Giã Từ Bóng Tối

- 2 -

Docsach24.com
ế trưa hôm ấy, Tâm chờ cho mợ vào phòng là phóng tuốt ra ngõ đón gánh chè dì Bình. Gớm! Con bé mới sốt ruột làm sao chứ! Ngóng hoài không thấy. Để đỡ sốt ruột, Tâm tự hỏi mình: “Lạ kỳ, sao người lớn không ăn chịu kìa?” và nó tự trả lời một cách thỏa đáng “Chắc người lớn không ăn chịu được, dì Bình không bán, chỉ có con nít mới được phép ăn chịu” Nó thêm: “Người lớn con nít gì cũng ăn chịu thì dì Bình làm sao có tiền?” Tâm cười toét một mình, bằng lòng sự thông minh của nó lắm. Vậy mà cậu mợ và mấy anh chị nó cứ chê nó là ngu, là đồ mọi đen!

Từ đằng xa, dì Bình gánh chè thong thả đi tới phía nó. Trống ngực Tâm đánh thình thình. Nó hốt hoảng, cảm thấy can đảm hầu tiêu tán hết. Nó quay đầu lại tính rút lui nếu ngay lúc đó mà con Lìn và hai người đàn bà nữa không vẫy gánh chè của dì Bình về phía họ. Nhờ mấy người đó, Tâm thấy can đảm bỗng được phục hồi. Nó đĩnh đạc tới gần gánh chè, chờ đợi.

Bọn khách hàng cười nói ba hoa song Tâm không nghe chi cả, trong đầu nó kế hoạch gần như đảo lộn. Nó thấy ghét mình, giận mình quá đỗi. May sao dì Bình hất hàm về phía nó, mời:

- Ăn chè không? Ăn đi Tâm!

Tâm sà ngay xuống, gật đầu, giọng chắc nịch không khác gì những lúc hai chục bạc mới hao hụt vài đồng:

- Múc cho em một đồng đi! Dì Bình!

Dì Bình lẳng lặng múc chè trao cho nó. Tâm đón lấy, đảo mắt nhìn quanh trước khi múc muỗng thứ nhất cho vào miệng. Chao ơi là ngọt, là bùi! Tâm ăn rất dè xẻn, nhon nhón từng hạt đậu, chỉ nơm nớp sợ hết. Chờ cho mấy người kia đứng dậy quay lưng nó mới đưa trả chén không, bụng còn thèm thèm nhưng tự nhủ: “Để lần khác, ăn nhiều sợ lần khác dì Bình không bán”.

Tâm sắp sửa nói “Ăn chịu một...” nhưng nó chưa kịp mở miệng thì dì Bình đã chìa tay, giục:

- Trả tiền đây, Tâm! Mau! Tau còn đi bán kẻo chiều, trời mưa.

Hoảng hốt, Tâm lắp bắp:

- Dạ, em không... có tiền... em... em...

Dì Bình cau mặt, trừng mắt, gằn giọng nạt dồn:

- Không có tiền? Hử? Không có tiền sao dám ăn? Tính quịt phải không?

- Dạ em ăn chịu... một bữa...

- Ăn chịu? Nói ngon không? Nì! Tau nói thiệt, không có tiền thì đừng có liều, ăn ẩu. Muốn xin phải nói trước, con mọi đen! Mi tưởng tau quên hử? Có hai ba mạng chớ phải hai ba chục người ăn răng mà quên? Trả tiền mau! Không tau dói mợ mi ra chừ đây!

Tâm run như cái giẻ phơi trước gió:

- Em lạy dì, em không có tiền, dì đừng dói mợ em...

- Không có tiền thì cởi áo ra thế vô! Quân điêu! Tau không giỡn ví mi! Cởi áo ra...

- Em có một cái áo đây thôi, cởi ra lạnh chết, tội nghiệp em! Em lạy dì! Ví lại, em cởi thế cho dì, mợ em thấy em ở trần, mợ em...

- Mược kệ mi! Tau không cần biết... đồ gian giảo, điêu toa! Mi có trả tiền không thì nói?

Bỗng dưng, dì Bình thấy con bé sao mà dễ ghét quá chừng đi: môi thì dày, đúng là môi miệng quân tham ăn tham uống, mắt thì lồi thấy mà gớm ghiếc, da mặt thì đen kậy, đen kịt như quỷ sứ hiện hình (dù là dì chưa từng thấy quỷ sứ bao giờ). Mà ghét nhất là hắn đã lập tâm, tính ăn quịt... hèn chi khi hồi hắn không ăn liền, chờ cho mấy người tê ăn xong... quân gớm thiệt! Quân ni không tha được, phải trị... trị...

Tiếng dì Bình càng phút càng to, dấm dẳng, ráo riết. Tâm lạy lục, van xin vô ích. Những tiếng đó vang lên tận nhà trong. Lũ trẻ con cậu ùa ra, đứng xem như xem trò xiếc. Một đứa phóc vào mách mẹ liền. Mợ Tâm vừa quấn vội mớ tóc dài, vừa hỏi chõ ra:

- Chi rứa bây? Con Tâm tê?

Trong lúc hai chân bà không ngừng bước ra ngõ. Tâm đứng chết sững, nước mắt nhòe nhoẹt. Dì Bình được thể, cất giọng ơn nghĩa:

- Dạ, bẩm bà, bà nghĩ ai chịu nổi chưa: thà hắn xin tui một chén tui không tiếc chi, đằng ni hắn phỉnh tui... cha sanh mẹ đẻ tới chừ, tui chưa từng thấy con ai chừng nớ mà điêu rứa...

Không cần hỏi ất giáp chi, mợ Tâm sấn lại, túm áo con bé lôi tuồn tuột vào nhà. Con mọi đen bị một trận đòn mê tơi, đáng đích, nhiều hơn, dữ hơn bất cứ trận đòn nào từ trước đến nay. Ban đầu nó còn kêu ca, van lạy, toan phân trần nhưng không ai nghe nó cả: cả các anh, các chị, cả cậu và cả chị Bếp. Đứng ngoài, chị ta còn phụ họa thêm:

- Con ni tệ thiệt! Lần mô nhà cúng con cũng cho hắn vét nồi chớ con có rớ tới mô!

Sau, nó im lặng chịu trận. Không phải nó mặt sứa gan lim như mợ vẫn bảo mà vì nó cạn hơi, mỏn sức đi rồi.

- Thôi! quân nớ có đập như đập bị bông, hắn có biết đau đớn chi mô mà đập cho mỏi tay. Đập rứa bưa rồi! Đi lên, kẻo tối lại mất công xức dầu khuynh diệp, mất công sắp nhỏ bóp tay!

Cậu nói vọng xuống. Mợ buông tay, du con mọi đen vô một xó, rửa tay, đi lên.

Anh Hoài hỏi chị Cúc:

- Tau đố mi tại sao con Tâm hắn dám làm chuyện động trời rứa?

- Tại cơ thể hắn cần chất đường.

- Bông! Tại răng cần chất đường?

- Tại vì hắn hay dậy sớm ra sân bắt sâu cây cảnh cho ba, chất đường thêm nhiệt lượng cho cơ thể, chống lại cái lạnh, ví lại...

- Tầm bậy rồi! Mi nói rứa mà vô thi là zê-rô cho coi! Chất béo tức là chất li-pit mới gây...

- Thôi! Ồn ào quá, buổi trưa cho cha bây nghỉ một chút. Hết chuyện nọ đến chuyện tê, rần rần cả ngày.

Người cha gắt hai con. Bà mẹ sừng sộ, gây liền:

- Ông nói ai rần rần? Lại binh con mọi đen phải không? Muốn đóng trang thờ hắn phải không?

- Ai dũ bà đóng trang thờ hắn? Ăn nói chi mà hàm hồ hàm chứa...

Tức thì bà lồng lên, nhiếc nhóng chồng đủ thứ. Hết chuyện con mọi đen mợ xoay qua chuyện khác. Giọng đay nghiến mợ nói:

- Chỉ biết ăn ví lại ăn thôi! Hết bánh sen tán đến bánh đậu xanh khô, bánh kẹp chưa hết đã đòi bánh ga-tô, bánh thuẫn. Khi mô mà cái thẩu bánh hơi vơi vơi là kiếm chuyện. Ăn như tằm ăn lên...

- Nói rứa mà không sợ người khuất mặt khuất mày hai bên vai vác ghi chép à? Cả một lũ con bà cũng ăn chớ một mình tôi ăn mô? Hễ bưng cái thẩu ra là đứa ni một cái, đứa tê hai cái, có trưa mô tôi uống nước trà, ăn bánh ngọt mà khỏi con bà dự vô? Tôi ăn chi nhiều nhặn của bà mà bà kể lể? Rứa chớ hồi tôi tại chức, tiền vô như nước, một bước xe, hai bước xe, kẻ hầu người hạ răng bà không kêu ca giùm chút? Ai vô hưởng? Cậu mạ tôi có đội mồ lên hưởng mô, mô nà?... Tôi...

Tuy cậu từng hét ra lửa, quát ra bạc nhưng trong phạm vi gia đình cậu không bao giờ qua mặt nội tướng nổi. Mợ trả đũa:

- À! Rứa là tự miệng ông nói ra đó nghe? Bây chừ tôi hiểu lòng dạ ông rồi đó! Ông không muốn cho con ăn, ưng để chúng ăn lường ăn quịt, hay hơn phải không?

Mợ vô tình nhắc lại tội lỗi cháu cậu, tưởng cậu sẽ ngán mợ, ai ngờ quá giận vì bị vợ cho là mình ham ăn với con, cậu phát khùng lên, cậu kể phăng ra:

- Tại ai? Tại răng đến nỗi hắn phải ăn lường, ăn quịt? Ngày mô mà con bà không ăn của ngọt? Mà có khi mô bà thí cho hắn một rẻo bánh không? Nì, bà trả lời cho xuôi coi?

- Trời ơi! Ông binh con mọi đen dữ, hỉ? Tôi giao nhà cửa lại cho cậu cháu ông, mẹ con tôi đi chừ đây! Tôi không ham đâu...

Cậu ngắt lời mợ, đanh thép:

- Đừng có ồn, thiên hạ người ta cười cho thúi óc. Tui hỏi bà từ con bếp, vú già cho chí bọn tôi tớ trước ni, có đứa mô dễ sai, dễ khiến, làm luôn tay luôn chưn như hắn chưa? Bà thí cho hắn mấy trự bạc công? Có tấm áo mô lành không? Vừa vừa chớ! Còn lưu cái đức lại cho con chớ! Ăn ở chi mà cạn tàu ráo máng, trời mô mà dung? Hừ! Đừng có nói tôi bênh! Không ai thương yêu gì thứ đó, cái chi cũng phải phải, phân phân chớ...

Mợ nghẹn họng. Mợ lảm nhảm vài câu chiếu lệ rồi thôi. Hai bên hưu chiến.

Không ai rỗi hơi tìm hiểu nguyên do nào khiến một con bé nhút nhát lại cả gan như vậy.

Sự thật thì Tâm không hiểu rằng ăn chịu nghĩa là,ăn mà không trả tiền ngay, nhưng vẫn phải trả vào ngày khác. Hoặc muốn văn chương thì nói thế này: “Đó là một hình thức vay mượn, tuy không bằng hiện kim”. Nó ngỡ rằng khi một đứa trẻ không có tiền mà muốn ăn quà thì cứ ăn, miễn ăn xong, nhớ nói “ăn chịu” và phải nhớ nói trước chớ để lâu như nó, người bán hàng sẽ đòi tiền và lúc đó thì vô phương cứu vãn!

Nó ngu ư? Không đâu: rõ ràng nó nghe con Lìn nói: “Ăn chịu một bữa, dì Bình!” Thế thôi, chớ trước sau có nghe con Lìn nói “mai mốt trả tiền” đâu mà biết? Nếu con Lìn có nói thêm mấy tiếng sau thì có cho nó vàng khối, nó cũng không dám liều lĩnh vậy. Thật đáng thương cho cái đầu óc tối tăm như màu da của con bé! Tận đến lúc bị trận đòn nhừ tử Tâm vẫn còn băn khoăn về tội trạng mình. Nó tự hỏi: “Hay là bởi nó đen đủi xấu xí, nên dì Bình không bằng lòng cho nó được ăn chịu?”. Thế thôi!