àng nghĩ đến cánh tay của Jackson, tôi càng rụng rời cả người. Tôi đã mặt đối mặt với những cái cụ thể. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cuộc đời. Cuộc đời tôi ở trường đại học và tất cả cái học vấn của tôi đều không thật. Tôi chỉ học toàn lý thuyết về cuộc đời và về xã hội. Trên giấy thì sao mà hay thế! Mãi bây giờ tôi mới thấy cuộc đời thật. Cánh tay của Jackson là một thực tế của cuộc đời. “Thực tế là như vậy, thưa ngài, một thực tế không thể chối cãi được”. Câu nói ấy của Ernest vang lên trong tai tôi.
Tất cả xã hội chúng ta thiết lập trong máu thật ư? Điều đó đối với tôi thật là quái gở, không thể có được. Thế nhưng Jackson còn kia. Tôi không tài nào trốn thoát anh. Ý nghĩ của tôi luôn luôn quay trở lại với anh, cũng giống như kim nam châm luôn quay trở lại phương Bắc. Anh bị đối xử thật là tàn tệ. Người ta đã không trả tiền chỗ máu anh đổ ra, để chia nhau được những số lời sụ hơn. Tôi biết hai chục gia đình sống giàu có thoả thuê, họ đã lĩnh những số tiền lời đó, nghĩa là họ đã uống số máu của Jackson. Nếu một người bị đối xử tàn tệ thế này mà xã hội không thèm để ý tới thì sao lại không thể có ngàn vạn người khác cũng bị đối xử tàn tệ như thế? Tôi nhớ đến những phụ nữ thành Chicago làm một tuần được chín hào và đám trẻ con nô lệ trong các nhà máy dệt ở miền Nam mà anh đã tả cho tôi nghe. Tôi tưởng chừng nhìn thấy bàn tay trắng bệch vì đã bị ép hết máu của họ đang dệt ra vải để may áo cho tôi. Tôi nghĩ đến nhà máy Sierra và số tiền lời được chia, và nhìn thấy cả máu của Jackson trên áo mình. Jackson! Tôi không tài nào trốn đi đâu mà không nhìn thấy anh. Ý nghĩ của tôi luôn luôn dắt tôi trở về với anh.
Trong thâm tâm, tôi có cảm tưởng mình đang đứng trên miệng vực. Chừng như tôi sắp phát hiện ra một điều gì mới, vô cùng khủng khiếp về cuộc đời. Mà nào chỉ có mình tôi. Tất cả cái thế giới của tôi đang bị đảo lộn. Ba tôi cũng ở trong đó. Tôi thấy rất rõ là Ernest đã bắt đầu tác động mạnh đến cụ. Cả đức Giám mục Morehouse cũng thế. Vừa rồi gặp người tôi có cảm tưởng như người đang bị ốm. Người ở trong một tình trạng cân não hết sức căng thẳng và trong mắt người hiện ra một nỗi kinh hoàng không sao tả xiết. Nghe mấy lời người nói, tôi hiểu ngay là Ernest đã giữ lời hứa và đã dẫn người du hành qua địa ngục. Nhưng người đã nhìn thấy những cảnh gì ở địa ngục thì tôi không hiểu, vì người như điên điên dại dại không nói ra được.
Một lần, nhận thấy một cách thấm thía rằng cái thế giới nhỏ của tôi và tất cả thế giới đang quay cuồng đảo lộn, tôi nghĩ ngay rằng chính Ernest đã gây nên điều đó; tôi nghĩ: “Lúc anh chưa đến, mình sống thật là hạnh phúc và yên ổn biết bao nhiêu!” Nhưng rồi tôi hiểu ngay nghĩ như thế là phản bội chân lý, và Ernest đứng sừng sững trước mặt tôi thành một người khác hẳn. Anh như một sứ giả của chân lý, với vầng trán sáng ngời và vẻ coi khinh mọi gian nguy khổ ải của một vị thiên thần chiến đấu cho chân lý và chính nghĩa, chiến đấu để cứu giúp những người nghèo khổ, những người bơ vơ, những người bị áp bức. Và rồi trước mắt tôi hiện lên một hình ảnh khác: Đức Chúa. Người cũng thế, Người đã từng đứng về phía người nghèo hèn và người bị áp bức chống lại quyền hành của bọn thầy tu và bọn - pharisee [33]. Tôi nhớ lại lúc người lâm chung trên thánh giá và lòng tôi thốt nhiên thắt lại khi tôi nghĩ đến Ernest. Liệu số phận anh rồi cũng thế, cũng là bị đóng đinh lên thánh giá chăng? Phải, anh, với tất cả giọng nói lanh lảnh như tiếng kèn trận và tất cả cái vẻ đẹp hùng tráng của anh?
Lúc đó tôi biết là tôi đã yêu anh, và tôi tha thiết muốn được là người an ủi anh. Tôi nghĩ đến cuộc đời anh ngày xưa. Chắc là anh sống nghèo hèn cơ cực lắm. Tôi nghĩ đến cha anh đã vì anh mà phải nói dối, ăn cắp và lao lực cho đến chết, và chính anh cũng đã phải vào làm nhà máy từ khi lên mười! Tôi những muốn ôm chặt anh vào lòng tôi, kéo đầu anh áp vào ngực tôi (đầu anh chắc phải mệt nhọc vì bao nhiêu ý nghĩ) để anh được một giây lát nghỉ ngơi, một chút khuây khoả và quên lãng, một chút yêu đương êm ái.
Tôi gặp đại tá Ingram trong một cuộc chiêu đãi của Nhà thờ. Ông thì tôi quen lắm, quen đã từ lâu. Tôi tìm cách bẫy ông lại đằng sau những chậu cỏ và chậu cây cao su, mặc dầu ông không biết mình sa vào bẫy. Ông chào tôi rất vui vẻ, lịch sự. Bao giờ ông vẫn là con người duyên dáng, ngoại giao, tế nhị và lễ phép. Nhìn bề ngoài thì ông là người thanh lịch nhất trong giới chúng tôi. Đứng cạnh ông, ngay vị khoa trưởng trường Đại học cũng thành vụng về, nhỏ bé.
Mặc dầu như thế, tôi thấy đại tá Ingram cũng cùng một tình trạng như những người thợ máy thất học. Ông cũng không có tự do. Bản thân ông cũng bị trói vào cái bánh xe cực hình. Ông biến hẳn sắc mặt khi nói đến vụ Jackson. Cái vẻ tươi cười của ông hàng ngày tiêu tan đi đâu mất như một cái bóng ma. Một vẻ hãi hùng đột ngột hiện trên khuôn mặt học thức của ông. Tôi cũng thấy kinh ngạc không khác gì hôm James Smith phát khùng lên với tôi. Nhưng ông không nguyền rủa. Ông chỉ khác viên đốc công một tí như thế thôi. Ông nổi tiếng là người hóm hỉnh, sắc sảo, nhưng bây giờ thì ông không còn một tí hóm hỉnh nào nữa. Như một cái máy, ông nhìn bốn xung quanh tìm lối tẩu thoát. Nhưng ông bị những cây cỏ và cây cao su chắn đường, không chạy đi đâu được.
Ồ! Ông ta đến phát ốm người lên vì cái tên Jackson. Tại sao tôi lại đem vấn đề đó ra làm gì! Ông không tán thưởng câu nói đùa của tôi. Tôi thật vừa bất nhã, vừa vô lễ. Tôi chẳng đã từng biết rằng trong nghề nghiệp của ông, những tình cảm riêng không đáng kể vào đâu hay sao? Lúc đi làm, ông để những tình cảm riêng ở nhà. Đến phòng giấy, ông chỉ còn những tình cảm nghiệp vụ thôi.
- Jackson lẽ ra có được bồi thường không? – Tôi hỏi.
- Có chứ! – Ông đáp. – Nghĩa là theo riêng tôi nghĩ thì đáng lẽ y phải được bồi thường. Nhưng đứng về mặt pháp lý thì không thể như thế được.
Cái hóm hỉnh và cái sắc sảo của ông vừa ban nãy xiêu bạt đi đâu mất, bây giờ ông đã bắt đầu tập hợp lại được.
- Xin ông nói cho tôi nghe, công lý với luật pháp có phải là một không? – Tôi hỏi.
- Cô đã dùng sai chữ đầu của danh từ [34], – ông đáp.
- Ông định nói uy quyền và luật pháp là một, có phải không? – Tôi hỏi và ông gật đầu. – Thế mà luật pháp làm ra là cốt để đảm bảo công lý cho người ta đấy.
- Đó mới là điều quái gở, – ông đáp. – Nhưng dù sao chúng ta vẫn có công lý.
- Chắc là ông đang nói những lời lẽ có tính chất nghiệp vụ, có phải thế không thưa ông?
Đại tá Ingram đỏ bừng mặt lên, đỏ thật sự. Ông lại nhìn quanh tìm lối để lẩn. Nhưng tôi chắn lối đi của ông và làm cho ông cứ phải đứng ngây như tượng.
- Xin ông cho biết, – tôi bảo, – từ bỏ những tình cảm riêng cho những tình cảm nghiệp vụ, như thế có thể gọi là tự mình bóp méo tâm hồn mình đi không?
Đại tá không trả lời. Ông lủi đi một cách thảm hại, gạt đổ cả một chậu cọ.
Sau đó, tôi thử các báo chí. Tôi viết một bài tường thuật về vụ Jackson, giọng bình tĩnh, ôn hoà, mực thước. Tôi không lên án những người tôi đã gặp nói chuyện, cũng không nêu tên họ ra. Tôi đưa những sự việc có thật về vụ này, nhắc lại những năm đằng đẵng Jackson làm cho nhà máy, sự cố gắng của anh để tránh cho nhà máy khỏi bị hư hại và tình trạng cực khổ đói rách của anh hiện nay. Ba tờ báo hàng ngày ở địa phương vứt bỏ bài của tôi, cả hai tờ báo hàng tuần cũng thế.
Tôi tìm cách nắm được Percy Layton.
Y tốt nghiệp đại học và đang tập sự làm phóng viên cho tờ báo có ảnh hưởng nhất trong số ba tờ báo hàng ngày. Tôi hỏi y vì sao các báo không chịu đưa vụ Jackson ra thì y cười. Y bảo:
- Đó là chính sách biên tập, chúng tôi có dính dáng gì đến đâu! Việc này là việc của các ông chủ nhiệm.
- Nhưng sao chính sách lại như thế?
- Chúng tôi với các công ty tư bản là một. Dù bà có trả tiền như thuê đăng quảng cáo, cũng không thể nào đưa một bài như thế lên trên mặt báo được. Kẻ nào cố tình gian lận để đưa lên thì sẽ bị mất việc. Ngay bà có trả gấp mười giá đăng quảng cáo cũng không ai đăng cho bà.
- Thế chính sách riêng của ông thì sao? – Tôi hỏi. –Hình như việc của ông là bóp méo sự thật theo lệnh chủ, chủ ông lại theo lệnh của các công ty tư bản thì phải.
- Tôi không có liên quan gì đến việc đó. – Y tỏ vẻ khó chịu, nhưng rồi lại tươi cười ngay, như vừa tìm ra lối thoát. – Bản thân tôi không hề viết sai sự thật. Tôi không hề làm điều gì trái với lương tâm. Cố nhiên, hàng ngày thường xảy ra hàng đống chuyện ghê tởm. Nhưng làm thế nào được, những cái đó nó gắn chặt với cuộc sống hàng ngày… – Y nói quanh co, rất trẻ con.
- Tuy nhiên chắc ông cũng tính chuyện ngồi vào một cái ghế chủ nhiệm sau này và chủ trương một chính sách chứ?
- Đến lúc ấy thì tôi đã cứng rắn lên rồi, – y đáp.
- Bây giờ ông chưa cứng rắn, vậy ông cho tôi biết theo ý ông chính sách biên tập chung của các ông đúng ở chỗ nào?
- Tôi chẳng nghĩ ngợi cái gì hết, – y liến thoắng trả lời. – Trong nghề làm báo, muốn thành công thì đừng có húc đầu vào tường. Dù thế nào, tôi cũng đã học thuộc lòng được điều đó rồi.
Và y lắc cái đầu trẻ măng của y một cách rất khôn ngoan.
- Thế còn công lý? – Tôi hỏi gặng.
- Bà không hiểu mánh khoé nhà nghề. Mọi việc rồi cũng đâu vào đấy cả, bởi vì lẽ tất nhiên nó phải phù hợp với công lý!
- Thật là mập mờ hết chỗ nói, – tôi lẩm bẩm. Nhưng tim tôi đau nhói thương cho cái tuổi trẻ của y và tôi cảm thấy phải thét lên hay oà lên khóc.
Tôi đã bắt đầu nhìn qua được cái vỏ ngoài của cái xã hội xưa nay tôi vẫn sống và thấy được những sự thật hãi hùng ở bên trong. Hình như có một âm mưu ngấm ngầm gì để hại Jackson và tôi đâm ra có thiện cảm với người luật sư mở mồm là than thở đã cãi cho Jackson. Cái âm mưu ngấm ngầm này đã trở thành rộng lớn. Nó không phái chỉ nhằm Jackson. Nó nhằm tất cả những công nhân đã bị què cụt trong nhà máy. Mà nó đã nhằm hại những người trong nhà máy này thì sao nó chẳng nhằm hại những người trong nhà máy khác? Trong thực tế, ở các ngành công nghiệp khác, tất cũng như thế chứ gì?
Nếu quả như thế thật thì xã hội chỉ là một điều gian dối. Tôi bủn rủn cả người trước những kết luận của chính mình. Hãi hùng quá, khủng khiếp quá, không ai có thể tin là thật được! Nhưng còn Jackson kia, còn cánh tay của anh kia, còn cả những vết máu trên áo tôi và những giọt máu từ trên xà nhà tôi rỏ xuống. Và còn nhiều Jackson (riêng ở nhà máy dệt đã có hàng trăm rồi, như lời Jackson nói). Jackson, tôi không tài nào trốn đâu cho thoát hình ảnh của anh.
Tôi đến thăm ông Wickson và ông Pertonwaithe là hai người nắm số vốn chính trong nhà máy. Nhưng tôi không tài nào làm cho họ xúc động như những người đốc công ăn lương của họ được. Tôi khám phá ra rằng họ có một nền đạo đức cao siêu hơn những người khác trong xã hội. Đó là một thứ đạo đức mà tôi dám gọi là đạo đức quý tộc, đạo đức của nhà chủ [35]. Họ dùng những lời lẽ huênh hoang để nói về chính sách của họ và họ đồng nhất hoá chính sách của họ với công lý. Họ nói với tôi bằng một giọng cha chú và như muốn đưa tay ra che chở sự non nớt và sự thiếu kinh nghiệm của tôi. Trong tất cả những người tôi đã gặp, chỉ có họ là vô hy vọng hơn cả. Họ tin tưởng tuyệt đối rằng cách cư xử của họ là phải. Không còn phải bàn cãi lôi thôi gì về việc này hết. Họ tin chắc rằng chính tay họ cứu vớt xã hội, chính tay họ làm ra hạnh phúc cho mọi người trong xã hội. Họ vẽ một bức tranh thống thiết về những đau khổ mà theo họ đáng lẽ ra giai cấp công nhân phải chịu nếu không được họ cho công ăn việc làm. Những công ăn việc làm ấy, chính họ và chỉ có họ, do khôn ngoan sáng suốt, đã tạo ra cho xã hội.
Vừa gặp hai ông chủ đó về, tôi gặp luôn Ernest. Tôi kể lại cho anh nghe kinh nghiệm của tôi. Anh nhìn tôi hài lòng lắm và bảo:
- Hay quá! Cô đã bắt đầu tìm ra chân lý. Cô đã dựa vào kinh nghiệm bản thân để suy diễn ra thành những nhận xét chung. Đúng lắm. Trong cái bộ máy công nghiệp, chẳng ai là người tự do, trừ nhà đại tư bản mà ngay hắn ta nữa cũng không tự do đâu. Cô xem đấy, các ông chủ hoàn toàn tin chắc rằng bất cứ làm một việc gì, họ cũng đều đúng, đều phải cả. Đó cũng là điều thậm vô lý trong tất cả cái trạng huống này. Họ bị cái bản chất người của họ trói lại đến nỗi không thể làm một việc gì hết nếu không tin chắc rằng làm như thế là đúng. Họ cần phải có một cái gì để thông qua, để thừa nhận những hành vi của họ.
“Khi nào muốn làm một việc gì – cố nhiên là việc kinh doanh – họ phải đợi đến lúc trong óc nảy ra một thứ quan niệm gì đó, có tính chất tôn giáo, hay đạo đức, hay khoa học, hay triết học, chứng minh rằng việc họ làm là đúng. Thế là họ hăm hở thực hiện mà không biết rằng chỗ yếu của tâm hồn con người là: dục vọng sinh ra tư tưởng. Bất cứ làm việc gì, họ cũng tìm ra được một lời phê chuẩn việc đó là tốt. Họ là những kẻ nguỵ biện nông cạn. Họ là những kẻ đạo đức giả. Thậm chí họ thấy cả cách làm điều ác để nảy ra điều thiện. Một trong những điều tưởng tượng rất khôi hài và có tính chất định lý mà họ đã nặn ra là họ khôn ngoan hơn, hữu ích hơn tất cả những người khác trong xã hội. Chính từ đó xuất phát ra lời phê chuẩn rằng họ có quyền quản lý bánh mì và bơ của tất cả những người khác trong xã hội. Họ đã phục hồi cả cái thuyết vua có quyền thay trời trị dân, và trường hợp của họ, tức là những ông vua thương mại [36].
“Lập trường của họ rất yếu, ở chỗ họ chỉ là hạng người kinh doanh. Họ không phải những nhà triết học. Họ không phải là những nhà sinh vật học, cũng không phải những nhà xã hội học. Giá phải thì cố nhiên mọi việc đã tốt. Một nhà kinh doanh giá kiêm cả một nhà sinh vật học hay xã hội học thì đại khái cũng có thể biết điều hay lẽ phải mà làm cho nhân loại. Nhưng ngoài lĩnh vực kinh doanh ra, họ là một bọn ngu xuẩn. Họ chỉ biết có kinh doanh thôi. Họ không hiểu gì về nhân quần xã hội, thế mà dám đứng lên làm trọng tài quyết định vận mệnh của hàng triệu người nghèo đói và tất cả hàng bao nhiêu triệu người khác đang bị ném dần vào cảnh nghèo đói. Một ngày kia lịch sử sẽ cười thối ruột họ ra”.
Tôi không có gì ngạc nhiên khi nói chuyện với bà Wickson và bà Pertonwaithe. Họ là những bà lớn, những người của xã hội [37]. Nhà họ lộng lẫy như những cung điện. Họ có dinh cơ rải rác khắp nước, trên núi, bên bờ hồ, ngoài bờ biển. Kẻ hầu người hạ tấp nập xung quanh họ và những hoạt động xã hội của họ thật là ầm ĩ. Họ đỡ đầu các trường đại học và các nhà thờ và đặc biệt các vị mục sư thì cúi rạp xuống chân họ như một bầy nô lệ [38]. Tiền tài đã làm nên thế lực của họ, và họ đã thành hai thế lực lớn. Họ có cả cái quyền trợ cấp cho tư tưởng đến một trình độ rất cao, như vừa rồi Ernest đã vạch ra cho tôi.
Họ bắt chước chồng như một lũ bú dù và cũng dùng những lời lẽ huênh hoang như thế để nói về chính sách, nhiệm vụ và trách nhiệm của những người giàu có. Họ cũng tuân theo một thứ đạo đức như chồng họ, thứ đạo đức giai cấp của họ; và miệng họ tuôn ra hàng tràng những điều mà tai họ nghe không hiểu.
Cũng như chồng họ, họ phát khùng lên khi tôi thuật lại cho họ nghe tình cảnh khắc khổ của gia đình Jackson và khi tôi ngạc nhiên vì họ không cấp cho bác ta một món tiền nào. Họ tuyên bố không cần ai dạy họ làm những nghĩa vụ xã hội của họ. Khi tôi yêu cầu thẳng là phải giúp đỡ Jackson, họ cũng từ chối thẳng. Điều lạ lùng nhất là những lời từ chối của họ giống hệt nhau, mặc dầu tôi đến gặp riêng từng người và không ai biết tôi đã đến hoặc sẽ đến gặp người kia. Họ đều trả lời là họ rất hài lòng, nhân dịp này tuyên bố dứt khoát rằng họ nhất quyết không bồi thường trong những trường hợp cẩu thả; và họ cũng không muốn vì trả những tiền tai nạn mà cám dỗ những người nghèo tự nguyện gây ra thương tật cho bản thân [39].
Cả hai người đàn bà này nữa, họ cũng đều thành khẩn. Họ tin tưởng cuồng nhiệt vào sự ưu việt của giai cấp họ và của bản thân họ. Họ có một quan niệm đạo đức của giai cấp họ để phê chuẩn những việc họ làm. Lúc lên xe ra về, tôi quay lại nhìn toà nhà đồ sộ của bà Pertonwaithe và tôi nhớ lại câu nói của Ernest: họ cũng bị trói vào máy móc, nhưng bị trói thế nào mà lại ngồi chót vót tận trên đỉnh kia.
Chú thích:
33 -[pharisee = biệt phái] Một giáo phái Do Thái bề ngoài thì giả đạo đức, nhưng bên trong thì sinh hoạt rất bại hoại. Chúa Jesus đã vạch trần bộ mặt gian dối của chúng. Để trả thù, chúng đã liên kết với bọn vua chúa và làm cho Chúa Jesus bị đóng đinh lên câu rút (ND).
34- Trong tiếng Anh,right là quyền hạn, lẽ phải, công lý;might là quyền lực, uy quyền. Hai danh từ chỉ khác nhau chữ bắt đầu (ND).
35- Trước khi Avis Everhard ra đời, John Stuart Mill đã viết trong cuốn tiểu luận “Bàn về tự do” như sau: “Bất cứ khi nào có giai cấp thống trị, một phần lớn đạo đức cũng là từ quyền lợi giai cấp và những tình cảm về sự ưu việt giai cấp của giai cấp đó toả ra”.
36- Báo chí năm 1902 ca ngợi George F. Baer, chủ tịch tơ-rớt than anthracite, người đã nêu lên nguyên tắc sau đây: “Quyền và lợi của người lao động sẽ được những người Thiên chúa giáo che chở. Trong sự sáng suốt vô biên của người, Đức chúa trời đã trao cho những người Thiên chúa giáo quyền sở hữu đất nước”.
37- Xã hội đây dùng theo nghĩa hẹp, theo nghĩa thường dùng thời đó, để chỉ lũ ong đực béo vàng không làm gì cả, chỉ đến cái bọng mật của thợ thuyền mà tọng cho đầy bụng. Kể cả giới kinh doanh lẫn giới lao đông đều không có thì giờ, không có cơ hội tham gia những xã hội này, cái xã hội này là do lũ nhà giàu ăn dưng ngồi rồi “sáng tạo” ra. Chúng không làm gì cả, vì vậy cho nên chúng tìm cách đú đởn.
38- Tình cảm của Giáo hội thời đó biểu lộ ở câu: “Hãy cúng vào Nhà thờ đồng tiền nhơ nhớp của các ngài”.
39- Báo “Viễn cảnh” (Outlook), một tuần báo phê bình thời đó, trong số ra ngày 18 tháng 8 năm 1906, có tường thuật trường hợp của một công dân bị cụt tay, y hệt như trường hợp của Jackson do Avis Everhard kể.