Giã Từ Bóng Tối

- 1 -

Docsach24.com
rời rét như cắt, rét căm căm. Có lẽ chưa năm nào Huế rét tợn như năm nay. Tâm run lập cập, thu hai tay vào túi áo cho đỡ rét, nhưng vô ích. Nó phải rướn người lên, lấy gân, thở thật mạnh thì mới nghe bớt lạnh, nhưng cứ hễ quên đi một chút, thở bình thường, không rướn người lên, không lấy gân tức thì cơn rét gia tăng khủng khiếp.

Thuở bé, Tâm nghe bà ngoại kể chuyện rằng các xứ bên Tây phương vào mùa đông còn rét hơn xứ mình nhiều: mặt nước sông đông lại cứng như nước đá, người ta có thể chạy băng qua sông khỏi cần thuyền, đò chi cả. Tâm cho là thật thích thú khi được băng ngang như thế. Nhưng giờ đây, chỉ nghĩ đến nó đã rùng mình, vì nó đã nếm, không phải qua loa, sơ sịa mà là nếm kỹ, mùi lạnh của những ngày đông.

Nói như thế, không có nghĩa là nay Tâm đã lớn lao chi cho lắm. Nó mới chín tuổi đầu. Nó không ngu đần quá mức, song quả thật nó kém lanh lợi so với các trẻ cùng lứa tuổi. Tâm bị cả nhà ghét bỏ (nói cho đúng thì cả đại gia đình ghét bỏ, trừ có mỗi bà ngoại mà thôi, song nay bà ngoại không còn nữa, bà mất rồi) chỉ vì một tội không do nó làm ra: nó không được xinh đẹp đã đành, nó lại còn đen cậy, đen kịt, tóc quăn mắt lồi, môi thì dầy, mũi lại tẹt. Nom nó, người ta nghĩ rằng Tạo Hóa chơi khăm, ở hình thù đứa trẻ cái gì cũng già tay. Chắc lúc sáng tạo giống dòng nhà nó - người da đen đầu tiên trên quả đất - Tạo Hóa cố ý làm nổi bật cái xấu lên, cũng như Ngài làm nổi bật cái đẹp của giống dân da vàng, da trắng, nhất là da trắng vậy!

Người ta cứ nghĩ bên Tây bên Mỹ mới có nạn kỳ thị da mầu. Không! Người ta lầm to, ở đây cũng có, có điều ít người biết đó thôi: bằng cớ là Tâm bị đối xử tàn tệ độc ác chỉ vì mầu da của nó.

Tâm không biết mặt mũi cha nó ra sao, còn mẹ nó, nó chỉ nhớ mang máng thôi, vì từ khi lên bốn nó đã mất mẹ, mất biệt, không tin tức.

Cũng không ai nói rõ cho nó biết nguồn gốc nó. Nó chỉ mang máng hiểu rằng nó ra đời trong một đại gia xứ Huế, mẹ nó là con gái út của đại gia này. Các cậu, các dì nó đều mang những chức tước to lớn và chừng như để xứng đáng với những chức tước đó, người nào cũng khệnh khà khệnh khạng, hết sức quan liêu kiểu cách trong sự giao tiếp với bên ngoài cũng như lúc đối xử với nhau trong gia đình.

Trước năm lên bốn, Tâm không hề nếm mùi bị hắt hủi, bạc đãi vì bên cạnh nó có bà ngoại. Bà ngoại hiện thân của một bà tiên nhu hậu lúc nào cũng hết lòng bên vực đứa cháu bất hạnh của mình.

Lúc ấy, Tâm còn bé lắm, song nó đã biết tránh những tia nhìn sắc, bỏng của các cậu các dì mỗi lần chạm mặt. Tâm vẫn thường nghe - mà nó không hề để ý - mấy người này đề nghị bà nên mang nó gửi vào viện mồ côi cho khỏi nhục nhã, vướng bận, khó coi, cho khỏi mang tiếng, khỏi bị người ta dị nghị nọ kia... Song trước sau bà ngoại vẫn cương quyết không nghe theo. Bà nói:

- Đừng xui bậy tao, vô ích. Tao già rồi, tao không ngu hơn tụi bây đâu. Nó có tội lỗi gì? Sao lại tính chuyện đầy đọa nó? Nhà mình nghèo túng gì mà không cưu mang nổi một đứa bé bằng cái hạt mít thế này? Nó đã không cha, lại mất mẹ, tụi bây còn lòng dạ nào...

Và bà ngừng lại thình lình, tấm tức khóc, khóc dai dẳng không thôi. Tâm thấy bà khóc, nó thương lắm, nó ôm chặt bà, như cố an ủi, dỗ dành bà để bà nguôi. Một lát, bà nghẹn ngào nói với Tâm:

- Bà thương cháu lắm, nhưng bà đã già rồi, nay mai bà chết, không biết cháu sẽ ra sao?

- Cháu chết theo bà!

Tâm hăng hái nói.

Ngoài bà ngoại, còn có vú già là biết thương Tâm. Nhưng vú già bận việc, không có thì giờ đâu mà săn sóc nó.

Thế rồi, ngày bà lo ngại đã đến: bà lâm bệnh. Và cơn bệnh gia tăng lên mỗi ngày, sức khoẻ bà hao mòn theo. Cho đến một hôm, bà tắt thở.

Tâm còn bé quá, chưa biết đau buồn là gì, nó chỉ ngạc nhiên khi thấy cả nhà tụm lại quanh bà, mà bà thì không cử động, nói năng chi, cứ y như là ngủ. Họ lăng xăng may sắm quần áo mới cho bà, nâng bà ra khỏi giường tắm táp như là săn sóc một em bé và sau cùng, họ đặt bà vào trong một cái rương to, bên ngoài sơn đỏ chói.

Tận lúc đó, con bé mới đâm hoảng lên, xán lại gần áo quan bà, hét dựng, phản đối:

- Không! Mấy người không được bỏ bà vô đó, bà của Tâm! Để bà ngủ trên giường kia!

Tức thì, nó bị ngay một tát tai đánh bốp vào giữa mặt làm nó tối tăm mặt mũi, òa ra khóc. Cậu Phủ - tức là cậu cả làm quan Phủ - nghiêm giọng truyền:

- Bây đâu, đem con khốn xuống nhà ngay!

Dì Cử, chị kế mẹ Tâm - có chồng là Cử Nhân - quắc mắt, thêm:

- Câm miệng! Mi mà còn làm ồn lên thì biết...

- Hu hu, con muốn thấy bà, xin dì cho con được thấy bà, con không khóc nữa!

Dì Cử vẫn không nao núng, giọng dì lạnh băng:

- Câm! Tao biểu mi câm ngay!

Trong lúc Tâm còn ngơ ngác chưa hiểu mô tê gì thì một giọng khác, đanh ác hơn, gằn từng tiếng.

- Thấy bà hả? Đừng hòng! Từ rày không khi mô mi thấy bà nữa con mọi đen tê. Bà chết rồi, con ngốc!

Tâm lặng người đi. Bà chết rồi? Nghĩa là bà sẽ mất biệt như mẹ nó? Trời ơi! Rồi đây ai bênh vực nó? Ai săn sóc nó? Tâm sợ hãi cho đến nỗi ráo cả nước mắt, riu ríu đi theo người đàn ông mà cậu Phủ du nó lại lúc vừa rồi. Tâm không biết đó là ai, nó chưa hề thấy mặt nhưng trông bộ dạng thật hung tợn, làm nó càng hãi. Hắn lôi Tâm đi xềnh xệch. Xuống đến nhà ngang, hắn giao Tâm cho vú già, dặn:

- Giữ kỹ hắn đó nghe? Đừng cho hắn sổng ra, quan quở chừ, nghe!

*

Ngày tháng trôi qua. Tâm hứng chịu nhiều khổ sở, đau đớn... Vú già không có uy quyền như bà ngoại nên không thể bênh vực nó hiệu quả. Vú chỉ biết khóc mỗi khi thấy nó khóc, và pha nước muối xoa cho nó mỗi khi nó bị đòn sưng mặt, bầm da.

Tâm nhớ bà tha thiết, nó thầm ao ước giá như bà trở về cùng nó thì nó có bị đòn, bị mắng, nó cũng cam lòng; nhưng điều ao ước viển vông đó không bao giờ trở thành sự thật.

Cậu Phủ của nó đã hết làm quan. Cậu về hưu non, về nhà, (cái nhà năm gian rộng thênh thang trước đây chỉ mình Tâm, bà và vú già ở mà thôi) cùng với vợ con.

Cậu bảo rằng cậu đã chán hết mọi sự đời, chỉ muốn yên thân vui thú điền viên. Cậu chăm chút kỹ lưỡng từng cành hoa, cái lá. Sáng sớm, Tâm ra bắt sâu, bón phân, trong lúc cậu mợ và các tiểu thơ, công tử còn vùi mình trong chăn ấm, hoặc đang ngồi nhấm nháp những ngụm trà thơm bốc khói trước lò sưởi rực lửa hồng!

Tâm xuýt xoa vì rét, co ro, cóng róng như con gà mắc mưa, trông thật thảm hại. Nó thu một tay vào túi áo, còn tay kia thì vạch lá bắt sâu. Thỉnh thoáng nó ngừng tay, thở mạnh, há miệng to cho hơi ấm bay ra, giơ tay đón bắt làn hơi ấy và xát mạnh hai tay vào nhau cho đỡ cóng. Nó vẫn không chừa thói ao ước vớ vẩn. Có lần nó ước biến thành cái cây để hứng sương, gội mưa mà không rét, lại được bàn tay người chăm sóc. (bấy giờ nó hết ao ước được thấy mặt bà rồi).

Tâm vừa làm việc vừa lắng tai nghe những mẩu chuyện rời rạc trong nhà vọng ra. Nó làm việc lơ đãng thật. Nhưng làm sao nó chăm chú nổi? Trong nhà có trà nóng, có lò sưởi và tiếng cười đùa của bọn trẻ lớn hơn nó và bằng cỡ nó cứ như chọc vào màng tai nó kia thôi!

Tâm nghe giọng mợ lanh lảnh:

- Năm ni răng mà lạnh ghê! Chưa đến tiết Đại Hàn mà lạnh thế ni...

Giọng cậu khàn khàn, đùng đục:

- Linh, coi mược thêm áo ấm vô, đừng có khinh thường, bị cảm hàn chừ!

- Ăn thua chi mô, ba! Con Tâm hắn đứng ngoài kia, có răng mô! Con...

Tức thì cậu ngắt lời con trai, giọng ông giận dữ khác thường:

- Quân ngu! Mi mà lại đi so bì với con mọi đen nớ, hử?

Tiếng mợ bênh con:

- Thôi! Có đáng chi mô mà ông nổi nóng lên mắng con dữ rứa cho nó tủi?

Và mợ đổ tất cả lên đầu Tâm:

- Thiệt tôi khổ quá! Cái nhà ni sinh chuyện luôn vì chứa con mọi đen trong nhà. Làm ăn lụn bại, con cái bị la rầy... Tống đầu hắn đi mô thì tống cho rảnh mắt. Chịu hết nổi... chịu hết nổi rồi!

Mấy lời mợ như ngọn đuốc châm vào đống rơm khô: cơn giận của cậu bùng lên, cậu hét toáng:

- Việc chi đến bà mà nay đòi tống, mai đòi đuổi? Nuôi hắn tốn kém lắm răng? Hắn ăn cơm thừa cơm cặn, hắn không ăn thì cũng đến đổ cho chó ăn chớ chi đó mà tiếc, mà kể lể?

Tâm nghe những lời cậu bênh vực mình, vừa xót xa vừa cảm động. Thì ra, trong cuộc đời côi cút bất hạnh của nó cũng còn có một người đoái tưởng, xót thương. Tâm cảm thấy sung sướng cho đến nỗi trong một phút nó quên cả lạnh! Thì ra lâu nay nó lầm, nó cứ tưởng cậu cũng như mọi người...

Đột nhiên, tiếng mợ nó the thé chì chiết:

- Không tốn kém bao nhiêu! Tôi ăn từ đường hương hỏa nhà ngang, dãy dọc chi mô? Nhiều lắm răng? Ông nói mà không rờ sau ót... Cơm cao gạo kém, mỗi thứ mỗi tiền, ông giao cho tôi mỗi tháng bạc muôn, bạc ức chắc? Nì, tôi nói cho ông biết...

Giọng mợ nhỏ dần, rít qua hai hàm răng đen bóng và khít rịt, Tâm không nghe rõ nữa. Nó thở dài, bâng khuâng nhớ đến bà. Dù sao, Tâm nghĩ rằng mình cũng được cậu bênh vực cho ít tiếng, thế cũng quí rồi, Tâm không dám mơ ước hơn.

Nỗi sung sướng vì được bênh vực làm con bé khốn khổ bước chệnh choạng, nó cảm thấy nó nhẹ tênh... Tiếng cậu cất lên:

- Thôi! Đừng nói lắm rát tai. Ta không bênh vực chi hắn mô, đừng nhiều chuyện. Bà ưng tống hắn đi mô thì cứ việc. Có giỏi cứ tống đi, coi! Miễn thuê cho tôi một đứa siêng năng giỏi giắn như rứa đặng thay vô là được, một đứa cho lanh chân lẹ miệng, chớ không phải con bếp chằn tinh, nấu canh bỏ sâu trong nồi đâu. Đừng dài lời. Con nhỏ suốt ngày quay như cái vụ: bửa củi, tưới cây, vo gạo, xách nước, mua cao lâu cho mẹ, mua bún bò, bánh ướt cho con. Một buổi sáng mà chạy mua năm bảy món ăn, người ni, món ni, người khác, món khác. Đời chừ chớ phải thuở trước mô... Bạc ngàn chưa chắc thuê được như rứa. Đứa mô mà ở được nhà ni, e rằng phải có ba đầu sáu tay mới bưa nổi với mẹ con bà.

Mợ hét:

- Nuôi mà không cho sai à? Rứa nuôi để chi? Để thờ à? Có phải chỉ để bắt sâu và tưới cây cho ông không thì cho biết thử coi?

Cuộc đấu khẩu giữa hai người chưa chấm dứt ngang đó song Tâm nản, hết tò mò, hết muốn nghe. Nó muốn biết rõ là ban nãy nó lầm: nó như từ tầng cao rơi tuột xuống vực thẳm sau khi nghe những lời phân bua rành rẽ của cậu. Nó muốn khóc, song nước mắt nó như khô cạn từ lâu. Nó bật lên thành tiếng:

- Mẹ ơi! Bà ơi! Không ai thương con hết!

Tâm không bao giờ kêu cha.

*

Đến tuổi nó, đáng ra phải được cắp sách đến trường. Nhưng không ai nghĩ đến việc khai tâm mở trí cho một con mọi đen như nó cả. Tâm cũng không lấy làm lạ, nó chỉ hơi tiêng tiếc mỗi khi nó vớ được cuốn sách - bất kể sách gì, sách của ai - đâu đó, đang mải mê lật xem thì bị ngay một anh hay một chị - con của cậu nó - xông lại giằng ra khỏi tay, nói mỉa:

- Thôi! Mọi đen mà cũng bày đặt đọc sách!

Tâm còn ngơ ngác, ngỡ là nó bị trừng phạt về cái lỗi dám phạm thượng mó đôi bàn tay đen đủi bẩn thỉu vào sách của họ, thì ngạc nhiên làm sao: họ vứt ra xa, chứ không phải giằng lại để cất. Tâm không tiếc nữa, nó tủi thân thấm thía.

Tâm lờ mờ hiểu rằng hạng như nó thì chỉ được ăn cơm thừa, canh cặn, thứ chỉ để dành cho chó. Song sự thực còn tệ hơn, nó còn thua con chó nhà cậu: vì mỗi lần có khách lạ vào nhà, cậu mang con chó khoe, chứ nó, tuyệt nhiên không. Nó là cái gai, là con vật bẩn thỉu xấu xí... bằng cớ là nó không được pha nước trà cho khách, không được chường mặt lên nhà trên bao giờ!

Mỗi năm mỗi tuổi, nỗi khổ nhục chồng chất, tăng trưởng theo năm tháng. Vú già không chịu nổi thói cư xử tệ ác của cậu mợ nó, xin thôi. Tâm ước gì mình cũng dễ dàng xin thôi như một kẻ tôi tớ vậy! Vú già trước khi đi, kêu nó ra chuồng heo, giúi vào tay nó hai tờ giấy 10 đồng mới toanh, đỏ chói, nghẹn giọng mà nói với Tâm:

- Này Tâm! Con gắng mà siêng năng kẻo bị đòn khổ thân, nghe chưa? Vú về quê...

- Rồi chừng nào vú ra?

Tâm hốt hoảng hỏi. Vú buồn rầu:

- Chắc không...

Nhưng thấy con bé rơm rớm nước mắt vú chữa lại:

- Chắc lâu lắm...

- Vậy mà vú nói vú thương con! Ai cũng bỏ con, đi hết...

- Vú thương con lắm chớ, phải chi cậu mợ cho phép, vú đem con về quê liền. Con ưng ở với vú không? Nhà vú nghèo khổ, mà... mà điều vú thương con, dầu bữa cơm bữa khoai...

- Con không sợ nghèo khổ. Con ưng ở với vú hơn, sao vú không xin...

Vú già lấy tay bưng miệng đứa trẻ lại, giọng lo ngại:

- Chết! Con đừng nói dại, ai nghe được thì khổ thân. Ráng chịu khổ ít lâu. Mai sau con lớn Trời Phật thương, con sẽ được sung sướng...

- Trời Phật không thương con đâu, con biết!

Giọng hờn dỗi Tâm ngắt lời vú già. Vú gắt:

- Nói bậy! Ai nói với con là Trời Phật không thương con? Đừng nói bậy con Tâm! Trời Phật công minh lắm... Con phải...

Từ nhà trên có tiếng mợ quát lên the thé:

- Con mọi đen lủi đi mô rồi?

- Nó ra ngoài chuồng heo nói chuyện với vú già đó, mạ nờ!

- Chuyện chi lâu lắc rứa? Tâm tỉ chuyện chi rứa? Nói trộm nói xấu chi tau?

- Thôi! để vú đi! Đừng có bịn rịn vú thêm buồn! Cất hai chục ni để dành mua chè đậu ván ăn nghe?

- Con không thèm ăn chè, con ưng đi theo vú...

Tâm giữ chặt áo vú, song vú già nhẹ nhàng gỡ tay Tâm ra, nước mắt ròng ròng lăn dài trên đôi má nhăn nheo, vú đi thẳng, không quay lại. Tâm nức lên, òa khóc, quên cả bị mợ rầy...

*

Nhờ hai chục bạc Vú già cho, Tâm được hưởng cái ngọt ngào, bùi ngậy và thơm qua những chén chè đậu ván của dì Bình.

Nó tiện tặn, không dám ăn đều mỗi ngày, cứ dăm ba ngày mới lẻn ra ngõ, đón dì Bình đi ngang, mua một chén.

Tâm rất yên lòng thưởng thức món quà quí giá, vì vào giờ ấy, cậu mợ đã yên giấc nghỉ trưa. Chị bếp cũng nằm khoèo trên bộ ván giữa nhà ngang, đánh một giấc.

Nhưng hai chục bạc to lớn đó vẫn chưa hẳn là cái kho vô tận, cho đến một hôm kia, Tâm ăn đến đồng bạc cuối cùng. Nó nhai thật kỹ, hay nói đúng hơn, nó không nhai, nó ngậm trong miệng chờ cho nước bọt thấm qua hạt đậu ván bùi ngậy và hạt đậu tan ra, lẫn trong những hạt nếp nhừ bấn, bấy giờ nó mới nuốt đi. Chờ một lúc dì Bình mải cúi xuống thò cái vá đồng sáng loáng vét những hạt đậu bám quanh xoong chè, Tâm thè lưỡi liếm quanh lòng chén, thật kỹ, thật sạch, và nó chắc lưỡi thèm thuồng. Tâm nghĩ thầm một cách hối tiếc:

“Phải chi hôm kia đừng ăn, để bữa ni ăn một bữa cho đã thèm rồi nhịn cũng sướng!”

Dì Bình tuy không thấy Tâm liếm chén chè, nhưng đến khi nhận chén, sắp nhúng vào chậu nước mang theo rửa qua loa bỗng dì ngừng lại kêu to:

- Tâm! Bộ mi liếm răng sao mà chén chè sạch dữ ri?

Tâm bẽn lẽn không dám nhận mà cũng không chối, cắm đầu chạy thẳng vô nhà.

Tâm vốn ghét những khi nhà có việc. Nó đã bận luôn tay, mà mỗi khi nhà có việc nó lại càng khổ thân hơn: dậy từ khi gà gáy đâu vài lần, và mãi tới khuya lắc, khuya lơ mới được phép đặt lưng xuống ngủ.

Nhưng hơn nửa tháng nay nó cứ ngong ngóng trông cho nhà có việc (nghĩa là có chuyện cúng kính) đặng mình được dịp vét nồi... chè. Thường sau khi múc cúng xong, chị bếp ưu tiên việc vét nồi, song dù vét kỹ đến mấy cũng còn sót chút đỉnh. Bằng giọng hách dịch của bọn đầy tớ nhà sang, chị kênh kiệu bảo Tâm:

- Con tê! Vô vét nồi đi tề! Mau lên rồi lấy xơ mướp mà chùi sạch cho tau đặng chiều ni tau nấu cơm. Sướng không? Tau để phần cho mi đó, con yêu nợ!

Tâm cười toét miệng, bày cả mấy cái răng sún, đón nồi chè không như đón của quý!

Vậy mà nửa tháng nay nó trông đợi hoài công. Chưa tới kỳ giỗ chạp, không có vía vang gì hết, nên việc cúng kiếng không đến. Tâm thèm chè ghê gớm.

Để đỡ thèm, mỗi bận mợ hay các anh chị sai ra phố mua sắm gì, nó nấn ná chờ đến khi dì Bình gánh chè đi ngang qua mới đi mua, nếu liệu việc không gấp. Đi ngang gánh chè dì Bình, Tâm trùng trình đứng lại, gặp lúc dì đang mở xoong chè múc cho khách hàng thì nó len lén phồng mũi hít lia lịa, dáng bộ trông thật đáng thương.

Có khi, bỗng dưng một ý nghĩ khùng khùng đến với nó: nó ước trở thành cái xoong đựng chè cho sướng!

*

Một bữa, Tâm tần ngần đứng nhìn thực khách bỗng nó để ý thấy con Lìn (con bà Tàu bán cao lâu) ngồi ăn chè một cách ngon lành, ăn xong nó đứng lên không xỉa tiền ra trả cho dì Bình như thói quen trước nay và như mọi khách hàng khác mà dõng dạc nói:

- Ăn chịu một bữa, dì Bình!

Tâm ngạc nhiên hơn, khi nó thấy dì Bình cười toe toét:

- Được! Muốn ăn mấy thì ăn, không can chi!

Ăn mấy thì ăn không can chi! Ăn mấy thì ăn không can chi! Suốt ngày, suốt đêm lúc làm việc, lúc ăn cơm cho chí tận lúc ngủ câu đó cứ vang vang trong đầu nó, láy đi, láy lại như một điệp khúc không ngừng!

Chà! Cái dì Bình bán chè coi vậy mà tử tế biết chừng nào! Nếu dì đã tử tế, dễ dãi với con Lìn đến mức đó thì chắc dì cũng không hẹp bụng chi đối với Tâm...

Tâm cứ vương vấn ý nghĩ: “Ăn chịu chè của dì Bình một bữa. Hừ! Mình mà ăn chịu thì mình ăn hai ba chén cho đã thèm, ăn chi một chén mất công...”

Song Tâm chỉ hăng hái, quyết liệt trong đêm tối, trong lúc nằm ngủ hay trong khi quơ củi, vo gạo, chớ mỗi lần gặp dì Bình gánh chè ngang qua tầm mắt, quyết định tiêu tán mất. Nó sợ quá: ngộ dì ấy trở mặt giở chứng níu áo đòi tiền thì có mà chết gấp! Tâm không dám. Chớ sao! Ai cấm dì tử tế với con Lìn mà không tử tế với Tâm? Tâm, một con bé mồ côi, nghèo khổ, đen thui, đen thủi thế này, này...

Gần hai tháng trời trôi qua, sự thèm khát càng nung nấu, thôi thúc trong lòng nó. Nó vẫn không tiến tới quyết định được, nó do dự, chần chờ. Nó đâm giận mình, có gì khó khăn đâu: chỉ việc ngồi xuống, điềm nhiên biểu dì Bình múc chè cho ăn, ăn xong, đứng dậy dõng dạc nói:

- Ăn chịu một bữa, dì Bình!

Thế là chu! Có gì là khó đâu, mà nó sợ kia chứ? Sao nó không dám thực hành chứ?

Một đêm kia nằm mơ, nó thấy nó làm được điều nó muốn, không vấp chút trở ngại nào cả. Mọi chuyện êm xuôi hết. Và nó còn nhớ khi nó đứng lên, lấy lai áo lau miệng nói mấy tiếng “ăn chịu một bữa dì Bình” thì dì ấy không chỉ cười toe toét và chỉ nói: “Được, muốn ăn mấy thì ăn, không can chi” mà còn khuyến khích nó ăn thêm bằng giọng ngọt ngào:

- Ăn nữa đi, Tâm! Tau thương mi lắm, Tâm ơi!

Rồi kỳ diệu thay: sau câu ấy, tức thì dì biến thành bà ngoại. Tâm nghĩ: “Phải rồi! Không phải dì Bình bán chè, mà bà ngoại, nên bà ngoại mới thương mình cho ăn thả cửa”. Nó kêu lên: “Ngoại ơi” rồi sà tới ôm chặt ngoại nhưng ngoại xô nó ra, gánh gánh chè lên. Tâm khóc ngất...

Tỉnh giấc, Tâm ngơ ngẩn hồi lâu. Suốt ngày hôm đó, Tâm như người bị ma đốt hồn - lời mợ nó - Song nó không để ý chi đến điều bị mắng mỏ, nặng nhẹ. Nó lẩm bẩm:

- Mình phải ăn chè. Mình cứ ăn chịu là xong! Con Lìn nó ăn được, mình ăn được! Phải ăn!...