về mặt trí tuệ buộc tội giai cấp tư bản đã quản lý hỏng. Ngài hãy đứng về mặt trí tuệ mà trả lời tôi.

Đại tá Van Gilbert ngồi im. Ông nhăn mặt lại và làm ra bộ kẻ cả không thèm đối đáp với một tên vô lại.

- Xin ngài chớ ủ rũ quá như thế, – Ernest nói. – Ngài nên tự an ủi rằng chưa có người nào trong giai cấp ngài trả lời được câu buộc tội đó. – Anh quay về phía những người đang nhao nhao định nói. – Bây giờ đến các ngài. Các ngài khai hỏa đi. Và các ngài đừng quên tôi thách tất cả các ngài trả lời câu mà đại tá Van Gilbert không trả lời được.

Tôi không thể viết ra đây tất cả những điều Ernest phát biểu trong cuộc tranh luận được. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng trong ba tiếng đồng hồ ngắn ngủi mà có thể nhiều lời qua tiếng lại như thế. Dẫu sao, thật là tuyệt. Địch thủ càng phát khùng, Ernest lại càng chọc tức. Anh thật là uyên bác. Anh biết dùng từng chữ, từng câu, từng lời lẽ sắc như gươm để đâm vào tận ruột gan họ. Anh vạch rõ từng điểm vô lý họ nói ra. Tam đoạn luận này sai, kết luận kia không dính với tiêu đề, tiền đề nọ là một câu bịp bợm vì nó lập lờ gói ghém cái kết luận mà đáng lẽ người ta phải chứng minh. Chỗ này sai, chỗ kia là cãi chày cãi cối, chỗ nọ là nói mò, không đúng với chân lý đã được thể nghiệm và đã chép thành sách.

Anh cứ tiếp tục như thế. Có lúc anh bỏ gươm dùng chùy, xung tả, đột hữu, đập tơi bời những ý kiến họ đưa ra. Lúc nào anh cũng đòi họ đem thực tế ra nói chuyện, nhất định không chịu cãi lý thuyết. Và những sự thật anh đưa ra đã làm cho họ thua liểng xiểng. Họ đả kích giai cấp công nhân thì anh đáp: “Các ngài chớ nên làm cái lối lươn ngắn chê trạch dài. Như vậy có phải là trả lời câu buộc tội của chúng tôi đâu. Chúng tôi kết tội rằng mặt các ngài bẩn, các ngài hãy chứng minh mặt các ngài là không bẩn cho tôi xem”. Và anh bảo tận mặt tất cả bọn họ: “Tại sao các ngài không trả lời câu buộc tội rằng giai cấp các ngài đã quản lý hỏng? Các ngài nói chuyện huyên thuyên tận đâu đâu, chưa ngài nào trả lời tôi cả. Có phải tại các ngài không thể trả lời được không?” Mãi cuối buổi tranh luận, ông Wickson mới lên tiếng. Chỉ có mình ông còn giữ được vẻ điềm đạm, và Ernest cũng có phần nể ông hơn những người khác.

- Không cần phải trả lời gì hết, – ông Wickson chậm rãi nói. – Tôi vừa ngạc nhiên vừa ghê tởm theo dõi toàn bộ cuộc tranh luận. Thưa các ngài cùng giai cấp với tôi, tôi ghê tởm các ngài. Các ngài xử sự không khác gì một lũ học trò ngốc nghếch. Việc gì phải nói đạo đức, việc gì phải làm như sấm sét trong một cuộc tranh luận như thế này! Các ngài không xứng đáng làm những người cai quản xã hội, không xứng đáng với giai cấp của các ngài. Các ngài nhiều lời quá, nhưng phỏng lời các ngài có ăn thua vào đâu! Đó chẳng qua là tiếng muỗi vo ve bên tai con gấu. Thưa các ngài, con gấu nó đứng kia (ông giơ tay chỉ Ernest). Các ngài vo ve lắm chỉ làm cho nó thêm nhờn ra thôi.

“Các ngài hãy tin lời tôi nói, tình hình bây giờ rất nghiêm trọng. Con gấu nó đang giơ chân định giẫm bẹp chúng ta. Nó bảo ở Hoa Kỳ hiện nay có một triệu rưởi người cách mạng. Đó là sự thật. Nó bảo ý định của bọn chúng nó là cướp lấy chính quyền của chúng ta, cướp lâu đài của chúng ta, cướp lấy cuộc đời an nhàn sung sướng của chúng ta. Đó cũng là sự thật. Xã hội sắp có biến đổi, sắp có biến đổi lớn; nhưng may thay, không phải biến đổi như con gấu nó dự đoán đâu. Con gấu nói là nó sẽ giẫm bẹp chúng ta. Giả sử chúng ta đè bẹp nó đi thì sao?” Lại có tiếng rầm rầm từ trong cổ họng mọi người phát ra làm náo động cả gian phòng, và người này gật đầu với người kia tỏ vẻ tán thành, tin tưởng. Mặt họ bỗng trở nên quắc thước. Họ đúng là những người chiến đấu.

- Nhưng muốn đè bẹp con gấu thì không phải vo ve mà được đâu, – ông Wickson nói tiếp bằng một giọng lạnh lùng, bình tĩnh. – Gấu thì phải săn! Chúng ta sẽ trả lời con gấu không phải bằng lời. Chúng ta sẽ trả lời bằng đạn. Chúng ta đang nắm chính quyền trong tay, không ai có thể phủ nhận điều đó. Chúng ta sẽ dựa vào chính quyền của chúng ta để giữ lấy chính quyền.

Chợt ông quay lại nhìn Ernest. Quang cảnh lúc ấy thật là hồi hộp.

- Đấy, câu trả lời của chúng tôi đấy. Chúng tôi không hoài lời nói với các anh. Các anh bảo tay các anh mạnh lắm phỏng? Được, các anh cứ giơ ra cướp lâu đài, cướp cuộc đời an nhàn sung sướng của chúng tôi mà xem. Chúng tôi sẽ cho các anh biết sức mạnh là thế nào, chúng tôi sẽ trả lời các anh bằng trái phá, bằng bom, bằng súng máy [50]. Chúng tôi sẽ di những nhà cách mạng của anh dưới gót chân chúng tôi, chúng tôi sẽ giẫm 50 Để vạch rõ cái dòng tư tưởng đó, dưới đây, chúng tôi trích dẫn một định nghĩa lấy ở cuốn “Khuyển nho từ điển” (1906) của Ambrose Bierce; một kẻ đã từng thú nhận và mọi người đều biết là thù ghét loài người: “liên thanh – danh từ – một cách lập luận tương lai dùng để trả lời những yêu sách của bọn theo chủ nghĩa xã hội ở Mỹ”. Lên mặt các anh mà đi. Thế giới này là của chúng tôi. Chúng tôi là chủ của nó, nó sẽ mãi mãi là của chúng tôi. Còn cái đám lao động, chúng nó gục đầu xuống đất đen từ khi bắt đầu có lịch sử kia, anh đã muốn nghe lịch sử thì tôi nói cho anh nghe. Chừng nào tôi, những người cùng giai cấp với tôi và những người nối nghiệp chúng tôi còn nắm chính quyền thì bọn lao động các anh còn phải gục đầu xuống đất đen. Chính quyền! Đó mới thực là danh từ chúa tể của các danh từ, phải, chính quyền! Không phải Thượng đế, cũng không phải Thần tài, mà là chính quyền. Anh hãy đọc đi đọc lại cho đến bao giờ thuộc lòng thì thôi: Chính quyền!

- Thế mới đúng là trả lời, – Ernest điềm nhiên đáp. – Chỉ có thể trả lời như thế thôi, ngoài ra không có cách nào trả lời khác. Chính quyền! Giai cấp vô sản chúng tôi cũng đang kêu gọi giành chính quyền. Chúng tôi đã có kinh nghiệm xương máu rằng kêu gọi công lý, kêu gọi chính nghĩa, kêu gọi lòng nhân đạo với các ngài đều không ăn thua gì hết. Tim các ngài cứng rắn ngang với gót chân các ngài dùng để dẫm lên mặt những người nghèo. Chính vì thế mà chúng tôi kêu gọi giành chính quyền. Ngày tuyển cử, chúng tôi sẽ dùng quyền đầu phiếu của chúng tôi để giành lấy chính quyền ra khỏi tay các ngài… - Cứ cho rằng ngày tuyển cử các anh được đa số, tuyệt đại đa số đi chăng nữa, phỏng các anh làm gì nổi chúng tôi? – Ông Wickson ngắt lời hỏi. – Giả sử sau khi các anh đắc cử, chúng tôi nhất định không trao chính quyền cho các anh thì đã sao?

- Ngay cả trường hợp ấy chúng tôi cũng đã tính trước rồi, – Ernest đáp. – Trường hợp ấy, chúng tôi sẽ trả lời các ngài bằng súng đạn. Chính quyền! Chính các ngài đã tôn nó là chúa tể các danh từ. Tốt lắm, chúng tôi sẽ có chính quyền. Ngài muốn hỏi, nếu chúng tôi thắng trong tuyển cử mà các ngài cứ khăng khăng không chịu trao lại bộ máy Nhà nước mà chúng tôi đã giành được một cách hoà bình, theo đúng hiến pháp, thì chúng tôi sẽ làm gì ư? Tôi xin nói, ngày ấy chúng tôi sẽ trả lời các ngài, trả lời bằng trái phá, bằng bom, bằng súng máy.

“Các ngài không trốn đâu cho thoát tay chúng tôi. Đúng là vừa rồi ngài đã đọc lên sự thật trong lịch sử. Đúng là từ khi bắt đầu có lịch sử, những người lao động vẫn bị dìm đầu xuống bùn đen. Tôi đồng ý với ngài, hoàn toàn đồng ý. Chính quyền sẽ là chúa tể, cũng như từ trước đến nay nó vẫn là chúa tể. Nó là một cuộc đấu tranh giai cấp. Cũng như giai cấp các ngài đã lật đổ giai cấp quý tộc phong kiến, giai cấp tôi, giai cấp công nhân cũng sẽ lật đổ các ngài. Nếu ngài sẵn lòng nghiên cứu sinh vật học và xã hội học cũng kĩ như ngài nghiên cứu sử học, ngài sẽ thấy cái bước kết thúc đó là tất nhiên không thể tránh được. Dù một năm nữa, điều đó không quan trọng, nhất định giai cấp các ngài sẽ bị lật đổ. Nó sẽ bị lật đổ bằng bạo lực, sẽ bị tiêu diệt bằng chính quyền. Đội quân lao động chúng tôi cũng đã từng học đi học lại cho đến thuộc lòng danh từ ấy.

Chính quyền! Đúng là danh từ chúa tể!

Thế là tối họp mặt của những người Hiếu học kết thúc.

Chú thích:

40- Thời đó vẫn còn tập quán bày những đồ tạp nhạp trong nhà. Người ta vẫn chưa tìm ra lối sống giản dị. Nhà cửa như thế không khác gì bảo tàng, phải mất rất nhiều công phu lau dọn. Bụi làm chúa tể trong nhà. Có hàng nghìn thứ bắt bụi mà chỉ có mấy kẻ để lau chùi.

41- Huỷ bỏ di chúc là một nét đặc biệt của thời đó. Cùng với việc tích luỹ những tài sản lớn, vấn đề sử dụng những tài sản đó sau khi chết là một băn khoăn lớn cho lớp nhà giàu. Lập di chúc và hủy bỏ di chúc là hai nghề bổ sung cho nhau, cũng giống như chế tạo áo giáp và chế tạo súng. Người ta phải vời những luật sư sắc sảo chuyên thảo các di chúc để làm những tờ di chúc không thể nào huỷ bỏ được. Nhưng nó vẫn bị hủy bỏ như thường, phần nhiều lại do chính tay những người thảo ra chính nó hủy bỏ. Tuy nhiên, giới nhà giàu vẫn nuôi ảo tưởng có thể lập được những di chúc không ai hủy bỏ được, và suốt bao nhiêu thế hệ, cả khách hàng lẫn những luật sư đều theo đuổi ảo tưởng đó. Thật không khác gì bọn người luyện kim đan thời trung cổ đi tìm chất tan rã vạn năng.

42- Một loại văn chương quái gở, nhằm làm cho giai cấp công nhân hiểu sai lệch hoàn toàn về bản chất của giai cấp ăn không ngồi rồi

44- Thoạt tiên bọn này là một bọn mật thám tư, về sau chúng đi đánh nhau thuê cho giai cấp tư bản. Sau này, chúng trở thành đạo quân đánh thuê cho giai cấp thiểu số thống trị.

45 -Loại thuốc có môn bài là một thứ lừa bịp có môn bài, nó cũng đánh lừa được nhân dân như những thứ bùa chú thời trung cổ. Chỉ khác một điều là loại thuốc này có hại hơn và đắt hơn.

46- Mãi đến năm 1912, quần chúng nhân dân đông đảo vẫn còn tin rằng họ cai trị đất nước bằng lá phiếu của họ. Thật ra chính là bộ máy kinh doanh chính trị nó cai trị. Mới đầu bọn trùm của bộ máy này đòi bọn trùm tư bản phải trả những món tiền kếch sù để làm ra luật pháp. Nhưng ít lâu sau, bọn trùm tư bản thấy tự mình làm chủ những bộ máy kinh doanh chính trị đó và thuê bọn trùm những bộ máy đó làm công cho mình, như thế rẻ hơn.

47- Năm 1906, Robert Hunter, trong một cuốn sách nhan đề “Cùng khổ”, đã vạch rõ hồi đó nước Mỹ có 10 triệu người sống trong cảnh nghèo khốn.

48- Trong cuộc điều tra dân số năm 1900 ở Hoa Kỳ (cuộc điều tra cuối cùng và số liệu được công bố), số lao công trẻ con lên tới 1.752.187 em.

49- Nhà tự nhiên học La Mã, sinh năm 23 và mất năm 79 sau công lịch.